Tác phẩm và dư luận

23/11
10:55 PM 2019

TIẾNG KÈN CỦA NGƯỜI LÍNH

CAO NGỌC THẮNG

Trần Quốc Huấn xuất hiện trên văn đàn rất ít và rất thưa. Ông viết văn như một cuộc dạo chơi. Khi còn là sinh viên khoa Văn trường Đại học Tổng hợp, năm 1977, chàng trai Thành Nam đã có truyện ngắn Những năm sau đấy đăng trên báo Tiền Phong. Mãi tám năm sau, liền trong ba năm, mỗi năm ông viết một truyện: Bên ấy, trước có người ở (1985), Vùng biển thẳm (1986), Người đi đêm không sợ ma (1987). Chính vào năm 1987, Trần Quốc Huấn đoạt giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội. Tiếp tục là một khoảng lặng, tuy lần này không dài như “đợt” trước (ba năm so với tám năm), năm 1990 ông viết truyện Lạc chuồng, năm 1991 truyện Mùa trái rụng nhiều và kịch bản phim Người lính kèn về làng, năm 1993 truyện Đám mây màu hồng. Rồi từ đó ông “lặn” biệt tăm, cho đến khi tạ thế, năm 2014, những truyện ngắn của Trần Quốc Huấn mới được in thành tập, cuốn sách duy nhất đời văn của ông, lấy tên chung là Người lính kèn về làng (Nhà xuất bản Trẻ, 2015). Trong khoảng lặng giữa những truyện ngắn, Trần Quốc Huấn làm phê bình văn học, viết kịch bản và làm đạo diễn phim truyện, cũng không nhiều lắm, cũng lướt qua như “ví dụ” cho thiên hạ biết là mình cũng chẳng thua kém bất cứ người nào.

*

     Xét theo thời điểm, ghi ở cuối mỗi truyện, những tác phẩm của Trần Quốc Huấn đã có độ lùi đáng kể, nếu không muốn nói ông là người rất sớm “ra khỏi” cuộc chiến chống thực dân (cũ và mới) kéo dài suốt ba mươi năm, rồi cuộc chiến chống xâm lăng Trung Quốc mới chấm dứt chưa bao lâu. Trong bối cảnh ấy, với tâm thế nhà văn, Trần Quốc Huấn vẫn là người trong cuộc, vẫn trực tiếp đeo đẳng những ám ảnh do chiến tranh đem lại, nhưng đó là sự ám ảnh rất khác, khác hẳn với những tác giả đương thời, và cả sau này nữa. Những truyện ngắn và kịch bản phim truyện, trong Người lính kèn về làng, ngay khi đó đã vượt qua lối kể chuyện thông thường về những trận đánh, những chiến dịch hay nỗi gian truân của người lính, sự chết chóc trên chiến trường, cũng không luận giải sự thắng thua của bên này hay bên kia. Tác giả Người lính kèn về làng, ngay khi đó, nghiền ngẫm về một cuộc chiến tranh khác (ý của Svetlana Alexievich – Nobel văn học 2015), tìm hiểu cái thực chất nhất mà chiến tranh để lại hậu quả.

*

     Trong truyện ngắn đầu tay - Những năm sau đấy, Trần Quốc Huấn đã xác định đường văn của mình, từ tên truyện đến nội dung câu chuyện. Trong muôn vàn lý do, cái bóng của chiến tranh trùm lên mối quan hệ của bộ ba nhân vật Vũ-Huy-Ngân, đẩy hai cặp Vũ-Huy và Huy-Ngân đi về những hướng ngược chiều của nhân cách ứng xử, và cuối cùng, sau nhiều trắc trở, Vũ-Ngân trở lại với tình yêu bị hoàn cảnh làm gián đoạn. Tuy ở truyện này chưa bộc lộ sâu sắc ý niệm của tác giả, song nó đã manh nha một hướng đi, để những truyện sau đó khẳng định tính đúng đắn của sự lựa chọn ban đầu trên con đường văn nghiệp của ông.

     Đến với truyện của Trần Quốc Huấn, trong lòng người đọc dâng lên nỗi buồn ám ảnh. Nỗi buồn ấy từ man mác chuyển sang những đợt sóng rung động và lắng lại như các lớp trầm tích, in đậm những “hóa thạch” về thân phận con người cũng như thân phận cuộc chiến tranh, rất khó bị “phong hóa”. Cả 8 truyện trong tập đều là những vấn đề nhức nhối của thời hậu chiến (ngay trong cuộc chiến). Truyện Bên ấy, trước có người ở chẳng minh định một điều gì cụ thể, nó cứ chênh chao cảnh sống của những người được gọi là “độc thân”. Câu hỏi của người vợ: “Một căn hộ nho nhỏ thôi, ở trên này, độ bao nhiêu tiền hở anh?”, rồi thằng con hồn nhiên đế thêm: “Mua chứ bố, mua đi. Con cũng có con lợn đất cơ!” khiến Toại nổi khùng vô cớ, bởi nó động chạm đến nhiều điều quá, người như anh “làm việc bằng bổn phận và hưởng thụ bằng sự phân phối quy định, sòng phẳng, thường kỳ” (tr. 103) không thể nào kham nổi niềm khát khao đoàn tụ của vợ con. Không có cốt truyện mạch lạc, song những chi tiết truyện chồng chất lên nhau hiện lên cảnh sống chật vật, có phần vô lý, ở cái thời “bao cấp” kéo dài cả chục năm sau chiến tranh. Đất nước đã thống nhất, nhưng nhiều gia đình vẫn sống cảnh ly tán, càng tăng cái khó khăn lên bội phần. Hơn thế, “Những gã đàn ông sống xa vợ con, thời gian rảnh rỗi thì nhiều, nhưng lại thui thủi” (tr. 98) như Toại luôn luôn rơi vào tâm trạng thân thể một nơi còn hồn vía lang thang bất định, sống cũng tạm bợ mà làm việc cũng mông lung “chẳng muốn nghĩ về nó và những gì ràng buộc, được, mất xung quanh nó nữa” (tr. 100). Thời bấy giờ, tâm lý như thế là phổ biến, và mỗi người chỉ mong sao sớm được đoàn tụ với gia đình. Trần Quốc Huấn đã sớm “định vị” trạng thái tâm lý chung thành một vấn đề của văn học. Sự nhạy cảm trước thời cuộc đã giúp ông tránh khỏi những suy nghĩ thông thường, không đi vào lối mòn cũ.

*

     Một “cú” định vị khác, vừa chuẩn xác vừa cay mũi khi Trần Quốc Huấn triển khai truyện ngắn Vùng biển thẳm với cái ý: “Đến lúc mà người ta gặp gỡ nhau theo lịch công tác, theo những thúc bách khe khắt và buồn bã của kế sách sinh nhai, thì nhu cầu tình cảm bỗng trở nên vu vơ, phù phiếm quá.” (tr. 15). Nhận xét của nhân vật chính – Phái, về nghĩa bạn bè không phải vu vơ, bởi chính anh ta, dưới con mắt của người vợ chí thú buôn buôn bán bán, từ vai “chàng ngốc” tiến thẳng lên “đồ dở hơi”, rồi chuyển sang “tâm thần” khi anh từ bỏ cái “chĩnh gạo” để đi tìm người con gái mà anh đã trao lời hò hẹn trong chiến tranh. Ở truyện ngắn này, Trần Quốc Huấn, có vẻ như vô tình giữa rậm rịt chi tiết, đưa ra một thông điệp nặng tính ẩn dụ thông qua suy nghĩ của Nghị - bạn của Phái: “Cứ cúi gằm mặt xuống với nhau là tri kỷ vụn, thì cũng chỉ đến những triết lý vụn. Chua chát bóng gió chỉ tổ khuấy đục lên những ý nghĩ buồn. Những tâm huyết vô tình thành ra sự đầu độc. Làm cho người ta vui và hăng lên bao giờ cũng khó hơn là xui người ta rũ xuống khóc” (tr. 35). Đó là tuyên ngôn của một nhà văn ý thức sâu xa về nghiệp viết với thái độ và trách nhiệm công dân cao cả.

     Tâm lý đa nghi, rằng: “có những mặt trái trong quan hệ đôi khi còn đáng sợ hơn cả bị chết, hay bị thương” (tr. 68) của Dự (nhân vật trong truyện Người đi đêm không sợ ma) là tâm trạng của người “hiện sống trong thế kỷ của hành động, chứ không phải thế kỷ của đàm đạo” (tr,69). Vốn là giáo viên triết học, tâm lý của Dự chuyển từ hoài nghi sang đa nghi, cảnh giác, rồi mất dần niềm tin, ngay cả đối với lòng tốt của bạn (nhân vật Lạng). Sự thay đổi đó chịu tác động từ hoàn cảnh bên ngoài làm cho con người lung lay, bởi “khi cái gian, cái ác thắng thế, và người ngay chịu phần thua thiệt, chỉ vì điều đó chứng minh cho thái độ ngoài cuộc của họ là đúng.” (tr. 75). May thay, tình cảm của cô giáo Hoa với Lạng, ở cuối truyện, đã cứu vãn những suy nghĩ tiêu cực của Dự.

     Nhưng, sự đời, cái tích cực khó mà chen vai thích cánh cùng cái tiêu cực trong tình cảnh “Tháng tháng vẫn lĩnh lương, ngày ngày vẫn ngồi vào bàn, cuối năm vẫn có báo cáo khoa học và bình bầu lao động tiên tiến. Trong sự suy thoái nghiêm trọng của nền kinh tế quốc dân, những kẻ vô can trước tiên là ở các cơ quan nghiên cứu trừu tượng. Nhất là những cỡ nghiên cứu viên lèng mèng như tôi. Hoạt động của cả guồng máy xã hội bấy giờ cho phép chúng tôi cứ yên tâm mà tin rằng mình đang làm việc. Để cứ yên tâm mà xao xuyến bâng quơ.” (tr. 127-128). Ở truyện Lạc chuồng, Trần Quốc Huấn có một kết cấu khác hẳn với các truyện còn lại trong tập. Hai nhân vật – người chồng và người vợ - thay nhau kể ở ngôi thứ nhất (duy nhất có một đoạn “tôi” của người thứ ba, tr. 137), cho phép tác giả phân tích sâu tính cách và tâm lý mỗi người trước những suy nghĩ, cách sống trái chiều và tổ ấm gia đình có nguy cơ tan vỡ. Sự rạn nứt đi đến tan vỡ là “một dạng” suy thoái có nguồn gốc trực tiếp từ hậu quả chiến tranh. “Tôi hiểu,” người vợ thổ lộ, “hai mươi năm trời sống một đời sống tập thể, thái độ an nhiên trước mọi thiếu đói đã ngấm vào máu, cái dòng máu trong người anh ấy vốn vẫn tuần hoàn, bình thản.” (tr. 131).        

     Ở những truyện trên, Trần Quốc Huấn tập trung vào các nhân vật là công chức trong cơ quan nhà nước ở thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, mà ông từng trải qua, từng dằn vặt ngẫm ngợi. Trong những truyện này thấp thoáng bóng dáng đời thực của chính tác giả trong vai “nghiên cứu viên lèng mèng” suốt đời “xao xuyến bâng quơ” của những năm tháng chưa thoát khỏi cơ chế quan liêu bao cấp, khi ông còn ở Hà Nội. Từ những quan sát thực tế, Trần Quốc Huấn đưa ra những nhận xét khái quát chân thực về nỗi ám ảnh nặng trĩu, mà ngày nay nhiều người vẫn chưa thể quên, và chắc chắn không bao giờ quên.

*

     Cuộc đời của nhân vật Thịnh, trong truyện Mùa trái rụng nhiều, có hoàn cảnh và kết cục khác. Anh ta không thuộc cơ quan, đoàn thể nào, lại hoàn toàn cô độc, nên “Rất khó có thể tự quy thành phần khi bà mẹ vốn bán cháo sườn rong, đã mất, còn mình là học sinh vừa bỏ học” (tr. 38), để khai vào hồ sơ tình nguyện nhập ngũ. Anh ta không được nhập ngũ còn vì bị chột mắt phải, đành về một thị trấn hẻo lánh sơ tán và mở hiệu cắt tóc, rồi may mắn học được nghề vẽ truyền thần. Anh ta trở thành “họa sĩ phục dựng” những bức ảnh cũ kỹ, hoen ố vì thời gian của các tử sĩ do các gia đình đem đến để đưa về dựng lên bàn thờ. “Thịnh biết, trận mạc đang khốc liệt lắm. Cái mùa khủng khiếp, với Thịnh, đó là mùa những trái bàng chín rụng” (…) “Thịnh mang máng nhận ra có một mối liên quan nào đó, dù rất đỗi mơ hồ, giữa những trái bàng rơi đêm khuya với những khách hàng tìm đến sớm mai. Đêm nào bàng rụng thật nhiều, thì y như rằng ngày hôm sau có đông khách đến tìm.” (tr. 52). Song, người vẽ truyền thần ấy “đã chết như một nghệ sĩ đứng đắn trong một trại điên.” (tr. 59), trong một ngày chớm thu mà không hề biết rằng đó là mùa thu cuối cùng của cuộc chiến tranh này, với tiếng vọng hoàn toàn tỉnh táo, nghiêm trang: “Các người chẳng hiểu tôi gì cả, tôi có lỗi gì đâu. Tôi là quả bàng, tôi chín quá rồi. Thôi, tôi rụng đây…” (tr. 60). Lời nói ấy, của nhân vật khi đã là cái xác, sao mà thống thiết, bi ai. Lời nói ấy, hai mươi ba năm sau, đã vận vào chính Trần Quốc Huấn khi ông sáu mươi hai tuổi. Ông ví mình như quả bàng, im lìm xanh, im lìm chín và lặng lẽ rụng, trong khi người đời không chịu hiểu ông, hiểu những suy tư dằn vặt trên trang viết của ông. Cây bàng (cả lá và quả của nó) luôn xuất hiện trong các truyện của ông, chứng thực cho một cuộc đời âm thầm nghiền ngẫm những nỗi đau, mất mát (nhìn thấy và không nhìn thấy) của con người trong và sau chiến tranh.

*

     Nhân vật Hùng, trong truyện Đám mây màu hồng, âm thầm nhớ lại: “Không, không phải là những gì ghê sợ, tủi nhục, cay đắng ở thời gian nằm tù. Mà là một chuyện khác hoàn toàn. Nhưng hình như, nó đáng sợ và buồn hơn hoàn toàn.” (tr. 117). Chuyện đáng sợ và buồn hơn ấy do cô diễn viên Minh Nguyệt, một hàng xóm từ thuở nhỏ của Hùng, một đám mây xôm xốp màu hồng của mười lăm năm về trước, đem lại cho anh. Hình ảnh “cô bé gầy gò, ăn vận phong phanh, răng loen nhoen mực tím” và “tiếng những trái bàng rơi lộp độp vào lòng nón (của cô bé) còn vọng lại mồn một trong giấc mơ người tù” (tr. 120) của ngày “xưa”, để khi ra tù “Anh đứng lặng, như một thân cây chết, ngả vào thân cây bàng già” đợi cô diễn viên mấy hôm liền với “Cái cảm giác quặn thắt ruột gan như rơi xuống hố thẳm, tưởng đã vĩnh viễn qua đi, nay trở lại” (tr. 121). Chuyện Hùng “nằng nặc bắt mẹ giữ cho được cái đám mây xôm xốp màu hồng, không được để bay qua khỏi khoảng sân trước nhà.” (tr. 117) ngày trước, nay khiến “bà mẹ sững người khi thấy con trai bà ngồi ngơ ngẩn dưới gốc cây bàng già, hai tay bịt chặt lấy tai”, và trong bà dội về câu mắng con thuở ấy: “Cái thằng rõ ngớ ngẩn, làm sao giữ được nó hở con?” (tr.122) – đó là một sự thật buồn, rất buồn! Hình tượng cây bàng truyền tải cái thân phận chịu đựng phong ba bão táp của thiên nhiên, của cuộc sống một cách đơn độc bên hè phố, hoặc giữa nơi trống trải, càng tăng thêm sự nghiệt ngã mà mỗi cá thể con người phải đương đầu.

     Kết cục cuộc đời của Thịnh (trong Mùa trái rụng nhiều) hay của Hùng (trong Đám mây màu hồng) đều như những giọt nước mưa chứa “sạn” từ trận mưa trong vùng khí quyển bị ô nhiễm bởi chất độc của chiến tranh, những hạt sạn ấy lắng thành lớp kết tủa khó tan. Chiến tranh không chỉ mang trong lòng nó chết chóc tang thương, mà còn để lại những vết lở loét nhìn thấy trên cơ thể người, trên thân thể thiên nhiên hoặc chưa lộ diện ngay, từ từ phát thành những thứ tâm lý không bình thường, hủy hoại tâm hồn.

*

     Trong khuôn khổ một kịch bản phim truyện, với 66 trang in khổ 13x20 cm, truyện Người lính kèn về làng vẫn giữ cách cấu trúc và lối kể “kiểu” Trần Quốc Huấn – nghiền ngẫm, kín đáo và sâu lắng về thân phận người do chiến tranh nhào nặn. Tác giả dẫn người đọc và cũng là tóm tắt câu chuyện một cách gọn gàng mà đầy đủ, súc tích, dễ dàng hình dung, trong khi văn bản truyện lại xếp tầng, xếp lớp những chi tiết một cách đầy dụng ý. Ông viết: “Năm 1970. Sau tám năm phục vụ ở một đoàn Quân nhạc, Thái phục viên, về làng. Chiến tranh đang trong thời kỳ ác liệt. ‘Yếu sức khỏe’, đó là cách hiểu nôm na, còn cụ thể ‘yếu’ như thế nào thì chỉ có anh và ban chỉ huy đơn vị hiểu rõ (…) Về làng buổi chiều hôm trước thì sáng hôm sau, Thái đến trình diện tại Ủy ban xã” (tr. 139). Cùng chiếc kèn contrabass được “đặc ân” mang về, Thái trở thành nhạc công của đội nhạc hiếu lẫn mừng đám cưới. Ở vị trí này, Thái chứng kiến nhiều cảnh huống buồn nhiều hơn vui diễn ra ở làng quê hậu phương. Cuối truyện lại là một cái kết thật buồn, buồn theo ánh mắt nhìn con đường “không một bóng người, ngoài ụ pháo bỏ hoang và triền đê quen thuộc, phơ phất những cụm lau trắng bạc lẫn trong màu xanh của cỏ. Đó chính là ngả đường duy nhất để người dân làng này đi, hoặc về.” (tr.204).

*

     Cách triển khai đề tài truyện của Trần Quốc Huấn rất nhất quán, mặc dù mô-típ các truyện không giống nhau. Một đặc điểm nổi bật ở văn của ông là gần với ngôn ngữ điện ảnh. Điều này lý giải việc ông từ một chuyên viên nghiên cứu văn học ở Hà Nội chuyển sang lĩnh vực biên kịch và đạo diễn điện ảnh khi vào định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay từ truyện ngắn đầu tay Những năm sau đấy cho đến Người lính kèn về làng, đều đậm chất ngôn ngữ nghệ thuật thứ bảy, gợi mở những khuôn hình và những trường đoạn phim rất rõ nét. Trần Quốc Huấn, trong khoảng thời gian rất ngắn - mười sáu năm (1977-1993), chỉ theo đuổi một mạch truyện của một vùng đề tài, một kiểu nhân vật, tuyệt nhiên không có bất cứ một tác phẩm nào khác làm “đệm”, do đó các truyện của ông khai thác sâu sắc một “vỉa” trạng thái tâm lý phát sinh trong một hoàn cảnh cụ thể ngay trong/sau chiến tranh. Tuy nhiên, tính khu biệt rõ rệt ấy lại không làm mất đi tính toàn thể của những vấn đề nóng bỏng còn kéo dài trong thời hậu chiến, bởi sự nhận thức và khái quát của ông có độ lùi rất sớm. Đây là đóng góp nổi bật, “tức thì” của Trần Quốc Huấn vào nền văn học Việt Nam đương đại. Ông là tác giả viết về đề tài chiến tranh có cách tiếp cận và lối viết mới mẻ vào loại tiêu biểu, bởi chính sự nhạy cảm rất riêng ở ông. Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1987 trao giải cao cho truyện ngắn Trần Quốc Huấn thực sự là một phát hiện về ông.

*

     Đọc truyện ngắn của Trần Quốc Huấn tôi hình dung dáng ông ngồi tư lự, dáng ông cúi đầu trên trang viết đăm chiêu, nhọc nhằn, xoay xở, ánh mắt xa buồn, mông lung. Những con chữ ông tung ra tãi bày dày đặc trên từng trang sách như nói rằng: đằng sau chúng, bên dưới chúng còn ẩn vô khối điều phải đọc! Đọc Trần Quốc Huấn không thể vội được. Văn của ông có vẻ giản dị đấy, nhưng không hề giản đơn. Nó thầm thì chứ không gào thét, thâm trầm nhưng không nặng nề, buồn nhưng là buồn thấm thía, lặn xuống rồi lại trồi lên, loang ra thành những vòng tròn giao thoa trên mặt nước. Lâu nay truyện ngắn của Trần Quốc Huấn ít được nhắc tới, nếu không muốn nói bị lãng quên, mỗi khi có dịp bình luận về văn học viết về đề tài chiến tranh. Truyện của ông thực sự là tiếng kèn của người lính gióng lên trên văn đàn về những vấn đề nóng bỏng thời hậu chiến cần được trở đi trở lại với những góc nhìn mới mẻ. Bởi đó cũng là nhu cầu và đòi hỏi của văn học mang tính nhân loại trong cuộc phản đối chiến tranh, chiến tranh bằng súng ống, bom đạn cũng như các loại chiến tranh khác vẫn tiếp tục diễn ra trên toàn cầu. 

     Truyện ngắn của Trần Quốc Huấn đã tự phác họa chân thực chân dung ông – một người trầm lặng, lánh xa những cám dỗ và cạm bẫy, ẩn mình vào đăm chiêu, đến mức trầm cảm, trở thành người khó hiểu, khó gần ngay cả với những người thân, bạn hữu. Phải chăng đó là một lý do khiến tác phẩm của ông rất ít được nhắc tới? Thôi thì, vì ông (và văn chương của ông) quá nhạy cảm, có độ lùi sớm, nên cũng phải chờ dư luận có được trải nghiệm đáng kể để mọi người hiểu những tâm sự thầm kín của ông, đưa ông trở lại vị trí xứng đáng trong nền văn học nước nhà viết về chiến tranh!

 (Nguồn: Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, số 298. 11/2019)

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *