Nhà văn - Tác phẩm

20/5
12:25 PM 2019

NHÀ VĂN- TÁC PHẨM: GIỚI THIỆU 3 TRUYỆN NGẮN ĐẶC SẮC CỦA NHÀ VĂN VŨ ĐẢM

Nhà văn Vũ Đảm tốt nghiệp Khóa V Trường Viết văn Nguyễn Du. Hiện làm việc tại Hội Nhà văn Việt Nam, đã xuất bản 21 tiểu thuyết và tập truyện ngắn; Nhân dịp Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới in tập truyện ngắn “Người Tử Tế” của ông, VANVN.NET xin trân trọng giới thiệu chùm truyện đã in trong tập sách này:

                                                Nhà văn Vũ Đảm

TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ ĐẢM

                         NGƯỜI TỬ TẾ

                                                         

  • Ông là một người thông minh, có tài!
  • Ông là một người đức độ!
  • Tiếc thay chỉ vì thời buổi bây giờ có nhiều kẻ đố kỵ nên ông không được trọng dụng!

Nghe những lời ca tụng của Lễ, Nguyễn cảm thấy  nỗi buồn như được trút hết xuống  hồ Tây. Chả cứ gì việc cơ quan, xã hội mà ngay cả những chuyện buồn trong gia đình như cãi nhau với vợ hay giận dỗi với cô tình nhân xinh đẹp, Nguyễn đều gọi điện cho Lễ đến cái nhà hàng  bên hồ Tây thơ mộng vừa nhâm nhi loại rượu vang Pháp mà cả hai cùng ưa thích, vừa thổ lộ nỗi buồn của mình.

                                  Description: z1035858216707_303b773514b388d27257076f3f963c1c

Thời buổi bây giờ toàn những kẻ sống đểu giả, lừa đảo, đến ngay cả cái thằng tiến sĩ Tôn, người  bạn thân nhất, có học hành đến nơi đến chốn mà cũng vừa mới lừa Nguyễn chín trăm triệu. Tôn bảo đang dồn tiền đầu tư một dự án khoa học với bọn Mỹ trị giá năm triệu đô, trừ mọi chi phí đi cũng bỏ túi 10%, yên tâm chỉ trong vòng ba tháng, Tôn sẽ trả đủ vốn và trả lãi cho Nguyễn năm mươi ngàn đô. Bỏ ra chưa đầy một tỷ, thu lãi hơn một tỷ chỉ trong ba tháng, hỏi còn gì lãi hơn? Thế là Nguyễn mang sổ tiết kiệm ra ngân hàng rút trước thời hạn số tiền chín trăm triệu có được do bán đất thừa kế ở quê và hai vợ chồng ky cóp được để chuẩn bị phá ngôi nhà cấp bốn đi, xây ngôi nhà bốn tầng, một tum đem cho Tôn vay. Nhưng ba tháng không thấy Tôn nói gì, Nguyễn ngại không muốn hỏi, sợ Tôn chửi mình là chỗ bạn bè thân thiết mà không tin nhau. Rồi năm, sáu, bảy tháng vẫn không thấy Tôn trả vốn lẫn lãi, Nguyễn đành gọi điện hỏi thì Tôn nói tháng sau sẽ trả. Tháng sau lại hẹn tháng sau nữa. Tháng sau nữa gọi điện thì bị chặn. Nguyễn đến tận nhà đòi, nhà Tôn cũng đã bán, chuyển đi đâu không rõ. Nguyễn đến cơ quan tìm Tôn, mới hay là bị lừa, nào có dự án khoa học gì mà là “dự án” đánh bạc qua mạng bị thua mấy chục tỷ. Tôn van xin Nguyễn, hứa sẽ tìm cách trả nhưng Nguyễn đã sụp đổ niềm tin, nhổ vào mặt tôn một bãi nước bọt rồi ra về. Bài học về lòng tham và sự cả tin đã được Nguyễn trả với cái giá chím trăm triệu cùng với những lời đay nghiến chì chiết của vợ. Đàn bà là thế, tiếc tiền nhiều khi hơn cả tiếc chồng, đến nỗi Nguyễn hét lên, rằng nếu cô coi tiền hơn tôi, tôi sẽ đi vay đủ chín trăm triệu rồi xin cô ký vào đơn ly hôn; đến nước ấy, vợ Nguyễn mới không dám đả động đến tiền nữa, tiền đằng nào cũng đã mất, lại mất thêm chồng nữa thì cay đắng chồng cay đắng.  

Thế nên kiếm được một người tử tế như Lễ, biết lắng nghe, biết thấu hiểu, biết chia sẻ thật là hiếm. Đấy người ta gọi là tri kỷ. Tri kỷ hơn cả vợ. Tri kỷ hơn cả anh em ruột thịt và dĩ nhiên hơn đứt cả bạn bè. Không chỉ biết chia sẻ, bênh vực mà Lễ còn là một người cương trực, đấy là nhân cách của một  bậc quân tử! Người đời cứ hay nói tìm được người vợ, người chồng làm bạn đời tri kỷ thì thật hạnh phúc. Làm quái gì có chuyện đó, vợ chồng là duyên nợ từ kiếp nọ kiếp kia, nợ nần nhau tình cảm, tiền bạc  hay cái gì đó rồi kiếp này gặp lại nhau mà đòi nợ nhau; mà đã đòi nợ nhau là hành hạ nhau thì tri kỷ cái nỗi gì? Vợ Nguyễn mà chả thế à. Hễ Nguyễn đưa tiền cho mà mặt mũi tươi tỉnh, còn lấy tiền đi thì mặt nặng mày nhẹ. Có lần tâm sự về vợ, Lễ giảng  giải cho Nguyễn hay, kiếp trước Nguyễn nợ tiền bạc một người nào đó rồi trả thiếu hoặc quỵt không trả nên kiếp này họ làm vợ Nguyễn để đòi tiền. Thôi  đòi kiếp này là quá đủ, kiếp sau lại thành vợ đòi nữa thì Nguyễn chỉ có nước không treo cổ cũng bỏ nhà ra đi! 

  • Nào uống đi! Cái thằng Phó giáo sư Ngô Khởi ngu như bò ấy không đáng để ông phải bận tâm!

Lễ chạm ly, rót tiếp rượu vào cốc cho Nguyễn rồi tiếp tục nguyền rủa Ngô Khởi:

  • Thằng ấy mua bằng tiến sĩ, chạy danh Phó giáo sư!
  • Nó là thằng miệng nam mô, bụng một bồ dao găm!
  • Nó ghen ăn tức uống nên không muốn cho ông lên vụ phó!

              Hồ Tây mênh mông, sáng nay gió mạnh, sóng to nhưng vẫn không át được giọng nói khí khái của Lễ. Tâm lý con người là thế, được nghe người khác nói xấu, nhục mạ tình địch của mình, dù là đó không phải là sự thật thì vẫn cảm thấy hả lòng hả dạ lắm. Nguyễn là trưởng phòng, Ngô Khởi cũng là trưởng phòng, cả hai đều là tiến sĩ nhưng Ngô Khởi hơn cái chức danh Phó giáo sư, cả hai đều lăm le cái ghế vụ phó thế nên ngoài thì bắt tay mà trong thì tìm mọi cách hạ bệ nhau. Lễ là đồng nghiệp của cả hai, trong cơ quan Lễ được lòng tất cả mọi người. Và nếu cơ quan tiến hành bầu chức danh vụ trưởng bằng bỏ phiếu kín thì chắc chắn Lễ sẽ trúng cử một trăm phần trăm.

              Mười hai rưỡi, Lễ rút ví, vẫy tay cho tiếp viên kêu tính tiền nhưng đời nào Nguyễn cho Lễ trả, đây là Nguyễn mời Lễ cơ mà, hơn nữa lại là được nghe những lời ngợi ca dành cho mình và những lời xỉ vả dành cho địch thủ. Trước khi ra về, Nguyễn  nắm chặt tay Lễ tỏ vẻ xúc động:” Ông là một người tử tế!”.

              Lễ ra về đánh một giấc đến bốn giờ chiều thì lại có điện thoại mời đi nhậu. Lễ tắm xong, mặc quần áo lái xe đến một nhà hàng ở phố cổ. Vừa thấy Lễ bước vào, Ngô Khởi đã vồn vã chạy ra bắt tay:

  • Chào người tử tế!

Lễ đáp lại bằng một câu cửa miệng:

  • Chào nhà khoa học tài ba, đức độ!

              Bữa tiệc chỉ có hai người, mà Ngô Khởi cũng chiêm nghiệm từ hiện thực cuộc sống ra một điều chân lý, tri kỷ chỉ có một chứ không có hai trong cuộc đời; cũng như tình yêu đích thực chỉ có một chứ không có hai. Bạn bè thì có nhiều nhưng tìm được biết lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm thì Ngô Khởi chỉ tìm được duy nhất có mình Lễ. Thế nên hễ có việc gì vui buồn, nhất là việc buồn là Ngô Khởi lại tìm đến Lễ để trút bầu tâm sự. Hôm nay thì Ngô Khởi đang buồn nếu như không nói là rất buồn vì cái nghế vụ phó đã sắp được ngồi vào thì bị Nguyễn lăm le, phá thối.

  • Cái thằng Nguyễn là một kẻ đểu giả!- Ngô Khởi nói.
  • Không phải là đểu giả mà là đểu thật- Lễ đáp lời.
  • Nếu không có nó phá, tôi đã được lên vụ phó!
  • Ở cơ quan mình, không ai xứng đáng bằng ông, thông minh có sẵn, tài năng có thừa. Tiếc thay cái thằng vụ trưởng cơ quan mình ngu dốt, ham gái ham tiền nên cũng không biết trọng dụng nhân tài.

              Ngô Khởi bảo thôi quên cái thằng đểu giả ấy đi kẻo rượu ngon, bạn hiền thành ra rượu nhạt. Lễ mím môi, quên là quên thế nào được, cái thằng Nguyễn chó má, bất tài ấy, chỉ nhìn mặt đã thấy buồn nôn.

              Chỉ nhìn thấy mặt đã thấy buồn nôn! Câu nói của Lễ sao mà hay mà sâu sắc đến thế, rất nhiều lần nhìn thấy cái bộ mặt xám xịt của Nguyễn, Ngô Khởi đã thấy lợm giọng, không phải là mặt Nguyễn bẩn vì không rửa mà ở đấy nó cứ toát lên cái gì đó của sự bẩn thỉu, đểu giả. Chả như khuôn mặt của Lễ, vuông chữ điền, nhân hậu và cả nụ cười luôn thường trực trên môi.Thật là một người tử tế đích thực, tử tế từ hình thức bên ngoài đến nhân cách bên trong!  

              Chiều phố cổ vắng xe qua lại. Từ căn phòng trên tầng hai, Lễ dõi mắt nhìn những chiếc lá vàng rơi, bảo rằng đời người cũng như chiếc lá, thời trẻ thì xanh tốt, về già thì úa vàng và đến lúc nào đó , lá sẽ lìa cành còn người sẽ lìa đời vậy nên sống cần tử tế với nhau chứ hại người thì người hại lại, người không hại lại được thì trời sẽ hại, đó là luật nhân quả. Một nhà khoa học vừa có tài vừa có tâm như  Ngô Khởi thì dẫu có bị những kẻ như Nguyễn hãm hại, bị cái thằng vụ trưởng đầu óc bã đậu vòi ăn tiền, vòi gái đẹp cũng sẽ được trời cứu và trời thế nào cũng sẽ trừng phạt bọn chúng.

              Càng nghe những lời Lễ  khen ngợi mình, Ngô Khởi cảm thấy lâng lâng, đúng là chỉ có Lễ mới hiểu được tài năng của mình. Rồi lại nghe những lời Lễ nguyền rủa Nguyễn, Ngô Khởi hả lòng hả dạ.

              Chuông điện thoại di động của Lễ  vang lên, Lễ thò tay vào túi lấy điện thoại ra, nhìn thấy số máy của ông vụ trưởng, liền đứng dậy đi ngoài:

  • A lô, em chào anh!
  • Nghe nói thằng Nguyễn và thằng Ngô Khởi nó không được lên vụ phó, đi nói xấu anh đủ điều à?
  • Anh là người có tài có đức, cả cơ quan ai chả kính trọng, chấp làm gì hai cái thằng vô học này!
  • Nghe chú nói, anh cũng mát lòng. Sáng mai đến cơ quan chú lên phòng anh, có người  mới biếu chai Mao đài thứ thiệt, làm vài ly nhé?
  • Vâng, vâng, cảm ơn anh, sáng mai em sẽ lên phòng anh; người mà em ngưỡng mộ nhất từ trước đến nay!

              Lễ tắt máy đi vào, nói với Ngô Khởi, có một em xinh đẹp cứ đeo bám, đòi làm tình nhân tri kỷ. Ngô Khởi bảo, người như Lễ thì nhiều gái theo là phải, nếu như Ngô Khởi mà là con gái thì cũng chết mê chết Lễ; ở đời được phụ nữ xinh đẹp yêu đó là một diễm phúc. Lễ cười:

  • Vua còn chết vì mỹ nữ huống chi chúng ta!
  • Nhưng phải có số đào hoa như ông mới có gái đẹp theo chứ như tôi, vợ già, gái theo cũng chỉ gái già!

              Ngô Khởi thở dài, Lễ chia sẻ, lấy phải vợ già, vợ xấu chưa hẳn đã không hạnh phúc, vì vợ già thường tâm lý, chiều chồng, thủy chung; còn vợ trẻ đẹp thì mình lại phải hầu hạ, hay bị kẻ khác cuỗm mất. Thử hỏi vợ mình mà lại lên giường với thằng khác thì có bằng vợ già mà chỉ biết lên giường với chồng không?  

 Phố cổ đã lên đèn cũng là lúc cuộc rượu giữa hai người tri kỷ tàn cuộc. Lễ rút ví, vẫy tay cho nhân viên phục vụ tính tiền. Ngô Khởi gạt đi, tiền nong có đáng là gì, tình cảm mới là quý, được Lễ ra đây ngồi tâm sự là diễm phúc lắm rồi.

              Ngô Khởi tiễn Lễ ra tận xe, xúc động bảo rằng ở đời kiếm được người tử tế như Lễ thật khó như mò kim đáy biển!

                                          

QUÀ TÉT

Truyện ngắn của VŨ ĐẢM

            Sáng, buổi sáng nghỉ hưu  thứ sáu ông Trai không đi ăn sáng ở  nhà hàng Sông Quê  nổi tiếng  nhất thành phố. Khi ông còn đương chức chủ tịch thành phố, trừ những ngày ông đi công tác hoặc ốm nặng còn thì sáng nào cũng vậy, đúng bảy giờ anh lái xe đã đến nhà đưa ông đến nhà hàng  để ăn sáng; khi thì ông ăn phở gà, lúc thì phở bò hoặc búng bung, tô bánh đa cá rô đồng. Bát của ông và những người vinh dự  mời được ông đi ăn sáng bao giờ cũng là bát đặc biệt đắt gấp đôi và dĩ nhiên không bao giờ ông phải trả tiền. Kể cả có vài lần ông đến ăn một mình, ông kêu tính tiền nhưng bà chủ nhà  hàng đã đon đả: “ Ô không, anh hạ cố đến ăn ở nhà hàng em là vinh dự cho em lắm rồi!”. Ông là khách VIP, những người ăn cùng ông cũng đều là khách VIP trong thành phố luôn luôn được nhà hàng dành riêng cho một phòng VIP sang trọng, có cửa sổ nhìn ngay xuống cái hồ nước mênh mông bên cạnh.

          Không phải về hưu rồi, ông Trai không có nhu cầu ăn sáng, cũng không phải ông không muốn đến ăn sáng ở nhà hàng Sông Quê mà vì không có ai mời ông, cũng không có xe đến đón ông đi đến đấy. Nhưng sáng nay, trời lạnh, ông rất thèm một bát phở bò nóng hổi, ông nói với vợ ông sẽ không ăn sáng ở nhà mà đến nhà hàng Sông Quê để ăn phở. Ông tự lái chiếc xe BMW giá gần bảy tỷ mà một doanh nghiệp tặng ông khi còn đương chức đến nhà hàng Sông Quê. Không còn những lời chào vồn vã, những cái bắt tay hồ hởi của khách ăn, ông có vẻ hụt hẫng nhưng tự vấn an mình, giờ mình đã về hưu, đã là thường dân, âu cũng là bình thường. Theo thói quen, ông đi lên tầng hai, vào phòng VIP mà trước đây ông hay ngồi ăn, phòng đã có người ngồi ăn, ông Trai nhận ra ông phó chủ tịch thành phố ăn với phở với một ông tổng giám đốc công ty xây dựng. Họ nhìn thấy ông nhưng vờ không nhìn thấy, ông Trai đỏ mặt bước xuống tầng một, chọn một cái bàn ở góc phòng, gọi một tô phở bò. Đứa nhân viên phục vụ nhận ra ông, hỏi:

  • Bác ăn tô đặc biệt hay bình dân ạ?
  • Đặc biệt!
  • Về hưu rồi, ăn tô thường dân thôi ông chủ tịch ơi!

Có tiếng nói đá xoáy ông vọng đến từ bàn ăn phía trước, ông Trai im lặng, kéo thêm cái mũ len xuống để không ai nhận ra ông. Tô phở bò nóng hổi đã được bưng đến, vẫn là tô phở bò đặc biệt như mọi khi nhưng sáng nay ông ăn thấy nhạt thếch, không phải vì phở không ngon mà tâm lý ông bị ức chế. Ông Trai ăn được hai phần ba tô, đành bỏ dở, đang định gọi tính tiền thì một ông trung niên bưng bát phở đã ăn hết cái, chỉ còn lưng bát nước đến ngồi vào bàn ông:

  • Chào ông chủ “tịt”, ông còn nhớ tôi không?
  • Xin lỗi, tôi chỉ mang máng đã gặp anh rồi.
  • Tôi là cái thằng đã biếu ông năm trăm triệu và ông đã hứa sẽ giải quyết bán cho tôi lô đất ở mặt con đường mới mở.
  • Tôi nhớ ra rồi, tôi cũng đã hết mình nhưng bên tỉnh không duyệt!
  • Hết mình cái đéo gì, cái thằng mua được lô đất ấy cho tôi biết, nó  biếu ông một tỷ nên ông đã duyệt cho nó. Ông đã lừa tôi lại ăn không năm trăm triệu của tôi, tôi đòi thì ông bảo chứng cứ, giấy biên nhận đâu? Này thì biên nhận này!

Ông trung niên hất cả bát nước phở vào mặt ông Trai, may là nước phở đã nguội. Rất nhiều người chứng kiến nhưng không một ai bênh ông, thậm chí có  rất nhiều tiếng chửi góp dội vào tai ông: Cho chết! Nốc cho lắm của dân vào! Thằng sâu mọt, hại dân hại nước…

Ông Trai vội vã đi ra xe, quên cả trả tiên, đứa nhân viên phục vụ phải chạy theo đòi tiền ông bát phở. Về đến nhà rồi, ông thề sẽ không bao giờ bước chân đến nhà hàng Sông Quê nữa.

*

            Chiều, mưa xuân lất phất tạt vào mặt ông Trai, ông  đứng tựa người vào cánh cổng sắt ngôi biệt thự; trời khá lạnh nhưng cái lạnh của trời đất không thấu bằng cái lạnh của đời. Ông nhìn sang ngôi biệt thự bên kia của  ông Thấu mà ruột gan tê tái. Cũng bằng giờ năm ngoái, xe hơi đến nhà ông liên tục để chúc tết vậy mà năm nay tịnh không một bóng người, mà ông mới nghỉ hưu được có một tuần chứ lâu la gì đâu. Cuộc đời thật chó má, khi ta đương chức, chúng nó săn đón, nịnh bợ khom lưng quỳ gối, bảo nó cúi xuống liếm chân mình nó cũng liếm, rồi đưa đi ăn đi gái đẹp, khi về còn quà cáp, phong bao vậy mà bây giờ không một kẻ nào vác mặt đến. Hừm, giá như có một đứa, chỉ cần một đứa thôi đến chúc tết, chả cần chai rượu ngoại mấy chục triệu, chả cần phong bao vài trăm ngàn USD, đến tay không cũng được thì còn đỡ tủi thân! Ông Trai lẩm bẩm thành lời, chẳng hay biết có  lão ăn mày phía sau nghe thấy.

  • Ông đang buồn à?

      Lão ăn mày lên tiếng, ông Trai quay lại, nhận ra lão ăn mày, giá như mọi khi ông đã xua đuổi nhưng hôm nay thì không, dẫu sao cũng có một kẻ hiểu được rằng ông đang buồn. Ông móc ví, lục tiền lẻ cho lão ăn mày, toàn tiền mệnh giá 100, 200, 500 ngàn, tìm mãi cũng được một tờ 10 ngàn. Chưa vội cho lão ăn mày, ông Trai hỏi:

  • Sao ông biết tôi buồn?
  • Xin lỗi, tôi trót nghe thấy lời ông than vãn.
  • Ừ đời bạc bẽo quá lão ăn mày ạ!

      Lão ăn mày nhìn chăm chăm vào khuôn mặt trông rất phúc hậu của ông Trai, nghĩ ngợi, mặt phúc hậu thế mà sống không nhân hậu nên cuối đời mới cô đơn, bất hạnh. Lão ăn mày muốn ông Trai cho mình tờ tiền kia, lão đoán là tờ mệnh giá 100 ngàn vì nhà ông giàu thế cơ mà. Số tiền ấy đủ để ông mua vé ô tô khách về quê vào sáng mai. Thật ra, vé ngày thường về quê lão chỉ hết 80 ngàn nhưng ngày tết, kiểu gì nhà xe cũng chặt chém thành 100, thậm chí 150 ngàn, mà nào có chỗ ngồi, chen chúc nhau ba người một ghế, rồi ngồi ghế nhựa, đứng không len được chân. Cái đó lão không sợ bằng móc túi, bọn trộm cắp ở bến xe, trên xe khách ngày tết nhan nhản, chúng cũng đóng giả vai hành khách, trông mặt rõ tử tế nhưng chỉ cần sơ sểnh một chút là ví tiền đã không cánh mà bay. Tết năm ngoái, lão đã đau đớn vật vã mất mấy ngày  tết vì hơn hai triệu mà lão đi ăn mày được mang về quê ăn tết thì bị móc sạch.

      Lão ăn mày muốn an ủi lấy lòng ông Trai để ông cho tiền lão, nhưng lão ngu quá, thay vì nịnh nọt thì lão lại thật thà hỏi:

  • Tôi hỏi khí không phải, khi còn đương chức, người ta đến nhà ông chạy chức, chạy quyền, chạy dự án, chạy biên chế, ông  có nhận tiền của người ta không?
  • Có ai chê tiền đâu?- Ông Trai gắt gỏng- Thế ông đi ăn xin, có chê tiền không?
  • Vậy thì đó là sự mua bán sòng phẳng, xong thì thôi, nay ông về hưu hết chức hết quyền, không ai đến nữa âu cũng là chuyện thường tình, có gì mà phải oán thán. Phải chăng khi còn đương chức, ông nâng đỡ người tài, giúp người tốt một cách vô tư , sau này dù ông có trở thành thường dân thì người  ta vẫn nhớ đến ông mà thăm hỏi những lúc ốm đau, ma chay cưới xin, lễ tết…

Lão ăn mày nói, tiếng nói thì của lão nhưng câu chữ thì lão nhặt nhạnh được từ miệng lưỡi thiên hạ phát ra, lão nghe nhiều nên gần như thuộc bài, nói trơn tru đâu ra đấy, khiến ông Trai ngỡ rằng lão ăn mày này chắc trước đây cũng làm chức to, bị sa cơ lỡ vận mà thành ăn mày nên mới đúc rút được bài học kinh nghiệm về lẽ sống ở đời như vậy. Song sự thật không phải thế, lão ăn mày xuất thân từ một làng quê nghèo đói, gia đình lão lại thuộc loại nghèo nhất trong những gia đình nghèo đói thành ra gia đình lão có truyền thống ăn mày, cụ, ông, bố, lão và cả đứa con lớn của lão cũng đã và đang  hành khất; ăn mày vì ngu dốt, thất học dẫn đến nghèo đói. Lão ăn mày học có đến lớp ba thì bỏ học giữa chừng vì học dốt quá thế mà hôm nay được một người ăn học tử tế, danh phận cao sang tôn lên ngang hàng. Lão không cần cái thứ danh vọng đó, lão cần cái tờ bạc trong tay của người cao sang. Nhưng ông Trai đã dút tờ bạc mệnh giá 10 ngàn mà lão ăn mày đinh ninh là 100 ngàn vào túi vào quay vào, bấm bấm điều khiển tự động, cánh cổng ngôi biệt thự từ từ khép lại trước sự tiếc nuối, hụt hẫng của lão ăn mày.

Ông Trai ghét lão ăn mày đã nói đúng sự thật, ông quay vào nhà lấy chai rượu vang Pháp thế kỷ 18 ra rót một ly, tu ực một cái. Sự thật đúng như lão ăn mày nói nhưng ông Trai vẫn không thể chấp nhận, ông vẫn le lói một tia hy vọng mong manh, có người đến thăm ông.

  • Reng, reng, reng!

Có tiếng chuông cổng. Ai đó đến chúc tết mình chăng? Ông Trai hồi hộp, định đi ra mở cổng nhưng rồi lại nghĩ rất có thể lão ăn mày nài nỉ xin tiền nên ông sai chị giúp việc ra xem ai. Chị giúp việc tất tả đi ra, lúc sau mang vào một cái hộp xinh xắn. Bà vợ ông từ trên lầu bước xuống, thấy cái hộp toan mở ra thì ông ngăn lại. Ông nói nhỏ vào tai vợ, bà gật đầu, sai chị giúp việc mang ra ngoài chỗ cái bồn phun nước mở. Ông cảnh giác, sợ có kẻ nào đó đặt bom mìn, thuốc nổ hay hóa chất độc hại để hãm hại gia đình ông. Chị giúp việc mang cái hộp ra ngoài, lấy kéo  cắt, một con chó vàng chóe hiện ra.

Vừa nhìn thấy con chó, bà vợ ông biết ngay nó được đúc bằng vàng bốn số 9. Năm con chó , tặng chó vàng?Ai tặng ông mà không để lại danh thiếp thế nhỉ?

Hay là cái tay Phó lên thay ông? Không thể nào vì mình đã ăn tiền của nó, mà lại còn ăn hơi nhiều nên nó ghét mình đến nỗi hôm liên hoan nhận chức ở nhà hàng Phố biển, nó còn chả thèm mời mình.

Hay là cái thằng Bộc mà mình đã cất nhắc lên trưởng phòng, sau chuyển công tác, giữ một chức to ở trên tỉnh? Thằng này rất ngu, nghe nói trước đây có tiền sử bệnh đao nhưng khéo nịnh nên được lòng các quan. Cũng không thể vì từ ngày chuyển đi đến giờ, một cú điện thoại hỏi thăm, nó cũng không thì dễ gì lại biếu cả con  chó vàng!

Hay là tay giám đốc công ty Sao Hôm, mình chả duyệt cho nói cái dự án béo bở, chỉ cần bán sang tay cũng kiếm được vài trăm tỷ là gì? Nhưng tay này nghe nói bị bọn cá độ bóng đá mồi chài phải bán cả biệt thự, xe hơi đi để trả nợ; nó cần tiền mình chứ đời nào lại biếu vàng cho mình?

 Ông nghĩ mãi mà không biết ai tặng mình. Tất cả đều mua bán sòng phẳng, ông không giúp ai một cách vô tư, vậy mà lại được biếu cả một con chó vàng có đến vài chục lượng cứ như ông đang đương chức? Ông Trai bảo chị giúp việc tả kỹ lại người thanh niên mang gói quà đến, chị nói người thanh niên mặc  khoác da màu đen, mắt đeo kính đen nên nhìn không rõ mặt. Thế thì chịu rồi. Vợ ông nghi hoặc:

   - Hay là tình nhân nó tặng ông?

Ông Trai cười bắn cả nước bọt vào mặt vợ:

  • Bà ngu thế, tình nhân nó chỉ biết nhận tiền nhận vàng vào người rồi mới cho tình chứ đời nào nó bỏ ra một xu!

Tiếng chuông cổng đột ngột réo lên nhưng lần này thì hối hả, chị giúp việc tất tả chạy ra mở cổng, chị chưa kịp lên tiếng thì người thanh niên lúc nãy hỏi dồn dập:

  • Hộp quà lúc nãy đâu?
  • Tôi đưa cho ông chủ rồi.
  • Dẫn tôi vào gặp ông chủ ngay.

Chị giúp việc đóng cổng, dẫn người thanh niên đi vào, thấy ông Trai, người thanh niên  xin lỗi ông, hộp quà ban nãy là của ông sếp  anh, bố ông vừa chết nên ông kiêng đi và sai anh đem  biếu ông lãnh đạo đang đương chức ở ngôi biệt thự bên kia.

          Thì ra là nhầm nhà!

                       

                                                                                    V.Đ

BỆNH NHÂN TÂM THẦN

Sáng nay, Trại tâm thần Tĩnh Tâm đón nhận thêm một bệnh nhân mới, đích thân  ông giám đốc cụt tai  chỉ đạo cho phòng hành chính tiếp đón và bố trí cho bệnh nhân Ngô Tuấn ở chung phòng với bệnh nhân Lê Duy. Một căn phòng dịch vụ sang trọng hơn hẳn những căn phòng khác mà người nhà bệnh nhân phải trả tiền thuê cho Trại tâm thần. Người nhà bệnh nhân nghèo khó gọi đây là những căn phòng VIP dành cho những bệnh nhân tâm thần VIP. Dĩ nhiên bệnh nhân VIP ở đây không phải là bệnh nhân nặng nhất, hay đập phá, chửi bới, đánh nhau, đánh bác sĩ, đánh nhân viên nhất mà lại là những bệnh nhân xuất thân từ thành phần sang trọng, gia đình giàu có.

Bệnh nhân Ngô Tuấn, béo tốt, mặt vuông chữ điền, tóc muối tiêu, dáng dấp như một cán bộ; nếu không bị tâm thần mà vững bước trên con đường quan lộ, không chừng trở thành Bộ trưởng. Bệnh nhân Lê Duy dáng thư sinh, đẹp trai như một tài tử điển ảnh; nếu không bị tâm thần mà theo nghiệp điện ảnh không khéo trở thành minh tinh màn bạc.

          Ngay sau khi nhập phòng, thay xong bộ quần áo đồng phục màu xanh lá cây của bệnh nhân tâm thần, Ngô Tuấn có cuộc làm quen với bệnh nhân Lê Duy, không chào nhau theo kiểu, rất hân hạnh được làm quen với anh hay anh vào đây đã lâu chưa? Cũng không có cái bắt tay thân thiện mà là một nụ cười:” Hì”. Lê Duy không đáp lại bằng một nụ cười hay một câu nói mà chỉ gườm gườm nhìn lại. Đôi mắt không ngây dại như những bệnh nhân khác nhưng cũng đủ làm cho Ngô Tuấn thấy sởn da gà. Bệnh nhân VIP thì VIP nhưng biết đâu nó lên cơn, lại chả cho mình một cái đạp hay một quả đấm như trời giáng vào mặt thì nguy to.

          Bệnh nhân Ngô Tuấn đi ra khỏi phòng, tránh đôi mắt gườm gườm của  Lê Duy. Ngô Tuấn đi lang thang trong khuôn viên Trại tâm thần, khi đi qua khu bệnh nhân nặng hay đập phá, Ngô Tuấn liếc mắt nhìn vào. Những bệnh nhân tâm thần vật vờ, đầu tóc bù xù, quần áo bị xé rách, có kẻ cởi bỏ quần áo quàng lên cổ. Một bệnh nhân vẫy vẫy Ngô Tuấn lại:

  • Cho tao miếng cơm cháy, tao đói quá!
  • Hì hì, không có!
  • Đi mua, đi mua, tiền đây, tiền đây.

Bệnh nhân đưa cho Ngô Tuấn tờ giấy vụn, Ngô Tuấn cầm lấy, cười cười đáp lại, bệnh nhân kia cũng đáp lại bằng một nụ cười rạng rỡ như thể chỉ một chốc nữa thôi, đồng tiền mà mình đưa cho Ngô Tuấn sẽ biến thành miếng cơm cháy ngon lành. Bệnh nhân này vốn thích ăn cơm cháy thời còn sinh viên, bị cô người yêu xinh đẹp bỏ rơi lấy một anh nhà giàu thành phố nên bị điên tình, được đưa vào đây đã ba mươi năm nhưng  ngày đêm gọi tên cô người yêu, hứa sẽ chung thủy với cô suốt đời. Mồm vừa nói lời chung tình nhưng khi cô y tá đến cho uống thuốc thì bệnh nhân đã ôm chầm lấy cô, hét lên vợ ơi, anh yêu em hơn cả cơm cháy!     

Ngô Tuấn vứt miếng giấy xuống đất, tiếp tục rảo bước trong hành lang. Bỗng Ngô Tuấn giật bắn mình bởi một bàn tay ở trong khung cửa sắt chộp lấy cổ áo mình giật mạnh:

  • Ha ha, mày định trốn trại à?

Ngô Tuấn són đái cả ra quần, cố hết sức đưa tay gỡ bàn tay gày guộc của kẻ tâm thần đang nắm cổ áo mình nhưng bất lực. Bàn tay cứng như sắt siết lấy cổ áo, phản xạ trước nguy cơ có thể tắc thở, Ngô Tuấn cắn vào tay gã bệnh nhân, gã kêu ối lên một tiếng rồi buông tay ra. Ngô Tuấn chạy thục mạng ra khỏi dãy bệnh nhân nặng, vẳng theo sau là tiếng kêu của gã bệnh nhân : «  Giết người, thằng kia giết người, cứu cứu... ».

Ngô Tuấn chạy ra phía khu vườn, có nhiều cây tỏa bóng râm mát, lại có cả hoa, tiếng chim hót trên cành, Ngô Tuấn ngồi xuống một ghế đá, thả người ra phía sau thở hổn hển. Chưa kịp tĩnh tâm thì lại có tiếng người ở phía sau :

  • Ê, thằng kia ra đây làm gì ?

Ngô Tuấn vẫn ngồi im lặng, nhân viên Trại tâm thần đi lại, quát :

  • Mày định trốn trại à ?

Ngô Tuấn quay lại, cười :

  • Hì !
  • Hì cái con c...đi vào !

Nhân viên cầm tai Ngô Tuấn xách mạnh, Ngô Tuấn đau đớn nhưng không kêu, đứng dậy đi vào. Thấy Ngô Tuấn đi vào phòng VIP, người nhân viên có vẻ sợ sệt ngó trước nhìn sau. Nó là bệnh nhân VIP mới đến, may mà mình mới chỉ xách tai nó, chứ đánh nó thì khéo mình cũng biến thành tâm thần! Đã có qui định luật bất thành văn của Bán giám đốc Trại tâm thần, cán bộ, nhân viên của Trại không được đánh, chửi bệnh nhân VIP, ai vi phạm thì bị kỷ luật, nhẹ thì trừ lương, nặng thì đuổi việc. Những người làm việc trong Trại tâm thần bảo, ông giám đốc có biệt thự mấy triệu đô, có ôtô nửa triệu đô cũng là do thân nhân bệnh nhân VIP biếu cả nên ông coi bệnh nhân VIP như ân nhân của ông. Thế nhưng ông hay nhắc nhở cán bộ, nhân viên trong Trại không được ăn chặn chế độ của bệnh nhân tâm thần, họ là những kẻ bất hạnh cả về tâm hồn lẫn thể xác, ăn bớt ăn xén của họ là thất đức. Ông giám đốc còn đưa ra một minh chứng, có ông giám đốc ở trại điên tỉnh nọ, ra lệnh  cho nhà bếp rút khẩu phần ăn của bệnh nhân xuống một nửa, ông bảo đối với bệnh nhân điên, ăn cơm gạo tám với thịt gà cũng biết ngon là gì đâu và ăn cơm gạo mốc với rau luộc cũng có biết khó nuốt là gì đâu; số tiền ăn bớt khẩu phần ăn của bệnh nhân được chia nhau lên đến năm trăm triệu trong ba năm. Bị người nhà  bệnh nhân tố giác, bị báo chí phanh phui, nhục nhã quá nên ông giám đốc đã phát điên, đúng là trời quả báo!

 Ông giám đốc trại tâm thần Tĩnh Tâm chưa bị trời quả báo nhưng đã bị người quả báo, người ấy chính là bệnh nhân tâm thần của ông. Một cô gái mười tám tuổi bị phụ tình nên phát điên được đưa vào trại. Thấy cô trắng trẻo, xinh xắn nên ông giám đốc ham muốn, ông cho cô cái bánh, dụ cô vào phòng làm. Thấy cô ngồi im cho ông ve vuốt, ông nghĩ người điên chỉ điên cái đầu chứ bộ phận sinh dục có điên đâu nên họ cũng có nhu cầu ham muốn như người bình thường. Nghĩ thế nhưng ông vẫn cảnh giác, ông từ từ cởi áo cô ra xem cô có phản ứng gì không? Không thấy, mà ngực cô trắng, đẹp quá, ông nuốt nước bọt đánh ực. Ông xoa xoa vào ngực cô, đôi mắt cô lim dim. Giời ạ, đàn bà, con gái chịu để cho đàn ông xoa ngực mà mắt lại lim dim thế kia thì dục tình đang nổi cơn thèm khát. Chả còn nghi ngờ gì nữa, ông thoăn thoắt cởi  quần mình ra rồi tụt váy cô xuống, nằm đè lên người cô. Bỗng ông thét lên đau đớn, cô điên cắn đứt tai của ông nhai ngấu nghiến. Từ đó ông trở thành kẻ cụt tai và để che dấu chiếc tai cụt này, ông phải đi ra nước ngoài làm tai giả. Cũng từ đó, nhác thấy cô điên là ông giám đốc cụt tai lại ớn lạnh. Nếu có dẫn đoàn kiểm tra xuống mà vào phòng cô điên, bao giờ ông cũng đứng cách xa đề phòng mặc dù cô điên chả biết ông là ai, lại càng không nhớ là mình đã xơi tái chiếc tai của ông. Mà lạ lắm, bị cụt một tai nhưng ông giám đốc lại rất thính tai, mà thính thai với chính những âm thanh, tiếng động phát ra từ cô điên. Có lần đang giao ban trên phòng họp bật điều hòa khép kín, cả ban giám đốc  và các trưởng phòng chả nghe thấy gì thế mà ông bảo con điên đang la hét cái gì mà to thế? Anh trưởng phòng hành chính chạy xuống kiểm tra, lúc sau quay lên bái phục giám đốc thính tai, quả là cô điên đang lên cơn gào thét gọi tên người yêu. Lại có lần đang nói chuyện với bác sĩ, ông giám đốc cụt tai hỏi cô điên bị viêm họng hay sao mà ho khù khụ thế. Bác sĩ vội xuống phòng cô điên xem thì thấy cô đang ôm ngực ho rũ rượi liền đưa cô lên phòng y tế khám. Cô điên bị viêm phổi do đêm qua cởi trần ngủ nên bị nhiễm lạnh. Chiều qua, ông đang ngồi trong phòng làm việc, nghe thấy tiếng xòe xòe, quái lạ sao con điên lại đái trước cửa phòng mình thế này? Ông mở cửa sổ he hé nhìn ra, mắt nhìn ngây dại vào cặp mông trắng muốt của cô. Cơn dục tình nổi lên nhưng ông không dám đi ra dụ dỗ cô  vào phòng nữa. Ông vò đầu bứt tai, quên cái tai giả thế là bứt luôn nó rơi ra. Từ đó không hiểu sao cái tai gỉa rất thính của ông chuyển thành cái tai điếc đặc. Nếu bịt chặt tai kia đi thì có hét vào tai điếc ông cũng không nghe thấy gì.  

Bệnh nhân Lê Duy đã đi ra ngoài, Ngô Tuấn nằm ườn ra giường, không có báo đọc, không có ti vi, và không có cả bàn cờ tướng mà trước khi nhập trại, bệnh nhân Ngô Tuấn rất đam mê . Dĩ nhiên, bệnh nhân tâm thần thì biết gì mà đọc, biết gì mà xem, lại càng biết gì mà đánh cờ tướng- một môn thể thao trí tuệ !

  • Giám đốc, tao giết mày, tao giết mày !
  • Ha ha ha, thích quá, đánh nữa đi, đánh nữa đi, hahaha !

Có tiếng huyên náo, ầm ĩ ở ngoài sân, hai bệnh nhân nặng trong lúc nhân viên chăm sóc sơ hở đã lẻn ra ngoài sân choảng nhau. Kẻ ra đòn là một bệnh nhân gày nhom nhưng sức mạnh thì phi thường, gã giáng những cú đấm như trời giáng vào mặt bệnh nhân cao to, lực lưỡng, máu me be bét cả mặt nhưng bệnh nhân cao to lại không chống đỡ mà miệng còn cổ vũ cho đối thủ đánh nữa đi, đánh mạnh vào, cứ như thể càng được đánh thì càng lấy làm sung sướng lắm !

Giám đốc, tao đánh mày ? Nếu ở thế giới bên ngoài, hẳn người ta sẽ tưởng nhân viên đánh giám đốc nhưng trong thế giới tâm thần ở đây, điều đó chỉ đúng một nửa. Bệnh nhân gày nhom trước kia là Phó giám đốc Sở, tố cáo Giám đốc Sở tham ô mấy chục  tỷ, có con ngoài giá thú với hai cô nhân viên. Cứ tưởng Giám đốc sẽ bị cách chức, mình sẽ lên thay nào ngờ Giám đốc có ô to che chắn nên đã cách chức Phó giám đốc xuống làm nhân viên vì tội vu khống ! Oan ức chịu không nổi nên Phó giám đốc đã phát điên. Ông Giám đốc Sở cao to nên  hễ cứ gặp ai cao to là bệnh nhân gày nhom lại lao vào đấm đá túi bụi để trả thù !

Hai nhân viên bảo vệ, thêm hai nhân viên chăm sóc phải cố gắng hết sức mới tách được bệnh nhân gày nhom ra khỏi bệnh nhân cao to. Ấy thế mà bệnh nhân cao to lại tiếp tục xông vào, không phải để ra đòn trả đũa kẻ đánh mình đến hộc máu mồm mà để được đánh nữa : Đánh đi, đánh đi !

                   Ngô Tuấn đi ra khoảng sân dành cho những bệnh nhân nhẹ có thể đi dạo hoặc ngồi trên ghế đá nghỉ ngơi. Chọn chiếc ghế đá ở góc sân không ai ngồi, Ngô Tuấn ngồi xuống, không ngắm nhìn những chậu hoa đặt trong sân, cũng không ngắm nhìn những bệnh nhân tâm thần mà Ngô Tuấn nhắm mắt lại. Ngủ ? Không, thỉnh thoảng vẫn mở mắt ? Nghĩ ngợi ? Cũng chẳng biết vì bệnh nhân tâm thần liệu có còn tư duy để suy nghĩ, chiêm nghiệm ?

          Một bệnh nhân đi lại ngồi xuống cạnh Ngô Tuấn, chả biết cả hai có nhận ra mình là bạn cùng phòng không mà không thấy thấy bắt tay  nhau hay cười hì một cái xã giao. Bệnh nhân Lê Duy lia mắt nhìn theo một bệnh nhân nam đang tụt quần ra, gã thản nhiên ngồi bĩnh ra một bãi to tướng. Trong đầu Lê Duy, những thỏi vàng cứ thi nhau nhảy múa.  Liếc nhìn sang Ngô Tuấn, bệnh nhân Lê Duy vỗ vai :

  • Kìa đống vàng 9999 to tướng, mày ra mà ăn đi.
  • Mày điên à, đống cứt thằng kia nó ỉa ra đấy chứ !
  • Ô thế ra quan bác cũng vào đây trốn tội tham nhũng như em à ?

Cả hai bệnh nhân tâm thần VIP mỉm cười, bắt tay nhau thân thiết.

                                                                   V.Đ

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *