Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Văn tế cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

Văn Chinh - 12-03-2012 11:40:44 AM

VanVN.Net - Cụ Nguyễn Khắc Niêm (1889 – 1954) đỗ Hoàng giáp năm Đinh Mùi (1907) khi tròn 18 tuổi; trẻ thứ nhì trong lịch sử khoa cử Việt Nam, sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền. Khi vua Thành Thái mời các tiến sĩ tân khoa dự yến, nhân hỏi về kế sách trị quốc, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm đọc bài châm mà sau này trở nên nổi tiếng, được Tổng tài Sử quán triều Nguyễn là Cao Xuân Dục đánh giá rất cao…

                                              Tôn tộc đại quy

                                              Tôn lộc đại nguy

                                              Tôn tài đại thịnh

                                              Tôn nịnh đại suy

Bàn thờ cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

Trải các chức Giáo thụ, Án sát Nghệ An, Tuần vũ Khánh Hòa, Tổng đốc Thanh Hóa, Tham tri Bộ hình… nhưng lại thường chở che cho những người Cộng sản khi bị bắt tù; cho nên sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, được Tòa án Cách mạng ở Nghệ An miễn nghị. Sau đó cụ tham gia Ủy viên Ủy ban Liên Việt khu 4 của chính quyền Cách mạng.

Cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

Cụ là thân phụ của 15 người con, tất cả đều thành Người theo đúng nghĩa, trong đó có những người nổi tiếng: BS – nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, GS Nguyễn Khắc Phi và nhà văn Nguyễn Khắc Phê. Nhân kỷ niệm 70 năm cụ Hoàng Niêm cáo quan về nghỉ hưu (1942 – 2012), con cháu chắt cụ đã xây dựng Nhà tưởng niệm trên nền đất cũ để lưu giữ những di sản tinh thần của cụ, đồng thời là một địa chỉ văn hóa, thể thao cho thanh thiếu niên và bà con xã Sơn Hòa (Hương Sơn, Hà Tĩnh) rèn luyện tinh thần và thể chất nhằm phát huy truyền thống văn hóa dân tộc trên tiến trình hội nhập. Nhà văn Văn Chinh đã được mời tham dự Lễ Khai trương Nhà tưởng niệm Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm vừa diễn ra vào ngày  6 -3  – 2012 (ngày 14 tháng Hai Nhâm Thìn), ông đã viết bài phú mà vanvn.net giới thiệu sau đây và đã  dâng hóa trước Anh linh cụ.

Nhà văn Văn Chinh đọc văn tế cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

 

Vãn sinh từng nghe

Địa linh này thời nào cũng sinh tuấn kiệt

Nước nhiều thương đau cần lắm văn nhân

Câu ca xưa người Nghệ hát rằng

“Nơi muốn coi không có mà coi

Nơi lại có cả voi lẫn ngựa”

Nghe thơ ca khí chất thêm tưng bừng

Được sẻ chia được gợi niềm phấn khích

Đất này sinh cụ Hoàng Niêm

 

Nhớ cụ xưa

Gần bẩy mươi năm tại thế

Khôi nguyên Hoàng giáp, thờ vua thờ dân giữ đạo trung dung

Tuần vũ Tham tri, kính trên nhường dưới bất thiên bất dịch

Lòng chẳng thẹn với Đào Uyên Minh tuy chưa thể từ quan

Thân vẫn cứng trước năm đấu gạo mà giữa triều ở ẩn (1)

Lấy hai bà vợ, người nết na giữ đẹp đạo nhà, người tần tảo mở mang tổ nghiệp

Sinh một đàn con, anh học giỏi không thẹn làm con, em chẳng hổ huyết thống Khôi nguyên

Sống trong trời đất như tùng Uyên Minh (2)

Sửa được thói thường, đa nam hà cụ (3)

Ấy là bởi:

Ăn không nề lửng dạ rau dưa

Học nhất thiết nhuần tâm đạo lý:

Ái quốc mạc vong tổ, tử tử tôn tôn.

Nhân dân tiên mục thân, lão lão ấu ấu.(4)

 

Vậy nên

Anh đỗ đạt trường Tây không về làm quan thuộc địa, vậy là nhà có phúc

Em vì dân đói rét đạn bom tìm thiên đường, lại bị nghi theo giặc

Anh nghĩ thời nào thì cũng cần Người, vậy thì đi dạy người

Em thấy đời lắm điều hay cùng oan trái, bèn cầm bút viết văn

Mười lăm con đều thành người danh vọng

Làm lắm nghề âu cũng nghiệp văn nhân

Cha tích đức trồng cây tùng Bành Trạch

Mẹ hằng tâm vun xới cỏ Khang Thành (5)

Cành thiện mỹ vươn khắp nước non xanh

Năm đói ăn vin đạo nhà giữ hạnh

Thời chợ búa nương chí cha kiêu hãnh

Hôm nay cây phúc sum suê

Hẳn còn tốt cành xanh lá

Xin có thơ rằng:

Danh gia vọng tộc là đây

Luân hồi thêm nghĩa đang bầy trước hiên

Tinh thần cũng thể di truyền

Ruộng kinh sử, đức sinh tiền hỡi ai (6)

Mới hay:

Thời phụ thân bảng vàng bia đá chưa dám bảo rằng may, triều Nguyễn suy vi sắp đi vào lịch sử

Phận các con nấu chảy nung vôi không nên coi là rủi, nước nhà bĩ cực đã  đến vận thái lai

Hẳn cụ hằng tin, dẫu thiên hà vô ngôn nhưng gieo nhân nhân mọc

Vãn sinh học biết, tuy đất lắm mỡ mầu mà vô nhân nhân trẩm

Vậy xin:

Một cành tùng Bành Trạch

Một nhánh cỏ Khang Thành

Và thang dược tiên chữa bách bệnh thế gian:

 Tôn tộc đại quy

Tôn lộc đại nguy

Tôn tài đại thịnh

Tôn nịnh đại suy

Đặt lên đầu mọi giáo khoa thư, khắc lên đá  núi mọi chốn mọi nơi, mà hát tụng ở mọi thời mọi thế

Để trán trẻ sáng bừng nguyên khí, quét rác nhân tâm trời Nam đất Bắc, làm hạt nhân cho hội nhập hoàn cầu

Nay vãn sinh là học trò thầy Phi

Trước Anh linh tế cụ

Nôm na phú một bài

Lòng thành hương ba nén

Ba vái này xin cụ nhận cho

Kính dâng

Thượng hưởng

 

Ngôi nhà tưởng niệm cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm

-------------------------

(1) và (2): Xem chú thích (5)

(3): Đa nam hà cụ: Đa nam nhưng không sợ, lấy ý từ câu của vua Nghiêu: “Phú đa sự, thọ đa nhục, đa nam đa cụ.”(Giàu có sinh ra lắm việc, sống lâu gặp nhiều điều nhục, nhiều con trai càng nhiều điều lo.)

(4): Câu đối tại nhà thờ  họ Nguyễn Khắc ở Nam Đàn do cụ Hoàng Niêm cung tiến.

(5) Bành Trạch: Tên một huyện ở Giang Tây (Trung Quốc), nơi Đào Uyên Minh (365-427) từng làm tri huyện và nói một câu bất hủ: “Ta không thể vì 5 đấu gạo mà khom lưng trước lũ nhãi ranh hương lý” rồi từ quan. Từ đó, ông sống nghèo khổ tại quê cho đến cuối đời. Trong vế đối này dẫn cây tùng, vì trong bài “Quy khứ lai hề từ” nổi tiếng, Đào Uyên Minh đã dựng lên hình ảnh cây tùng để biểu hiện chí khí của mình. Trong quan niệm xưa, tùng tượng trưng cho khí tiết người quân tử.

Khang Thành tức Trịnh Huyền (127-200), một học giả thời Đông Hán, quê Bắc Hải (nay thuộc Sơn Đông), ông có cư xá Khang Thành, trồng loại cỏ thơm.

(6) Mượn ý câu Ruộng kinh sử, của hiếu trung trong bài Thơ dâng bậc sinh thành của cụ Hoàng Niêm.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...