Văn học với đời sống

28/3
10:53 AM 2019

NHÀ THƠ, KỊCH SĨ LÊ ĐẠI THANH – TÔI BƯỚC VÀO ĐỜI ĐÃ NGẢ THEO CÁCH MẠNG…

NSND Lê Huy Quang- Lê Đại Thanh sinh ngày 8- 5- 1907 tại Hải Phòng. Năm 1927-1932, học Trường Bưởi, Hà Nội, ngồi cùng bàn với Nguyễn Gia Trí (sau này trở thành danh họa), còn Lê Đại Thanh học xong thì đi làm thầy dạy học ở Nam Định, Hòa Bình, Cao Bằng, Hải Phòng (1932 đến tháng 8- 1945).

Đồng thời tham gia  viết báo, đăng nhiều trên các báo, tạp chí Đông Tây, Ngày nay, Chuyện đời, và diễn kịch ở Hà Nội, Hải Phòng (1936-1945). Từ đầu những năm 1940, tham gia Việt Minh và nhiều phong trào hoạt động ủng hộ Cách mạng, do đó bị chính quyền Nhật bắt giam 3 tháng. Tham gia khởi nghĩa tháng Tám 1945, kháng chiến chống Pháp ở Liên khu III, từng là Phó Giám đốc Sở Tuyên truyền LKIII, rồi chuyển sang hoạt động trong Hội Văn hóa Cứu quốc. Sau hòa bình, làm biên tập tuần báo Văn nghệ, rồi trở về sống và viết tại Hải Phòng cho đến khi qua đời.    

  Trong suốt cuộc đời đầy sóng gió, tương truyền thời còn dạy học,  thầy giáo trẻ Lê Đại Thanh thường hay “vượt rào” giáo án - để giảng cho các trò về lòng yêu nước được bộc lộ và thể hiện trong các bài lịch sử và văn học. Yếu tố cách mạng rất tự nhiên có ở trong con người ông, do đó hệ thống giáo dục của người Pháp không thích “anh giáo” này. Vì thế, ông luôn bị chuyển trường, từ Kiến An, Nam Định, Hải Phòng…lên cả Nước Hai, Cao Bằng (Tướng Bằng Giang là  học trò của thầy Thanh ở đây); và người Pháp vẫn có ý định bắt ông giáo Thanh đến mấy lần, nhưng do có học trò báo nên ông  lại “thoát” được. Nhà văn Bùi Ngọc Tấn trong kịch bản phim tài liệu Một ông già sống cho đến khi chết, đã dành cho Lê Đại Thanh phẩm chất bất dịch của một người Hải Phòng, sống ở đó nhiều nhất, gian truân ở đó nhất, và khi chết được chôn ở thành phố hoa phượng đỏ. “Tôi bước vào đời đã ngả theo Cách mạng/Như hoa hướng dương quay theo ánh mặt trời/Đảng là đại dương/Tôi là con cá hồng bơi/Đảng là núi/Tôi là con chim ngực đỏ” (Di chúc). Vậy là con đường đời đã rất sớm được thầy giáo Lê Đại Thanh lựa chọn để theo. Nó dẫn tới việc ông là thành viên của Ủy ban Kháng chiến lâm thời Hải Phòng, đại diện cho giới trí thức cách mạng. Trong bức ảnh hiện được lưu giữ ở Bảo tàng cách mạng Hải Phòng- ông  mặc đồ trắng, và đứng bên Trung tướng Nguyễn Bình. Trong sự “nháo nhác” chính trị năm 1946 - ông bị Quốc dân Đảng bắt, phía ta đã tổ chức biểu tình đòi thả Lê Đại Thanh, và ông được cứu ra (do ông Lê Quang Đạo, Bí thư Hải Phòng năm đó chỉ đạo cuộc biểu tình). Rồi kháng chiến 9 năm, Lê Đại Thanh nhập  ngũ ở Trung đoàn 42 để làm Tuyên huấn, vào Thanh Hóa làm Văn hóa, Văn nghệ kháng chiến. “Chương Dương hành khúc” là tác phẩm được ghi dấu ấn sâu  đậm ở giai  đoạn này, khi ông đứng ở một mỏm đồi, trong ánh đuốc đọc cho bộ đội nghe trước giờ ra trận: “Nam nhi! Nam nhi!Tuốt gươm đứng dậy cao lời thề/Máu đào phụng nguyện thờ sông núi/Ngửa mặt nhìn trời ta cùng đi”...

          Sau 9 năm kháng chiến, ngày 10- 10- 1954, Lê Đại Thanh cùng anh em văn nghệ sĩ trở về Hà Nội, làm báo đến 1957 thì trở lại quê hương Hải Phòng, đi lao động ở mỏ than Quảng Ninh,  nhà máy điện cửa Cấm…kể cả làm nhiều thứ linh tinh - để “cải tạo tư tưởng”. Đây là giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời ông, khi rơi vào cô đơn, luôn tìm đến với mọi người ở mọi nơi, mọi lúc để được “quây quần”, được “chữa” bài cho các nhà thơ ban đầu còn vụng dại. Vào năm 1965, Lê Đại Thanh đã làm bài thơ Di chúc- viết cho cái chết của mình trước 31 năm- với những lời rút ruột để khái quát tất cả triết lý nhân sinh, quan niệm về con người và thơ ca trong cõi đời sống chết: “Nếu tôi chết, những người thân đừng nhỏ lệ/Mà ngâm với tôi một đoạn ngắn thơ tôi”… Nhiều người thuộc thơ Lê Đại Thanh với các bài nổi tiếng như Tôi yêu chuyện cổ tích nước tôi, Đám cưới Chuột đỏ xanh, Ngây thơ, Anh bộ đội và sông Mã, Mẹ tôi, Những trò chơi bao ngày tấm bé, Cà phê, Bài ca Con người, Tâm sự cùng Nhân loại, Gốc đào xưa vẫn chờ tôi, Sư tử và mặt trời, Mâu thuẫn, Thi sĩ và thơ…bởi trong những chiều sâu suy ngẫm đó, Lê Đại Thanh được tự do cô đơn, khúc chiết suy luận, độc thoại, và  tự bạch về mình là chính.

         Tại Hải Phòng, Lê Đại Thanh được gọi là “Cuốn Từ điển sống”, do kiến thức uyên bác và cung cách sống chan hòa, kể cả “cứu nhân độ thế” khi có thể. Vì thế, số nhà 88 Cầu Đất luôn là nơi anh em văn nghệ tìm đến uống trà loại rẻ nhất, nghe thơ mà tác giả viết trên lề báo, trên vỏ bao thuốc lá bằng cả bút chấm mực của trẻ thơ. Và bất chợt là đi. Ông đi bộ thăm một ai đó xa chục cây số, đi với dáng cao gầy, đổ xuống bóng người, đi với một cái túi cà tàng bản thảo, có chút trà, đường, cà phê loại giá rẻ…để đàm đạo văn thơ nhạc họa cùng các bạn hữu. Không chỉ đi bộ, Lê ĐạiThanh còn luôn xê dịch bằng cái xe đạp tòng tọc của con gái Lê Mai mất đến gần hai ngày mới tới Hà Nội; rồi lại được xe tải chở đá rải đường cho ngồi lên vì thấy “ông cụ tóc dài” đang dựa vào cột mốc cây số đường 5 để nghỉ và…làm thơ. Thi nhân đổ bộ mỗi nơi vài ngày, thấy đủ rồi lại đi, có khi như vô định, gặp lại học trò xưa “đón thầy” đi luôn dăm bữa nửa tháng.

          Quanh quanh “người thơ” Lê Đại Thanh còn có vô vàn giai thoại: ông ít khi có ba bộ quần áo, vì nếu có - lại cho ai đó cần hơn; quần áo có thể nhàu và lấm lem, giầy có thể bùn đất, nhưng chiếc mũ phớt và chiếc cà-vạt thì bao giờ cũng sạch đẹp và chỉn chu. Dáng điệu như vậy, mới tờ mờ sáng đã đến khu nhà của người bạn đồng cảnh Chu Ngọc- khiến cho mấy “chú an ninh thường phục cải trang”- phải để tâm theo dõi để bảo vệ “mấy ông lớn” gần đó. Cầm cái ô đen ngày mưa vào nhà một người bạn vong niên, đến lúc ra về lại đưa tay cầm nhầm cái chảo mỡ một cách tự tin cùng với lời chào “bố đi nhé”…

         Thời gian Lê Đại Thanh lui về Hải Phòng - mảnh đất nóng của nhiều tài năng, tính cách lớn,  ruột thịt và nhiều người hiểu mình, chia sẻ đỡ đần ông về tâm lý. Cũng lại bị khó khăn một phần, khi ông nghỉ hưu với mức lương thật thấp. Tuy nhiên, trong giới văn nghệ cũng như người dân quen biết ở đất Cảng, không bao giờ thấy nhà giáo, nhà thơ, kịch sĩ, anh bộ đội Lê Đại Thanh than vãn cho cá nhân mình. Ông như “đi ngang” qua cuộc đời này, xong ngần ấy việc, buồn vui ngần ấy độ, không tính toán thiệt hơn, rồi ra đi thanh thản theo lẽ sống của đời mình, và thi nhân tự nhận: “Mình - là con của Nữ thần mặt trời - Người  đi tìm Chân lý”…

    Năm 1987, lần đầu tiên Hải Phòng in tập thơ Lê Đại Thanh Những ngôi sao biển, cùng một đêm đọc thơ ông  và nói về cuộc đời của ông. Nhiều anh em văn nghệ Hải Phòng là các nhà thơ, nhà văn, họa sĩ, nhà giáo nhiều thế hệ…đã đọc tặng Lê Đại Thanh những câu thơ tình nghĩa đến nao lòng. Bởi Lê Đại Thanh là một con người thủy chung, đầy bản lĩnh và đầy tính cách Hải Phòng không lẫn được vào đâu. Ông đã sống hết  mình và sáng tạo hết mình trong cả một cuộc đời gần suốt một thế kỷ. Ông cũng đã đến và đi khỏi cuộc đời thật nhẹ tênh ở phần Tâm của mình, dù hành trình đó có lúc gập ghềnh, nan giải, sóng gió; nhưng ông quyết không “đổi hướng” theo Định Số của mình. Lê Đại Thanh như một người “tử vì Đạo” - và bến Đạo cao cả đó chính là Thơ ca.

  Chợt nhớ vào cuối những năm 1960 của thế kỷ trước, tôi mới ngoài hai mươi tuổi. Có những buổi trưa ngồi “gẫu chuyện” với nhà thơ Lê Đạt tại tư gia của ông- số 9 phố Lãn Ông, Hà Nội, tôi đã gặp nhà thơ Lê Đại Thanh vừa chân ướt chân ráo từ Hải Phòng lên, bằng ô tô hàng “Bến Nứa”( một bến xe nổi tiếng khốn khổ ở đầu cầu Long Biên từ thời bao cấp, mà người Hà Nội nào cũng biết). Nói đi nói lại toàn là chuyện văn thơ, chuyện nghệ thuật, chuyện đời…tôi hiểu ông, yêu ông, trọng ông từ đó. Và cho dù đã trên 40 năm trôi qua kể từ ngày ấy, thì lời tâm sự của ông cho đến nay vẫn hằn sâu trong trí nhớ của tôi: “ Trong làng văn nghệ, không bao giờ sóng sau đè sóng trước, mà chỉ có các lớp sóng tiếp nối nhau, bồi đắp phù sa cho nhau; các thế hệ nâng niu nhau, tôn vinh nhau, quý trọng nhau để cùng làm nên cái đẹp cho mình và cho đời”…  

        Nói đến Hải Phòng là nói đến một thế hệ các văn nghệ sĩ tên tuổi, bản lĩnh, tài năng, cống hiến, của suốt chiều dài Thế kỷ XX như Văn Cao, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Vũ, Lan Sơn, Hoàng Quý, Hoàng Công Khanh…đã làm nên một góc tượng đài tiêu biểu cho Hải Phòng. Bên cạnh đó, các địa danh rất “ngư  phủ” như ngõ Cụt, Sông Cấm, sông Lấp, Tam Bạc, Cầu Rào, Cầu Đất, Sông Niệm, ngõ Sỏi, vườn hoa Đưa người…đã làm nên một vóc dáng Hải Phòng độc đáo, trong nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật còn mãi đến hôm nay, mà trong đó, có sự dâng hiến của “Người Thơ, Kịch sĩ”  Lê Đại Thanh.

        Tháng 8/2012, tên của ông đã được đặt cho một đường phố tại phường Lâm Hà, quận Kiến An, Hải Phòng. Trong ngày vui trọng đại đó, các con ông là NSƯT Lê Mai, họa sĩ Lê Đại Chúc, NSƯT, đạo diễn Lê Chức và các cháu ngoại ông là NSƯT Lê Vân, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Vi đều có mặt cùng đông đảo bạn hữu trong và ngoài giới văn chương, sân khấu!

 

                      

                       

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *