Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?
Gửi thư    Bản in

Bút ký: "Chút tình gửi lại Pleiku"

Đào An Duyên - 28-07-2011 11:47:15 AM

VanVN.Net - Người ta ví thời gian trôi đi như bóng câu qua cửa sổ. Mà không, với tôi, có lẽ nó trôi qua như cái chớp mắt. Không biết nói như thế có quá không, nhưng quả thật, 10 ngày với lớp bồi dưỡng – tập huấn văn học khóa V Khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ được Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du tổ chức tại Gia Lai từ 22.06.2011 đến 02.07.2011 đã để lại trong lòng mỗi học viên chúng tôi những cảm xúc thật khó quên…

Ấn tượng đầu tiên của tôi là về những người thầy. Hữu Thỉnh, Phong Lê, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Đức Mậu, Cao Duy Sơn... là những cái tên tôi đã được biết qua những trang sách, và lần đầu tiên được trực tiếp nghe các thầy giảng. Không thể nào quên được thầy Hữu Thỉnh với một phong cách chân chất mộc mạc, gần gũi, cách nói chuyện cuốn hút người nghe thật lạ kì. Thầy Nguyễn Đức Mậu với những trăn trở về văn học hậu hiện đại; thầy Cao Duy Sơn hào hoa với một cái “tôi” thật rõ nét; thầy Nguyễn Khắc Trường cá tính, giọng cười sảng khoái khiến người nghe có thể tạm quên đi những lo toan bên ngoài khung cửa kia; thầy Nguyên An với cặp kính cận dày, nói chuyện luôn tủm tỉm cười thật duyên... Và một ấn tượng nữa đó là về thầy Văn Công Hùng (thường ngày tôi gọi nhà thơ là chú, nhưng hôm nhà thơ lên lớp, tôi đã xin phép gọi chú bằng thầy chỉ trong...ngày hôm đó). Thỉnh thoảng có dịp ghé Hội VHNT Gia Lai, nhà thơ thường tiếp tôi bằng một cái ... liếc mắt qua khung cửa sổ khi nghe tôi chào và thường đáp lại bằng đúng một câu “Ừ, chào cháu” (lần nào cũng đúng một câu đó). Ấy thế mà hôm đó tôi đã chứng kiến một Văn Công Hùng với thơ trẻ, thật sự trẻ. Thỉnh thoảng có những đoạn “hoành tráng” quá, nhà thơ đứng lên để nói cho “khí thế”. Biết nhà thơ đã lâu, nhưng đây cũng là lần đầu tiên tôi được nghe nhà thơ giảng bài, và quả thật là “ấn tượng khó phai”. Còn một người nữa, tuy không lên lớp nhưng chúng tôi cũng trân trọng gọi là thầy, đó là nhà văn Lê Phan Nghị, “ma ma đại tổng quản” của lớp học. Mặc dù đã sắp ở vào cái tuổi “cổ lai hi”, nhưng nhà văn đã phải đứng ra lo tất tần tật cho lớp học. Từ vé máy bay, chỗ ăn ở, phương tiện đi lại cho các thầy, đến cả...nước uống cho học viên. Ngày nào đến lớp, tôi cũng đã thấy nhà văn ngồi ở cuối lớp. Lặng lẽ thôi, nhưng dường như chả diễn biến nào trong lớp học lọt qua được mắt thầy (thế mới là ...đại tổng quản).

Lớp học này còn mang lại cho tôi những người bạn. Tiếng là tổ chức cho khu vực Tây nguyên và Đông Nam bộ, thế nhưng Phú Thọ có một đoàn với lực lượng khá đông đảo (04 thành viên) đến với Tây Nguyên. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể quên được đêm giao lưu...lai rai tại vỉa hè với các bạn văn Tây Ninh, Phú Thọ. Ly rượu xoay tròn, câu chuyện cũng xoay tròn trong đêm Pleiku mưa bàng bạc. Cũng tại buổi tối lai rai đó, chúng tôi đã biết thêm ở nhau bao nhiêu điều mới mẻ, chẳng hạn câu khẩu ngữ “Tây Ninh ai rinh nấy uống” được dùng khi mời rượu lần đầu tiên tôi được nghe, rồi nghe bác Vũ Miên Thảo giải thích về bút danh nghe có vẻ... “rất nữ” của mình thật thú vị. Nghe đâu có lần, một độc giả vì đọc thơ bác thấy hay quá nên đến Hội VHNT Tây Ninh để xin gặp ... nữ nhà thơ Vũ Miên Thảo, và độc giả đó đã... thất vọng tràn trề khi gặp một... ông Vũ Miên Thảo đầu râu tóc... muối tiêu. 40 cái tên trong lớp đã thực sự trở thành 40 người bạn, có người tôi chỉ vừa kịp hiểu, có người còn chưa kịp hiểu. Một Đào Thái Sơn (Tây Ninh) “thâm nho”, giọng Nam bộ nhẹ nhàng, truyền cảm, chị em chúng tôi thường nghển cổ lên chờ tới lượt được nghe anh giải thích ý nghĩa cái tên của... chính mình. Một Đỗ Xuân Thu (Phú Thọ) lãng tử vừa phát hiện ra một loài hoa lạ trong những ngày ngắn ngủi lang thang trên phố núi, làm blog của anh “nóng” hẳn lên. Tôi tin chắc Đỗ Xuân Thu khi trở về đất Tổ cũng sẽ không thể nào quên được tôi, vì tại Pleiku tôi đã “phổ biến” cho anh một cách đo lường mới, đó là đơn vị tính khoảng cách bằng khái niệm “chim đi bộ”. Một “phó nháy” Trần Trọng Thắng (Đăk Nông) mọi nơi, mọi lúc đều tranh thủ lia ống kính để tìm ra những góc ảnh đẹp. Một Dương Thiên Lý (Bình Phước) sôi nổi, nhiệt tình. Một Nhã My (Tây Ninh) mềm mại như chính dòng Cửu Long tại quê hương Nam bộ của cô. Một cô bé Thúy Phương (Gia Lai) trầm tư nhưng hóm hỉnh. Một lớp trưởng Nguyễn Thanh Hương (Lâm Đồng) với giọng hát ấm áp, say lòng người. Một Nguyễn Đình Phúc (Phú Thọ) vui vẻ, lên tiếng rất đúng lúc. Một Ngọc Nam (Kon Tum) với bài thơ “Bây giờ đôi mắt Pleiku...” ra đời rất nhanh, ngay sau khi khai giảng lớp học, khiến một kẻ ú ớ như tôi phục lăn. Và còn bác Mai Dân (Bình Phước) với những câu chuyện cười bất tận... Còn nhiều những cái tên nữa mà tôi không thể nào kể hết. Với tình cảm yêu mến, trân trọng nhất của mình, chỉ mong rằng Pleiku đã đủ tình để lưu lại chút gì đó với mọi người.

Trong 10 ngày học, chúng tôi đã được nghe, được bàn luận nhiều về văn thơ. Có những áng văn thơ bất hủ của cổ nhân, lại có cả những vần thơ, câu chuyện rất mới, rất hiện đại, tất nhiên không thể thiếu được những bài viết của chính các học viên trong lớp. Tất cả hoà quyện, thăng hoa thành những cảm xúc có những lúc vỡ òa. Tự thấy mình ú ớ trong “làng văn” nhỏ của lớp, tôi đã cố gắng thu xếp để không bỏ phí một phút nào trong suốt 10 ngày học. Tôi đã gặp lại nàng Kiều “tài hoa bạc phận” của cụ Nguyễn Tiên Điền, gặp lại tiếng ếch văng vẳng, mênh mang bên dòng sông lấp và cái giật mình hoài vọng của cụ Tú, gặp những tiếng thở dài đang quyện vào xu hướng văn học hậu hiện đại,  gặp lại cả tuổi thơ êm đềm của mình bên dòng sông quê...

Nội dung phong phú, cách lên lớp cởi mở của các thầy, không khí lớp học thân thiện đã làm tôi thực sự “ngộ” ra rất nhiều điều bổ ích. Nhưng điều lớn lao nhất với tôi ở đây chính là cái tình mà tất cả mọi người đã gửi lại. Tôi sẽ cất giữ, nâng niu trân trọng bằng sự chân thành từ tận trái tim mình./.

Pleiku, tháng 06/2011

Lên đầu trang

Tiêu đề

Hiện tại không có bình luận nào.

Viết bình luận của bạn


Thư giãn  

Câu đối trúng tâm tư

VanVN.Net - Nhà văn Xuân Thiều ăn mừng tân gia. Sau bao nhiêu năm ăn ở chật chội trong khu tập thể, bây giờ khi tuổi đã cao nhà văn mới có được một ngôi nhà riêng. Nhà ba tầng. Đẹp ...

Nhà văn đọc sách  

Đất bỏng – bộ tiểu thuyết sử thi về vùng mỏ Cẩm Phả

VanVN.Net - "Đất bỏng" thực sự là một cuốn tiểu thuyết mang tính sử thi hấp dẫn người đọc. Cái bỏng rát của vùng đất đó không chỉ dừng lại ở sự bỏng rát của thời tiết vùng mỏ vỗn dĩ ...

Tư liệu  

Hoài Thanh với văn chương và hành động

VanVN.Net - Trong lịch sử văn học nước nhà chưa từng thấy một ai ngoài Hoài Thanh cùng một lúc phát hiện hơn 40 gương mặt thi ca và liền đó định hình họ trên thi đàn. Hơn 40 gương mặt ...