Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Đoàn nhà văn Trung Quốc giao lưu cùng các nhà văn Việt Nam

Bài: Phong Lan; Ảnh: Đỗ Hiếu - 05-11-2013 01:04:02 PM

VanVN.Net – Sáng ngày 5/11/2013, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Hà Nội), đoàn nhà văn Trung Quốc đã đến thăm và giao lưu cùng các nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Thiết Ngưng - Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc chủ trì cuộc gặp gỡ, trò chuyện, trao đổi về những vấn đề sáng tác văn học giữa các nhà văn hai nước Việt Nam – Trung Quốc.

Phía Hội Nhà văn Trung Quốc gồm sáu nhà văn: Thiết Ngưng (Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc); Ngải Khắc Bái Nhi – Mễ Cát Đề (TBT Tạp chí Nhà văn Trung Quốc); Lưu Dũng (Giáo sư khoa tiếng Trung, Trường ĐH Thanh Hoa); Ngụy Vi (Cán bộ Hội Nhà văn tỉnh Quảng Đông); Thứ Nhân La Bố (Cán bộ Hội Liên hiệp các Tổ chức Văn nghệ Tây Tạng); Trương Đào (Phó trưởng Ban Liên lạc đối ngoại Hội Nhà văn Trung Quốc); ngoài ra còn có ông Lưu Tam Chấn (Tham tán Đại sứ quán Trung Quốc) và ông Trần Bằng (Bí thư thứ 2, phòng Văn hóa, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam).

Hội Nhà văn Việt Nam có các nhà văn, nhà thơ lãnh đạo Hội: nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà văn Nguyễn Trí Huân – Phó Chủ tịch Hội; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội; cùng các Ủy viên BCH Hội; các ủy viên Hội đồng chuyên môn và các ban chuyên ngành; đại diện các cơ quan cấp hai của Hội Nhà văn Việt Nam; cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả hiện đang sống ở Hà Nội và một số tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thái Bình…

Cuộc gặp gỡ, giao lưu của nhà văn hai nước còn có sự quan tâm của Ban Tuyên giáo Trung ương với sự xuất hiện của TS. Lê Thị Bích Hồng – Vụ phó Vụ Văn hóa Văn nghệ.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu chào mừng đoàn nhà văn Trung Quốc đến thăm và làm việc với Hội Nhà văn Việt Nam trong ba ngày (từ ngày 03 đến 06/11/2013). Ông đánh giá cao sự ảnh hưởng của nền văn hóa, văn học Trung Quốc đối với Việt Nam từ nhiều năm nay; những hoạt động giao lưu văn học ngày càng được mở rộng và phát triển giữa hai quốc gia, chính phủ hai nước luôn tạo điều kiện để các tác giả tìm hiểu, thâm nhập thực tế sáng; công tác dịch thuật được chú trọng, giúp cho bạn đọc hai nước có nhiều cơ hội tiếp cận, tìm hiểu sâu rộng về hai nền văn hóa… Những điều này góp phần tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, gắn bó bền lâu giữa hai dân tộc thông qua cây cầu văn hóa, văn học nghệ thuật. Nhà thơ Hữu Thỉnh mong muốn sẽ có thêm nhiều tác phẩm của hai nước được chuyển ngữ sang tiếng Trung Quốc, Việt Nam và một số ngôn ngữ khác, nhằm quảng bá đến bạn bè trong khu vực và quốc tế.

 

Nhà văn Thiết Ngưng thay mặt đoàn nhà văn Trung Quốc, bày tỏ sự cảm kích trước tình cảm nồng nhiệt, chân tình của bạn bè văn chương trong chuyến đến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này. Bà nói: “Khi được đến thăm Hội Nhà văn Việt Nam, được gặp các nhà văn cao niên của Việt Nam hôm nay, trong lòng tôi lại nhớ đến các nhà văn tiền bối Trung Quốc. Chính họ, những nhà văn tiền bối, đã tạo nền cho lớp nhà văn trẻ chúng tôi tiếp bước và phát triển, ngày hôm nay chúng tôi có chút thành công nào cũng không thể không nhắc nhớ tới những bậc lão thành văn chương đó. Và bên cạnh các nhà văn cao niên còn có thế hệ nhà văn trẻ Việt Nam đang sung sức, giàu năng lượng sáng tạo. Đây chính là nét đồng điệu giữa hai Hội Nhà văn của hai nước. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt hơn 9.000 hội viên Hội Nhà văn Trung Quốc, gửi lời chào trân trọng tới các bạn đồng nghiệp Việt Nam. Chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn từ trái tim mình đến các bạn Việt Nam đã dành nhiều tình cảm, sự quan tâm, đặc biệt là sự đón nhận của độc giả Việt Nam đối với văn học Trung Quốc. Tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà thơ Hữu Thỉnh, ông đã khiến chúng tôi vô cùng cảm động trước thịnh tình của một người mang tư chất hào sảng của chiến sỹ và tâm hồn lãng mạn của nhà thơ trong cuộc tiếp đón lần này.” Nhà văn Thiết Ngưng nói về “sức hút” khiến bà cùng các nhà văn Trung Quốc đến Việt Nam lần này, đó chính là sức hút của truyền thống văn học, sức hút của đất nước Việt Nam đang phát triển, sức hút của các đồng nghiệp Việt Nam. Bà mong muốn sẽ được cùng các nhà văn Việt Nam cố gắng hết sức để tăng cường giao lưu văn học, phát triển sáng tác, đẩy mạnh dịch thuật hai chiều để nhân dân Trung Quốc và Việt Nam hiểu và cảm nhận sâu sắc về chiều sâu văn hóa và tinh thần của hai dân tộc. Với danh nghĩa Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, nhà văn Thiết Ngưng có lời mời các nhà văn Việt Nam có nhiều chuyến đến thăm và làm việc với Hội Nhà văn Trung Quốc trong thời gian tới. Bà cho biết Hội Nhà văn Trung Quốc đã từng giao lưu với nhiều Hội nhà văn trên thế giới: Mỹ, Nga, Châu Phi… nhưng tất cả đều không thể so sánh và thay thế được Hội Nhà văn Việt Nam. Theo nhà văn Thiết Ngưng: “Văn học đối với con người rất quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tâm linh. Tác phẩm văn học đích thực sẽ vượt qua thời gian, không gian, ngôn ngữ để đến với trái tim con người. Văn học là lửa, là ngọn đèn, là ánh sáng kỳ diệu có khả năng chiếu sáng tâm linh con người, nếu không vì điều đó thì chúng ta không có mục đích để sáng tác.”

Tiếp theo, nhà văn Khuất Quang Thụy (TBT tuần báo Văn nghệ, TBT trang Vanvn.net), nhà văn Thành Đức Trinh Bảo (Phó TBT tuần báo Văn nghệ) và nhà thơ Trần Quang Quý (Phó Giám đốc NXB Hội Nhà văn) tặng ấn phẩm kỷ niệm các nhà văn Trung Quốc.

 

Phần giao lưu giữa các nhà văn hai nước diễn ra trong không khí cởi mở, ấm áp và gần gũi. Các nhà văn Việt Nam: Trần Đình Hiến, Đỗ Chu, Hoàng Minh Tường… chia sẻ những ấn tượng tốt đẹp khi được tiếp xúc với nền văn hóa và văn học Trung Quốc xưa và nay.

Nhà văn Hoàng Minh Tường

 

Nhà văn Trung Quốc - Thứ Nhân La Bố

Nhà văn Trung Quốc thế hệ 6X, Thứ Nhân La Bố (Cán bộ Hội Liên hiệp các Tổ chức Văn nghệ Tây Tạng) phát biểu: “Nhà văn hai nước cần phải có những tác phẩm để thế hệ trẻ hiểu được sâu sắc hơn về đất nước mình và đất nước bạn. Vì văn học là cây cầu nối liền tâm hồn, trái tim con người với con người.”

 

Nhà văn Bích Thuận trao tặng cho nhân vật của nhà văn Thiết Ngưng mô hình một ngôi nhà sàn bằng gỗ, vì theo bà: “Tôi muốn tặng cho những nhân vật nghèo khổ, không nhà không cửa của nhà văn Thiết Ngưng một ngôi nhà nhỏ…”

 

Toàn cảnh Buổi giao lưu văn học của đoàn nhà văn Trung Quốc và các nhà văn Việt Nam

Buổi giao lưu văn học diễn ra trong một buổi sáng, rất nhiều tình cảm được trao gửi và những ý kiến sẻ chia giữa các nhà văn về chuyện đời, chuyện nghề. Kết thúc buổi giao lưu, nhiều thông tin cá nhân được trao đổi để các nhà văn hai nước có thể tăng cường mối quan hệ lâu dài, thắm tình đồng nghiệp trong tương lai.

Nhà văn Thiết Ngưng chụp lưu niệm cùng các nhà văn Việt Nam

Trong buổi chiều ngày 5/11/2013, đoàn nhà văn Trung Quốc sẽ đi thăm một số di tích, địa điểm văn hóa tại Hà Nội: Văn Miếu – Quốc Tử Giám và Bảo tàng Dân tộc học.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn