Văn học với đời sống

30/7
9:22 AM 2017

NHỮNG VẦN THƠ TRI ÂN

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, Tổ quốc đã thống nhất, những người lính trở về đã nên ông nên bà, những đứa trẻ mới sinh ra từ lâu đã không còn biết đến đạn bom hầm hố, nhiều ước mơ thời đói kém nay đã dễ dàng thực hiện, nhiều kỉ niệm tưởng đã quên… Nhưng, với rất nhiều người thì hình như chiến tranh vẫn chưa qua. Nó còn nằm đâu đó sâu trong kí ức, trong nước mắt mẹ già hay trong giây phút thẫn thờ bất chợt của một quả phụ...

Sáng chủ nhật cuối hè. Một buổi sáng thanh bình, mát mẻ. Vừa trải qua cơn ốm, tôi  ngồi dậy gặp ngay bài báo “Ánh mắt làng Hồng” của Xuân Thọ viết về một chứng nhân trong cuộc tàn sát hơn 500 thường dân của lính Mỹ ngày 16-3-1968 ở Sơn Tịnh-Quảng Ngãi,.mà không khỏi bàng hoàng. Tội ác kẻ thù ta có thể tha thứ, nhưng nỗi đau thì  không thể nào quên. Tôi lững thững lên đê sông Hồng. Mặt sông phẳng lặng. Bỗng có chiếc xuồng máy phóng rất nhanh qua, làm cồn lên những đợt sóng lớn khiến mấy chiếc thuyền nhỏ và cả một chiếc xà-lan chở cát trên sông phải chòng chành…

Đò lên Thạch Hãn xin  chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm…

Hai câu  trong bài thơ bốn câu nổi tiếng “Đò lên Thạch Hãn” của Lê Bá Dương năm nào lại vang lên trong tôi những niềm đau xót chiến tranh. Sao tôi lại chợt nhớ tới bốn câu thơ ấy nhỉ? Không chỉ dưới đáy sông Thạch Hãn, trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại vừa qua, dòng sông nào trên đất nước ta không có những người con hy sinh nằm lại? Con sông Hồng quê tôi cũng vậy. Bao người lính, bao chiến tự vệ đóng chốt trên cầu Long Biên, bao chiến sĩ phòng không ở An Dương-Bãi Giữa… những năm tháng ấy...

Viếng các anh hùng, liệt sĩ yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương-Côn Đảo (Ảnh: TUYÊN HÓA)

Năm nay là năm kỉ niệm lần thứ 70 Ngày Thương binh-Liệt sĩ. Bẩy mươi năm qua, hỏi có dân tộc nào trên quả đất này phải trải qua một thời lượng chiến tranh dài như vậy, phải chịu nhiều đau thương mất mát đến như vậy?

Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ/ Hôm nay đã chặt cành/ Đắp cho người dưới mộ (…) Khóc anh không nước mắt/ Mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ Mà hàm răng dính  chặt… Thi phẩm “Viếng bạn” của Hoàng Lộc được xem như bài thơ đầu tiên và hay nhất trong kháng chiến chống Pháp viết về liệt sĩ mà thế hệ chúng tôi đã học và thuộc lòng những năm tháng đến trường, cả sau này là những năm ra trận. Bài thơ thật kiệm lời, thật xúc động, nhưng cũng thật sâu sắc và lớn lao. Rồi khi tuổi trẻ bước vào yêu đương, bài thơ “Núi Đôi” của Vũ Cao lại khiến bao chàng trai không cầm lòng được: Bảy năm về trước, em mười bảy/ Anh mới đôi mươi, trẻ nhất làng/ Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang… Nhưng khi người trai trẻ ấy sau mấy năm chinh chiến, được trở lại quê nhà thì: Anh ngước nhìn lên hai dốc núi/ Hàng thông bờ cỏ con đường quen/ Nắng lụi bỗng dưng mờ bóng khói/ Núi vẫn đôi mà anh mất em…
Do công việc vừa qua tôi được đọc lại một số tập thơ và trường ca viết về đề tài Thương binh, liệt sĩ.  Đó là “Con đường của những vì sao”-trường ca của Nguyễn Trọng Tạo , “Nấm mộ và cây trầm-bài thơ của Nguyễn Đức Mậu, “Ngã ba Đồng Lộc”-trường ca của Nguyễn Ngọc Phú, “Khúc hát người Anh hùng”-trường ca của Trần Đăng Khoa, “Dáng đứng Việt Nam”-bài thơ của Lê Anh Xuân, “Phan Thiết có anh tôi”-bài thơ của Hữu Thỉnh v.v...

“Phan Thiết có anh tôi” là một bài thơ rất hay và cảm đông. Đó là lời khóc nghẹn ngào của một người lính với người anh liệt sĩ của mình :

Em đã qua những cơn sốt anh qua

Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp

Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết

Em một mình đứng khóc ở sau xe

 

Cánh rừng kia, trận mạc còn kia

Vài bước nữa thì tới đường số Một

Vài bước nữa

Thế mà

Không thể khác

Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi?...

Đến Nghĩa trang Đồng Lộc tháng 7-1995 nhà thơ Vương Trọng - cũng là một người lính – lại viết “Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc” thay lời các cô gái  hy sinh. Lời thỉnh cầu ấy thật giản dị nhưng cũng thật xa xót: Cần gì ư ? –Lời ai hỏi trong chiều/ Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…Bài thơ đã được dịch ra tiếng Anh và cả hai bản tiếng Việt, tiếng Anh đều đã được khắc vào bia đá dựng ở nghĩa trang Đồng Lộc.

Lê Đình Cánh, một nhà thơ nhiều năm dạy học trong lực lượng TNXP Trường Sơn lại viết về một đám cưới tưởng tượng trong nghĩa trang liệt sĩ. Đám cưới của đôi trai gái yêu nhau từ trước lúc hy sinh:

Lau trắng rừng đám cưới Trường Sơn

Đèn đom đóm lập lòe đưa dâu liệt sĩ

Người ngã xuống những ngày đánh Mỹ

Tự lo cho hạnh phúc của mình.

 

Thưng nghĩa trang riêng khu mộ gia đình

Là liệt sĩ cũng nên chồng nên vợ

Ở dưới ấy chắc nhiều đôi gặp gỡ

Hai cuộc đời hóa đá vào nhau

Không chỉ viết về những người đã khuất Lê Đình Cánh tâm sự: “Tôi chú ý ca ngợi những người đã qua lửa đỏ chiến tranh trở về hậu phương, dũng cảm vươn lên, tự lo cho cuộc sống của mình, đôi khi có cả sự cam chịu than phận. Đấy là phẩm chất cao đẹp riêng của người Việt Nam cần ca ngợi cần tôn vinh”.

Một thế hệ các nhà thơ trẻ hơn trở về từ các đơn vị TNXP từ các chiến trường biên giới Tây Nam, biên giới phía bắc, các trận chiến bảo vệ biển đảo là Nguyễn Hữu Qúy, Nguyễn Minh Khiêm, Nguyễn Ngọc Phú, Nguyễn Anh Nông, Nguyễn Hưng Hải, Nguyễn Danh Tu… tham gia vào đội ngũ đông đảo những nhà thơ có nhiều sáng tác về đề tài này. Nguyễn Minh Khiêm viết về mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam, Bà Mẹ Việt Nam anh hùng có tổng cổng 9 người con và cháu hy sinh, người đã được chọn làm nguyên mẫu cho nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng dựng bức tượng đá Bà mẹ Việt Nam. Nguyễn Minh Khiêm viết về Mẹ bằng những câu thơ đầy thành kính và  xúc động. Những câu thơ như nấc lên: Lại một người con của mẹ không về/ Lại người nữa/ Lại thêm người nữa/ Chiến tranh đi qua/ Chín người con của mẹ không về! Tóc bạc xòa ngang khung cửa/ Thời gian vỡ tung ra/ Trái tim bao nhiêu đứt gãy/ Câu thơ con không thể nào hàn lại/ Những nỗi đau/ Chỉ xin làm một miếng trầu… Người mẹ trong “Huyền thoại chiến tranh” của Nguyễn Minh Khiêm  đan xen giữa thực và ảo. Từ đống bã trầu mà mẹ bỏ ra bao đêm không ngủ ngồi đợi con về đã mọc lên một cây hoa bất tử và đỏ rực. Trong bài thơ “Vết thương đá” hay “Hồi ức một con đường” viết về TNXP mở đường biên giới Việt Lào và  “Muối” viết về người có công, thơ Nguyễn Minh Khiêm đều thấm đẫm cảm xúc và lòng thành kính trước những gian truân vất vả, những nỗi đau, những mất mát của những người Mẹ có con là liệt sĩ, thương binh...

Nguyễn Hữu Qúy lại muốn ôm trùm và khái quát những vấn đề lớn về chiến tranh, về nhân sinh, về cái thiện và cái ác. Bằng sự trải nghiệm của người lính, thơ anh có nhiều sáng tạo trên nền tảng cảm xúc vững chắc. Mạch thơ mang tính hồi tưởng sâu sắc và giàu tính triết lý. Đây là giấc mơ của những người mẹ có con đã hi sinh ở chiến trường:

Những người lính trở về têm cho mẹ miếng trầu cay

giấc mơ mẹ đỏ tươi từng giọt máu

những người lính trở về xòe tay trên bếp khói

giấc mơ mẹ mình đơm óng ả hạt mùa chiêm

những người lính trở về đánh rạ dọn rơm

giấc mơ mẹ bay la dòng sữa trắng

những người lính trở về cười ngượng nghịu

giấc mơ người bật dậy tiếng oa oa…

Bài thơ “Tấm vé tàu Thống nhất dành cho cha” hình thành từ câu chuyện thật qua sự sáng tạo tài hoa của tác giả đã trở nên một bài thơ độc đáo và ám ảnh: Ngày cha ra trận/ Giọt máu của người chưa bật khóc! Mẹ lẻ loi/ vượt cạn/ đất phương Nam/ cha/ ngã xuống miệt vườn/ Bốn mươi năm sau/ cha trở lại quê hương/ trên con tàu Thống Nhất/ chiếc ba lô từng theo cha đánh giặc/ nay ấp iu cha trong cuộc trở về…

Nói tới hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam, nhất là kháng chiến chống Mỹ cứu nước, không thể không nói đến Trường Sơn. Con đường mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi là “một kỳ công, kỳ tích, kỳ quan do ý chí vì độc lập-tự do của chiến sĩ và thanh niên xung phong làm nên”. Trên con đường ấy, hơn 20 nghìn cán bộ chiến sĩ và TNXP đã vĩnh viễn nằm xuống, hơn 30 vạn người khác bị thương, chưa kể bao nhiêu mất mát hy sinh khác mà dân tộc Việt Nam phải gánh chịu, trong đó có những mất mát không bao giờ có thể tìm lại. Trong số 20 nghìn người nằm xuống và trong số 30 vạn người bị thương ấy, có bao nhiêu người là phụ nữ, trong số vô vàn những mất mát lớn lao ấy có bao nhiêu mất mát đàn bà?. “Chiến tranh trên gương mặt đàn bà là trường ca Phạm Hồ Thu viết về những đóng góp , hy sinh vô bờ bến của những nữ TNXP trên con đường huyền thoại:

Ai còn nhớ chăng

Những người đàn bà sinh ra không phải để giáp mặt chiến tranh

Những người đàn bà sinh ra không phải để đánh mìn, cầm cuốc, cầm choòng, cầm súng…

Những người đàn bà sinh ra không phải để làm cọc tiêu nơi chiến địa

Cũng không phải họ sinh ra để được tặng danh hiệu Anh hùng.

Người đàn bà muôn đời là liễu yếu, đào tơ

Người đàn bà sinh ra để dịu hiền, bé bỏng

Làn môi thắm dâng lời âu yếm

Bầu vú tròn mời gọi đắm say

Họ sinh ra sự sống ngày ngày…

Nữ tác giả Trần Thu Hà lại khắc họa nỗi đau của Mẹ Biển: Trường Sa ơi!/ Nước biển mặn sao bằng nước mắt?/ Biển dâng lên  mùi thịt da những bầu binh dâng lên sức trẻ 20 thành bất diệt/ Hoa sóng cứ bay-hoa sóng cứ bay…

Những người đàn bà Việt Nam như mọi người đàn bà khác trên thế giới, sinh ra cho tình yêu, cho mái ấm gia đình. Nhưng “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và suốt hàng nghìn năm qua, những người đàn bà Việt Nam ra trận như đàn ông và cũng đã ngã xuống như đàn ông để làm nên “Dáng đứng Việt Nam”:

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ 
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường 
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ: 
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân. 
Tên Anh đã thành tên đất nước 
Ôi anh Giải phóng quân! 
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt 
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân

Hơn 40 năm sau ngày thống nhất, 70 năm sau ngày Toàn quốc kháng chiến (19.12.1946), Đảng, Nhà nước, Quân đội và Nhân ta đã làm hết sức mình để đưa những người hy sinh về với gia đình, để chăm sóc những người mất đi một phần xương máu, để bù đắp cho những người có công… nhưng vẫn còn đây đó những người ra đi, những người từng tham gia chiến đấu “không một tấm hình, không một dòng địa chỉ” và chẳng để lại gì cho riêng họ. Họ đã lặng lẽ khuất vào xương máu nghìn năm, lặng lẽ khuất vào nước mắt đau thương, vào sông  núi  hay  náu mình dưới nước sông sâu...

Đến đây, tôi lại nhớ “Đò lên Thạch Hãn” và câu thơ “dị bản” tôi được nghe từ chính tác giả Lê Bá Dương: Tan chợ chiều xuôi đò có vội/ Xin đừng khuấy đục nước dòng trong… Đó là lời thỉnh cầu của người cựu chiến binh đối với những ai đang đi lại hàng ngày trên sông Thạch Hãn. Dưới đáy sông các bạn tôi đang yên nghỉ, xin đừng khuấy động. Hãy để cho những người đã nằm xuống yên nghỉ! Hãy để những dòng sông quê hương đừng bị vẩn đục vì cuộc sống hòa bình tươi đẹp nhưng cũng nhiều bon chen giành giật hôm nay…

                                                                                                                                                                            Nhà thơ NGUYỄN TRÁC

(Nguồn: qdnd.vn)

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *