Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Soi đời, soi thơ

Đỗ Tiến Bảng - 31-05-2014 06:36:57 AM

Sau khi xuất bản bốn tập thơ, nhà thơ Lê Huy Hòa cho in các bài bình thơ thành tập. Chọn 41 bài thơ của 41 tác giả Việt Nam, chủ yếu là các nhà thơ đương đại, bạn hữu; kể cả những người ít “tên tuổi”. Và 10 bài của các nhà thơ nước ngoài. Cách chọn thơ để bình của anh khá “thoáng”, những bài trong “tầm ngắm” chưa phải là bài hay nhất, nổi nhất trong cuộc đời sáng tác của họ. Và nhiều bài viết ở tập sách, tuy không ghi nguồn, tôi cũng đã từng đọc trên báo Văn nghệ. Cuối mỗi bài đều có thông tin về tác giả.

Chắc chắn những bài anh bình đều là những bài tâm đắc, có bài mạnh ở chất suy tư, trí tuệ; có bài ở giọng điệu, có bài ở thi tứ, thi liệu… Sau hai bài: “Tương quan” của Chế Lan Viên, và “Một thoáng làm người” của Hữu Thỉnh, là bài “Người thương binh làm nghề sửa xe” của Hoàng Văn Việt. Bài bình có nhiều liên hệ xã hội, đưa nhận xét khách quan từ nhà thơ Hữu Thỉnh: thơ Hoàng Văn Việt “…hàm súc, cảm động… tránh kể lể, tạo cho thơ ngân vang”. Chọn các bài tiếp theo: “Quê chồng” của Nguyễn Thị Mai, “Đưa bạn” của Thanh ứng, “Lau trong bình” của Đặng Hiển, “Người tu hành và người mù bán tăm” của Nguyễn Đắc Lập, “Cây lúa đồng chiêm” của Lại Hồng Khánh, “Dặn con” của Trần Nhuận Minh… đều mang tính “xã hội” cao. Và phải kể đến những bài về nhà trường mà người bình từng gắn bó, chia sẻ. Đó là “Về nơi sơ tán cũ” của Lê Thành Nghị, “Lớp học chân đồi” của Trần Văn Lộc.

  Hầu hết các bài bình đều liên hệ với những lời thơ, tứ thơ đồng dạng, ở cùng tác giả hay ở người khác. Gọi theo thuật ngữ ấy là “tính liên văn bản”. Trường hợp bài “Một thoáng làm người” của Hữu Thỉnh là nhắc đến bài “Tôi hỏi” của nhà thơ. Bài “Cánh ong vàng” của Nguyễn Đức Mậu là liên hệ với Chế Lan Viên, Lưu Quang Vũ. Bài “Lau trong bình” của Đặng Hiển thì nhắc thơ Trần Bích San. “Cây lúa đồng chiêm” của Lại Hồng Khánh thì nói đến thơ Yên Đổ. “Hóa ra là nỗi nhớ” của Trần Gia Thái lại nhắc ca dao và thơ Tế Hanh. Và nhiều nhất, có lẽ là khi bình bài “Thắng giặc lên núi Ba Vì” của Phạm Tiến Duật, từ Dư địa chí của Nguyễn Trãi, đến thơ Tố Hữu, Huy Cận, Nguyễn Thị Mai…

Có những lời bình ngắn mà bắt trúng giá trị, như bình bài “áo lụa Hà Đông” của Nguyên Sa. Khi dẫn hai câu: “Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”, anh nhận xét: “Một sự cắt nghĩa dường như vô lý:… Gớt đã từng nói: ‘Thiên nhiên vẫn y nguyên, nhưng nhãn quan của mỗi con người thay đổi thiên nhiên’. Cái mỹ cảm có thể làm thay đổi cả đất trời”. Anh chọn bình bốn bài thơ “Đêm” trong tập “Xem đêm” của Phùng Cung với lời bình chắc như chốt lại giá trị tập thơ: “Thơ ông hay vì lạ, tài tình về câu chữ, hình ảnh,…”. Hoặc khi bình bài “Mùa hạ sấu” của Đỗ Nam Cao, anh nhận xét: đặc biệt là hình ảnh tinh tế ‘Từng chùm quả mắt nhìn chua cả gió’. “Mắt nhìn chua cả gió” lần đầu tiên tôi được thấy trong thơ”. Người bình phải đọc rộng để hiểu sâu, kỹ một bài thơ, tứ thơ, hay câu thơ. Tuy vậy, có câu thơ hay, anh chưa dừng lại để “tỉa” ra trong chùm, như câu “Ngọn khói bồn chồn thung lũng xa” trong bài “Thắng giặc lên núi Ba Vì” của Phạm Tiến Duật. Mà chỉ nói chung chung: “Hình ảnh đẹp, gợi cảm khép lại bài thơ”; hoặc như câu: “Trở về sau xa cách bấy nhiêu năm/ Chúng mình bỗng dưng không có tuổi” (bài “Về nơi sơ tán cũ” của Lê Thành Nghị), anh chỉ nhận xét: “Tứ thơ bật ra rõ ràng, sáng tươi”. Có những bài bình chưa thật trội hơn người khác đã bàn, như bài “Sóng” của Xuân Quỳnh, “Đi hát mất ô” của Tú Xương,… Đây là những bài thơ học ở nhà trường, nhiều người “cày xới”, nên khó tìm cái mới khác (cũng như một số bài về thơ Puskin, Êxênhin,…). Có điều nhỏ lưu ý, bài thơ “Đi hát mất ô” của Tú Xương, tuy được Xuân Diệu bình (khi giới thiệu thơ Trần Tế Xương) nhưng giới nghiên cứu còn “hoài nghi” về tác giả. Và có chữ hình như chép chưa đúng: “Chỉn” thành “Chỉ” (“Chỉn e rày gió mai mưa” -  đây là từ cổ, xem “chỉn e”: còn đáng ngại, Từ điển tiếng Việt). Nhiều bài bình còn nương theo trình tự bài thơ, chưa chọn những “tâm điểm”, “nhãn tự” để “xoáy” sâu. Tất nhiên làm được như Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên trong bình thơ không phải là dễ (Lưu ý thêm: Cuốn sách còn mắc quá nhiều lỗi biên tập và in ấn).

Bạn đọc đón chờ tập 2 “Những trang đời soi bóng”.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhân vật  

Nhà thơ Hữu Thỉnh: “Cỏ bao phen phải làm lại từ đầu”

VanVN.Net - Trong số các nhà thơ chống Mỹ, Hữu Thỉnh không phải là người gây được ấn tượng sớm. Hầu như phần lớn thành tựu trong sáng tác của ông đều xuất hiện sau năm 1975. Song, Hữu Thỉnh lại ...