Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Trần Gia Thái và tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa”

Lưu Quốc Hoà - 29-07-2011 01:17:14 PM

VanVN.Net - Tôi và Trần Gia Thái quen nhau đã hơn một năm nay do một cơ duyên rất tình cờ là hai chúng tôi cùng người Hà Nam lại đồng niên (Ất Mùi). Cùng trong nhóm bạn văn Hà Nam vừa thành lập... Với cương vị TGĐ Đài TH Hà Nội và hàng loạt các chức vụ quan trọng của một cán bộ cao cấp nên Thái rất ít thời gian cho riêng mình chứ chưa nói là cho bạn. Bọn tôi thường đọc văn thơ của nhau cái nào thích thì điện hay nhắn tin nhận xét và cổ vũ... Thế cũng là cố gắng lắm rồi.

Trần Gia Thái người Trung Lương Bình Lục lại ở ngay làng quê Nguyễn Khuyến. Hôm giỗ cụ Nguyễn cũng là Ngày thơ VN, Thái dẫn quân về làm chương trình và hen gặp nhau bàn chuyện Văn chương. Hôm đó tôi áo the khăn xếp và đệm sáo cho các tiết mục thơ nên giáp mặt nhau mà không nhận ra nhau, mãi đến khi tôi bắt tay cả hai mới cùng cười. Thái thì ca vát com lê, tôi thì lượt thượt khăn áo trông cứ như cụ Bá đứng cạnh ông Tây.

Ngày 20/7 vừa qua Trần Gia Thái tặng tôi tập thơ mới ra đời của anh. Của một đồng, công một nén anh cử người về Hà Nam trao tận tay, kèm theo tập thơ tặng bạn lại còn gói theo 10 triệu đồng kèm lời nhắn : Cậu đừng nêu tên tớ nhé! Cứ coi đây là số tiền của một người con Hà Nam góp vào quỹ “tấm lòng vàng” ủng hộ người nghèo trong đêm giao lưu từ thiện 22/7, mình thu xếp về rồi nhưng bận đột xuất nên lỡ hẹn với cậu”… Tôi nhắn lại trợ lý của Trần Gia Thái: “Về bảo ông Thái đừng chơi khó bạn bè, không nêu tên thì thiên hạ bảo là của ai, tình ngay lý gian là chết tôi, hoá ra tôi làm phúc phải tội”… Người trợ lý phải trao tận tay trưởng ban vận động Nguyễn Tiến Tiệp và cầm phiếu thu đem về Hà Nội.

Bìa tập thơ "Lời nguyện cầu trước lửa"

Trong cặp tài liệu của tôi tập thơ LỜI NGUYỆN CẦU TRƯỚC LỬA cứ cựa quậy nhưng không có thời gian đọc, mấy ngày ăn ngủ thất thường đến khi buổi giao lưu thắng lợi mới thở phào nhẹ nhõm… Hôm sau lấy cớ thoái thác họp tổng kết, tắt điện thoại và ra bờ sông mà đọc, đọc chậm chạp, nhẩn nha để soi vào tác phẩm thơ cũng như soi vào tâm hồn bạn... Người làm thơ viết văn là người phơi gan ruột mình trên trang giấy, cái việc làm dại dột ấy cấm ai che được mình dẫu anh là thường dân hay vua chúa… Mà cũng không che được cơ, che đi là giả dối phù phiếm và trơn tuột, tác phẩm của anh sẽ thành thứ nước si rô lờ lợ ngọt và nhếnh nhoáng tý phẩm mầu chứ không thể tạo nên chất men làm say người thưởng thức. Văn chương Thi ca mà không ám ảnh cũng là thứ nước si rô lờ lợ ấy.

Tôi có thói quen rất xấu là khi cầm tập thơ của một “Xếp” nào đó có chức vụ to to là nghĩ ngay đến việc họ làm thơ để trang trí cho mình. Cầm tập thơ Trần Gia Thái cũng không ngoài tiền lệ nghi ngờ ấy bởi Thái đang là Tổng Giám đốc của một đài truyền hình Thủ đô một nước với 2 kênh phát sóng liên tục... Nghi ngờ thoáng qua vậy, tôi giật mình xem lại kỷ yếu của anh với những giải thưởng văn chương, điện ảnh, báo chí và đương nhiệm Chủ tịch hội nhà báo Hà Nội… Thái là người của Văn chương thi ca thì không nghi ngờ còn những chức danh kia là do cuộc sống định vị Thái vào, Thái chọn văn chương và điện ảnh nhưng cuộc sống lại chọn Thái làm lãnh đạo và quản lý gần 1000 con người có học vấn học vị rất cao.

Cảm giác đầu tiên khi cầm tập thơ “Lời nguyện cầu trước lửa” với 99 trang và mở đầu là dòng lưu bút mềm mại của tác giả.Kế trang là lời giới thiệu của Nhà Thơ Hữu Thỉnh với tựa đề MỘT TẬP THƠ TƯƠI LÊN NHIỀU HY VỌNG. Tập thơ không dày, hình thức bắt mắt , lời giới thiêụ của nhà quản lý văn chương rất… Hữu Thỉnh bởi người làm học thuật thơ lại không nhắc đến học thuật mà chỉ nêu cái “chân thành là nghệ thuật cao nhất của thơ”… Cái “ né mình” ấy là sự gợi mở cho độc giả bằng lăng kính thẩm thấu thi ca tiếp tục nhìn nhận tranh cãi về một tác giả. thẩm thấu một tác phẩm là khôn cùng cũng như văn chương thi ca là thứ khôn cùng trong sáng tạo.

Đọc qua 99 trang với 36 tác phẩm thơ trong tập tôi mới cảm được cái tài của Hữu Thỉnh khi chỉ bàn đến sự chân thành trong cảm xúc của tác giả. Cái cảm xúc chân thành như một tổ ong để câu chữ như đàn ong thợ xôn xao bay lượn. Câu chữ có sức ma sát chứ không "thật đáng sợ khi mọi thứ đều trơn tuột” như một câu tác giả đã thốt lên trong thơ, điều ấy đã cứu được tổng thể tập thơ khi có rất nhiều bài cái tứ không mới nhưng đọc không nhàm tẻ , nó vẫn neo đậu cảm xúc, ngẫm ngợi cho người đọc với tầng triết luận nhân sinh trong bài: “Một lần đúng”… Đấy là sự gào thét bứt phá của con người tự nhiên, muốn sống theo sở nguyện mà khó thay trong cõi đời này.

Nếu cho tôi quyền chọn lựa cắt đặt tôi sẽ thấy chủ nhà dọn ra 3 món đắc sản trên mâm cỗ đó là: TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH QUÊ HƯƠNG VÀ DẤU ẤN ĐỒNG ĐỘI, VÙNG ĐẤT

Có thể là chưa đúng, chưa đủ nhưng tôi thấy thế bởi những mảng thơ của Trần Gia Thái cũng là mạch nguồn chung của những thi nhân trót đa mang trong cuộc đời đầy bể dâu, bất chắc, Tình yêu: Có lẽ đây là mảng không mới nhưng chưa bao giờ xưa cũ với các tác giả thơ. Mảng tình yêu trong thơ Thái có nét riêng là thật thà, dung dị, đáng yêu (thậm chí đáng thương) của một tâm hồn yêu. Cái yêu man mác buồn nhưng là cái buồn sang trọng không nhuốm màu bi luỵ, cải lương và ngay tình yêu học trò cũng thế: Rất học trò và cũng rất… Nguyễn Bính:

Nợ em tôi nợ những gì

Mực loang trên vở ướt mi học trò

….
Lại cầm tay, lại vân vi

Em đừng mách mẹ anh hư… em đừng thế rồi lớn, thế rồi xinh

Rồi trăng mười sáu em thành cô dâu

(Bao giờ)

Có lẽ cùng sinh ra trên một miền quê chiêm trũng nên tôi đồng cảm cái tâm trạng của Thái, cái vụng dại của tuổi hoa niên mới chạm vào cái ngưỡng của yêu mà say bả lả, đến khi vuột khỏi tay mình mới ngơ ngáo, ngơ ngẩn, thơ thẩn buồn… Nỗi buồn ấy đeo đẳng mình, ám ảnh mình dẫu đi chân trời góc bể. Đấy là bài thơ lục bát hiếm hoi Thái in trong tập… Ngẫm đi ngẫm lại: Đẹp trai và tài hoa như Thái còn thất tình đến quay quắt thì tôi, bạn có thất tình cũng là sự thường, chả thấm tháp gì.

Những bài thơ tình yêu của Thái rất thật thà đến... thương. Ở cái tuổi tóc trên đầu đã ngả mà vẫn còn tình yêu “sét đánh”. Vô lý chăng? Tôi cho không vô lý bởi yêu là sự dâng hiến của tấm lòng đa cảm và cũng cần cả sự dũng cảm: Tôi yêu đấy ai cấm tôi được,! Yêu mà có tội thì cũng nên mong trái đất này động đất 12 độ zichte đi thôi. Yêu trong chúng ta như một cánh chim trời tự do bay lượn dù là yêu đơn phương hay đa phương… Nếu không có khoảng xanh diệu kỳ ấy ta sống làm sao được… Tôi vẫn thống nhất với luật bất thành văn trong đời sống là: Tôn trọng quyền tự do tư tưởng và cảm xúc riêng, cung bậc riêng của nhau... Đáng buồn là những người làm vợ hay làm chồng hay nhảy bổ rất bất lịch sự trong đời sống tình cảm, tham lam cả những điều mình không được quyền tham lam.

Thơ yêu của Thái đa sắc màu và ngôn ngữ không cách tân và quá bóng bẩy, nó thật thà và trải lòng đến... dại dột. Thế mới là thơ yêu! Trong tình yêu không dung nạp sự lọc lõi trong cảm xúc để đi đến một điệu nghệ, đấy là thứ chợ trời, con buôn. Trước tình yêu ta cũng muốn dại khờ một chút.

Tôi đã thuộc một số bài hay một số đoạn thơ “Yêu” của Thái. rất tự nhiên nó ngấm cũng như thuộc thơ của các thi nhân mà mình thích để làm vốn cho lộ trình đến với văn chương. Trong bài cảm nhận này tôi không trích dẫn thơ Thái, việc tìm đọc đã có báo mạng, báo in nói hộ mình, chả dại mà “tầm chương trích cú”.

Mảng thứ hai của tập thơ là Gia đình và quê hương. Mảng này cũng ngang ngửa với mảng tình yêu bởi quê Hà Nam chiêm trũng đói khổ của chúng tôi cứ hiện lên nhồn nhộn trong thơ Trần Gia Thái… những lối ngõ và hoa xoan, những đình đám rước sách hội hè cổ, những xôi những thịt cúng bái đình làng, những món quà cho người già trẻ nhỏ ai cũng có phần, những no đói buồn vui lặn vào những khổ thơ bình dị mà có sức gợi . Chúng ta sinh ra và lớn lên trong nghèo đói. Ta không thể quên một quá vãng nơi quê làng có cánh diều, có khóm tre đầu ngõ vẫn ngóng mẹ đi chợ phiên với cái thúng “chem.” đội đầu, cái nón khoác tay. Tôi yêu bài thơ “Sao mà nhớ” bởi hồn cốt của nó rất thật và rất gợi. Người biết yêu mẹ, yêu quê là người có nghĩa có nhân dẫu anh đang lầu son gác tía cai quản tam cung lục viện.

Đề tài gia đình trong thơ Thái khá đằm nhất là bài thơ năm nay Thái viết cho con gái tết đầu tiên vắng vẻ khi con về nhà chồng, mất đi thói quen đêm 30 tết cả nhà ngủ chung giường. Cô con gái lớn tồng ngồng lại có hạnh phúc được làm trẻ thơ bên cha mẹ sau 365 ngày cả nhà bận bịu và thất thường. Cái gạch nối diệu kỳ ấy làm nên hạnh phúc đích thực của một gia đình (bài Giao thừa năm nay)… Tôi thích nhất mấy dòng thơ Thái nói cùng con gái:

Mong người con yêu mãi yêu thương con mãi là người TỬ TẾ

Nếu chẳng tốt hơn thì cũng xin bằng mẹ

Có một người chồng không tệ phải không con

Tôi coi đây là một cái tứ mới. Nó mới vì chưa ai viết, chưa ai viết vì người ta chưa nhận ra, chưa ai dũng cảm chạm khắc tâm trạng mình trước điều giản đơn mà không đơn giản trong đời sống gia đình. Giữa TỬ TẾ và KHÔNG TỆ là một tiêu chí của hạnh phúc. Thật ra làm người tử tế cũng rất khó, “người tử tế” là “người không tệ” và ngược lại. Nó cũng như tiêu chí đạo đức: Sống ĐÚNG và SỐNG PHẢI. Những mỹ từ cao siêu đôi khi phù phiếm khi ta chưa đạt nổi cái lẽ thường… Trong thơ mà dùng được hai chữ “tử tế” và “không tệ” đắc địa như vậy không phải ai cũng thành công.

Còn rất nhiều điều tôi chưa nói được trong bài viết nhỏ này. Tôi là dân văn xuôi ngoại đạo thơ phú không nên vu đàm. Tôi chỉ viết theo cảm nhận cá nhân công chúng thưởng thức, không bình, chỉ hơi luận một chút. Tôi muốn "luận" cái ngoài thơ, hình bóng tác giả trong thơ và ngoài đời thật có đồng nhất hay khập khênh?

Tôi yêu Thái vì cái bình dị và cởi mở. Ở Thái toát lên sự đĩnh đạc nhưng không kiêu kỳ, diệu vợi, cái tật quan trọng hoá mình khi đang đứng trên đỉnh cao danh vọng mà người đời hay mắc phải. Danh vọng là một thời còn văn chương thi ca theo ta đến khi vĩnh viễn mất đi sự sống. Cũng đúng thôi! Người của văn chương thi ca đích thực là người “tử tế” và “không tệ”. Tôi mãi tin vào điều ấy cũng như phấn đấu không mệt mỏi vì điều ấy.

Tôi có mấy người bạn cấp dưới của Thái, khi được hỏi họ cũng thổ lộ: Anh ấy là người tử tế, sống phải và sống đúng… Anh Thái là người lãnh đạo rất… dễ chịu.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...