Thu về trên tóc/ Đông đọng trong hồn/ Nhổ được tóc bạc/ Nhổ chăng nỗi buồn? (Hỏi mình - Phạm Đức)
Gửi thư    Bản in

Kí: "Tình bần ở Cù Lao Dung" - Diệp Bần Cò

08-10-2011 12:55:45 PM

VanVn.Net – Diệp Bần Cò, tên thật là Đỗ Ngọc Diệp, sinh năm 1977. Hiện đang công tác tại Trường Tiểu học thị trấn Cù Lao Dung, Sóc Trăng. Bắt đầu viết văn, làm thơ 10 năm trở lại đây. Sáng tác của anh gắn với vùng đất Sóc Trăng tự nhiên và thắm thiết như máu thịt. Bút danh “Diệp Bần Cò” có lẽ xuất phát từ tình yêu, niềm tự hào đối với vùng quê này. Anh là đại biểu khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trong Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII vừa qua.

Tác giả Diệp Bần Cò

Tôi không nhớ rõ mình đã đến Cù Lao Dung được bao nhiêu lần, nhưng mỗi lần đến khám phá Cù Lao Dung tôi càng thấy yêu vùng đất này thêm. Trước khi đặt bút viết về Cù Lao Dung, tôi đã đọc một số bài viết về vùng đất này. Nhà văn Hoài Phương gọi Cù Lao Dung là “Viên ngọc xanh nằm cuối dòng sông Hậu”; tác giả Trần Đắc Hiển Khánh khi nhìn lên bản đồ Sóc Trăng thấy hình dáng vùng đất Cù Lao Dung giông giống như bàn chân người nên ông ví Cù Lao Dung là “Bàn chân phù sa”; còn tác giả Hồng Bỉnh Hiếu thì lại nghĩ “Cù Lao Dung là nơi cần mẫn, chắc chiu không ngày không tháng của từng hạt phù sa từ lòng sông Hậu bí ẩn”… Mỗi người có cái cảm nhận riêng và chọn cách gọi khác nhau về vùng sông nước Cù Lao Dung này. Còn “thổ địa” nơi đây, anh Võ Hồng Sen (Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Cù Lao Dung) bộc bạch với tôi rằng: “Tôi đã thử chọn một câu hỏi chung cho nhiều du khách đến đây: “Cái ấn tượng đầu tiên về Cù Lao Dung là gì?” thì được nhận một câu trả lời chung nhất là “cây bần!”. Đó cũng là ấn tượng của tôi khi lần đầu tiên đặt chân đến vùng đất này. Tôi nghĩ cũng phải, bởi cây bần không những đứng bao bọc xung quanh Cù Lao Dung mà men theo gần một trăm con rạch lớn nhỏ nằm rải rác trong bảy cánh cồn: cồn Dung, cồn Cộc, cồn Tròn, cồn Chén, cồn Cát, cồn Mới, cồn Chín Liên đều có mặt cây bần ven hai bên mé. Chung quy lại, ở đâu có sông rạch trên vùng đất Cù Lao Dung đều có màu xanh của những cây bần. Đó là nét đặc trưng của nơi đây; vì thế từ lâu có nhiều du khách cho rằng, Cù Lao Dung là quê hương của những cây bần.

Cây bần có sức sống mạnh mẽ ở ven sông rạch, phù hợp với cả ba nguồn nước: ngọt, lợ và mặn. Bần có ba loại: bần dĩa, bần ổi, bần sẻ. Ven sông rạch ở Cù Lao Dung đa số là hai loại: bần dĩa và bần sẻ. Nhìn chung hai loại bần này đều có thân, nhánh và lá giống nhau. Da của cây bần có màu xanh nâu, có nhiều nhánh mọc như những cánh tay đưa ra vẫy múa với gió. Lá bần hình bầu dục, to cỡ hai ngón tay khép lại. Trái bần có hình tròn dẹp tựa như cái bánh cam, có đuôi nhọn, có mầu. Mầu trái bần có cánh tia ra như hình ngôi sao. Bần từ lúc ra hoa cho đến hết mùa trái rụng là thời gian hơn nửa năm. Tức là từ giữa mùa xuân dẫn đến hết mùa thu mới chấm dứt mùa bần chín. Hoa bần không giống những loại hoa khác, cánh hoa bần tròn nhỏ như những sợi chỉ dài khoảng 5 xăng-ti-mét. Mỗi hoa được đeo gần 20 cánh hoa vòng tròn xung quanh mầu. Cánh hoa bần có màu trắng phơn phớt tím. Tuy nhiên, hai loại bần này kích thước trái có một đặc điểm riêng. Bần dĩa khi đến chín nó dẹp có hoành tròn to cỡ cái bánh tai yến; Còn bần sẻ khi đến chín thì nó vẫn nhỏ và dẹp cỡ như cái bánh cam mà thôi.

Trái bần trong khoa học Đông y hay Tây y có tác dụng như thế nào thì tôi chưa thấy phổ biến rộng. Nhưng trong dân gian trái bần có tới 3 tác dụng. Các cụ xưa hay bảo: Nếu bị tiêu chảy thì hãy bẻ trái bần non ăn sống. Vì trái bần còn non có vị chát nên sẽ giảm đi chứng bệnh tiêu chảy. Còn nếu bị táo bón thì hãy lượm trái bần chín về nấu một nồi canh chua, rồi chan cơm ăn một bữa no nê, sau đó đi tiêu không còn táo bón nữa. Các cụ còn bảo, chất chua của trái bần sẽ làm thanh nhiệt trong người.

Từ “Bần” được đặt tên cho nhiều kênh rạch trên đất Cù Lao Dung mà khi nghe qua sẽ thấy tình cảm keo sơn gắn bó giữa con người, cây bần và quê hương nơi đây như: rạch Bần Cò, rạch Đầu Bần, rạch Bần Xanh,…

Vào những thập niên đầu của thế kỉ 20, vùng đất Cù Lao Dung còn hoang sơ, đất đai chưa được khai phá nhiều, còn lắm những cây bần, cây lá dừa nước. Lúc bấy giờ thực dân Pháp hoành hành dữ dội trên khắp đất liền. Những cán bộ chủ chốt của huyện Long Phú như đồng chí Đặng Quang Minh, đồng chí Đoàn Thế Trung, Đoàn Văn Tố, các đồng chí chọn địa bàn Cù Lao Dung để làm điểm họp bàn chỉ đạo hoạt động cách mạng. Những nơi họp bàn kế hoạch tác chiến luôn diễn ra ở giữa những đám bần, đám lá hay còn gọi là “đám lá tối trời”. Dĩ nhiên, dưới những đám lá có một bóng tối “đặc biệt” để an tâm làm việc thì bên trên những đọt lá luôn luôn có mặt những cây bần đứng dang tay che phủ. Nói như thế, để thấy rằng, cây bần cũng góp công trong kháng chiến. Hơn thế nữa, vào nửa thập niên 40 của thế kỉ 20, quân Pháp đã mở rộng càn quét qua vùng Cù Lao Dung. Dựa vào sự rậm rạp, sầm khuất của những cây bần, năm 1947 đội quân du kích Long Phú đã phục kích những tên lính Pháp tại vàm Rạch Già, xã An Thạnh Nhất (nay thuộc thị trấn Cù Lao Dung). Được báo tin Pháp đổ lính lên vàm Rạch Già để mở cuộc càn quét lớn, đội quân du kích được cấp trên chỉ đạo phục kích dưới những vạt bần dọc theo con Rạch Già và đánh quân Pháp một trận tơi bời. Trận phục kích đó quân ta đã diệt được 8 tên lính Pháp, thu được một số vũ khí và nhấn chìm một tàu sắt hiện sát còn nằm dưới đáy sông Rạch Già. Sau chiến thắng giòn giã ấy, nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương đã viết nên bài hát “Du kích Long Phú” được phát khắp trên các đài phát thanh từ Nam chí Bắc, làm nức lòng quân dân cả nước nói chung và Cù Lao Dung – Long Phú nói riêng. Bài hát ấy tôi đã nghe nhiều lần. Tôi nhớ có đoạn: “Ai về Cù Lao Dung/ Nhớ ghé viếng Rạch Già/ Nhớ về An Thạnh Nhất/ Hỏi Tây chết mấy thằng/…”. Cũng sau chiến thắng giòn giã ấy, quân và dân Cù Lao Dung đã có câu “Bần che bộ đội, bần vây quân thù”.

Một điều tôi thấy cảm động hơn nữa, đó là tấm lòng của người dân Cù Lao Dung đối với Bác Hồ kính yêu thật mãnh liệt. Ngày 03 tháng 09 năm 1969 khi hay tin Bác mất, tất cả người dân ở Cù Lao Dung, đặc biệt là nhân dân xã An Thạnh Nhì khóc nức nở và ai cũng quấn lên đầu một vành khăn để tang Bác. Bà con ai cũng muốn lập đền thờ tưởng nhớ vị cha già kính yêu của dân tộc. Sau khi xin ý kiến huyện ủy Long Phú và được cho phép, nhân dân đã dựng lên đền thờ Bác, tại ấp Nguyễn Công Minh, xã An Thạnh Nhì (nay là ấp Đền Thờ, xã An Thạnh Đông). Đền thờ Bác được người dân dựng lên bằng cây lá đơn sơ cặp bên con rạch Lồng Đầm.Việc xây dựng đền thờ Bác giữa vùng chiếm đóng của địch quả là không dễ, bà con đấu tranh quyết liệt để dựng và bảo vệ đền thờ, đảm bảo thời gian cho kịp mừng kỉ niệm 80 năm ngày sinh nhật Bác. Mà giữa rừng Cù Lao Dung cây gỗ quý không có nên những cây gỗ đơn sơ nơi đây vinh dự được chọn để làm đền thờ Bác. Đặc biệt cây bần cũng được góp phần cho đền thờ Bác kính yêu. Bây giờ những cây cột của đền thờ Bác ở Cù Lao Dung được thay lại bằng xi măng cốt thép. Nhưng thế hệ của những cây bần hiện nay vẫn còn đứng ở mé rạch Lồng Đầm bên đền thờ Bác như nối tiếp với thế hệ năm xưa để góp những mùa hoa tim tím. Và đền thờ Bác trên vùng sông nước Cù Lao Dung này, năm 2001 được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia.

Cây bần Cù Lao Dung năm xưa có ích cho công cuộc chống ngoại xâm của cách mạng ta. Đồng thời nó cũng là một lực cản đáng gờm của quân xâm lược. Vì vậy, vào các năm 1964, 1969 và 1971 quân Mĩ lần lượt trút xuống rừng bần Cù Lao Dung hàng trăm tấn chất độc làm rừng bần trụi lá, làm chết hàng ngàn héc-ta, hủy diệt phần lớn môi sinh ở đây.

Sau ngày thống nhất đất nước, cây bần ở Cù Lao Dung khôi phục trở lại. Được tái sinh, cây bần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thiên phú của mình là giữ gìn bãi bờ Cù Lao Dung trước tác động của thiên nhiên.

Trong công cuộc khai phá rừng nhằm mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở Cù Lao Dung vào những năm đầu đất nước mới giải phóng, cây bần đã được khai thác để làm củi. Trong việc khai thác củi bần cũng có một câu chuyện vui vui. Ngày xưa có ông Nguyễn Văn Hai “chuyên gia” khai thác củi nên người ta gọi ông là “Hai củi” riết thành danh. Khai thác củi bần bấy giờ khá cực nhọc, nhất là thiếu phương tiện như hiện nay. Chẳng hạn như: cưa máy, ròng rọc,…tất cả chỉ là sức người. Trong sách nho có câu: “Bần cư đáo thị vô nhơn vấn/ Phú tận lâm sơn hữu diễn thân”. Và ông Hai khai thác củi bần lâu năm, gặp nhiều cây bần to đến hai ba người ôm, ông bỗng nghĩ ra hai câu khá vui về cây bần, bằng cách họa theo hai câu nho trên: “Bần cưa khúc bự vô phương vác/ Bỏ giữa rừng xanh ngó chết trân”. Sau này không còn làm nghề củi nữa nhưng mỗi khi lai rai với bạn bè ông Hai thường móc ra đọc để cười chơi, cũng như nhắc đến kỉ niệm làm củi bần của mình. Trong bàn nhậu có người hỏi: Vác không nổi ông đem về bằng cách nào? Nói vậy thôi, chứ vác không nổi thì lăn nó xuống sông bè về hoặc lăn không đặng thì bổ củi tại chỗ, rồi bó lại đem về! Đơn giản vậy thôi (cười). Chỉ hai câu “nho tiếu lâm” của ông Hai Củi năm xưa đã cho thấy cây bần ở Cù Lao Dung trù phú đến nhường nào.

Trái bần là món ăn quen thuộc của người dân trên đất Cù Lao Dung. Trái bần ăn kẹp với mắm sống đã được liệt vào văn hóa ẩm thực của Nam bộ. Cũng món ăn này đã gắn với một truyền thuyết li kì hấp dẫn, các cụ kể: Ngày xưa khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi đã chạy dạt tới Cù Lao Dung. Thời gian lánh nạn ở đây, ông cho quan quân xây lò đúc tiền nên bây giờ còn đó rạch Trường Tiền và rạch Long Ẩn. Đặc biệt ông thấy người dân ở Cù Lao Dung ăn trái bần kẹp với mắm sống, ông ăn thử thấy ngon và liền đặt cho cây bần một cái tên khá mỹ miều, duyên dáng đó là “Thủy Liễu”. Còn trái bần chín thì hấp dẫn không kém bần sống. Bần chín mà dằm với nước mắm nhỉ, cộng với thịt luộc chấm vào thì không ai chê được. Bởi chất chua của trái bần chín không như chua của chanh hay chua của me,…mà chất chua của trái bần có len nhẹ vị ngọt trong nó. Vì vậy trái bần chín đem nấu canh chua với cá sông, cá đồng hoặc tép thì ngon đáo để. Trái bần khi chín có độ nhựa rất cao nên nấu canh chua bần, thường nước canh đậm đặc và trắng đục như nước gạo vo. Khi nếm nước canh chua bần nghe phao phao trong miệng thật hấp dẫn. Và sự hấp dẫn ấy đã quen thuộc gắn bó đậm sâu với người dân Cù Lao Dung tự bao giờ không ai để ý. Nhưng khi ai đó xa quê lâu ngày nó lại thức dậy trong kí ức và hồn quê chợt hiện ra trong những lời ca dao xưa:

Gió đưa nhành trái la đà

Cù Lao Dung đó mấy xa cũng gần

Bống Sao đem nấu chua bần

Nặng mang tình đất nhẹ nâng tình người.

Canh chua bần thấm vào cuộc sống của người dân Cù Lao Dung đã đành mà khách đến đây ăn rồi sẽ nhớ mãi. Tôi nhớ một lần tình cờ gặp đoàn thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Cù Lao Dung công tác. Anh bạn ở Phòng Giáo dục rủ tôi tham gia buổi tiệc chung với đoàn của Bộ. Khi được anh em ở Phòng Giáo dục chiêu đãi món cá bông lau nấu canh chua bần, tuy nó bình dị nhưng các anh em ở Bộ ai cũng tắm tắc khen ngon. Hai năm sau, các anh trở lại Cù Lao Dung công tác. Thật ngẫu nhiên không hẹn mà tôi gặp lại các anh cũng tương tự như lần trước. Trong bữa cơm các anh không quên nhắc lại món canh chua bần “độc đáo” nơi đây. Nhưng lần này các anh trở lại công tác ngay thời điểm đầu mùa xuân, bần mới ra hoa nên các anh không được thưởng thức lại món canh đặc trưng của Cù Lao Dung. Vì vậy ai cũng “tiếc quá! tiếc quá!”

Món cá bông lau nấu canh chua bần ngon đến nỗi có người phải thốt lên thành thơ. Minh chứng là tác giả Nguyên Đạt, Phân hội trưởng Phân hội Văn học tỉnh Sóc Trăng, anh cũng thuộc lớp người hâm mộ món canh này. Trong một lần vừa đàm đạo với anh em Văn nghệ sĩ ở Cù Lao Dung, vừa thưởng thức món cá bông lau nấu canh chua bần, anh ngẫu hứng thốt ra hai câu: “Bông lau nấu với bần chua/ Lại thêm xị đế, làm vua hổng bằng”. Hai câu thơ đã làm tăng thêm sự hứng khởi của buổi đàm đạo. Chính vì sự hấp dẫn đó mà có người cho rằng: “Thật thiếu xót cho những ai đã từng đến Cù Lao Dung mà không khám phá hương vị của trái bần thì coi như chưa đến vùng đất này”.

Trái bần không những là món ngon của con người mà bần chín còn là “mồi đặc biệt” của cá bông lau. Ông Bảy A và ông Tư Triệu ở xã An Thạnh Đông là “chuyên gia” sống bằng nghề “đâm hà bá”. Đặc biệt là nghề thả câu cá sông. Hai ông cho biết, vào mùa bần chín rộ, tức vào khoảng tháng 7 tháng 8 âm lịch, cá bông lau từ khắp nơi kéo về khu vực Cù Lao Dung để ăn trái bần chín rụng trên sông. Những ngư dân sống bằng nghề câu cá bông lau thì mùa bần chín họ luôn bận rộn. Ông Bảy A và ông Tư Triệu hết con nước thả câu, chạy xuồng vào bờ là tất bật bưng thau đi lượm bần chín rụng ven sông để đem về làm mồi câu. Trái bần chín lượm về, mỗi trái bẻ ra làm bảy tám miếng nhỏ, mỗi miếng tướm vào một lưỡi câu. Người câu canh con nước vừa nhửng lớn là thả câu ngay, vì đây là lúc cá bông lau đi tìm mồi, đặc biệt là tìm trái bần chín. Nhờ trái bần chín làm mồi nên mùa cá bông lau nào hai ông mỗi ngày bắt được khoảng một đến hai yến cá bông lau là chuyện thường. Có hôm trúng cá lên đến ba bốn chục ký chứ không phải ít.

Cây bần ngoài những món ăn ngon thì còn có nét đẹp riêng của nó. Bần mọc ven sông rạch, bên cạnh những nhánh to thì còn có những nhánh nhỏ rủ xuống tựa như những nhánh liễu. Tôi xin gợi lại một chút về truyền thuyết, có lẽ chúa Nguyễn năm xưa, ông từng ngắm thấy những nhánh bần rủ xuống ven sông tựa như nhánh liễu nên ông mới nghĩ ra và đặt cái tên mới cho cây bần là Thủy Liễu. Đó là cách nhìn của người xưa, còn hiện nay cây bần ở Cù Lao Dung được nhìn ra sao! Nhà thơ Thu Diễm ở Đồng Tháp, một lần đến Cù Lao Dung chị đã quan sát cây bần rồi nhân hóa chúng qua những câu thơ rất dễ thương: “Hoa tím bần hờn dỗi níu chân em/… Xa xa đó hàng bần nghiêng nghiêng đón chào/…”.


Rễ của cây bần không giống như rễ của các loại cây khác, mọc nhọn lên khỏi mặt đất, nhìn như những mũi chông dựng quanh gốc cây bần. Những “cây chông” ấy còn được gọi là cộc bần. Chính như những cây chong nên cộc bần luôn giữ lấy những hạt phù sa bồi bãi. Và những cây cộc bần y, mỗi khi nước ròng khỏi bãi để trơ lên những mũi nhọn rất đẹp, làm bùa mê cho những tay săn ảnh nghệ thuật bấm máy.

Sự đẹp đẽ của cây bần đến giờ phút này có nét vẫn còn là bí ẩn. Nhà thơ Quân Tấn ở Hội nhà văn Thành phố Cần Thơ, anh đã ba lần đến Cù Lao Dung. Anh rất thích ngắm ánh đèn đom đóm đeo trên nhánh bần vào ban đêm, nó đồng loạt rực lên, đồng loạt tắc xuống rồi đồng loạt rực lên đều đặn như thế, ánh sáng phản chiếu xuống mặt sông tạo nên một nét đẹp lạ lùng. Đồng thời tiếng gió bần thổi vào đêm cũng là một thứ âm thanh rất lạ, nó không như âm thanh xào xào của rẫy mía, ruộng lúa, không vi vu như những hàng dương, không ào ào như tiếng gió của đám lá dừa nước,… Gặp tôi Quân Tấn tâm sự: “Tôi chưa tìm ra từ nào chính xác để tả tiếng gió bần thổi vào đêm, tôi còn nợ Cù Lao Dung một tiếng gió bần”. Cái “nợ” của anh tôi hiểu. Điều bí ẩn như thế mới là điều thú vị. Tôi cũng từng ngắm ánh đèn đom đóm đeo trên nhánh bần và cũng được nghe tiếng gió bần thổi vào đêm ở Cù Lao Dung. Tôi xin mạng phép liên tưởng cho rằng, ánh sáng của đom đóm đeo trên những nhánh bần ấy là ánh sáng của thành phố “khoảnh khắc nghệ thuật” và tiếng gió bần là những bản giao hưởng hòa cùng với thành phố đó, tạo nên một nét đẹp mời gọi ở Cù Lao Dung.

Chiều dài của Cù Lao Dung hiện nay gần 50 km; trong đó khoảng 13km rừng bần phòng hộ ở cuối cù lao, ước diện tích khoảng 15 ngàn héc-ta. Đây là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật quý hiếm như: khỉ, heo rừng, chồn đèn, dơi quạ,…và một số loài chim. Đặc biệt đây còn là vùng đất hứa của cò quắm, cò nghệ. Nếu được ngắm cò bay, giờ cao điểm lên đến trên mười ngàn con, người ta có thể ngắm các đàn cò về tổ 45 phút trước lúc mặt trời lặn. Có người ngắm cò bay cho rằng: Đây đúng là nơi “đất lành chim đậu”. Cò càng đông, càng chứng tỏ môi trường ở Cù Lao Dung rất trong lành.

Cuộc đời của một con người phải trải qua thăng trầm rèn luyện hay phải bôn ba cực nhọc mới có được sự giàu sang sung sướng hay danh phận. Còn đối với đời cây bần thì sao! Cây bần trên đất Cù Lao Dung ở chiến tranh thì bị chất độc của Mĩ hủy diệt, còn bây giờ có lúc cũng phải gánh chịu đau thương không ít. Đó chính là sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu đã sản sinh ra nhiều loại côn trùng gây hại. Cây bần Cù Lao Dung đang mơn mởn xanh tươi, bỗng dưng phải chịu một thử thách khốc liệt. Vào năm 2004, sâu hại đồng loạt tấn công cây bần, làm bần Cù Lao Dung trụi lá hầu như gần hết. Môi sinh ở Cù Lao Dung đang bị những con sâu đe dọa. Đây không những là thử thách riêng đối với cây bần mà còn là một tác động đối với thái độ và sự nhìn nhận môi trường của con người. Khổ thay, những phần tử xấu lợi dụng tình trạng sâu hại ngang nhiên nhảy vô rừng bần phòng hộ đốn chặt bừa bãi để lấy củi. Đây là hành động nhằm thu lợi cá nhân trước mắt, thiếu lương tâm, thiếu hiểu biết. Chặt phá màu xanh làm xấu đi sự trong lành của môi trường tự nhiên, cắt đi dần dần hơi thở của nhân loại. Hành động ấy đáng bị lên án và cần được giáo dục nghiêm khắc. Thảm trạng sâu hại gây xôn xao, chính quyền địa phương và nhân dân rất lo ngại cho số phận của cây bần, báo đài từ địa phương đến trung ương cũng bình luận dữ dội. Thế rồi sự hủy diệt nào cũng không thể chiến thắng lòng quyết tâm và sự đoàn kết bảo vệ hơi thở của con người. Cuối cùng con sâu bần trên đất Cù Lao Dung đã bị tiêu diệt. Được bảo vệ, cây bần dần dần tái sinh. Bây giờ đến mùa bần chín ta thử ngồi bên triền sông Hậu hay ngồi bất cứ ở mé con rạch nào trên đất Cù Lao Dung một lúc ta sẽ nghe “tõm, tõm”, đó là tiếng của trái bần chín rụng xuống nước. Và từ đây, trái bần chín theo con nước dần dần rả hạt ra, từng hạt bần bám lấy phù sa nẩy mầm và trôi dần xuống gần cửa biển Định An và Trần Đề. Những hạt mầm ấy gặp sóng biển thổi tắp vào cuối Cù Lao Dung tạo thành những hàng bần mới đứng thẳng tắp như những đoàn quân đứng canh giữ bãi bờ, phòng hộ cho Cù Lao Dung không bị sóng biển xoáy lở. Và cứ như thế mỗi năm cây bần Cù Lao Dung phát tán ra nhiều héc-ta. Phải chăng những cây bần phát tán ra hằng ngày như những ngón chân của “Bàn chân phù sa” bấm đất nhích dần mỗi ngày ra biển đông mà tác giả Trần Đắc Hiển Khánh đã ví cho vùng đất này. Hay mỗi cây bần góp phần làm tăng thêm màu xanh bạt ngàn cho Cù Lao Dung để nhà văn Hoài Phương xem đó là “Viên ngọc xanh”. Và từng cội rễ của cây bần phải chăng là “nơi chắc chiu từng hạt phù sa” mà tác giả Hồng Bỉnh Hiếu đã nghĩ mà tôi đề cập ở đầu bài viết này. Nhìn chung sự cảm nhận của các ông về Cù Lao Dung phần lớn đều có dính níu với cây bần. Vì vậy tôi nghĩ, cây bần không những gắn bó mật thiết với người dân Cù Lao Dung mà còn gợi niềm quyến luyến cho du khách gần xa.

Trong cuộc chạy đua hướng về tương lai, quân và dân Cù Lao Dung quyết tâm phát huy ưu thế của chính bản thân mình, không để bị tuột hậu vì mục tiêu làm giàu cho trên 60 ngàn dân. Chính vì lẽ đó, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ huyện Cù Lao Dung đã khẳng định: Cù Lao Dung phải tăng tốc phù hợp với dòng chảy trong quá trình hội nhập và phát triển của cả nước. Đó là phát huy tìm năng du lịch sinh thái, đặc biệt là phát huy màu xanh nguyên sinh vốn có của những cây bần, cộng với sông rạch chằng chịt làm cho không khí trong lành phù hợp với việc phát triển dịch vụ nghỉ dưỡng, dịch vụ xuồng chèo, bơi len giữa những sông rạch Cù Lao Dung để du khách thưởng ngoạn và khám phá sự độc đáo của quê hương mình.

Đất nước ta đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn mới. Ở Cù Lao Dung điện, đường, trường, trạm mộc lên rầm rộ. Điều này làm khởi sắc cho một xứ sở cù lao cách trở xa xôi với đất liền. Và tôi cũng cảm nhận được nét vui mừng trên từng khuôn mặt của người dân nơi đây. Điều đáng trân trọng là người Cù Lao Dung càng tiếp cận những thành tựu của kĩ thuật bê-tông bao nhiêu thì họ càng nhận rõ giá trị của thiên nhiên, của quê hương mình bấy nhiêu. Bởi lẽ, song song bên cạnh phát triển đô thị hóa nông thôn thì môi trường sinh thái ở Cù Lao Dung được người dân chăm sóc và bảo vệ, nhất là đối với vành đai xanh của chính những cây bần. Vì vậy quân và dân Cù Lao Dung quyết không để sự phá hoại nào ảnh hưởng đến cây bần. Trước nhất là phải ngăn chặn “củi tặc”. Đây là sự bảo vệ thể hiện thái độ tuyệt đối của con người Cù Lao Dung với môi trường, nhất là đối với tác động của trái đất nóng lên.

Bước giữa Cù Lao Dung tôi đã cảm nhận và tự hào cho xứ sở này, hiện nay cho dù còn xa xôi cách trở nhưng bến sông vẫn nhộn nhịp đón người về.

Ai về sông Hậu cù lao

Vẳng nghe giọng hát nôn nao bồn chồn

Bần xanh quê lộng bóng cồn

Gió đưa gió đẩy thổi hồn trong ai.

                                                                             (Ca dao)

Như thế, quê hương của hàng ngàn năm hạt phù sa bồi lắng, hàng mấy trăm năm được cây bần bám giữ đang trở mình đi lên cùng đất nước.

 

 

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn