Tác phẩm và dư luận

11/12
5:47 PM 2019

TỌA ĐÀM GIỚI THIỆU TIỂU THUYẾT "ĐƯỜNG VỀ THĂNG LONG" CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN THẾ QUANG

Sáng nay 12 – 12- 2019, tại Đài tiếng nói Việt Nam, Hà Nội có cuộc tọa đàm giới thiệu tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” của nhà văn Nguyễn Thế Quang. Ông là người có duyên với đề tài lịch sử và đã từng được độc giả biết đến qua các tiểu thuyết Nguyễn Du in năm 2010 và tái bản 2 lần vào các năm 2012, 2015, tiểu thuyết Khúc hát những dòng sông viết về bà Hoàng Thị Loan, in năm 2012, tái bản năm 2013, tiểu thuyết Thông reo Ngàn Hống, viết về Nguyễn Công Trứ in năm 2015 và tái bản năm 2018.

Đến dự buổi tọa đàm có nhà báo-nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ, UVTƯ Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN và nhiều nhà văn khác. Cả ba cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Thế Quang đều từng đạt những giải thưởng cao. Và năm nay, ông lại gửi tới độc giả một cuốn tiểu thuyết lịch sử dày dặn gồm 566 trang về đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Từ trước đến nay, đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật thơ ca, nhạc, họa lấy đề tài từ hình tượng người đại tướng anh hùng, nhưng riêng lĩnh vực tiểu thuyết thì mới chỉ có nhà văn Hữu Mai với tác phẩm Không phải huyền thoại (2007) và bây giờ là nhà văn Nguyễn Thế Quang. Nếu như tác phẩm Không phải huyền thoại tập trung khai thác hình tượng đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những năm tháng ở chiến trường thì tiểu thuyết lịch sử Đường về Thăng Long lại tập trung làm nổi bật hình tượng đại tướng trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chồng Pháp, đặc biệt là giai đoạn 1946 – 1947. Khoảng thời gian trước 1946 cũng được phản ánh bằng phương pháp hồi tưởng, tính từ khi Võ Nguyên Giáp bắt đầu vào học trường Quốc học Huế (1927). Đây là thời kỳ chính quyền cách mạng còn non trẻ, gặp nhiều khó khăn gian nan nhất. Tập trung khai thác giai đoạn này, tác phẩm muốn nhấn mạnh vào tâm thế của người tìm đường – chọn đường – nhận đường trong một thời điểm trọng đại của lịch sử dân tộc. Cùng với việc tập trung xây dựng và khai thác nhân vật chính Võ Nguyên Giáp, một loạt các nhân vật lịch sử khác cũng hiện lên với những mức độ đậm nhạt khác nhau, nhưng đều hướng tới việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh , Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Nguyễn Tường Tam, Hoàng Xuân Hãn, Bảo Đại, Phạm Văn Đồng, Phan Anh, Cao Xuân Huy…Giữa các tuyến nhân vật có nhiều sự khác biệt, thậm chí mâu thuẫn, bởi những sự lựa chọn và cách nhìn nhận quan điểm khác nhau , song lịch sử đã mang tới cho chúng ta câu trả lời đúng đắn nhất: “Nhân dân chọn ai, người đó thắng bởi có dân là có tất cả”. Trong tiểu thuyết này, ngoài việc làm nổi bật con người hành động Võ Nguyên Giáp, tác giả còn tập trung khai thác diễn biến tâm trạng, tâm lý nhân vật trong những mối quan hệ với gia đình, người thân, vợ con, bạn hữu, từ đó làm nổi bật con người Võ Nguyên Giáp - một trí thức – người anh hùng đậm chất đời, gần gũi và mến thương hơn trong cảm nhận của mỗi độc giả. Trong phần cuối tác phẩm, tác giả dành khoảng 30 trang để tóm lược và khái quát về những sự kiện, diễn biến cơ bản trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn hệ thống và xuyên suốt về nhân vật.
Sự thành công của Võ Nguyên Giáp cũng đồng thời khằng định con đường đúng đắn mà Đảng, Nhà nước và Bác Hồ đã lựa chọn, nhất quán đi tới cùng trong việc xây dựng một sự nghiệp cách mạng, mang lại chủ quyền độc lập cho dân tộc, hòa bình hạnh phúc cho nhân dân. Vì thế, một tư tưởng nữa mà tác phẩm muốn hướng đến, theo chúng tôi, đó chính là tinh thần hòa hợp dân tộc trong việc cùng vun đắp cho một mục đích chung, vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Đó cũng là chủ trương mà chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng lúc bấy giờ mà ngày nay Đảng và nhân dân ta đang thực hiện.

P.V

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *