Từ đời vào văn

27/8
9:32 AM 2018

KINH NGHIỆM DUY TÂN TỪ CÁC ĐỘNG THÁI CỦA TÂN THI ĐÔNG Á

HẠNH NGUYÊN-Duy tân là nhu cầu thực tế, là diễn biến chính trị - xã hội quan trọng nhất cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX ở các quốc gia châu Á. Hiện đại hóa tất yếu phải đi qua cầu duy tân. Trong quá trình duy tân, có ba động thái đồng thời diễn ra ở nội vùng Đông Á. Thứ nhất: giải cấu trúc truyền thống; thứ hai: giải trung tâm Trung Hoa; thứ ba: thích ứng phương Tây.

                                                            Ảnh minh họa-nguồn Internet

Từ ba động thái này, chúng tôi hi vọng sẽ gợi lên những kinh nghiệm về quá trình duy tân trong bối cảnh Việt Nam đương đại. Với tư cách là thực thể kiến tạo vùng, Trung Hoa đã trở thành trung tâm của văn hóa, văn học Đông Á với hệ thống kinh điển và quy ước vững chãi suốt nhiều thế kỉ. Không thể phủ nhận vẻ đẹp của truyền thống mĩ học, văn hóa Trung Hoa đã kiến tạo nên Đông Á truyền thống. Tuy nhiên, trong dòng chảy sục sôi của quá trình thực dân hóa, xã hội Đông Á đã sống quá lâu trong điển phạm chợt thấy niềm tự do từ Tây phương đầy hấp dẫn. Sự hấp dẫn này trước hết phải xem là sự hấp dẫn của cái mới, cái lạ, khác với những mẫu hình muôn thuở của Á Đông cổ điển. Điều quan trọng nhất không phải là máy hơi nước thay cho sức ngựa, mà chính là tân thư. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã có một liên hệ: “Tân thư đối với người Đông Á có nghĩa là một hệ thống kinh điển mới thay thế cho kinh điển Trung Hoa lỗi thời”. Cốt lõi chính là sự thay đổi trong tư tưởng, tư duy, trong thế giới quan, nhân sinh quan và các hệ giá trị. Các nhân sĩ, trí thức của Đông Á đã bằng nhiều con đường tiếp xúc với hệ thống kinh điển mới này. Ở Việt Nam, khởi đi từ những đề nghị cải cách của Lê Đĩnh, Nguyễn Trường Tộ đến phong trào Đông du, Đông kinh nghĩa thục,… điển phạm của truyền thống Trung Hoa từng bước bị rạn nứt và lung lay. Một nhân sĩ Nho học như Phan Bội Châu đã phải ngậm ngùi than rằng: Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế/ Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si (Non sông đã mất, sống chỉ là nhơ nhuốc/ Sách vở thánh hiền tẻ ngắt, đọc chỉ mụ người – Tôn Quang Phiệt dịch). Sự đổ vỡ của một hệ tư tưởng hiện lên rất rõ trong trạng thái này của Phan Bội Châu. Con người trung đại, học, thi, hành, tàng, xuất, xử, đối nhân ứng thế đều nhất nhất tuân theo kinh điển. Bởi vậy, khi sách vở thánh hiền đã vô dụng, phản tác dụng thì hệ tư tưởng truyền thống bị hoài nghi chính ở cốt lõi của mình. Tương tự, Phan Chu Trinh khi tiếp cận tân thư cùng với quá trình tự ý thức cũng nhận ra chân tướng “cuồng ngu” của mình thời khoa cử. Ở Trung Quốc, năm 1918, Trần Độc Tú công kích truyền thống, người Trung Quốc tuyên bố “Đập đổ của hàng họ Khổng”. Ở Nhật Bản, từ rất sớm sau Duy tân Minh Trị, đất nước đã chuyển mình theo phương Tây, bắt kịp và vượt cả phương Tây để trở thành một đế quốc, một “phương Tây” giữa lòng châu Á.

Tân thư đã làm thay đổi nếp suy nghĩ, sinh hoạt, quan niệm, tư tưởng của người phương Đông. Ở điểm kết tinh của nó, tân thư hiện ra trong quan niệm mới về chất thơ, hình thành loại hình Tân thi (Tân thể thi) - Thơ mới ở Đông Á. Để tiếp nạp tân tư tưởng, dĩ nhiên, song hành là quá trình vượt thoát các ràng buộc truyền thống đã lỗi thời. Chất thơ của Thơ mới Đông Á được sản sinh từ chính quá trình thoát khỏi quyền lực truyền thống và Trung Hoa vốn đè nặng lên sinh mệnh, tâm hồn con người Đông Á. Ở Nhật, người ta quan niệm rằng, thơ mới phải khác với thơ Nhật truyền thống và thơ Trung Hoa. Nghĩa là phải giải cấu trúc Trung Hoa và giải cấu trúc cả truyền thống Nhật Bản. Các tác giả của Tân thể thi sao (tập Tân thi đầu tiên của Nhật Bản, 1882) là giáo sư sinh học, triết học và xã hội học - các nhà thơ không chuyên, vì thế, họ đưa tư tưởng, kĩ thuật tự nhiên vào thơ bằng con đường ngắn nhất - trực tiếp. Và có lẽ, cũng chính điều đó đã làm cho tư tưởng cách tân thơ sớm xuất hiện trong đời sống thi ca Nhật Bản. Chất thơ mới của thơ Đông Á trong thế cuộc vừa giải trung tâm Trung Hoa, truyền thống, vừa thích ứng văn hóa, thơ ca phương Tây đã có những chuyển biến quan trọng về hướng hiện đại.

Quan niệm về chất thơ chính là sự hiện hữu của thế giới quan, thẩm mĩ quan, giá trị quan,… trong tinh thần, ý niệm của chủ thể và thời đại. Mĩ cảm của tân thi Đông Á hẳn không phải là tâm - chí - đạo, cũng không chỉ là sen mùa hạ cúc mùa thu, lá vàng, tuyết trắng, non xanh, thủy lục, liễu biếc, dâu xanh, cỏ áy bóng tà, đăng cao viễn vọng, chinh đồ xương trắng, tuốt kiếm vẩy áo, túy ngọa sa trường,… Mĩ cảm cận hiện đại ở Đông Á đã giải hóa những điển phạm này để cảm nhận bằng toàn thể cảm giác, kinh nghiệm của con người cá nhân:

Tôi là một áng mây trôi nhẹ trên bầu trời
Ngẫu nhiên tỏa bóng xuống tấm lòng nhẹ như sóng gợn của em

(Ngẫu nhiên - Từ Chí Ma, Trung Quốc)

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại quốc gia Hàn Quốc. Vốn là một đất nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, Hàn Quốc trong quá trình thích ứng với phương Tây (phần lớn qua ngả Nhật Bản) cũng đã hình thành một nền tân thi của riêng mình. Thơ ca truyền thống của Hàn Quốc là sijo (thi điệu) và kasa (ca từ) ảnh hưởng rất rõ của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo với mẫu hình con người siêu cá thể. Đến thời cận hiện đại, khi những tiếp xúc với phương Tây - Nhật Bản ngày càng mạnh mẽ đã làm nảy sinh con người cá nhân. Con người cá nhân đó trong bối cảnh sống hữu hạn đã bày tỏ khao khát được sống, vượt ra khỏi những ràng buộc của đạo lí truyền thống cứng nhắc. Tập thơ Sự im lặng của tình yêu của Han Yong Un (1926) được xem là dấu mốc đầu tiên cho quá trình định hình Tân thi ở Hàn Quốc. Sự phô bày thế giới tinh thần, nhu cầu sống thật với cá nhân mình đã tạo nên những âu lo, sợ hãi hoàn toàn khác với đặc tính an nhiên tự tại của con người siêu cá thể truyền thống:

Lời thề tình yêu đôi lứa
Tưởng rằng còn mãi muôn đời
Như đóa hoa vàng bất tử
Nay còn là đống tàn tro
Ngọn gió nào mang đi xa
[…]
Khi loài người biết yêu nhau
Trong em đã nhiều lo sợ
Sợ rằng ta sẽ chia xa
Vào ngay khi ta gặp gỡ
Cách ngăn đến thật bất ngờ
Tim em thành trăm mảnh vỡ

(Sự im lặng của tình yêu - La Mai Thi Gia dịch)

Đó là nỗi âu lo, ám ảnh của con người trước thời tính. Xuân Diệu ở Việt Nam đã từng hốt hoảng:Cái bay không đợi cái trôi/ Từ tôi phút trước, sang tôi phút này (Đi thuyền). Thi sĩ của tình yêu và tuổi trẻ này nhận ra thời gian tuyến tính, nên luôn Vội vàng: Mau lên chứ! Vội vàng lên với chứ/ Em, em ơi! Tình non sắp già rồi. Tương đồng với cảm thức của Han Yong Un ở đất nước Hàn Quốc, Xuân Diệu đã ngậm ngùi nhận ra: Trong gặp gỡ đã có mầm li biệt, bởi lẽ Đời trôi chảy, lòng ta không vĩnh viễn (Giục giã).

Thơ mới Việt Nam về mặt chất thơ cũng tương đồng với Tân thi Hàn Quốc. Ở đây, nhìn từ quan niệm chất thơ, Triệu Nhuận Tế - một nhà nghiên cứu Hàn Quốc cho rằng: Có một thời kì văn - thơ quốc ngữ Triều Tiên tồn tại thơ suy đồi, lãng mạn với những thế giới không tưởng, khóc cười say sưa trong nghệ thuật, tạo thành “thời đại Bạch Triều”. Quan điểm này tương đồng với quan điểm của các nhà “nghệ thuật vị nhân sinh” hay các nhà lí luận văn nghệ marxist thời kì 1946 - 1975 khi nhìn về Thơ mới Việt Nam 1932 - 1945.

Cảm hứng lãng mạn, chất sầu tủi hay dang dở, bi kịch của Thơ mới Việt Nam hình thành nên từ sự cô độc của cái tôi, sự bơ vơ trong một đất nước thuộc địa, những hoang mang sau khủng bố trắng của khởi nghĩa Yên Bái, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 1929 - 1933, sự phá sản của hệ tư tưởng phong kiến, sự chuyển hóa nhanh chóng của thời đại trong cuộc xâm nhập của phương Tây,… Quá khứ không còn là nơi nương náu (thậm chí, nhiều giá trị cũ đã trở thành kẻ ngáng chân trên hành trình vươn tới hiện đại), tương lai còn mịt mờ không thắp lên nhiều hi vọng, thực tại tăm tối và ảm đạm. Tất cả những điều này cũng diễn ra ở Trung Quốc sau khi phong trào Ngũ Tứ rơi vào bế tắc. Một không gian xã hội, một cấu trúc tâm lí tương đồng với Pháp sau cách mạng 1789. Nỗi thất vọng chính là tâm thức lãng mạn của con người tiểu tư sản vốn dĩ rất nhạy cảm với thời cuộc. Chất thơ là cái đẹp trong cảm nhận của con người cá nhân, nhưng chiều hướng của chất thơ lại tìm đến những vùng mĩ cảm tăm tối, sự cô độc, dang dở, chia lìa, đau thương, cái chết, sự hủy diệt,...

Thơ mới Đông Á thể hiện sự thích ứng cao độ của con người phương Đông trước những luồng văn hóa mới từ phương Tây. Từ bước chân đầu tiên của các giáo sĩ, thương nhân sau đó là gót sắt của quân đội, văn hóa và quyền lực phương Tây dần được thiết lập trên lãnh thổ các quốc gia Đông Á. Cùng với khai thác, thống trị là sự áp đặt các sắc thái văn hóa phương Tây. Đô thị kiểu phương Tây, con người cá nhân tiểu tư sản, thị dân, trí thức, tân thư, tân thi, tân nhạc, tân thời,... chính là những cận cảnh khá quan trọng giúp chúng ta nhận diện sự thay đổi của Đông Á truyền thống, quá trình đào thoát khỏi Trung Hoa cổ điển song hành với tiến trình thích ứng phương Tây một cách sâu rộng. Riêng trong địa hạt thơ, tinh vân tiếp xúc này thể hiện rất rõ qua việc Rimbaud, Verlaine, Baudelaire, Apolinaire, Byron, Withman được tiếp nhận ở Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Hoa. Ở Việt Nam, không ai phủ nhận Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Đinh Hùng,… đã chịu ảnh hưởng sâu sắc các đại diện của chủ nghĩa tượng trưng Pháp. Cũng như ở Trung Hoa, Quách Mạt Nhược đã ảnh hưởng sâu sắc từ Withman, trường phái Tân Nguyệt ảnh hưởng sâu sắc từ thơ tượng trưng Pháp.

Trên bình diện của những sáng tác văn học thành văn, chính Trung Hoa đã góp phần rất lớn vào việc định hình các giá trị cổ điển trong kho tàng văn chương bác học Đông Á. Vẫn còn đó quan niệm “bất dị Trung Hoa”, “thuật nhi bất tác” khiến cho văn chương của các quốc gia phong kiến Đông Á mang dáng dấp một sự sao phỏng Trung Hoa. Giải trung tâm Trung Hoa gần như đồng nghĩa với việc giải cấu trúc truyền thống trong các mô hình có tính điển phạm. Mặt khác, những truyền thống dân gian cũng có thể được kế thừa hoặc phủ định tùy theo khả năng thích ứng của nó với các mô hình kiểu phương Tây. Ở đây, thi sĩ Nguyễn Bính của Việt Nam là một ca đặc biệt thích đáng cho việc nghiên cứu quá trình thích ứng cũng như phá sản của các giá trị truyền thống dân gian. Nhìn thật kĩ, chúng ta nhận ra Nguyễn Bính - thôn dân phá sản, thị dân lỡ dở, nửa mùa đang đau đớn, vật vã trong bi kịch của chính mình trước các động thái không thể tránh khỏi của xã hội và thời đại. Không gì thỏa đáng hơn cho một liên tưởng rằng: Nguyễn Bính chính là biểu tượng của Việt Nam buổi giao thời.

Thơ mới là một diễn ngôn thể hiện rõ tinh thần giải cấu trúc truyền thống, giải trung tâm Trung Hoa, thích ứng phương Tây. Trên bình diện phổ quát, ở Đông Á, những hình thức khác biệt với hình thức nghệ thuật của thơ truyền thống đều gọi là Thơ mới, Tân thi. Điều đó ít nhiều có điểm phân biệt với quan niệm về Thơ mới đang phổ biến ở Việt Nam. Tuy vậy, về đại thể, trong quan niệm về chất thơ, hình thức nghệ thuật, cảm hứng chủ đạo, chủ thể trữ tình,... chúng ta nhận ra sự tương đồng mang tính loại hình của Thơ mới Việt Nam và Tân thi Đông Á. Đó là số mệnh của nền văn hóa, văn chương khu vực trong tình thế đối diện với phương Tây cùng những thôi thúc mãnh liệt về một sự đổi thay âm ỉ kéo dài trong lòng Đông Á truyền thống. Nhìn về Tân thi Đông Á và Thơ mới Việt Nam đầu thế kỉ XX, ở khía cạnh cấu trúc lịch sử xã hội, xem xét thơ như một diễn ngôn lịch sử, văn hóa, chính trị, chúng ta có những suy tưởng về tình thế của Việt Nam đương đại trước các diễn biến có tính tương đồng đang hiện diện ngày một rõ rệt.

H.N

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *