Chuyện văn chương

19/10
3:09 PM 2020

NHỚ NHÀ VĂN “bây giờ là mùa thu”

 

 

Gió tháng tám vu vơ rồi sẽ thổi về
Cánh bãi sẽ ngô mềm vai áo
Lá sẽ mượt sau những ngày giông bão
Nhịp tim mình rồi mạch lạc như xưa...

Sẽ đến ngày tóc mình ngả vào thu
Hoa bèo tím chẳng mong manh như trước
Chim nhạn sẽ bay về thưa thớt
Cay đắng phai dần thành những bâng khuâng

 Tôi tin rằng, nhiều bạn yêu thơ sẽ nhớ những câu thơ này trích từ bài thơ Bây giờ là mùa thu của nhà thơ Vũ Đình Minh.

Với Vũ Đình Minh, gọi ông là nhà văn hay nhà thơ đều đúng, bởi ông viêt đều tay và có những thành công đáng kể cả văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, bút ký,...) và thơ. Mùa thu này, ông ra đi đã 10 năm rồi đấy..

         

Nhà văn Vũ Đình Minh (chính giữa) tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ V

(ảnh do nhà thơ Trần Nguyên Vấn cung cấp)

          Mùa thu này, tôi nhớ và viết về ông như một sự tri ân với người đàn anh thân thiết, người thày về báo chí, văn chương đáng kính.

          Chục năm trước, hồi Vũ Đình Minh mới về cõi hạc, tôi viết chân dung ông-“Dung dị Vũ Đình Minh” đăng trên trang blog cá nhân của mình ở Blog Tiếng Việt, sau đó Báo Nông nghiệp Việt Nam đăng số Tết nguyên đán và sau cùng tập hợp trong một tập sách của tôi. Đặc biệt, khi bài về chân dung Vũ Đình Mình đăng trên mạng xã hội Blog Tiếng Việt. đã có rất nhiều bạn đọc, nhà báo, bạn văn chương vào cảm nhận. cung cấp một số chi tiết về Vũ Đình Minh. Ngay cả người con trai của ông, nhà báo Vũ Đình Thành cũng ghi cảm nhận và cung cấp thêm tư liệu về đời tư và sự nghiệp sáng tác văn chương của ông. Trên cơ sở những chi tiết và tư liệu này, tôi gom góp và xâu chuỗi lại, đặng khắc họa đậm nét hơn bức chân dung về Vũ Đình Minh.

Theo nhà báo Vũ Đình Thành, con trai ông, thì Vũ Đình Minh sinh ngày 30 tháng 12 năm 1944 tại quê, Tráng Việt, Mê Linh, Vĩnh Phúc. Năm 1965, tốt nghiệp khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội, ông tình nguyện xung phong lên miền rừng núi Cao Bằng dạy học. Cả thời thanh xuân đầy khát khao, ông cống hiến cho vùng đất hoang vắng này, sau đó chuyển công tác về Vĩnh Phúc, Phú Thọ dạy học ở Trường cấp 3 Đoan Hùng. Vì có năng khiếu và tham gia sáng tác văn học, nên Vũ Đình Minh được điều về làm Thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tình Vĩnh Phú. Từ năm 1979, ông chuyển công tác về làm biên tập ở Ban Văn nghệ Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội. Là người có năng lực, ông lên đến cương vị Trưởng ban, năm 2004 thì nghỉ hưu, sống tại Hà Nội đến khi qua đời.

          Trở lại chuyện cũ, mùa thu năm 1987, tôi từ vị trí kỹ sư nông nghiệp ở huyện miền núi biên giới Trị Tôn (An Giang) về làm báo tại Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) thì Vũ Đình Minh đã là Trưởng ban Văn nghệ Đài Phát thanh Hà Nội rồi. Khi ấy. Đài Hà Nội chưa ra truyền hình, nên các chương trình văn nghệ của Đài rất được người làm chăm chút và thính giả đón nhận. Có lẽ, các chương trình văn nghệ ở đây hay chẳng mấy kém chương trình văn nghệ của Đài trung ương. Vậy nên, Vũ Đình Minh cũng rất được đám văn nghệ sĩ Hà Nội nể trọng, cầu thân, đặng mong được phát bài. Nhuận bút ít ỏi, song thời buổi cả nước thiếu thốn, đói kém nên đồng nhuận bút quý bao nhiêu. Tôi tập tọng nghề mói, tiếng nhà báo cũng oai đấy, nhưng túi thường nhắn khi chưa hết tháng. ngoài công việc chuyên môn ở cơ quan, tôi dành thời gian viết báo vặt để kiếm tiền và tối đi học ngoại ngữ, tiếng Pháp ở trung tâm nơi góc phố Nhà Chung. Viết báo vặt thì phải chịu khó, ngó các báo trung ương, đía phương, bao ngành, thấy tờ nào có mục mà mình có thể viết được là mần thôi. Anh bạn thân, nhà báo Trịnh Bá Ninh làm phóng viên báo Nông nghiệp chỉ dẫn này nọ, đặng giới thiệu làm quen với một số nơi. Ngoài nhà văn Trần Nguyên Vấn (Trần Phương Trà) ở Ban Văn nghệ Đài TNVN mà tôi làm quen từ hồi còn ở trong Nam, nay thành người cùng cơ quan, thì Trịnh Bá Ninh dắt tôi đến giới thiệu làm quen với Vũ Đình Minh. Cơ quan ông ở góc phố Hàng Dầu, gần chỗ bức phù điêu "Quyết từ cho tổ quốc quyết sinh", Hồ Gươm (nay người ta sửa thành "Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh"), nên tôi hay mò sang thăm ông. Lân la, tôi quen luôn cả nhóm bộ tứ của ông. Cao tuổi và trưởng nhóm là nhà thơ Trinh Đường, mà mọi người quen gọi vui là “Trinh Đoàn trưởng". kế đến là nhà văn Trần Nguyên Vấn, hai anh sàn sàn nhau là nhà thơ Nguyễn Thái Vận (lam biên tập ở Nhà xuất bản Lao Động) và Vũ Đình Minh. Với nhà thơ Trinh Đường thì tôi chỉ ra mắt xã giao, vì ông có độ chênh lệch tuổi tác, cương vị, nên không dám gần, cứ kính nhi viên chi thôi. Nhà thơ Nguyễn Thái Vận bảnh người, nói năng nhỏ nhẹ và lịch sự, song cảm nhận ở nơi anh có vẻ lành lạnh hơi khách khi nên tôi ngài ngại, giữ khoảng cách đủ độ ấm. Còn nhà văn Trần Nguyên Vấn thì thành người một nhà rồi. Riêng Vũ Đình Minh nhỏ người, trông xâu xấu trai như mình, dáng vẻ quê quê kiểu thầy giáo làng, tính tình lại dễ chịu, xuề xòa và khi vui là đến sáng khoái, tôi thấy hợp nên thân ngay. Tôi nằm bàn ở Trụ sở cơ quan 58 Quán Sứ sang Hàng Dầu cơ quan anh cũng gần nên hầu như tuần nào cũng ghé. Hơn nữa, Vũ Đình Minh còn hứa "Tao sẽ để ý, thấy con bé nào đường được thì giới thiệu cho mày làm người yêu...". Tôi gần với Vũ Đình Minh, còn bởi, tôi độc thân chưa vợ, hết giờ làm việc và ngày nghỉ chủ nhật chẳng biết đi đâu, các vị kia thì gia đình vợ con dầm ấm đề huề ở Hà Nội cả, riêng Vũ Đình Minh mặc dù mua được căn nhà cấp 4 xóm nơi chân dốc phố Lò Đúc nhưng vợ con ông vẫn ở quê bên Mê Linh, tháng đôi lần đạp xe thồ đèo lủng củng đồ hàng về quê, khi ra lại nặng xe thồ đèo nông sản, những ngô khoai sắn rau cỏ... Tôi hay đến đây, vui chuyện, anh em khi cao hứng thì cạch chén tợp đôi ba chén rượu lạc rang, tóp mỡ, đậu rán chấm nước mắm. rau thơm giải sầu...

Ít lâu sau, Vũ Đình Minh xin việc cho người em ruột về làm cùng Đài Hà Nội và cho gia đình họ ở ghé căn nhà ấy, thì tôi bớt lui tời vì cảm thấy phiền, mà chỉ ghé cơ quan ông thôi.

          Thời thế, hoàn cảnh gia đình mỗi người đổi thay, Vũ Đình Minh đưa cả vợ con từ quê ra Hà Nội ở chung, chuyển nhà mới xuống mãi đường Tam Trinh nối dài, còn tôi thì lập gia đình, vợ tôi cũng không phải là một cô gái nào mà Vũ Đình Minh thấy đường được mai mối cho tôi như ông đã tứng đùa vui, và tôi cũng được cấp vài chục thước nhà tập thể cơ quan lấy chỗ chui ra chui vào, nên anh em chúng tôi có phần xa nhau hơn trước. Thi thoảng vẫn gặp nhau ở đâu đó vì công việc làm báo, hay lâu lâu điện thoại hỏi thăm thôi, chứ chẳng có thời gian mà ngồi đối ẩm cạch chén cao hứng đàm luận văn chương như ngày xưa cũ...

          Rồi Đài Phát thanh Hà Nội ra thêm truyền hình, cơ quan rời khỏi Hàng Dầu đến trụ sở mới to đẹp nhưng mãi tận phố Huynh Thúc Kháng, nên hai anh em đã xa lại càng xa. Vũ Đình Minh rất hân hoan và bận mải vì làm truyền hình, nên viết văn, làm thơ ít đi. Song chính quãng thời gian này, Vũ Đình Minh đã đi tiên phong trong việc làm phim tài liệu chân dung các văn nghệ sĩ, các nhà văn hóa thuộc hàng gạo cội của Việt Nam. Ồng làm hàng trăm phim chân dung, trong đó có những phim hay như nhà thơ Hoàng Hữu, nhà viết lịch Tào Mạt, nhà thơ Huy Cân, Vũ Cao, nhạc sĩ Văn Cao, căp vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh v.v... được bạn bè đồng nghiệp và khán giả xem phim đánh giá cao. Phát hiện và thực hiện ý tưởng đó, Vũ Đình Minh và các đồng nghiệp ở Đài Phát thanh truyền hình Hà Nội còn đi trước cả đài trung ương bởi sau đấy ít năm, Đài Truyền hình Việt Nam mới làm phóng sự chân dung văn nghệ sĩ. Công việc vào trớn, hanh thông, Vũ Đình Minh lại thêm niềm vui, cưới vợ cho con trai. Hôm cưới, tôi đến muộn, khách khứa đã vừa mâm hết, tôi phải dợi mãi, ăn cùng mâm với gia đinh hai họ. Vũ Đình Minh vừa vui, vừa mệt, kiểu mừng của người vừa làm xong một việc lớn, ông cứ cốc bia trên tay, lẫm chẫm như con trẻ, la cà các bàn, cụng lý cảm ơn quan khách. Bữa ấy, ngắm nhìn Vũ Đình Minh, tôi mừng cho ông đã vượt qua những tháng năm vất vả, gian khó...

          Nhóm bạn “bộ tứ huyền ảo” của Vũ Đình Minh cũng rệu rã bởi nhà thơ Trinh Đường tuổi cao sức yếu ít ra ngoài, nhà thơ Nguyễn Thái Vận thì mất sớm vì bệnh tim, chỉ còn mỗi nhà văn Trần Nguyên Vấn là hay đây đó. Vũ Đình Minh lại lần nữa chuyển nhà lên phố, gần nơi cơ quan. Ngày ấy chưa có điện thoại di đông, liên lạc qua máy bàn công sở hay nhà riêng. Có lần, tôi điện thoại phiền ông, một sự việc Đài của ông nêu, liên quan đến việc tranh chấp đất đai của một người bạn tôi. Ông bảo, ban ông không làm trực tiếp song ông có biết, vụ này khó bởi ông phó chủ tịch thành phố, người được giao xem xét đã xử lý, giải quyết vụ việc theo hướng đó rồi, Đài ông cũng chỉ nói theo chỉ đạo mà thôi, không thể nào khác được. Chuyện công việc xong, ông đùa tôi, hỏi đã thăng tiến đến chức vụ nào rồi, đem tôi so sánh với người này kẻ nọ. rồi ông cười sảng khoái lắm.

          Trước lúc Vũ Đình Minh nghỉ hưu, tôi gặp ông một lần. Đợt ấy, Hội đồng hương văn nghệ sĩ quê Hải Hưng tổ chức gặp mặt đầu xuân ở Hội trường Đài PT&TH Hà Nội, do nhà văn Đào Quang Thép (Phó giám đốc Đài) chịu trách nhiệm. Tôi đến dự, tan cuộc, ra về, đến cổng đài thì thấy Vu Đình Minh đứng đấy. Tôi vội xuống xe, chào ông. Lâu ngày gặp nhau, tay bắt mặt mừng, tranh thủ hỏi thăm đủ thú chuyện. Vũ Đình Minh vẫn cười đấy, nhưng nụ cười heo héo, và tôi thấy khi sắc ông không vượng. Ông bảo: “Mày ạ... Sắp tới. tao về hưu rồi. Xả hơi một chút rồi viết lại. Mấy năm rồi, bận chương trình của Đài, hết kịch bản này đến kịch bản khác, nổi tiếp nhau , tối cả mặt mày, chả viết được mấy”.

Bẵng đi một dạo, nghe đâu sức khỏe ông xuống nhanh, nhất là sau khi ái nữ của ông lâm trọng bệnh, chữa trị khắp nơi nhưng không qua khỏi. Ông buồn nhiều và suy sụp cũng rất nhanh... Đúng thời gian này, tôi phải xa Hà Nội hai năm theo quyết định điều động vào phụ trách văn phòng Đài TNVN khu vực miền Trung tại Đà Nẵng nên anh em ít liên hệ với nhau.

Trở lại chuyện thơ văn của Vũ Đình Minh. Chính yếu, Vũ Đình Minh là tác giả văn xuôi với gầm chục tập truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, truyện cho thiếu nhi (Ông già ngồi dưới vòm cây gạo, Đi qua bão tố, Mặt đất và bầu trời, Mùa cạn, Trả giá cuối cùng, Một giớ làm quan, Chiếc diều nằm trên cỏ... ), song bạn đọc lại luôn nhớ đến ông-một Vũ Đình Minh Thơ. Ngay trong phần tư liệu về cha mình gửi cho tôi, Vũ Đình Thành thống kê tên 2 tập thơ của ông là Gió đồng, Mưa trước cửa nhà, và tập thơ in chung Lời từ đất. Cẩn thận, Vũ Đình Thành còn chọn gửi cho tôi 5 bài thơ (Hội Lim, Sang năm con lên bảy, Ý nghĩ ngày mưa, Mùa đông nhớ bạn, Bây giờ là mùa thu). Có lẽ, đây là những bài thơ hay mà Vũ Đình Thành lựa chọn theo ý cá nhân mình, hay theo ý cha mình và bạn đọc nói chung, xem đó là những bài thơ hay nhất. tiêu biểu làm nên giọng điệu, phong vị thơ Vũ Đình Minh ?!...

Cứ chiểu theo ý nhận xét, đánh giá của bạn đọc là khách quan nhất, những người tôi quen biết, ý kiến khá nhất quán. Xin nêu ra đây để tham khảo, như nét khắc họa:

Ông Bùi Hải Đăng, một nhà phong thủy, làm thơ và yêu thơ ở Gia Lộc, Hải Dương viết: “Tôi quen bác Vũ Đình Minh những năm 1975- 1978 khi bác BT thơ ở hội văn nghệ Vĩnh Phú... Năm 1978 tôi đi sông Đà rồi chuyển về Hải Phòng, rồi nghỉ mất sức, đã gần 40 năm chưa gặp lại bác Minh...Trong tâm trí của tôi bác là người hiền lành, giản dị, khiêm cung và dễ gần. Hồi đó ông sống thật bình lặng. Bài thơ "Hội Lim" là kỷ niệm buồn về cuộc yêu không thành có thật trong ông với một cô giáo vùng Kinh Bắc.... Tôi đọc thơ ông từ chùm thơ được giải của báo"Người giáo viên nhân dân" khi đó ông còn dạy học vùng cao... Năm 1975 ông đi dự trại viết ở Quảng Bá khi kết thúc trại mang về một chùm thơ hay. nồng nàn cảm xúc. Năm 1976, có thời gian chỉ hai tháng ông viết được đến 4 truyện ngắn. Khi đó tôi ở công trường dệt Minh Phương, có tối sang chỗ Hội chơi, ông thường trải chiếu ra sân sỏi nói chuyện dưới trăng... một lần đọc thơ ông đến đoan: "Em đi qua nghiêng nón khẽ chào/ Tôi thơ thẩn mái đình nhiều ngói quá!/ Cây ổi bờ ao cong cành xanh đặc quả/ Đến bao giờ ổi chín hở em?”. Thấy tôi ngẫm ngợi ông bảo:”Tớ học ca dao đó” ... Thoáng chốc như vừa đâu đây, Hoàng Hữu, Nguyễn Đình Ảnh và Ông giờ đã thành người thiên cổ cả rồi...Ôi kiếp người quả là ngắn ngủi..”.

:Nhà thơ Nguyễn Thị Tuyết ở Đông Anh, Hà Nội, một giáo viên nghỉ hưu từng nhiều năm dạy học ở Hà Giang: “Người đọc hiểu thêm nhiều về nhà văn, nhà thơ Vũ Đình Minh -tác giả của nhiều bài thơ được đông đảo bạn đọc yêu thích -Riêng mình rất tâm đắc bài HỘI LIM của nhà thơ Vũ Đình Minh...”.

Nhà văn Trần Tâm ở Cẩm Phả, Quảng Ninh: “Tôi cũng đã biết và gặp ông ngày ông làm việc tại Đài phát thanh Hà Nội. Tôi như được gặp lại mấy người anh, bạn văn chương, những Trinh Đường, Ngô Quân Miện, Nguyễn Thái Vận, Vũ Đình Minh... Đó là những con người bằng xương bằng thịt mà tôi đã vinh dự được gần gũi gắn bó. Trong số đó, có người tôi gặp gỡ, ghé qua như một buổi dạo chơi, có người góp sức nâng đỡ tôi như một người thày tận tụy. Có người đã đi về miền sương khói, có người đã vào tuổi cổ lai hy...

Ông Lê Minh Dung, bạn yêu thơ ở Tp Hồ Chí Minh: “Tôi cũng thích thơ của anh Vũ Đình Minh, nhiều bài hay, như Hội Lim, Bây giờ mùa thu,...”Bây giờ đã vào thu, nhịp tim đập bình yên/ anh lại nhớ mùa hè nông nổi ấy/ hoa bèo tím mỏng manh lắm đấy/ nhưng điều này chẳng nói với hai ta…”.

Nhà văn Thái Sinh ở Lào Cai: “Từ rất lâu rồi tôi chép bài thơ: Mùa đông nhớ bạn của Vũ Đình Minh: Bạn ở Nà Giàng mùa đông về sớm hơn/ Học trò có nhớ mang rơm cho thầy về trải ổ/ Cái lạnh căm căm từ trong hang đá/ Cái lạnh run tay tỏa từ trong mưa... Bài thơ 7 khổ, câu nào cũng chan chứa tình thầy trò, đúng với tâm trạng và việc làm của những thầy giáo vùng cao chúng tôi vào những năm 1975. Chống gậy leo đèo lặn lội rừng sâu. Gọi các em mấy ngày bỏ lớp...”.

Có hai bạn đọc ở miền Trung nhận xét ngắn gọn, một ghi “Tôi rất xúc động trước tình cảm tác giả bài viết dành cho nhà thơ Vũ Đình Minh. Tôi cũng đã từng xúc động trước Thơ của Vũ Đình Minh”; và một là nữ giáo viên: “Cảm ơn tác giả bài viết về Vũ Đình Minh, ông có những vần thơ giản dị viết về nghề giáo mà tôi phải trăn trở suốt đời: "Mở trang sách, ánh mắt nhìn khao khát/ Tôi biết tôi không được nói những lời thừa...".

Phần nhiều, bạn đọc cảm tình với Vũ Đình Minh qua thơ, nhưng cũng có những người yêu thích văn xuôi của ông, nhất là bút ký. Chẳng hạn như, nhà văn Nguyễn Cao Thâm (Hà Nội) nhận xét: “Tôi cũng đã đọc thơ, ký, truyện ngắn của bác Vũ Đình Minh. Ấn tượng nhất với tôi là những bài ký của bác ấy đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam”. Hay như họa sĩ Đặng Đình Nguyễn ở Quảng Yên (Quảng Ninh): “Tôi ấn tượng với những bài ký của bác Vũ Đình Minh:,

Riêng nhà văn Nguyễn Ngọc Chiến (Hội văn học nghệ thuật Quảng Trị) lại cho biết một thông tin hay: “Tôi vẫn giao lưu cùng anh Vũ Đình Minh khi anh có blog ở vnweblogs, nhưng chỉ được đọc lẻ của anh chứ chưa đọc trọn tập bao giờ... Chủ lực của Vũ Đình Minh là truyện ngắn!”.

Thì rõ rồi, Vũ Đình Minh chủ lực là truyện ngắn, không có gì phải bàn, nhưng Nguyễn Ngọc Chiến tiết lộ chi tiết là từng giao lưu với Vũ Đình Minh trên mạng xã hội vnweblogs thì tôi ngạc nhiên. Vậy là ông rất chi hiện đại. Ông tiếp cận với mạng xã hội, với văn học mạng còn trước cả tôi, người kém tuổi ông những hơn già một tuần con giáp.

Tôi nhớ, lâu lắm rồi, một lần, báo Văn nghệ ra, tôi và Vũ Đình Minh có truyện ngắn in chung một số. Truyên ngắn “Ông già ngôi dưới vòm cây gạo” của Vũ Đình Minh giới thiệu trang bìa, còn truyện ngắn “Vĩnh biệt những mùa trăng” của tôi in ở trang ruột. Khi ấy, niềm vui trong tôi thật khó tả, Anh em, thày trò nghề văn thân nhau có truyện đi chung một sô báo, thật sướng. Tiếc là tôi không giữ được số báo lưu đó đến giờ.

Riêng tôi, học được ở ông nhiều, cả quan điểm về sáng tác. Hơn một lần, lúc trà dư tửu hậu, Vũ Đình Minh vỗ vai tôi bảo: “Này chú em, tao nói cho mà biết... Nghê viết, chớ có kén cả chọn canh. Mình chỉ viết thể loại nào.... bất kể, truyện ngắn, bút ký, tiểu thuyết. thơ ca, kịch phim, hay gì gì đi chăng nữa... cứ thấy mình viết được, và có thể viết hay... là viết...:. Ông đã làm thế, và đáng mừng là ở thế loại nào Vũ Đình Minh cũng có những thanh công nhất định.

Vậy là, đã mười năm ông rời cõi tạm. Ông mất vào mùa thu năm 2010, sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng. Hôm tiễn biệt ông ở Bệnh viện Thanh Nhàn, tôi đi cùng nhà văn Trần Nguyên Vấn, hòa trong đám đông những đồng nghiệp, bạn hữu, người thân của ông, lòng xúc động, nhớ về những ngày tháng đầy gian khó của anh em...

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý, tôi, người đàn em văn chương, người học trò nghề của Vũ Đình Minh, cũng như ông, thử sức mình ở các thể loại, y lời tâm sự chân thành của ông ngày nào!...

( Nguyễn Chu Nhạc )

 

 



 

 

 

         

 



 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *