Chân dung văn

31/1
5:12 PM 2018

CHÂN DUNG VUA QUANG TRUNG MỚI TÌM RA CHỈ LÀ VUA GIẢ

HỒ BẠCH THẢO-Báo Tuổi Trẻ tại Sài gòn tuyên bố đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung, nhưng chỉ là vua giả. Báo Tuổi Trẻ Online số ra ngày Chủ nhật 31/12/2017 đăng tấm hình phía bên phải có 4 chữ Nho 王阮光平[Vương Nguyễn Quang Bình] và cho rằng đã tìm ra chân dung chính xác nhất của vua Quang Trung.

Tôi cũng có tấm hình giống y như vậy, lấy từ trang Wikipedia chữ Nho, đăng ở trên; hình tôi in đầy đủ, nên bên phải có nguyên 9 chữ 新封安南國王阮光平[Tân phong An Nam Quốc vương Nguyễn Quang Bình]. Dưới tấm hình,  chú thích như sau:

Gác Tử Quang tại Trung Nam Hải (1) từ lâu tàng trử Tân phong An Nam quốc vương tượng đồ. Căn cứ sử liệu từ các bộ sử như Thanh Sử Cảo có thể biết rằng bức tượng vẽ không phải là bản thân Nguyễn Huệ” [中南海紫光閣舊藏「新封安南國王阮光平像圖」。據《清史稿》等史料可知,此畫像所繪實非阮惠本人]

Mở Thanh Sử Cảo quyển 527,phần Liệt Truyện Việt Nam, chép về Nguyễn Quang Bình giả đến triều Thanh chúc mừng như sau:

“Năm thứ 55 [1790], Nguyễn Quang Bình đến triều chúc mừng, trên đường phong cho con trưởng Nguyễn Quang Toản Thế tử. Tháng 7, vào triều cận tại sơn trang Nhiệt Hà; phong chức dưới Thân vương trên Quận vương, ban cho thơ ngự chế, khăn đội đầu, dây đai, rồi trở về. Kỳ thực Quang Bình sai em mạo danh đến, còn Quang Bình thì không dám đến; nguỵ trá như vậy!” [五十五年,阮光平來朝祝釐,途次封其長子阮光缵爲世子。七月,入觐熱河山莊,班次親王下、郡王上,賜御製詩章,受冠帶歸。其實光平使其弟冒名來,光平未敢親到也,其谲詐如此]

Riêng Wikipedia lại tham khảo thêm các sách như Việt Nam tập lược của Án sát Quảng Tây Từ Diên Húc, nên ghi chi tiết hơn:

“ Nguyễn Huệ đổi tên là Nguyễn Quang Bình, sai con người anh là Nguyễn Quang Hiển, bọn Bồi thần Vũ Huy Tấn đi sứ triều Thanh; mang hiến sản vật địa phương, cùng dâng biểu cầu phong. Lúc yết kiến vua Càn Long, Nguyễn Quang Hiển xưng rằng Nguyễn Huệ sẽ đến kinh đô chiêm cận. Càn Long nhận thấy việc Quốc vương An Nam đến triều kiến, từ khi có lịch sử đến nay mới xãy ra lần đầu, nên rất lấy làm mừng; bèn lập tức phong Nguyễn Huệ làm An Nam quốc vương. Lại sai viên Hậu bổ Quảng Tây Thành Lâm đến An Nam trước, hẹn Nguyễn Huệ năm sau đến triều cận. Còn đối với vua Lê Chiêu Thống, người đã để mất chính quyền; thì Càn Long cho rằng trời đã bỏ, nên không giúp chi trì; ra lệnh cho ông ta cùng bầy tôi nhà Lê còn sót lại đến kinh sư cư trú.

Lúc Thành Lâm đến Trấn Nam Quan, Nguyễn Huệ mời đến Phú Xuân [Huế] du ngoạn, với mưu đồ mượn cơ hội để kéo dài thời gian, nhưng bị Thành Lâm cự tuyệt. Nguyễn Huệ lúc này nại cớ bị bệnh chối từ, không muốn ra đi chiêm cận. Phúc Khang An lại thúc dục, Nguyễn Huệ xin cho con là Nguyễn Quang Thùy thay mặt, nhưng không được chấp thuận. Cuối cùng bất đắc dĩ Nguyễn Huệ chọn người tướng mạo tương tự giả làm mình; rồi cùng với Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công làm bồi thần. Ngoại trừ chiếu theo lệ mang đầy đủ cống phẩm, còn dâng 2 con voi lớn. Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An,Tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh bồi tiếp phái đoàn đến kinh sư. Càn Long đối với việc Quốc vương An Nam đích thân đến triều cống tin là thực, hạ lệnh địa phương trên đường đến kinh đô hết sức long trọng đãi ngộ, các dịch trạm dọc đường phục dịch rất khổ. Sau khi đến kinh sư, Càn Long triệu đến hành cung Nhiệt Hà tương kiến, làm lễ ôm gối (2), rồi ban yến, cùng ngồi chung với các Thân vương. Trước khi ra về, Càn Long ra lệnh cho họa sư vẽ chân dung để tặng, biểu thị mối tình nồng hậu. Sự thực quan nhà Thanh tại các nơi đều biết kẻ gọi tên Nguyễn Huệ là giả, nhưng do Càn Long thích vỉ đại ham công to, nên không có vị quan nào dám vạch ra sự lừa dối này.”

[阮惠改名阮光平,派遺兄子阮光顯、陪臣武輝瑨等人出使清朝,向清朝進獻方物,並上表求封。在謁見乾隆帝的時候,阮光顯聲稱阮惠將親自來到京師覲見。乾隆帝認為安南國王親自前來朝見有史以來尚屬首次,因此大喜,當即冊封阮惠為安南國王,又派遣廣西候補成林前往安南,約阮惠次年入朝覲見。而對於失去政權的黎昭統帝,乾隆帝認為上天已經把他拋棄,因此不再給予他支持,下令將他與後黎朝遺臣一起遷到京師居住。成林來到鎮南關(今中越邊境友誼關)的時候,阮惠邀請他來富春遊玩,企圖借此機會拖延時間,但被成林拒絕。阮惠於是一直推稱自己生病,不欲前往覲見。福康安一再催促,阮惠只得要求讓兒子阮光垂代替自己前去覲見,但不被允許。不得已之下,阮惠最終選出與自己相貌相似的人冒充自己,並以吳文楚、鄧文真、潘輝益、武輝瑨、武名標阮進祿杜文功為陪臣,除照例須攜帶的貢品之外,還向清朝進獻雄象兩匹。兩廣總督福康安、廣西巡撫孫永清陪他們抵達京師。乾隆帝對這個親自前來朝貢的「安南國王」的身份信以為真,下令在上京的路上給予安南使團極為隆重的待遇,沿途驛站皆苦之。到達京師之後,乾隆帝召至熱河行宮相見,行抱膝禮,並賜宴與諸親王同席;臨行前,乾隆帝又命畫師繪畫其像以贈之,表示對他的厚待之情。事實上,清朝各地的官員都知道這個所謂的阮惠是假的,但由於乾隆帝好大喜功,沒有一個官員敢戳穿這個謊言]

Nhận xét rằng Càn Long thích vỉ đại ham công to “hiếu đại hỷ công” là chìa khóa mở cửa, giúp khám phá tham vọng của vị vua này. Thời gian trị vì Càn Long say mê lập võ công, tính từ năm 1792 trở về trước đã: 2 lần bình định bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ, thuộc dòng giống Mông Cổ; 1 lần bình định Hồi Hột tại Tân Cương, 2 lần tảo trừ Kim Xuyên tại tỉnh Tứ Xuyên, 1 lần bình định Lâm Sảng Văn tại Đài Loan, 1 lần hàng Miến Điện, 2 lần bình định Khuyếch Nhĩ Khách tại Tây Tạng; nhưng bị 1 lần thảm bại tại thành Thăng Long Việt Nam, vào năm Kỷ Dậu 1789. Tổng kết Càn Long thu được 9 trận thắng, 1 trận thua. Càn Long muốn thập toàn, rất đau buồn bởi 1 trận thua này, nhưng lực bất tòng tâm, không biết làm sao. Để giải sự thua bại, cần có một vua An Nam sang triều cống, thực hay giả không thành vấn đề, giúp cho Càn Long trở thành thập toàn. Thực vậy, sau khi vua Quang Trung giả đến kinh đô, tháng 10 năm Càn Long thứ 57 [1792] vua Càn Long đích thân soạn thành sách “Thập toàn võ công ký 十全武功記” trong đó chép 9 võ công đã nêu trên, riêng về Việt Nam thì trơ trẽn ghi “Bình An Nam” rồi cho khắc bia bằng 4 thứ chữ: Mãn, Hán, Mông, Tạng.

Lịch sử Trung Quốc ghi nhận Càn Long không phải vị vua duy nhất “hiếu đại hỷ công”. Dưới thời Cộng sản “vua” Mao Trạch Đông còn vượt xa Càn Long. Mong cầm lá cờ đầu trong thế giới Cộng sản và làm lãnh tụ Cộng sản quốc tế, Mao bắt toàn dân thực hiện chế độ xã hội không tưởng như lập công trường, bước tiến nhảy vọt vv… khiến 37 triệu 550 ngàn người chết đói (Tài liệu chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc năm 2005), số người chết vượt quá số người tử trận trong Đại chiến thế giới lần thứ 2; có nơi cha mẹ phải giết con để ăn thịt (3). Rồi để chối tội giết dân chết đói, Mao lập Vệ binh đỏ, tìm cách dổ tội cho Lưu Thiếu Kỳ vả thành phần tư sản phản động. Nội bộ thanh toán lẫn nhau kéo dài cho đến lúc Mao mất vào năm 1976, số người chết thêm cũng đến trên 20 triệu người. 

 

Chú thích:

1.Trung Nam Hải: chỉ vùng Tử Cấm thành tại phía tây Bắc Kinh,

2.Lễ ôm gối: nghi thức ôm gối tỏ sự thân cận giữa Chư hầu và Thiên tử.

3.Theo Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, tác giả Tân Tử Lăng, do Thông Tấn Xã Việt Nam dịch và in năm 2009.

..Nguồn: Văn hóa Nghệ An................................

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *