Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Cảm thức cô đơn trong thơ Trương Đăng Dung

(Đọc “Những kỷ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung, NXB Thế Giới, 2011)

Hồ Tấn Nguyên Minh - 13-10-2011 09:11:06 AM

VanVN.Net - Trong thơ Trương Đăng Dung thường xuyên thấy một bóng người cô đơn, một bản thể đơn côi, lạc lõng. Con người ấy dường như lúc nào cũng mang nặng trong tâm hồn một nỗi bấn loạn vì luôn cảm thấy bơ vơ trước mênh mông cõi đời và tấp nập cõi người. Cảm thức cô đơn xuất hiện khi con người không tìm thấy sự hòa hợp với thế giới mà mình đang tồn tại để rồi trở nên xa lạ với tất cả, xa lạ ngay với chính bản thân mình.

Dưới mắt Trương Đăng Dung là một thế giới đổ vỡ, phi lý, bất an. Một thế giới đang từng ngày, từng giờ bị giày vò bởi chiến tranh, bom đạn, giết chóc:

                                    “Bom nổ ở một Thánh đường Hồi giáo

                                       máu người nhuộm đỏ sách kinh

                                       bom nổ ở một chợ Bagdad 

                                       thịt người trộn  vào rau quả”

                                                            (Ghi chép hè 2009)

Người đọc không khỏi ám ảnh trước hình ảnh của “những người dị dạng/ dang tay đòi hái mặt trời/ những bóng ma thọt chân lang thang/ đòi trở về quê cũ” (Chân trời), của “những bóng ma vất vưởng/ những khán đài âm u” (Đêm ở Roma); không khỏi bàng hoàng trước những thảm kịch mà con người đã và đang phải chịu đựng:

                                    “Cùng nhau thấy những đám tang không có hòm

                                       chân người chết thò ra khỏi chiếu

                                       cùng nhau thấy những người mẹ bị thương ruột lòi ra

                                       vẫn ôm con nhảy xuống hầm, tranh nhau chỗ ngồi với rắn

                                       và những cánh tay trẻ thơ bom hất lên cành cây vắt vẻo

                                       bên loa phóng thanh đang hát điệu à ơi”

                                                                        (Những kỷ niệm tưởng tượng)

 Hơn một lần trong thơ ông, người ta nghe tiếng quạ - loài chim ăn xác người, loài chim xuất hiện cùng cái chết:

                                    “Anh nghe ngày một gần hơn tiếng lũ quạ”

                                                                        (Anh không còn gì ngoài em)

                                    “Đã lâu rồi quạ cũng bay đi

                                       có lẽ một ngày kia chúng sẽ trở về mang theo

     nhiều xương ống

                                       để làm búp bê cho em tôi chơi

                                       làm dùi cho em tôi đánh trống”

                                                                        (Những kỷ niệm tưởng tượng)

 

Trương Đăng Dung sử dụng nhiều những yếu tố phi lý, nghịch dị như một cách để phản ánh thế giới. Ông kể những chuyện ngược đời “Ở New York chiều chiều/ những con voi nhảy từ tầng muời một xuống sông/cứu những con chim sẻ/ Ở Pari trước cửa viện bảo tàng/ người nằm ngáp/ trâu xếp hàng mua cỏ…”         (Giấc mơ của Kafka). Ông nói về những cái quái đản “những đội quân không mũ/ tay súng, tay đao chân bước thụt lùi” (Chân trời), “những đôi mắt/ dính trên cổ những người không có mặt/ những tiếng kêu / phát ra từ miệng những người không có cổ” (Giấc mơ của Kafka). Toàn những điều kì lạ, quái dị, khó cắt nghĩa. Thế giới là như thế: “phi lý ” và “hư vô” - một mớ hỗn tạp của những điều không thể lý giải. Con người không hiểu vì sao mình sống? Vì sao mình tồn tại trong thế giới này? Những dằn vặt về bản thể xuất hiện, con người không ngừng tự vấn để rồi nhận ra cuộc đời là vô nghĩa. Hạnh phúc, tình yêu chỉ như những ảnh hình không có thật:

                                    “Anh hỏi dòng sông về hạnh phúc trên đời

                                       sông trả lời anh sông chỉ biết trôi

                                       anh hỏi ngọn núi

                                       núi trả lời anh núi chỉ biết ngồi

                                       anh hỏi con người

                                       người trả lời anh bằng nước mắt rơi”

(Ảo ảnh) 

Bị ném vào thế giới ấy, con người bị bỏ rơi, mang nặng trong mình tâm trạng hoảng loạn và sụp đổ niềm tin một cách trầm trọng . Họ như đánh mất chính mình, trở thành một người khác – tha nhân (autrui). Họ cảm thấy ngơ ngác, thờ ơ, lạ lẫm trước tất cả:

                                    “Tôi lớn lên ngơ ngác cõi người

                                       tình thương, thù hận, buồn vui

                                       hun hút đường xa cát bụi

                                       người đi không biết về đâu”

                                                                        (Chúa đã ra đi)

Để thoát khỏi nỗi cô đơn và sự buồn chán, con người trông chờ vào sự đồng cảm sẻ chia, sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau giữa người với người. Nhà văn Nga Nooda Dumbatxe từng nói: “Tâm hồn nặng gấp trăm lần thể xác, chúng ta sống với nhau phải làm sao cho tâm hồn trở nên bất tử. Anh giúp cho tâm hồn tôi trở nên bất tử, tôi giúp tâm hồn người khác bất tử, người khác giúp người khác nữa. Làm sao cho đến cuối cuộc đời con người ta không phải sống trong cảnh cô đơn”[1]. Tình người, ấy là liệu pháp duy nhất làm lòng người ấm lại. Thế nhưng, thế giới trong thơ Trương Đăng Dung thường ẩn tàng sự chia cắt. Con người càng cố gắng xích lại gần nhau lại càng bị đẩy ra xa. Cái tôi không thể tìm thấy sự hoà hợp, kết giao.  Nỗi cô đơn vì thế mà dâng lên gấp bội:

                                    “Giữa những cái bắt tay

   có một bức tường

   giữa em và người em thấy trong gương

   có một bức tường

   giữa hai chiếc gối nằm kề nhau

   có một bức tường

   ….

Những bức tường, những bức tường, những bức tường

có mặt khắp nơi,

trong những lời vui đoàn tụ

trong những lời buồn chia tay,

những bức tường ta không xây

những bức tường không thể phá”

                                                                        (Những bức tường)

“Những bức tường” - biểu tượng của xa cách -  hiện hữu khắp mọi nơi. Đó chính là ranh giới vô hình của lòng người, là cái hố sâu ngăn cách giữa người với người . Không tìm thấy sợi dây liên hệ, không tìm thấy tiếng nói sẻ chia. Chỉ thấy một sự vô cảm đến đáng sợ “không thấy kẻ gây tội ác/chỉ thấy nạn nhân/ và người ngồi xem nỗi đau qua màn ảnh nhỏ” (Ghi chép hè 2009), chỉ thấy “cánh cửa sổ nhà này mở ra/ cánh cửa sổ nhà kia khép lại / Họ đi hàng dọc/ gương mặt không trang điểm/ như được vớt lên từ đáy giếng” (Những người đàn bà). Câu thơ “Họ đi hàng dọc” bình thường thôi mà sao nhức nhối lạ thường. Ai cũng lầm lũi cắm đầu đi. Không một ánh mắt nhìn, không một nụ cười tiếng nói.

Cứ như thế, cuộc sống trở nên bế tắc, quẩn quanh. Con người như lạc vào một mê cung không lối thoát. Càng đi sâu càng lạnh, “càng bước càng lún sâu vào đất”, họ trở nên mệt mỏi rã rời. Mọi cảm xúc chai lì , tâm hồn người dường như hoen gỉ:

                                    “Có một thời

                                       trẻ con sợ búp bê và không thích sữa

                                      

                                       Có một thời

                                       anh đi bên tôi mà sao cách trở

 

                                       Có một thời

                                       Đi về đâu mà ai cũng vội

 

                                       Có một thời

                                       hạt bụi cũng quẩn quanh

 

                                       Có một thời

                                       nghe hát dân ca lòng ta mệt mỏi

                                       …..

                                       Có một thời

                                       có một thời

                                       ta đã sống thật sao”

                                                                        (Có một thời)

Câu thơ “có một thời” như một điệp khúc khắc khoải, nhức nhối. Có một thời người ta đã sống để rồi chính mình cũng không thể  tin được rằng mình từng sống qua một thời như thế.

Mỗi khi mang nặng nỗi bấn loạn trong nội tâm của mình, con người thường tìm về kỉ niệm, hướng về kí ức. Bởi lẽ kí ức và kỉ niệm là nơi nương náu cuối cùng của những linh hồn không tìm được sự bình yên trong cuộc sống. Vậy mà ở đây, ngay cả kí ức, ngay cả những kỉ niệm tuổi thơ cũng bị đánh mất khiến con người càng chìm sâu vào bi kịch cô đơn.

                                    “Hơn nửa thế kỉ đi lại trên mặt đất này

                                        tôi không còn nhiều bạn

                                        cây gạo đầu làng cũng bị chặt mất rồi

                                        tôi không còn kí ức

                                        những giọt máu cuối trời tuổi thơ…”

                                                                        (Ghi chép hè 2009)

Trong thơ Trương Đăng Dung, nỗi cô đơn còn xuất hiện khi con người ý thức được sự chóng vánh của thời gian trần thế; sự ngắn ngủi, vô thường của kiếp người trong cõi phù sinh. Đối với ông, thời gian là một nỗi ám ảnh, một cảm thức thường trực trở đi trở lại trong thơ . Thời gian trôi khi “tóc bà bạc xóa/ thấp thoáng bên khung cửa/ nắng nhòa” (Ảo ảnh). Thời gian đi qua cùng sự ngỡ ngàng “ răng mẹ rụng lúc nào không biết nữa” (Có một thời). Thời gian rơi qua “từng kẽ ngón tay em vất vả” (Anh không còn gì ngoài em). Thời gian đến rồi đi, lặng lẽ và vô tình, lạnh lùng và tàn nhẫn. Nó cuốn phăng tất cả trước sự bàng hoàng, thảng thốt của con người. Nó chối từ mọi tiếc nuối, van xin, nài nỉ. Nó khiến cho con người rơi vào trạng huống trống trải, đơn độc.

Nỗi ám ảnh thời gian thật ra không phải đến Trương Đăng Dung mới có. Trong Thơ Mới, đặc biệt là thơ Xuân Diệu người ta đã thấy rất rõ tâm trạng sợ hãi, nuối tiếc và cảm giác cô đơn của con người trước dòng chảy thời gian. Nhưng điều đáng nói là khác với Thơ Mới, Trương Đăng Dung có một cách cảm nhận thời gian riêng: mới lạ và độc đáo. Đỗ Lai Thúy đã rất tinh tế khi nhận ra rằng “Thơ Trương Đăng Dung đôi khi còn vương lại chút thời gian cũ như chiếc lá cuối cùng của mùa đông trước. Nhưng, nhìn chung, thơ anh đã có một thời gian khác. Nếu thời – gian – Thơ - Mới là thứ thời gian, dù chi phối con người một cách rốt ráo, thì vẫn cứ là cái bên ngoài con người, là khung của một đời người. Trong khi đó thời – gian – thơ – Trương – Đăng – Dung là thời gian bên trong con người, thời gian chính là con người”[2]. Trong Thơ Mới, thời gian được cảm nhận từ ngoại giới, từ thiên nhiên, từ đặc trưng mùa… Nói chung là từ những thứ ở bên ngoài con người và con người cảm nhận nó bằng cảm xúc riêng của mình. Xuân Diệu từng sợ hãi, cuống quýt trước thời gian khi nhận ra “Cơn gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi/ Chim chuyền cành bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa” (Vội vàng ). Trương Đăng Dung thì khác. Ông viết “ Anh không thấy thời gian trôi” nhưng lạ thay thời gian lại trở thành nỗi khắc khoải khôn nguôi trong thơ ông. Con người không thấy thời gian trôi, bởi thời gian ở đây không đến từ bên ngoài, tác động vào giác quan con người mà ngược lại là thời gian ở bên trong con người, thuộc về con người - thời gian bản thể. Thời gian là máu thịt, ẩn trong tóc trong môi, rình rập trong hơi thở, len lỏi khắp tâm hồn:

                                    “thời gian ở trong máu, không lời

                                       ẩn mình trong khoé mắt, làn môi

                                       trong dáng em đi nghiêng nghiêng như đang

                                                                                    viết lên mặt đất thành lời

                                       về kiếp người ngắn ngủi”

                                                                        (Anh không thấy thời gian trôi)

                                           “thời gian rình trong từng sợi tóc”

                                                                        (Vật chứng)

Có thể nói, trong cách cảm nhận thời gian với ý nghĩa “thời gian là tồn tại”, Trương Đăng Dung đã góp một tiếng nói mới lạ và độc đáo cho thơ - thời - gian. Nếu thời gian trong Thơ Mới là tiếng động từ ngoại giới thì thời gian trong thơ Trương Đăng Dung là tiếng rít từ thẳm sâu con tim người. Nỗi cô đơn trước thời gian trong thơ ông, vì thế cũng là nỗi cô đơn khởi phát từ bên trong con người. Cái lạnh đến từ bên ngoài thì còn có thể sưởi ấm. Nhưng cái lạnh trong  tâm hồn thì làm sao sưởi được. Nỗi cô đơn dâng trào tạo ra cảm giác sợ hãi. Sợ thời gian qua mau, sợ tuổi trẻ chóng tàn, sợ hạnh phúc và tình yêu tan biến:

                                    “Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc

                                       khi môi ta rời nhau

                                       hơi ấm đã thuộc về quá khứ”      

                                                                        (Vật chứng)

                                    “chúng ta nằm trên cỏ

                                       sợ hãi trước chân trời”

                                                                        (Chân trời)

Nhiều lúc Trương Đăng Dung còn lạ hoá thời gian, tạo ra một thứ thời gian phi lý. Thời gian của những kỉ niệm từ một ngày “tháng Năm năm 1054 (Những kỉ niệm tưởng tượng), của cuộc gặp gỡ “hai mươi ba ngàn năm về trước” (Có thể)… Kiểu thời gian này mang ý nghĩa giễu nhại, có tác dụng giúp người đọc hình dung được sự vô nghĩa của cuộc đời và cảm nhận được hết nỗi cô đơn trống vắng của kiếp người trong cuộc nhân sinh. Con - người – thơ Trương Đăng Dung đã sống hàng nghìn năm, thậm chí hàng chục nghìn năm vẫn thấy cuộc đời là vô nghĩa lý thì khoảng thời gian mấy mươi năm trong giới hạn một đời người có đáng kể gì.

Sự chóng vánh của thời gian , sự vô thường của kiếp người thực ra là quy luật. Đã là quy luật thì không thể khác. Trương Đăng Dung hiểu rõ điều này. Ông ý thức một cách sâu sắc giới hạn của đời người và ý nghĩa của kiếp người. Song dẫu thế vẫn không khỏi trăn trở, băn khoăn, tiếc nuối trước sự mỏng manh chóng tàn của tuổi trẻ, trước ranh giới của sự sống và cái chết, của tồn tại và hư vô. Có lẽ vì thế mà câu thơ “kiếp người ngắn ngủi” trở đi trở lại trong thơ ông như một tiếng thở dài.

Trương Đăng Dung sáng tác không nhiều. Mấy mươi năm làm thơ ông chỉ in một tập 25 bài. Song cần thấy rằng, cái làm nên tên tuổi một nhà thơ không phải là ông ta sáng tác ít hay nhiều. Cái quan trọng là thơ của ông ta có vị trí như thế nào trong lòng người đọc. Tập thơ “Những kỉ niệm tưởng tượng” của Trương Đăng Dung vừa được nhà xuất bản Thế Giới ấn hành đã ngay lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Bài thơ nào của ông cũng có sức cuốn hút kì lạ đối với người đọc bởi chiều sâu triết lý và tinh thần nhân văn cao đẹp của nó. Đỗ Lai Thúy nhận xét “Trương Đăng Dung là nhà thơ có tư tưởng. Mỗi bài thơ, thậm chí mỗi câu thơ  của anh đều gửi gắm đến cho người đọc một thông điệp nào đó về cuộc đời”[3]. Tôi muốn nói thêm rằng: Ở mỗi thông điệp, mỗi tư tưởng mà Trương Đăng Dung gửi gắm trong thơ, ta nhìn thấy một tấm lòng. Một tấm lòng để đau nỗi đau của số phận con người; để trăn trở, suy tư trước bao nghịch cảnh của cuộc đời. Cảm thức cô đơn thường trực trong thơ ông có lẽ cũng xuất phát từ một tấm lòng như thế.

                                                                                          Tuy Hòa, tháng 6 năm 2011


[1] Nooda Dumbatxe . Quy luật của muôn đời. NXB Cầu Vồng, Matxcơva, 1987

[2] Đỗ Lai Thúy. Trương Đăng Dung với thơ – thời gian. Lời giới thiệu tập “ Những kỉ niệm tưởng tượng”. NXB Thế Giới, Hà Nội, 2011.

[3] Đỗ Lai Thúy. Trương Đăng Dung với thơ – thời gian. Lời giới thiệu tập “ Những kỉ niệm tưởng tượng”. NXB Thế Giới, Hà Nội, 2011.

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...