Tác phẩm chọn lọc

25/5
7:47 PM 2019

GIỚI THIỆU 3 TRUYỆN NGẮN CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN CHU NHẠC

Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc, sinh năm 1957, quê Hưng Yên, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, hiện làm việc ở Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC. Đã in 15 tạp truyện ngắn, bút ký và thơ. Tập truyện ngắn “Đêm nguyệt thực” đã được trao giải thưởng năm 1993 của Hội LH VHNT Hà Nội; Giải nhất cuộc thi truyện ngắn do Đài TNVN và NXB Hội Nhà văn phối hợp tổ chức năm 2004. VANVN.NET trân trọng giới thiệu 3 truyện ngắn của anh

                                              Nhà văn Nguyễn Chu Nhạc

GIẢI THOÁT

                                                     

                                                 Truyện ngắn của Nguyễn Chu Nhạc

 

Quê tôi cách Hà Nội không xa. Đó là một làng quê nằm ven một nhánh sông lớn đổ về sông Hồng. Cho đến bây giờ, đã ba chục tuổi nhưng tôi luôn có cảm giác là cuộc đời tôi cả những năm trước đây và sau này bị ám ảnh bởi một cảnh tượng mà lần đầu tiên tôi nằm mơ khi tôi mới chừng năm hay sáu tuổi gì đấy. Tôi thấy cảnh ở dưới đáy một cái hồ, hoặc đầm rộng có một con vật to lớn thân dài, đầu to, răng nhọn hoắt, mắt sáng, móng sắc và cả thân hình được phủ bởi một lớp vảy cứng. Cho đến năm mười tuổi, tôi con mơ thấy con vật ấy mấy lần nữa. Và lần nào cũng vậy, con vật kỳ lạ này bị một hòn đá đè lên gáy làm nó rãy rụa nhưng không làm sao hất nổi hòn đá ra và vì thế nó chẳng bao giờ cất nổi đầu lên được. Có thể hồi mơ thấy cảnh tượng đó tôi còn quá bé nên tôi không hiểu con vật đó là con gì, vả lại, tôi giữ kín trong lòng mà chẳng dám hé răng nói với ai, ngay cả mẹ tôi. Rõ ràng là con vật đó không giống bất cứ con vật nào như trâu bò, lợn. chó… đại loại các loài vật mà tôi nhìn thấy hàng ngày.

Rồi một lần, mẹ tôi cho tôi về chơi quê ngoại. Khi mẹ dắt tôi đi trên đường làng, ngang qua cửa đình thì tôi giật mình nhìn thấy trên mái đình có hình con vật giống hệt với hình dạng con vật từng nhiều lần xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Tôi hỏi mẹ đó là con gì thì mẹ bảo nó là con rồng. Tôi tò mò muốn biết thêm rồng là con vật như thế nào và sống ở đâu? Mẹ chỉ ừ à cho qua chuyện, rồi còn át đi rằng tôi là trẻ con chỉ hay hỏi lung tung. Lát sau mẹ bảo: “Con phải học cho giỏi. Lớn lên con tự tìm hiểu lấy xem con vật ấy nó như thế nào. Mẹ là đàn bà chỉ biết đến đấy thôi”.

Nghe lời mẹ, tôi cố lắng nghe. Thế nhưng, dù cho tôi có thông thuộc bốn phép tính, thuộc lòng bảng cửu chương, thì tôi vẫn chẳng biết thêm về con rồng. Ở làng tôi có ông Tố Vị, lúc đó ông đã gần sáu mươi, được người làng xem là người hiểu biết nhất. Người ta bảo rằng ông biết cả chữ Hán, chữ Nôm hiểu tử vi tướng số. Cả làng, hễ nhà nào có việc đại sự như làm nhà, cưới hỏi gì đó, người ta đều đến hỏi ông. Tôi tìm đến nhà ông Tố Vị, kể chuyện tôi mơ thấy con rồng bị đá đè ở gáy. Chắm chú nghe tôi kể, rồi ông hỏi tuổi của tôi và bảo: “Mày sinh năm Thìn, cầm tinh con rồng, mày mơ thấy rồng là phải. Có điều, rồng bị chẹn đá ở gáy còn làm nên trò trống gì. Hoặc sau này mày là thằng tâm thần, hoặc có điều bí ẩn chi đây.” Khi tôi gặng hỏi xem con rồng nó thường sống ở đâu để tôi tìm cách bắt thì ông cười ầm lên và bảo: “Con rồng không có thật. Con rồng là sản phẩm của sự tưởng tượng, nhưng lại là con vật hổ lốn, tam khoanh tứ đốm. Nó có mình rắn, đầu sư tử, móng vuốt của loài hổ báo, vẩy của loài thủy sinh… Các vua chúa ngày xưa lấy rồng làm biểu tượng cho uy quyền và sự cao quý của mình… Uy quyền cũng không có thật, chỉ là sự huyễn hoặc, bởi lúc thì uy quyền là có thật, khi khác chỉ là hư vô”…

Nghe ông nói, tôi không hiểu, vả lại tôi không tin ông, tôi tin vào giấc mơ của tôi hơn. Đêm ấy tôi trằn trọc, suy nghĩ lung tung. Đến gần sáng, tôi mới chợp mắt đi được và tôi lại mơ thấy cảnh tượng cũ. Có điều khác trước là cảnh tưởng tượng không hư ảo mà rõ ràng hơn, con rồng nằm dưới đáy cái đầm rộng, cạnh quán Táo, có cống thông ra sông. Tôi giật mình choàng tỉnh bởi con rồng tung mình giãy giụa, cố hất hòn đá ra nhưng không nổi. Trời còn mờ tối. Tôi lén ra khỏi nhà, chạy hộc tốc ra phía đầm quán Táo. Tôi đứng trên nóc cống, cố mường tượng lại giấc mơ để định vị. Tôi nhảy xuống đầm, lặn ngụp. Tôi quyết tìm cho ra nơi con rồng bị giam hãm bởi hòn đá. Nhưng lặn mãi, quờ quạng mãi, tôi chỉ thấy toàn là bùn, vài ba vỏ ốc, xác cua chết. Mệt quá, tôi lên bò ngồi thừ ra. Đôi ba người đi chợ sớm ngang qua thấy tôi bèn hỏi, tôi nói dối là đi nhấc dọ. Nhưng khi ông Tố Vị đi qua thì tôi đành phải nói thật, và ông bảo tôi về đi. Tôi còn nghe rõ tiếng ông lầm rầm trong miệng: “Đúng là thằng này tâm thần rồi! Còn nếu không thì nó cũng là một thằng gian hùng, đa nghi như Tào Tháo”.

Không tìm thấy rồng thì tôi tìm Tào Tháo, để xem đó là người thế nào. Tôi hỏi người này, người nọ mãi mới biết được Tào Tháo là một nhân vật trong chuyện Tam Quốc, sống ở bên Tàu cách đây gần hai ngàn năm. Vật nài, rồi tôi cũng mượn được bộ truyện Tam Quốc của một người quen ở xã bên. Tôi đọc say mê và tìm thấy ở đó bao nhiêu điều hay. Tôi thấy Tào Tháo không đến nỗi đa nghi, giả dối như người đời sau vẫn ví, bởi ông ta biết làm thơ, vả lại còn có những lúc say sưa mà bộc bạch thật lòng hơn mấy ông khác. Ở đây, tôi cũng thấy Điêu Thuyền đâu có điêu toa gì. Nàng thật đẹp và đáng thương, bởi nàng là đàn bà hạ đẳng, là con tốt thí trong nước cờ “Mỹ nhân kế” của những kẻ thống trị thiếu nhân cách và độc ác. Dẫu sao, tôi cũng thầm biết ơn ông Tố Vị, vì lời nói khích của ông đã dẫn tôi đến một thế giới khác, nơi sâu thẳm của lịch sử. Bản thân tôi luôn khâm phục những người dám làm việc nghĩa, ghét thói hư tật xấu, mặc dù thâm tâm tôi thấy mình cũng đầy những thói hư. Trong tình yêu cũng vậy, tôi yêu say đắm nhưng không bộc lộ.

Nhà tôi chỉ có hai mẹ con. Bố tôi mất sớm khi mẹ tôi còn chưa đến năm mươi tuổi. Ngày trẻ, mẹ là người mỏng mày hay hạt, nụ cười tươi tắn. Mẹ dồn tất cả tình thương yêu cuộc đời vào tôi, nhưng tôi lại là một thằng dở hơi, người ta bảo thế. Nhiều lúc tôi bắt gặp mẹ ngồi lặng yên suy nghĩ và lén lau nước mắt. Tôi thương mẹ lắm, mẹ chẳng đáng phải đánh đổi cả cuộc đời lấy tôi. Nghĩ vậy, nhưng tôi không biết nói thế nào và cũng không thể thốt ra được. Những lúc bắt gặp mẹ như vậy tôi bỏ đi nơi khác, tôi không nỡ quấy động tâm tư mẹ.

Có một dạo, cứ tháng một đôi lần, ông Tố Vị đến nhà tôi chơi. Lấy cớ là hỏi han tôi học hành thế nào, xem được những sách gì, và thường là ông ngồi uống trà cho đến sẩm tối. Mấy lần đầu tôi còn ngồi hầu chuyện ông nhưng sau vì bận công việc, tôi kệ ông ngồi nói chuyện với mẹ tôi, tôi còn phải đi làm. Rồi sau bẵng đi vài thàng không thấy ông lai vãng, tôi bảo: “Lâu nay không thấy ông Tố Vị đến chơi mẹ nhỉ”. Mẹ tôi trả lời: “Ờ… lâu rồi… Mà mẹ không muốn con giao du với nhà ông ta”. Tôi hỏi: “Sao hả mẹ”? Mẹ bảo: “Cái lão ấy không phải là người đứng đắn. Có nhiều chữ thật đấy nhưng không đứng đắn thì cũng bằng thừa”. Mẹ quay mặt đi và tôi lờ mờ hiểu ra. Một lúc mẹ lại bảo: “Chẳng nhẽ … tao lại đuổi thẳng vào mặt lão ta!”.

Mẹ bảo tôi không được giao du, đi lại nhà ông Tố Vị, tôi không cãi lại nhưng làm sao tôi có thể nghe lời mẹ được. Ông ta là người hiểu biết, là người duy nhất ở cái làng này có thể giảng giải cho tôi biết nhiều điều. Vả lại, tôi thích cái Hảo, học cùng lớp với tôi là con gái ông.

Tôi và cái Hảo cùng học một lớp với nhau. Nó học dốt toán nhưng lại giỏi văn, còn tôi thì ngược lại. Làm toán tôi chỉ thoáng cái đã xong, nhưng hễ phải làm văn thì tôi không biết phải viết thế nào, mặc dù trong đầu tôi nghĩ có vẻ đâu ra đấy. Tôi học khác bọn trong lớp. Chúng nó đều có mục đích cả. Có đứa mong sau này thành kỹ sư, bác sĩ… Hay như cái Hảo thì muốn được trở thành “kỹ sư tâm hồn”. Còn tôi, tôi chẳng có mục đích gì cụ thể. Mẹ tôi bảo học để hiểu biết thì tôi cũng học để hiểu biết. Hiểu biết rồi làm gì thì tôi lờ mờ lắm. Giờ kiểm tra bài, không thuộc thì bọn chúng tìm mọi cách quay cóp. Tôi mà không thuộc thì đành bỏ trống chịu điểm kém. Bọn chúng gian dối nhưng lại cười tôi, tức quá, tôi cũng quay cóp. Vả lại tôi sợ bị đúp. Song tôi biết, làm thế trí óc tôi chẳng khá lên được.

Cái Hảo hay nhờ tôi làm toán hộ. Nó ngồi ngay sát bên tôi, còn tôi vừa suy nghĩ vừa lén nhìn vào khoảng trống nơi ngực nó. Mũi hít căng mùi lá bưởi ngai ngái nơi tóc nó. Tôi thầm nghĩ “Nó là vợ mình thì mình sẽ làm gì nhỉ?”. Rồi tôi lại giật thót mình khi nghĩ nó là con gái ông Tố Vị. Dễ gì mẹ tôi lại chịu làm dâu gia với nhà ông Tố Vị? Cái Hảo thì hình như nhờ vậy thôi, song nó cũng chẳng để ý đến lời tôi giảng giải. Nó cứ ngó ngoáy ngọ ngoạy không yên như ngồi trên ổ kiến lửa. Một bận nó bảo tôi: “Học nốt năm nay, xong cấp hai, tớ nghỉ ở nhà. Bố tớ bảo… - Nó cười… Con gái cần gì nhiều chữ… Con gái chỉ cần lấy được thằng chồng tốt…. Với lại, con gái nhiều chữ thì dễ hư lắm…. Để lý sự, để cãi lại chồng à? Đạo lý nào xưa nay đi dạy con gái cãi chồng ?”. Tôi nói: “Mẹ tớ cũng bảo, con gái phải tiết hạnh”. Cái Hảo cãi: “Tiết hạnh để làm gì? Thế con trai không cần tiết hạnh à? Mà thôi… đằng ấy hiền lắm… hình như đằng ấy bị… làm sao ấy”. Tôi nóng mặt. Tôi chỉ muốn cấu xé cái Hảo ra hàng trăm mảnh.

Đêm ấy về tôi mơ. Tôi mơ thấy tôi và cái Hảo trần truồng nắm tay nhau bơi xuống đáy hồ nước, nơi có con rồng bị hòn đá chẹt cổ. Hai đứa tôi hùn sức đẩy tung được hòn đá. Con rồng cất đầu lên, vùng vẫy làm sóng nước sôi lên ùng ục. Tay tôi nắm hòn đá, tôi bóp chặt lấy…nhưng hòn đá trong tay tôi lại hóa thành bầu vú cái Hảo mây mẩy…. Tôi căng người rồi lịm đi, chìm sâu dưới đáy nước…. Tôi nghĩ lờ mờ, hòn đá thế này thảo nào rồng không vẫy ra được. Sáng hôm sau tôi tỉnh dậy nhưng thu mình nằm im, lắng nghe không gian. Mẹ tôi gọi dậy đi học, tôi trả lời ú ớ. Mẹ tưởng là tôi ốm, sờ trán, nắm chân tay, rồi mẹ lật đật chạy sang hàng xóm nhờ bạn bè đi học xin phép nghỉ hộ tôi. Đến gần trưa tôi mới dậy. Đi ra ngoài vườn, tôi thấy đất trời đổi khác.

Cuối năm ấy, chiều ba mươi tết, tôi lảng vảng ra cống Quán Táo. Mình tôi lẻ loi giữa cánh đồng rét buốt. Chiều tất niên tai tái dài dại. Làng xóm cúm rúm, xo xắt lại. Tôi ngồi bệt xuống vạt cỏ nâu xỉn cằn cỗi. Chợt tôi giật mình, thì ra ông Tố Vị đứng sau lưng tôi từ lúc nào. Tôi chào và ông hỏi: “Mày ra đây làm gì, hả thằng dở người? Tao đi tảo mộ thắp hương tất niên ở đằng kia, nhìn thấy mày, tao đành chịu rét thêm để bảo cho mày biết là mày không tìm được gì ở đây đâu. Thôi về đi. Không tao bảo mẹ mày ra lôi mày về”. Tôi bảo ông cứ mặc tôi, và cũng không mướn ông nói với mẹ tôi. Nghe vậy ông có vẻ bực rủa tôi đủ thứ rồi bỏ đi. Đi một đoạn, ông dừng lại nói to “Làm gì có rồng. Mà có rồng thật, sống ở cái vũng trâu đầm này thì rồng cũng thành giun thôi con ạ! Bố mày đây bảo cho mà biết lại không chịu nghe lời. Cá không ăn mắm cá thối, con ạ !”. Khi ông Tố Vị về rồi, còn lại một mình, tôi cảm thấy lạnh ghê gớm. Nhang cháy dở phía nghĩa địa, gió thổi bùng lên thành ngọn lửa. Tôi nhìn thấy từng đoàn người đi như lướt trên mặt đồng chạng vạng… Tôi sợ run người, định bỏ chạy. Bỗng tôi nghe lục sục phía dưới cống. Tôi căng mắt nhìn thì phát hiện ra từng đán cá chép nhô hẳn sống lưng đang ngược nước từ sông vào đầm. Tôi ngẩn người, quên cả sợ, tôi để cả áo quần lội xuống. Tôi bắt mải miết. Dễ chừng được mấy chục con cá chép lớn nhỏ đủ cỡ. Tôi cởi áo ngoài để bọc cá, khệ nệ ôm về. Mẹ tôi cúng tất niên xong, đang ngồi chờ tôi về để cùng ăn. Thấy tôi về mẹ mừng lắm. Tôi đổ cá ra sân, bảo mẹ đi mổ cá. Còn tôi lén giấu một con to nhất, thay quần áo và mang con cá đến biếu ông Tố Vị. Tôi gọi cổng, cái Hảo mở cổng thấy tôi thì ngạc nhiên lắm. Tôi đùa: “Có món quà sêu lễ bố vợ tương lai đây”. Cái Hảo véo tôi một cái thật đau nhưng tôi thích lắm. Sau khi nghe tôi nói, ông Tố Vị cầm con chép lên, bảo: “ Lý Ngư vượt vũ môn đây! Chú máy đưa Táo Quân lên chầu trời sao không hóa rồng còn về đây làm gì mà để cho cái thằng nửa vĩ nhân nửa dở hơi này túm được. Nay mắc cạn thế này âu cũng tại số kiếp cả!... Còn cậu Thăng, cậu vớ bở đấy. Cảm ơn cậu! Thôi về đi kẻo sắp giao thừa rồi… Về trễ, quá đi… kẻo sang năm mới lại dông cho nhà tôi và cả nhà cậu nữa đấy !...”.

Ra đến cổng, tôi mừng thầm, ông không xưng hô tao mày với tôi nữa mà gọi tôi là cậu, có lẽ sau này ông sẽ đồng ý gả cái Hảo cho tôi. Về nhà, mẹ tôi mổ cá vẫn chưa xong, mà pháo giao thừa đã lác đác nổ…

Tưởng cái Hảo nói chơi, thành ra thật. Hết cấp hai nó ở nhà làm ruộng. Tôi cũng định thôi nhưng mẹ tôi muốn tôi phải học. Tôi vào cấp ba. Cả xã có mấy đứa, chúng chơi với nhau, bỏ mặc tôi. Tôi cũng chẳng cần. Tính tôi ưa lặng lẽ, suy tư một mình nên tôi chẳng vì thế mà buồn. Nhà tôi không có xe đạp. Mẹ tôi bán mấy tạ khoai tây giống sắm cho tôi một chiếc. Đám con gái ở lớp thì tôi thấy chán ngấy. Chúng cứ tí tởn như đám búp bê má hồng nơi phố xá song thật ra thì vẫn quê mùa một cục, chẳng đứa nào bằng cái Hảo. Tôi nhất quyết sẽ cưới cái Hảo bằng được.

Đùng một cái, làng có chuyện động trời. Người ta đồn ầm chuyện ông Tố Vị dan díu với bà Cả Khoái, bị con gái bà bắt quả tang. Bà Cả Khoái cũng chạc tuổi ông Tố Vị. Bà góa chồng trẻ ở vậy nuôi cô con gái độc nhất là chị Bái. Chị Bái lấy chồng lại cũng góa chồng trẻ, có một con trai. Ba mẹ con bà cháu ở với nhau. Mọi người bảo nhau rằng, tưởng bà Cả Khoái khi còn trẻ có tí táu tí mẻ chứ ai lại già đời rồi mới đổ đốn. Người làng kể cho nhau nghe chuyện chị Bái mắng mẹ thì bà Cả Khoái thú tội rằng bà đang giã gạo, thì ông Tố Vị đến chơi. Bà định ngừng giã pha trà, tiếp ông, ông lại bảo “thân già làm một mình cực lắm, để tôi cùng giã đỡ cho vui chân”, thế rồi từ vui chân ông chuyển sang vui vầy. Biết chuyện, tôi chẳng dám nói gì với mẹ tôi. Mẹ bảo: “Con thấy chưa! May mà dạo nào mẹ đuổi lão ta … chứ không có ngày rầy rà to. Lão ta là đồ mất mảnh”. Nghe nói, cái Hảo khóc lăn lộn và còn đe tự tử. Cái Hảo vừa khóc vừa bảo bố nó: “Thầy làm như thế thì con còn mặt mũi nào… Rồi đây ai còn thèm dòm ngó đến con… Người ta kén vợ kén tông”. Còn ông Tố Vị thì u uất: “Chuyện lỡ rồi! Mà cũng có gì đâu…. Mày việc gì phải chết, hả con! Đời người ta còn nhiều thứ điếm nhục hơn… Giá chết được thì tao đã chết từ lâu, và chết nhiều lần rồi, con ạ !”…

Sau chuyện ấy, tôi không vui mà cũng chẳng buồn. Đầu óc tôi lúc trống rỗng, lúc mông lung. Một hôm sau buổi học, tôi quẳng xe đạp lại và tôi bỏ đi. Tôi đi và chẳng biết đi đâu. Đêm đầu bơ vơ ngoài đường, tôi cứ nhìn vầng sáng hắt lên trời mà hướng tới. Có lẽ nơi ấy là thành phố!....

Rồi tôi trở về nhà bằng cách nào thì tôi cũng không nhớ rõ. Trong cơn tâm thần bột phát ấy, tôi chỉ nhớ duy nhất một hình tượng. Đó là lúc tôi đi dọc bờ sông, khi trời đã về chiều, thì trời đất bỗng nhiên tối sầm lại, mù mịt bụi bay, gió thốc mạnh làm cây cối ngả nghiêng, tôi đứng không vững, ngã sấp ngã ngửa, tai nghe tiếng nước rôi réo ầm ào, rồi phía dưới bờ đê, ngay trên vạt ngô bãi bồi, một cây sừng sững mọc lên và nó lung lay nghiêng ngả. Tôi cố mở mắt ngước nhìn lên thì chỉ thấy cây cột vút mãi tận trời. Tự nhiên tôi có cảm giác người như bị nhấc bổng lên khỏi mặt đất. Tôi nhanh tay nắm chặt lấy bụi trinh nữ bên bờ đê, cố ghìm mình để tránh khỏi bị nhấc bay lên. Mặt tôi vục xuống, răng cắn vào đất. Đúng lúc ấy đầu tôi chợt lóe sáng. Thôi đúng là con rồng tung mình bay lên khỏi đầm nước rồi. Nhưng sao chỉ thấy phần thân và phần đuôi của nó tung quẫy? Còn phần đầu của nó đâu? Hay là đầu của nó vẫn còn bị hòn đá chẹn chặt dưới đáy đầm? Và tự nhiên, trong người tôi sôi lên một ý chí mạnh mẽ, rằng tôi sẽ quyết tầm sư học đạo để có đủ trí tuệ và sức mạnh giải phòng con rồng ra khỏi nơi giam giữ, rằng tôi cam tâm tình nguyện sẽ suốt đời đấu tranh và hiến dâng thân mình cho sự nghiệp giải phóng này!

Sau khi về nhà, tâm thần ổn định, được mẹ cho biết là ngay khi biết tin tôi bỏ đi, mẹ tôi đã huy động họ hàng và đám bạn học của tôi bổ về thành phố tìm kiếm. Gần hai ngày lục lọi khắp ngõ ngách, hè phố, xó chợ… người ta bắt gặp tôi ngồi rũ ra dưới một gốc cây to trong công viên nhỏ thành phố giữa trời mưa tầm tã. Tôi bị lạnh đến cứng hàm mà tôi vẫn cố lảm nhảm “ Giải phóng….  Giải phóng…” Mẹ tôi bảo: “Lúc ấy mọi người tưởng con chết vì cảm lạnh…Nhưng rồi con sống và hồi tỉnh dần. Có lẽ cơn mưa đã gột rửa những mê muội trong đầu óc con! Xin cảm tạ trời đất!”

Từ ngày đó, tôi ít đến nhà ông Tố Vị. Tôi không hiểu ông ta là người như thế nào. Có lẽ trong ông ta có cả thần thánh và ma quỷ! Riêng với cái Hảo, tôi vẫn thích. Nó càng lớn càng đẹp thêm. Nhưng sau chuyện ông Tố Vị dan díu với bà Cả Khoái thì trông nó ỉu xỉu, ủ dột như bánh đa nướng gặp tiết nồm. Vẻ ủ dột phủ lên cơ thể đầy sức sống càng làm cho nó thêm phần thánh thiện. Một đêm, làng có hát chèo, cái Hảo đi xem cùng mấy đứa con gái cùng xóm. Tôi để ý tìm kiếm và ngồi cách đó một quãng. Trên sân khấu đến đoạn Thị Kính hát điệu Sử rầu mang con Thị Màu đi ăn xin thì cái Hảo bỏ về trước một mình. Vừa dể mắt chú ý một chút lên sân khấu, ngoảnh sang đã không trông thấy cái Hảo đâu. Tôi đảo mắt chợt thấy thoáng bóng nó ở phía cửa ra vào. Tôi chạy theo, giẫm bừa lên chân người ngồi xem. Đến cửa ra vào thấy mất hút bóng nó. Tôi đoán nó bỏ về nhà nên rảo bước về hướng nhà ông Tố Vị. Gần tới cổng, tự nhiên máu tự ái bốc lên làm tôi đứng sững lại. Tôi quay về nhà mình chứ không xem nốt chèo nữa. Đêm ấy tôi khó ngủ. Sáng sớm hôm sau, khi tôi oằn oại chưa muốn dậy thì mẹ tôi đến bên giường bảo: “Thôi dậy đi con! Mọi người kháo nhau là đem qua ông Tố Vị tự vẫn chết rồi. Khi cái Hảo xem chèo bỏ dở về đến nhà thấy ông Tố Vị treo cổ ngay giữa nhà”. Tôi vùng ngay dậy. Đêm qua, giá tôi không tự ái thì có phải tôi đã có mặt ở bên cạnh người tôi yêu lúc hoạn nạn không. Song biết đâu, nhỡ có mặt ở đấy, tôi phải làm nhân chứng cho một vụ án, và không chừng, người ta còn nghi tôi dính níu gì tới cái chết của ông ta cũng chưa biết chừng. Thế là người hiểu biết cao nhất của làng không còn nữa!

Ông quyên sinh vì lẽ gì? Sau khi ông chết người ta còn đồn đại, thêu dệt nhiều chuyện bỉ ổi. Chẳng biết nên tin vào đâu!

Từ ngày ông Tố Vị chết đi, tôi lại vơ vẩn nghĩ đến chuyện con rồng. Một trưa hè tháng sáu, tôi ra đầm. Tự nhiên ở giữa đầm sủi lên một đám bong bóng to. Thôi đúng là con rồng bị đá chẹn cổ lâu ngày ngạt thở rồi. Có lẽ nó đang hấp hối. Không kịp suy nghĩ, tôi  lao mình xuống, bơi ra giữa đầm, lặn một hơi dài, quờ quạng lung tung song chẳng thấy gì. Lên bờ tôi tần ngần mãi. Tôi nghĩ, có lẽ con rồng đã chết rữa ra lâu rồi, hoặc giả nó đã rãy ra được bay lên trời mà bữa nào tôi đã nhìn thấy. Còn mấy cái tăm to sủi lên có lẽ do trời quá nắng, nước nóng làm khí thoát từ bùn bốc lên thành bọt trên mặt nước?

Sau đó, tình cờ tôi đọc được ở một tờ báo có bài viết nói về con rồng. Vị giáo sư, tác giả của bài viết nói về một huyền thoại rằng con rồng vốn là một loài rắn biển hung dữ. Đọc rồi, tự nhiên tôi thấy chán ngấy. Tôi cũng ít nghĩ đến cái Hảo. Mỗi lần nhớ đến nó, tôi không thấy sôi lên trong lòng mình khát vọng nhục dục nữa. Song khi nghĩ đến bầu ngực, vóc dáng thon thả của Hảo tôi không khỏi bần thần. Tôi không sợ lấy cái Hảo sẽ mang tiếng, bởi đơn giản từ bé đến giờ, tôi luôn hành động theo ý nghĩ của mình, bất chấp người nói vào ra thế nào. Để ý quanh làng xóm, tôi thấy gia đình mới tù túng làm sao. Tự thân tôi cũng thấy vậy. Nhưng tôi biết, cái Hảo, cùng với mẹ tôi luôn là chỗ dự tinh thần cho tôi.

Tôi không học thêm cao nữa mà ở nhà làm ruộng nuôi mẹ. Mẹ tôi yếu lắm rồi. Tôi biết thâm tâm mẹ muốn tôi lấy vợ, sinh năm đẻ bảy, bởi có như vậy mẹ mới coi như mình trả xong nợ với đời mà nhắm mắt xuôi tay. Tôi ba chục tuổi. Nhớ có lần, ông Tố Vị bảo “Tam thập nhi lập… Ở cái tuổi này mà không định hướng được ý chí mình thì coi đời là bỏ đi”. Vậy mà tôi vẫn bị người ta cho là một thằng dở người. Khi ông Tố Vị còn sống, ông hay khích bác tôi, nhưng tôi còn có được sự khích bác để mà nổi xung lên, mà tự ái… Còn bây giờ, người ta lăn lội, lam lũ, sao vẫn chán ngắt. Chán đến tái tê!

Hàng ngày, tôi vẫn phải ra đồng. Không làm thì lấy gì mà đút vào miệng mình, chứ chưa nói đến chuyện nuôi mẹ. Tôi cầm cày đi sau con trâu, rồi gieo mạ, cấy hái… như mấy nghìn năm trước tổ tiên tôi từng làm. Mọi người xung quanh tôi cũng vậy. Nhưng chẳng một ai, ngoài ông Tố Vị, biết tôi đang nung nấu ý chí sắt đá, biết tôi đang tích tụ sinh lực để giải phòng con rồng thoát khỏi nơi tù hãm.

Tháng Giêng 1994

 
 

 

GIẤC MỘNG ĐÊM XUÂN

          Truyện ngắn của Nguyễn Chu Nhạc

 

Đỗ Thích thí Đinh Đinh

Lê gia xuất thành minh

Cạnh đầu đa hoành tử

Đạo lộ tuyệt nhân thành

Thập nhị xưng đại vương

Thập ác vô nhất thiện

Thập bát tử đăng tiên

Kế độ nhị thập niên

(Đại việt sử ký toàn thư)

          Dương là phóng viên của một tờ báo ngành, nhưng xuất thân là một giáo viên dạy sử. Bạn bè hay trêu Dương là người bốc mùi thư tịch cổ. Ấy vậy mà kiến thức về sử giúp Dương rất nhiều trong nghề làm báo. Đầu xuân, Dương đi một chuyến công tác, gọi là xuất hành đầu năm cầu may. Xuất hành hướng nam, đoàn của Dương nhằm cố đô Hoa Lư thẳng tiến. Tối trước ngày lên đường, Dương củng cố lại vốn hiểu biết lịch sử của mình về vùng đất này bằng cách gặm nhấm lại mấy chương trong bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

          Anh cán bộ văn phòng Ủy ban sở tại sốt sắng động viên:

Đầu năm, các anh nên du xuân, thăm thú danh lam thắng cảnh, viếng đền chùa, còn công việc thì cứ thư thả tính sau, vả lại còn cả những một năm để làm cơ mà, đi đâu mà vội. Các anh nên viếng đền vua Đinh, vua Lê trước, rồi sau thăm Tam Cốc, Bích Động.

Được lời như cởi tấm lòng, mọi người nhận lời ngay. Anh cán bộ văn phòng Ủy ban tỏ vẻ thông thạo, giới thiệu sơ qua về xuất thân của vua Đinh, điều đó gãi vào đúng chỗ ngứa trong vốn sử của Dương, anh lập tức lên tiếng:

Sử tuy viết rằng vua Đinh là con của thứ sử Hoan châu Đinh Công Trứ, mà ông này vốn là nha tướng của Dương Đình Nghệ. Nhưng dân gian lại tồn tại một nghi vấn, vì thế mới có truyền thuyết rằng vua Đinh là con của Đàm thị với một con giao long, đúng ra là một con rái cá. Chuyện kể rằng, thuở sinh thời còn là cậu bé chăn trâu, một lần Bộ Linh được một thầy địa lý Tàu thuê lặn xuống đáy vực sâu của con sông ở quê (có lẽ là sông Hoàng Long chăng?) tìm một con ngựa đá. Thấy ngựa đá rồi, thầy địa lý yên tâm trở về quê. Bộ Lĩnh là một người tinh ý, đoán biết đó là một huyệt mộ tốt, bèn nảy ra ý định để mộ cha ông mình, bèn hỏi mẹ là Đàm thị xem mộ cha mình ở đâu. Người mẹ buồn rầu chỉ lên gác bếp bảo rằng hài cốt cha Bộ Linh để ở đó. Bộ Lĩnh lục gác bếp lấy xuống xem thì ra là bộ xương của một con rái cá, bèn gói vào trong một nắm cỏ, lặn xuống đáy vực, nhử con ngựa đá, và khi ngựa đá há miệng thì nhét nắm cỏ có cốt vào trong đó để ngựa nuốt vào bụng. Mấy năm sau, khi thầy địa lý Tàu trở lại động Hoa Lư thì nghe tin Bộ Lĩnh đã dấy binh, thắng như chẻ tre, xưng là Vạn Thắng Vương rồi, biết Bộ Linh đã chiếm mất long huyệt, y căm lắm bèn nghĩ cách trả thù, xin yết kiến Vạn Thắng Vương. Khi được gặp, thầy Tàu thưa: “Nơi đó là long huyệt có thể phát Đế, Vương. Hồng phúc của Đại Vương hơn kẻ tiểu nhân này nên có được long huyệt. Đại vương sẽ làm vua, song ngựa mà không có kiếm thì cũng vô dụng. Đại vương nên cho đúc ngay một đôi kiếm thật sắc bén, đeo vào cổ ngựa đá. Ngựa có kiếm sẽ tung hoành bốn cõi”. Vạn Thắng Vương nghe lọt tai bèn làm theo đúng thế. Chỗ vực ấy nước xiết, song kiếm đeo trên cổ ngựa đá theo thời gian cứ xiết vào hai bên cổ ngựa đá nên khi cắt đứt rời cổ ngựa đá mới thôi. Thế là long mạch đứt, nhà Đinh đoản vận… Cứ cho rằng truyền thuyết là hư đi chăng nữa, chín chín phần trăm là hư, thì ít ra cũng phải dựa trên một phần trăm là thực. Như vậy, phải chăng vua Đinh là con không cha, bởi con của giao long thì chắc chắn không phải rồi.

Chuyện dứt thì đền vua Đinh, vua Lê đã hiện ra trước mắt. Anh cán bộ văn phòng Ủy ban nhờ chị thuyết minh của khu di tích đưa đoàn đi thăm. Chị thuyết minh là dân học sử, kiến thức sử chẳng kém gì Dương, song hiểu về đền hai vua này thì hơn Dương là cái chắc. Theo đúng tục lệ, khách viếng thăm phải vào đền vua Đinh trước. Chị thuyết minh bảo, cung điện của vua Đinh xưa chính là nền của đền vua Đinh ngày nay, bên dưới vẫn còn dấu tích chứng minh cho một triều đại oanh liệt nhưng sớm tàn lụi. Dương sờ tay vào những đường nét chạm khắc trên sập đá – long sàng và nghĩ, ngày xưa vua Đinh đã ngủ ở đây ư, và còn đâu là nơi nhà vua say rượu để kẻ thất phu là Đỗ Thích hành thích người. Dương cứ tần ngần hết ngắm bức tượng Đinh Tiên Hoàng, lại ngắm tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn, Thái tử Đinh Hạng Lang và Vệ vương Đinh Toàn nơi chính điện. Chẳng lẽ việc kiếm sắc cứa đứt cổ ngựa đá lại liên quan đến việc cả bốn cha con họ Đinh đều “bất đắc kỳ tử” ư?

Song đền vua Lê cách đó chừng một quãng, chị thuyết minh lưu ý mọi người rằng đền vua Lê có nền thấp hơn đền vua Đinh và tượng vua Lê có khắc chữ Vương ở trán, bởi vì mặc dù về trị quốc và đánh ngoại xâm, vua Lê Đại Hành còn được xem là xuất sắc hơn Thái tổ Lý Công Uẩn kế sau đó, nhưng quan niệm dân gian vẫn cho rằng vua Lê được ngôi không chính đáng, bởi thông qua con đường tình ái, đúng ra là một cuộc đảo chính cung đình thông qua tình ái bất chính. Dương nghĩ nhanh, vậy tình ái không làm nên một người anh hùng, bởi thế, anh rời bỏ tượng hai cha con vua Lê mà tìm đến tượng của Đại thắng minh Hoàng hậu Dương Vân Nga. Đang mải ngắm thì anh nghe có tiếng thở dài nhè nhẹ bên tai, liền quay đầu lại, thì ra chị thuyết minh đã đứng ngay sau anh từ lúc nào. Chị bảo:

Bức tượng này lạ lắm, nhìn chính diện thì nàng là một người đàn bà đoan trang, hiền thục. Nhìn từ ngoài vào thì thấy rõ nàng khẽ cười như thể giễu cợt ai. Còn đứng từ trong nhìn ra thì mắt nàng long lanh nước và khuôn mặt ẩn chứa một nỗi buồn thăm thẳm. Dương lập tức làm theo và anh thấy bức tượng sống động hẳn lên, như thể nàng từ nghìn năm trước bước lại gần anh…

Khi thấy một người đàn bà dáng nhẹ nhàng thanh mảnh ăn mặc xiêm y cổ bước vào phòng, Dương thoáng ngỡ ngàng, rồi anh nhanh chóng tự nhủ, thì ra cái lối kinh doanh dịch vụ theo kiểu “cung đình” đã từ Huế lan ra đến đây rồi đấy, cơ chế thị trường có khác. Anh hỏi: “Chị đến dọn bàn trà và thay phích nước à? Sao sớm thế?”. Không thấy trả lời anh lại hỏi: “Phàm tất cả các khách sạn ở đây đều ăn vận theo lối cổ như thế này hay là chỉ mỗi ở đây?”. Người đàn bà vẫn đứng ở lối ra vào, không hề động chân động tay, khẽ cười và bảo: “Vì ta với ngươi cách nhau những ngàn năm nên ta tha cho cái lối ăn nói xách mé đó, chứ ở vào thời ta, ngươi đã bị lôi ra chém đầu về tội khi quân phạm thượng rồi đó. Ngươi nhìn lại đi, có phải ngươi mới gặp ta lúc chiều và đã có lời thỉnh cầu ta không. Vì tên ngươi trùng với họ của ta và trong lời thỉnh cầu ngươi đã đã gọi ta là Nàng, nên ta mới xuống xuất đến ngươi!”. Dương hết sức ngạc nhiên: “Vậy bà là …Dương Vân Nga?... Chết, xin lỗi… là Đại thắng minh Hoàng hậu thật sao?”. Người đàn bà: “ Sao lại là bà? Nàng chứ! Đã là đàn bà thì không có gì hơn sự ngưỡng mộ của đàn ông, của thế gian đàn ông. Dù ta có hơn ngươi hàng nghìn tuổi nhưng ta vẫn muốn được gọi là Nàng!”. Thật là đơn giản và minh triết. Nàng đã làm Dương đi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Dương nhận thấy vẻ chân thành và thân thiện trong giọng nói của Nàng nên anh mạnh bảo: “ Sử không thấy ghi chép gì về xuất thân của Nàng nhưng tương truyền thì Nàng là con nhà thứ dân ở động Hoa Lư, kết duyên cùng vua Đinh từ thủa còn hàn vi. Thế nhưng, điều đó chưa hẳn đúng, bởi người thông minh, nhan sắc như Nàng thì cớ gì vua Đinh lại không lập làm Hoàng hậu, trong khi đó, nhà vua lại lập năm hoàng hậu khác là Đan Gia, Trinh Minh, Kiểu Quốc, Cố Quốc và Ca-ông từ năm 970, hẳn khi đó, vua Đinh chưa kết duyên cùng Nàng, hoặc kết duyên rồi thì Nàng cũng lẫn đi giữa đám cung nữ, chưa có gì nổi bật ? Phải chẳng, mãi đến năm 974, Nàng có công sinh được hoàng tử Đinh Toàn thì Nàng mới được vua Đinh chú ý và nâng địa vị của Nàng lên?”. Nàng khẽ đung đưa người: “Đàn bà bất kể xuất thân sang hèn, chỉ cần xinh đẹp. Đã xinh đẹp tuyệt vời thì dù là hàng thứ dân hay con ở thì bậc cao nhân, ngay cả người có quyền lực tối thượng đi chăng nữa vẫn có thể quỳ gối cầu xin tình ái. Có đúng không nào? Nếu không tin, ngươi có thể về mà tra cứu lại lịch sử thì sẽ rõ, con mọt sách?”. Dương không bực mình vì bị gọi là con mọt sách, trái lại, anh càng hăng hái: “Phải chăng là từ trong thâm tâm, Nàng giận vua Đinh đã không lập Nàng làm hoàng hậu thứ sáu, và Nàng đã say mê vị thập đạo tướng quân trẻ tuổi anh hào? Phải chăng, Nàng đã tham vọng có ngày được nâng lên địa vị cao quý tột đỉnh và đã chọn vầng ngực của vị Võ quan tuấn kiệt Lê Hoàn làm chỗ dựa cho tham vọng và dục vọng của mình, bởi không có sự giúp đỡ của Nàng thì làm sai Lê Hoàn được lên ngôi báu?”. Nàng bình thản: “Xem ra ngươi lên án ta còn mạnh hơn hai vị thần đáng kính là Lê Văn Hưu và Ngô Sĩ Liên. Hai ông ấy không bình luận gì về hành động của ta khi gỡ áo long bào từ vai con trai ta để khoác lên người Thập đạo tướng quân. Ngươi thấy đấy, trước đó, Nam Việt vương Đinh Liễn vì ghen tức đã giết em mình là Đinh Hạng Lang – người đã được vua Đinh lập làm Thái tử. Còn mẹ con ta phải biết giữ mình chứ! Con ta bé, ta là đàn bà thân cô thế cô, ai dám bảo đảm cho mẹ con ta, rằng một ngày nào đó vua Đinh không gạt ta xuống, hoặc Đinh Liễn giết mẹ con ta để đề phòng hậu họa. Vua Đinh chết vì sự bất cẩn của ngài, vì sự thỏa mãn với quyền lực và tiếng tăm lập quốc, vì sự đam mê vinh hoa, vì gặm nhấm chiến công của mình, và còn vì lực ngài đã cạn. Còn đã là người thì ai chẳng có chút tình riêng. Với vua Đinh, ta đã chung tình khi ngài còn sống, rồi ta cũng giữ đúng đạo làm vợ, chờ đoạn tang ngài mới tái giá. Vua Đinh chết rồi, cả Đinh Liễn và Đinh Hạng Lang cũng chết rồi, ta làm sao đặt niềm tin vào hai lão cáo già Đinh Điền, Nguyễn Bặc được, bởi với cả hai con người này thì khát vọng về quyền lực và phú quý cao hơn tình người. Ta phải đặt niềm tin vào Chàng, đơn giản bởi Chàng có tình người và Chàng hội đủ những phẩm chất mà ta mong muốn!". Dương chỉ chờ cho Nàng dứt lời và anh cũng không chịu kém: “Quả là Nàng đã không lầm khi đặt niềm tin vào vị Thập đạo tướng quân. Khi được ngôi báu, ông ta đã không quên ân tình của Nàng mà lập Nàng làm hoàng hậu, vị hoàng hậu đứng đầu trong số năm hoàng hậu của ông. Với nàng thì chẳng mất mát gì, được làm vợ của hai vua đứng đầu hai triều đại. Nàng thử nghĩ lại xem, trong lịch sử nước nhà có ai được như Nàng? Họa chăng sau này có bà Trần Thị Dung là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông và sau đó được Thái Tông Trần Cảnh ưu ái vì có công phò giúp, nhưng thực ra thì vẫn chỉ là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ. Chỉ thương cho vua nhỏ Đinh Toàn bị giáng làm Vệ Vương là sau khi nàng mất có một năm đã yểu mệnh mà “bất đắc kỳ từ” giữa tuổi xuân. Nàng đã được tất cả, việc chung và tình riêng”. Nàng nghiêm nét mặt: “Thế ngươi quên rằng ta đã phải chịu đựng búa rìu dư luận hàng ngàn năm nay và không biết sẽ còn bao lâu nữa. Song ta chấp nhận, bởi tự thâm tâm ta thấy mình không sai trái, không làm điều thất đức và lớn hơn nữa, như những người bênh vực ta, rằng ta đã biết đặt quyền lợi của quốc gia lên trên quyền lợi của một dòng tộc. Vậy theo ngươi thì ai là người xứng đáng với cương vị tối cao hơn Thập đạo tướng quân? Và vua Lê không xứng đáng với cương vị lịch sử sao?”. Dương nhận thấy vẻ giận dữ bị kìm nén trong giọng nói của Nàng, anh vội phân bua: “Không, không… Nàng hiểu nhầm rồi, thắng Tống, bình Chiêm, dẹp loạn giữ yên bờ cõi, riêng việc đó cũng đủ để đưa vua Lê lên hàng anh hùng nhất đời rồi!”.

Dương vừa dứt lời, anh chợt thấy phía sau Nàng xuất hiện bóng một người đàn ông, mờ tỏ… Dương định hỏi thì người đó nói: “Ta đã nghe hết câu chuyện của ngươi với Hậu của ta. Không phải đợi đến ngày hôm nay, ngươi – một kẻ hiểu biết nông cạn đưa những lời nhận xét về thời đại của chúng ta. Sử thần Ngô Sĩ Liên cho rằng, ta lên ngôi không chính danh, lợi dụng tình ái của Nàng, dùng bọn Phạm Cự Lang hiếp vua bé và quần thần bằng binh lực, rồi kiêu ngạo và xa xỉ trong việc dùng vàng bạc dát cột lợp mái cung điện. Lời bình của ông ta đã đóng đinh ta vào lịch sử”. Dương sững sờ, trong khi đó Nàng lánh người sang một bên nhường lối cho người đàn ông tiến lên phía trước, và Nàng khuất ở phía sau, khoanh tay, khẽ cúi đầu lặng lẽ, đúng với đạo phu phụ theo Tam cương. Dương nhìn chòng chọc vào người đàn ông khi đó đã rõ hình hài lẫm liệt và hỏi: “Ngài có đúng là Đại Hành Hoàng đế thật không?”. Người đàn ông: “Vậy ngươi còn nghi ngờ à? Đó là thụy hiệu của ta. Nhưng há ngươi chẳng biết việc ông Lê Văn Hưu chê rằng, Ngọa Triều con ta ít học và bất hiếu đã không biết cách đặt thụy hiệu để đời sau chê cười đó sao?”. Dương nổi máu anh hào bảo: “Ngài là bậc quân tử sao không xuất đầu lộ diện mà đứng nghe lỏm chuyện Nàng là cớ làm sao?”. Đại Hành Hoàng đế cả cười mà rằng: “Ngươi là kẻ vô tình, chỉ khéo trách người. Nàng là mỹ nhân, ta là đàn ông và ngươi cũng là đàn ông. Nếu ta xen chuyện, cướp lời thì chẳng phải ngươi sẽ cho rằng ta hẹp hòi sao? Vì ngươi cũng theo đòi người xưa ca ngợi ta là anh hùng nhất đời nên ta mới xuất đầu lộ diện để nói cho ngươi biết rằng, để có được sự nghiệp và giữ vững giang san, ta cũng đã phải trả một cái giá khá đắt hay sao! Miệng thế khôn lường, tiếng thơm khôn rửa, tiếng xấu còn lưu, dù vẫn lập đền thờ ta, nhưng như ngươi thấy đấy, đền của ta thấp hơn đền của vua Đinh, còn trán ta thì hằn sâu chữ Vương. Thế vẫn chưa đủ hay sao? Lũ con ta thì bất chấp tình cốt nhục, cẳng đậu đun hạt đậu, huynh đệ tương tàn, ăn chơi sa đoại để đến mức vong gia bại quốc. Thế vẫn chưa đủ hay sao? Với vua Đinh, ta hằng tôn kính ngài, bời ngài là anh hùng lập quốc, biết trọng dụng người tài. Ngài anh minh tài trí hơn người song ngài cũng có phần kém của ngài, còn kém như thế nào thì Hậu của ta đã nói cho ngươi biết rồi. Riêng ta thì ta chỉ lưu ý ngươi rằng, hãy về mà xem kỹ lại sử, sự khuynh bại của nhà Đinh là do chính vua Đinh gieo mầm loạn bằng cái việc bỏ trường lập thứ. Chẳng phải, năm Thái Bình thứ 9 – Mậu Dần, vua Đinh lập con nhỏ là Hạng Lang làm Hoàng thái tử, thì ngay năm đó, tháng giêng – động đất, tháng hai – mưa đá, còn mùa hạ tháng sáu thì đại hạn, thế là lòng trời không thuận đó sao?”. “Thưa Đại Hành Hoàng đế" - Dương kính cẩn – " Quả là ngài đúng, nhưng sao đến lượt mình, ngài lại đi vào đúng cái vệt xe đổ ấy, Ngài cũng đã lập hoàng tử thứ Long Đĩnh làm Hoàng thái tử, để rồi sau này Long Đĩnh giết vua Trung Tôn và tự lập mình làm vua?”. Đại Hành Hoàng để ngậm ngùi: “Đó là nỗi đau của ta, cũng là phần kém của ta!... Nhưng lỗi trước hết là do con trưởng ta là Kình thiên vương yểu mệnh mất sớm ngay sai cái chết của Hậu yêu của ta. Có lẽ cái chết của nàng làm lòng ta đau xót mà kém minh mẫn chăng!” Dương vẫn chưa chịu: “Vậy còn Vệ Vương Đinh Toàn thì sao?”. Đại Hành Hoàng đế khẽ chau mày: “Thì ta vẫn trọng dụng đó thôi. Ta đã để cậu bé ấy được sống ở trong cung với mẹ. Dù sao cậu ta cũng có một thời làm vua, vả lại đó là núm ruột yêu của Hậu ta. Sau này đi đâu, ta cũng mang cậu ta theo bên mình”. Dương kêu lên: “ Vậy là kìm giữ nhiều hơn yêu quý. Ai đã gây nên cái chết của Đinh Toàn. Giặc Cử Long chỉ là loài giặc cỏ vô danh, cớ gì ngài phải thân chinh đi dẹp? Thì cứ cho là ngài thích, xông pha nơi chiến trận để làm gương cho tướng sĩ đi, song cớ gì ngài phải mang theo cả Vệ vương Đinh Toàn? Một mũi tên đã giết chết mầm mống cuối cùng của vua Đinh, vậy mũi tên ấy bắn ra từ phía nào, và do ai bắn? Có phải là giặc Cử long bắn không hay do một tay chân nào đó của ngài đã làm việc đó, thực hiện sứ mệnh mà ngài ủy thác. Ngài nghe đây nhé, để xem ngài nói như thế nào, về đoạn sử mập mờ này: Tân Sửu, năm Ứng Thiên thứ 8 Vua thân đi đánh giặc Cử Long. Chúng thấy Vua giương cung bắn thì tên bị rơi, lại giương cung lần nữa thì dây đứt, tự lấy làm sợ mà rút lui. Vua mới đi thuyền theo dọc sông để đuổi. Giặc bẫy trận hai bên bờ để chống lại quan quân bị hãm ở sông, vua cũ nhà Đinh là Vệ vương Toàn trúng phải tên chết tại trận. Vua kêu trời ba tiếng rồi thúc quân đánh giặc tan vỡ”. Vậy ngài là thần thánh hay sao mà giặc bắn ngài hết tên rơi thì dây lại đứt?”. Đại Hành Hoàng đế chau mày: “Ngươi biết một mà không biết mười. Cùng là người cả nhưng mỗi người đều mang một số mệnh riêng. Người có uy lực, kẻ lại không…”

Một giọng đàn ông khác vang lên, át cả giọng Đại Hành Hoàng đế, đầy vẻ sát khí: “Khá khen thay cho sự biện bạch. Vậy trong lòng, có bao giờ ngươi lo lắng rằng Vệ vương Toàn con ta đến một ngày nào đó đủ lông đủ cánh sẽ giành lại ngôi báu mà ngươi cướp của nó, của triều đại ta không?”. Dương ngạc nhiên lắm nhưng anh cũng đủ nhận thấy cái rùng mình dù rất nhẹ của Đại Hành Hoàng đế khi nghe lời nói đó, rồi sau đó ngài lặng người đi. Dương nhận thấy rằng anh phải là người phá tan bầu không khí tĩnh lặng đến ngạt thở, anh cúi đầu thưa: “Kẻ thường dân hậu sinh này kính chào Đinh Tiên Hoàng đế! Thật may mắn được ngài xuống xuất và chỉ bảo cho đôi điều!”. Đinh Tiên Hoàng đế ôn tồn: “Ta biết ngươi là người đam mê sử, vậy thì hãy lắng nghe và tích cóp thêm vào cái vốn hiểu biết sử còn nông cạn của ngươi. Ngài dừng lời và quay sang nói với Đại Hành Hoàng đế và Nàng – Thế nào, miệng lưỡi hai ngươi để đâu, không đáng chào ta một tiếng hay sao?”. Đại Hành Hoàng đế kính cẩn: “Xin bậc tiền bối có lời chỉ bảo”. Còn Nàng vẫn đứng lặng, chắp tay trên trán cúi đầu. Đinh Tiên Hoàng đế khẽ gật đầu mà bảo: “Ta xuất thân cũng chẳng phải cao sang, nhưng vốn chí khí, nhờ làm con nuôi Minh Công Trần Lãm xứ Bố Hải Khẩu và được ngài gây dựng cho mà dẹp được loạn sứ quân, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt hùng cường. Có được giang san này một phần ta nhờ có người tài phò giúp, quân dân một lòng, Nguyễn Bặc, Đinh Điền là con nhà thường dân theo ta từ thủa cờ lau tập trận. Còn ông, Lê Hoàn chỉ là tiểu tướng của Đinh Liễn con ta, song vì mến tài mà ta đưa lên làm Thập đạo tướng quân thống lĩnh ba quân, vậy mà không vì ta phò giúp con ta lại cam tâm lấy ngôi của nó. Ông có điều gì để nói với ta?”. Đại Hành Hoàng đế không hề nao núng trước câu hỏi đó, ngài thưa: “Bậc tiền bối thử đặt mình vào hoàn cảnh ấy thì mới hiểu, ngoài bờ cõi giặc ngoại xâm lăm le, còn trong nước thì sau khi ngài mất, có bao kẻ rắp ranh đoạt ngôi bởi cái mộng cuồng danh của Đỗ Thích đã vô tình xới lên lòng hám địa vị của bao người, trong khi đó thì vua bé còn ấp vú mẹ, nên nguy cơ đã là một sớm một chiều. Ngài có nghĩ là Đinh Điền, Nguyễn Bặc trung thành với ngài, phò giúp vua bé hay là cấu kết với nhau để chiếm ngôi mà chẳng lo gì đến chống ngoại xâm? Giết Điền, Bặc, dẹp loạn là Hoàn này chiểu theo thánh chỉ của Dương Thái Hậu khi đó đang nhiếp chính. Rồi phò mã Ngô Nhật Khánh rước giặc Chiêm xâm phạm bờ cõi phía Nam. Hoàn này cũng gắng công đánh đuổi. Những kẻ đó chỉ biết thỏa lợi riêng mà không đếm xỉa gì đến quyền lợi quốc gia, cam tâm làm việc xằng bậy. Họ há không phải là tôn thân ngoại thích của ngài sao? Song dẹp loạn vẫn là chuyện nhỏ, nơi biên giới Lạng - Châu giặc mạnh lăm le thì Hoàn này không thể không lên ngôi để thống lĩnh ba quân, tập trung lực lượng, quyết đoán việc quốc gia đại sự… Có dám làm như vậy thì mời giữ được giang san bền vững, mới tỏ được cái chí, cái công của bậc tiền bối mà còn hợp lòng dân, giữ yên bình cho mọi nếp nhà! Khấu kiến bậc tiền bối minh xét kẻo để tiếng oan cho Hoàn này!”. Đinh Tiên Hoàng đế dường như dịu đi, ngài đi đi lại lại một hồi như để tĩnh tâm rồi bảo: “Lý lẽ minh bạch lắm. Thật đáng khẩu khí của một bậc anh hào!... Nhưng… nghe nói trước khi chém Bặc, ông còn hạch tội là bội nghĩa, phản loạn. Chẳng lẽ trước khi chết, Bặc không nói điều gì à? Chỗ này sử không chép và sau này Ngô Sĩ Liên cũng ngờ?”. Đại Hành Hoàng đế thoáng chau mày, liếc nhìn Nàng, ôn tồn: “Hoàn này chỉ làm việc bắt Bặc giải về kinh sư, còn quyền phán là thuộc vua bé Đinh Toàn và Dương Thái Hậu nhiếp chính quyết định. Chém Bặc là việc của quan chấp pháp, Hoàn này không được biết và cũng không nghe nói gì đến Bặc, có hay không cũng không can gì, bởi con chim trước khi chết thì hót hay, nhưng chó dại trước khi chết lại cắn càn… Hoàn này thiết tưởng bậc tiền bối thấu hiểu!” Đinh Tiên Hoàng đế khẽ phẩy tay: “Thôi được rồi!... Còn Vân Nga ái phi, nàng nói gì với ta đi chứ?". Nàng vẫn cúi đầu, Đinh Tiên Hoàng đế tiếp lời: “Chẳng lẽ, nàng trách ta không lập nàng làm hoàng hậu mà phải nhờ đến ông ta? Với năm hậu ta đã đủ nẫu người bởi những mâu thuẩn đàn bà, những đỏng đảnh nữ nhi, nữa là thêm nàng, nhất là họ lại biết ta yêu chiều nàng… Nàng đã trả ơn ta thế nào vì ta đã gây dựng cho nàng?”. Thấy không thể chối từ. Nàng cung kính thưa: “Khấu hiến tiền bối, tiện thiếp rất biết ơn người đã gây dựng cho mẹ con thiếp và cũng không phụ Người. Trước đó, mẹ con thiếp luôn ý thức thân phận thê thứ, nhưng tình thế lịch sử đã đẩy mẹ con thiếp vào cảnh ngộ này. Nếu Người không lập Hạng Lang làm Hoàng thái tử thì Nam Việt vương Liễn cũng  đâu vì ghen tức và cậy công hãm hại Hạng Lang. Liễn không hại Hạng Lang thì Đỗ Thích cũng đâu dám làm càn. Bi kịch của triều Đinh là ở chỗ đó. Vệ vương Toàn thơ bé đâu biết gì đến việc làm vua, nhưng khổ cho nó lại là mầm mống duy nhất còn lại của Người nên không thể không lên ngôi, và là mẹ đẻ ra nó, thiếp phải chấp nhận trở thành Hoàng thái hậu nhiếp chính. Thế là từ chỗ muốn nấp bóng cả cây cao hưởng thanh nhàn thì mẹ con thiếp bị đẩy ra chính trường. Giữa bối cảnh ấy, thiếp còn biết dựa vào ai? Điền, Bặc ư? Hai lão ấy nhìn thiếp hau háu như cú vọ… Thiếp đành dựa vào Thập đạo tướng quân… Ở vào địa vị của thiếp, thưa bậc tiền bối, Người sẽ dựa vào ai?”… Giọng Nàng vỡ ra thành nước mắt. Dương cảm động và anh thấy không thể không xen vào: “Thưa các bậc tiền bối, kẻ hậu sinh này thiển nghĩ, lịch sử hàm chứa các quy luật. Cái gì đã qua rồi không thể làm lại được nữa. Nếu Đinh Tiên Hoàng đế trách Đại Hành Hoàng đế lấy ngôi của dòng họ mình thì Đại Hành Hoàng đế lại có thể trách Thái tổ nhà Lý là Lý Công Uẩn; rồi Lý Thái Tổ cũng lại trách Trần Thủ Độ giúp Thái tổ Trần Cảnh lấy ngôi từ tay Lý Chiêu Hoàng, và cứ thế mãi về sau…. Thế thì còn đâu là lịch sử nữa! Sinh tử là quy luật, hưng phế cũng là quy luật, rồi hợp tan – tan hợp cũng vẫn là quy luật cả. Có một nhãn quan lịch sử thì tất cả những việc ấy đâu nghiêm trọng làm vậy. Chuyện cũ qua đi, việc còn lại là của các nhà chép sử, của nhân gian hậu thế và của nghệ thuật… các nhà thi ca, nhạc họa sẽ tha hồ tô vẽ từ cảm hứng lịch sử. Việc ấy có sai lệch ít nhiều với lịch sử thì dễ hiểu và có thể tha thứ được. Có đúng vậy không, thưa các bậc tiền bối?”..

Dương mải hùng biện, đến lúc anh dừng lời thì chẳng còn ai. Anh ngơ ngác rồi gào lên: “Đi đâu hết cả rồi? Ấy ấy các vị!... Xin hãy nán lại chút đã!” Dương xô cửa phòng vùng đuổi theo… Anh choàng mở mắt. Có bóng người đang cúi xuống người anh. Định thần thì ra là cậu lái xe ngủ cùng phòng, điện sáng choang. Cậu lái xe bảo:

- Anh mê ngủ gì mà khiếp thế, hết lảm nhảm lại cười rồi còn hét lên. Lúc đầu em nghĩ là anh uống nhiều rượu say xỉn nên mặc kệ, nhưng một lát thì biết là anh mê nên đánh thức anh dậy. Mê thế là mệt người lắm!

Dương vẫn chưa hết bàng hoàng, hồ nghi hỏi:

- Thế cậu vẫn ở phòng từ tối đến giờ à? Tớ không đi đâu và cũng không có ai vào đây chứ?

-Thì em chờ nước nóng tắm cho nhẹ người. Xong việc đã thấy anh úp quyển sách lên ngực mà ngủ. Em chờ tóc khô, bật ti vi xem bóng đã mãi. Hết bóng đá, em vừa mới tắt ti vi xong, ngả lưng còn chưa kịp ngủ. À, lúc anh mới ngủ có cô nhân viên nhà khách gõ cửa hỏi xem bình nóng lạnh chữa lúc chiều đã được chưa.

-Thế cô nhân viên ấy ăn vận thế nào?

-Anh hỏi vậy là làm sao? – Cậu lái xe ngạc nhiên – ý anh muốn nói là ăn mặc có hở hang hay không chứ gì? Bố ơi, Nghị định 87 dẹp hết những cái đó rồi!?

-Không, không!... À mình mơ…

Cậu lái xe cười trêu Dương. Anh không thể giải thích và cũng không thể kể ra giấc mơ cho cậu ta được.

Sau chuyến xuất hành đầu xuân về cố đô Hoa Lư mấy ngày. Người bạn đồng nghiệp ở một tờ báo khác gọi điện cho Dương bảo rằng, toàn bộ pô ảnh chụp trong chuyến đi ấy không được một kiểu nào, và anh ta than thở kêu tiếc. Dương gào lên trong máy:

-Sao lại thế? Lọt sáng à? Hay là không đủ ánh sáng?

-Không phải! Phim không quay tý nào thành ra toàn chụp không!... Mà này, bao giờ chụp ảnh ở đình, chùa, đền miếu gì thì mình cũng thắp hương xin phép. Hôm ấy mình cũng thắp hương khấn các vị, xin được chụp mấy kiểu ảnh. Thế mà các vị không cho.

-Mình hiểu rồi – Anh trả lời bạn mà như tự nói với mình.

Tự thâm tâm, Dương hiểu là mình đã may mắn!.....

 

 

 

NGÀY XƯA ẤY

                                                          Truyện ngắn của Nguyễn Chu Nhạc

         

          Một người đỗ đạt cả họ được tiếng, đó là một câu cửa miệng mà đến nay vẫn có giá trị và được nhiều người nhắc đến ở vùng quê tôi, nhất là những dịp làng có ma chay cưới xin, hoặc giỗ chạp.

          Làng Giải Oan quê tôi gần như thuần nhất một họ Nguyễn, nhưng chia thành ba chi: Nguyễn Văn, Nguyễn Xuân, Nguyễn Huy. Như thế có nghĩa là ông tổ của họ Nguyễn của làng có ba con trai, từ đó hình thành ba chi họ như ngày nay. Theo thứ tự thì Nguyễn Văn là chi trưởng, Nguyễn Xuân là chi thứ và chi út là Nguyễn Huy. Ấy thế, duy chỉ có chi út sản sinh ra một nhân tài khoa bảng, đỗ đồng tiến sĩ xuất thân thời Hậu Lê ( tôi đã từng đề cập trong truyện “Thấm thoát tháng ngày”). Đỗ đạt làm quan, đó là niềm khát khao của ông tổ họ Nguyễn sinh thời, một người vốn dòng dõi quan lại khoa bảng từ Thăng Long trôi dạt về vùng đất chiêm trũng này. Có người kế tục đỗ đạt, tưởng đó là niềm vinh hạnh, song không phải chỉ đơn thuần như vậy, bởi từ đó nảy sinh chuyện chẳng lành, được coi là nỗi sỉ nhục, nhức nhối trong cả dòng họ suốt bao đời nay, không dễ gì xóa nhòa đi được.

          Nguyên cụ Thủy tổ họ Nguyễn thuở lập làng có hai vợ. Tuy đông con nhưng mỗi bà chỉ sinh hạ được một con trai, sau này phát sinh hai chi Nguyễn Văn và Nguyễn Xuân. Đa đinh, phú túc như thế, nhưng cụ thủy tổ vẫn buồn lắm. Cụ buồn bởi cả hai người con trai đều chỉ say mê và giỏi nghề nông tang, chứ không ai chịu học hành, có chăng cũng chỉ ê a đôi ba câu Tam tự kinh để khỏi mang tiếng không biết chữ thánh hiền. Cụ thủy tổ nuôi chí kiếm một thằng con trai nữa, hy vọng sau này người đó sáng dạ, học hành đỗ đạt. Như thế cụ sẽ phải lấy một người vợ khác, mà người đó phải thuộc dòng dõi khá giả, có học. Suy ngẫm mãi, cụ thủy tổ quyết định hỏi cô con gái út của một người quen ở làng khác trong tổng.

          Cụ Nguyễn tự thân đến nhà người bạn trước hết là với lý do thăm hỏi. Đôi mắt sắc sảo của cụ thỉnh thoảng lại ánh lên dõi theo bóng dáng của cô Vy, con gái út của người bạn mà cụ đã nhắm trước. Càng ngắm cụ càng ưa. Cụ thầm nghĩ “Con người tươi trẻ, óng ả, sáng láng thế kia thế nào cũng sinh hạ cho ta quí tử”. Rồi cụ Nguyễn ngỏ ý với người bạn.

          Thoạt tiên, người bạn hơi sửng sốt bởi con gái mình tuổi mới độ trăng tròn lẻ, mà bạn mình thì đã ngót lục tuần. Nhưng cứ nhìn cụ Nguyễn, tóc còn xanh, râu vểnh, lông mày rậm hơi xếch, mặt đỏ, thì phần nào yên tâm. Rồi thì ván cũng đóng thuyền, cô Vy trở thành vợ ba cụ Nguyễn.

          Về nhà cụ Nguyễn, cô Vy không phải làm việc nặng, bởi công việc đồng áng đã có bà cả, việc nội trợ gia đình thì đã có bà hai. Hằng ngày, công việc chính của cô Vy là lau chùi bộ ấm chén uống trà, đánh bóng chiếc tràng kỷ và tủ sách, bàn thư của cụ Nguyễn. Lẽ dĩ nhiên, tối tối chừng gà gáy thứ nhất, cụ Nguyễn mới vào với vợ ba. Thường khi đó, cô Vy chỉ có một cảm giác duy nhất là sự sợ hãi cộng với nỗi tủi thân, nên cô co rúm người lại, nhắm nghiền mắt mặc cho ông già vần vò muốn làm gì thi làm. Khi chồng đã thỏa mãn ngủ say, cô vẫn còn sợ, chỉ nằm im, ứa nước mắt và lúc này cô mới đủ tĩnh tâm để nghĩ đến chàng khóa Huy. Chàng hơn cô bảy tuổi và là học trò của cha cô. Chàng thông minh, vóc dáng ung dung thư thái. Cha cô bảo sau này thế nào chàng cũng đỗ đạt. Cô và chàng thầm yêu trộm nhớ nhau. Mới tết vừa rồi, chàng cùng đám khóa sinh đến nhà cô chúc tết, chàng đã giả vờ ra đầu hồi nhổ bã trầu rồi len lén dúi vào tay cô bài thơ xuân chàng viết tặng cô. Bài thơ ấy đến giờ cô vẫn thuộc. Chỉ tiếc nỗi, biết chữ nhưng chẳng hay thơ để làm mấy vần hồi đáp chàng. Với cô, ban đêm vừa đáng sợ, vừa là nỗi mong chờ. Bởi là vì, chung đụng với chồng tuy thật khổ sở, nhưng sau đó cô được thả hồn về với chàng khóa Huy, mặc sức cho trí tưởng tượng bay bổng. Có một lần, cô mơ thấy đám cưới mình với chàng khóa Huy, rồi đêm tân hôn cô mê man trong vòng tay xiết chặt của chàng, nhưng lạ lùng thay. sau những phút giây khoái cảm, chàng khóa Huy mặt xanh mét và đầu chàng tóc mọc ra lởm chờm. Cô sợ quá lay gọi thì chẳng thấy chàng đâu và thay vào chỗ chàng nằm là một đống tóc. Không hiểu tóc ở đâu mà lắm thế. Những mẩu tóc cắt vụn cứ đùn ra như tổ mối xông. Cô hét lên, choàng tỉnh, người đẫm mồ hôi. Cụ Nguyễn đang ngủ say mê mệt sau những phút giây hành lạc, cũng giật mình ngồi dậy. Cô phải nói dối là ngủ mê thấy ma để chồng khỏi nghi. Từ đó, mỗi đêm với cô Vy chỉ còn là đêm của cực hình.

          Lạ thay, về làm vợ cụ Nguyễn hơn năm trôi qua, cô Vy vẫn không có thai. Điều đó làm cụ Nguyễn buồn lắm. Còn cô Vy thì chẳng hiểu sao qua những biểu hiện của đàn bà, cô vẫn thấy bình thường. Hay là trời đất phạt cô? Phạt cụ Nguyễn? Trong sâu thẳm tâm can, cô muốn có đứa con để trút hết lòng yêu thương nỗi giận hờn của cuộc đời vào đấy, song cô tự mâu thuẫn, không muốn đứa con mà cô phải mang nặng đẻ đau là của cụ Nguyễn, mà đứa con phải là của chàng khóa Huy, người cô yêu thương. Phải chăng, sự đau đớn dằn vạt đã tước đi của cô khả năng hoài thai? Song linh cảm vẫn mách bảo cô một điều gì đấy. Và cô nén lòng chờ đợi. Chờ đợi mông lung…

          Rồi một đêm mưa ngâu sùi sụt. Đã sang gà gáy canh ba, khi đang mơ màng nghĩ. Chợt cô Vy nghe thấy tiếng gọi tên mình mơ hồ như gió thoảng.

          Cô lắng tai nghe ngóng. Đúng là ai đó gọi mình rồi. Hay là oan hồn ma quỉ từ kiếp nào hiện về ám cô. Cô đã làm gì nên tội. Lắng tai nghe. Không. Đúng là ai đó gọi chứ không phải hồn oan nào hết. Cô khẽ mỏm dậy. Thôi đúng là chàng rồi, chàng khóa Huy của lòng cô. Nếu đúng là chàng thì làm sao lại dám mò đến đây nhỉ? Cô Vy liếc nhìn chồng. Cụ Nguyễn ngủ say mê mệt. Cô ngồi hẳn dậy, sửa sang lại yếm váy. Nhìn chồng tần ngần. Tiếng chàng khóa như vang lên tha thiết ngoài kia mà chỉ mình cô nghe thấy. Tiếng gọi của đáy lòng thúc dục cô. Cô buông thõng chân xuống khỏi giường và nhẹ nhàng chườn ra. Tự nhiên, cô bỗng thấy thương chồng. Lại phân vân, thừ người ra. Phải nói, từ ngày lấy cô về làm vợ, chưa bao giờ cụ Nguyễn nặng lời với cô một câu. Cô cũng không phải làm việc nặng, còn chuyện cô bị dày vò mỗi đêm thì cô cũng phải xem là lẽ thường tình đối với thân phận của người đàn bà có chồng. Nhưng cô còn cuộc đời riêng của mình chứ, có nỗi khát khao không giống một ai. Bằng mọi giá cô phải đoạt lấy.

          Đúng là chàng khóa Huy. Nhưng làm sao chàng vào được với mấy lần cửa đóng then cài, cùng bầy chó dữ canh gác, mà sức vóc chàng lại yếu ớt thế kia. Đấy là cô nghĩ vậy chứ lúc ấy cô làm gì có đủ thời gian và sự tỉnh táo vấn chàng. Không còn giữ lễ nghĩa phép tắc gì, cô ngả vào lòng chàng khóa Huy. Chàng vuốt ve, xoa nắn khắp cơ thân thể cô, miệng lắp bắp những lời yêu thương, nhớ nhung xen lẫn những lời trách móc hờn giận. Mưa ngâu vẫn rắc đều làm hai người ướt đẫm, nhưng cơ thể họ vẫn cứ dần nóng lên. Chiếc yếm che ngực của cô Vy đã bung ra, còn tóc vấn đầu thì sổ tung. Đúng lúc ấy, tiếng chó sủa rộn lên. Cô Vy giật thót mình. Về đây đã hơn năm nay, cô biết, hễ con chó mực đã lên tiếng sủa thì khó có gì qua được nó. Cô vội buông chàng khóa nhưng chàng đang cơn mê man, cứ xiết chặt lấy làm cô đau nhức người. Rồi hai người giằng co. Cô Vy luôn miệng giục chàng khóa chạy đi kẻo không thoát được. Đến lúc chàng khóa tỉnh người, ngộ ra điều gì, vội lẩn vào bóng cây đến bên chân tường rào, bám vào leo lên tìm cách thoát ra ngoài, thì mọi sự đã muộn. Mấy tay đầy tớ còn nhanh hơn cả lũ chó, chúng đã kịp thời bám sát, túm lấy hai chân chàng khóa giật mạnh xuống. Chàng khóa Huy ngã dập mặt xuống, máu mồm, máu mũi trào ra ướt đẫm ngực áo lụa mỏng.

          Chàng khóa bị trói chỏng gọng, vứt nằm trong nhà ngang. Cụ Nguyễn chống chiếc gậy trúc mấu đi xuống, cầm chiếc đèn từ tay tên đến tớ, soi vào mặt kẻ bị bắt. Chàng khóa nhắm nghiền mắt lại, nhìn kỹ hồi lâu, cụ Nguyễn lờ mờ hiểu ra là đã từng thấy con người này ở đâu rồi. Hay đó là hình bóng của cụ thuở nào? Hay người trong giấc mơ đây ? Cụ nhìn ra sân đầy bóng tối… Chợt ngộ, khẽ gọi nhưng giọng đanh thép: “Dì ba đâu , lại tôi bảo”. Cô Vy rón rén bước vào. Hết nhìn chồng lại nhìn người bạn tình bị trói chỏng gọng nằm giữa gian nhà ngang. Cụ Nguyễn hết nhìn vợ lại nhìn kẻ lạ mặt, nhát gừng : “Dì ba…có biết người đàn ông này không…nhỉ ?”. Cô Vy lúng túng: “Dạ, dạ … không ạ!”. “Thế hả?”- cụ Nguyễn cộc lốc: “Thế thì đánh!”. Những chiếc roi thi nhau vụt xuống.

          Cô Vy rùng mình. Mặt cụ Nguyễn đanh lại. Cụ hạ lệnh: “Thôi”. Rồi cụ đưa cô Vy lên nhà, dặn bọn đầy tớ canh phòng cẩn thận kẻo kẻ gian chạy trốn.

          Cả cụ Nguyễn và cô Vy nằm lặng thinh bên nhau, không ngủ. Cả hai đều nghĩ đến một người. Mệt mỏi và sợ hãi, rồi cô Vy cũng thiếp đi. Lúc cô tỉnh dậy, thì giường trống không. Không hiểu cụ Nguyễn thức từ bao giờ và đi đâu. Cô lại hoảng lên và lo sợ cụ Nguyễn sẽ làm gì chàng khóa Huy, còn lo cho chính bản thân mình nữa. Cứng người chôn chân không dám đi đâu.

          Trong lúc cô ngủ, cụ Nguyễn trở dậy xuống nhà ngang, lại soi đèn vào mặt người lạ. Người lạ nhìn cụ chằm chằm. Không nói. Cụ Nguyễn gọi tên đầy tớ vào ghé sát tai dặn khẽ rồi yên tâm chờ đợi. Chừng nửa giờ sau, tên đầy tớ bưng vào một bát cháo to.

          Cụ Nguyễn đón lấy, chìa bát cháo vào sát mặt người lạ, rằn giọng: “Hãy nghe ta nói đây. Dù thế nào người cũng là kẻ gian. Người phải chọn một trong hai cách. Hoặc ăn hết bát cháo này rồi ta cởi trói tha bổng cho. Hoặc ngày mai ta cho lột truồng giải dọc đường làng, đưa ra đình hạch tội lẻn vào nhà ta ăn trộm. Thế nào?...”. Chàng khóa im lặng một lát, dứt khoát : “Đưa cháo đây cho ta ăn”. Cụ Nguyễn: “Tốt lắm. Yên tâm mà ăn…Cháo không có thuốc độc đâu”. Và chàng khóa Huy đã rướn cổ trào nước mắt nuốt hết bát cháo trộn tóc băm nhỏ. Chàng đã được cụ Nguyễn tha bổng như đã hứa.

          Chuyện tưởng tầy đình, không ngờ lại được thu xếp khéo đến thế. Mấy đầy tớ được cụ Nguyễn cho ít tiền kèm với lời căn dặn nửa đe dọa rằng: “Đứa nào hé chuyện ra ngoài thì cũng phải ăn cháo tóc như thế”. Chàng khóa Huy biết mình ăn hết bát cháo tóc sẽ chết dần chết mòn, nhưng thà như vậy còn hơn, chàng làm sao chịu nổi sự nhục nhã khi bị lột truồng đi giữa bàn dân thiên hạ, nhất là trong số đó có cô Vy. Chàng chết khổ sở sau mấy tháng mắc bệnh đau bụng, đau thắt ruột gan, đau đớn quằn quại.

          Sau chuyện đó, cô Vy vốn đã ít nói thì nay gần như câm lặng. Cô đi lại như một chiếc bóng, người dần héo hon. Cụ Nguyễn ngắm cô mà thở dài thương xót. Cùng với nỗi đau, niềm thương xót kia, hy vọng có đứa con trai học hành khoa bảng của cụ cũng mất theo.

          Nhưng rồi một chuyện khác xảy ra làm thay đổi hết thảy. Nguyên gia đình cụ có nuôi một người ở trẻ tuổi. Cậu ta chuyên nghề chăn bò, lợn trong nhà. Người này có tên là Vọng. Cụ Nguyễn từng gặp Vọng đói lả bên đường, bèn dắt Vọng  theo về nhà, vì làng xóm lúc đầu còn vắng nên rất cần người. Vọng mặt mũi dễ coi, đặc biệt có tài khoét trúc làm sáo, làm tiêu và thổi rất hay. Vọng có thói quen, cứ chiều tối mùa hè, sau khi làm xong công việc của mình, Vọng lại vắt áo lên vai đủng đỉnh ra bờ sông. Vọng cởi hết quần áo lội ào xuống sông, bơi thỏa thích, rồi lên bờ hóng mát. Thường lúc này, Vọng mới lấy tiêu ra thổi. Tiếng tiêu của Vọng nghe mà buồn bã làm sao, người làng ai cùng bảo vậy. Gió bờ sông đưa tiếng ấy đi xa hơn. Có người trong làng cho là, Vọng vốn không phải là kẻ tầm thường mà là người danh giá thất thế, phiêu bạt đến nông nỗi này. Nghe người làng bảo vậy, lúc đầu cô Vy cũng tin phần nào, nhưng khi tiếp xúc nhiều, cô thấy cốt cách Vọng cũng tầm thường thôi, không có gì của người danh giá cả. Vọng cũng không hề biết chữ bẻ đôi. Được cái, Vọng có dáng vóc thanh mảnh, thư sinh. Nhìn kỹ cô thấy hao hao giống dáng vẻ của chàng khóa Huy. Thực ra trước đó, chẳng mấy khi cô để ý đến Vọng. Nhưng từ khi biết chàng khóa Huy chết, cô Vy đau buồn và khi ấy cô mới nhận ra người đầy tớ tên Vọng có những nét hao hao chàng. Thỉnh thoảng hỏi han Vọng đôi câu, cô thấy Vọng cũng không đến nỗi ngu đần lắm. Và một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu, rồi nó cứ lớn dần ám ảnh cô những đêm dài cô độc. Nhất định cô phải có con, có con bằng mọi giá. Vọng có thể giúp được cô. Từ khi nảy sinh ý nghĩ ấy, cô Vy thử tìm cách gợi chuyện với Vọng, nhưng khốn nỗi, gã ta rụt rè quá, vả lại thân phận tôi đòi nên cứ lảng tránh cô.

          Một buổi chiều, Vọng theo thói quen đủng đỉnh đi ra bờ sông, cởi quần áo và nhảy ùm xuống nước bơi lội. Chán chê, nhìn lên bờ, Vọng hoảng hốt thấy bà ba của ông chủ đang ngồi bên đống quần áo rách của mình, mân mê trên tay chiếc tiêu mà Vọng vứt lắn lóc bên cỏ. Vọng vội ngụp sâu xuống, lúc nhô lên thấy bà ba vẫy tay ra hiệu gọi lên bờ. Vọng suy tính một lát, rồi cũng bơi vào gần bờ, dừng ở chỗ nước nông. Vọng lúng búng : “Thưa bà…con không thể lên được…bởi vì con…” Cô Vy: “Ta hiểu rồi… anh không có quần áo chứ gì? Cứ lên đi…Ta ngoảnh mặt cho là được chứ gì ”. Vọng lên bờ, vơ vội lấy quần áo, vừa lúc đó thì cô Vy đột nhiên quay lại và Vọng chỉ kịp thấy cặp vú thây nẩy của bà chủ áp sát mặt mình. Vọng hoảng sợ tột độ, nhưng bà chủ đã giữ chặt lấy, vuốt ve đầu Vọng. Vọng chợt hiểu bà chủ cần gì ở y, nỗi sợ dần biến mất và thay vào đó chỉ còn dục vọng của người đàn ông khỏe mạnh nổi lên hừng hực trong thân xác y. Tay y quờ quạng lung tung, nhưng rồi dưới bàn tay hướng dẫn của bà chủ, hai tay Vọng cũng biết lần mò xuống dưới váy, và chỉ chờ có thế, chiếc váy tụt xuống. Vọng mê đi, chìm nghỉm xuống rồi như bay lên trong niềm hoan lạc trần thế mà từ bé đến giờ y chưa từng biết. Vọng cứ bồng bềnh, bồng bềnh và trôi dạt mãi. Đến lúc y hồi tỉnh lại để hiểu ra điều gì đã đến với mình thì chỉ còn lại một mình y bên cạnh là bộ quần áo rách vá víu và chiếc tiêu nằm lăn lóc trong bóng chiều chạng vạng phủ tối lên mặt sông hiu quạnh. Tự nhiên, Vọng thấy cô đơn, cô đơn khủng khiếp, và y ứa nước mắt. Chẳng hiểu y khóc vì khổ đau hay sung sướng? Hay vì cả hai? Tối ấy, mọi người không thấy Vọng về. Cũng không ai quan tâm lắm ngoài cô Vy. Cô nấu nước lá thơm, gội đầu tắm táp. Thấy vợ ba điệu bộ, thân thể quyến rũ lạ thường, cụ Nguyễn không nén nổi lòng ham muốn. Phá bỏ lệ thường đợi sau gà gáy thứ nhất như mỗi lần trước đây, cụ xếp gọn bàn thư vào với vợ ba từ lúc chập tối. Lần đầu, cụ thấy vợ ba nồng nàn thế và cụ như mê đi lạc lối vào cõi ảo. Cô Vy nằm bên chồng thổn thức, không biết nên vui hay nên buồn. Ngoài trời, vầng trăng mùa hè tỏa ánh sáng đùng đục và trong không gian bi nồng ấy, tiếng tiêu bổi hổi như hàm ơn, như ai oán từ bờ sông vọng về. Cô Vy lắng nghe…

          Rồi cô Vy mang thai. Đủ tháng đủ ngày, cô sinh ra một đứa bé trai kháu khỉnh. Ngắm kỹ đứa trẻ, tuy không mấy giống mình song cụ Nguyễn an tâm lắm. Không giống cha thì giống ông bà bên ngoại, thiếu gì người để giống. Không con cụ thì con ai. Thằng khóa Huy chết từ tám hoánh rồi còn đâu, ai vào đây được nữa, hả giời ?!

          Thằng bé càng lớn càng kháu khỉnh, có vẻ dĩnh ngộ. Song người làng bắt đầu đàm tiếu rằng nó hao hao giống Vọng. Chuyện đến tai cụ Nguyễn, cụ giật mình, ngắm thằng con thật kỹ lưỡng. Quả là nó giống thằng Vọng, kẻ ở đợ của cụ trước đây. Sao thế được nhỉ? Cụ vắt tay lên trán nghĩ nát óc mà không ra.

          Thằng Vọng cũng chết rồi mà. Nó chết đuối chềnh ềnh trên sông dạo nào. Ngày ấy, người ta đồn, do nó làm lụng vất vả nên đang tắm bị cảm lạnh đột ngột.

          Cụ cũng tin là thế. Cụ còn làm phúc bỏ tiền ma chay chôn cất tử tế. Mỗi khi nhà giỗ tết, cụ đều bảo bà ba thắp hương trên mộ nó nữa kia. Ai ngờ. Nhớ lại, thôi đúng rồi thằng Vọng chết vào cái đêm bà vợ ba của cụ bỗng nhiên nồng nàn, quyến rũ. Một linh cảm mơ hồ bỗng nhiên xuất hiện trong cụ và cụ Nguyễn hiểu rằng, thằng con trai kháu khỉnh mà cô Vy sinh hạ với cụ chính là con của Vọng. Mặc dầu, cố ngụy biện, cá vào ao ai người ấy được, song thâm tâm vẫn cay cú vì mình chỉ là kẻ đi đổ vỏ cho thằng ở đợ nhà mình. Cụ Nguyễn đau đớn âm thầm, ít xuất hiện ở nơi đình đám giỗ chạp đông người. Hai năm sau, cụ Nguyễn qua đời, cô Vy cũng chỉ sống đến lúc đứa con trai lên mười tuổi.

          Có ai biết đâu, cái đêm xa xưa ấy, sau khi cô Vy bỏ mặc y ra về, Vọng cứ ngẩn ngơ mãi ở bờ sông. Y không muốn về, y sung sướng rồi y buồn. Vớ lấy chiếc tiêu, y thổi, thổi mãi, trút hết nỗi buồn vui của cả kiếp người vào tiếng tiêu. Đầu y váng vất, tai y ù đi và mắt y mờ mịt khói sương, ngực thì thắt lại trong niềm hoan lạc, rồi y tung chiếc tiêu lên trời, nhảy xuống sông, bơi đi mãi cho đến lúc y cảm thấy hụt hẫng, đuối đi. Y lờ mờ cảm thấy một cái gì sẽ đến với y. Y chìm dần, song ở một nơi nào đó sâu kín trong tiềm thức mách bảo rằng y vẫn còn lại đứa con gửi trên trần thế, và sức lực như trở lại với y. Y cố ngoi lên, ngoi lên, nhô hẳn đầu lên trên mặt nước, vươn hai tay cầu một câu gì đấy. Liệu đất trời có thấu hiểu cho y hay không? Chỉ biết rằng sau đấy, y chìm hẳn, chỉ còn để lại trên mặt nước dăm ba cái bong bóng nước nhỏ, và bị vỡ tan ngay sau khi nó vừa sủi kên trong sóng nước rì rầm.

          Ngày xưa là thế. Làng Giải Oan này là một làng lớn với hàng ngàn nóc nhà. Ba chi họ Nguyễn tồn tại song song nhau. Hằng năm có một ngày giỗ tổ chung, chính là ngày giỗ cụ Nguyễn mà tôi kể trên đây. Trong bữa rượu thế nào cũng có chuyện lời ra tiếng vào về nguồn gốc tổ tiên của mình, dẫn đến sự to tiếng, thậm chí cãi vã hoặc động chân động tay.

          Theo dòng chảy của thời gian, chẳng biết từ đâu, chàng ở đợ tên Vọng lại được suy tôn làm Thành Hoàng của làng Giải Oan, và được thờ cúng ở đình hẳn hoi. Cụ Nguyễn thì có công gây dựng làng bởi từ cụ mà làng được như bây giờ. Làng vinh hạnh có một người đỗ đạt, đó là tiến sĩ thuộc chi Nguyễn Huy thời Hậu Lê, đời thứ bao nhiêu của đứa trẻ ngày xưa. Chi Nguyễn Huy vẫn tồn tại trong nỗi nhức nhối của cả họ.

          Không hiểu rồi, người làng Giải Oan sẽ còn truyền nhau câu chuyện này đến tận bao giờ?

          Mỗi khi nghĩ đến chuyện ấy, tôi lại bâng khuâng, không biết nên vui hay nên buồn?

          Nhưng chắc chắn là, làng Giải Oan quê tôi cùng với ba chi họ Nguyễn sẽ tồn tại mãi mãi, mặc sự buồn vui của người đời!

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *