Chân dung văn

14/7
4:57 PM 2020

NHÀ THƠ VŨ TỪ TRANG VẪN ĐỘC HÀNH ĐỘC BỘ

Vương Tâm-Cho đến nay, dù đã hơn 40 năm trôi qua tôi vẫn nhớ hình ảnh nhà thơ Vũ Từ Trang tiễn tôi ra cửa báo “Tiểu công nghiệp-Thủ công nghiệp”, ở 80 phố Hàng Gai. Tôi là cộng tác viên của báo. Bao giờ cũng vậy, anh bắt tay rất chặt và xởi lởi, với nụ cười ấm áp. Lần đi trại viết cùng nhau ở Tam Đảo (10/2018), anh lại vồ vập như ngày nào, thân mật chân tình. Tôi cùng anh lang thang khắp thung lũng đầy sương mù…

Mỗi khi leo dốc lên nhà Sáng tác Tam Đảo, tôi cứ nói đùa với anh rằng, chúng ta đến nay vẫn là những “Nhà văn độc hành, độc bộ” (tên tập sách của anh), cho đến lúc gục ngã bên những con chữ. Một đời vì văn chương. Có thể nói về nhà thơ Vũ Từ Trang đúng như thế. Mấy năm nay anh viết bài, in thơ trở lại, liên tục trên báo chí. Vừa nhận phòng xong, anh đã bật máy tính rồi cặm cụi viết cho xong bài chân dung nhà văn Tô Hải Vân để gửi về báo Văn Nghệ. Anh là thành viên có tác phẩm đầu tiên của trại viết. Tôi nể phục anh.

Chưa hết, bởi ngay sau đó Vũ Từ Trang lại chúi mũi vào máy viết bài mới. Tôi hiểu tính anh kín đáo, cặm cụi đúng với hình ảnh “độc hành, độc bộ”. Một không gian bao la nỗi cô đơn. Cứ thế anh lầm lũi với chữ nghĩa. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ của anh: “Thơ đích thực xin trụi trần đất đá. Và mơ hồ như cây cỏ, khói sương” (Nhịp điệu đá). Vũ Từ Trang đã viết theo đúng tôn chỉ đó. Thơ anh chất chứa những nỗi niềm chia sẻ với sự sống. Nhịp đập trái tim thổn thức cùng cuộc đời.

Vũ Từ Trang đi nhiều, trải nghiệm sâu sắc do công việc làm báo từ những năm 1974 đến nay. Một hành trình dằng dặc trong miền sương khói, trầm mặc với ước vọng cho cuộc đời tốt đẹp hơn. Thơ anh đã xuất hiện rất sớm. Ở tuổi 21, tên anh đã xuất hiện trên báo Văn Nghệ với chùm thơ in năm 1969. Thời đó, ai được in thơ trên báo Văn Nghệ, đều được coi đã nhận chứng chỉ để bước vào làng văn. Nhưng anh lại nổi tiếng với câu chuyện viết văn thừa tiền mua được nhà. Khi đó chúng tôi ngả mũ ngưỡng mộ, cho dù đó là một căn phòng nhỏ trên gác hai có 5 mét vuông và hơn 10 mét vuông sinh hoạt dưới sân, ở số 6 phố Nguyễn Cao. Món nhuận bút cuốn truyện dài “Miền đất đợi chờ” in năm 1978 đã làm anh đổi đời.

Bởi từ đó, Vũ Từ Trang mới chấm dứt được cảnh ngủ trên bàn làm việc, ở trụ sở báo và đi ăn cơm bụi quanh năm. Đúng là anh mua được “Miền đất đợi chờ” ấy với giá trị hiện thời khoảng 20 cây vàng như món quà thượng đế ban cho. Anh lại dễ tính nên bạn bè tứ xứ tụ về, ăn dầm nằm dề suốt. Nhất là cánh thi sĩ Hải Phòng mỗi khi về Hà Nội là chỉ đến với Vũ Từ Trang. Đọc thơ. Uống rượu. Say khướt. Bởi lúc nào trong nhà Vũ Từ Trang cũng có hũ rượu làng Vân. Đó là rượu ngon có hạng ở quê anh Bắc Ninh.

Sau này tính anh vẫn thế, yêu quý bạn bè không làm mất lòng ai. Mua được căn nhà lớn trên phố Bạch Mai, tuy để kinh doanh, nhưng anh lại dành phòng trên gác để tụ tập bạn bè. Khi có ô tô, anh lại vi vu đây đó đưa mọi người du ngoạn khắp nơi. Anh nói cái số nó thế chẳng biết nói “không” với ai bao giờ. Nhà thơ Vũ Từ Trang là thế đó. “Cả nể” may là nam nhi nếu không “to bụng” như chơi. Vợ anh nói thế. Ca cẩm vui với chúng tôi nhưng lại cười hể hả. Thế đấy! Cửa hàng gia đình Vũ Từ Trang trở thành nơi chốn tìm về của những thi sĩ lãng du. Nhà thơ Vũ Từ Trang nói, toàn là những tay giang hồ vặt, đến là vui mà.

Nhưng thực ra, chính nhà thơ Vũ Từ Trang còn là kẻ giang hồ vặt hơn ai hết. Bạn đến. Vui. Vắng bạn. Anh lập tức lôi xe đi, gần thì xe máy, xa thì ô tô. Gần đây, anh lọ mọ gặp hết bạn văn nọ, bạn thơ kia. Thăm nhau. Có khi làm tư liệu viết bài. Anh đang hoàn chỉnh tập chân dung văn nghệ sĩ thứ tư. Những ai có thân phận trắc trở, thiệt thòi hay khuất lấp là anh tìm đến. Đọc những cuốn trước như “Phía sau con chữ” (2007) hay cuốn “Nhà văn độc hành, độc bộ” (2013) và cuốn “Vì ai ta mãi phong trần” (2017) quả đúng như thế.

Đó là một tấm lòng yêu thương những bạn văn lận đận. Đó là những cái tên đáng trân trọng, như Lê Bầu, Nguyễn Xuân Khánh, Hoài Anh, Trúc Cương, Đào Ngọc Vĩnh, Phương Thúy, Tuân Nguyễn, Đào Cảng…Cứ thế, Vũ Từ Trang không nề hà tìm tới, chia sẻ và đồng cảm với họ, ở những thân phận, kiếp người truân chuyên “Phía sau con chữ”. Đúng như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cả một đời cất tiếng chỉ cần một tấm lòng: “Để gió cuốn đi. Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông. Ôi trái tim đang bay theo thời gian…”. Vũ Từ Trang là một tấm lòng. Chính vì thế thơ anh cũng thể hiện tình cảm thân thiện với thế gian đúng như anh đã từng viết “Thơ đích thực xin trụi trần đất đá”…

Một buổi sáng mù sương. Tam Đảo dìm cái nắng bên kia núi. Tôi và nhà thơ Vũ Từ Trang đi dọc con đường dẫn lên ngôi nhà thờ đá. Cả hai cùng chậm bước trong mây trườn đỉnh núi. Những câu thơ của anh lấp lánh sưởi ấm lòng tôi. Anh bồi hồi nhớ lại tất cả những ký ức thơ ca dội về. Sau câu chuyện chân tình, cởi mở, tôi đã tìm ra một Vũ Từ Trang thi sĩ trong mỗi “cây thơ”. Gần đây tôi biết anh lâm trọng bệnh. Nhưng anh rất kiên cường chống trọi lại số phận. Anh khỏe lại và chăm viết hơn trước. Đi bên anh tôi không hề thấy anh than vãn. Anh cũng như tôi từng đi vạn dặm đó đây. Kẻ giang hồ lãng tử coi thường cái bất hạnh đổ ập xuống đầu không biết lúc nào.

Thật bất ngờ, anh rủ tôi hay là ta lên đỉnh núi Tam Đảo ngắm cột phát sóng truyền hình?. Tôi nhìn anh nghi ngại. Anh bật cười nắm chặt tay tôi như hồi còn thuở ban đầu, ở tuổi hai mươi. Ánh mắt anh ngời sáng. Thế là tôi gật đầu nói: Lại “Ngược dốc” à?. Anh bật cười rạng rỡ. Cả hai, ở tuổi bảy mươi lầm lũi, đếm từng bước lên bậc gạch. Tất cả có 1200 bậc. Chúng tôi đi lên độ cao 1500m, đỉnh núi. Thở dốc. Lẽ dĩ nhiên. Phải hít thở tiếp.

Hình như “sơn thần” Tam Đảo tiếp sức cho những thi nhân liều lĩnh. Tôi đột nhiên nhớ đến hai câu thơ thiền, hít một hơi thật sâu rồi đọc: “Thở đi nhẹ một kiếp người. Vui đi để có nụ cười thênh thang”. Nhà thơ Vũ Từ Trang dừng chân, lắng nghe rồi cười lớn vang cả rừng cây. Chúng tôi lại tiếp tục ngược dốc. Cho dù ở trên đó chẳng có bóng hồng nào chờ đợi như trong bải thơ của Vũ Từ Trang. Chúng tôi sẽ chẳng mất cái gì mà được cưỡi những đám mây trắng bay trên đỉnh núi như trong chuyện cổ tích thần tiên.

Nguồn: báo Văn Nghệ số 9/2019 (04-03-2019)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *