Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Khúc tâm tình của một thời đạn lửa

Khuất Bình Nguyên - 07-05-2014 06:55:24 AM

Một trăm năm của thế kỷ 20. Như một phép lạ. Thơ ca Việt Nam đã có sự chuyển biến cực kỳ mau lẹ làm nên diện mạo hoàn toàn mới so với các thế kỷ trước; Một nền thơ được viết bằng chữ quốc ngữ mà mới ngày nào các ký tự a, b, c còn lẩn khuất và ê a trong những giáo đường lợp rạ xa xôi, nay đã trở thành phương tiện thể hiện sinh động cốt cách và tâm hồn Việt Nam thời hiện đại. Nếu thế hệ các nhà thơ 30 năm đầu thế kỷ mà người tiêu biểu là Tản Đà, đã mở đường cho bước chuyển từ thơ chữ Hán, chữ Nôm đến sự xác lập rõ ràng xu thế không thể khác của thơ được viết bằng chữ quốc ngữ thì các nhà thơ của Phong trào Thơ Mới 1930-1945 đã hoàn thiện cuộc cách tân lớn nhất thế kỷ; Một thời đại mới của thơ ca với sự khám phá ra vẻ đẹp tâm hồn cô đơn và nỗi buồn thương da diết của cá nhân con người hiện lên bởi sự trong sáng huyền diệu của tiếng Việt. Nếu thế hệ các nhà thơ kháng chiến chống Pháp (1946-1954) và các nhà thơ thời đổi mới quãng 15 năm cuối cùng của thế kỷ 20 có bao nhiêu điều khác biệt mà lạ thay lại có sự trùng hợp xuất phát từ bản chất của sáng tạo, từ sự vươn tới và không chịu lặp lại ánh sáng huy hoàng của thế hệ trước bằng việc họ có chung điểm nhìn bên cạnh tiếp nhận những thành quả sáng tạo hoàn hảo của giai đoạn trước để dũng cảm khai mở con đường mới đầy bí ẩn của sáng tạo thi ca trong cảm xúc và hình tượng thì thế hệ các nhà thơ sinh ra từ khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1964-1975 đã phát hiện vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam trong chiến trận để viết nên trang sử rực rỡ của thơ ca Việt Nam hiện đại. Kế thừa truyền thống thi ca của nhiều thế kỷ trước, thể hiện sự gắn bó giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa yêu nước, tiếp tục thắp sáng truyền thống nhân văn của thi ca Việt Nam. Thế hệ ấy không chỉ đóng vai trò tiên phong tạo dựng một thời đại sử thi của thi ca mà kỳ lạ thay nó còn là khúc tâm tình đầy biểu cảm của người Việt Nam trong đạn bom ác liệt của chiến tranh, lý giải cội nguồn sâu xa của chiến thắng.

Chiến tranh chống xâm lược là thử thách lớn nhất với toàn bộ sức mạnh tinh thần và tiềm năng vật chất của đất nước. Nó đặt lên vai dân tộc và mỗi người hai khả năng sinh tử mà ngay từ đầu chưa hẳn đã có câu trả lời dứt khoát. Nếu chiến thắng thì tồn tại. Nhưng tổn thất thì cũng thật lớn lao không dễ gì bù lại được. Nếu chiến bại thì sẽ mất tất cả. Lịch sử chiến tranh các thời đại ít khi có sự chênh lệch ghê gớm như ở đây. Cuộc chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta những năm 60 và 70 của thế kỷ 20, tầm vóc và ý nghĩa của nó, lịch sử đã, đang và mãi mãi còn ghi nhớ và trở đi trở lại bởi huyền thoại về sự ngoan cường của bên nhỏ yếu hơn đánh bại ý chí xâm lược của đối thủ hùng hậu nhất thế giới, có sức mạnh vượt trội về nhiều mặt và trước đó cũng như sau đó nó chưa hề bị nếm mùi thất bại. Cuộc chiến tranh này đã chịu sự hy sinh vô cùng to lớn đồng thời thể hiện những phẩm chất cao quý của dân tộc ta được thử thách từ nghìn năm lịch sử. Chính bức phông lịch sử đầy bi tráng ấy, tầm vóc và sự thiêng liêng của nó đã tác động sâu sắc tới suy nghĩ và tình cảm của những người cầm bút. Bởi vì họ là người trong cuộc. Thi ca Việt Nam có mặt trên tất cả các chiến hào đánh Mỹ khắp Bắc, Trung, Nam. Không ở đâu, không ở thời điểm nào trong thế kỷ 20 chúng ta lại có nhiều thế hệ nhà thơ đang sung sức cùng ra trận. Thế hệ của Phong trào Thơ Mới Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh… khoác áo ngụy trang ra tuyến lửa. Lớp nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Pháp Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông… tham gia đánh Mỹ, cứu nước bằng thơ từ loạt đạn đầu. Thời gian thấm thoát đã nửa thế kỷ, cho phép chúng ta đề cập thế hệ các thi sỹ sinh thành từ đạn lửa chống Mỹ, cứu nước, nhiều người trong số họ trực tiếp ra chiến trường. Họ là niềm tự hào chung mỗi khi chúng ta nhắc đến họ với tất cả lòng kính trọng và sự khâm phục. Họ chứng minh cho thời đại và thế hệ sau thế nào là phẩm giá và lương tâm của người cầm bút trong thử lửa chiến tranh.

Những người được hưởng cuộc sống yên bình hôm nay không thể nào quên các nhà thơ liệt sỹ mãi mãi tuổi đôi mươi. Họ để lại những câu hỏi thiết tha mà bình dị như nhắn gửi một thời binh lửa, như bao người lính khác ngã xuống nhắc nhở chúng ta phải ghi nhớ và trả lời.

Đó là Lê Anh Xuân sinh 1940. Vào chiến trường miền Nam 1964. Hy sinh 1968. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cưụ sinh viên khoa Sử đại học Tổng hợp Hà Nội, người hay viết thầm lúc dừng chân ở các binh trạm Trường Sơn suốt dọc đường từ Bắc vào Nam. Anh nhắn lại. Người chiến sỹ chết khi đang đứng bắn máu phun theo lửa đạn cầu vồng ấy là ai? Tên là gì? ở đâu? Chẳng để lại gì cho bản thân chỉ để lại dáng đứng của đất nước tạc vào thế kỷ này? Lê Anh Xuân hỏi.  Khi anh lớn lên đã thấy dừa trước ngõ, anh hỏi chúng ta dừa có tự bao giờ?

Đó là Nguyễn Trọng Định sinh 1939. Vào chiến trường miền Nam 1967. Hy sinh 1968. Cựu sinh viên văn khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vào chiều hôm trước của ngày hy sinh, anh còn đi tìm cho mình đôi dép đi của lính. ý chừng như chuẩn bị cho việc dọc ngang khắp các chiến trường? Và khi anh ngã xuống chân vẫn còn đi đất? Anh hỏi. Tháng năm rồi vối trong vườn kết nụ, cô láng giềng còn hái giúp mẹ không?. Sau những năm chiến tranh, tôi đi qua nhiều miền quê vùng châu thổ sông Hồng, nhận được hàng nghìn, hàng nghìn câu trả lời cho câu hỏi của Định. Còn. Vẫn còn. Cô láng giềng năm trước đã  trở thành bà cụ già đơn chiếc vẫn giữ lại thói quen thời tuổi đôi mươi. Cứ mỗi khi mùa hạ đến, vẫn hái nụ vối phơi khô đợi ngày anh trở về…

Đó là Nguyễn Mỹ sinh 1935. Vào chiến trường miền Nam 1968. Hy sinh 1971. Năm 1968 anh gửi lại Cuộc chia ly màu đỏ. Bài thơ ấy nói về chính cuộc đời anh, xét theo nghĩa anh viết nó trước khi ra trận và nói hộ khúc tâm tình cho hàng triệu người vợ lính tiễn chồng đi đánh giặc cứu nước. Nửa thế kỷ rồi, chúng ta đọc đi đọc lại mãi bài thơ này, cái màu đỏ như cái màu đỏ ấy, đã theo đi như chưa hề có cuộc chia ly, là niềm tin cháy bỏng thủy chung của những người xa nhau bước vào cuộc chiến đấu sinh tử rất có thể không trở về. Nhưng còn cây si xanh gọi họ đến ngồi ấy, còn nắng vẫn ngời trên mắt lá si ấy, còn trong bóng rợp của nó nói đến ngày mai ấy là gì cứ ám ảnh day dứt chúng ta mãi không thôi? Bây giờ thường nhật thấy  lá si vẫn xanh mướt khắp các khu vườn thành phố ở Bắc Trung, Nam như muốn nói có những người, có rất nhiều người không trở về trong cuộc chia ly bên gốc si năm ấy?

Đó là Vũ Đình Văn. Sinh năm 1951. Hy sinh 1972 tại một trận địa tên lửa gần Hà Nội khi chưa đầy 22 tuổi. Cựu sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Đọc Văn, tôi cảm nhận được nước sông Nhật Lệ khuya rồi còn âm ấm trong Đêm hành quân qua phà Long Đại của anh. Và tình yêu không trọn vẹn anh mang theo vào cõi vô cùng cùng  với những viên bi mà bom bi Mỹ đã găm vào người thi sỹ với câu hỏi đau đáu đến bây giờ và cả mai sau nữa. Khoảng đời đầu có nhớ khoảng đời sau? Mắt em mắt anh ngần ấy vì sao? Câu hỏi anh dành cho người anh yêu, người đã từng đếm 13 bậc cầu thang trong căn gác nhỏ ở phố Lãn Ông Hà Nội và dừng lại bậc thang nào không biết để trao cho anh hơi ấm thuở ban đầu rồi không trở lại, bỗng là câu hỏi vốn chỉ là riêng tư mà hóa ra cứ treo lên mãi bầu trời thi ca nước Việt?

Ngoài 4 liệt sỹ nhà thơ ấy còn những ai chúng ta chưa biết? Tôi tin còn rất nhiều. Bởi vì không biết bao nhiêu người lính trẻ của chúng ta ra trận đều có viết thơ trong sổ tay, nhật ký. Họ ngã xuống trước mũi súng quân thù. Không kịp mang về những vần thơ của họ. Biết đâu trong số họ còn có nhiều Vũ Đình Văn nữa? Bằng chứng là những cuốn sổ tay của bộ đội ta được quân đối phương lưu giữ  với lòng khâm phục một dân tộc vào trận đánh sinh tử mang theo cả nền văn hóa của mình. Các liệt sỹ - nhà thơ vô danh ấy để lại tiếng âm vang hồn tử sỹ chưa bao giờ dứt cho nền thơ chống Mỹ cứu nước. Bốn nhà thơ liệt sỹ nhắn gửi điều gì? Phải chăng đó là tình yêu Tổ quốc, đức hy sinh, chủ nghĩa anh hùng, tình yêu giữa con người với con người, giữa vợ và chồng, tình mẫu tử, tình yêu lứa đôi, tình quân dân, những số phận oanh liệt của người Việt Nam những năm đánh Mỹ. Phải chăng đó cũng là cảm hứng chủ đạo của cả nền thơ? Nếu các anh còn sống giống như hàng triệu người lính từ chiến trường trở về năm ấy, bây giờ các anh sẽ là ai? Rất có thể chẳng là ai cả. Nhưng ít ra cũng là những người bình thường như chúng ta được tận hưởng cuộc sống hạnh phúc thanh bình, được xem chương trình đuổi hình bắt chữ chẳng để làm gì cả của Đài H1 hay Gala cười cuối năm của VTV1… Vì những niềm vui nho nhỏ ấy mà mấy thế hệ cha con người Việt Nam hy sinh cả tính mạng và tình yêu để cho đến từng ngọn cỏ của đất nước này xanh một sắc bình yên. Viết bài này, tôi coi như một lần nữa thắp hương tưởng nhớ các nhà thơ liệt sỹ có tên và không tên mà cuộc đời của họ là một trang sử thi của thời đại chúng ta, nhân dịp tròn nửa thế kỷ 1964-2014.

Và xin được vinh danh các nhà thơ sinh ra và trưởng thành cùng thời đại ấy. Họ dũng cảm và may mắn được mang lá cờ chiến thắng đến đích cuối cùng. Họ là Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Lưu Quang Vũ, Thu Bồn, Thanh Hải, Giang Nam, Dương Hương Ly, Phạm Ngọc Cảnh, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm, Hoài Vũ, Trần Đăng Khoa, Trần Vàng Sao, Anh Ngọc, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa, Bế Kiến Quốc, Ngô Thế Oanh… Xin được vinh danh những gương mặt các nữ thi sỹ tiêu biểu nối bước Đoàn Thị Điểm, Bà huyện Thanh Quan. Họ là Xuân Quỳnh, ý Nhi, Phan thị Thanh Nhàn, Lâm thị Mỹ Dạ…Họ thật đẹp trong thi ca mà đẹp hơn trong cuộc đời thường.

Khi làm Tuyển tập 15 năm 1945-1960, hầu hết các thi sỹ thế hệ chống Mỹ, cứu nước còn chưa có mặt. Chỉ chừng sau đó một vài năm Tuyển tập Thơ chống Mỹ, cứu nước 3 năm (1965-1967) in năm 1968 có tất cả 159 bài thơ của 112 tác giả. Các nhà thơ thế hệ kể trên được gọi là những cây bút trẻ đã chiếm tới 1/3 số bài trong tập. Nhà thơ Chế Lan Viên sau khi kể tên họ, nhiều người nổi tiếng như là những phong cách thơ độc đáo xuất hiện sau này cũng chưa có tên trong danh sách ấy, đã có nhận xét bày tỏ sự tin tưởng nhưng cũng có phần dè dặt sau đây: “Các anh các chị đông đảo. Các anh các chị chưa ổn định. Có người đang hình thành tác giả. Có người có một bài thơ hay ở đây, lại có vô vàn bài thơ dở nơi khác. Có người đậu ngày nay mà rụng ngày mai. Có người hôm nay xuất hiện với một bài thường thường bậc trung ở tuyển, nhưng mai biết đâu đấy lại là chủ lực”. Quả thực, những người được Chế Lan Viên gọi là những cây bút trẻ đã trở thành chủ lực của nền thơ chỉ vài năm sau đó.

Một số tập thơ có giá trị của những cây bút trẻ được xuất bản cuối những năm 60 đầu năm 70 và một vài năm sau đó cho thấy sự lớn mạnh về tầm vóc, sự hình thành vững vàng những phong cách thơ độc đáo. 1962. Bài ca chim Chrao - Thu Bồn. 1965. Tiếng gà gáy - Lê Anh Xuân. 1967. Gió vào trận bão - Phạm Ngọc Cảnh. 1968. Hoa dọc chiến hào - Xuân Quỳnh. Hương cây bếp lửa - Lưu Quang Vũ, Bằng Việt. Có đâu như ở miền Nam - Lê Anh Xuân. 1969. Tre xanh - Thu Bồn. 1970. Vầng trăng quầng lửa - Phạm Tiến Duật. Mặt đất không quên - Thu Bồn. Âm vang chiến hào (in chung) - Hữu Thỉnh. Năm 1971. Thơ người ra trận (in chung) - Nguyễn Đức Mậu. Hoa dừa - Lê Anh Xuân. Thơ một chặng đường - Phạm Tiến Duật. Mảnh đất nuôi ta thành dũng sỹ - Dương Hương Ly. 1972. Đêm Quảng Trị - Phạm Ngọc Cảnh. Năm 1973. Những gương mặt những khoảng trời - Bằng Việt. Đất ngoại ô - Nguyễn Khoa Điềm. Cát trắng - Nguyễn Duy. Cây xanh đất lửa - Nguyễn Đức Mậu. 1974. Trái tim sinh nở - Lâm Thị Mỹ Dạ. Thơ tuổi hai mươi - Hoàng Nhuận Cầm. Gió Lào cát trắng - Xuân Quỳnh. Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm. 1975. Quê hương mặt trời vàng - Thu Bồn. 1976. Âm vang chiến hào (in chung) - Hữu Thỉnh. áo trận, Mưa trong rừng cháy - Nguyễn Đức Mậu. Ngọn lửa dòng sông - Phạm Ngọc Cảnh. Bazan khát - Thu Bồn.1977. Những người đi tới biển - Thanh Thảo. Đất sau mưa - Bằng Việt. Hương đất màu cờ - Anh Ngọc v.v…

Trái đất rộng ra một phần vì bởi các trang thơ, vì diện tích tâm hồn các nhà thi sỹ. Không chỉ những năm chiến tranh, chúng ta còn đọc họ đến tận bao giờ mới mong hiểu được đầy đủ những khoảng trời suy tư và khát vọng, những niềm vui, nỗi đau và niềm trắc ẩn của người Việt Nam trên chiến hào những năm đánh Mỹ.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã nâng dậy tầm vóc của thi ca Việt Nam trước yêu cầu của mệnh lệnh: Tất cả cho chiến thắng. Vì vậy không có điều gì lạ rằng cảm hứng chủ đạo của thi ca giai đoạn này là lòng yêu Tổ quốc và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người Việt Nam. Hình tượng trung tâm của thơ ca là Đất nước, bà mẹ Việt Nam anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang, là người lính ra trận trùng điệp những sư đoàn, những người lính đầy chất lính trên các nẻo đường chiến tranh mà tiêu biểu là tuyến đường Trường Sơn nơi đạn bom giặc băm nát từng đỉnh đèo, thung núi, là sự hy sinh quả cảm của những người chiến sỹ trên khắp các mặt trận đốt thành hương trầm trong đạn lửa, là những cuộc chia ly… Những cung bậc tình cảm đầy xúc động của tâm hồn Việt Nam.

Câu thơ nằm ở giữa bể sóng không yên và hạt muối chói ngời. Ta đi qua những cuộc đời thường, thấy ở đó những nỗi lo nhân loại. Với sự thôi thúc của thời đại và lịch sử, kết hợp với sự trưởng thành của các tài năng, cảm xúc và tư duy thơ thời chống Mỹ, cứu nước bên cạnh khuynh hướng đưa hiện thực nguyên khối vào thơ để phản ánh đa dạng và sinh động con người và sự kiện đầy sức biểu cảm thì đã xuất hiện một khuynh hướng đặc sắc và có những thành tựu đáng kể - khuynh hướng thơ chính luận, triết lý mà các nhà lý luận hay gọi là chất trí tuệ trong thơ. Người mở đầu cho khuynh hướng này là nhà thơ Chế Lan Viên được đánh dấu bằng Hoa ngày thường chim báo bão và sau đó ta thấy Bằng Việt; Chất suy tưởng càng rõ trong các sáng tác sau này của Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm…cũng như một số tác giả khác. Thậm chí khi đọc Gió Lào cát trắng và những bài viết quãng 1970-1972 của nữ sỹ Xuân Quỳnh, nhiều lúc tôi thấy chị cũng tìm đến tư duy triết lý để luận giải những vấn đề của cảm xúc… Có thể coi khuynh hướng thơ chính luận, triết lý khi kết hợp được sự chan hòa của cảm xúc, sự lấp lánh của hình tượng là bước trưởng thành của thi ca chống Mỹ, cứu nước. Chiến tranh mang đến đau thương tang tóc cho bao nhiêu gia đình Việt Nam. Các thi sỹ của thời đại ấy quá thấu hiểu những đau đớn và mất mát do quân xâm lược gây ra ám ảnh từng ngọn đèn dầu thắp lên hy vọng bao nhiêu đêm dài trong mỗi mái nhà những năm chiến tranh. Với lương tâm người cầm bút, họ biết kìm nén những cảm xúc buồn bã, kìm nén nước mắt cho ngày gặp lại, ngày chiến thắng. Những cảm xúc và hình tượng thơ lay động bởi sự gắn bó của số phận từng con người với số phận của Tổ quốc. Phải chăng thời đại đã nâng tầm triết lý của thi ca. Những trường ca của Thu Bồn, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nguyễn Đức Mậu v.v… đánh dấu sự trưởng thành về mặt trí tuệ và lý tưởng thẩm mĩ của thơ những năm tháng ấy? Trả lời cho vấn đề này xin được dành cho chính những người trong cuộc.

Điều kỳ lạ, những bài thơ hay của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ, cứu nước trước hết không phải là những khúc bi hùng mà là  khúc tâm tình ước mong về tình yêu cuộc sống.

Một số bài thơ được giải của báo Văn nghệ qua các cuộc thi thơ 1969, 1973 và 1975 phần nào cho thấy được điều đó. Đương nhiên các cuộc thi thơ chưa thể phản ánh hết đặc điểm của thời đại thơ ca. Ngay cả những bài được giải của từng tác giả sau đó họ lại có bài trội hơn. Ví như giải 1973 Nguyễn Đức Mậu với Ghi ở chiến trường, Đôi mắt, Đất  so với  Nấm mộ và cây trầm, Cánh rừng nhiều đom đóm bay, Bảy vầng trăng khuyết sau này. Hay như giải 1975 Hữu Thỉnh với Chuyến đò đêm giáp ranh…so với nhiều bài trong tập Thư mùa đông của anh như  Nghe tiếng cuốc kêu, Phan Thiết có anh tôi… Từ Phạm Tiến Duật với tâm sự của hai người yêu nhau trong Lửa đèn; Bế Kiến Quốc nghĩ về số phận của mỗi con người gắn bó với Những dòng sông; Tâm sự người lính Nguyễn Duy thao thức vì hơi ấm ổ rơm, nồng nàn như lửa, đâu dễ chia cho tất cả mọi người đến Anh bộ đội Hoàng Nhuận Cầm và tiếng nhạc la đi qua chiến tranh ác liệt giữa rừng già như đi ngang qua cổ tích những cây nấm màu nâu già tự dưng thức dậy bên vòm lá, những bông hoa chưa có tên tự dưng mở cánh ra nghe ngóng; Từ Nguyễn Đức Mậu ghi ở chiến trường những điều giản dị mà mang ý nghĩa sâu xa. Đánh vài trận tân binh thành lính cũ… Nhấp nhô sông núi những sư đoàn; Cây xấu hổ của Anh Ngọc giữa chiến trường Quảng Trị lửa cháy bom rơi vẫn sống để e lệ như ngàn đời vẫn thế. Cây xấu hổ với màu xanh bối rối. Tự giấu mình trong lá khép lim dim;  Lâm Thị Mỹ Dạ nhìn hố bom thấy Đất nước mình nhân hậu, lấy nước trời xoa dịu  vết thương đau đến Hữu Thỉnh trên Chuyến đò đêm giáp ranh nghe tiếng bìm bịp bập bềnh theo con nước, Đêm giáp ranh có cái gì đầm đậm. ở đầu môi, ở trong tóc, khắp làn da. Tôi không biết diễn tả cho hết cái gì rất người đó thành lời… Tất cả tưởng như xa xôi mà êm đềm, sâu lắng làm dịu đi bao nỗi lo toan.

Giữa bom rơi đạn nổ ác liệt là thế, các nhà thơ của chúng ta đã thi vị hóa chăng? Hay những nhà tuyển chọn cuộc thi đã theo xu hướng ấy?  Không. Tôi nghĩ là không. Đó là sự diễn tả tinh tế tâm hồn Việt Nam. Trân trọng những điều tưởng như bé nhỏ, mềm mại mà nói lên tất cả cuộc đời này đáng yêu, đáng sống biết bao. Sự lắng đọng sâu thẳm của một nền văn hóa vượt lên trên mọi hăm dọa và hành động tàn ác của kẻ thù. ẩn dưới những khúc tâm tình ấy là bể sóng ngầm của sức mạnh. Phải chăng đây là một cách giải thích bằng thơ lý do chiến thắng của người Việt Nam trong trận đấu không cân sức ở giữa lòng thế kỷ 20?

Không phải không có nhà thơ ân hận rằng năm chiến tranh họ chưa nói hết những điều trắc ẩn nhạy cảm của cuộc sống; Sau ngày hòa bình họ làm nốt nhiệm vụ chưa kịp làm. Vì vậy thơ viết về đề tài kháng chiến chống Mỹ, cứu nước còn tiếp tục những năm sau này bởi tầm vóc và tính  chất bi tráng của nó. Những khía cạnh sâu sắc của lịch sử  được các thế hệ nhà thơ khám phá để làm đầy lên bức tranh chân thực về cuộc chiến. Lòng dũng cảm, những đắng cay và mất mát. Cuốn sử thi được mở bởi các thi sỹ ngay từ những năm đầu đánh Mỹ lại được tiếp tục bằng tráng ca hay khúc tâm tình. Những thanh gươm yên ngựa cũ mèm thuở trước thay bằng bài ca ống cóng, giờ lịch sử lùi xa rất có thể người lính đội mũ tai bèo chân đi dép lốp lại viết về cuộc đời mình bằng những hình tượng mới. Một sự thống nhất thuyết phục của những mặt tưởng như đối lập mà tạo nên cái gọi sức mạnh tinh thần Việt nam. Câu thơ giản dị này thách thức cả trường ca.

Thuyền xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Dưới sông còn đó bạn tôi nằm…

Trách nhiệm của thi ca với cuộc chiến tranh, giống như đời người rồi sẽ đến lúc khép mi mắt lại. Cỏ xanh non trên khắp mặt chiến hào và ngô lúa ăn hết những binh đoàn rỉ sắt. Cuộc sống lại mở ra những chương mới sôi sục đòi hỏi thi ca dự báo, cảm nhận, khảng định những vấn đề của hiện tại và tương lai… Những ngọn đèn thao thức đêm thâu trên đường ta đi đánh giặc rồi sẽ tắt để lớp cháu con chúng ta bình yên trong ánh điện hòa bình. Nhớ về thời đại đã qua để yêu mến thêm hiện tại. Một trăm năm sau, tôi đi vào rừng Trường Sơn, thấy loài hoa đã nở trong thơ chống Mỹ tôi vẫn yêu nó vô cùng: Hoa Bung biêng ơi! Con lắc của mùa xuân. Rừng không ngủ vì những chùm gõ tím. Và khi   thất thập cổ lai hy, tôi càng yêu hoa bèo tây bình dị vì những năm dân tộc ta đánh Mỹ thơ ca chẳng quên nét chữ non tơ của thuở học trò: Bèo lục bình mênh mang màu mực tím, nét chữ thiếu thời trôi ngang trên dòng sông… Cuộc đời bề bộn có thể người ta nguôi ngoai kỷ niệm của quá khứ. Nhưng bình nước nụ vối nồng nàn ấm nóng mùa đông xứ Bắc hay hoa dừa nở quanh năm ở phương Nam dưới bầu trời đêm đầy sao vẫn thầm lặng sống chung với con người mãi mãi không thôi.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn