Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Những bài thơ viết về liệt sỹ

26-07-2011 01:21:18 PM

VanVN.Net – Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hòa bình đang dần khỏa lấp những nỗi đau mất mát: mất người thân, bạn bè, người yêu... Nhưng niềm tiếc thương ở lại và thao thức mãi trong lòng những người còn sống. Ngày tri ân những người đã ngã xuống hay gửi lại một phần máu xương nơi chiến trường (27/7/2011), VanVn.Net xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc chùm thơ của các nhà thơ viết về liệt sỹ, cũng chính là người ruột thịt của mình…

 

 

HỮU THỈNH

Phan Thiết có anh tôi

 

Anh không giữ cho mình dù chỉ là ngọn cỏ
Đồi thì rộng anh không vuông đất nhỏ
Đất và trời Phan Thiết có anh tôi
Chính ở đây anh thấy biển lần đầu
Qua cửa hầm
Sau những ngày vượt dốc
Biển thì rộng căn hầm quá chật
Khẽ trở mình cát để trắng hai vai

Trong căn hầm mùi thuốc súng mồ hôi
Tim anh đập không sao ghìm lại được
Gió nồng nàn hơi nước
Biển như một con tầu sắp sửa kéo còi đi.

Những ngôi sao tìm cách sáng về khuya
Những người lính mở đường đi lấy nước
Họ lách qua những cánh đồi tháng chạp
Trong đoàn người dò dẫm có anh tôi

Biển ùa ra xoắn lấy mọi người
Vì yêu biển mà họ thành sơ hở
Anh tôi mất sau loạt bom tọa độ
Mặt anh còn cách nước một vài gang

Anh ở đây mà em mãi đi tìm
Em hy vọng để lấy đà vượt dốc
Tân Cảnh
Sa Thầy
Đắc Pét
Đắc Tô

Em đã qua những cơn sốt anh qua
Em đã gặp trận mưa rừng anh gặp
Vẫn không ngờ có một trưa Phan Thiết
Em một mình đứng khóc ở sau xe

Cánh rừng kia trận mạc còn kia
Vài bước nữa thì tới đường Số Một
Vài bước nữa
Thế mà
Không thể khác
Biển màu gì thăm thẳm lúc anh đi

Em chưa hay cánh đồi ấy tên gì
Nhưng em biết ngày ngày anh vẫn đứng
Anh chưa biết đã tan cơn báo động
Chưa biết tin nhà chưa nhận ra em

Không nằm trong nghĩa trang
Anh ở với đồi anh xanh vào cỏ
Cỏ ở đây thành nhang khói của nhà mình
Đồi ở đây cũng là con của mẹ

Lo liệu trong nhà dồn xuống vai em.

Ánh đèn khuya Phan Thiết bước vào đêm
Đèn thành phố soi người đi câu cá
Anh không ngủ người đi câu không ngủ
Biển đêm đêm trò chuyện với hai người
Cứ thế từng ngày Phan Thiết có anh tôi.


1974 – 1981

 

 

 

PHAN THỊ THANH NHÀN

Em tôi
(Tặng em trai, liệt sĩ Phan Hữu Khải!)
 
Em tôi đi bộ đội
Năm nó tròn hai mươi
Chưa một lần gặp lại
Em đã hy sinh rồi.
 
Nó ngã xuống chiến trường
Giữa những ngày ác liệt
Đồng đội chưa tìm ra
Nơi tạm chôn hài cốt.
 
Mẹ khóc khô nước mắt
Tôi tìm hỏi nhiều nơi
Nhưng vẫn chưa biết được
Nấm mộ nào em tôi.
 
Thế rồi kỳ lạ quá
Trong tất bật tháng ngày
Tôi nhiều lần sửng sốt
Chợt gọi thầm: Khải ơi!
 
Có phải chính em tôi
Vai tựa vào chiếc nạng
Ánh mắt nhìn điềm đạm
Trong đêm mừng chiến công?
 
Rồi khu kinh tế mới
Chính em đang mải làm
Chợt dừng tay vẫy họi
Khi xe tôi qua đường.

Hôm tôi thăm Côn Đảo
Tàu cập bến, đã khuya
Chính em ùa ra đón
Quân hàm sao binh nhì.
 
"Em chưa thể về nhà
Em còn nhiều việc bận
Chị có hiểu em không?
Mẹ ơi, xin đừng giận"...

 
Với mọi người, em tôi
Không còn tên còn tuổi
Đài liệt sĩ vô danh
Nấm mồ chung cỏ xanh.
 
Nhưng riêng tôi vẫn gặp
Giữa biển xa đèo cao
Trên bao gương mặt trẻ
Đứa em trai thủa nào.
 
Nó sống cùng đồng đội
Vĩnh viễn tuổi hai mươi
Tôi gọi tên em mãi
Giữa núi sông ngàn đời...

          
 

DƯƠNG ĐỨC QUẢNG

Tìm anh

Không biết nơi anh hy sinh
Chỉ nghe trên đường 19
Đâu dưới chân đèo Mang Yang

Đồng đội bao lần đi tìm
Chưa một lần nào tìm thấy
Chẳng biết anh đang nằm đâu

Chiều nay chúng tôi qua đây
Chân đèo Mang Yang dừng lại
Xin thắp nén hương tìm anh

Gió đưa hương bay nhè nhẹ
Đâu là chỗ anh đang nằm?
Khôn thiêng anh về anh nhé!...

Chúng tôi lại phải xa anh
Như bao nhiêu lần tìm mãi
Anh ơi, sao vẫn chưa về?


               2005


GIANG NAM

Quê hương

 

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
 “Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được...
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích...

***

Cách mạng bùng lên
Rồi kháng chiến trường kỳ
Quê tôi đầy bóng giặc
Từ biệt mẹ tôi đi
Cô bé nhà bên - (có ai ngờ!)
Cũng vào du kích
Hôm gặp tôi vẫn cười khúc khích
Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!)
Giữa cuộc hành quân không nói được một lời
Đơn vị đi qua, tôi ngoái đầu nhìn lại...
Mưa đầy trời nhưng lòng tôi ấm mãi...

***

Hoà bình tôi trở về đây
Với mái trường xưa, bãi mía, luống cày
Lại gặp em
Thẹn thùng nép sau cánh cửa...
Vẫn khúc khích cười khi tôi hỏi nhỏ
Chuyện chồng con (khó nói lắm anh ơi!)
Tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi
Em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng...

Hôm nay nhận được tin em
Không tin được dù đó là sự thật
Giặc bắn em rồi quăng mất xác
Chỉ vì em là du kích, em ơi!
Đau xé lòng anh, chết nửa con người!

Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm
Có những ngày trốn học bị đòn roi...
Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất
Có một phần xương thịt của em tôi


1960

 

ĐỖ TRUNG LAI

  Thơ bên một liệt sỹ Đỗ Trung Cẩn

ở nghĩa trang thị xã Pleiku - Gia Lai

(Kính viếng hương hồn anh trai)

Ước gì anh lên đây được
Ngồi nghe em kể chuyện nhà!
Ước gì anh lên đây được
Nói cười như những ngày xa!

Cha mẹ chúng mình đã mất
Không ai chống được tuổi già
Anh em yên bề gia thất
Mình anh nhân ảnh nhạt nhoà!

Đồng làng giờ ba, bốn vụ
Cơm làng thôi độn khoai, ngô
Thế mà ngày anh đánh giặc
Lội rừng, lấy sắn làm no!

Giờ lụa, vải đâu nhiều quá
Làng mình thưa tiếng thoi đưa
Né kén, nong tằm cũng ít
Làm nhiều, hàng bán ai mua?

Sông Đáy trước nhà vẫn thế
Mùa này nước màu xanh lơ
Cá tôm càng ngày càng hiếm
Ít ai cất vó đặt lờ

Anh của em là thế đấy
Chỉ thích những con sông đầy
Để lao mình vào nước xiết
Thách cả giời cao đất dầy

Cuối cùng giời cao đã thắng
Vùi anh vào lòng cao nguyên
Bây giờ đất dầy ba thước
Làm sao đưa được anh lên?

Bây giờ em ngồi bên mộ
Dưới lòng đất đỏ là anh
Trên giời mây bông trắng nõn
Nhởn nhơ trông rất hiền lành

Thế mà lòng giời thuở ấy
Còn sâu hơn ngàn vực sâu
Ngày nào cũng đầy khói lửa
Đêm nào cũng đầy hoả châu!

Từ nay em không tin nữa
Rằng "lượng giời rộng vô cùng"
Giời đem bao người rất trẻ
Về nơi vô thuỷ vô chung!

Vẫn biết "vào cơn gió bụi"
"Xưa nay mấy kẻ trở về"
Vẫn biết những nhà liệt sĩ
Đều vì lẽ sống mà đi

Nhưng trước nấm mồ ruột thịt
Em như người đứt cánh tay
Xin liệm thêm vào dưới ấy
Của em, lời xót thương này!


1999

 

 

KHUẤT QUANG THỤY

Phù sa đỏ

Nhớ Châu

Trăn trở mãi vậy ư?
Ơi, dòng sông mặt trận?
Nước lên cồn cào sóng
Nước ròng
Để lại đôi bờ những ngấn đỏ phù sa

Những ngấn đỏ phù sa
Mềm mại như nếp áo
Mà cũng ưu tư như vầng trán cuộc đời

Chúng tôi vượt sông đêm ấy tối trời
Gương mặt bạn nhập nhoà trong chớp đạn
Không nhìn thấy nếp ưu tư trên vầng trán
Chỉ long lanh đôi mắt chớp sáng ngời

Khi trận đánh xong rồi
Vùng giải phóng mở ra bát ngát
Chúng tôi xoá đi những nếp nhăn trên bao vầng trán
Nhưng đơn vị từ đây thiếu bạn

Chúng tôi lại hành quân
Vượt qua bao dòng sông đánh bấy nhiêu trận thắng
Những ngấn đỏ phù sa thành bừng bừng sức sống
Trong nếp cờ chiến thắng mỗi bình minh.


Tây Nguyên, năm 1973

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Các tin mới hơn

Nhân vật  

Nhà văn Sơn Tùng: một huyền thoại đời thường

VanVN.Net - Ngày 14-7-2011, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định 1083/QD-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho nhà văn Sơn Tùng đã vì “đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng ...

Thư giãn  

Thấy, nghĩ và viết: “Từ đâu đến đâu”

VanVN.Net - Việc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII lần này đã phải dành thời gian chủ yếu cho vấn đề tổ chức và nhân sự của các thiết chế Nhà nước, vẫn phải để ra thời lượng ...