Tác phẩm chọn lọc

17/12
12:11 AM 2018

“THƠ CHỌN” CỦA HAI NGƯỜI LÍNH THÀNH CỔ

          NGÔ ĐỨC HÀNH

 1. Có lẽ tôi là người hạnh phúc khi biết được, gần như đầu tiên việc hai nhà thơ đàn anh Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa in tập thơ chung. Tất nhiên, mãi sau này, khi hai anh làm xong bản thảo, nhất là thiết kế bìa thì tôi mới biết được tập thơ mang tên “Thơ chọn” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2018.

Trước hết mà nói, hai nhà thơ có nhiều điểm giống nhau. Cả hai cùng sinh ra và lớn lên trên đất Đô Lương, Nghệ An; dẫu nhà thơ Đoàn Xuân Hòa có gốc Quảng Trị, nhưng anh chào đời trong không gian văn hóa xứ Nghệ, nơi có nhiều nhà thơ thành danh và nổi danh. Khi còn sinh viên, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết định, ác liệt và đồi hỏi hy sinh cả hai anh nhập ngũ trong một ngày, cùng trung đoàn và cùng ra trận.

Nói đến chiến trường Quảng Trị, hẳn nhiều người còn nhớ, ngày 01/5/1972, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích, mục tiêu chính là chiếm lại Thành cổ. Ngày 14/6/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân hành quân “tái chiếm lại Quảng Trị”. Đây là cuộc hành quân cực kỳ đẫm máu và tàn bạo. Ngày 28/6/1972, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực của quân đội chính quyền Sài Gòn ồ ạt tiến công.

Ngày 27/5/1972, hai người lính trẻ măng tơ Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa lên đường hành quân vào chiến trường. Đó là những ngày “đường ra trận mùa này đẹp lắm” như nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật đã viết.

Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Quân địch được trang bị vũ khí hiện đại, hỏa lực mạnh. Quân số giữa ta và địch chênh lệch rất lớn. Trong những năm tháng chiến đấu tại đây, nhiều đồng đội của chúng tôi đã anh dũng ngã xuống, phần lớn không giữ được hình hài nguyên vẹn”, nhà thơ Vương Cường nhớ lại.

Anh kể rằng, cuộc chiến đấu giữa ta và địch tại Quảng Trị trong 81 ngày đêm diễn ra vô cùng ác liệt, suốt cả ngày lẫn đêm. Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã ba Long Hưng,… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch.

Những ngày hành quân gian khổ trên trùng điệp Trường Sơn, những trận đánh ác liệt, chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị trên những “điểm chốt” đó và cả sau này trên đường hành quân cho đến ngày giải phóng, in đậm trong thơ hai anh.

2. Trong “gia tài” thơ của mình, Vương Cường có một mảng thơ rất quan trọng là thơ thời chiến và hậu chiến, Vương Cường viết rất hay, rất thấm về người lính.

Vương Cường làm thơ, đến với thơ từ rất sớm. Anh đã in ba tập thơ: “Bài hát đi tìm một người” – Nhà xuất bản Văn hóa thông tin, năm 1997; “Đám mây hình thiếu phụ”- Nhà xuất bản Văn học, năm 2010; “Canh chừng lãng quên” – Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2016 trước khi in chung “Thơ chọn” cùng nhà thơ Đoàn Xuân Hòa.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, trong lời tựa của tập thơ “Canh chừng lãng quên” của Vương Cường đã viết rằng: “Không ai giao cho anh cái gánh nặng vết thương lòng, nhưng Vương Cường đã tự nguyện mang vác nó cho tới ngày chung cuộc. Thơ anh đầy ắp những vết thương chiến tranh, dù cỏ đã phủ xanh, anh vẫn không thể quên “những tiếng cười rỏ máu”, những “câu thơ bị thương/lấp lánh”... Đó không chỉ là cuộc chiến tranh đã qua nhưng chưa bao giờ ra khỏi chính anh, mà nó còn là một cuộc chiến khác về lòng tự hào và sự ăn năn của những người còn sống”.

Quả đúng vậy, Vường Cường nhiều lần nhắc đi nhắc lại về sự hy sinh. Những linh hồn sống, những nghĩa trang và những bóng ma luôn đào xới xoáy sâu vào cõi tâm linh thi sĩ. “Tôi mơ”, “Cõng bạn đi chơi”, “Người chết hai lần chưa trọn cuộc đi”, “Bài thơ thầm ở Thành cổ”, “Lời đêm”, “Thăm đồng đội cũ”…Chiến tranh đã lùi xa nhưng với nhà thơ Vương Cường vẫn luôn ám ảnh “Ở một chân trời nào đó” và “Giật mình nghe tiếng gió” đến nỗi “Một sớm mai thấy mình tóc bạc trắng”. Đây đều là những tứ thơ độc đáo giàu sức lay động, neo giữ hồn người.

Với một người sinh ra giữa làng Đông Bích yên bình, lớn lên bằng lời ru và những răn dạy chan chứa ân cần, yêu thương của bà của mẹ, được cầm súng chiến đấu bảo vệ sự yên bình cho quê hương, xứ sở, đâu dễ nguôi quên máu và nước mắt của nhân dân, của đồng đội mình. Cho đến giờ, người thơ ấy vẫn “Hồn khói đã bay/ cõi vô vi tôi thức./Thành cổ ơi, mỗi ngày tôi mất một trăm năm mươi người bạn/ tám mốt tầng tháp lửa và hoa./ Giờ bạn cỏ non hát về tương lai/ giờ bạn thông ru bảo tàng lòng đất./ Tôi mơ làm chó đá/ đứng canh chừng lãng quên…” - (Tôi mơ).

Nhà thơ Vương Cường là người lính đi qua chiến tranh “Chỉ có pháo bắn thật gần/mới được cười thoải mái/bom nổ loạt thật dài/mới hát hết một câu…”, “và đội hình chúng tôi vượt qua/hàng dọc/thành một dấu cộng/mặt trời khi ấy chưa lên”. Nhưng anh luôn có niềm tin mãnh liệt “Mặt trời sẽ lên thôi/chúng tôi đẩy mặt trời lên/để nhìn rõ Sài Gòn phía trước/để viên đạn bay đi khỏi lạc/bầy chim xòe quạt đón mặt trời”- (Khi ấy mặt trời chưa lên).

Bài thơ này anh viết khi đang cùng đồng đội vượt sông Đồng Nai, tiến vào giải phóng Sài Gòn, sáng 30/4/1975. Với một người lính khát khao cuộc sống bình yên, luôn dự cảm về hòa bình, không có lý do gì dân tộc không chiến thắng.

Thời gian luôn cần độ lùi để nhìn ra những giá trị. Nhà thơ Vương Cường đã và đang chắt lọc “giá trị” trong những bài thơ rất riêng và ám ảnh. “Có thể tôi kỹ tính chăng, nhưng tôi quan niệm thơ phải là sự khác biệt. Nếu mà anh viết cũng giống tôi, thì chẳng sinh ra thêm một nhà thơ nữa làm gì. Mỗi người thơ phải đi một con đường sáng tạo riêng để đến với thi ca.  Vì thế tôi không thích dạng thơ vần điệu, thơ “công thức””, nhà thơ Vương Cường tâm sự về sáng tạo thi ca của anh. Điều này dễ nhận ra trong “Thơ chọn”.

3. Nhà thơ Đoàn Xuân Hòa trải lòng: “Trong Truyện Kiều, Đại thi hào Nguyễn Du viết: Ngổn ngang trăm mối bên lòng/Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình”. Cụ đã dạy thế, mình chẳng còn để nói gì về Thơ. Thôi thì những ngổn ngang, ám ảnh, những xúc cảm không thể kìm nén, chẳng biết để vào đâu thì bật ra thành thơ vậy”.

Trước “Thơ chọn”, nhà thơ Đoàn Xuân Hòa cũng mới in 3 tập thơ riêng: “Lửa không cần trang phục”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 1994; “Phù sa lắng”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2002; “Bơi cùng sóng bạc đầu”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2017.

Là người lính được “động viên” vào những năm tháng ác liệt, đến năm 1975, Đoàn Xuân Hòa ra quân, quay về học Đại học Bách khoa. Những tưởng mọi sự đã bình lặng, chẳng ngờ cuộc đời anh lại thêm một “khúc quanh” đầy thử thách nữa. Đến năm 1979, khi xảy ra Chiến tranh Biên giới, Đoàn Xuân Hòa tái ngũ. Lần làm lính thứ hai của anh kéo dài thêm 6 năm nữa. Đến năm 1985, anh ra quân khi đang mang quân hàm Thượng úy.

Với Đoàn Xuân Hòa "Sống sót qua chiến tranh/Với cha là đã lãi" và anh không khỏi ngậm ngùi khi nhớ "Bao bạn bè nằm lại/ Thay cha làm cỏ xanh". Đó là 4 câu thơ được trích từ bài thơ gan ruột “Nói với con về tổ ấm” của anh. Với Đoàn Xuân Hòa, Quảng Trị và đồng đội, chiến tranh và người lính luôn là một ký ức lớn. Và từ trong ký ức lớn ấy, anh luôn nhìn nhận ra thân phận con người, cũng lớn không kém. Anh bảo: “Tôi đã nhận thấy Mẹ Tổ quốc hiện thân cụ thể, sinh động qua một người đàn bà và tôi đã triển khai tứ thơ “Người đàn bà đội nước”: "Người đàn bà đội lên đầu/ Những vò đất nung/ Vẹn nguyên hình hài nước/ Dọc miền Trung/ Áo đất vàng cỏ cháy/ Tre trơ xương, vu vơ xỉa lên trời/ Lầu ông Hoàng/ Mộ đất xếp chơi vơi…/ Gió liếm sạch những dấu chân trên cát/ Đi về đâu?/ Người đàn bà đội nước/ Lưng vồng lên đồng dạng với lưng đồi/ Chỉ còn pho tượng nhìn ta đau đáu/ Màu đỏ cháy rựng đêm như máu/ Nhắc một thời binh đao/ Biển ngoài kia tấp sóng trắng lên đầu".

Bài thơ này, anh viết năm 2000, sau khi chiến tranh đã đi qua nhiều năm và là 1 trong 2 bài thơ đoạt giải B cuộc thi thơ 1998 – 2000 mang tên “Chào thế kỷ 21” của Báo Văn nghệ.

Vâng, chiến tranh luôn ám ảnh với những nhân chứng lịch sử như anh. Cho đến bây giờ, Đoàn Xuân Hòa vẫn nghe “Ú ớ gọi nhau hò hét xung phong/Đạn như thóc vãi trời sao chi chít/Ngực bị nén như căn hầm vừa sập/Tay quờ quạng đêm rụng trắng hai vai” – (Đêm ngủ ở Đông Hà). Mang nặng nỗi ám ảnh lớn nên dù sống ở đâu, làm gì… Đoàn Xuân Hòa cũng đau đáu phận người. Đó là thân phận của tình yêu "Đá mồ côi rụng xuống biển Đông/ Thay đầu chị ngàn lần mang tội chết/ Tình yêu viển vông chị đâu có biết/ Lông ngỗng trắng đường, tang tóc sau lưng"- (Đêm Mỵ Châu)

Đó là thân phận của những cựu chiến binh: "Ngày trở trời vết thương cũ quặn đau/ Nhưng không thể đau bằng những đứa con nheo nhóc/ Tiền là đạn bắn chỉ thiên cho các con ăn học/ Những giảng đường học phí tính bằng trâu" – (Đồng đội tôi ra trận thời bình). Đó là thân phận của những em gái thời kinh tế thị trường: "Chiều sông Tiền chưa lặng gió mưu sinh/ Lá vé số rải dày mặt đất/ Làm mát xa chuyển dịch nghề tầm quất/ Em nghĩ gì/ Mênh mang, mêng mang…"- (Em có về sông Hậu).

Sự ám ảnh luôn thôi thúc làm trăn trở trái tim nhà thơ về thân phận con người, về cuộc sống của thời “hậu chiến”. “Người đàn bà đội nước” và “Lời rao than tổ ong” là 2 trong 35 bài thơ của nhà thơ Đoàn Xuân Hòa trong “Thơ chọn” thật ấn tượng. Con người quê kiểng nhẫn nại và chất phác, vô tư và hồn hậu, cật vật kiếm sống. Họ làm ta xúc động đến xót xa: “Ai mua than tổ ong đây!/Những tổ ong không mật/Lời rao cong dáng lưng gò gập/Bánh xe lăn nghiêng ngả thị thành

Những câu thơ như có góc cạnh, xù xì, sắc bén cứa vào trái tim người đọc. Tình thương ứa máu chảy tràn ra ngoài thành câu chữ. Cho dù quen biết và chơi với Đoàn Xuân Hòa gần 30 năm, nhưng chỉ khi đọc được những câu thơ như thế, tôi mới ngỡ ngàng nhận ra anh trong một dáng vẻ tươi mới, dưới ánh sáng soi chiếu từ con mắt thứ ba – con mắt thơ.

4. Đọc “Thơ chọn”, người ta càng hiểu thêm con người hai nhà thơ Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa.  “Văn học là nhân học” hay “Văn là người” từ lâu đã thành câu nói cửa miệng. Nhưng ngẫm cho cùng, văn thơ chỉ là một phần của người, phần hồn, phần tinh túy của tâm hồn. Tất nhiên có thơ hay và thơ không hay, cái đó lại còn thuộc tài năng của mỗi người. Vương Cường và Đoàn Xuân Hòa đã cho người đọc nói chung và bạn yêu thơ nhận diện ra phần “tinh túy” và khác biệt./.

       (Nhân dịp kỷ niệm 74 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, vanvn.net xin gới thiệu bài viết trên đây của tác giả Ngô Đức Hành và chùm thơ của 2 nhà thơ CCB Thành Cổ Vương Cường-Đoàn Xuân Hòa, rút trong tập “Thơ Chọn”)

 

VƯƠNG CƯỜNG

TÔI MƠ

Hồn khói bay bay

cõi vô vi

tôi thức.

 

Thành cổ ơi

mỗi ngày tôi mất một trăm năm mươi người bạn

tám mốt tầng

tháp lửa và hoa.

 

Giờ bạn cỏ non hát về tương lai

giờ bạn thông ru bảo tàng lòng đất.

 

Tôi mơ làm chó đá

đứng canh chừng lãng quên…

                Thành cổ Quảng Trị 2006

KHI ẤY MẶT TRỜI CHƯA LÊN

Chỉ có pháo bắn thật gần

mới được cười thoải mái

bom nổ loạt thật dài

mới hát hết một câu

 

Pháo sáng vãi đúng đầu

mới nhìn rõ mặt nhau

mới nhìn rõ những cái đầu

mọc lên từ cát

giống một vườn cây ươm

 

Chỉ có dứt hẳn tiếng pháo, tiếng bom

mới nghe tiếng gào

của dòng sông chảy xiết

tiếng quẫy nước

phải rất tinh mới nghe thấy được

trong chớp lửa nhập nhòe

chúng tôi vượt sông

 

Chỉ có ánh sáng vừa lên

mới trông rõ giải sao trong khói bom

không đứng yên mang tâm hồn chiến sỹ

mới trông rõ dòng sông Đồng Nai lấp loáng

chảy ngang

và đội hình chúng tôi vượt qua

hàng dọc

thành một dấu cộng

mặt trời khi ấy chưa lên

 

Mặt trời sẽ lên thôi

chúng tôi đẩy mặt trời lên

để nhìn rõ Sài Gòn phía trước

để viên đạn bay đi khỏi lạc

bầy chim xòe quạt đón mặt trời

 

Sài Gòn ơi!

hồi hộp kia rồi

qua họng súng bồn chồn trên sóng nước

mặt trời khi ấy

vẫn chưa lên...

          30. 4. 1975

KHI TÔI CẦM TAY EM

Tôi lấy lửa giữa hừng đông
ngọn tre khum khum quét tiếng chích choè
sau đỉnh núi

mặt trời thức dậy

Tôi lấy lửa trong tiếng gà gáy 
qua kẽ hở phên con lươn
tôi lấy lửa, từ nùi rơm
của bà hàng xóm.

Tôi lấy lửa giữa chiều đông 
rét rụng ngón chân 
mẹ lội bùn, xuống cấy.

Tôi lấy lửa từ cây đuốc sống đang chạy
từ cầu vồng đồng đội vắt qua thép gai

Tôi lấy lửa từ trong lặng im 
bao diêm  đặt trên bàn 
bật lửa nằm trong túi áo…

Ấy là khi tôi cầm tay em
tôi cầm ngọn lửa…

CÕNG BẠN ĐI CHƠI

Nằm dưới đáy sông Thạch Hãn

úp mặt vào bùn

mày nhìn thấy gì đâu

đôi chân đứt lìa mấy đoạn

mày có đi được đâu.

 

Đêm đêm trăng mất bóng hiên nhà

gió dật đùng đùng mê dại

cái miệng mày bê bết máu

tao có ngủ được đâu.

Thức cõng mày đi mấy vòng cho đã

mày hăm hở đến nhà người yêu

gặp bà già nhăn nheo, tóc bạc

trong đáy mắt có vài vết sẹo

vết sẹo nước mắt bào không khô.

 

Mày xăm xăm chạy ùa tìm mẹ

cả bố mẹ mày đã ra gò mả

hai nắm đất lặng im

hai nắm đất một thời biết khóc

đêm đêm thả nước mắt vào mưa

thả buồn vào gió

thả mong chờ vào hư vô.
 

Mày loạng choạng vào bàn thờ thắp hương

lại gặp mình ngồi cười sau nải chuối.
 

Thôi mày về đi

cái thằng hai mươi tuổi

tao thương mày

mày chẳng biết thương tao…

                          2016

NGÀY MAI

Nửa đời hoang mây

ngỡ bờ sóng dữ kia

là nơi ngọn khói bình yên

trải vàng hoa mướp

đam mê huyền hoặc

con chuồn ớt đỗ rồi bay

làm thơ anh tưởng đỏ

hoang phế năm tháng đi qua

giao hưởng trái mùa

tuổi xanh tóc bạc

nỗi đau vuột thành tiếng nấc

trong veo mắt giếng Mỵ Châu

 

Có thể mang lông ngỗng rải qua núi, qua sông

qua cánh rừng mưng đỏ

ngoái mặt trời rơi lõm hoàng hôn

trăng treo mòn vách mây hoen vẹt

anh khát bước đi trong mưa

vội vàng gió táp mặt người khô cháy

nghe cựa quậy trong tim

một mầm cây

miễn dịch

phế tích buồn

 

Em cuối trời

vết thương nhức buốt

ngày mắc võng sang đêm

ngược đường lông ngỗng trắng

sóng tràn đêm sang ngày rưng rức

nghe tiếng mỗi bình minh chim hót

rơi những mùa buồn

loang trong gió

dòng sông cuộn lên

muốn quay trở lại

ru một thời hoang dại

một thời em...

 

Ngày mai

ngày mai ư

có thể ngày mai...

khi lông ngỗng trắng một miền ký ức

khi đêm không còn là trại giam

nhốt một mầm cây

khi ấy trăng sao

mộng mị ban ngày...

 

ĐOÀN XUÂN HOÀ

ĐẤU GIÁ

Thành cổ Quảng Trị

những gương ảnh đồng đội chìm trong rạng rỡ

không gặp lại bao giờ…

 

Dưới vòm trời xếp chồng nhiều đám mây tóc rối

vạt cỏ xanh chừng nóng hổi

và vô số rễ cây kia máu vẫn tím bầm.

 

Thưa các nhà tỉ phú bất động sản

ai vô đấu giá đất này?

                      5. 2004

HƯƠNG ỔI

Ngày tôi sinh ra

Tiếng chào mào đã râm ran rặng ổi

Đuôi xập xòe như bàn tay vẫy gọi

Mỏ hắt về nơi lèn đá xanh rì

Giống chim quen cuốn hút người đi

Không như chim khách mách người về trước ngõ

Mải đuổi theo chim chào mào đít đỏ

Tôi lạc vào mê hồn ổi chim gieo.

 

Đại bàng ngày xưa vàng trả khế nhà nghèo

Chào mào chỉ đãi tôi vị quê nhẳn chát

Ngất ngưỡng uống hương quê ngào ngạt

Cõng ổi theo về như cõng chiến công

 

Tuổi thơ tôi, ổi là gạo tám thơm

Quần chéo xanh túm thành ruột tượng

Rồi cứ thế lớn lên ông ổng

Theo kịp chiều cao của khẩu súng trường.

 

Trang cổ tích quê hương

Viết lên ngày quằn quại

Lũ con trai như trái xanh vội hái

Lũ con gái đợi chờ ngút ngát mưa ngâu

Quả ở chiến trường rụng xuống như sao

Lặng lẽ vun vào gốc ổi

Biết bao người bạn gái

Ngấm ngâu hết tuổi lỡ thì…

 

Lội ngược dòng năm tháng tôi đi

Tìm lại một thời khe suối tuổi

Bãi bỗng rộng hơn bên trời vắng ổi

Chim chào mào nhấp cánh giữa tầng không.

 

Phố Nghĩa trang - rừng ổi cũ bạn nằm

Gió thổi trống dãy mái bằng nhỏ xíu

Ước chi trong hương trầm dìu dịu

Vẫn ăm ắp đầy hương ổi ngày xưa

ĐÊM NGỦ Ở ĐÔNG HÀ

Hình như ai gọi tên mình

Bóng lay phay nhành lá

Thằng Dũng Nghệ An, thằng Lê Thanh Hóa

Thằng Thắng Thái Bình, thằng Sơn Hà Tây…

 

Mày biệt tăm đâu, ơ cái thằng này

Chúng tao đầu xanh sao mày tóc bạc?

Nhai lương khô đi mà nghe tao hát

Nhạc ở trên trời, lời dưới đáy sông

 

Ú ớ gọi nhau hò hét xung phong

Đạn như thóc vãi trời sao chi chít

Ngực bị nén như căn hầm vừa sập

Tay quạng quờ đêm rụng trắng hai vai

 

Phòng máy lạnh mà mồ hôi ướt sũng

Quá khứ nơi đây chưa nguội bao giờ.

                                           2004

KHÔNG TỪ PHÍA QUÂN THÙ

             (Nhân đọc “Sự thật về những ngôi mộ giả

            ở nghĩa trang liệt sĩ tại Quảng Trị”)

Dưới bia mộ vô danh là những cọng xương bò?

tôi rùng mình nghĩ về những đàn bò B52 quật ngã

không có quạ để rỉa

không còn cỏ để vùi

trơ xương trên những mỏm đồi

như chiếc lược cài lên đầu trọc

trước loài vật thảm thương

con người bật khóc.

 

Tôi đã khóc cạn khô nước mắt

dành thương đồng đội của mình

ngủ không yên dưới những gốc vườn

trơ rễ cây tứa máu

ru các anh là những đêm dài chiến đấu

tiếng đạn lên nòng, tiếng bộc phá đinh tai.

 

Tổ- Quốc- ghi- công các anh

lên những tượng đài

những tượng đài mang hình khẩu súng

lưỡi lê AK căm phập lên trời

 

Tổ- Quốc- ghi- công các anh

lên những đỉnh đồi

đỏ như máu của một thời trai trẻ

đỏ như máu đầm đìa bao thế hệ

màu khăn quàng em bé đến dâng hương.

 

Các anh nằm đâu heo hút miền rừng

hãy về đây để xếp vào đội ngũ

Bao bà má suốt đời đau thương, lam lũ

bế hài cốt các anh như nựng trẻ trong ngày

Ôi nghĩa trang chưa kịp xanh cây

cho tôi gập bóng mình che mát mộ

xin chào những thằng bạn cùng thời đi qua Thành Cổ

qua Cửa Việt, Tích Tường

qua Ái Tử, Khe Sanh.

 

Mấy mươi năm sau chiến tranh

hài cốt lính viễn chinh được khai thác

như đi tìm hồng ngọc

bạn bầu ơi, xin chớ có nao lòng

lá vẫn còn xanh ” như thời trẻ chúng mình hay hát

hỡi những chàng trai mười - tám - tuổi không nhà.

 

Có bóng quạ thoáng qua

trên biệt thự kẻ lấy gạch từ nghĩa trang liệt sĩ

lòng tôi lại một lần máu rỉ

vết thương không từ phía quân thù

Quảng Trị  1992

VẪN KHÔNG QUÊN NGỌN LỬA

Anh bỗng sợ ngày

tín phiếu tình yêu kẻ mạo danh nào cuỗm mất.

 

Trái tim đam mê

trái tim thành thật

không tiền bạc quyền hành

anh lạc giữa câu thơ

những câu thơ cháy trần như lửa.

 

Ngọn lửa đốt đêm soi ngày trống rỗng

anh hít thở nỗi buồn

thành dưỡng khí để yêu em.

 

Có tiếng lửa reo

từ những mẩu khẳng khiu anh nhặt trong kí ức

lay đêm

hương gạo mới phả thơm trời.

                                        2004

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *