Văn học với đời sống

18/8
8:27 AM 2018

NHÀ VĂN HỮU MAI- CÂY BÚT TRUYỆN TÌNH BÁO TÀI NĂNG

ĐOÀN TRỌNG HUY-Bên cạnh mảng đề tài chiến tranh cách mạng, nhà văn quân đội Hữu Mai (1926 – 2007) còn là cây bút viết truyện trinh thám hàng đầu nước ta. Ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên và đại biểu chính thức duy nhất của khu vực châu Á nằm trong danh sách của Hiệp hội quốc tế những nhà văn viết truyện trinh thám (Association Internationale des Écrivains Policier – được thành lập tại Mexico năm 1989).

                                                                Nhà văn Hữu Mai

Nhắc đến ông, là nhắc đến những bộ truyện trinh thám nổi tiếng như Ông cố vấn (1988, 1989), Đêm yên tĩnh (2000)…Truyện tình báo là một trong ba thể tài của thể loại trinh thám: truyện tình báo – truyện phản gián – truyện vụ án hình sự. Văn học Việt Nam hiện đại vốn có mạch truyện trinh thám khơi nguồn từ thời kì 1930 - 1945 với Phạm Cao Củng, Thế Lữ là những đại biểu ưu tú nhất. Phạm Cao Củng tương đối chuyên nghiệp, còn Thế Lữ chỉ là viết “tạt ngang” nhưng cũng để lại những nhân vật có chiều sâu, tạo ấn tượng như Lê Phong phóng viên trong Gói thuốc lá. Và có thể nói người đưa truyện tình báo của Việt Nam tiến lên một giai đoạn mới là Hữu Mai. Hữu Mai viết truyện tình báo khi đã lớn tuổi, đã có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống và chiến đấu. Những truyện viết về ngành tình báo chính là một trong những lĩnh vực chiến đấu đặc biệt mà Hữu Mai đã đi sâu khai thác và đạt được những thành tựu xuất sắc.

Để có được thành công, trước hết phải kể đến công sưu tầm tài liệu. Hữu Mai sưu tầm tài liệu bằng nhiều cách, từ nhiều nguồn khác nhau như đi thực tế, tiếp xúc, phỏng vấn nhân chứng, tra cứu… Để có được những tư liệu quý, có những lần ông đã phải đi “điền dã” hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Tất cả được ông ghi chép cụ thể, tỉ mỉ để làm “lương khô” cho công việc viết lách sau này. Nguyễn Huy Tưởng từng phát biểu: “Thời đại chúng ta sống là một thời đại phi thường, một thời đại của “sử thi”, các tướng lĩnh và toàn thể đồng bào đem xương máu sáng tạo nên hàng nghìn, hàng vạn sự tích bi tráng, làm thành một kho vô tận tài liệu cho văn nghệ mới”. Tuy nhiên, biết nắm bắt, khai thác sự kiện, tìm hiểu thấu đáo, triệt để người và việc lại còn phụ thuộc vào ý chí và tài năng cũng như hứng thú riêng của mỗi chủ thể sáng tác. Hữu Mai là nhà văn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu như vậy với một sức kiên trì, nhẫn nại, nghiêm cẩn và say sưa trong công việc, đặc biệt là lập hồ sơ điệp viên. Nhà văn hơn người, hơn nhiều đồng nghiệp ở chỗ đã tích lũy được vốn sống trực tiếp, đầy ắp, ngồn ngộn trong kho tư liệu cá nhân suốt bao nhiêu năm tháng. 

Trong tác phẩm Ông cố vấn (tên đầy đủ là Ông cố vấn: Hồ sơ một điệp viên), người ta đã nhận ra thao tác lập hồ sơ đặc biệt, rất riêng của Hữu Mai. Cả một chồng hồ sơ “cao như núi”, trong đó có một phần thật, lại có cả phần giả. Nếu không tinh tường, tỉnh táo, không biết cách phân tích, chọn lọc, người viết sẽ bị ngợp mà không “lẩy” ra được những tư liệu cần thiết cho tác phẩm của mình. Chúng ta bắt gặp trong tác phẩm này hồ sơ về cuộc đời của các tình báo viên cự phách như Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy, Nguyễn Xuân Hòe, Huỳnh Văn Trọng… và cả hồ sơ ở “phía bên kia” như hồ sơ về cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 lật đổ chính quyền Diệm: một bên là phe các tướng Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Lê Văn Kim; một bên là anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Ở tiểu thuyết Đêm yên tĩnh là bộ hồ sơ về chiến dịch phản gián của lực lượng an ninh vào đầu thập niên 80 của thế kỉ trước. Nhà văn đã tái hiện “kế hoạch đặc biệt” của cuộc đấu tranh chống gián điệp với quy mô lớn, như bạo loạn lật đổ trên địa bàn đồng bằng sông Cửu Long rất rộng. Cuộc đấu tranh diễn ra cực kì phức tạp vì còn có cả sự trợ giúp của các thế lực phản động ở nước ngoài. Là người may mắn sở hữu những tài liệu mật đã được giải mã, có những tài liệu “độc” rất quý hiếm thuộc diện “độc quyền”, nhà văn Hữu Mai bằng tài năng của mình đã biết tổ chức, sắp xếp và chuyển hóa hợp lí những chi tiết quan trọng trong các tài liệu ấy thành những “tình huống truyện” đặc sắc, sinh động. Do đó, tiểu thuyết trinh thám của ông vừa li kì, hấp dẫn lại vừa chân thật như chính cuộc đời.

Điều quan trọng bậc nhất đối với Hữu Mai là tầm nhìn – để định hướng khám phá, khai thác tư liệu của hiện thực lịch sử. Đây chính là con mắt nhìn chiến lược – con mắt nhìn chiến tranh từ phương diện chiến đấu tổng thể, tổng lực như chiến lược xây dựng mạng lưới tình báo, chiến lược chống phản gián, được thể hiện qua các chiến dịch. Chiến lược đi kèm chiến thuật qua các trận đánh độc đáo. Rồi từ con mắt nhìn ấy, nhà văn đã xây dựng “chiến lược” và cả “chiến thuật” viết. Bao quát ôm trùm tư liệu nhưng khai thác thể hiện cả những chi tiết rất phong phú, sống động. Sự tích lũy tư liệu, vốn sống (cả trực tiếp và gián tiếp) và nghệ thuật điển hình hóa là hai phương pháp chủ yếu làm nên thành công của thể tài văn học đặc sắc: truyện tình báo – như “đặc sản” của nhà văn Hữu Mai. Xét trên tổng thể, đứng ở góc nhìn thể loại, các tiểu thuyết Ông cố vấn và Đêm yên tĩnh tiêu biểu cho một nhánh của đề tài chiến tranh hiện đại Việt Nam.

Về mặt phương thức biểu hiện, các bộ tiểu thuyết tình báo cũng có những đặc sắc về kết cấu trần thuật và ngôn ngữ (ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật), giọng điệu (các sắc thái). Trong đó, nổi bật là sự đan xen giữa kể và tả, lồng ghép các yếu tố ngẫu nhiên và tất yếu, tạo tình huống gay cấn, li kì, hấp dẫn, phù hợp với đề tài. Tất cả những điều đó làm nổi bật hình tượng nhân vật đặc biệt: người chiến sĩ tình báo Việt Nam. Nói như Chúc Ngưỡng Tu, người dịch Ông cố vấn sang Trung văn: “Bộ sách này là một thiên anh hùng ca của nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Việt Nam là một quốc gia có vị trí địa lí và số phận đặc biệt. Chúng ta đã trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trường kì đầy hào sảng của lịch sử thế giới hiện đại trong thế kỉ XX. Đó là một trong những lí do vì sao bạn đọc ngày nay vẫn còn hâm mộ thể loại văn học phản ánh chiến tranh dưới góc độ cuộc chiến thầm lặng trong lòng địch này. Quá khứ đã khép lại, nhưng vẫn sẽ mở ra những bài học rất bổ ích về chính trị và lịch sử dân tộc. Những tác phẩm văn học ấy đáp ứng một cách thú vị các chức năng văn học, kể cả chức năng giải trí. Những câu chuyện ấy rất hấp dẫn về kết cấu thực - hư, ẩn - hiện, với những tình tiết lắt léo đầy kịch tính, những thắt nút, mở nút, sự pha trộn ngẫu nhiên, bất ngờ, đột xuất và tất yếu quy luật. Độc giả học được cách xử trí táo bạo, khôn khéo những tình huống, phép đối ứng thông minh, mưu trí, sáng tạo hiếm có. Trên hết là sự cảm nhận những nhân cách thật đẹp - kiên cường, bất khuất, dũng cảm, ân nghĩa, thuỷ chung - của các chiến sĩ tình báo Việt Nam.

Gần bốn mươi năm gắn bó với quân đội, sáng tác khoảng hơn sáu mươi đầu sách, phần nhiều là tiểu thuyết, Hữu Mai là một trong số những nhà văn mẫn tiệp, sung sức và tận hiến cho sự nghiệp văn học cách mạng nói chung và dòng tiểu thuyết tình báo nói riêng. Độc giả nhớ đến ông với tư cách là người gợi mở quan trọng cho một thể tài tiểu thuyết đầy hứa hẹn của văn học Việt Nam. Hiện nay, dòng văn học trinh thám Việt Nam đang được tiếp sức bởi một số nhà văn trẻ sung sức tạo được dấu ấn đầy triển vọng như Đoàn Thụy Hải, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú; gương mặt mới Giản Tư Hải với Ổ buôn người (giải C cuộc thi về đề tài Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức). Và đặc biệt là nữ văn sĩ Di Li – xuất sắc với Trại Hoa Đỏ  Câu lạc bộ số 7, từng là chủ đề trong nhiều cuộc hội thảo của giới chuyên môn văn chương.

Có thể nói, trên bầu trời văn đàn Việt, bên cạnh những vì tinh tú khác, ngôi sao văn chương Hữu Mai phát ra một ánh sáng rất riêng, thứ ánh sáng biến hóa kì ảo như cuộc đời của các chiến sĩ tình báo Việt Nam - đề tài mà ông đam mê, theo đuổi trọn đời.
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *