Chân dung văn

31/7
8:26 AM 2017

CÂY TRẦM THƠM CÒN CHÁY ĐỎ

Nguyễn Ngọc Quế-Có một người lính nhập ngũ năm 1966, giải ngũ năm 2008, gắn trọn hơn 40 năm với nghiệp binh, gắn trọn đời với đồng đội suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ thần thánh, cuộc chiến tranh vệ quốc ở biên giới Tây Nam và phía Bắc. Một người lính đánh giặc, làm thơ trong niềm khát khao lớn của dân tộc: Độc lập, thống nhất đất nước và hòa bình ấm no cho nhân dân. Đó là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu.

                                                       Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu

Người lính Nguyễn Đức Mậu khởi nghiệp là chàng binh nhì, vai đeo ba lô, vác súng AK hành quân dọc theo chiều dài chiến trường cùng đồng đội: Hùng, Nam, Bường, Dũng... Họ có mặt ở các mặt trận ác liệt nhất: Quảng Trị, Khe Sanh, Tây Nguyên, Nam Lào, Bắc Campuchia... Những chàng lính trẻ là học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân từ biệt giảng đường, làng quê, xưởng máy, cây đa bến nước, mẹ già, người thân lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Họ sống gian khổ, đói bệnh, ở rừng sâu đại ngàn, cồn cát cháy bỏng, đồng nước mênh mang, đối diện với mưa bom bão đạn, chất độc đi-ô-xin và những cái chết bất ngờ:

 

Lau Mặt Hùng, Vuốt Hai Tròng Mắt

Vuốt Khoảng Trời Đầy Thuốc Đạn Mưa Bay.

Từ cuộc chiến đầy máu và nước mắt ấy với tình yêu nồng nàn đất nước, quê hương, đồng đội, Nguyễn Đức Mậu đã ghi lại chiến tranh bằng nhật - ký - thơ. Người lính Nguyễn Đức Mậu giữa chiến hào sống và chết cách nhau một làn đạn, một tia chớp bom, không phải mong mình thành thi sỹ có danh, có phận trong làng thơ Việt Nam hôm nay. Ông Mậu muốn thơ mình thắp thêm một nén trầm thơm cho bè bạn, đồng đội có tên và không tên, có mộ và không mộ chí đã ngã xuống dọc đất nước hình chữ S này:

Cây Trầm Thơm Đẹp Như Cuộc Đời Chiến Sỹ

Sống Tươi Tốt Bao Niềm Tin Bình Dị

Thân Hy Sinh Thơm Đất, Thơm Trời.

(Nấm Mộ Và Cây Trầm)

Đó là ý nguyện và hồn cốt của thơ Nguyễn Đức Mậu. Bài thơ “Nấm mộ và cây trầm” là tuyên ngôn về đề tài thơ của ông. Nguyễn Đức Mậu ghi nhật - ký - thơ trong tâm thế của người lính nhìn trực diện vào chiến tranh, vào sự mất mát đau đớn, sự tranh đấu tột cùng của bản ngã con - người trước cái yếu hèn và cao cả. Dù ở đâu trong máu lửa bom đạn hay trong sự yên bình ở Hà Nội, ông Mậu vẫn đau đáu đề tài đó:

Từ Tro Than, Thơ Cháy Lên Ngọn Lửa

Gương Mặt Bạn Bè Thấp Thoáng Một Thời Qua.

Hình ảnh người lính trong thơ Nguyễn Đức Mậu khong chỉ mang tinhs ngợi ca, tính biểu tương, ông đã khắc họa người lính run sợ thế nào, đau đớn thế nào, khát vọng thế nào, trực diện đối mặt cùng cái chết ra sao. Hãy đọc các tập “Cây xanh đất lửa”, “Áo trận”, “Mưa trong rừng cháy”, “Trường ca sư đoàn”, “Cánh rừng nhiều đom đóm bay”...ta thấy rõ điều đó. Thơ ông Mậu dựng cụ thể, chi tiết những cái chết oanh liệt của đồng đội. Ông không thần thánh hóa sự hy sinh đó, mà chỉ ghi lại bằng ngôn ngữ thơ đầy hình ảnh và biểu cảm, để người đọc rung lên cảm xúc đến từng mạch máu và hơi thở của mình. Đây là cái chết của anh bộ đội Hùng bạn ông:

Ngực Chắn Lỗ Châu Mai, Hùng Đứng Thẳng

Lửa Bén Vào Áo Lính Tuổi Hai Mươi.

Ông Mậu khóc, tiếng khóc ấy vang vào thơ âm ỉ theo suốt cuộc đời:

Đất Đắp Mộ Hùng Bom Trộn Lẫn

Cây Trầm Cháy Đỏ Thay Nén Nhang

... Một Thước Đất Sao Hùng Không Nghe Mình Gọi.

(Nấm Mộ Và Cây Trầm)

Chứng kiến phút chói ngời của đồng đội trong các cuộc sáp trận với kẻ thù và cái chết hiên ngang của họ, thơ ông Mậu viết không thể thật hơn. Không bày đặt cấu tứ, không trau chuốt câu chữ, các câu thơ cứ trần trụi như trận mạc.

Ơi Chiến, Ơi Hùng! Chỗ Chúng Mày Đứng Bắn

Vẫn Còn Dáng Hai Cây Thông Trần Trụi Giữa Trời.

(Những Vỏ Đạn Còn Lại)

Đây là cái chết của các bạn ông ở Thành cổ Quảng Trị, nơi 72 ngày đêm pháo, bom, lửa, nước, đất máu trộn lẫn. Những người lính Cụ Hồ bám trụ từng viên gạch lấy chính thịt xương mình lát con đường giải phóng quê hương. Những câu thơ đẫm máu và nước mắt:

Thằng Bường Hy Sinh, Hai Bàn Chân Bom Tiện Đứt

Dòng Máu Hòa Với Nước Mưa Tuôn

...Đêm Thành Cổ Mưa Rơi Lấp Mặt

Tôi Ôm Bường Rung Buốt Cả Hai Tay.

(Đêm Thành Cổ Năm 1972)

Chỉ có người lính trong cuộc mới thấy, mới cảm và đau thương tột cùng “rung buốt cả hai tay” như vậy. Mãi mười năm sau, nhà thơ Lê Bá Dương mới thấm và viết được câu thơ đầy nước mắt:

Đò Lên Thạch Hãn Ơi... Chèo Nhẹ

Đáy Sông Còn Đó Bạn Tôi Nằm

Có Tuổi Hai Mươi Thành Sóng Nước

(Lời Người Bên Sông)

Còn chúng ta đọc lại hôm nay như vẫn sờ được gạch đá, bùn nước, ngửi được mùi cháy khét lửa bom, cái tanh nồng của máu thịt con người. Câu thơ chân thực, mạch thơ kể gọn, chọn chi tiết đắt như một đoạn phim quay chậm đặc tả không gây phản cảm mà găm vào trí nhớ ám ảnh người đọc trước mất mát của chiến tranh. Chúng ta cùng xem đoạn phim này:

Người Lính Chết, Còn Nằm Trong Đám Cháy

Đất Đai Cùng Xương Thịt Hóa Màu Than

... Mùi Tóc Cháy, Mùi Thịt Da Khét Lẹt

Ngọn Gió Qua Đồi, Ngọn Gió Hóa Mồ Côi

Khuôn Mặt Cháy Đen, Chỉ Còn Đôi Mắt Nhìn Trời Không Chịu Khép

Như Hai Hốc Đất Sâu, Hai Vết Thủng Vòm Trời.

(Chân Dung I)

Đoạn thơ đầy hình ảnh, các từ ngữ cứ vang lên trong trí não sống động, đau xót. Ta như được xem bức họa của danh tài xưa vẽ các cuộc chiến tranh thần thánh trong thần thoại Hy Lạp. Xoáy vào ta là đôi mắt của người lính Việt Nam dũng cảm nhìn vào vòm trời xanh, khát vọng một cánh chim hòa bình bay ra từ vết thủng của vòm trời máu lửa. Viết thế là đủ, viết thế là đầy.

Còn đây đoạn thơ - văn - xuôi của ông Mậu, hiện đại mà vẫn cổ điển truyền thống của lời văn tế bi thương của cụ Đồ Chiểu xưa:

“Sáng. Tổ Anh Nuôi Múc Nước Nấu Cơm Và Hoảng Hốt Nhận Ra Xác Hai Cô Gái. Tiểu Đội Tôi Xục Vào Các Hốc Đá, Lùm Cây, Tìm Thấy Ba Xác Chàng Trai Nữa. Chúng Tôi Đắp Năm Nấm Mồ Không Ngày Sinh, Ngày Mất, Không Họ Tên, Không Địa Chỉ Thôn Làng...”.

(Cánh Rừng Nhiều Đom Đóm Bay)

Nỗi đau được thơ đẩy đến tận cùng cảm xúc, dồn nén lời kể, tưởng chỉ ở tiểu thuyết mới đủ không gian, thời gian viết được. Thơ ông Mậu “kiểm kê” chân thực những cái chết oanh liệt của người lính để con cháu mãi nghiêng mình vọng nhớ:

Người Đã Khuất Vắt Qua Rào Dây Thép

Dưới Đất Sâu Hài Cốt Chẳng Yên Lành

Còn Người Sống Đôi Chân Vùi Điểm Chốt.

(Hai Người Bạn)

Hoặc:

Các Anh Chết, Nhưng Con Đường Không Chết

Đồng Lộc Xe Qua Sông Suối Dâng Tràn

... Hài Cốt Các Anh Lẫn Vào Mặt Đất

Các Anh Chết Rồi Chưa Hết Những Hy Sinh.

(Khúc Bi Tráng Ở Ngã Ba Đồng Lộc)

Đây nữa, cái chết của người lính giữa mùa xuân đẹp nhất:

Đêm Giao Thừa Bom Trải Dài Điểm Chốt

Mười Hai Người Lính Trẻ Hy Sinh

Cánh Hoa Đón Xuân Thành Hoa Tưởng Niệm

Như Máu Xót Hoa Rơi Trên Mộ Bạn

Cả Rừng Lào Lã Chã Hoa Rơi.

(Kỷ Niệm Hoa Đào)

Cánh hoa đào mởn tơ của mùa xuân nước bạn thành giọt nước mắt rơi trên mộ người lính tình nguyện và câu thơ cũng như giọt máu xót đau giữa rừng Lào. Có bảy cô gái bộ đội trúng bom chết, một binh trạm Trường Sơn hoang vắng và nấm mồ chung cũng hoang vắng, chỉ có thơ làm nén trầm thơm khóc nhớ:

Da Thịt Các Cô Lẫn Vào Da Thịt Đất

Người Chết Và Người Chết Tiễn Đưa Nhau

... Bảy Cuộc Chiến Tranh, Bảy Vầng Trăng Khuyết

Một Nấm Mồ Chìm Khuất Rừng Sâu.

(Bảy Vầng Trăng Khuyết)

Đọc ứa nước mắt. Câu thơ như tiếng nấc của mẹ, của em, của nhân dân với những người con gái mong manh mà dũng liệt. Thơ hay là vậy. Không còn thơ nữa, chỉ còn nỗi đau chiến tranh, nỗi đau của nhân loại. Câu thơ gióng hồi chuông nguyện cầu hòa bình.

Trong dòng thơ kháng chiến chống Mỹ có nhiều nhà thơ tài năng vào chiến trường: Đó là Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Thế Oanh, Nguyễn Hoa... với nhiều giọng điệu hào hùng, say đắm. Nhà thơ Nguyễn Đức Mậu góp vào dòng thơ ấy một giọng điệu tự sự trữ tình đầy chất sử thi. Thơ Nguyễn Đức Mậu không né tránh cái khốc liệt, cái đau thương, mất mát chiến tranh, không thi vị cuộc chiến. Thơ Nguyễn Đức Mậu bụi bặm bùn đất chiến hào, xám xịt lô cốt thép gai, lạnh tê của lưỡi lê băng đạn. Cao hơn nữa dựng được tượng đài Người - lính - Việt - Nam, anh bộ đội Cụ Hồ chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, nhân dân. Những người lính dũng cảm nhưng bình dị đôn hậu như đồng ruộng, cây đa, bến nước làng xa. Họ khát khao sống như nghìn năm đất nước này khát vọng hòa bình, khát vọng tình yêu. Những người lính: “Mũ lá sen lật khoảng trời súng đạn” và “Mồm nhai lương khô/ Mắt dần khép lại/ Khẩu súng tựa vào bờ vai thảnh thơi... ”. Nhưng nếu có giặc họ vọt dậy lao lên chiến hào xung phong và vấp làn đạn thù như vấp bậc thềm ngôi nhà của mình ngã xuống oai hùng. Họ sống mãi với đất mẹ hiền hòa, vời vợi trời xanh, dịu mềm hoa cỏ và có cây trầm thơm cháy đỏ bên trời:

Sống Thì Nước Ngập Ngang Lưng

Chết Thì Xương Thịt Lẫn Cùng Cỏ Cây

Bao Người Lính Trẻ Về Đây

Hồn Xanh Còn Hóa Mây Bay Trắng Trời.

(Rừng Nước Mặn)

 

Nguồn Văn nghệ số 30/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *