Những ban đêm thành cột mốc tháng năm/ Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng/ Đêm thao thức đón chờ ánh sáng/ Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời. (Đêm trắng - Nguyễn Văn Thạc)
Gửi thư    Bản in

Góc nhìn, điểm nhìn qua “Chim phố” *

Đặng Huy Giang - 30-07-2014 08:39:17 AM

Nhiều năm trước, đại thi hào Nguyễn Du – tác giả của “Truyện Kiều” và những bài thơ chữ Hán bất hủ, từng viết: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Câu thơ này không chỉ là một câu cảm thán bất chợt, mà còn là một câu thơ trải nghiệm, có màu sắc triết lý, cho thấy: Trong nhiều trường hợp, chính “người” chi phối, có ảnh hưởng đến “cảnh”, chứ không phải “cảnh” chi phối, có ảnh hưởng đến “người”.

     Điều này cho thấy: Đối với người làm thơ, vai trò của cái chủ quan, cái chủ thể thường lần át cái khách quan, cái khách thể.

     Mặt khác, hơn ai hết, trong việc làm thơ, nhà thơ chính là người cá thể hóa mình mạnh mẽ nhất bằng thơ, rồi nhờ đó mà có thể tạo ra sự khác biệt của chính mình.

     Tôi tin từ một xuất phát như thế, Nguyễn Thanh Ứng đã chọn được một góc nhìn và một điểm nhìn hợp với cái tạng và cả cái tâm lẫn cái tình của anh qua “Chim phố”.

     Cho nên khi soi vào bạn, soi vào gương trong “Bạn và gương”, ông mới cảnh tỉnh: “Còn biết bao điều/ Vỏ xanh lòng đỏ/ Thức khuya mới tỏ/ Da trắng, lòng đen/ Thật - giả bao phen/ Gương nào soi được?”.

     Cho nên khi leo núi trong “Lên Tam Đảo”, ông mới ngộ ra: “Ta như lạc bước miền thăm thẳm/ Vào cõi tĩnh tâm chạm cửa thiền”.

     Cho nên khi đi ngang qua sông Hồng trong “Cầu Long Biên”, ông mới thấy: “Không thể nói về Hà Nội mà không nhắc Hồng Hà/ Không thể nói đến Hồng Hà mà không nhắc Long Biên”.

     Tất nhiên, trong hai câu thơ trên, sự khách quan đã lấn át sự chủ quan. Bởi vì Hồng Hà là một phần Hà Nội, Long Biên là một phần Hồng Hà và một phần Hà Nội. Bởi Long Biên là “Cây cầu thủy chung cùng sông nước”, là “chứng nhân, chứng tích chẳng phai mòn”.

     Cho nên khi ở giữa núi - sông - trời - biển, giữa những cái sóng đôi, giữa những cái tưởng chừng mãi mãi ấy, ông mới băn khoăn ngay từ bên trong sự lựa chọn của mình: “Anh đã chọn núi ấy/ Hay anh chọn biển này”, để rồi nhận thấy cái hữu hạn trong cái vô hạn từ cách lựa chọn phù hợp của mỗi con người và đặt ra câu hỏi: “Anh bơi hay anh bay/ Giữa cao, xa, rộng lớn?”.

     Cho nên ông đã nhìn biển rất khác trong “Lý giải” như là sự phát hiện của riêng ông: “Biển thành nơi chứa đựng/ Biển thành nơi chịu đựng”, để rồi phát triển từ cái “nhân” này mà thành “quả” trong một logic gần như là tất yếu: “Vì thế biển đầy sóng/ Lòng không mấy khi yên/ Cất điệp khúc nhấn chìm/ Và chán mình hơn cả”.

      Cho nên trong khi nhắc lại những điều không mới trong “Hỏi”: Núi - đứng, sông - nằm, đông - trắng, muối - mặn, gừng - cay, rượu - say…ông vẫn làm mới lại những gì tưởng như đã cũ và đọc lên vẫn thấy đớn đau, buồn nản: “Chinh chiến triền miên/ Chất chồng đổ vỡ/ Ruột nào không mềm/ Máu nào không đỏ?”.

     Và chỉ có góc nhìn riêng, điểm nhìn riêng, Nguyễn Thanh Ứng mới có thể có cảm giác lâng lâng mà “Mang Đà Lạt về nhà”, mà tự ví mình như “Một góc Thiền Quang” (một góc ánh sáng của thiền) trong “Ta mang Đà Lạt về nhà” và “Một góc Thiền Quang”. Theo tôi, một góc Thiền Quang cũng là một góc thi nhân và những khoảnh khắc thì nhân của người thơ Nguyễn Thanh Ứng:

 

Tôi ngồi một góc Thiền Quang

đột nhiên

chuông thỉnh

hàng hàng tăng ni

 

Nắng như quên buổi đương thì

gió như quên bẵng

bước đi

thì thầm

 

Bông hoa quên vẻ trầm ngâm

Cái hồ ngửa mặt

thăng trầm đẩu đâu.

 

Mùa thu vắt một nhịp cầu

Qua đây

quên những dãi dầu, trái ngang.

 

Và tôi – một góc Thiền Quang.

 

    Người đọc cũng nhận ra nỗi ám ảnh “bộ hành” trong “Bộ hành” cả trong gian khó lẫn thuận lợi. Ấy là khi về thăm nhà. Ấy là khi hành quân đánh giặc. Ấy là khi đi làm. Ấy là khi đi chơi. Sự ám ảnh ấy thường xuyên và thường trực đến nỗi : “Trong đêm giấc ngủ vẫn mê…bộ hành”.

    Riêng với “Chim phố” thì có khác. Nguyễn Thanh Ứng đã đụng đến cái bi kịch của sự giam cầm, tù đầy: “Khản giọng gọi bạn tình xa/ Than ôi! Bạn cũng như ta trong lồng” và đi kèm theo đó là nỗi đớn xa xót không cùng: “Vào rừng…muông thú vắng không/ Về phố gặp tiếng chim lồng gọi nhau”.

     Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà tập thơ thứ hai của Nguyễn Thanh Ứng mới có tên là “Chim phố”.

 ----------------------------

* Nhà xuất bản Hội Nhà văn tháng 5 năm 2014.

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn