Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Nghệ thuật sân khấu “Âm thanh và ánh sáng”

TS. Trần Thu Dung - 03-06-2014 04:58:24 PM

VanVN.Net - Nghệ thuật sử dụng âm thanh và ánh sáng (Spectacle Son et Lumière – tiếng Pháp), (Sound and light show – tiếng Anh) sử dụng công nghệ hiện đại để mô tả các vấn đề của thiên nhiên và con người bằng ngôn ngữ nghệ thuật hoàn toàn mới. Việt Nam nên lưu tâm phát triển hình thức nghệ thuật này để thu hút khách du lịch, tạo nguồn kinh phí phục chế, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa.

Buổi biểu diễn chỉ diễn ra vào ban đêm khi tắt nắng hoàn toàn, thường bắt đầu sau 21 giờ. Trời càng tối thì càng hấp dẫn. Địa điểm biểu diễn thường là những nơi đã từng xảy ra những sư kiện lịch sử nổi tiếng. Người điều khiển ánh sáng và âm nhạc đóng vai trò quyết định. Sân khấu chính là toàn bộ nơi từng xảy ra diễn biến lịch sử.

Câu chuyện về Kim Tự Tháp được kể bằng nghệ thuật âm thanh và ánh sáng

Người dẫn chuyện bắt đầu kể kết hợp với nhạc nền và ánh sáng. Lần trình diễn đầu tiên từ năm 1952 tại lâu đài Chambord tráng lệ nổi tiếng xây từ thế kỷ 16, một kiến trúc cổ điển trên dòng sông Loire yêu kiểu, gần thành phố Tour (Pháp) nơi thu hút nhiều khách du lịch. Khi đó phụ trách bảo tồn lâu đài Paul Robert Houdin đã thai nghén ý tưởng nghệ thuật “Âm thanh và ánh sáng”. Ba nghệ sĩ trẻ thuộc câu lạc bộ nghệ thuật do Jean Tardieu chỉ đạo, Yves Jamiaque tham gia đạo diễn, Jean - Wilfrid Garett điều khiển phối âm, Maurice Jarre sáng tác nhạc đã tổ chức lần đầu tiên tại đây.

Đến năm 1953, Pierre Arnaud mới phát triển thành loại hình sân khấu phối âm và ánh sáng.  Từ thời Louis thứ 14 đã có những buổi bắn pháo hoa trong các dịp lễ nhưng chưa có tên gọi chính thức. Haendel đã từng tổ chức buổi âm nhạc trong đêm pháo hoa hoàng gia nhân dịp Hiệp ước Aix La Chapelle. Thời đó chỉ kết hợp thuần túy giữa âm nhạc và pháo hoa nhân dịp các buổi lễ trọng đại.

Ban đầu sân khấu chủ yếu lấy những lâu đài cổ, nằm trên sông Loire, nơi núi đồi sông nước hữu tình. Sau này nhiều đạo diễn còn sử dụng nhà thờ, hang động đẹp để làm nơi diễn. Thành phố Puy du Fou là nơi lần đầu tiên tổ chức biểu diễn hoàng tráng loại hình nghệ thuật âm thanh và ánh sáng. Ngày nay một số nước trên thế giới đã học tập và phát triển loại hình nghệ thuật này để phục vụ khách du lịch như ở Ai Cập nơi có Kim Tự Tháp hay nhiều đền thờ vĩ đại từ hơn hai nghìn năm trước công nguyên. Năm 1960, lần đầu tiên một đêm biểu diễn “Âm thanh và ánh sáng” hoành tráng được tổ chức ở Kim Tự Tháp Giza vĩ đại (Ai Cập) gây được tiếng vang rất lớn. Một số nước châu Âu, như Ý, Hy Lạp bắt đầu đưa loại hình sân khấu này vào hoạt động ở các thành cổ Roma, Atena. Bên Anh, loại hình sân khấu này bắt đầu khoảng năm 1965, ở Philadelphia (Mỹ) năm 1962, trong khi đó nước láng giềng nhỏ bé Luxembourg cạnh Pháp mãi 2007 mới sử dụng ở lâu đài Septfontaines. Ở châu Á, Ấn Độ lần đầu loại hình “Âm thanh và ánh sáng” được đưa vào hoạt động từ 1965 ở Delhi, Red Fort do Hội phát triển du lịch Ấn Độ tổ chức.

Những công trình nghệ thuật có thêm một đời sống mới qua câu chuyện của âm thanh và ánh sáng

Tôi đã được chứng kiến một buổi diễn chỉ có âm thanh, ánh sáng và giọng dẫn chuyện. Khi nói đến sự xuất hiện của ma quỷ nơi đây, tự nhiên khán giả rùng mình vì tiếng rú lạnh rợn gáy, hay nghe tiếng gà nửa đêm khuya, tiếng mèo kêu như điềm linh báo. Khán giả háo hức theo màn trình diễn, hồi hộp chờ đợi sự bất ngờ. Trời đêm, nhạc tự nhiên vang lên trong không gian bao la giữa trời đất, ánh sáng bỗng chiếu thẳng đến cổng lâu đài, mặt đền, rồi cánh cửa từ từ mở ra, khán giả đi vào trong, từ trên đền bỗng vọng lên tiếng hú. Người dẫn chuyện bắt đầu: "Nơi này năm X đã xảy ra một chuyện, nữ thần tức giận vì tình yêu say đắm không được đáp lại đã nổi sóng làm đổ trụ xây đền, trụ xây mãi không xong…" Âm thanh mô phỏng đời sống, tiếng nhạc, ánh sáng quét qua đền đài, chiếu xuống biển…

Loại hình nghệ thuật này gây tiếng vang khắp thế giới, đã làm sống động những lâu đài khô cứng, rêu phong, đền cổ bỏ hoang tưởng sắp thành đống gạch nát bỗng nhiên được sống lại.

Ở Disney Land (Pháp) nghệ thuật này gây sức hút độc giả ở mọi lứa tuổi, sử dụng toàn tia la de trên nước. Âm nhạc vang lên, tia sáng la de tạo hình như đôi trai gái yêu nhau đang nhảy valse trên nước... Nhiều khi đạo diễn dựng lại các vở kịch nổi tiếng như Roméo và Juliette, truyền thuyết Hy Lạp La Mã. Jean Claude Baudoin, nhà nghiên cứu sân khấu gọi đây là loại hình nghệ thuật – lịch sử như là nghệ thuật quần chúng mang tính tổng thể. Khung cảnh thực trở nên sống động lung linh trong màn đêm. Nhờ những buổi biểu diễn này, số tiền thu được đã giúp nhiều công trình kiến trúc xưa được tu bổ và giữ gìn bảo tồn được. Nhiều công trình văn hóa lịch sử nổi tiếng cũng nhờ hình thức nghệ thuật sân khấu “Âm thanh và ánh sáng”được trùng tu càng ngày càng đẹp, càng thu hút khách

Ở Việt Nam có rất nhiều công trình xếp hạng lịch sử, nhưng không có tiền trùng tu đang có nguy cơ đổ nát. Ngành văn hóa nghệ thuật nên tìm hiểu loại hình sân khấu này để giúp cho những công trình có kinh phí trùng tu. Khách tham quan du lịch đi đến những công trình lịch sử đều được giới thiệu đi xem loại hình “Âm thanh và ánh sáng”. Buổi tối nhiều khi khách đi du lịch không biết đi chơi đâu, đây cũng là hình thức để họ vừa được đi chơi, vừa được biết một loại hình sân khấu lạ. Địa phương quản lý cũng có thể tổ chức được loại hình nghệ thuật này. Việc đào tạo người điều khiển ánh sáng và dẫn chuyện không đòi hỏi chi phí lớn (sau khi dàn dựng xong có thể dùng các máy móc ghi lại rồi phát ra khi cần). Âm nhạc cung đình, nhạc thiền, tiếng mõ kinh vang lên trong đêm, ánh sáng mờ ảo đêm trăng, chuyện kể về vị anh hùng, vị sư tổ có công đến xây chùa, đền và những tích liên quan chắc chắn thu hút khách du lịch. Khán giả sẵn sàng đóng góp tiền tu bổ các công trình văn hóa, nghệ thuật qua buổi biểu diễn, chứ không phải là sự quyên góp mang tính tâm linh, mê tín đốt vàng mã thiếu văn hóa, lãng phí, ô nhiễm.

Âm thanh và ánh sáng làm rung động lòng người vừa làm sống lại lịch sử, vừa là hình thức giáo dục truyền bá văn hóa dân tộc một cách lành mạnh nhất.

Sénéque, nhà triết học thời La Mã có lý khi nhận định rằng: "Không phải vì khó mà chúng ta không dám, nhưng mà chính vì chúng ta không dám nên thấy khó". Hegel cũng từng phát biểu: "Chẳng có vĩ đại nào có được mà không có niềm say mê". Chính khát vọng làm sống lại lịch sử và các công trình kiến trúc vĩ đại của tổ tiên mà người ta đã nghĩ ra loại hình sân khấu âm thanh và ánh sáng.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...