Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Chùm thơ: "7 nén hương tưởng niệm các liệt sỹ Trường Sơn"

Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý - 27-07-2011 09:53:56 AM


KHÁT VỌNG TRƯỜNG SƠN *

 

Nằm kề nhau

Những nấm mộ giống nhau

Mười nghìn bát hương

Mười nghìn ngôi sao cháy

Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng

Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn

Mười nghìn đôi vai từng gánh Trường Sơn

Mười nghìn đôi tay mở rừng xé núi

Mười nghìn đôi chân bám trên trọng điểm

Mười nghìn đôi mắt ngước hái mây chiều...

Mười nghìn ngọn đèn thắp miền giông bão

Mười nghìn bếp ấm giữa lòng rừng xanh

Mười nghìn cơn mưa, mười nghìn cơn nắng

Mười nghìn trận sốt bạc rừng nguyên sinh

Mười nghìn chiếc gậy của thời đôi mươi

Mười nghìn nếp nhăn hằn lên trước tuổi

Mười nghìn vết đau, mười nghìn vòng trắng

Mười nghìn mái tóc bị phát quang dần...

 

Mười nghìn Trường Sơn trong một Trường Sơn

Mười nghìn lời ca trong bài ca lớn

Mười nghìn cái tên đêm đêm mẹ nhắc

Mười nghìn giấc mơ của mẹ chờ ta

Mười nghìn con đò thương về bến đợi

Mười nghìn hạt giống chưa về phù sa...

 

Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa

Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn

Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương

Mười nghìn đơn côi nằm trong cõi vắng

Mười nghìn cô quạnh lang thang nẻo rừng...

 

Mười nghìn khát vọng được về bên nhau !

                 


CÓ MỘT HÀ NỘI Ở TRƯỜNG SƠN

 

Dưới bóng Chùa Một cột

lặng lẽ giấc nghìn thu

ngàn linh hồn hội tụ

thăm thẳm cõi Trường Sơn

 

Trời biếc như Hồ Gươm

xanh trên từng mái mộ

gió hay lời của Phố

nhẹ ru từng ngôi sao

 

Đây: Hàng Bạc, Hàng Đào

đây: Cửa Nam, Cửa Bắc…

Đống Đa ai vừa nhắc

chợt bùi ngùi Thanh Xuân!

 

Những tên phố, tên đường

khắc sâu vào bia đá

Hà Nội, chia hai nửa

như sông chảy đôi miền

 

Người đi qua cuộc chiến

nằm lại với Trường Sơn

giữa mưa chiều nắng sớm

thương nhớ đất Thăng Long…

 

Hồn Châu thổ vấn vương

nơi ngàn lau mây trắng

người ra đi trẻ lắm

mấy ai về Thủ đô!

 

Hồn quyện vào đất đỏ

chuyện rì rầm đêm đêm,

xưa mở đường khai bến

nay lời khói, giọng sương

 

Hồn như nước trẻo trong

nhập vào nghìn năm trước

chảy trong từng mạch đất

dòng tâm linh diệu huyền

 

Ai khoác áo sinh viên

ai từng chai tay thợ

ai trai cày ngoại ô

ai uốn đào trồng húng

nay ở cõi Vô cùng

vẫn hồn Người Hà Nội!

 

Một Hà Nội linh thiêng

nơi thượng nguồn Bến Hải

những người không thêm tuổi

ra đi

còn hát mãi

Đây lắng hồn sông núi ngàn năm *

----------------

Lời bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi

 

 

CƠN MƯA RỪNG CHIỀU NAY

 

Mấy mươi năm lặng lẽ dưới rừng sâu

chúng tôi đến đưa anh về với mẹ

tây Trường Sơn chiều nay mưa tầm tã

thác trời tuôn, nghiêng ngã gió bốn bề

 

Tấm ni long dành che hài cốt

chúng tôi như cây đẫm buốt mưa rừng

tay đồng đội nâng niu đồng đội

cơn mưa rừng trào khóe mắt rưng rưng!

 

Dưới cơn mưa là nén hương cháy dở

chút hương quê chưa thơm hết lòng mình

đỉnh non cao òa cơn sóng vỡ

nhịp tim dồn thao thức phía bình minh.

 

Hóa thành đất cái gia tài của lính

vóc dáng mẹ cho cũng đã đất rồi

thành đất cả dòng tên cha gọi

đất khai sinh ngọn lửa dưới mưa trời!

 

Ngày mai anh về với mẹ

gửi lại cơn mưa thao thiết cho rừng

nắm đất Trường Sơn bọc trong vuông vải nhỏ

như lửa đầu nguồn thắm mạch đất quê hương

 

 

NẤM MỘ HAI BIA *

 

Người Quảng Trị - người Thái Bình

dưới ba tấc đất cốt hình của ai?

 

Vô danh ba chục năm dài

giờ chung một mộ khắc hai tên người.

 

Đúng? Sai? Cỏ chẳng trả lời

hỏi thông, thông đứng dưới trời vi vu

 

Đành lòng mượn khói mùa thu

một người ngả nón ngồi ru hai người…

--------------------

*Nghĩa trang LSQG Trường Sơn có 68 ngôi mộ vô danh. Năm 2000 khi tôi đến đó thấy có 12 ngôi mộ đã được thân nhân các liệt sĩ gắn bia, trong đó có mộ gắn 2 bia.

 

 

VE KÊU Ở NGHĨA TRANG TRƯỜNG SƠN

 

Kêu sớm, kêu chiều, kêu cả hoàng hôn

kêu bồ đề xanh, kêu tượng đài trắng

kêu buốt lá kim trên cây mọc thẳng

tiếng kêu nhức nhức Trường Sơn

 

Ve kêu mất-còn

tiếng kèn chiêu tập

ve kêu mỏi mòn

nhắc thời màu ứa

về chưa…về chưa…?

 

Về chưa…về chưa…?

cũng đành nhắc lại

với mồ không tên và mộ có tên!

 

Về chưa…về chưa?...

cũng đành nhắc mãi

gọi hồn rừng sâu thăm thẳm lạnh lùng!

Nén hương cháy lên thành đuốc bùng bùng

ve kêu như lửa trùng trùng ngọn sông…

 

 

GIẾNG Ở LÈN HÀ

 

Người đi. Người đã đi rồi…

Ao trong không cạn, giếng khơi vẫn đầy

Tỏ mờ gió thổi, tóc bay

Mùi hương bồ kết đâu đây thoảng về.

 

Em. Mười sáu tuổi xa quê

Trường Sơn thăm thẳm bốn bề đạn bom

Lính thông tin áo vai mòn

Rừng già một khoảng giếng tròn soi chung…

 

Bây giờ, hương khói rưng rưng

Tên khắc bia đá lưng chừng Lèn sâu

Tìm em. Chẳng thấy em đâu

Gọi em. Lá rụng ngang đầu hoa râm!

 

Lược gương đặt chốn âm thầm

Mong nghe trở lại một lần gàu va

Nước trong mà buốt lòng ta

Múc chiều lên gội…cỏ hoa cũng chiều

 

Giá mà cất được lời yêu

Chắc đây – đó, cũng vợi nhiều xót thương

Thôi thì lấy giếng làm gương

Soi chung đôi cõi âm – dương, gọi là…

 

 

TRƯỜNG SƠN  TÓC DÀI

Đã nằm yên trong núi

những vầng ngực thơm hoa dẻ dịu dàng

sau ánh sáng

những đôi mắt khép lại

có một Binh đoàn con gái ra đi.

 

Chỉ còn lại dòng tên trên đá

tắm nắng mưa dầu dãi đầu nguồn

sau cuộc chiến họ là người về muộn

trễ hội pháo hoa, lỡ bữa tiệc mừng.

 

Thời con gái là thời cầm súng

thời phá bom, xẻ núi, bắc cầu

có một Trường Sơn tóc dài nương náu

trong miền trời trùng điệp mây bay.

 

Bạn ở đây

em cũng ở đây

ngã xuống đất tóc còn tươi như suối

có một đoàn quân tóc dài không tuổi

gội hương rừng ngan ngát mái Trường Sơn…

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...