Văn học với đời sống

21/7
10:22 PM 2016

VĂN HỌC VIỆT NAM ĐỔI MỚI TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

I. ĐẶT VẤN ĐỀ - Từ năm 1986, Đảng ta đề xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đây là dấu mốc quan trọng trong đời sống xã hội nói chung và đời sống văn học nói riêng. Tiếp xúc và giao lưu văn hoá được mở rộng.

                                                                                         Hội thảo Thơ 30 năm đổi mới và phát triển

Sự nghiệp đổi mới thúc đẩy nền văn học theo đó phải đổi mới để phù hợp với nguyện vọng của nhà văn và người đọc cũng như quy luật phát triển khách quan của văn học. Diện mạo văn học Việt Nam đã khác trước. Chặng đường đổi mới đã có nhiều cách tân nghệ thuật đáng chú ý. Không khí cởi mở, dân chủ của đời sống văn học tác động mạnh mẽ đến chủ thể sáng tạo với quan niệm mới về nhà văn, đến sự thay đổi quan niệm nghệ thuật về hiện thực và con người, đến sự thay đổi thi pháp thể loại của các thế hệ nhà văn. Và trên tất cả là văn học đã được tự do hơn, cởi mở hơn, có được nhiều lựa chọn. Định hướng phát triển văn học là một vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm.

Thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật Việt Nam, cơ chế thị trường đã tác động, chi phối đến tất cả các loại hình, các lĩnh vực họat động nghệ thuật. Sự lan rộng của internet và truyền thông, văn học mạng, văn học thị trường càng khiến văn học đi sâu hơn nữa vào con người cá nhân, con người đời thường. Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X nhận định: “Đã hình thành một thị trường hàng hóa và dịch vụ các sản phẩm văn học, nghệ thuật; đưa các sản phẩm văn học, nghệ thuật ra nước ngoài, góp phần khẳng định nước ta là địa chỉ giao lưu văn hóa quốc tế trong thời kỳ mới”.

II. VĂN HỌC PHÁT TRIỂN TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

2.1. Quá trình phát triển

Cùng với quá trình đổi mới toàn diện đất nước được khởi xướng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (12/1986), Đảng ta đã dần đi tới những nhận thức mới, quan điểm mới về văn hoá, trong đó có văn học nghệ thuật. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ ngày 6 và 7/10/1987 vẫn nguyên tính thời sự “các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình. Thà rằng chưa viết được thì cứ đi vào thực tế đời sống tích lũy thêm vốn hiểu biết, chứ không viết theo kiểu tùy thời. Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, người nghệ sĩ phải dũng cảm, có tấm lòng trong sáng, đừng chùn bước…”[1].

Việc coi trọng các chính sách đối với văn hoá, con người thực chất là trở về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở cho những nhận thức mới, quan điểm mới về văn hoá của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là hiện thân của tinh thần đổi mới. Tư duy đổi mới của Người xuất hiện từ rất sớm, ngay trong quá trình đi tìm đường cứu nước. Người là một nhà khoa học mang tư duy đổi mới trước khi trở thành một nhà cách mạng. Khẳng định điều này PGS.TS Bùi Đình Phong viết “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng sự nghiệp đổi mới”[2]. Đại hội VI đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đổi mới tư duy với việc khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa. Dù chưa đề ra khẩu hiệu: “Đổi mới hóa văn hóa và văn hóa hóa đổi mới”, nhưng thực chất các văn kiện của Đảng đã khẳng định sự nghiệp đổi mới khi tiếp nhận các giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại. Theo đó, các hoạt động văn hóa đã gắn chặt nội dung và tinh thần của sự nghiệp đổi mới. Từ năm 1987, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định “Đổi mới là văn hóa, văn hóa là đổi mới”. Đây là một bước ngoặt trong nhận thức của Đảng về đổi mới văn hóa trong sự nghiệp đổi mới đất nước.

Từ Đại hội VI, vấn đề văn hóa, con người càng ngày càng chiếm vị trí trung tâm trong các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Về vai trò của văn hoá, văn học nghệ thuật, Đại hội VI khẳng định "không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người". Đồng thời, đề cao vai trò của văn hoá trong đổi mới tư duy, thống nhất về tư tưởng, dứt bỏ cơ chế cũ không còn phù hợp, thiết lập cơ chế mới; khẳng định đồng thời với xây dựng kinh tế, phải coi trọng các vấn đề văn hoá, tạo ra môi trường văn hoá phù hợp cho sự phát triển, lấy văn hóa làm động lực và mục tiêu của đổi mới.

Nền văn học cách mạng đã khẳng định được vị trí của nó trong lịch sử dân tộc, đã phản ánh chân thực cuộc cách mạng. Nhiều nhà văn vẫn tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới đất nước chúng ta hôm nay.

2.2.Những vấn đề cơ bản của thực tiễn đổi mới văn học

Từ sau 1975, đặc biệt là từ 1986, văn học nước ta từng bước chuyển sang giai đoạn đổi mới, vận động theo đúng hướng dân chủ hóa, mang tính nhân bản nhân văn sâu sắc. Dân chủ hóa là xu hướng vận động, tiền đề phát triển, đồng thời là thành tựu của văn học Việt Nam từ 1986 trở đi. Xu hướng dân chủ hoá cùng với chủ trương mở cửa, hội nhập với thế giới đã tạo điều kiện cho sự giao lưu rộng rãi của văn học Việt Nam với đời sống văn học thế giới. Thành tựu lớn của văn học, nghệ thuật là “đã nắm bắt được dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống đấu tranh cách mạng và lao động sáng tạo của nhân dân, có nhiều tác phẩm tốt trong tất cả các loại hình nghệ thuật văn học…thể hiện những đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và những vấn đề thời sự của đất nước[3]...

2.2.1.Hình thành một đội ngũ nhà văn đông đảo, tiếp nối nhiều thế hệ

Không khí sáng tác văn học cởi mở là điều dễ thấy nhất trong gần 30 năm qua. Quá trình đổi mới văn học ở Việt Nam diễn ra hết sức sôi động và đa dạng trên các thể loại (văn xuôi, thơ, kịch, lý luận phê bình, văn học dịch…) và đạt được nhiều thành tựu. 30 năm qua là thời gian phát triển một lực lượng sáng tác hùng hậu nhiều thế hệ. Thế hệ nhà văn kháng chiến với những tên tuổi đã được định danh vững chắc trong lòng bạn đọc vẫn tiếp tục sự nghiệp sáng tác cùng với các nhà văn trưởng thành sau năm 1975 với những đóng góp to lớn cho nền văn học nước nhà.

Ở lĩnh vực văn xuôi, hình thành và phát triển một đội ngũ nhà văn nhiều thế hệ. Những tên tuổi nhà văn qua cuộc điểm danh: Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Quang Sáng, Đỗ Chu, Tô Nhuận Vỹ, Lê Lựu, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Chí Trung, Chu Lai, Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Lê Minh Khuê, Trung Trung Đỉnh, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Cao Duy Sơn, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phan Triều Hải, Nguyễn Một, Trần Thùy Mai, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Xuân Hà, Lý Lan, Bích Ngân, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Trần Đức Tĩnh, Uông Triều...

Lĩnh vực thơ với những tên tuổi: Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Đức Mậu, Y Phương, Nguyễn Duy, Trúc Thông, Việt Phương, Ý Nhi, Hoàng Trần Cương, Anh Ngọc, Trần Đăng Khoa, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Trọng Tạo, Dương Kiều Minh, Trần Quang Quý, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Hùng, Inrasara, Đỗ Trung Quân, Bùi Chí Vinh, Trần Anh Thái, Nguyễn Việt Chiến, Trần Hòa Bình, Đỗ Trọng Khơi, Phạm Công Trứ, Đặng Huy Giang, Mai Quỳnh Nam, Giáng Vân, Vi Thùy Linh, Tuyết Nga, Lê Thị Kim, Phạm Thị Ngọc Liên,…

Lĩnh vực dịch thuật có: Thúy Toàn, Phạm Xuân Nguyên, Trương Đăng Dung, Hồ Anh Thái, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Thiều, Trần Tiễn Cao Đăng, Nguyễn Đình Thành, Hữu Việt, Trương Hồng Quang, Lý Lan, Nguyễn Bích Lan…

Lĩnh vực lý luận phê bình là những nhà văn: Lê Đình Kỵ, Hà Minh Đức, Phan Cự Đệ, Hoàng Ngọc Hiến, Phong Lê, Trần Đình Sử, Lê Ngọc Trà, Lã Nguyên, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Suyền, Lại Nguyên Ân, Trần Ngọc Vương, Vương Trí Nhàn, Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Đăng Điệp, Trương Đăng Dung, Trần Nho Thìn, Nguyễn Văn Long, Đào Duy Hiệp, Ngô Thảo, Nguyễn Hữu Sơn, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Ngọc Thiện, Đỗ Lai Thúy, Bùi Việt Thắng, Hồ Thế Hà, Lê Huy Bắc, Bích Thu, Nguyễn Thị Bình, Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu, Văn Giá, Vu Gia, Mai Bá Ấn, Nguyễn Hòa, Đông La, Inrasara, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Chí Hoan…

Xuất hiện xu thế “hai trong một”, người sáng tác đồng thời viết phê bình và người viết lý luận phê bình “nhón một chân” sang lĩnh vực sáng tác. Có thể thấy ở trường hợp thứ nhất, đội ngũ đông đảo hơn, như: Tô Hoài, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa, Văn Chinh, Nguyễn Quang Lập, Vân Long, Trần Nhuận Minh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Hoàng Sơn, Lò Ngân Sủn, Nguyễn Trọng Tạo, Thanh Thảo, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Quang Trang, Vương Trọng, Đỗ Minh Tuấn, Diệp Minh Tuyền…

Trường hợp thứ hai viết lý luận phê bình nhưng đồng thời “nhón chân” sáng lĩnh vực sáng tác. Số lượng đội ngũ này ít hơn, đó là: Hà Minh Đức, Trương Đăng Dung, Chu Thị Thơm, Lê Thị Bích Hồng…

2.2.2.Những vấn đề cơ bản của thực tiễn đổi mới văn học trong cơ chế thị trường

Văn xuôi thực sự khởi sắc. Đây là những thể loại được hình thành trong khu vực tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống hàng ngày với một hiện thực vận động, không ngừng biến chuyển. Sau 1975, chiến tranh kết thúc, trạng thái sử thi không còn phát huy, con người phải đối diện với những vấn đề thế sự, nhân sinh và cả những chuyện rất riêng tư, văn học tất yếu phải đổi mới theo tinh thần thời đại. Nói như nhà phê bình Chu Văn Sơn “Văn xuôi bao giờ cũng đi tiên phong. Sau những “bạo động” về thi pháp của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh, thì văn xuôi ta đã không thể viết như trước. Cuộc bứt phá đa dạng và liên tục về thi pháp đã được châm ngòi… Sự xuất hiện của hàng loạt cây bút Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Bình Phương, Phạm Lưu Vũ, Đỗ Phước Tiến, Nguyễn Việt Hà, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Đình Tú, Thuận, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Một… đưa tiến trình đổi mới tiến tới chỗ cao trào, tạo nên một bước ngoặt trong sự phát triển của văn học dân tộc, góp thêm cho văn học đổi mới những tiếng nói riêng…

Có thể kể đến các tiểu thuyết của thời kỳ đổi mới, như: “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường), “Bến không chồng” (Dương Hướng), “Chim én bay” (Nguyễn Trí Huân), “Hồ Quý Ly “ (tiểu thuyết lịch sử - Nguyễn Xuân Khánh), “Lính trận” (Trung Trung Đỉnh), “Minh sư” (Thái Bá Lợi), “Bến đò xưa lặng lẽ” (Xuân Đức), “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư)...

Tiếp đó là sự hiện diện của thể ký. Hàng loạt hồi ký của Anh Thơ, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Đào Xuân Quý, Bùi Ngọc Tấn... ra đời. Thể phóng sự sau nhiều năm vắng bóng, nay hồi sinh, gây chấn động dư luận với ý thức nhìn thẳng vào sự thật: “Cái đêm hôm ấy đêm gì” (Phùng Gia Lộc), “Lời khai của bị can” (Trần Huy Quang), “Làng giáo có gì vui” (Hoàng Minh Tường), “Tiếng kêu cứu của một vùng văn hoá” (Võ Văn Trực), “Người đàn bà quỳ” (Trần Khắc), “Suy nghĩ trên đường làng” (Hồ Trung Tú)…

Xuất hiện nhiều cuốn nhật ký chiến trường hình thành “Tủ sách tuổi hai mươi”. Xuất xứ những cuốn nhật ký chiến trường do người thân giữ, như: “Mãi mãi tuổi hai mươi” (Nguyễn Văn Thạc); do cựu chiến binh Mỹ giữ, trao lại gia đình liệt sĩ, như: “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Hai cuốn sách trên đã tạo nên “cơn sốt” sách năm 2005. Tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn trong suốt 10 năm (2005 – 2015)…

Nói như Tô Hoài viết hồi ký là một cuộc đấu tranh tư tưởng để thấy ra sự thực. Kế tiếp những cuốn hồi ký trước năm 1986 với “Hai lần vượt ngục” (Trần Đăng Ninh); “Từ nhân dân mà ra”, “Những năm tháng không thể nào quên” (Võ Nguyên Giáp); “Bên sông dồn súng” (Trần Độ), “Không còn con đường nào khác” (Nguyễn Thị Bình)…từ sau thời kỳ đổi mới, hồi ký vẫn tiếp tục phát huy thế mạnh của thể loại, khả năng tái hiện lịch sử, tính chân thực của hồi ức… cung cấp tư liệu chân xác, sống động về những sự kiện, nhân vật lịch sử. Đó là chân dung tướng lính, danh tướng: “Những năm tháng quyết định” (Hoàng Văn Thái), “Bác Hồ, những kỉ niệm không quên” (Phùng Thế Tài), “Ký ức Tây Nguyên” (Đặng Vũ Hiệp), “Hồi ký Trần Văn Giàu” (Trần Văn Giàu), “Gia đình bạn bè, đất nước” (Nguyễn Thị Bình)… Bên cạnh nhân vật lịch sử, chân dung tướng lĩnh, điều đặc biệt trong hồi kí thời kỳ này là khắc họa chân dung văn nghệ sĩ, gia đình, bạn bè văn chương: “Sáng tối mặt người” (Sao Mai), “Cô bé nhìn mưa” (Đặng Thị Hạnh), “Nhớ và quên” (Đặng Anh Đào - Phạm Hồng Sơn), “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” (Ma Văn Kháng), “Hồi ký điện ảnh” (Đặng Nhật Minh), “Bạn bè một thuở” (Bùi Hiển), “Những gương mặt đáng yêu” (Nguyễn Xuân Sanh), “Nhớ lại một thời” (Tố Hữu), “Viết về bè bạn”, “Một thời để mất” (Bùi Ngọc Tấn)… 

Ở lĩnh vực lý luận phê bình lý luận có sự phát triển vượt bậc, không gian lý luận rộng thoáng. Theo GS Trần Đình Sử, từ 1986 đến nay, chúng ta đã tiếp cận được nhiều lý thuyết văn học; xuất hiện những công trình sử dụng những cách tiếp cận mới như thi pháp học, phong cách học, phân tâm học, kí hiệu học, cấu trúc luận, tự sự học, tân lịch sử, hậu thực dân, nữ quyền luận, xã hội học, văn học thiểu số…[4] Phê bình sinh thái đang là một hướng đi được các nhà nghiên cứu quan tâm. Thành tựu của văn học thời đổi mới được thể hiện trên phương diện thể loại: Văn xuôi, thơ, kịch. Tản văn là một thể loại phát triển trong thời kỳ đổi mới và hội nhập…

Xu thế “hai trong một”, người sáng tác đồng thời viết phê bình và người viết lý luận phê bình “nhón một chân” sang lĩnh vực sáng tác phát triển mạnh mẽ như một nhu cầu tự thân. Ở trường hợp thứ nhất, đội ngũ này đông đảo hơn. Qua khảo sát, trong số các nhà sáng tác viết phê bình, thì có người có viết một vài bài, có người in thành chuyên luận, thậm chí in vài tập tiểu luận. Có người viết đăng báo, tạp chí; có bài mức độ khoa học, có bài chỉ là giới thiệu chân dung, tác phẩm, bình thơ văn. Theo Nguyễn Hữu Sơn, “có sự giao thoa, xâm nhập theo nhiều phong cách và nhiều mức độ khác nhau (tự thuật, tạp văn, phác thảo chân dung, tổng kết, đọc sách, giới thiệu, luận bình, bình giảng...)[5]. Người sáng tác có nhu cầu được viết về chính đội ngũ của mình. Nhà văn Tô Hoài viết “Sổ tay viết văn” (1977), “Những gương mặt” (1988), “Cát bụi chân ai” (1992), “Chiều chiều” (1999, in lại 2014); Hữu Thỉnh có “Lí do của hi vọng” (2010); nhà thơ Phạm Tiến Duật “Vừa làm vừa nghĩ” (2003); nhà thơ Trần Đăng Khoa có “Chân dung và đối thoại” (1998, bổ sung, tái bản nhiều lần); nhà thơ Thanh Thảo “Ngón thứ sáu của bàn tay” (1995), “Mãi mãi là bí mật- 2004, Trò chuyện với dòng sông- 2009); nhà thơ Lê Quang Trang in chung cuốn “Thai nghén tác phẩm” (1995), “Dọc đường văn học” (1996); nhà thơ Vương Trọng viết “Vầng sáng hỏa châu” (2012), “Cùng lính trẻ đọc thơ” (2014); Trần Nhuận Minh viết chung “Đối thoại văn chương” (2012), “Thời gian lên tiếng” (2013); nhà thơ Vũ Quần Phương viết “30 tác giả văn chương” (2009), “Bóng mát dọc đường xa” (2014); Nguyễn Quang Lập với “Chuyện đời vớ vẩn” (2011), “Bạn văn” (2011); nhà thơ Phú Trạm - Inrasara viết “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” (2006), “Song thoại với cái mới” (2008), “Thơ Việt, hành trình chuyển hướng say” (2014), “Nhập cuộc về hướng mở” (2014); Nguyễn Hoàng Sơn viết “Tranh luận văn học” (2000), “Văn đàn - thời sự và bình luận” (2003); nhà văn Văn Chinh viết “Đa cực và điểm đến” (2012); Vân Long có “Những gương mặt, những trang đời” (2001); Lò Ngân Sủn viết 2 tập “Hoa văn thổ cẩm I” và “Hoa văn thổ cẩm II” trong 2 năm liền 1998-1999; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo viết 2 cuốn “Văn chương cảm và luận” (1999), “Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ” (2001); nhà văn Nguyễn Huy Thiệp viết “Giăng lưới bắt chim” (2005); nhà văn, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn viết “Nghệ thuật trữ tình của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” (1995), “Ngày văn học lên ngôi” (1997); nhà thơ Diệp Minh Tuyền viết “Đổi mới đích thực văn học” (1996)…

Theo Nguyễn Thùy Giang “thống kê trên báo Văn nghệ từ 2006 đến 2010 có khoảng trên dưới 170 nhà văn nhà thơ tham gia viết phê bình, chiếm khoảng 60% tổng số lực lượng phê bình”[6]. Những “con số biết nói” trên cho thấy các nhà thơ viết lý luận phê bình đông hơn cả. Theo Nguyễn Hữu Sơn, “hầu hết nhà văn lớn đều có viết phê bình - cho thấy bản chất và nhu cầu của hoạt động phê bình vốn tiềm tàng trong tâm thế sáng tác và ngay trong lực lượng sáng tác, gắn bó chặt chẽ trong tổng thể kiềng ba chân của khoa nghiên cứu văn học: lịch sử, lí luận và phê bình văn học”.

 

 

2.2.3. Văn học thời kỳ đổi mới khá đa dạng về đề tài    

Sự đổi mới văn học đã diễn ra trên nhiều phương diện cả nội dung và hình thức. Văn học phát triển đa dạng hơn về đề tài, chủ đề phong phú và mới mẻ hơn về thủ pháp nghệ thuật, cá tính sáng tạo và phong cách nghệ thuật của nhà văn với nhiều tìm tòi và thể nghiệm mới. Sự đổi mới phải kể đến đó là sự đa dạng về đề tài. Văn học đã chuyển trọng tâm từ hiện thực khách quan bên ngoài sang hiện thực nội tâm bên trong. Cái tôi cá nhân được quan tâm thể hiện và trở thành một đối tượng khai thác mới. Chiều sâu tâm linh và những ẩn khuất tâm hồn được chú ý khai thác hơn. Cái mới đáng chú ý của văn học giai đoạn này là tính chất hướng nội, đi vào hành trình khám phá nội tâm khai thác sâu sắc số phận cá nhân và thân phận của con người. Nhân vật là con người - con người của dĩ vãng và hiện tại với những niềm vui và nỗi buồn, đớn đau và khát vọng lớn lao; con người đặt giông gió thời cuộc; con người bị rằng rịt bởi những mối quan hệ phức hợp trong xã hội. Con người sử thi đã nhường chỗ cho thân phận con người cá nhân. Số phận con người ở những góc khuất luôn là mối quan tâm hàng đầu và xuyên suốt các tác phẩm của nhà văn.

Ưu tiên khai thác cái tôi cá nhân, văn xuôi có điều kiện thể hiện đến tận cùng. Ngay sau khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, Nguyễn Minh Châu đã đề cập đến cái tôi trong “Phiên chợ Giát”. Kể từ đó, cái tôi đã chiếm một tỷ lệ lớn trong sáng tác của các nhà văn với hàng loạt tác phẩm tiêu biểu, như: “Thời xa vắng” (Lê Lựu); “Gặp gỡ cuối năm” (Nguyễn Khải); “Chim én bay” (Nguyễn Trí Huân); “Mùa lá rụng trong vườn”, “Đám cưới không có giấy giá thú” (Ma Văn Kháng); “Chiếc thuyền ngoài xa”, “Cỏ lau” (Nguyễn Minh Châu)…

Văn xuôi về chiến tranh vẫn đang được các nhà văn tiếp tục đào xới như một sự trả món nợ của quá khứ, các tác giả vẫn là thế hệ chống Mỹ. Chiến tranh sau 41 năm đã hiện lên không phải chỉ là nhìn thấy nữa mà là một hiện thực được phản ảnh sau những nghiền ngẫm, cân nhắc vì vậy có thể thấy trang viết lắng đọng hơn, nhiều suy tư hơn, vấn đề đặt ra trong tác phẩm nỗi niềm hơn. Vẫn tiếp tục khẳng định những đóng góp to lớn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ anh hùng, nhưng nhà văn đã nhìn nhận điều đó từ nhiều phía..[7] Đó là những tác phẩm “Rừng thiêng nước trong” (Trần Văn Tuấn), “Chân trời mùa hạ” (Hữu Phương),Dưới chín tầng trời,” (Dương Hướng), “Truyền thuyết sông Thu Bồn” (Từ Nguyên Tĩnh), “Xiêng Khoảng mù sương” (Bùi Bình Thi), “Đường về Thà Khẹc” (Tô Đức Chiêu), “Đối chiến” (Khuất Quang Thuỵ), Xuân Lộc (Hoàng Đình Quang), “Đêm Sài Gòn không ngủ” (Trầm Hương), “Đi qua bóng tối” (Nguyễn Hoàng Thu),Lính trận” (Trung Trung Đỉnh), “Tiếng khóc của nàng út” (Nguyễn Chí Trung), “Đội gạo lên chùa” (Nguyễn Xuân Khánh)… tiếp tục dòng chảy của văn học về đề tài chiến tranh trước đây trên một tầm nhận thức mới của người viết.

Dòng văn học viết về chiến tranh một mặt vẫn theo “quán tính” dẫu rằng cuộc kháng chiến đã lùi xa. Điều quan trọng, đã có những bước tiến mới. Cuộc chiến được mô tả, phản ánh trong nhiều tác phẩm văn thơ hầu như đã đoạn tuyệt với lối mòn “ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu”[8]. Nhân vật của các cuộc chiến, dù bên này hay bên kia đều được mô tả như những con người với những thăng trầm, sáng tối, may rủi như trong các tiểu thuyết “Bến đò xưa lặng lẽ” (Xuân Đức), “Vùng sâu” (Tô Nhuận Vỹ), “Đối chiến” (Khuất Quang Thụy), “Lính trận” (Trung Trung Đỉnh), “Vùng lõm” (Nguyễn Quang Hà), “Trận tuyến sông Bồ” của Đỗ Kim Cuông, “Vệ đê trong đêm trăng” (Lê Thị Bích Hồng)... Chính vì thế, cuộc chiến được miêu tả thật hơn và cũng công bằng nên sức hấp dẫn của các tác phẩm viết về chiến tranh càng tăng lên.

Hình tượng người lính trong chiến tranh vẫn hiện lên trong sáng tác, dẫu cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đã lùi xa hơn 41 năm. Đó là hình ảnh người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam cao đẹp “hiện lên đối nghịch với chiến tranh khốc liệt”[9] được nhiều tác phẩm thể hiện thành công, kêu gọi lòng nhân ái và tinh thần yêu hòa bình của con người. Các tác phẩm nổi bật như: tiểu thuyết “Đèn kéo quân” của Lương Sĩ Cầm, tiểu thuyết “Phượng Hoàng” của tác giả Văn Lê, tập thơ “Sương đẫm lá khộp khô” của nhà thơ Ngân Vịnh, hai trường ca “Tổ quốc nhìn từ biển” của Nguyễn Việt Chiến và “Hạ thủy những giấc mơ” của Nguyễn Hữu Quý…

Thân phận con người, nhất là con người thời hậu chiến được văn xuôi thể hiện trong chiều sâu khôn với: “Nỗi buồn chiến tranh” (hay Thân phận tình yêu- Bảo Ninh); “Tướng về hưu” (Nguyễn Huy Thiệp); “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường); “Bến không chồng” (Dương Hướng); “Cát bụi chân ai”, “Chiều chiều” (Tô Hoài)…

Đổi mới là thời điểm cho các nhà văn nỗ lực không ngừng để sáng tạo và thể nghiệm: Ma Văn Kháng  viết “Ngược dòng nước lũ”, Lê Văn Thảo với “Cơn giông”, Hồ Anh Thái thể nghiệm với “Cõi người rung chuông tận thế” và “Mười lẻ một đêm”; Trung Trung Đỉnh viết “Lạc rừng”; Nguyễn Bình Phương đến với “Người đi vắng”, “Thoạt kỳ thuỷ”; Tạ Duy Anh “Đi tìm nhân vật” và “Thiên thần sám hối”; Châu Diên miên man với “Người sông mê”; lão tướng Nguyễn Xuân Khánh trình ba bộ tiểu thuyết hoành tráng “Mẫu thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly” và “Đội gạo lên chùa”

Từ sau thời điểm đất nước bước vào công cuộc đổi mới, thơ ca Việt Nam hoà nhập với không khí của văn hoá hiện đại thế giới, nhiều nhà thơ có ý thức đổi mới thơ ca. Thơ Việt Nam 30 năm cách tân và đổi mới trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức. Theo Nguyễn Trọng Tạo “thơ đóng vai trò tiên phong trong đổi mới văn học…đổi mới thơ là tự thân của sáng tạo thơ ca, và các nhà thơ thế hệ trẻ hôm nay cần phải được đánh giá cao vì sự táo bạo của họ trong việc đưa đến một tư duy thơ khác hẳn với những con sóng đồng ca triền miên một thời”. Bước chuyển hệ hình thơ Việt từ tiền hiện đại sang hiện đại. Hiện tượng trường ca nở rộ, một số thi phẩm có giá trị đã ra đời. Nhiều cây bút mới khẳng định mình, nhiều tác phẩm gây được sự chú ý. Thơ Lê Đạt, Trần Dần, Hoàng Hưng ra mắt công chúng. Cái tôi cá nhân được thả sức tỏ bày. Những nhà thơ thời chống Mỹ và một số ít nhà thơ thời chống Pháp đang cố gắng tự đổi mới mình. Cái tôi của họ (Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Thanh Thảo, Y Phương...) đang nỗ lực vươn lên một tầm tư tưởng và tầm triết lý mới. Thơ đề cập đến nhiều đề tài: Tổ quốc, nhân dân, về chiến tranh, về dân tộc…với những xu hướng (khúc ca bi tráng về số phận của dân tộc, vùng mờ tâm linh đậm chất tượng trưng siêu thực, xu hướng hiện đại và hậu hiện đại[10])…vấn đề hòa hợp dân tộc.

Sinh ra ngay trong thời đại đổi mới, các nhà thơ trẻ được tiếp xúc trực tiếp với những cái mới của thời đại. Vì thế, họ là người mang sứ mệnh đổi mới của thời đại. Thơ của họ đầy ắp những sự kiện mới và những suy tư mới. Ngô Thảo nhận ra “Giọng điệu là thứ được trình diện đầu tiên. Nhiều cây bút trẻ có học vấn cao, có điều kiện đi lại nhiều, có quan hệ rộng, nên ngay từ tác phẩm đầu tay đã tỏ ra điêu luyện, không trải qua thời kỳ tập bút như thế hệ trước”. Đó là một đóng góp quan trọng của thơ trẻ hôm nay với những tên tuổi: Vi Thùy Linh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư... Nhà thơ Vi Thùy Linh đã làm cho đời sống thơ ca đương đại trở trở nên sôi nổi hơn với Khát (1999), Linh (2000), Đồng tử (2005), ViLi in love (2008), Phim đôi - tình tự chậm (2011), Chu du cùng ông nội (2011),…

Văn học thời kỳ đổi mới đã kế thừa, làm phong phú và khai thác sâu hơn giá trị văn học truyền thống ở các yếu tố kỳ ảo, trào lộng, bi kịch; tiếp thu tinh hoa văn học thế giới như các khuynh hướng, trào lưu lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, huyền thoại, viễn tưởng, phi lý…tạo nên tính đa thanh, đa giọng điệu cùng sự đa dạng, độc đáo trong nghệ thuật trần thuật và cấu trúc tác phẩm[11]. Các tác phẩm tự sự lịch sử trở lại tạo nên sự hấp dẫn qua các tác phẩm Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết của Nguyễn Huy Thiệp; Hồ Quý Ly (Nguyễn Xuân Khánh), Sông Côn mùa lũ (Nguyễn Mộng Giác), Giàn thiêu (Võ Thị Hảo), Đối cực (Trần Đức Tĩnh) Hơn lúc nào hết, những khát vọng và đam mê của con người được thể hiện sâu sắc qua tác phẩm: Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đã mang đến “Họ đã trở thành đàn ông”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều mang đến truyện Mùa hoa cải bên sông (được chuyển thể thành phim). Y Ban đóng góp Bức thư gửi mẹ Âu Cơ... Ngòi bút sáng tạo năng động ấy đã góp phần nâng cao tầm vóc của tự sự lịch sử, đưa thể loại vào vị trí xứng đáng của loại hình văn xuôi nghệ thuật đương đại.

Kịch nói phát triển mạnh mẽ, có chỗ đứng trong lòng công chúng: “Nhân danh công lí” (Doãn Hoàng Giang); “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, “Tôi và chúng ta”… (Lưu Quang Vũ); “Mùa hè ở biển” (Xuân Trình)...

2.3.Văn học có là một sản phẩm hàng hóa?

Sau gần 30 năm chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN), đời sống văn hóa xã hội nước ta đã có những biến đổi mạnh mẽ trên mọi phương diện. Văn học nghệ thuật trước những tác động sâu sắc của cơ chế thị trường ngày càng đối diện với nhiều cơ hội và thách thức mới.                                                  

Khi bàn về thuộc tính tác phẩm văn học, nghệ thuật, C.Mác đã viết “Nhà văn, đương nhiên phải kiếm tiền mới có thể sống và viết, nhưng nhà văn tuyệt nhiên không được sống và viết để kiếm tiền”[12]. C.Mác thừa nhận thuộc tính hàng hoá của sản phẩm văn học, nghệ thuật, coi đây là kết quả của sản xuất tinh thần và đặc biệt nhấn mạnh đến thiên chức xã hội của nghệ thuật và trách nhiệm xã hội cao cả của nghệ sỹ. Sự xóa bỏ tình trạng quan liêu bao cấp khiến cho văn học trở thành hàng hóa và vận động theo quy luật cạnh tranh. Điều đó tạo nên xu hướng thương mại hóa văn học trong khi văn học nghệ thuật vốn được coi là sản phẩm tinh thần mang giá trị thẩm mỹ cao thượng[13]. Tác phẩm văn học, nghệ thuật có hai thuộc tính: thuộc tính hàng hoá và thuộc tính xã hội. Thuộc tính hàng hoá được coi là phương tiện, thuộc tính xã hội là mục đích. Điều này đã diễn ra ở các nước. Khái niệm “văn học tiêu dùng” đã xuất hiện ở Trung Quốc. Các nhà văn Trung Quốc cho rằng “tác phẩm văn học hay phải là tác phẩm có người đọc”; sách văn học muốn được đón nhận phải đảm bảo tính văn học và tính thị trường; mục tiêu đặt ra đối với tác phẩm là phải hay với sáng tác và với bạn đọc[14]

Cơ chế thị trường đã tác động đến văn học nghệ thuật (trong đó có văn học) từ người viết đến người đọc và cho đến quá trình phát hành. Là sản phẩm của văn hóa, văn học không thể nằm ngoài sự chi phối và phải tuân theo quy luật cung - cầu của thị trường. Văn học chịu sự vận hành của xu hướng thương mại hóa, dẫu văn học nghệ thuật vốn được coi là sản phẩm tinh thần mang giá trị thẩm mỹ cao thượng thuộc lĩnh vực văn hóa – tư tưởng. Trong “cái sôi động, có phần xô bồ, thậm chí hỗn loạn của văn học nghệ thuật, không mấy khó khăn cũng có thể nhận ra cây đũa chỉ huy năng động và có hiệu lực của thị trường[15]. Khi nghệ thuật đồng thời là hàng hoá thì thị trường là nơi trao đổi thuận tiện và sòng phẳng nhất, cũng là nơi qua đó để nghệ sĩ phân tích, nắm bắt nhu cầu và có kế hoạch đáp ứng. Có thể xem thị trường là con đường ngắn nhất để tác phẩm đến với công chúng. Nghệ thuật càng chuyên nghiệp thì càng cần thị trường. Thị trường văn học, nghệ thuật chính là phương tiện để chuyển tải các giá trị văn học, nghệ thuật tới công chúng. Và khi xuất hiện loại thị trường này thì các quy luật của kinh tế thị trường nói chung như quy luật cung cầu, quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh cũng hoạt động và chi phối một cách hiển nhiên và sâu sắc.

Nghệ thuật đích thực luôn hướng tới giá trị, trong khi đó thị trường gắn với giá cả; nghệ thuật là sáng tạo độc đáo, còn nghệ thuật trong cơ chế thị trường, khi đã mang bản chất hàng hóa thì có thể chạy theo thị hiếu, trở thành sản phẩm giải trí, và từ đó hình thành khái niệm “hàng chợ” trong đời sống văn học hiện nay[16].

Sự chuyển đổi kinh tế từ kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN đã dẫn đến sự biến đổi mạnh mẽ về thị hiếu thẩm mỹ, chuẩn mực thẩm mỹ, đặc biệt là các chuẩn giá trị đạo đức xã hội; trong khi đó, sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin đã và đang lấn át văn hóa đọc, làm thay đổi tư duy sáng tạo của văn nghệ sĩ và nhu cầu thưởng thức của công chúng. Mối quan hệ cung – cầu, tác giả - người đọc đã hình thành. Thị hiếu người đọc đã chi phối sáng tác của người sáng tạo văn học và dĩ nhiên văn học phải đáp ứng thị hiếu của người đọc. Hiện tượng này là “sản phẩm độc quyền” của thời kinh tế thị trường. Sự thương mại hóa hoạt động tiếp nhận văn học cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên sự loạn chuẩn trong thị hiếu độc giả ngày nay. Sách hay bán chạy, đã đành. Nhưng sách kém chất lượng vẫn “ăn khách” được người đọc sẵn sàng rút hầu bao. Đó là nhờ công nghệ PR tác phẩm, chiêu thức quảng cáo, tiếp thị, người đọc bình chọn... Thậm chí có người “tự sướng” bằng tác phẩm sex cùng khao khát tính dục bản năng, thế giới thầm kín riêng tư để “gây sự chú ý”, “đánh bóng” làm “sáng choang tên tuổi vốn chìm nghỉm” chưa từng ai biết (trường hợp Sợi xích của Lê Kiều Như…). Xuất hiện nhiều cuốn sách viết về thế giới thứ ba: “Bóng” (tự truyện của Nguyễn Văn Dũng), “Không lạc loài” (tự truyện Thành Trung), “Song song” (Vũ Đình Giang)… Những cuốn sách best-seller trở thành hiện tượng phổ biến trong cơ chế thị trường khi có sự can thiệp hết sức tinh vi của hoạt động thương mại, từ các nhà xuất bản (xuất bản hoặc cấp giấy phép), những đầu nậu, cùng các chiêu thức tiếp thị, quảng cáo…và có một ‘thị trường ngầm” sẵn sàng đáp ứng (in lậu) “nhu cầu tò mò” vốn là bản tính của con người. (Ở đây, tôi chưa nói đến trường hợp sách best-seller “nhạy cảm” về chính trị, phản văn hóa, xa lạ với thuần phong mỹ tục của dân tộc, hoặc sản phẩm độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội theo).

Văn chương thị trường là dòng tác phẩm đáp ứng thị hiếu của một lớp bạn đọc, phần lớn là giới trẻ. Họ chịu ảnh hưởng văn chương thị trường nước ngoài và ảnh hưởng của Internet. Trước đối tượng “cầu” rất tiềm năng đó, người viết không thể không bị cuốn vào thị trường và viết theo thị hiếu “đặt hàng”. Có không ít người lo ngại về dòng “văn học thị trường” với sự “lên ngôi” của một loại sách chủ yếu của người viết trẻ dành cho những người trẻ, người đọc trẻ với đặc điểm “nội dung khá sáo mòn”, “đơn giản về nghệ thuật”, chỉ loay hoay với đề tài tình yêu lãng mạn, bay bổng, xa rời thực tế… Thậm chí họ quy “văn học thị trường” này biểu hiện cho sự xuống cấp trầm trọng của văn hóa đọc. Nhưng hiện nay đang tồn tại một nghịch lý dòng “văn học thị trường” lại có doanh thu lớn hơn so với loại sách không phải thị trường. Nhìn vào chợ sách 2014 có thể nhận rõ sự lấn át của văn chương thị trường. Qua khảo sát ngày hội sách ở TP. Hồ Chí Minh từ năm 1995 đến năm 2009 thì có ba nhà xuất bản chuyên dòng sách thị trường đã xuất bản khoảng 60% số lượng sách tại TP. Hồ Chí Minh”[17]. Trước ý kiến nêu trên đã xuất hiện ý kiến có tính phản biện rằng: “Không nên đánh giá thấp văn học thị trường... Khi nhà văn viết tác phẩm thì nhu cầu lớn nhất là đối thoại với độc giả, muốn bán sách. Được công chúng đón nhận thì thành công, không đón nhận thì thất bại... Đó là nhu cầu của độc giả, không phải là chuyện của các nhà quản lý”. Việc đánh giá thấp văn học thị trường cũng đồng nghĩa với việc đang đứng ở một hệ giá trị khác để đánh giá, vì thế mà không thực sự có được một cái nhìn khách quan. Nhiều nhà văn trẻ đánh giá cao vai trò của công chúng và đại chúng. Đã là tác phẩm văn học thì phải thu hút nhiều người đọc. Nhà văn Thiên Sơn cho rằng, “một trong những thành tựu đáng kể của văn học hôm nay là ngày càng đi về phía thị trường”. Vi Thùy Linh hết sức thẳng thắn khi xác định rõ ràng thách thức lớn đối mà chính mình cũng như của các đồng nghiệp của mình phải đối mặt: đó là cơ chế kinh tế thị trường thời đổi mới. Bất cứ một người viết nào cũng không thể tồn tại bên ngoài công chúng của mình. Tác giả khẳng định: “Tôi tìm kiếm thị trường, tôi phải cạnh tranh nhưng tôi không viết thị trường, tôi tìm kiếm độc giả tinh hoa trí thức…Các nhà văn, nhà thơ đương đại cần phải xung kích, náo động, quyến rũ và bớt hèn nhát hơn để đủ khả năng thích nghi và tồn tại trong một bối cảnh xã hội - văn hóa mới[18].

Dự báo văn chương trong những năm tới, có ý kiến cho rằng văn chương thị trường sẽ trở thành dòng chính và là xu thế tất yếu. Mọi giá trị đều trở thành hàng hóa và vận động theo quy luật của đồng tiền. Văn chương cũng là hàng hóa bị thị trường quy định. Bởi thế, việc xây dựng cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để phát triển văn hóa trong nền kinh tế thị trường là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Trong thời kỳ mới đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, văn chương cần bám sát hiện thực cuộc sống; cần khắc phục xu hướng đô thị hóa, mở rộng đời sống sáng tác về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

 

 

III. KẾT LUẬN

Sau gần ba mươi năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, văn học Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên con đường hiện đại hóa và hội nhập với văn học thế giới. Tổng kết một chặng đường kể từ thời điểm đổi mới đất nước (1986) là một việc làm khoa học và thực tiễn. Kế tiếp quá trình này, Đảng, Nhà nước và nhân dân tiếp tục một chặng đường mới, tiến hành một cuộc đấu tranh gian khổ và phức tạp giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tốt và xấu, cao thượng và thấp hèn... Hiện thực đó là mảnh đất giàu tiềm năng cho những tìm tòi, sáng tạo của nhà văn để tiếp tục xây đắp một nền văn học, nghệ thuật ngày càng lớn mạnh với những tác giả, tác phẩm có tầm vóc xứng đáng với dân tộc. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo… là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà văn và các nhà văn Việt Nam thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vì một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

TS. Lê Thị Bích Hồng

                                                                                    

 

 

 

 

[1] Nguyễn Văn Linh. Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ ngày 6 và 7/10/1987. Văn nghệ, Hà Nội, số 42 (17-10-1987)

[2] Bùi Đình Phong (2015): Hồ Chí Minh sáng tạo, đổi mới. Nxb Tổng hợp. TP.Hồ Chí Minh

[3] Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X

 

[4] Trần Đình Sử “Lý luận văn học Việt Nam hiện đại trong bối cảnh toàn cầu hóa - triển vọng và thách thức

[5] Nguyễn Hữu Sơn: “Các nhà văn viết phê bình thời Đổi mới” http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/cac-nha-van-viet-phe-binh-thoi-doi-moi-7606.html

[6] Nguyễn Thùy Giang: Văn nghệ, số 12, ra ngày 23/3/2013, tr.18-19

[7] Lê Thành Nghị - “Văn xuôi những năm gần đây” (Báo Văn nghệ)

[8] Nguyễn Hữu Quý

[9] Bùi Công Thuấn, 40 năm văn học Việt Nam, những gì còn với mai sau

[10] Theo Nguyễn Đăng Điệp

[11]Văn học Việt Nam hội nhập và phát triển (Nguồn Cinet.gov.vn- Bộ VHTTDL)

 

[12] Các MácNhững cuộc tranh luận về tự do báo chí)

[13] Đỗ Hải Ninh. Tác động của cơ chế thị trường đến tiếp nhận văn học

[14] Nhiều tác giả. Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, Nxb Giáo dục, 2009, tr.146.

[15] Phan Trọng Thưởng. Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường

[16] Phan Trọng Thưởng. Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập, Nxb Chính trị Quốc gia, 2009, tr.168

[17] PGS. TS. Võ Văn Nhơn – Ths. Nguyễn Phương Thúy. Văn học thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh 

[18] Dẫn theo Hà Thủy “Sáng tác văn học Việt Nam thời kỳ Đổi mới: Thực trạng và triển vọng”

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *