Sen nở như không biết người âu sầu/ Hay sen cũng âu sầu mà người không biết/ Cùng sắc trắng trong, cùng đượm hương từ ngàn đời/ Chỉ khác em lên tiếng mà ta lặng im. (Liên bút từ sen - Nguyễn Lương Ngọc)
Gửi thư    Bản in

Họ sinh sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 – Phần tiếp theo

04-05-2012 01:20:13 PM

VanVN.Net – “Không chịu đi lại con đường xưa của thế hệ cha anh, văn trẻ dám đi tìm con đường riêng để đến với bạn đọc. Trước hết họ tìm đến vùng hiện thực khác để tránh đụng hàng với các nhà văn thành danh, mà Di Li viết tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” và một số truyện ngắn kinh dị khác là một ví dụ. Trinh thám - kinh dị, một thể loại văn học gần như bỏ quên của văn đàn Việt Nam hiện đại… Hoặc tìm đến hình thức thể hiện mà các nhà văn đi trước ít sử dụng là truyện ngắn không cốt truyện, hoặc cốt truyện lỏng, hoặc cốt truyện không phải là điều quan trọng nhất của tác phẩm mà Uông Triều, Chu Thùy Anh… thường quan tâm.” – Nhà văn Sương Nguyệt Minh. VanVN.Net tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc chùm truyện ngắn của ba tác giả trẻ sinh sau năm 1975: Di Li, Uông Triều và Chu Thùy Anh.

CUỐN TRÔI TRONG GIÓ

Truyện ngắn của Di Li

Nhà văn Dili. Ảnh: Tuấn Linh

Một ngày đầu đông năm 2009, tôi tình cờ ngồi trong một quán cà phê có những chiếc bàn kê trên bao lơn chòi lơ lửng vươn ra mặt nước Hồ Tây. Tôi một mình, bộ ấm chén cũ kỹ bày trước mặt, và đôi kính cận dường như không rời khỏi mắt. Cho đến lúc tôi rét run lên vì những cơn gió thốc xuống từ màn trời màu xám và chuẩn bị khoác túi đứng dậy ra về thì đột nhiên chiếc loa cũ rè treo trên vách tường lại âm ỉ bài “Blowin’ in the wind” của Bob Dylan. Tôi khựng lại như chiếc máy hát bị bấm nút tạm dừng, mãi sau mới lẩm bẩm “Thời đại nào rồi mà người ta còn giữ Blowin’ in the wind(1) nhỉ?”. Thì có gì lạ khi tôi đang ngồi ở một chỗ mà mọi thứ cũ kỹ như thể nửa thế kỷ qua thời gian đã bỏ quên nơi này. Bod Dylan và các ca khúc phản chiến ở Hoa Kỳ hồi thập niên 60 thế kỷ trước cứ vang lên làm cho ký ức tôi bừng sáng. 

…ở, sát vách nhà tôi là ngôi chùa. Hồi bé tôi học rất dốt nhưng kinh kệ lại thuộc làu làu. Tiếng Phạn đọc không vấp váp. Dạo ấy ăn cơm chùa nhiều hơn cơm nhà. Chỗ chơi là sân chùa và gốc cây đại. Quần áo chỉ độc đồ thầy chùa. Ni cô trong chùa dạy tôi đọc kinh. Tôi yêu quý ni cô trong chùa như mẹ của mình, bà ấy đẹp lắm, một vẻ đẹp rất khó cắt nghĩa, cho đến một ngày… tôi phát hiện ra…

Ký ức vẫn cứ néo giữ tôi ở những ngày xa xăm. Tôi thấy mình mặc chiếc áo ghi thầy chùa dài thườn thượt và đang đu mình lên cành cây đại. Tà áo rộng rũ xuống hở cả lưng. Người đàn bà cũng mặc áo ghi dài thượt giống tôi, chiếc khăn xám bao trên khuôn mặt thanh tú. Nhìn thấy tôi, bà nhíu đôi lông mày mảnh như vầng trăng hạ tuần.

- Phước, xuống đi con. Nếu con không muốn đọc kinh thì vào đây rửa lá chuối cùng ta. Chiều nay ta gói bánh nậm.

- Không, thế nào con cũng trèo được lên ngọn cây kia. – Tôi nghểnh mặt lên trời cao. Cả xóm Cồn Hến nể sợ ni cô Đàm Khanh nhưng tôi tự cho mình là người duy nhất có quyền nhõng nhẹo cô.

Không đứa trẻ nào chịu nổi những lời trách móc trên khuôn mặt buồn bã của ni cô Đàm Khanh. Tôi tụt vội xuống đất, lõn nhõn chân trần chạy vào gian bếp.

 Lần nào cũng vậy, để lòng tôi đỡ mất kiên nhẫn khi làm việc, cô thường kể chuyện về Đức Phật. Lần này là câu chuyện Đức Phật thu phục quỷ dạ xoa Alavaka. Quỷ Alavaka bắt Đức Phật trả lời câu đố, nếu không trả lời được, nó dọa sẽ xẻ tim, nắm chân quăng qua tận bên kia sông Hằng.

- Quỷ hỏi gì? - Tôi tò mò về quỷ Alavaka hơn là về Đức Phật.

- Quỷ hỏi: Vật sở hữu quý nhất của con người là gì?

Tôi để nguyên hai bàn tay ướt chạy về nhà. Tôi ôm lỉnh kỉnh một bọc vải chéo màu xám, trong gói nhiều thứ đồ mà cô đã tặng, như một thứ phần thưởng sau bài kinh tôi đã học thuộc lòng hay suốt bảy ngày tôi tình nguyện rửa chân vào lúc bảy giờ tối mà không phải nhắc nhở. Đấy là những tràng dây chuyền màu cẩm thạch, bức tượng Đức Phật nhỏ xíu bằng đá trắng, rồi bông sen vàng óng nhũ kim. Tôi bày hết ra mặt đất và khoanh tay trả lời.

- Đây là vật quý nhất.

Cô buột cười, bàn tay xóa một vết bẩn trên má tôi.

- Khi có nó con có vui không?

- Con vui.

- Câu trả lời của Đức Phật là: Niềm vui là vật sở hữu quý nhất của con người.

- Quỷ còn hỏi gì nữa?

- Hương vị nào ngọt ngào hơn tất cả?

- Bánh nậm.

- Con là đứa trẻ chân thật nhất trên đời. Câu trả lời của Đức Phật là: Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.

- Cô có niềm vui không? – Tôi cắt ngang.

- Ta có. - Ni cô Đàm Khanh tắt vội nụ cười, nhưng rồi cô ôm tôi vào lòng, bàn tay ướt của cô nắm chặt lấy bàn tay tôi. - Có con bên cạnh là ta vui lắm.

Người đàn ông cao lớn, có đôi mắt sáng dưới hàng mày rậm là cha tôi. Tôi đã nhìn thấy ông ngồi hàng đêm dưới ánh trăng dát vàng trên sân thượng, ánh mắt mơ hồ lắng xuống dòng sông Hương. Cây đàn ghi ta ôm trong lòng réo rắt điệu khúc vui tai của bản “Sơn nữ ca”, đôi chân ông nhịp nhịp giữa sóng nhạc tango. Nhưng cũng có những ngày tiếng ghi ta rảo theo giai điệu “Blowin’ in the wind”. Tôi lơ mơ trong giấc dở say dở tỉnh, thấy lơ lửng không trung văng vẳng bản nhạc buồn bã, phía bên kia vách tường đều đặn tiếng lốc cốc hòa vào lời kinh kệ đều đều vô cảm, và ngoài sân, mẹ tôi loạt xoạt chổi đót trên nền gạch đã không còn một vẩy rác. Trăng đêm vẫn xanh xao như thế và nước thì lấp lánh trên mặt sông. Giấc ngủ của đứa trẻ vẫn hồn nhiên im lìm.      

Cho đến một ngày, tôi nhìn bóng người quen thuộc rảo bước qua gian chính. Người biến mất sau cánh cửa thư phòng mà ngoài ni cô Đàm Khanh, chỉ có tôi mới được tự do vào ra như thế. Tôi nhớ ra không chờ những hôm trăng sáng, đã bảy đêm liên tục cha tôi đàn bản nhạc buồn bã “Cuốn trôi trong gió” trong bóng đen hạ tuần. Qua cánh cửa không khép chặt, tôi nhìn thấy bàn tay cha run rẩy trên gò má ni cô Đàm Khanh. Đầu cha rũ xuống tựa hồ trên vai đã quá nặng, rồi ông kéo mạnh người đàn bà vào lòng, trong ánh vàng vọt mờ nhạt của hoàng hôn hắt vội qua thư phòng.

- Anh đành phải lựa chọn. Anh không thể sống mãi như thế này… Thà rằng anh không nhìn thấy em nữa…

Ni cô Đàm Khanh lặng im, mắt ngần ngận bóng nước.

Ngày hôm sau, cha báo cho cả gia đình chuẩn bị chuyển nhà ra Hà Nội. Ông đã sắp xếp được một công việc ngoài ấy, tốt hơn ở cái kinh thành ảm đạm này. Chúng tôi bán nhà cho một người hàng xóm, giá rẻ. Mẹ xin giấy chuyển trường cho tôi. Cha thu dọn đồ đạc. Còn tôi len lén mang bọc vải chéo màu xám ra sau nhà. Tôi dùng một viên gạch đỏ còn nguyên vẹn ghè nát từng thứ một bên trong. Những viên đá cẩm thạch, những bức tượng Phật, những hình bông sen vụn vỡ tung tóe.

- Phước, tại sao con làm thế?

Giọng nói quen thuộc sau lưng tôi lộ vẻ kinh ngạc và đau đớn. Tôi không quay lại mà nói đều đều vô cảm như đang đọc một đoạn kinh Phật. Niềm vui là vật sở hữu quý nhất của con người. Sự chân thật là hương vị ngọt ngào nhất.

Trong khoảnh khắc, tôi nhận ra ni cô Đàm Khanh đã lấy đi của tôi cả hai điều ấy. Tôi không nhớ mình đã nhìn vào mắt cô lần cuối cùng là bao giờ, vì lúc đó, và ngay cả trước khi lên xe ra ga tàu, tôi kiên quyết không đối diện với đôi mắt ẩn dưới vầng trăng hạ tuần nữa.

*

Tôi lại thấy mình thoát khỏi bóng thâm u của kinh thành Huế và quay trở về bên mặt nước Hồ Tây lạnh giá. Tình yêu ấy xuất phát từ đâu? Không biết. Bà ấy đẹp lắm, vẻ đẹp ma mị không phải của người trần mắt thịt. Cha tôi là đàn ông. Đơn giản thế thôi. Giờ đã trưởng thành và khi tôi được nghe ông kể câu chuyện của đời ông rồi thì tôi hoàn toàn thông cảm với người cha đã đi qua quá nhiều thăng trầm thời loạn lạc:

… Đầu mùa khô năm 1967, hội trại sinh viên náo nhiệt trong những cơn gió mát lành đang trờ qua bầu trời không một bóng trăng sao. Những ngọn lửa đỏ rực hắt lên từ thảm cỏ đen sẫm. Toàn Nghi đứng vắt chéo chân sau cánh gà. Biền trọc ngồi bên cạnh lấy vạt áo lau cho bóng loáng chiếc kèn harmonica, miệng làu bàu:

- Đến lượt… Đến lượt rồi…

Biền chỉnh lại chiếc áo pull đen cho thẳng. Trông gã bụi bặm đối nghịch nực cười với bộ sơ mi trắng của Nghi. Tuy nhiên họ sẽ cùng hòa âm bản “The Times They are A – Changin’”(2) bằng guitar và harmonica. Tiếng hò reo và huýt sáo khiến Biền trọc phấn chấn. Gã hứng chí thổi một khúc ngẫu hứng không theo bản nhạc.

Hết tiết mục, lẽ ra Nghi solo thêm bài “Blowin’ in the wind” theo kịch bản nhưng Biền đã cắt ngang bằng một giọng cố tạo vẻ bất ngờ rất đáng ghét.

- Còn bây giờ là… “Sơn nữ ca”… qua sự trình bày…

Nghi nghe câu được câu mất vì ngay lúc đó người biểu diễn đã xuất hiện trên sân khấu. Trong ánh lửa đêm bập bùng, dải lụa đen óng ánh xõa xuống bờ vai trần trên chiếc đầm ren trắng.                  

- Và người đệm đàn cho ca sĩ Giang Khanh chính là Bob Dylan của Việt Nam.

Cây đàn trong tay Nghi chợt vã mồ hôi.                                      

Anh lướt năm đầu ngón tay, lướt cả hồn mình trên những dây đàn. Không còn đám đông phắc im bên dưới, không còn những đống củi hồng cháy rực, không còn những bản tin thông báo về lực lượng quân sự hùng mạnh của Việt Nam Cộng hòa trên đài phát thanh, không còn khuôn mặt hiếu chiến của tướng Westmoreland nổi giữa màn hình, chỉ còn ánh trăng bạc rười rượi đầu non, tiếng róc rách của suối rừng, âm thanh rì rào của lá, mùi trong ngát của sương đêm, làn hơi mát lạnh của cỏ mềm và giọng hát trong vắt của người đã gặp tình cờ bên dòng Hương.

Sơn nữ ơi!/ Làm chi cho đớn đau lòng trong một thời gian rồi thương rồi nhớ/ Sơn nữ ơi!/ Hoàng hôn xuống dần đợi chờ ai đây.

Tiếng vỗ tay ràn rạt không thể tan loãng vào trời đêm và Biền trọc từ cánh gà toét một đoạn harmonica phụ họa. Giang Khanh quay sang cười tươi rói vẻ cảm ơn rồi chiếc váy đầm trắng vụt biến mất sau cánh gà bên phải.

*

Biền và Nghi có mặt tại ga xe lửa Huế vào ngày hai tám tháng Chạp. Biền có một ông chú làm tại Đài phát thanh và ông chú đã hứa sẽ sắp xếp cho hai ông khách một căn phòng cho đến tận ra Tết. 

Sáng sớm hôm sau, họ đi bộ đến nhà Giang Khanh. Họ tìm đến ngôi nhà vườn có cây cột gỗ đen đồ sộ. Trước đôi mắt ngạc nhiên của cô gái Huế, Biền trọc giới thiệu như một cái máy.

- Anh là Huỳnh Hữu Biền, đại học Khoa học Sài Gòn, còn cậu này có bút danh Toàn Nghi, phóng viên tờ Tin sáng, học Văn khoa Sài Gòn, là người đệm đàn cho em hôm hội trại và là người rất hâm mộ em.

 Cùng lúc ấy, một người đàn ông mặc áo bông màu tím than may chặn bằng những đường chỉ vắt chéo, mày rậm, râu rậm đen nhánh xuất hiện sau cột gỗ sơn thếp. Khuôn mặt này, vóc dáng này hệt một ông quan dưới thời Minh Mạng. Ông ta vừa có vẻ gì đó đáng kính nể lại vừa bí ẩn khơi gợi trí tò mò. Ông cũng nồng nhiệt không kém gì ông chú của Biền, chỉ thiếu điều sắp xếp cho hai khách phương xa một phòng ngủ nữa mà thôi.

Trong nhà Giang Khanh, mọi thứ đồ đạc cũ kỹ tuồng ba thế kỷ nay không sắm thêm đồ gì mới. Song trên kệ lại có rất nhiều đồ gốm cổ mà sau khi giục con gái lấy ra đầy một mâm bánh đãi khách, ông mang từng chiếc xuống lau chùi bằng một chiếc khăn bông mềm. 

Biền trọc đã che cái đầu trọc bằng một chiếc mũ cát két dạ kẻ ca rô, vừa để che cái rét cắt da giữa miền Trung, vừa lấy vẻ nho nhã với chủ nhà. Biền tỉ tê nói ý, loanh quanh thế nào, cha của Giang Khanh hồ hởi mời cả hai tới góp vui giao thừa. Nhà chỉ có hai cha con, bà vú đã về quê từ hôm Táo quân chầu Trời, thêm người, căn nhà rộng năm trăm thước vuông bớt phần cô quạnh. Giao thừa là thời khắc chỉ dành cho gia đình, nhưng người cha mặc nhiên coi hai người đã như thành viên trong nhà. 

Trong vòng một tiếng đồng hồ, pháo ran khắp kinh thành Huế. Tiếng pháo đuổi nhau trong xóm, nhà sau lại to hơn nhà trước. Âm thanh chói chát bủa vây lên bầu trời đêm ba mươi. Khi pháo đã vãn, Biền trọc rút cây kèn harmonica trong túi quần réo rắt một điệu khúc vui tai. Rồi Toàn Nghi hòa âm trên cây đàn gỗ bản “Blowin’ in the wind”. Tiếng hát của anh trầm buồn lẫn vào pháo nổ lác đác trong những con ngõ nhỏ.

Bao nhiêu năm hòn núi kia đứng đó

Trước khi bị cuốn ra biển khơi/ Bao nhiêu năm tồn tại những con người/ Chờ tự do cho đến khi tìm thấy/ Bao nhiêu năm một người ngoảnh mặt/ Giả đò như không thấy không nghe/ Câu trả lời rồi cuốn trôi theo gió/ Câu trả lời rồi theo gió cuốn trôi.

Giang Khanh mặc chiếc áo nỉ màu tím, đôi bàn chân nhịp trên xác pháo hồng rợp, hai tay nhét sâu vào miệng túi và giọng ca cao vút cũng hòa theo.

Biết bao lần ta phải ngước nhìn lên/ Trước khi thấy được bầu trời/ Biết bao nhiêu lỗ tai người mang tới/ Để mà nghe được tiếng khóc than/ Đã bao thân rồi chết chôn trong lòng đất/ Để mà hiểu quá nhiều người ra đi/ Câu trả lời, bạn ơi, chỉ cuốn trôi theo gió/ Câu trả lời rồi theo gió cuốn trôi.

Tiếng guitar và ba giọng hát hòa lẫn vào mưa phùn ủ ê, nhưng mặt người sáng hồng bên bếp lò ấm áp đã được bệ ra sân. Toàn Nghi hát bằng phản xạ, đôi mắt anh thi thoảng chạm vào đốm lửa lấp lánh trong ánh nhìn của người bạn gái mới quen, mà dường thân thiết đã từ lâu. Má anh nóng rực và mười đầu ngón tay trôi theo những dây đàn.

Câu trả lời rồi cuốn trôi theo gió

Câu trả lời rồi theo gió cuốn trôi

Cùng lúc đó có những âm thanh ì oàng chập chờn vào tiếng pháo. Giang Khanh ngừng hát đầu tiên, rồi đến Toàn Nghi và Biền cũng đã buông thõng cây kèn harmonica. Tiếng nổ, song không phải là tiếng pháo.

- Ba. - Giang Khanh thảng thốt gọi, nhưng không có tiếng đáp lại.

Người cha đã rời khỏi nhà lúc nào mà cả ba không hay biết. Có lẽ từ lúc họ còn đang mê mị trong tiếng nhạc bên bếp than thì ông đã bí mật đi ra cửa.

Giang Khanh tỏ ra bình thản hơn, cứ như thể cô đã biết chuyện gì đó. Cô chỉ hơi lo lắng vì thoắt cái đã không còn thấy cha mình.

 Trời đêm không một vảy sáng, họ chỉ có thể nghe thấy những âm thanh dồn dập từ nhiều phía. Rồi những quầng lửa chóe lên từ khu Mang Cá Lớn.

Ngay lúc vừa tang tảng, những bức tường thành lờ mờ trong ánh lờn lợt của bình minh rét mướt. Sáng hôm qua, Đại Nội còn thâm u im lìm như nhiều thế kỷ nay vẫn thế, giờ đầy những bóng người vội vã chuyển động dưới chân thành. Và cho đến khi trời sáng rõ mặt người, cờ giải phóng nửa dưới xanh, nửa trên đỏ với ngôi sao vàng ở giữa nổi rực trên đỉnh cột cờ Đại Nội giữa nền trời ảm đạm. 

- Quân Giải phóng đã chiếm được Huế.

Cha Giang Khanh thông báo bằng vẻ trầm tĩnh, nhưng ánh mắt sắt đá dong hình một ông quan triều Nguyễn thì ánh lên kỳ lạ.

- Chúng ta đã kiểm soát được khu Chánh Tây, cửa An Hòa và chợ Đông Ba. Chiến xa của quân Cộng hòa đã bị bắn hạ ngay gần Ty Cảnh sát quốc gia.

Dường như ông nắm tin tức nhanh nhất thành phố này.

Theo kế hoạch, Biền và Toàn Nghi sẽ rời Huế vào ngày mùng bốn Tết, nhưng giờ họ bị kẹt lại trong nội thành. Sáng mùng năm, tiếng máy bay trực thăng xè xè trên bầu trời xám xịt. Phần lớn thời gian, họ ở lại nhà Giang Khanh, lúc này thường xuyên vắng mặt người cha. Họ cũng quay trở lại nhà ông chú Biền nhưng không còn một ai ở đó nữa. Giang Khanh vẫn giữ vẻ kín đáo thường ngày, giống như một công nương trong đại nội, dù có biến cũng chỉnh tề xiêm áo và tư thế đàng hoàng. Cô nổi lửa hâm nóng những chiếc bánh làm từ trước ba mươi. Như thể đã biết trước có chuyện xảy ra, những chiếc bánh tét được gói chay không nhân thịt để giữ được lâu. Vỏ lá chuối đã khô giòn trong tiết trời lạnh giá nhưng bên trong còn nguyên vị thơm của gạo nếp. Đến mãi sau này, anh cũng không thể nào quên được khuôn mặt điềm tĩnh của Giang Khanh khi tiếng nổ giật mìn ở cầu Tràng Tiền vang dội khắp thành phố, và món ăn đặc biệt với đủ vị chua, ngọt, đắng làm từ tất cả những gì còn sót lại trong căn bếp vẫn vô cùng gọn ghẽ như lúc thường.

Chỉ ít ngày sau đó, ngôi nhà cố kính của cha con Giang Khanh cũng trở thành cứ địa. Bàn ghế sập gụ đen bóng vết tay người qua nhiều thế kỷ được trưng dụng làm chướng ngại vật. Biền, Toàn Nghi và Giang Khanh phải chuyển đến trung tâm tị nạn trong nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, còn người cha vẫn ở lại ngôi nhà của mình.

Ba người chia nhau tấm chăn bông trải trên sàn đá nhà thờ lạnh giá. Những chiếc ghế dài cầu nguyện được dẹp gọn vào góc để nhường cho trẻ nhỏ. Người người ngổn ngang bên đống đồ đạc gói đùm trong vải vóc. Gần sáng, những tiếng nổ vãn dần. Trong khoảnh khắc, không gian lặn vào sự tịch mịch chết chóc. Biền trọc đã chìm vào giấc ngủ không mộng mị. Gã úp mặt vào góc tường, bình yên như đang nằm trên giường nhà hứng gió quạt. Toàn Nghi kéo người bạn nằm xuống. Anh nhích ẹp vào Biền trọc để nhường chỗ cho cô. Đôi bàn tay cô lạnh toát và ánh mắt vẫn long lanh không hòa lẫn vào màn đêm. Nhà nguyện ngập trong bóng tối dày đặc. Nghi ghé vào tai cô khẽ thì thầm bản “Blowin’ in the wind” giống như đang an ủi một người thân yêu nhất. Hơi ấm ít ỏi trong chăn tỏa dần sang cả hai. Anh ôm chặt cô vào lòng và Giang Khanh cứ để nguyên như thế, ngón cái vùi chặt trong lòng bàn tay. Anh ước gì thời gian dừng lại ở khoảnh khắc này, và địa cầu ngừng không quay nữa. Anh nhắm mắt lại và chập chờn tỉnh thức trong những hình ảnh lờ mờ của đền đài, thành quách, cung điện sụp đổ nát vụn dưới ánh chớp lòa. Và giữa đống đổ nát, một dải lụa đen trắng mềm mại đứng lặng yên bất động tựa hồ là sinh thể cuối cùng còn sót lại trên Trái đất này. Trong cơn mơ vô thức, anh càng ôm chặt cô vào lòng, như sợ hãi chỉ cần nới lỏng tay là cô sẽ tan chảy cuốn trôi vào trong gió.

Liên tục những ngày sau đó, Tòa tỉnh trưởng thông báo thiết quân luật 24/24 trên Đài phát thanh. Cận Tết Nguyên tiêu, những bức tường kiên cố giữa kinh thành đồng loạt sụp đổ dưới làn mưa bom Napal và hỏa tiễn. Hôm ấy trời không quá lạnh. Bóng đen của tháp chuông nhà thờ vươn lên bất lực. Giang Khanh và cái tháp chuông, cứ im lìm mãi như thế. Chừng ba giờ sáng, khi tiếng đại bác tạm ngưng như thể người điều khiển nó muốn nghỉ giải lao, Giang Khanh khoác thêm chiếc áo dạ và cắm cúi bước ra ngoài.

- Em đi đâu? - Toàn Nghi thảng thốt.

- Em về nhà.

- Đừng, nguy hiểm lắm. Em muốn lấy gì ở đó để đến sáng mai anh và thằng Biền sẽ tính.

- Không, em chỉ muốn về nhà.

Nghi vội bước rảo theo. 

Khi họ về đến ngã tư Duy Tân – Lê Lợi, hàng loạt xe tăng Mỹ với nòng súng Canon Beauford đã đứng dọc sông Hương. Những chiếc mũ đặc trưng của lính Cộng hòa đảo qua đảo lại nổi chỏm dưới ráng trời còn sậm tối. Giang Khanh kéo vội Nghi đi ngược sang hướng khác. Toàn bộ dãy nhà cổ kính khuất trong im lặng, sự im lặng giống hệt ngôi trường tiểu học. Không cần chạm vào người bạn gái đang bước đi như chạy, Nghi cũng biết rằng cô đang run. Ngay cả bản thân anh cũng đang run lên, ruột gan bồn chồn nhộn nhạo như dập xuống dềnh lên với sóng biển. Anh không thể bước qua cổng nhà vì không còn cổng nữa. Bức tường rào đã bị phá sập thành những ụ lổn nhổn. Đôi bàn chân phía trước thoăn thoắt vượt qua gạch đá. ánh sáng non đầu ngày chỉ đủ khiến mắt người lờ mờ thấy những bóng áo xanh lá cây bất động trong đám hỗn độn. Một cơn gió hiếm thoảng qua, đẩy đưa mùi tanh nồng của nỗi tang thương và chết chóc. Nghi chỉ thoáng thấy bóng người nhào vào chiếc áo bông màu tím than may chặn bằng những đường chỉ vắt chéo sấp trên mặt sàn. Một bàn tay nắm chặt lấy thân súng, và đôi mắt vẫn trừng trừng dưới cặp mày rậm. Cô không khóc, mắt chỉ mở to tuyệt vọng và thân mình run lên từng chập. Anh quỳ xuống bên cạnh. Anh vuốt nhẹ lên chân mày người quá cố, rồi choàng tay chặn những cơn run không dứt của người bạn gái.

Lần đầu tiên, anh chạm tay mình vào chiến tranh. Nó ở ngay trước mắt anh và có thật trong những tiếng rù rù đập cánh của một loài côn trùng mới đánh hơi thấy mùi máu, có thật trong chấm đen hạt huyền đã từng long lanh sức sống dưới trời đêm vi vút bản “Sơn nữ ca”.

Mãi sang tháng hai, anh và Biền mới quay được về Sài Gòn, và chỉ ngót tuần sau đó đã bị bắt vào Tổng nha Cảnh sát. Cả hai là nhân vật nòng cốt trong đêm diễn hai sáu tháng Chạp và việc họ có mặt tại Huế trong suốt tháng Giêng vừa rồi cũng đủ là lý do để cảnh sát hành hẹ. Đến tận hai tháng sau anh mới được thả ra, còn Biền trọc nhờ sự can thiệp của một ông chú họ trong Nha cảnh sát, đã được về nhà ngay trong tuần.

Cùng năm đó, Giang Khanh đỗ đại học Khoa học Sài Gòn. Sau khi tốt nghiệp, Nghi “nhảy núi lên xanh” vào vùng giải phóng, còn Biền trọc được nhập học đặc cách vào trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt. Biền trọc tốt nghiệp với lon thiếu úy. Và sau vài năm bổ sung vào không lực Việt Nam Cộng hòa, Huỳnh Hữu Biền đã nhanh chóng lên quân hàm đại úy. Đầu mùa khô năm 1973, Biền và Giang Khanh kết hôn trong một đám cưới tưng bừng sang trọng ở Continental Palace. Tối hôm đó, Toàn Nghi vừa từ Tây Ninh trở về, anh lặng lẽ đứng ở góc đường Tự Do nhìn dãy xe Peugeot Citroen, Simca, Ford Angila, Ford Cortina… đỗ dài dặc trước cửa khách sạn sáng choang ánh đèn vàng. Báo chí đưa tin đại úy Huỳnh Hữu Biền đã tặng cho Giang Khanh, ca sĩ gốc Huế nổi tiếng Sài Gòn, chiếc nhẫn cưới nạm kim cương Nam Phi đắt giá nhất trong tiệm vàng émile Bodin. Những tấm ảnh cưới chụp từ studio Nguyên Kỳ có mặt trên trang nhất các tờ báo lớn.

Tháng tư năm 1975, súng lại nổ giữa lòng Sài Gòn. Tòa đại sứ Mỹ trên đại lộ Thống Nhất lúc nhúc như một thứ trại tị nạn. Các công chức cao cấp và sĩ quan quân đội điên cuồng chửi rủa viên đại sứ Graham Martin. Trong số đó có cả Huỳnh Hữu Biền và Giang Khanh. Tất cả giẫm đạp lên nhau để leo lên cầu thang tầng thượng bất chấp những trái lựu đạn hơi cay của sĩ quan Mỹ thả qua các cánh cửa lầu đã khóa trái.

Có một điều đáng ngạc nhiên. Trong suốt những ngày quần quật trên chiến trường miền Tây chịu đựng những trận đói khát và những cơn sốt đến kiệt quệ, khi đứng ở góc đường Tự Do nhìn các khuôn mặt người hớn hở qua ô cửa kính khách sạn, lúc chứng kiến đám sĩ quan điên cuồng chen chúc tìm một cơ hội để leo lên trực thăng ở Tòa đại sứ và ngay cả khi hòa lẫn giữa dòng nườm nượp cờ hoa, anh luôn nhìn thấy hai dải lụa đen trắng mềm mại ở phía trước. Dải lụa mơ hồ trôi theo gió rồi thu gọn trong lòng anh run rẩy, hai nắm tay bọc lấy ngón cái như đứa trẻ muốn tìm sự an toàn. Nhiều lần trong đêm, anh nghe thấy tiếng đại bác nổ vỡ toác những bức tường thành cổ kính, và cả giọng trong ngần vi vút theo bản tango “Sơn nữ ca”. Rồi ngay cả khi choàng thức giấc, thứ âm thanh pha trộn ấy vẫn thành hình một ảo giác không thể tan chảy vào ý thức.

Cũng một buổi chiều, anh đứng lặng trên khoảng trống trước Nhà thờ Đức Bà, dõi mắt hai tháp chuông vòi vọi trên nền trời, ảo giác lại khiến anh nhìn thấy dải lụa mềm bất động phía trước như cái đêm Giang Khanh nhất định đòi chạy về nhà. Linh tính đã khiến cô trở nên liều mình và tuyệt vọng. Điều duy nhất khiến Nghi không hối hận là anh đã được ở bên cô khi ấy, cho dù duyên mệnh đã khiến cả cuộc đời, anh và cô như hai đường song song không bao giờ tiệm cận.

*

Bản “Blowin’ in the wind” vừa dứt và chuyển sang một ca khúc cũ kỹ khác của Bob Dylan. Loa rè, đĩa vấp, gió hồ Tây hun hút thổi, khó khăn lắm mới hình dung được đấy là một bản nhạc. Tôi đọc lại những câu thơ của cha tôi. Tôi cũng đã thử lý giải về tình yêu này mà cơ hồ thất bại.

Anh đã nhìn bóng em đổ mát ánh chiều/ Hoa đại ướt mưa tuôn và má em cũng ướt/ Như lúc em xiết tay anh, đau thương, giữa những tiếng bom gầm/ Và con đường, và ngôi nhà, và những cây cột điện cũng lặng câm trong gió/ Chỉ còn cuốn trôi theo gió em ơi/ Rồi sông Hương, nước hai lần mải theo gió cuốn trôi.

Sau này, Toàn Nghi kết hôn với một cô gái Huế và gia đình anh tình cờ chuyển đến cạnh ngôi chùa. Rồi một chiều bình yên như mùa, anh phát hiện ra cái tên Tôn Nữ Huệ Giang Khanh nằm trong danh sách điệp báo thành Huế. Hai cha con cô ấy đã tham gia cụm điệp báo H32 từ trước đợt tấn công đầu tiên trong Tết Mậu Thân. Đám cưới chỉ là màn kịch một chiều và khi mọi thứ kết thúc, Huỳnh Hữu Biền ngồi trên một trong những chiếc trực thăng cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất hoặc Đại sứ quán Mỹ. Anh ta thuyết phục vợ đi theo nhưng… Thực ra, Toàn Nghi đã phát hiện ra điều đó từ trước và nghiến răng chịu đựng, để rồi sau này khi cô ca sĩ tài danh biến mất đã bỏ công đi tìm và nhìn thấy người cũ lặng lẽ đơn độc giữa những cây hoa đại. Nhà văn chỉ có vài kịch bản cho một câu chuyện tình, còn cuộc sống có đến cả triệu cách bắt đầu cho một tình yêu. Nhưng cho dù câu chuyện xảy ra theo cách nào thì cũng chỉ khởi nguồn từ một lý do duy nhất - Tình yêu.

Quán cà phê bắt đầu nhộn nhịp khách vào ra. Đĩa Bob Dylan bị vấp, cứ tua đi tua lại một bản nhạc. Nửa thế kỷ, Bob Dylan vẫn còn hát. Tôi vẫn nghe Bob Dylan, nhưng không phải “Blowin’ in the wind” nữa mà là bản “Modern Times” trong âm điệu Blues pha trộn. Tôi lại trôi về với Đại Nội vẫn trầm lặng khuê các, ngày ngày tấp nập khách đủ màu da trên những chiếc xích lô chậm chạp lăn qua cổng thành. Và những câu chuyện là bất tử, cho dù chúng dựa trên phiên bản nào.

Cả ký ức nữa, sẽ chẳng thể nào theo gió cuốn trôi.

Hà nội, mùa đông.

----------

(1). Blowin’ in the wind (Cuốn trôi trong gió): Bài hát phản chiến nổi tiếng của nhạc sỹ Bob Dylan hồi thập niên 60.

(2). The times they are A-changin’: Một ca khúc phản chiến khác của Bob Dylan, đã góp phần làm dậy lên làn sóng biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam của thanh niên Mỹ hồi cuối thập niên 60, đầu 70.

Di Li tên khai sinh là Nguyễn Diệu Linh, sinh năm năm 1978. Tốt nghiệp khoa tiếng Đức và Tiếng Anh, trường ĐH Hà Nội, bảo vệ luận án Thạc sĩ Quản lý giáo dục tại ĐH sư phạm Hà Nội. Hiện tại Di Li đang là giảng viên của trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm tiêu biểu:

- Truyện ngắn: Tầng thứ nhất (NXB Hội nhà văn - 2007), Điệu Valse địa ngục (NXB Hội nhà văn - 2007), 7 ngày trên sa mạc (NXB Văn học - 2009), Tháp Babel trên đỉnh thác ánh trăng (NXB Văn học - 2010), Đôi khi tình yêu vẫn hay đi lạc đường (NXB Phụ nữ - 2010), Chiếc gương đồng (NXB Phụ nữ - 2010)

- Tiểu thuyết: Trại Hoa Đỏ (NXB Công an Nhân dân - 2009)

- Bút ký: Đảo thiên đường (NXB Công an Nhân dân - 2009)

- Hồi ký: Nhật ký mùa hạ (NXB Văn học - 2011)

- Ký sự chân dung: Chuyện làng văn (NXB Văn học – 2012)

- Tản văn: Cocktail thị thành (NXB Phụ nữ - 2011)

Giải thưởng

- Giải Ba cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007- 2010” do Bộ Công an phối hợp cùng Hội nhà văn tổ chức – Tiểu thuyết “Trại Hoa Đỏ”

- Giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2005-2006 - Truyện ngắn Cocktail thị thành và Ma học trò

 

Lời bình của nhà văn Khuất Quang Thụy:

Không ai nghi ngờ gì năng lực trữ tình trong những sáng tác của cây bút trẻ Di Li. Trong truyện ngắn này khả năng ấy đã “làm mềm” đi rất nhiều vấn đề gai góc do đời sống khắc nghiệt của chiến tranh đưa lại, trong đó có cả những điều có tính luận đề như chọn đường, niềm tin, đau thương mất mát và… cả những gai góc dễ chịu do tình yêu mang đến. Phải chăng đó là một cách tiếp cận thông minh của những cây bút trẻ khi chọn đề tài chiến tranh làm cảm hứng sáng tạo? Nếu không biết cách làm mờ nhòe đi mà lại sa vào bút pháp tả thực, có lẽ Di Li sẽ gặp không ít rắc rối. Ngay cả những vang vọng từ quá khứ với Blowin in the wind của Bob Dylan, dù chỉ là cái cớ nghệ thuật để dẫn dắt câu chuyện, nhưng trong khung cảnh này và với tính đại diện lịch sử của nó, cũng trở thành một hình tượng nghệ thuật góp phần vào thành công trong việc “làm mềm” hóa một thời điểm khắc nghiệt của cuộc chiến chưa bao giờ bị lãng quên, chưa bao giờ bị “cuốn trôi trong gió”.

 

 

ĐÔI MẮT ĐÔNG HOÀNG

Truyện ngắn của Uông Triều

Tháng 10 năm 2007, tôi là một trong hai tám thành viên Việt Nam tham dự chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam á. Hành trình của chúng tôi đi qua Nhật và một số nước Đông Nam á. Trong hai tháng đi trên biển và ở trên đất liền, cô bạn người Nhật, Emi Morita kể cho tôi câu chuyện về người ông của mình từng làm phiên dịch trong thời kì chiến tranh ở Việt Nam. Câu chuyện của Emi Morita bắt đầu khi chúng tôi lên tàu ở Yokohama, khi biển rất yên bình và trong đoàn chúng tôi chưa ai bị say sóng cả...

*

Tháng 9 năm 1940 quân Nhật đổ bộ vào Đông Dương.

Trong hàng nghìn những chiến binh sẵn sàng chết vì thiên hoàng, có một người lính - phiên dịch của quân đội, đến từ Kitakiushu, thủ phủ của đảo Kyushu, phía nam Nhật Bản. Katsu - hai mươi sáu tuổi.

ở trên bản đồ nước Việt Nam, có một vết chấm nhỏ ghi tên một địa danh ở miền Đông Bắc, huyện Đông Hoàng. Nơi Katsu sẽ phải đến đó trong một thời gian làm công việc phiên dịch.

Katsu đặt chân đến vùng Đông Bắc trong một ngày tháng mười cùng một toán binh Nhật.

Đông Hoàng là một huyện nhỏ nhưng nằm ở vị trí quan trọng, án ngữ con đường vào vùng Đông Bắc và có nhiều đường sông toả đi các nơi. ở trung tâm huyện lị có cả đồn binh Pháp và đồn binh Nhật.

Khi đoàn binh Nhật đến trung tâm huyện lị, mặt trời đã vượt quá đỉnh đầu. Nắng không gay gắt nhưng không hề có một phút râm mát. Những tia nắng quái như lưỡi cỏ xước quất vào mặt những chiến binh Nhật gươm súng chỉnh tề. Mùa đông ở Đông Hoàng không giống với mùa đông ở Kitakiushu.

Vài đứa trẻ con đứng ở vệ đường tò mò nhìn những người lính Nhật. Những đứa bé hơn nép vào chân mẹ nhìn ngước ra. Không hề có tiếng khóc.

Katsu đã đọc tài liệu trước khi đến Việt Nam. Một đất nước nửa phong kiến, nửa thuộc địa, nghèo nàn nhưng đã từng đánh bại quân đội của đế quốc Trung Hoa  hùng mạnh láng giềng. Người Pháp và người Nhật đang giành quyền kiểm soát ở đây.

Những ghi chép lịch sử báo hiệu một cuộc chiến sẽ không dễ chịu gì. Binh lính Nhật sẽ phải chiến đấu với quân Pháp, người bản xứ, khí hậu, bệnh tật. Một cuộc chiến chưa ai nhìn thấy kết thúc thế nào.

Katsu được phép ngủ một giấc dài trước khi tìm hiểu cụ thể về vùng đất Đông Bắc này. Không khí chiến tranh chưa nồng nặc thuốc súng. Người Nhật và người Pháp đang tạm thời hòa hoãn với nhau, dân bản xứ chưa có biểu hiện chống đối mạnh mẽ nào. Một vùng gió lặng trước khi bão tới? Bão tố đã giúp nước Nhật tránh được hai cuộc xâm lăng lớn của đế quốc Nguyên Mông, nhưng bão tố cũng cướp đi nhiều sinh mạng của chính nước Nhật.

Công việc đầu tiên của Katsu là cùng một toán binh lính Nhật, binh lính người Việt đi thu góp lương thực cho cuộc chiến. Quân đội Nhật nhắm tới đầu tiên là những gia đình giàu có trong vùng, họ tránh chưa vơ vét toàn bộ dân chúng để làm yên lòng người.

Con đường đi vào làng lốm đốm đen những bãi phân súc vật. Mặt đất rụng đầy lá tre úa vàng. Những rặng tre rậm rạp, ken vào như một bức tường thành. Tiếng  cành cây cọ vào nhau kọt kẹt như tiếng kéo của những đoàn xe ngựa đưa các lãnh chúa Nhật di chuyển luân phiên giữa các vùng để tránh lộng quyền thời trung cổ.

Những người đàn ông đầu trần, chân không mang bất cứ một loại giầy dép gì, xương gò má bạnh ra, mắt lờ đờ, vác một loại nông cụ trên vai. Nhẫn nhục, cam chịu. Những người đàn bà đội những chiếc nón  tụt chóp, chỉ ngẩng một nửa khuôn mặt lên để nhìn. Những chiếc nón lá không giống loại nón ở Nhật. Những người đàn ông, đàn bà ở xứ này như những người Nhật sống trước thời Minh Trị. Nghèo, u buồn.

Phía trước là một ngôi làng lớn.

Katsu cùng đám binh lính bước vào một chiếc cổng làm bằng thân tre. Tiếng chó sủa vang, ba con chó bản địa, to hơn loại chó Nhật xù lông, hung hăng, sủa rất to. Chân sau của lũ chó dạng ra thế thủ, mõm vươn về phía trước, răng nhe ra đe dọa. Vô ích. Một lưỡi kiếm tuốt trần, một tiếng tru thảm thiết, tiếng sủa vẫn tiếp tục nhưng lùi ra xa và yếu dần. Bặt hẳn.

Một người đàn ông trung niên, râu để dài, quần áo luộm thuộm chạy ra đón đoàn binh lính gươm súng lạnh lùng đến thăm nhà. Ông ta mặc chiếc quần rộng thùng thình, đũng dài gần tới đầu gối, nhưng ống quần ngắn, chưa chạm mắt cá chân. Phía sau là hai người phụ nữ đang đứng nép vào hàng cột gỗ. Một thằng bé khom lưng đứng cạnh cửa chính. Tiếng kim loại của đoàn binh va vào nhau khô khốc. Thằng bé run bần bật.

- Chúng ta đến đây để nhận sự quyên góp lương thực cho quân đội của thiên hoàng.

- Bẩm, không dám trái ý.

- Lấy ngay bây giờ.

- Bẩm, đã chuẩn bị sẵn.

Hai người đàn bà khi nãy nép theo hai hàng cột đi vội về phía sau nhà, rồi ra cùng lúc. Một trung niên, một trẻ. Hai người đàn bà mang ra một thứ nước màu vàng thẫm mời những vị khách đường đột đến nhà. Người đàn ông rót một bát nước đầy, uống trước. Không phải thuốc độc. Một thứ nước hơi chát, ấm nóng, không giống loại trà màu xanh, được làm bằng bột lá chè nghiền mịn, đặc sệt, chỉ uống từng ngụm nhỏ của người Nhật.

Hai người đàn bà là vợ người phú hộ.

Thằng bé đứng bên cửa là người ở, không phải con ông ta.

Không có biểu hiện chống đối.

Đám binh lính người Việt chuẩn bị mang những bao thóc ra ngoài.

Những con chó lùi vào các bụi tre, mắt trân trân nhìn từ xa.

Tiếng kim khí va vào nhau.

Hai người đàn bà bước giật lùi ra sau. Tất cả đám binh lính Nhật đều nhìn xéo qua họ. Người đàn bà trẻ mắt một mí, gầy, ngực nhỏ, da trắng. Cô ta hao hao một cô gái Nhật sống ở một đô thị trung bình. Mắt Katsu dừng ở trên ngực. Một quầng nhỏ nhô cao trên áo sẫm màu.

Người đàn bà trung niên đi qua. Không ai nhớ mặt bà ta thế nào.

Katsu phiên dịch mệnh lệnh của trung uý Hideki. Yêu cầu chủ hộ tiếp tục quyên góp lương thực cho quân đội của thiên hoàng. Mọi sự chống đối đều vô ích.

Trước khi ra về, trung uý Hideki yêu cầu tất cả các thành viên trong nhà ra trình diện.

Tất cả tám người đứng thẳng hàng trước sân, mắt không nhìn lên .

Người phú hộ giọng như bị thiến, giới thiệu tên hai bà vợ. Năm người khác trong nhà ông ta bao gồm một thằng  hầu, một chị bếp, một bà già và hai người làm công.

Tên người đàn bà trẻ nghe không rõ. Một âm gì đó giống như: Nhiên.

Người đàn bà trẻ không cười.

Mắt ướt.

Katsu dừng ở đôi mắt ướt. Đôi mắt không giống đôi mắt của người đàn bà thôn quê.

- Tất cả không ai được chống đối. Mọi sự chống đối đều vô ích - Trung uý Hideki nhắc lại.

Âm thanh ngoại quốc phát ra từ miệng trung uý Hideki. Katsu dịch lại. Tám người vẫn đứng thẳng hàng, đầu hơi cúi thấp.

Giống kiểu phục tùng ở nước Nhật.

Nhưng đây không phải là nước Nhật.

Người Nhật - binh lính Nhật và gươm súng đã dạy người nước khác phục tùng theo kiểu Nhật. Còn dạy được gì nữa, Katsu nhếch mép, người đàn bà trẻ đáp một tia nhìn kín đáo về phía anh ta.

Cô ta phản kháng.

Nhiệm vụ của binh lính Nhật là kiểm soát các hoạt động trong vùng, kiểm soát đường quốc lộ, thu gom lương thực và giữ một mối quan hệ vừa phải với binh lính Pháp. Hai con hổ đang chờ thời. Không biết con nào sẽ nuốt chửng con nào. Tất nhiên là mình không nghi ngờ sức mạnh của quân đội thiên hoàng.

Binh lính người Việt làm việc dưới sự sai khiến của các sĩ quan người Nhật. Phục tùng.

Katsu cười thầm: không ai hiểu người Việt bằng chính họ. Chiến tranh làm những điều nực cười. Quân đội Nhật đang nắm thực quyền, họ kiểm soát toàn bộ tình hình. Mấy tên mũi lõ chẳng còn bao ngày nữa. Đám binh lính người Việt cũng đang đóng một màn kịch bất đắc dĩ. Màn kịch chưa biết khi nào mới hạ màn. Nhưng người Nhật vẫn sẽ là người chỉ huy duy nhất

Khi đó muốn điều gì chẳng được.

Cả người đàn bà mắt ướt, thị dân.

Cô ta giễu cợt mình. Không ai nhận ra điều này, kể cả trung uý Hideki.  

Mùa đông vùng Đông Bắc Việt Nam không quá rét, không có tuyết rơi như trên đảo Hokkaido miền bắc Nhật Bản nhưng khung trời màu xám, sương mờ đục. Không có những rừng cây lá đỏ đầu mùa đông. Nông thôn tĩch mịch, u buồn. Những thân cây vươn lên trời xám. Oai phong của đoàn quân đang chiếm thế thượng phong cũng chẳng làm nguôi nỗi nhớ những cảnh quê mùa đang mất dần đi ở Kyushu.

Đông Hoàng.

Những người đàn ông, đàn bà gày gò, môi thâm tái.

Bọn trẻ con mặc áo bông xám cũ, mũi đỏ như mèo.

Ngoài chợ Cột bán những mẹt thịt trâu chết rét. Thịt thâm sì.

Lũ quạ đen không được chào đón như ở Nhật.

Những ngôi nhà đắp bằng đất trộn rơm thấp lè tè. Ngôi nhà có ít cửa sổ,  ô cửa sổ nhỏ, bên ngoài che bằng một tấm liếp đan bằng lá mía khô, một cành cây có chạc chống lên. Mái nhà bằng rạ, những thảm rạ dày, ngấm nước mưa đen sẫm, sắp mục nát. Những ngôi nhà không giống những ngôi nhà ở Kyushu, nước Nhật đang thoát khỏi sự nghèo đói nguyên thủy.

Katsu nhớ người ông làm ruộng trên đảo Kyushu. Ông cũng chẳng khác những ông già ở đây. Gầy gò, môi tím tái, giọng nói lập cập, không rõ âm. Đế quốc Nhật đang trở nên hùng cường ở châu á nhưng cũng không có nhiều ảnh hưởng đến một ông già sống ở một nơi tận cùng của nước Nhật cũ kĩ. Một ông già nông dân thực sự. Cứng đầu.

Đông Hoàng và toàn thể lãnh thổ Việt Nam sẽ nằm dưới sự quản lí của người Nhật. Không trừ một góc nhỏ nào.

Katsu cùng đoàn binh Nhật và binh lính người Việt thực hiện nhiệm vụ của thượng cấp: thu thóc tạ, nhổ lúa trồng đay và thầu dầu, những thứ cần thiết cho đội quân của Nhật hoàng.

Những điều đó cũng không che giấu được sự thật phơi bày.

ở châu Âu, nước Đức quốc xã sắp bước vào những ngày cuối cùng, chẳng mấy chốc quân Đồng minh sẽ tiến vào Berlin, thủ đô của đế chế thứ ba.

Người Nhật, đội quân của thiên hoàng đang đứng trước nguy cơ mất hết đồng minh và bị tấn công tứ phía.

Không biết có ngày mình có thể quay về nước Nhật hay không?

Hay sẽ chết ở đây vì danh dự của thiên hoàng.

Một vùng nông thôn yên bình, u buồn sẽ là nơi ngã xuống của người con của nước Nhật.

Không thể...

Người Nhật đã làm những việc có thể làm bằng mọi giá. Lương thực được trưng thu nhiều hơn. Máu đã chảy. Chiến tranh. Không có cách nào khác. Katsu cố gắng không rút kiếm ra khỏi bao. Thanh kiếm Nhật dùng để chém quân thù. Quân thù? Người Pháp, người Mỹ, người Việt hay chính người Nhật. Sẽ có ngày thanh kiếm phải dùng đến.

Người lính thiên hoàng phải thực hiện bổn phận của mình.

Nghĩa vụ với tổ quốc.

Nước Nhật đang là đàn anh châu á.

Không có gì phải do dự...?

Người đàn bà mắt ướt bán rượu cho binh lính ngay dưới chân đồn Cao. Người đàn bà tính tiền bằng ngón tay. Những ngón tay thon nhỏ mềm mại. Bàn tay không phải bàn tay của người đàn bà nông thôn.

Nhiên mắt ướt nhưng lạnh.

Một nỗi buồn vô hình.

Lẳng lơ.

Thị dân.

Cô ta phản kháng?

Binh lính người Việt xô ra. Lời tục tĩu. ánh nhìn dâm đãng. Tay vuốt má. Người đàn bà gạt tay không quá mạnh.

Mắt Katsu dừng ở chân.

Chân trần.

Vợ một phú hộ. Không cần phải thế?

Một con ranh gián điệp?

Một sĩ quan Nhật bước đến giật mạnh tấm cói che miệng thúng.

Không có lựu đạn.

Một ít rơm khô.

Nửa tờ lá chuối xanh lót ở dưới đáy thúng

Một tia nhìn, nửa lẳng lơ, nửa bất cần đáp về phía người lính Nhật duy nhất hiểu được tiếng Việt.

Sẽ cho cô ta lên giường.

Loại đàn bà dâm đãng.

ánh mắt như thiêu đốt.

Ngươi không đánh lừa được ta đâu.

Cô ta giống một người đàn bà mình đã gặp ở vùng nông thôn trên đảo Kyushu.

Buồn.

Đẹp.

Bất cần.

Người sĩ quan phiên dịch trong đội quân của thiên hoàng chặn một bàn tay đưa lên  ngực người đàn bà.

- Cô ta là vợ tay phú hộ. Chúng ta còn cần đến ông ta.

- Con ranh gián điệp.

- Một nhát kiếm là xong. Không phải vội.

Sương mờ trên những cánh đồng không.

Hoa ngô tím phơi trên bờ ruộng.

Mạ héo vàng.

Đay, thầu dầu.

Đay, thầu dầu. Nếu ai đó làm thế với nước Nhật?

Phản bội, dù bằng suy nghĩ cũng đáng bị xử tử.

Chờ đợi.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945 quân Nhật nổ súng lật đổ Pháp trên toàn lãnh thổ Đông Dương. Một tiểu đoàn lính bảo an của quân đội Nhật chiếm huyện lị Đông Hoàng, kiểm soát mọi tình hình. Quân Pháp rệu rã, đầu hàng chóng vánh.

Người Nhật đã trở thành người chỉ huy duy nhất.

Đồng nghĩa với những đàn quạ rỉa xác người chết đói trên cánh đồng.

Mình không muốn nhìn thấy những cảnh này.

Nước Nhật trong nội chiến.

Nước Nhật trong đói nghèo.

Cũng đã từng thế này.

Mình không phải là một ronin, hiệp sĩ vô chủ, tìm kiếm những cuộc phiên lưu nghĩa hiệp. Người chủ tối cao là tổ quốc nhưng cầm kiếm giết người không phải việc có thể quen tay.

Suy nghĩ yếu mềm cũng là phản bội.

Không thể...

Những người đàn bà mặc áo thâm sì trên những cánh đồng. Đầu quấn khăn cũng thâm sì.

Chỉ nhìn thấy một nửa mặt.

Những người đàn ông gầy gò vác trên vai một loại nông cụ. Mắt mờ đục như hồn ma đói khát.

Đường làng rụng lá tre, nhìn kĩ mới thấy một bãi phân súc vật.

Người lính phiên dịch trong quân đội thiên hoàng có bổn phận hoàn thành trách nhiệm của mình cùng đoàn binh Nhật. Những kho thóc ngày càng đầy hơn. Đám binh lính, tay sai người Việt vẫn răm rắp phục tùng. Đám tàn quân Trung Hoa ẩn nấp trong rừng thỉnh thoảng xông ra cướp phá đang dần bị tiêu diệt. Dân bản xứ chưa có biểu hiện chống đối rõ rệt.

Quân Nhật như đang sống trong vùng mắt bão, gió lặng một lát rồi sau đó, gió sẽ quật nát tất cả. Sống cùng với bão, người Nhật đã hiểu được điều này. Không ai nói ra nhưng tất cả đang chờ một ngày phán quyết khủng khiếp. Hàng quân vẫn thẳng hàng, oai phong. Kiếm sáng loáng. Tiếng thở dài và ánh mắt lo âu dồn nén lại. Những tin tức bất lợi dội đến từ chiến trường châu Âu và Trung Hoa, từ nước Nhật. Từ Thái Bình Dương.

Người Nhật thất bại trong trận chiến Midway trên Thái Bình Dương tháng 6 năm 1942.

Cục diện chiến tranh thay đổi.

Quân Mỹ đã đổ bộ lên Iwojima. Nước Nhật mất 39.000 binh sỹ trong trận chiến ở Okinawa.

Người đàn bà mắt ướt vẫn bán rượu cho binh lính. Một con gián điệp kiên nhẫn? Quá lộ liễu? Nhưng cái vẻ của cô ta cũng bất cần. Một nỗi buồn u tối. Sự dồn nén đến bất mãn.

Thị dân.

Đẹp, u sầu.

Đôi mắt.

Binh lính mua hai thứ rượu, một là rượu cồn của Pháp. Hai là loại rượu nấu lén lút của dân bản xứ, trắng đục, làm bằng gạo giống như rượu Sake nhưng mùi vị khác hơn một chút. Rượu uống đến say, không có độc. Rượu độc có lẽ sẽ bán vào lần cuối cùng. Xung quanh đội quân nước ngoài đang bao phủ một sự đe dọa vô hình. Sẽ có ngày cô ta sẽ cứa gươm vào cổ mình. Lá thư gửi từ Kyushu, những người thân đang mong mình về nhưng không ai khuyên đào ngũ. Không bao giờ.

Người đàn bà mắt ướt sẽ cản nước đi cuối cùng. Đôi mắt cô ta, cô ta sẽ giết mình.

Phải ngủ với con gián điệp, phải giết chết nó trước khi nó làm nổ tung đồn.

Katsu rút gươm ra khỏi vỏ. Người phiên dịch cũng là một chiến binh. Phải làm trước khi quá muộn. Một cú đá làm bay cái thúng con. Bầu rượu vỡ tan, mùi rượu bốc lên sực nức. Những sợi rơm khô đã vò nhàu, vàng nhạt; nửa tàu lá chuối non lót ở đáy thúng xoay ngang. Lật đáy thúng xuống. Không có gì cả. ánh mắt người đàn bà lạnh, u buồn.

Katsu dừng ở mắt.

Bất cần.

Ngươi hãy giết ta đi.

Viên sỹ quan phiên dịch túm lấy cổ áo người đàn bà. Hai đôi mắt á đông nhìn nhau trừng trừng. Hai thái cực. Dọa dẫm như lửa đốt. Coi thường đến bất cần.

Ta sẽ giết ngươi khi cần. Đồ lẳng lơ.   

Ngày 8 tháng 6 năm 1945. Đông Hoàng. Sáng sớm. Một tiếng huýt còi đanh gọn. Những người đàn ông gầy gò, má hóp lại, tay cầm súng trường, giáo mác xông vào đồn huyện lị.

Những đôi mắt đã không còn lờ đờ. Căm giận. Thật khủng khiếp. Cuộc hoán đổi quá nhanh chóng.

Những thân hình gầy gò khô khốc lao lên phía trước. Những tay súng, tay dao sẵn sàng bổ xuống. Khiếp sợ, có nội gián. Một tên lính Việt chạy ra mở cửa sắt cho quân du kích ùa vào. Một viên đạn xuyên qua gáy.

Phản kháng chậm chạp. Đám binh lính Việt co rúm lại hoặc hô gọi người thân không bắn súng. Viên sĩ quan Nhật đã đưa súng lên thái dương bóp cò.

Katsu rút kiếm ra khỏi bao. Sáng loáng. Đã đến lúc phải dùng kiếm cho mình. Mình đã được học thuật seppuku, mổ bụng tự sát.

Bóng một người đàn bà chặn ngay trước cửa. Đôi mắt u buồn giận dữ. Người đàn bà mắt ướt, chân trần. Katsu dừng một giây, mắt dừng ở tay: khẩu súng chĩa thẳng vào ngực.

- Hạ kiếm xuống, không được tự sát. Ngươi biết tiếng Việt!

Katsu vung kiếm lên. Tiếng đạn rít lên, viên đạn xuyên qua bàn tay phải.

Người phiên dịch chồm lên. Tay trái vồ lấy kiếm. Viên đạn thứ hai xuyên qua bàn tay trái.

- Ngươi không được chết...

*

Người ông của Emi Morita mang hai vết thương trên hai bàn tay. Ông quay về đảo Kyushu và chết sau đó nhiều năm. Bố mẹ Emi chuyển đến sống ở Tokyo. Khi đi họ mang theo cả một bức hình vẽ một người đàn bà châu á, chân trần, đang gánh trên vai hai đôi thúng nhỏ. Đôi mắt ướt, u sầu.

Khi tàu Nippon Maru cập cảng Sài Gòn. Tôi đã đưa Emi Morita đến thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Chúng tôi ngồi uống cà phê ở một quán vỉa hè. Emi bảo tôi:

- Chiến tranh giống như một bức tranh u buồn. Ông nội tôi đã cấm tôi đến những chỗ đó. Nhà anh ở đâu?

- Nhà tôi ở miền bắc Việt Nam, một vùng nông thôn yên bình. Nhưng ở thời buổi này, không tìm đâu ra một người đàn bà chân trần. Mắt ướt, u sầu.

 Đoàn tàu chúng tôi kết thúc cuộc hành trình vào cuối tháng mười hai năm đó tại thủ đô nước Nhật. Khi đó, Tokyo lạnh như miền bắc Việt Nam vào những ngày rét buốt nhất.

Uông Triều tên khai sinh là Nguyễn Xuân Ban, sinh năm 1977 tại Quảng Ninh. Hiện đang công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

 

Tác phẩm:

- Tập truyện ngắn Đôi mắt Đông Hoàng (NXB Hội nhà văn; 2010)

- Những pho tượng đá ở Yên Tử, tập tiểu luận - khảo cứu (NXB Văn hóa - Thông tin).

 

Giải thưởng:

- Giải khuyến khích cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ quân đội với tác phẩm Đôi mắt Đông Hoàng và Nước mắt sông Cầm.

 

Lời bình của nhà văn Trần Huy Quang:

Nhân một cái cớ gì đó, người ta chợt nhớ lại và kể trọn vẹn hay dở dang một câu chuyện trong quá khứ, là một thủ pháp viết truyện ngắn rất được các nhà văn Nga - Xô viết sử dụng khoảng giữa thế kỷ XX, các nhà văn Việt Nam cũng có nhiều người sử dụng. Đôi mắt Đông Hoàng cũng vậy. Nhưng chuyện thủ pháp không có gì phải bàn, cũng như cách kể chuyện của tác giả thuộc dạng “văn chương hành động” của trào lưu sách best seller hiện nay. Song, truyện ngắn này cũng có những nét đặc sắc. Một, đó là trong một truyện ngắn với số trang hạn chế mà nó phản ánh được một dung lượng đời sống rất lớn, nhân vật nhiều, tạo cho truyện một không gian lịch sử, một cảm hứng lịch sử, cái mà truyện ngắn không có nó thì sẽ thất bại. Nó chính là cái hồn.

Hai là, điểm nhìn của người kể ở phía bên kia, đối ngược với người đàn bà, nhân vật mà chỉ được chấm phá thôi nhưng nếu không có đôi mắt ấy thì không có truyện.

 

 

MỘT NGƯỜI ĐÀN BÀ VIỆT

Truyện ngắn của Chu Thùy Anh

 

(A la mémoire de Mémé)

 

Bà ngồi bên cửa sổ. Nhà có rất nhiều cửa sổ. Nhưng bà luôn ngồi bên cửa sổ ấy, trong phòng bếp, trên một chiếc ghế cao. Và khi tôi lại gần, bà ghé vào tai tôi, thì thầm “hướng ấy, là Việt Nam”.

Nhà là một căn hộ ba buồng ngủ, một phòng khách thông với phòng ăn rộng, và một phòng bếp bé xíu chỉ đủ để bếp, tủ lạnh, tủ đá, và chiếc bàn dài, cao, đóng dọc theo tường, ngay dưới cửa sổ. Bà thường ngồi dưới cửa sổ ấy, bên chiếc bàn cao và dài như bàn ở căng tin ấy, nhìn qua kính, về một hướng, “hướng ấy, Việt Nam”.

Nhà nằm trong một khu dân lao động, những tòa nhà giống hệt nhau, được xây sau chiến tranh, để xếp những con người giống hệt nhau, vào những ô giống hệt nhau. Những con người không bao giờ khóc. Những con người mà trong mỗi người là hàng ngàn hàng vạn câu chuyện.

Nhà nằm ở bến gần cuối của một đường tàu dài, vắt chéo qua trung tâm Paris. Nhà tất nhiên không nằm trong trung tâm Paris. Gần cuối của một đường tàu, có nghĩa là đã ra khỏi trung tâm, rất xa. Nhà cách bến trung tâm hai mươi tám phút trên tàu, và mười phút đi bộ. Nhà bị sơn xanh sơn đỏ những hình vẽ và dòng chữ graffiti. Dưới sân nhà luôn có vài ba nhóm thanh niên da mầu và da không màu, mặc quần tụt và không mặc quần tụt, nói với nhau bằng những giọng ê a và dùng cả vòm miệng để phát âm, đám thanh niên tụ tập để không làm gì cả. Đấy là thế hệ thứ hai hoặc thứ ba của những con người không bao giờ khóc. Thế hệ thứ hai không còn bị gọi là “nhập cư” nữa. Không bị gọi, trừ khi tự họ gọi, dù không thành tiếng, nhưng vẫn tự biết rằng, mình chẳng hẳn hoàn toàn thuộc về nơi này.

Bà đã rất cao tuổi rồi. Đến một thời điểm của cuộc đời, người ta sẽ không đếm tuổi bằng những mùa thu hoặc mùa xuân. Không đếm bằng mùa đông hoặc mùa hạ. Họ lần giở năm tháng bằng những câu chuyện. Khi những câu chuyện càng gần về tuổi trẻ, nghĩa là cuộc đời càng gần về ga cuối. Bà kể với tôi về thời thanh niên của bà

Chúng tôi thường họp nhau ở nhà bà vào mỗi giờ ăn trưa thứ bảy. Họp vào giờ ăn trưa, nghĩa là họp không có giờ. Mỗi thứ bảy tôi lại đến vào một giờ khác nhau, dù thứ bảy nào cũng ra khỏi nhà vào cùng một giờ. Mỗi thứ bảy đoàn tàu lại đi một cách khác nhau xuyên qua thành phố, dù đường ray thì vẫn vậy. Tôi ở ngoại ô, phía tây bắc. Bà ở ngoại ô, phía đông bắc. Không có đoàn tàu nối đông bắc và tây bắc. Tưởng như chỉ một cái với tay là tôi đến được nhà bà, nhưng tuần nào cũng vậy, mất hai tiếng mười ba phút để tôi đến được với bà, trên một tầng tôi không thể nhớ nổi nữa, của một khu căn hộ ngoại ô, những căn hộ xám xịt buồn tẻ, tường nham nhở những mảnh vẽ graffiti. Tất cả các tầng đều giống nhau. Tất cả các cửa đều giống nhau. Không thể nhớ được bà ở tầng nào. Chỉ biết từ khi bước qua cổng, tôi đếm chậm rãi từ một đến chín mươi bảy, là chắc chắn đang ở trước cửa căn hộ của bà. Từ một đến chín bảy. Tuần nào tôi cũng đếm như thế, với một tốc độ bằng nhau, không được đếm nhanh hơn hoặc chậm hơn, nếu không, tôi sẽ không ấn đúng cái chuông cần ấn. Mỗi tuần tôi đếm đến chín mươi bảy. Và đếm thêm ba lần nữa, một, hai, ba, bà sẽ mở cửa, mỉm cười “vào đây con.”

Đấy là một mối quan hệ phức tạp. Mối quan hệ không rắc rối nhưng rất dài dòng. Kết luận ngắn gọn lại thì chúng tôi cùng là người Việt Nam, một ngày có thể đã rất lâu trong quá khứ, hoặc rất gần với hiện tại, bỗng dưng rơi xuống một vùng ngoại ô Paris. Và bà đón tiếp tôi mỗi tuần, bằng nụ cười và cái ôm của một người bà “vào đây con.”

Khi mọi người đã tập trung đầy đủ thì tất cả sẽ quây quần lại bên chiếc bàn ăn tròn và to. Bà, chậm rãi, bê từng thứ một, từng món một, cho chúng tôi. Không ai được động tay vào việc gì. Bà bảo đây là nhà bà. Bà bảo bà hẵng còn khỏe chán. Bà sẽ tự tay dọn đồ ra, chúng tôi chỉ được làm duy nhất một việc, ấy là ngồi ăn. Bà khi ấy sẽ ngồi lại trên chiếc bàn dài, giống như là bàn ở căng tin, tự rót cho bà một cốc trà, trà lấy từ túi có ghi chú thích “của cô Hương biếu khi từ Việt Nam sang, năm 1999”. Bà chậm rãi nhấp nháp, nhìn chúng tôi ăn uống nói chuyện, tiếng Pháp lẫn tiếng Việt. Tiếng Pháp lẫn âm Việt. Tiếng Việt lẫn âm Pháp. Bà sẽ bảo những người con của mình rằng chúng nó chẳng còn biết gì nữa rồi. Không biết Kinh kệ, không biết truyện Kiều. Đến tiếng Việt nói còn chẳng đủ âm nữa. Bà sẽ chép miệng bảo chúng nó thành ông Tây bà Đầm hết cả rồi. Những ông Tây bà Đầm nghe hiểu hết nhưng cũng chỉ cười “oui, Mẹ”.

Lúc một ngày thứ bảy đã gần trôi đi hết, trời lại ảm đạm và xám xịt, chúng tôi ăn xong và uống cốc nước chè lấy từ một túi đặc biệt, chỉ thứ bảy bà mới mở ra pha, “của cô Hương biếu khi từ Việt Nam sang, năm 1999”. Bà sẽ đọc một câu ca dao cũ. Hoặc ngâm một bài thơ của ngày xưa. Rồi bà cười móm mém và lấy một miếng trầu khô, lại bên cửa sổ ngồi, thầm thì vào tai tôi “hướng ấy, Việt Nam”.

*

Chồng bà là một người đàn ông lai Pháp. Có những thứ con người ta không thể chọn lựa trên đời. Một trong những thứ ấy là trở thành con lai. Một trong những thứ ấy nữa là thời điểm để trở thành con lai. Vào một ngày hòa bình trời đẹp và trong, con lai đi trên đường sẽ có người lại gần ngưỡng mộ vẻ đẹp giao hòa ấy. Vào một ngày trời gắt và bất ổn giữa cuộc chiến, con lai đi phía bên nào chiến tuyến cũng đầy bất trắc và hiểm nguy

Bà bảo, nhưng chúng tôi chỉ tin cụ Hồ. Ông ấy giỏi lắm. Ông ấy vĩ đại lắm. Các cô bây giờ không thể biết được đâu. Thời của các cô mới quá rồi, các cô không được sống những ngày tháng ấy, các cô không có được những niềm tin ấy. Các cô không bao giờ có thể tin và yêu một người lãnh tụ, như thế hệ chúng tôi tin và yêu cụ Hồ

Bà miên man ngược dòng về những ngày đạn lạc. Người chồng con lai bấp bênh đứng giữa hai làn đường. Sáu người con nhỏ theo bà lang thang hết vùng này đến đất kia, từ Bắc vào Nam, không nơi đâu có thể dừng chân quá vài ba tháng. Cho đến một ngày buộc phải chọn lựa một con đường. Gia đình bà lên máy bay. Và đến một tỉnh nhỏ sâu hút giữa miền trung nước Pháp, trước khi chuyển về căn hộ màu xám ở ngoại ô Paris này, sống cùng những con người không bao giờ khóc.

Tôi những tưởng dân Pháp họ bị điên. Ngày đầu tiên đứng giữa một ga tàu điện ngầm, thấy người qua lại ai cũng vội vàng tất tả. Dù đi về phía bên này hay bên kia, phía xuôi hay phía ngược, ai cũng cầm túi, và chạy. Chạy. Tôi những tưởng ga ấy bị đặt bom. Hay mới có một vụ cướp bóc. Ai cũng chạy. Chỉ mình tôi đứng đấy. Ngơ ngác. Bối rối. Tàu chạy im lìm. Người chạy ngược xuôi. Đến một ngày chính bản thân tôi cũng chạy. Ây là lúc đánh dấu thời điểm tôi đã quen với cuộc sống này, đất nước này. Tôi đã làm quen như thế, trong lúc chạy.

Bà cứ ngồi bên cốc trà nhai miếng trầu khô, kể chậm rãi cho tôi nghe câu chuyện mà những người con đã thuộc lòng. Những người con có cả một cuộc sống thuộc về đất nước này, nước Pháp, nhưng bước chân qua cửa, vào căn hộ của bà, là lại hít hà một không khí Việt Nam, cố nói tiếng Việt Nam, và dầu sao cũng phát âm rất tròn tiếng “Mẹ.”

Bà ngồi ngâm nga như thế cho đến hết buổi chiều, đến khi một người con khẽ nhắc “Mẹ, cô ấy phải về”. Bà sẽ sực tỉnh ra, thôi mơ màng về phía bên kia kính cửa sổ xám ngắt và ảm đạm, quay lại nhìn tôi cười dịu dàng “tuần sau nhé.”

Không biết tôi đã có bao nhiêu thứ bảy như thế ở nhà bà. Mùa đông dường như dài bất tận. Trời ngày một ảm đạm và xám xịt hơn. Tầu đến nhà bà vẫn hết hai tiếng mười ba phút, mà tôi vẫn không sao đến vào một giờ cố định được. Có đôi khi tôi gặp một người Việt Nam lạ ở nhà bà, một người giống như tôi, bỗng một ngày xuất hiện trước cửa nhà bà, gõ cửa và nói tôi là người Việt đây. Bà sẽ chậm rãi mời vào chiếc bàn tròn lớn, mời dùng món phở hoặc cá kho bà vừa làm, hỏi xem Việt Nam ngày hôm nay thế nào? Việt Nam có khỏe không? Giở giời như thế Việt Nam có hắt hơi xổ mũi không? Hôm nao cô về lại cho tôi gửi lời chào tới Việt Nam

Và những người lạ như thế tôi rất thường gặp, bên chiếc bàn tròn ở nhà bà. Với bà không có người Việt nào là lạ. Mọi người Việt đều là quen. Mười năm rồi bà không ra khỏi cánh cửa căn hộ, không đếm ngược từ chín mươi bảy trở về một để bước xuống những bậc cầu thang. Chân bà đi đã rất chậm và rất run. Nhưng bà vẫn dò dẫm đi trong căn hộ của mình, lên danh sách cho những người con luôn mỉm cười “oui, Mẹ” đi chợ và đem đến cho mình. Bà sẽ nấu lượng thức ăn đủ cho cả một trung đoàn rồi đóng vào hộp nhựa cho các con mang về. Những món ăn Việt.

Tôi cứ qua chơi nhà bà thế, thỉnh thoảng kể tin tức ở nhà tôi đọc được trên mạng cho bà nghe. Bà vẫn gửi lời hỏi thăm Việt Nam, vẫn muốn hẹn một ngày trở lại dù không đủ sức đi ra khỏi căn hộ của mình. Tôi ngồi bên bà đến hết buổi chiều, bên chiếc bàn dài đóng dọc tường phía dưới khung cửa sổ, bà miết tay vào kính cửa và thì thầm “hướng ấy, Việt Nam.”

*

Người con thứ báo với tôi rằng bà đã mất rồi. Bà ngã vào một đêm khi muốn tự mình đi ra bếp. Bà mất khi vừa luộc xong mẻ bánh chưng để gửi cho tất cả những người con và  những người Việt Nam quen biết. Khung cửa kính vẫn đóng im lìm, phía bên này là căn bếp thơm mùi bánh chưng, bên kia là mùa đông chưa dứt ảm đạm và xám xịt. Mùa xuân nơi đây đến muộn hơn xuân ở nhà tầm hai tháng, nhưng Tết thì vẫn thế, lịch đã bóc rồi, ở đây Tết đến giữa mùa đông.

Căn nhà bà thuê của Chính phủ với giá đặc biệt, phải trả lại, để dành cho một gia đình nhập cư khác. Họ sẽ dọn vào với bàn khác và ghế khác, căn bếp sẽ sực lên mùi những món ăn khác, và khi miết tay lên kính cửa sổ sẽ thì thầm tên một vùng đất khác.

Chúng tôi gặp nhau thưa thớt hơn. Không còn chỗ cho những buổi chiều thứ bảy dài tưởng như bất tận. Gói chè cô Hương biếu khi ở Việt Nam sang năm 1999 được một người con cầm về, mỗi dịp gặp nhau lại đem ra pha. Chè được đổ vào một lọ, ngoài đề dòng chữ nhỏ “Thé de Mémé” - “Trà của Mẹ”.

Chu Thuỳ Anh, sinh năm 1985 tại Hà Nội, tốt nghiệp trường Đại học Cergy Pontoisse (Pháp), ngành vật lý mô phỏng, hiện đang công tác tại Viện Vật Lý. Đã có một số truyện ngắn đăng trên báo chí.

Xuất hiện trong cuộc thi truyện ngắn của Tuần báo Văn nghệ 2011- 2012, truyện ngắn dự thi Hàng xóm của Chu Thùy Anh đã được chọn vào topten truyện ngắn hay của cuộc thi, năm 2011.

 

Lời bình của nhà văn Dạ Ngân:

áng chừng đã có hàng triệu người Việt tha hương, nói chung là vậy. Tha hương chủ động và tha hương bị động.

Nhân vật trong câu chuyện là một người hơn cả tha hương. Một người ly hương. Bi kịch của ly hương khắc nghiệt hơn chăng? Có thể. Và một người ly hương khi đã về già thì tâm trạng giống như mùa đông xứ người, lê thê, xám tro, bất tận.

Luôn có một câu hỏi không chỉ ở người Việt Nam, rằng sao người Tàu cũng tha hương và ly hương nhưng nỗi niềm của họ không khắc khoải như chúng ta? Câu trả lời dành cho các nhà xã hội học. Tác giả trẻ của truyện ngắn này đã rất tài khi nắm bắt trạng thái của một người đàn bà Việt ly hương. Ngắn mà dày, ngắn mà rậm và ngắn mà rất đủ. Câu chữ có thể mắc bệnh đại ngôn thường gặp ở những người trẻ nhưng giọng điệu và chi tiết thì đầy sức thuyết phục. ở đây tâm trạng nhà văn đã bọc lấy tâm trạng nhân vật, mọi thứ hiện lên rưng rưng, thấu cảm và chân thực.

Những dòng cuối buồn đến sởn óc. Truyện quá thành công. Nếu là tôi, tôi sẽ đặt tên truyện là “Trà của mẹ”. Trà của mẹ không cả quyết nhưng nó đàn bà Việt hơn. Âu là, đó cũng là sự khác nhau của những thế hệ về cách thao tác truyện ngắn.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Các tin đã đăng

Nhà văn đọc sách  

Mai Văn Phấn “giấu mặt” trong “hoa”

VanVN.Net - Từ xưa đến nay, bài thơ viết ngắn nhất là bài thơ chỉ có một câu. Kỷ lục vẫn thuộc về R. Tagore (nhà thơ ấn Độ, người đã đoạt giải Nô-ben văn chương cách nay trên 30 năm). ...