Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Bằng

Tin: Phong Lan; ảnh: Đỗ Hiếu - 20-12-2013 12:50:26 PM

VanVN.Net – Sáng 20/12/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Bằng được tổ chức trong bầu không khí ấm áp và trang trọng. Đến dự Lễ kỷ niệm có các Ủy viên BCH Hội Nhà văn, đại diện các ban chuyên ngành của Hội, các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình hiện đang sống tại Hà Nội và nhiều bạn đọc đã từng yêu mến tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng.

Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc, ông đánh giá rất cao sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn học của nhà văn Vũ Bằng qua những năm tháng hoạt động tích cực trên cả hai lĩnh vực này. Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Nhà văn Vũ Bằng (1913 – 1984) đã sống một cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình, đó là một phẩm chất cao quý của người Việt Nam. Mặc dù phải chịu nhiều khúc mắc, thiệt thòi trong cuộc sống nhưng nhà văn Vũ Bằng chưa bao giờ tự nói về mình, bởi cống hiến (cả trong sự nghiệp cách mạng và văn học) là phẩm chất tối thượng trong con người ông. Những đóng góp của ông riêng ở lĩnh vực văn chương đã làm nên sự phong phú, đa dạng và mới mẻ cho nền văn học Việt Nam. Chính vì vậy, tác phẩm của ông đã đạt số phiếu tuyệt đối của Hội đồng Giải thưởng khi xét trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật cho nhà văn Vũ Bằng (năm 2007). Từ nhiều năm nay, Vũ Bằng đã trở về hoàn nguyên trong đội ngũ các nhà văn đương đại xuất sắc của Việt Nam.”

Trong chương trình kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Bằng, nhiều nhà văn trình bày tham luận, ý kiến đánh giá về sự nghiệp văn học cũng như từng tác phẩm cụ thể của ông.

 

GS. Phong Lê với bài viết “Để hoàn thiện chân dung và sự nghiệp Vũ Bằng…” đã đưa ra những vấn đề: nếu như Vũ bằng ngừng viết trước năm 1945 hoặc không có những biến động của thời cuộc liên quan đến cuộc đời ông thì chỉ với 5 cuốn sách đầu tiên, Vũ Bằng sẽ có tên trong lịch sử văn học Việt Nam 1930 – 1945 với tư cách một cây bút hiện thực, người hoạt động, tổ chức nên đời sống văn học và báo chí cho văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX; sau 30 năm ở miền Nam, Vũ Bằng vẫn liên tục viết, đặc sắc nhất là mảng viết về nỗi hoài nhớ đất Bắc và thủ đô Hà Nội, bởi với Vũ Bằng, những khoảng thời gian và không gian chính là ưu thế làm nên sự lắng đọng cho mọi kỷ niệm. GS. Phong Lê kết luận: “Một chân dung đầy đặn và đa diện, với một ít góc khuất cần có thêm thời gian làm sáng tỏ, nhân dịp 100 năm sinh và sau thời điểm hôm nay – đó là Vũ Bằng.”

 

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nhận xét về hai tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Vũ Bằng “Miếng ngon Hà NộiThương nhớ mười hai là nơi ông gửi gắm lòng mình, là nỗi niềm đau đáu một phương trời suốt mấy chục năm đằng đẵng xa quê. Và cũng chính từ hai tác phẩm này mãi mãi lưu dấu sự nghiệp bất tử của ông.”

 

PGS. TS. Lý Hoài Thu trình bày bài viết “Sắc hương tình yêu qua Miếng ngon Hà Nội của Vũ Bằng”, trong đó có những đánh giá: “Đằng sau những “khoái cảm văn bản” của văn phong tùy bút Vũ Bằng, ta nhận thức được những nét đẹp, cốt cách và bản sắc của người Việt trong sự hòa hợp với thiên nhiên; sự lựa chọn và ứng xử trước những biến thiên của lịch sử, xã hội; sự giao lưu hội nhạp Đông – Tây cũng như việc giữ gìn, bảo lưu những giá trị truyền thống… Bởi vì, chuyện ăn uống, tự nó đã chứa đựng – như cách nói của Vũ Bằng – “cả một nền văn hóa.”

 

Tiếp đó là ý kiến của các  nhà văn, nhà thơ: Nguyễn Xuân Khánh, Lại Nguyên Ân, PGS. Đặng Thị Hạnh, Vũ Quần Phương… về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của nhà văn Vũ Bằng trong nền văn học đương đại Việt Nam.

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Bằng

Cũng nhân dịp kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn Vũ Bằng, trước đó, một triển lãm tác phẩm Vũ Bằng ra mắt tại Nhã Nam thư quán (TP. HCM) với gần 40 đầu tài liệu gồm sách, báo, thủ bút bản thảo của ông. Hơn ¼ thế kỷ đã trôi qua kể từ khi nhà văn Vũ Bằng xa rời cõi thế, những điều còn lại về cuộc đời, con người và tác phẩm của ông đã và đang được nhìn nhận, khẳng định lại vị trí trong lịch sử cách mạng và văn học Việt Nam.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...