Văn học với đời sống

20/3
9:11 PM 2017

NHÀ THƠ MAI HỒNG NIÊN-ĐỒNG HƯƠNG KHÁC TỈNH

Ngô Xuân Hội-Nhà thơ Mai Hồng Niên, sinh ngày 23-1-1943, dân tộc: Kinh. Quê quán: Làng Đỉnh Lự, Tân Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh.Tác phẩm chính đã xuất bản: Các tập thơ Những miền đất nhớ (in chung - 1984); Những con sóng (1988); Miền xa đầu gió (1991); Em về Hà Tĩnh (1992); Biển nói lời thương (1994); Chín hẹn thì quên (1998); Thơ Mai Hồng Niên (tuyển 2002); Đây đó hồ Gươm (2011); Quê mình xứ Nghệ (2014); Đồng vọng với Nguyễn Du (2015)…

                                                           Nhà thơ Mai Hồng Niên

Quá trình học tập và công tác: 1965 - 1967: Công tác tại Công trường 128 (Đoàn 559 - Lào); 1967 - 1991: Công tác tại Cục Đường sông; 1974 - 1979: Học tại chức khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội; 1991: Công tác tại Cục Hàng hải Việt Nam; 1990 - 2000: Thường trực ban Sáng tác văn học - Bộ GTVT;  Từ tháng 6/2001 - 2004: Phó TBT thường trực các tạp chí Hàng hải Việt Nam, Biển Việt Nam, Biển và Bờ (thuộc Hội Cảng đường thủy - thềm lục địa Việt Nam). Vào Hội năm 2002.

Giải thưởng Văn học: Giải thưởng Văn học viết về đề tài GTVT 1985 - 1990; Giải thưởng Văn học Nguyễn Du 1991 - 1995.

 

Tháng 6 thành phố Hồ Chí Minh, khi những cơn mưa đầu mùa gột sạch bụi bặm trên những hàng cây, mái nhà, không khí trở nên thoáng đãng, nhiều con đường quận 1 trông sạch sẽ như vừa được lau chùi xong, ấy là lúc từ Hà Nội nhà thơ Mai Hồng Niên lục đục khăn gói hành phương Nam để làm công việc in lịch và sổ tay Agenda cho Cục Hàng hải. Mỗi chuyến đi như vậy, hành lý anh mang theo bao giờ cũng chỉ có hai thứ, cái va-li và chiếc xe đạp phượng hoàng. Cái va-li thì rõ rồi, trong nó anh chất đủ thứ: Quần áo, dao cạo râu, cuốn Truyện Kiều cùng những bức ảnh làm mẫu lịch; còn chiếc xe đạp phượng hoàng là để khi tàu cập ga cuối cùng, nó và anh lại ì ạch đưa nhau về nơi nghỉ. Chiếc xe chính là đôi chân của anh trong một Sài Gòn đô hội.

Xuống ga, Mai Hồng Niên đi thẳng về nhà khách Bộ Giao thông Vận tải. Anh sẽ bám trụ nơi đây bốn, năm, thậm chí… sáu tháng. Với người khác đấy là một hy sinh lớn, còn với Mai Hồng Niên ngược lại, là một sự giải thoát, giúp anh tránh được cái nóng mùa hè đất Thủ đô lại chẳng phải cách rách lo cơm nước hàng ngày, vì dù độc thân nhưng ở Hà Nội anh có nhà. Mà đã có nhà, thỉnh thoảng cũng phải nổi lửa nấu cái nọ cái kia cho ông đầu rau khỏi chạnh lòng. Vào Sài Gòn, việc ăn uống hàng ngày anh phó mặc cho bếp nhà khách và các quán cơm bình dân lúc nào cũng sẵn bên những hè đường.

Nhà khách Bộ Giao thông Vận tải ở 35 Hàn Thuyên, quận 1, ngay trước dinh Thống Nhất, một địa điểm lý tưởng cho những ai muốn thăm thú Hòn ngọc Viễn Đông. Đã quen với vị khách hào hoa, mỗi lần thấy Mai Hồng Niên xuất hiện, ông Giám đốc nhà khách bộ lại sắp xếp bằng được cho anh ở căn phòng cuối cùng của nhà ngang cấp 4 phía sau. Trong cơ cấu nhà khách bộ, ngôi nhà ngang cấp 4 ba phòng này đóng vai trò phụ trợ. Phòng thứ nhất dùng làm phòng thường trực, phòng thứ hai hai gian, làm phòng ăn, khi cần thiết có thể dựng bàn pingpông cho những ông khách ưa môn thể thao nhanh tay nhanh mắt. Còn dư ra phòng cuối cùng cho khách ở. Nhà thơ của chúng ta ở phòng này. Từ đường Hàn Thuyên nhìn vào, ngôi nhà ngang được che chắn bởi ngôi nhà cao tầng phía trước, nên dù cấp 4 nó vẫn luôn giữ được sự yên tĩnh cần thiết, và căn phòng cuối thì có thể nói yên tĩnh tuyệt đối. Một chỗ ở lý tưởng cho những ai vừa muốn ẩn tu lại vừa muốn nhập thế, khỏi phải lên xuống cầu thang, lại có cả một khoảng sân để xe đạp, xe máy.

Những năm ấy vợ con tôi đang ở Huế, mỗi lần vào Mai Hồng Niên lại điện cho tôi và tôi lập tức phi đến để làm “tà lọt” cho anh. Nhưng Mai Hồng Niên không mấy khi làm phiền tôi, đi đâu anh cũng cưỡi chiếc phượng hoàng rồi dông thẳng ra phố. Vả lại anh cũng chỉ đến nhà in Itaxa ở 120 Xô viết Nghệ Tĩnh (nay là 126 Nguyễn Thị Minh Khai), độ dài chừng cây số. Tuy nhiên ngay cả khi có việc đi xa, lên Gò Vấp thăm bồ hoặc ra Thủ Đức thăm bạn, nếu tôi không chở thì  anh cũng một mực thủy chung với chiếc xe đạp, dù tôi đã bảo, bác cần đi đâu lấy xe máy của em mà đi.

Nghi ngờ, trong một lần hai anh em ngồi uống trà, tôi hỏi anh:

- “Em hỏi thật bác nha. Bác đã biết đi xe máy chưa? Nếu chưa thì em chỉ cho, chứ về Hà Nội không ai rỗi hơi bày cho bác đâu”.

Được lời như cởi tấm lòng, Mai Hồng Niên hớn hở:

- “Chưa mày à. Mày bày cho tao với.”

Thế là từ bữa đó, mỗi buổi chiều ăn cơm xong tôi lại chở anh ra sân ga Sài Gòn tập đi xe máy. Xe của tôi, Honda cánh én đời 79, chạy rất dễ, chỉ cần nói qua cách thức, ai cũng có thể nhảy lên phóng vù được ngay. Thế mà anh trầm trầy trầm trật đạp đến sái cả cẳng vẫn không làm nổ được máy; khi máy nổ rồi thì lóng ngóng không vào được số. Và khi vào được số rồi, xe chạy, đáng lẽ quẹo phải, anh quẹo trái, để dừng xe lại tăng ga…Những khi ấy tôi lại phải làm động tác thị phạm, giảng lại từ đầu cho anh về quy trình vận hành một cái Honda dame.

Có công mài sắt có ngày nên kim, sau hơn chục ngày rèn cặp, cuối cùng “cục sắt” Mai Hồng Niên cũng thành được “cây kim”, đã có thể tự mình điều khiển một chiếc xe máy côn tự động chạy trên đường. Mừng quá, anh đãi ngay tôi một chầu bia hơi ở đại công trường bia Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa. Nâng cốc bia ngang mày tợp một ngụm, Nhà thơ khoái chí:

- “Thế là bây giờ cục Hàng hải Việt Nam chỉ còn mỗi Liêm lẫn (em vợ nguyên Cục trưởng Trần Xuân Nhơn) không biết đi xe máy”.

Xong đợt in lịch ấy trở ra Hà Nội, Mai Hồng Niên mua ngay một chiếc xe Honda 86, phóng đi khắp Hà Thành.Tết đó anh về Hà Tĩnh ăn Tết. Không “áo gấm đi đêm…” như những lần về quê trước, lần về quê này nhà thơ mang xe máy theo. Lên tàu ở ga Hà Nội đầu hôm, ngủ một giấc, chưa đến sáng tàu đã đưa anh và xe tới ga Vinh. Xúng xính dắt xe qua cửa ga, Mai Hồng Niên chợt giật mình bởi câu hỏi của một ông đạp xích lô:

- “Ô, chú mang xe máy về à. Tôi mong chú mãi…”

Mai Hồng Niên ngẩng đầu nhìn lên, nhận ra người quen, anh cười:

- “Ừ, em mang xe về đi cho tiện.”             

Ông đạp xe xích lô ấy là Nguyễn Văn Hưng, quê Nghi Lộc, Mai Hồng Niên quen rồi kết giao qua những chuyến đi về. Câu thơ: “Đại úy pháo binh và người đạp xích lô thời mở cửa/ Vẫn nguyên dáng thợ cày khi cấy lúa, trồng khoai…” của anh trong bài Đi xe người đồng đội là viết về ông này. Thấy vẻ thất vọng của ông bạn đạp xích lô, nhà thơ lúng túng rút trong ví ra hai tờ 500.000 đồng đưa bạn, bảo:

- “Bác ra cây xăng mua giúp em 3 lít, còn bao nhiêu biếu bác!”

Cầm tờ tiền “Người đồng đội” của anh  hớn hở đạp xe đi.

Tính Mai Hồng Niên là vậy, xởi lởi, rộng rãi, chưa thấy người đã thấy cười. Anh sở hữu một giọng cười đặc biệt, vang to, mở hết khẩu độ, quan hệ thì kết giao với đủ hạng người, bất kể sang hèn. Bạn bè của anh phủ sóng từ trung ương đến cơ sở. Nhưng trong thơ, thi hứng của “…Mai Hồng Niên thường hướng về những người khuất lấp sau sân khấu cuộc đời. Không phù thịnh mà phù suy. Một ông cậu nghèo, về già cô đơn, có tấm lòng thơm thảo. Một thầy giáo làm thêm nghề đạp xe ôm, trọng đạo lý làm người. Câu thơ chân thật, chân tình, ít thủ pháp nghệ thuật nhưng cảm được lòng người. Tâm hồn Mai Hồng Niên như ngấm rất sâu niềm ưu ái với những phận người lam lũ…” (1)  và trào lộng, một sự trào lộng hiếm thấy. Anh sử dụng nhuần nhuyễn lối nói dân gian cả trong thơ lẫn trong đời. Tới đâu gặp người gặp cảnh gây sự chú ý, thế nào anh cũng ứng khẩu ngay được một câu tục ngữ, ca dao thuộc dạng tiếu lâm, lột tả cơ bản sự việc, hồn vía đối tượng và tải được hết những điều muốn nói mà không làm đối tượng được nói tới mếch lòng. Một lần tôi cùng anh đến Văn phòng bộ ở phía Nam, gặp một chân dài bốc lửa, anh cười bảo cô: “Này em: “Những người mình sếu chân giang/ Một đêm chấp đến cả làng trai tơ” đấy nhé!”. Mọi người chung quanh nghe cười ầm, chân dài cũng cười rồi đấm anh một cái vào vai, bảo: “Khỉ gió cái anh này!”.

Với lối nói dân giã ấy đến đâu anh cũng được nhiều người, nhất là các bà các chị vây quanh. Nhưng tình yêu chỉ có một, còn những cái na ná tình yêu thì có muôn vàn, vì thế không ít trường hợp anh bị nhầm lẫn. Một lần anh điện cho tôi bảo tìm giúp anh điện thoại của cô X. Tôi hỏi:

- “Có chuyện gì vậy bác ?”

- “Cô ta còn nợ anh 15 triệu.”

- “Lâu chưa ?”

- “Chắc cũng đã chục năm. Hôm ấy gặp anh, X kêu thiếu tiền, anh cho mượn 15 triệu. Cô ta bảo, hôm nào ra Hà Nội em gửi trả anh ngay, mà không thấy”

Tôi cười:

- “Không chỉ X, nếu bác cần điện thoại của A, B, C, D, Đ, E, F, G, H… em cũng tìm được tất. Nhưng trước khi nối dây cho bác với X, em khuyên bác hai điều. Thứ nhất, tính bác quảng giao, vì thế ngại gì mà không ra cảnh sát PCCC thành phố Hà Nội mượn cái thang bắc lên hỏi ông Trời xem liệu có nên không(2). Thứ hai, trong những cái dại ở đời, dại gái là cái dại đáng được thông cảm nhất đấy bác ạ. Bây giờ bác ghi số điện thoại của X nhé!”

- “Thôi, khỏi!” - Nghe tôi xong, anh cười, xua tay.

Một lần khác cũng qua điện thoại, anh khoe với tôi về thằng Z, con trai ngoại hôn của anh với cô Y, một phụ nữ xinh đẹp đất Sài Gòn rằng thằng bé học giỏi lắm, văn toán gì cũng đứng nhất lớp. Tôi mới bảo: “Bác xem lại, nếu nó học giỏi thì đếch phải con bác, vì bác có học hành gì đâu”. Anh cười bảo tôi:“Mày bố láo” - Dĩ nhiên anh hiểu tôi chẳng bố láo gì, còn tôi thấy câu“ranh ngôn” của mình chứa ít nhiều sự thực.

Như phần đông các nhà văn Việt Nam lớp chống Mỹ, năm 1962 học xong phổ thông Mai Hồng Niên ra Hà Nội học hai năm, chẳng biết sơ cấp hay trung cấp, trường Thống kê trung ương. Tốt nghiệp, anh đầu quân vào Bộ Giao thông Vận tải. Ngày 5-8-1964, Mỹ cho máy bay ném bom bắn phá miền Bắc, bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại Việt Nam. Trước tình hình nước sôi lửa bỏng của đất nước, nhà thơ tương lai của chúng ta được biên chế ngay vào Công trường 128, thuộc Đoàn 559, sang cả Lùm Bùm (Lào). Khỏi phải nói sự vất vả của những bộ đội, thanh niên xung phong làm nhiệm vụ bảo vệ huyết mạch giao thông nơi trọng điểm ngày ấy: Nắng mưa tối mặt, ăn không kịp ngồi…/ Bom như mưa dầm…/ Trộn lửa đạn, khói bom vào cơm ăn từng bữa… Hai năm sau, năm 1967 anh được cấp trên điều về phụ trách công tác thi đua tuyên truyền ở cục Đường sông, một mặt trận không kém nóng bỏng so với đường bộ, với những thủy lôi, bom đạn, cầu phà, những đoàn thuyền nan âm thầm vận tải hàng hóa ra chiến trường, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của nhiều tập thể và cá nhân CBCNV… Từ đó, Mai Hồng Niên gắn bó sâu nặng đời mình với những dòng sông đất nước. Cục Đường sông là nơi anh bám trụ lâu nhất, 24 năm. Đến năm 1991, anh chuyển công tác sang cục Hàng hải và ở đó cho đến ngày nghỉ hưu. Thế là “Hải - Lục - Sông quân” anh có đủ. Thơ anh nhiều xe cộ cầu cống tàu thuyền là vì thế.

Với vốn liếng trung cấp thống kê, làm cán bộ thi đua tuyên truyền ở một cơ quan cục, Mai Hồng Niên thấy mình chân không đến đất, đầu không đến trời, vì thế năm 1974, khi đã bước sang tuổi băm anh mới quyết chí dự thi và theo học tại chức Đại học Tổng hợp văn, cùng với các nhà văn nhà thơ Nhật Tuấn, Nguyễn Gia Bào. Vào đại học muộn, dấu ấn nhà trường đọng lại trong anh không nhiều, sự học của anh chủ yếu là tự học. Nên chi câu nói của tôi “…bác có học hành gì đâu” sai - đúng - đúng - sai… là vì vậy. Nhưng trong cách nói mang nhiều khẩu ngữ dân gian, tôi mãi tôn anh làm sư phụ. Một lần uống rượu, chiếu rượu có nhiều tài tử giai nhân góp mặt, anh bảo:

- “Hạnh phúc là sự thỏa mãn các hệ thống lỗ trên người. Lỗ miệng, lỗ mũi, lỗ tai… đủ cả!”.

- “Còn lỗ nào nữa không bác ?” - Ai đó hỏi.

- “Không, hết rồi!” - Anh đáp tỉnh bơ.

Vì sự thỏa mãn các hệ thống lỗ mà anh chẳng màng gì đến nhà cao cửa rộng, trọn đời bằng lòng với căn phòng chật như lỗ mũi được phân từ thời bao cấp trong con hẻm ngoắt ngoéo ở 53 Hàng Buồm, Hà Nội. Tôi đã từng qua đêm trong căn phòng của anh, sáng dậy mới thấy nhu cầu giải quyết bầu tâm sự ở đây là một sự sỉ nhục. Nam, phụ, lão, ấu trong hẻm mỗi người một nắm giấy trên tay, kiên nhẫn xếp hàng chờ đến lượt mình cứ như xếp hàng mua nhu yếu phẩm thời cơm ăn gạo sổ vậy. Sang thời đổi mới, chủ nhân phòng bên cạnh chuyển đi nơi khác, chỗ ở của anh được nới rộng hơn nhưng về cơ bản vẫn thế. Hỏi anh:

- “Sao bác không chuyển ra ngoài ?”. Anh cười:

- “Ôi dào, ăn hết nhiều chứ ở hết bao nhiêu.”

Rồi cứ thế dắt xe ra phố, coi cái sự ở nhẹ như lông hồng.

*

Tôi quê Nghệ An. Mai Hồng Niên quê Hà Tĩnh.

Về sự khác nhau giữa người Nghệ An và người Hà Tĩnh, lần tôi, anh, cùng các nhà văn Đức Ban, Quốc Anh tháp tùng thầy Hoàng Ngọc Hiến về thăm quê Tùng ảnh. Khi xe sang đến bờ Nam cầu Bến Thủy, thầy Hoàng Ngọc Hiến bảo:

- “Người Hà Tĩnh phong tình, người Nghệ An kiên định.”

Tôi cười, thưa lại thầy Hiến:

- “Cứ như thầy nói thì trên xe này có ba người: Thầy, Quốc Anh, Đức Ban là người Hà Tĩnh, còn em với Mai Hồng Niên là người Nghệ An”.

Thầy Hiến ngạc nhiên:

- “Mai Hồng Niên quê Can Lộc, Hà Tĩnh chứ nhỉ ?”

- “Vâng, đúng vậy thầy ạ. Nhưng mẹ anh ấy thụ thai anh ấy bên kia cầu Bến Thủy nên anh ấy kiên định lắm, chẳng cô nào tán đổ”.

Đức Ban, Quốc Anh cùng cười, vì hai người biết tính Mai Hồng Niên các cô chưa đánh đã đổ. Hữu Thỉnh thì: “…đổ về nơi không có vết rìu”(3), Mai Hồng Niên trái lại, đổ dúi dụi về phía những người cầm rìu là các cô, khiến nhiều cô phải buông rìu bỏ chạy.

Anh tôn sùng Nguyễn Du, say mê Nguyễn Công Trứ, nhưng nhiều bài thơ anh viết những năm sau này in trong các tập Đây đó Hồ Gươm, Quê mình xứ Nghệ, Đồng vọng những trang Kiều… lại nói thẳng, đập mạnh, bút pháp trào lộng kiểu Hồ Xuân Hương, rất được công chúng đón nhận. ở các huyện Can Lộc, Hương Khê và thành phố Hà Tĩnh, mỗi địa phương có một câu lạc bộ mang tên “Những người thích thơ Mai Hồng Niên”. Sách thơ anh in ra, số lượng cuốn nào cũng lên tới con số ngàn mà bán hết veo, phải tái bản. Giải mã hiện tượng này, tôi đọc thơ Mai Hồng Niên, thấy tác giả đã “…sống cái sống vĩ đại của nhân dân, cảm cái cảm sâu sắc của đại chúng…” (5). Trong cách sống, cách cảm ấy nhiều lúc anh thăng hoa bằng một lối chơi chữ tài tình vốn là sở hữu của Bà Chúa thơ nôm người làng Quỳnh quê tôi: “…Thế rồi con phải từ cha/ Chỉ vì một chiếc lá đa lộn lèo…(4)(Tổng cóc lấy vợ).

Công chúng yêu thơ anh là vì vậy. Tôi yêu anh, gọi anh là đồng hương cũng vì vậy.

 Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *