Chuyện văn chương

25/8
11:31 AM 2018

CHUYỆN BÂY GIỜ MỚI KỂ: NGƯỜI DỰ BÁO CHUYỆN KHÔNG LÀNH 4 NGÀY TRƯỚC KHI VỢ CHỒNG NHÀ THƠ LƯU QUANG VŨ- XUÂN QUỲNH VÀ CHÁU LƯU QUỲNH THƠ RA ĐI

Câu chuyện bí ẩn này, trước đây tôi đã được PGS-TS Lưu Khánh Thơ (em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ) kể cho nghe. Hôm 23-8-2018 vừa rồi, tại Lễ tưởng niệm và Hội thảo thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN-nhà thơ Hữu Thỉnh đã hé lộ câu chuyện bí ẩn này.

                                  Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và nhà thơ Lưu Quang Vũ sau đêm công diễn kịch Lưu Quang Vũ tại Nhà hát lớn TP Hà Nội (ảnh gia đình cung cấp)                      

4 ngày trước khi xảy ra tai nạn giao thông kinh hoàng với vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ tháng 8-1988, nhà thơ Hữu Thỉnh mang mấy cân đỗ đen đến nhà chơi và lấy thơ của hai nhà thơ về đăng báo. Lúc ấy gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ đang ăn cơm, nhà thơ Hữu Thỉnh ngồi chơi nghe thấy gia đình nói về chuyện vợ chồng Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh dự định đi xuống Đồ Sơn với Đoàn kịch Hải Phòng để kết hợp vừa dựng vở vừa đi chơi. Nhà thơ Hữu Thỉnh vội can: Tháng 7 âm lịch này không tốt, hai bạn không nên đi đâu cả, nếu phải đi vì công việc thì chỉ đi một người thôi, không được đi hai người! Nghe vậy, nhà thơ Xuân Quỳnh cũng bảo sẽ không đi nữa. Nhưng rồi, như một định mệnh không tránh được, vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh và con trai nhỏ Lưu Quỳnh Thơ vẫn tham gia chuyến đi ấy. Ngày 29-8-1988 tai họa kinh hoàng đã xảy ra ở chân cầu Phú Lương, Hải Dương khi chiếc xe tải lớn đâm vào chiếc xe con chở gia đình vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh, cháu Lưu Quỳnh Thơ và gia đình họa sĩ Doãn Châu. Nhà phê bình Lưu Khánh Thơ kể lại, sau chuyện tang thương đau lòng này, gia đình bảo Thơ đến gặp nhà thơ Hữu Thỉnh hỏi chuyện vì sao mà ông lại dự cảm được trước 4 ngày thảm nạn đau thương ấy? Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, theo quan niệm dân gian từ xưa, tháng 7 âm lịch là tháng không lành, nên cứ duy tâm kiêng tránh thôi. Lưu Khánh Thơ nhớ lại, khi đến chơi với vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh  hôm ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh còn buột miệng nói rằng, hình như nghe có tiếng khóc từ bông hoa loa kèn ở lọ hoa đặt trên bàn. 30 năm sau cái mất của vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh và cháu Lưu Quỳnh Thơ, câu chuyện bí ẩn nói trên đã được người trong cuộc xác nhận.Tại Lễ tưởng niệm ngày 23-8 vừa qua, con trai nhà thơ Xuân Quỳnh là Tuấn Anh có tâm sự: Nhà thơ Hữu Thỉnh có lấy cho cháu lá số tử vi từ bé và sau mấy chục năm đến giờ mọi việc diễn ra đều rất đúng. Hôm ấy, tôi có nói với nhà thơ Hữu Thỉnh: Phải chăng anh là một nhà chiêm tinh học, dự cảm và biết trước được mọi điều? Ông không nói gì với nụ cười khá chiêm nghiệm. Chúng ta hãy cùng đọc lại một trong những bài thơ hay nhất của nhà thơ Lưu Quang Vũ là bài “Tiếng Việt”

 

LƯU QUANG VŨ

TIẾNG VIỆT

Tiếng mẹ gọi trong hoàng hôn khói sẫm
Cánh đồng xa cò trắng rủ nhau về
Có con nghé trên lưng bùn ướt đẫm
Nghe xạc xào gió thổi giữa cau tre.

Tiếng kéo gỗ nhọc nhằn trên bãi nắng
Tiếng gọi đò sông vắng bến lau khuya
Tiếng lụa xé đau lòng thoi sợi trắng
Tiếng dập dồn nước lũ xoáy chân đê.

Tiếng cha dặn khi vun cành nhóm lửa
Khi hun thuyền, gieo mạ, lúc đưa nôi
Tiếng mưa dội ào ào trên mái cọ
Nón ai xa thăm thẳm ở bên trời.

“Ðá cheo leo trâu trèo trâu trượt...”
Ði mòn đàng dứt cỏ đợi người thương
Ðây muối mặn gừng cay lòng khế xót
Ta như chim trong tiếng Việt như rừng.

Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng Việt như bùn và như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ.

Tiếng tha thiết, nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh.

Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lửa cháy
Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn
Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối
Tiếng heo may gợi nhớ những con đường.

Một đảo nhỏ ngoài khơi nhiều kẻ nhận
Vẫn tiếng làng tiếng nước của riêng ta
Tiếng chẳng mất khi Loa thành đã mất
Nàng Mỵ Châu quỳ xuống lạy cha già.

Tiếng thao thức lòng trai ôm ngọc sáng
Dưới cát vùi sóng dập chẳng hề nguôi
Tiếng tủi cực kẻ ăn cầu ngủ quán
Thành Nguyễn Du vằng vặc nỗi thương đời.

Trái đất rộng giàu sang bao thứ tiếng
Cao quý thâm trầm rực rỡ vui tươi
Tiếng Việt rung rinh nhịp đập trái tim người
Như tiếng sáo như dây đàn máu nhỏ.

Buồm lộng sóng xô, mai về trúc nhớ
Phá cũi lồng vời vợi cánh chim bay
Tiếng nghẹn ngào như đời mẹ đắng cay
Tiếng trong trẻo như hồn dân tộc Việt.

Mỗi sớm dậy nghe bốn bề thân thiết
Người qua đường chung tiếng Việt cùng tôi
Như vị muối chung lòng biển mặn
Như dòng sông thương mến chảy muôn đời.

Ai thuở trước nói những lời thứ nhất
Còn thô sơ như mảnh đá thay rìu
Ðiều anh nói hôm nay, chiều sẽ tắt
Ai người sau nói tiếp những lời yêu?

Ai phiêu bạt nơi chân trời góc biển
Có gọi thầm tiếng Việt mỗi đêm khuya?
Ai ở phía bên kia cầm súng khác
Cùng tôi trong tiếng Việt quay về.

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ
Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn
Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá
Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình...


Đây là một bài thơ hiếm hoi của Lưu Quang Vũ được đăng báo trong những năm người ta từ chối thơ anh. Để đăng được trên báo Văn nghệ, nhà thơ Phạm Tiến Duật khi đó đã phải biên tập sửa ba chỗ như chú thích trong bài. Bản được công bố được coi là bản chính nên các tuyển thơ Lưu Quang Vũ về sau đều in theo bản này. Bản ở đây được chép căn cứ theo bản thảo viết tay gốc của tác giả và được công bố sau này.
(Trích đoạn bài thơ này được sử dụng trong đề thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Ngữ văn năm 2016).

Những bức ảnh hai nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh đăng trong bài viết này là do nhà phê bình Lưu Khánh Thơ cung cấp (có ảnh TBT Nguyễn Văn Linh và nhà thơ Lưu Quang Vũ sau đêm công diễn kịch Lưu Quang Vũ tại Nhà hát lớn Hà Nội)

                                           Hai nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh

KHI NHÀ THƠ LƯU QUANG VŨ VIẾT BÀI THƠ “ĐẤT NƯỚC ĐÀN BẦU”
 

Sáng 23.8, Nguyễn Việt Chiến tôi đến dự “Lễ tưởng niệm và Hội thảo Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh với thơ ca đương đại Việt Nam” tại trụ sở Hội Nhà văn VN. Tôi đã đọc bài tham luận “Nhà thơ Lưu Quang Vũ với bài thơ Đất nước đàn bầu-một vở sử thi lớn”. Bài thơ này, ông viết năm 1972, gửi cho báo Văn Nghệ -Hội Nhà văn VN nhưng không được in (không hiểu vì sao hồi ấy hình như báo chí xa lánh thơ Lưu Quang Vũ?). Nhà viết kịch-họa sĩ Bùi Vũ Minh kể cho tôi nghe câu chuyện: Một buổi sáng giữa năm 1972, Lưu Quang Vũ bảo Minh: “Bọn mình đến báo tòa soạn báo Văn Nghệ lấy nhuận bút bài thơ “Đất nước đàn bầu” rồi đi ăn sáng. Nhưng đến nơi, cả hai anh đều ngỡ ngàng khi một người cho biết, bài thơ đã lên trang chuẩn bị in nhưng sau đó bị bóc bỏ không hiểu vì lý do gì. Vũ lục túi áo, may còn một chiếc tem gạo mấy trăm gam, đành rủ Minh ra một cửa hàng xếp hàng mua mấy chiếc quẩy, ăn cho đỡ đói lòng. Minh cười bảo Vũ: “Mình chưa bao giờ được ăn một chiếc quẩy ngon đến thế!”. 
Sau đó 11 năm, đến năm 1983, bài thơ “Đất nước đàn bầu” được công bố và ngay lập tức đoạt Giải thưởng Thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cho đến nay, sau 30 năm nhà thơ Lưu Quang Vũ qua đời, sự nghiệp thi ca đặc biệt của anh với những đóng góp lớn cho nền thơ đương đại tuy đã được khai sáng nhưng dường như vẫn chưa được đánh giá đầy đủ những chân giá trị của nó. Gần nửa thế kỷ đã đi qua, biết bao bài thơ con người đã xoá quên, đã loại khỏi trí nhớ mình. Cũng ngần ấy năm đi qua, kỳ lạ thay, không ít bài thơ của Lưu Quang Vũ vẫn còn nguyên giá trị nhân văn, với sức lay động lòng người da diết, vẫn hội nhập được với đời sống tinh thần con người hôm nay.

Lưu Quang Vũ

ĐẤT NƯỚC ĐÀN BẦU
Đi dọc một triền sông
Những chiếc trống đồng vùi trong cát
Những mảnh bình vỡ nát
Những mũi tên lăn lóc
Khắp đồi núi hoang vu
Những rìu đá cổ sơ những hang động khổng lồ
Những đống lửa còn tro tàn sót lại.

Đi tìm lại thời gian đã mất
Thuở biển cả điên cuồng gầm thét
Những con chim lạc mỏ dài
Bay qua vầng trăng lớn
Cánh sừng sững tắm hoàng hôn đỏ rực
Cất tiếng kêu hoang dại dưới đêm nồng.

Đi tìm lại những bông hoa xanh biếc
Những rễ cây quằn quại
Những ngà voi nhọn hoắt
Những tiếng hú dài ào ạt mưa rơi
Tôi đi tìm dòng máu của tôi
Hơi thở đầu sôi sục của tôi
Trong cuồn cuộn những ngực trần đen bóng
Những bộ lạc mình vẽ đầy rồng rắn
Quần hôn trên bờ bãi sông Hồng
Những mái tóc dài bay gió biển Đông
Những mái lá có bùi nhùi giữ lửa
Những người đàn bà tết cỏ cây che vú
Đã ngọt ngào dòng sữa
Điệu ru con đầu tiên
Bức tranh đầu tiên khắc mặt người lên đá
Điệu múa đầu tiên theo nhịp thuyền.

Buổi sáng tôi ra vườn
Hoa móng rồng thơm ngát
Lá xương xông mọc quanh vại nước
Dây trầu không quấn quít hàng cau
Đất rụng vàng hoa ngâu
Nước mưa rơi tí tách
Tôi lắng nghe như chú dế mèn con
Đi ra đồng cỏ ban đêm
Quạ đen đậu ngôi mộ cổ
Những con bướm đêm đập cánh thầm thì
Tôi trở về ngồi trong lòng bà
Bà kể chuyện thời con gái
Trốn nhà theo anh trai phường vải
Gánh hát chèo tỉnh Đông
Điệu hát con gà rừng
Cô Xuý Vân giả dại
Cô Xuý Vân không chịu sống yên
Điệu hát chập chờn
Con gà rừng mê sảng
Cô Xuý Vân nổi loạn
Đốt cháy tâm hồn tôi.

Anh con trai phường vải không về
Sông Cầu xa thăm thẳm
Vạt áo tứ thân lau nước mắt
Bà hát tôi nghe những điệu buồn
Đưa tôi về làng quan họ
Nhịp cầu ván ghép rung rình
Chẻ tre đan nón ba tầm
Đội lên quán dốc
Ngồi gốc cây đa
Thấy cô bán rượu
Ống quần cỏ may
Đồng đất thì dài
Đêm hội làng ngắn quá
Từ giã bạn ra về
Mưa bay mù mịt cả
Lòng nửa thương bên nọ
Nửa sầu bên kia
Nỗi cay cực ngàn xưa
Tôi mang suốt đời không nguôi được
Dân tộc tôi bốn ngàn năm áo rách
Những người chết đặc trong lòng đất
Những mặt vàng sốt rét
Những bộ xương đói khát vật vờ đi
Vó ngựa lao dồn dập
Giặc phương Bắc kéo về
Vung gươm dài đẫm máu
Bao đền đài bị đốt thành than
Bao cuốn sách bị quăng vào lửa
Bao đầu người bêu trên cọc gỗ
Con trai chinh chiến liên miên
Con gái mong chồng, hoá đá
Mỵ Châu chết không sao hiểu được
Vì đâu Trọng Thuỷ hoá quân thù ?

Gió mùa thu
Tiếng đàn bầu nức nở
Chiều chiều ra ngõ
Sông dài cá lội biệt tăm
Thương cha nhớ mẹ
Mênh mông chớp bể mưa nguồn
Cái nỗi buồn dân tộc
Cái nỗi buồn bị đoạ đày lăng nhục
Của người quét đường, xẩm chợ, đò ngang
Của mom sông đánh dặm, đỉnh rừng đốt than
Đập đá sườn non, đi phu đi ở
Mà mỗi tháng giêng, hoa gạo nở
Vẫn sênh tiền gõ nhịp
Giải yếm sau lưng cũng tím hoa cà
Cháu lên Kẻ Chợ cùng bà
Nón quai thao, áo màu bay rực rỡ
Những lò rèn phập phù bễ lửa
Phường chạm bạc, phường đúc đồng
Phố hàng Hài thêu những chiếc hài cong.
Những cô gái dệt the và phất quạt
Những hàng Điếu hàng Buồm hàng Bát
Rùa trao gươm, chim lạ đến Tây Hồ
Lụa làng Trúc, rượu Kẻ Mơ
Phố Tràng Thi ngựa hí
Phố Tràng Thi những thầy khóa trẻ
Giấy hồng điều phấp phới bút hoa
Bao gương mặt ngày xưa
Bây giờ ai nhớ nữa?
Trên tranh khắc trên ngàn pho tượng cổ
Còn nóng rực tay người trong gỗ đá
Lung linh chim múa hoa cười.

Vọng quanh thành tiếng trống thúc xa xôi
Muôn cờ xí trập trùng đuốc lửa
Những đề đốc, những tướng quân áo đỏ
Những Đông bộ đầu, Chương Dương độ, Hàm tử quan
Thanh gươm cũ với câu thơ giữ nước
“Ngựa đá bao phen phải lấm bùn”
Cháu đi ra cửa bể Vân Đồn
Mùa thu biển lạnh
Những chú lính thú đời Trần đã chết
Bãi lầy sú vẹt mênh mông
Đảo chênh vênh dưới mù mịt mưa phùn
Hang đá ào ào gió hú
Cửa Vạn Tài, đảo Tràn Bàn sóng dữ
Thương nỗi mình lận đận vợ chồng sam.

Đêm bão gầm cồn cát chạy lang thang
Bà kể chuyện những bờ biển lạ
Cửa Thuận, cửa Hàn, những tháp Chàm sụp đổ
Những đoàn người xoã tóc hú tìm nhau.

Phương Nam xa mây trắng xoá một màu
Xác khiên mộc của bao đời chiến trận
Những người đi mở nước
Lưỡi cuốc mòn cha gửi lại cho con
Bốn bể Cà Mâu, mũi đất Hà Tiên
Với Kinh Bắc, Tràng An chung ruột thịt
Tiếng đàn bầu réo rắt
Lý ngựa ô, Lý ngựa ô
Như gió cuộn trên bình nguyên cháy khô
Ngựa ô chạy ướt đầm thân mảnh dẻ
Thương con ngựa ô xa mẹ
Bây giờ ăn cỏ nơi đâu ?

Màu áo đen của đêm, màu của đất áo nâu
Luôn đánh vật với tai ương nước mắt
Đất chỉ sinh những bàn tay làm lụng
Không có những nhà ảo mộng đăm chiêu
Đất tả tơi trong định mệnh đói nghèo
Trong độc ác dối lừa, trong sỉ nhục
Người nô lệ da vàng bất khuất
Vươn giữa trời thơm ngát tấm lòng son
Tóc phơ phơ bạc trắng sợi đau buồn
Sao bà hát những lời da diết
Cháu nghe mãi vẫn lạ lùng tiếng Việt
Chữ “thương” liền với chữ “yêu”
Chữ “thương” đi cùng chữ “nhớ”
Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ
Phải thương nhau mới sống được trên đời
Những hoàng hôn chạng vạng cánh dơi
Tôi ra sông nằm xoài trong bãi sú
Phù sa ướt lấm lem gò má
Tôi về ngồi dưới lá úa cành xoan
Tuổi thơ buồn như một mảnh vườn hoang
Nơi ấp ủ con dế mèn cô độc
Trái sung non thì chát
Quả dọc già thì chua
Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa
Tóc hoang dại loà xoà trên ngực nắng
Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn
Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê
Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya
Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc
Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc
Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ
Đêm sử thi náo động tiếng quân hò
Sôi trong máu những bầy voi nguyên thuỷ
Sáng trong mắt những rừng gươm chớp loé
Những nỗi buồn tê dại ngón tay rung
Chim Lạc bay, cánh rợp cả sườn non
Rùa đẻ trứng nồng nàn trên cát bể
Rừng gầm thét, thác nguồn sao trắng thế
Đất mênh mông tràn ngập ánh mặt trời
Gió thổi lồng những đốm lửa không nguôi
Tôi nhận hết, tôi là người tiếp nối
Là dĩ vãng nhưng chẳng là bóng tối
Nước mắt tôi ướt đẫm những dây đàn
Quả bầu khô là tâm sự của vườn
Mặt đàn gỗ là của rừng xanh thẳm
Điệu bát ngát là của đồng của đất
Lời vụng về là tha thiết lòng tôi.

Đêm hội vui, tiếng trống giục liên hồi
Bà sống dậy, bà đừng buồn nữa nhé
Bà lại trẻ như ngày xưa hát ví
Người náu mình trong quả thị bước ra
Người hứng dừa từ giấy điệp bước ra
Người đã khuất cũng về đông đủ cả
Những tượng đá bỗng chập chờn nhẩy múa
Những cụ già say rượu hát nghêu ngao
Ngực em tròn anh chẳng dám nhìn lâu
Lời em nói có măng rừng muối bể
Hồn dân tộc dậy ta làm thi sĩ
Quá khứ nhiều mà ta chẳng già nua
Mọi tai ương khủng khiếp đã qua
Gà đã gáy xôn xao chào buổi sớm
Mai gắn lại những vết thương xé thịt
Dân tộc mình mở tới một trang vui
Hoa gạo hồng lại nở, bà ơi
Cháu đã đi từ lòng bà ấm áp
Để sống hết những vui buồn dân tộc
Những hoa bìm hoa súng nở trên ao
Những ban mai xanh biếc tiếng đàn bầu
Bà hiền hậu têm trầu bên chõng nước
Em đi gặt trên cánh đồng cổ tích
Lúa bàng hoàng chín rực những triền sông…

Trắng mây bay, ngợp gió những khu rừng
Cháu đã đi những tháng năm lửa cháy
Với trùng điệp bạn bè cùng tuổi
Áo quân trang xanh cây lá vườn bà
Đất chiến hào vẫn đồng đất quê ta
Máu đồng đội đã thấm vào đất ấy
Những đêm thức nghẹn ngào nghe đất gọi
Vây quanh mình bao gương mặt thân quen
Mặt người xưa hoà lẫn mặt anh em
Câu hát cũ lẫn vào câu hát mới
Dòng sông hét, biển gầm lên dữ dội
Những chân trời vụt mở bao la
Những chân trời chưa hề biết hôm qua
Tiếng đàn bầu, tiếng đàn bầu mong nhớ
Trong gió lộng, dưới mặt trời xứ sở
Vẫn cồn cào những cơn khát khôn nguôi
Đất phù sa vô tận dấu chân người
Những đoàn quân lại ra đi từ đất
Bà đứng đó miệng trầu cay thơm ngát
Vầng yêu thương soi sáng suốt cuộc đời
Khắp triền sông vang tiếng trẻ con cười
Đất nước đàn bầu
Đất nước ban mai…
~ Lưu-Quang-Vũ ~
(1972-1983)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *