Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Đức khiêm nhường của bậc chí nhân

Nguyễn Bình Phương - 08-05-2012 02:12:26 PM

VanVN.Net - Những người thực tài, lại có bề dày văn hóa thì luôn khiêm tốn. Bậc chí nhân bao giờ cũng nhún nhường. Điều này có thể lấy dẫn chứng từ hai bức thư của hai con người nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Bức thư thứ nhất là của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cụ Bùi Bằng Đoàn về việc thảo lời điếu cụ Nguyễn Văn Tố. Toàn văn bức thư như sau:

“Kính gửi cụ Bùi,
 trưởng Ban Thường trực Quốc hội
Tôi muốn có một bài truy điệu cụ Tố. Nhưng nhờ người viết thì không biết nhờ ai. Tự viết lấy thì viết không được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế.
Vậy tôi cứ bạo dạn thảo ra đây, trình cụ xem. Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm. Nếu không thể sửa, thì ta làm văn xuôi vậy.
Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai. Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt, nên cứ gửi để cụ xem.
Mong kỳ hội đồng sau sẽ được gặp cụ. Kính chúc cụ mạnh khoẻ và xin cụ chuyển lời tôi hỏi thăm cụ Phan và cụ Vi.

Chào thân ái và quyết thắng
Tháng 5 năm 1948
Hồ Chí Minh”

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5 - Nxb. Chính trị Quốc gia,1995)

Chỉ cần so sánh địa vị của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cụ Bùi Bằng Đoàn tại thời điểm viết bức thư, ta sẽ thấy đức khiêm tốn của Hồ Chí Minh quả là đáng trọng. Đáng trọng hơn nữa, đây lại là bức thư của tác giả Nhật ký trong tù. Lời lẽ trong thư nhún nhường, khiêm cung, mang tinh thần cầu thị, đặc biệt là khả năng dám nhìn nhận, đánh giá đúng thực lực tác phẩm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tự viết lấy thì không viết được, vì xưa nay tôi chưa hề tập viết văn tế”. Đó là lời nói thẳng, nói thật, nói rõ ràng về hạn chế của mình mà không viện bất kỳ lý do nào để che giấu cái hạn chế ấy. Xét theo xu hướng chung là xưa nay thiên hạ vốn thích che cái xấu lại, phô cái tốt đẹp ra thì đây thật là một thái độ can đảm. Không chỉ dừng lại ở việc nhìn nhận ra mặt hạn chế mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn mạnh bạo tự đánh giá kết quả công việc của mình một cách công khai, sòng phẳng. Nhà thơ hiện nay có mấy ai đủ can đảm và bản lĩnh nhận xét về sản phẩm của mình như thế này: “Khi tôi thảo xong, đọc lại, nghe khá chướng tai.” Để hạ được câu tự nhận xét “nặng ký” ấy với một người địa vị, danh tiếng thấp hơn mình thì không chỉ phải là người thực sự cầu thị mà còn phải là người có tầm văn hoá, trên hết phải là người có bản lĩnh vững vàng, tin ở sự tiến bộ phía trước. Nhân gian tổng kết: “văn mình vợ người”. Văn mình bao giờ cũng hay, cũng nhất. Thoát khỏi được cái tổng kết chết người ấy thật chẳng dễ nếu thiếu đi sự tỉnh táo, sáng suốt. Tiến thêm được một bước nữa, là phục người khác, lại là điều khó khăn. Rõ ràng ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính phục cụ Bùi Bằng Đoàn, thái độ kính phục được thể hiện qua những câu chữ như: “trình cụ xem”, “Nếu có thể sửa được thì xin cụ sửa giùm.”, “Vì đối với cụ, tôi không dám giấu dốt...” Đọc những câu chữ ấy ta hiểu thêm rằng vì sao Hồ Chí Minh được gọi là danh nhân văn hoá thế giới.
Bức thư thứ hai là của bậc chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu gửi cho nhà thơ Hàn Mặc Tử. Thư được viết năm 1932, sau khi Phan Bội Châu đọc được ba bài thơ của Hàn Mặc Tử đăng trên báo Thực nghiệp.

“Kính thưa tác giả P.T tiên sinh,
Tác giả cho tôi đọc ba bài thơ, tôi lấy làm hân hạnh cho “Mộng du thi xã” lắm. Xem trong thâm oán cao tình, thanh tân nhã điệu, tôi chỉ phàn nàn rằng, người oán quá cao, tất nhiên người họa phải ít, cho nên tôi chỉ tục điếu ba bài mà thôi, còn như nói rằng tôi nói thơ được với tác giả thì tôi không dám. Ôi! Hồn giao nghìn dặm, biết làm sao bắt tay nhau mà cười lớn một tiếng, mới là thỏa hồn thơ đó”.

(Báo Tin tức Sài Gòn số 9, ngày 24-2-1940)

Phan Bội Châu sinh năm 1867, còn Hàn Mặc Tử sinh năm 1912, nghĩa là cụ Phan hơn Hàn Mặc Tử tới 47 tuổi, thế mà trong thư ta không thấy sự chênh lệch quá lớn ấy, chỉ có thái độ lịch sự “kính thưa... tiên sinh... tôi lấy làm hân hạnh”, và một vẻ nhún nhường hạ mình tràn đầy văn hóa “còn như nói rằng tôi nói thơ được với tác giả thì tôi không dám”. Nên nhớ Phan Bội Châu cũng là một bậc thi sĩ tài hoa, học cao hiểu rộng và thời điểm thư viết thì danh tiếng của cụ trong xã hội nổi hơn Hàn Mặc Tử. Trước một thái độ tràn đầy văn hóa và sự khiêm tốn như vậy, quả thực chỉ còn biết ngả mũ cúi chào, không bàn gì thêm được nữa.
Xin mở ngoặc thêm chút nữa: Đối với bản thân thì cả hai đều khiêm tốn vậy, nhưng họ nhận xét về nhau thì lại không tiếc lời. Hồ Chí Minh đánh giá Phan Bội Châu là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập”. Trong khi đó Phan Bội Châu viết thư cho Hồ Chí Minh, lúc ấy còn gọi là Lý Thụy, với tư cách vừa là người cùng chí hướng, vừa là bậc cha chú (vì là bạn của cụ Nguyễn Sinh Sắc) bày tỏ tinh thần tôn trọng hết mực: “... tôi cũng chẳng ngờ rằng rồi cháu lại giỏi đến thế này. Bây giờ tôi bì với cháu thì xấu hổ nhiều lắm... Cháu là người học rộng hiểu biết nhiều, hơn tôi không biết bao nhiêu...”
Qua thái độ từ hai bức thư trên còn thấy một điều nữa: những bậc chí nhân, chí thánh, những người có khả năng nhìn xa trông rộng luôn hiểu rõ và coi trọng cái quyền uy của văn chương, chữ nghĩa

(Nguồn: vannghequandoi.com.vn)


Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...