Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Edward Thomas - kỳ tài bạc mệnh

Nguyễn Thiện Hoàng Dương (dịch) - 11-10-2011 09:05:11 AM

VanVN.Net - Robert Macfarlane bình luận cuốn tiểu sử về nhà thơ Anh Edward Thomas của tác giả Matthew Hollis. Cuốn sách cho thấy thêm nhiều điều về nhà thơ này hơn là một nhà thơ đồng quê đơn thuần.

Ta thường nghĩ Edward Thomas (1878-1917) là một nhà thơ đồng quê về không gian và bạn hữu, nhưng chủ đề thực sự của ông là sự chia cắt, phân tán, và bất ổn. Vần thơ của ông đầy ắp những linh hồn, bóng ma đen tối, và những khu rừng “sâu hun hút”; còn khung cảnh là những mặt phẳng dễ vỡ, có thể đổ sập bất thình lình. Nhà phê bình văn học Frank Raymond Leavis (1895 - 1975) đã đúng khi mô tả thơ ca của Thomas như là nghệ thuật tại “đường biên của ý thức”. Thậm chí những bài thơ được đưa vào hợp tuyển nhiều nhất của ông, như Adletrop hay At the Teams’s Head-Brass, đạt tới ngưỡng nhận thức không thể nắm bắt hay ở trạng thái hư không theo cách nào đó.

Lời kể xuất sắc của tác giả Matthew Hollis về những năm cuối cùng của Thomas đem đến một không gian cho những đặc tính trong thơ ông. Nhà thơ Thomas của Hollis là một người chịu nhiều trầm cảm và nghi ngờ, một người - theo chính ông “ngập đầu trong công việc, cháy hết mình vì công việc”, tự hành hạ và tự bản thân miễn cưỡng không đủ can đảm tự sát, không hạnh phúc (dù không bao giờ phản bội) trong hôn nhân, ghê tởm (dù không bao giờ bạo lực) người vợ ông hằng yêu Helen. Thiên nhiên và việc đi lại phần nào an ủi ông tạm thời, nhưng trước khi gặp Robert Frost năm 1913, Thomas có vẻ chắc chắn sẽ không bao giờ làm thơ và nhiều khả năng sẽ tự tử. Tình bạn giữa họ, và quyết định đến Pháp của Thomas (ông bị giết trong ngày đầu tiên của trận chiến ở Arras) là trung tâm của cuốn sách này.

Hollis bắt đầu bằng việc gợi nên bối cảnh thơ ca ở London một thế kỷ trước - một thế giới phiêu bồng. Đó là những năm nổi bật của chủ nghĩa văn học hiện đại, và sự phấn khích của cái cũ đối chọi với cái mới được Hollis gợi lên rõ nét.

Trong thế giới đó, từ những hướng khác nhau, Frost và Thomas xuất hiện. Frost đến trên một con thuyền từ Mỹ, hy vọng sẽ làm nên tên tuổi như một nhà thơ xuất chúng ở Anh quốc sau khi thất bại tại quê nhà. Thomas lại khác, ông đến với thơ ca muộn, hay đúng hơn là thơ ca đến với ông muộn: ông được biết tới nhiều nhất là một trong những nhà phê bình quyền lực nhất London, lừng danh vì ngòi bút sắc sảo. Hollis khôi phục khía cạnh bị lãng quên này trong sự nghiệp Thomas: một nhà phê bình giàu ảnh hưởng tới mức ông được cho là “nắm giữ chìa khóa tới thiên đường của thơ ca Anh quốc”, người được biết đến là “kẻ gây độc” vì “độc tính” trong những chỉ trích tiêu cực của ông, hay người không sợ hãi trong nhận định (ông từng khinh bỉ một bài thơ vì “loanh quanh trong một thế giới mà ở đó những giấc mơ hoàn hảo rẻ rúng như những tờ báo buổi tối”) và với ông, phê bình là một hành động luân lý phải được thực hiện với “một ngôn ngữ không ai được phản bội”.

Nhưng sau đó, ông gần như không thể để sống mà chỉ dựa vào nghiệp phê bình. Tác giả ghi nhận sự tan vỡ tàn bạo và những ảnh hưởng tối tăm của nó lên ý chí của Thomas. Dính chặt vào bàn, buộc phải viết hàng trăm ngàn từ một năm vì lý do tài chính (tiểu sử, lịch sử, nghiên cứu phê bình, du lịch cũng như những bài phê bình bất tận), Thomas chìm sâu hơn vào trầm cảm. Tới năm 1912, theo lời của Hollis, tinh thần của ông đầy “cay đắng và suy nhược”, ông bị chứng mất ngủ và rất không ổn định, thường chửi bới vợ như tát nước.

Rồi ông gặp Frost, đến mùa xuân năm 1914, hai người trở nên gần gũi tới mức họ quyết định sẽ cùng nhau tới Mỹ. Frost là người duy nhất, với nét chân chất vùng New England, có thể vực Thomas ra khỏi sự tự thán. Họ dành phần nhiều thời gian để đi dạo và trò chuyện quanh ngôi làng Dymock vùng Gloucestershire, nơi một nhóm thi sỹ tụ tập lang thang, suy tư và nhậu nhẹt trong vài năm. Thậm chí khi vùng đồng bằng Bỉ bị đốt phá, và một “bức tường người tị nạn” phải di tản trước khi quân Đức tiến đến, những thi sỹ Dymock vẫn tồn tại với thể loại văn đồng quê eclogue, với những câu chuyện về lao động và thi ca trong mùa gặt.

Cuộc chiến cứu Thomas trước khi giết ông. Nó cho ông lẽ sống và, thật oái oăm, nó cho ông cả thơ ca. “Tôi đang chầm chậm trở thành một người Anh có ý thức”, ông viết vào tháng 9 năm 1914, và bài thơ đầu tiên của ông đến hai tháng sau đó. Trong hơn hai năm - dưới sự tư vấn cẩn thận của Frost - Thomas viết những vần thơ để đời. Mặc dù qua những ngày tháng đó, Thomas vẫn chấp nhận “những công việc dơ dáy” như “một cuốn sách về công tước xứ Marlborough phải hoàn thành cấp tốc” (ông mất mười tuần để hoàn thành: sáu tuần để nghiên cứu và bốn tuần để viết, ở tốc độ khoảng 3.000 từ một ngày).

Thomas nhận ra bản chất công nghiệp hóa rõ ràng của Thế chiến thứ nhất: nó là một cỗ máy khổng lồ được thiết kế ra, và như ông nói, “để biến thanh niên thành đống phân”. Nhưng ông cũng hành động cụ thể, và được phong hàm thiếu úy trong một đội pháo binh. Ông dừng làm thơ một thời gian ngắn trước khi đến Pháp. Ông chết trong quá trình mười tuần khi đến mặt trận phía Tây, và chết êm ái bởi một mảnh vỏ đạn khiến trái tim ngừng đập và quật ông ngã xuống, nhưng không hề khiến chiếc tẩu thuốc đất nung của ông sứt mẻ; còn những trang sổ tay nhàu nát thành những gợn sóng kỳ lạ.

Tác giả Hollis - giống như Thomas, một nhà thơ, một nhà biên tập và bây giờ là một nhà viết tiểu sử - kể lại mọi chuyện rất chi tiết, lời kể được cấu trúc hợp lý theo địa điểm, năm tháng và mùa. Ông đã chọn cách không đưa mình vào một cuộc cạnh tranh nghệ thuật với Thomas; lời tường thuật của ông yên ả và kín đáo, giọng điệu hóm hỉnh và uyên bác. Lòng đồng cảm của Hollis với Thomas và sự ngưỡng mộ thơ ca ông thật rõ ràng, nhưng ông rất thẳng thắn, không ủy mị với những vấn đề trong đề tài của mình.

Năm 1985, Ted Hughes mô tả Thomas là “người cha của tất cả chúng ta”. Huges phát biểu với tư cách là một nhà thơ với những nhà thơ khác, nhưng bình luận của ông có tính đúng đắn bao quát hơn. Nhiều điều về cuộc sống và tác phẩm của Thomas có vẻ đã đoán trước được những âu lo đương đại: những thôi thúc không thể hòa giải để du lịch và sống, sự khó khăn để biết nơi nào nên gọi là “nhà”, sự quan tâm đến môi trường theo khuynh hướng bản địa, và cảnh tha hương để cảm thấy “không gian” có thể được hiểu là tổng hòa các địa điểm ta đã để lại phía sau. Cuốn sách tuyệt vời của Hollis giúp chúng ta hiểu Thomas còn có nhiều thứ hơn là về cây cối hay đồng cỏ khô.

(Nguồn daibieunhandan)


Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn