Văn học với đời sống

12/1
9:15 AM 2018

NGƯỜI ĐẦU TIÊN- TRUYỆN NGẮN TRẦN ĐẮC HIỂN KHÁNH

Ở quán cà phê “Giọt đắng”. Tư Hà ngồi lút trong ghế bành góc phòng. Vẻ mặt nghĩ ngợi, nhưng đầu óc lại trống rỗng. Anh đang chạy trốn tiếng tăm, chạy trốn chính mình? Anh trú ẩn giữa thanh thiên bạch nhật, giữa nhốn nháo phố phường. Đã nhiều ngày nay, sáng nào anh cũng vào đây. Chẳng muốn ai biết sự hiện diện của mình. Anh sống vật vờ như đang giải một phương trình vô định.

 Một tốp người ào vào quán. Người cao to, có dáng đi hơi lệch vì bên chân trái tập tễnh. Anh nhìn kỹ, chợt nhận ra Ba Thu.

 “Mình có nên gặp Ba Thu không? Chả lẽ vô tình để đánh mất nốt người cứu mạng mình được sao?”. Ba Thu cũng chợt quay nhìn về phía Tư Hà. Như sự hẹn hò của ký ức, cả hai nhận ra nhau. Ba Thu nhào đến:

- Ủa, Tư Hà! Mất tích lâu quá rồi không gặp. À, mà có lần “gặp” trên tivi. Nhìn thấy cậu trên màn hình rõ mồn một, nhưng nào có nói được gì. “Gần nhau trong tấc gang” mà xa mặt, cách lòng thì làm sao gặp được, buồn thiệt. Ngày ấy mình xuống tuốt mạn đất mũi lận. Mấy lần cũng định kiếm gặp, nhưng lại e “thấy người sang, bắt quàng làm họ”. Ba Thu vỗ vai bạn vẻ thân mật: “Có vẻ từng trải, phong trần quá ta! Nhưng cũng không thay đổi mấy… chỉ hơi mập ra”.

- Còn ông, đi đâu mà như “đại gia” thế này?

Ba Thu cười tự tin:

- Một thương binh què giò như mình mà vẫn mạnh thế này, “oách” lắm chớ bồ… Vừa dự hội nghị “sản xuất kinh doanh giỏi” về nè. Còn cậu, nghe nói lên những chức gì lớn lắm mà.

Câu chuyện hội ngộ không đầu không cuối, bỗ bã, cởi mở đưa tình bạn của họ trở lại thân thiết, gần gũi như xưa

Tư Hà nghĩ, người này đã từng lấy thân che chở, cứu sống mình, coi như bạn bè nối khố, chung nhau một quả tim. Anh thấy mình là người có lỗi, nếu không nói là kẻ vô ơn. Giờ đây Ba Thu vẫn hồ hởi, chân thật như ngày nào. Mình không thể giấu giếm bạn điều gì mới phải. Làm sao mà không trải lòng mình ra…

Nhìn nét mặt kém vui, nhưng cảm thấy vẻ chân thành của bạn, Ba Thu linh cảm thấy có chuyện không lành nên hỏi thiệt: “Có chuyện gì thiệt à?”

Tư Hà nói chuyện mình mà như nói chuyện của ai đó, nhẹ hều. Chuyện về việc quản lý yếu kém dẫn đến sai phạm. Những chuyện ngoài ý muốn. Không tham, nhưng tiền tự chui vào túi thì cứ để đấy. “Cá ao ai vào ao ta, ta được”.  Rồi chuyện mắc vào vòng lao lý. Giậu đổ bìm leo, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Bây giờ chẳng còn gì. Mọi lý do chỉ là bao biện, thanh minh. Anh không thể nói vòng vo với người như Ba Thu.

Ba Thu vẻ thấu hiểu:

- Mấy ông “tổ chức” vẫn có chuyện “rút kinh nghiệm” rồi “xử lý nội bộ”…

- Tiếc rằng, sự việc lại dẫn đến nghiêm trọng… 

Đau đấy, ê chề đấy… nhưng giọng nói của Tư Hà chân thành, thái độ cởi mở đã “nói ra” nhiều hơn những điều cần nói…

Câu chuyện của hai người cứ tuồn tuột xổ ra. Với người như Ba Thu, Tư Hà có cảm giác càng kể, càng thấy vợi đi những băn khoăn, nghĩ ngợi, trút bớt được vật vờ, ê chề bấy nay.

Giờ đây, Tư Hà là người “tự do”. Tự do không muốn ai biết mình. Không muốn biết mình là ai trước đó. Những ngày nghỉ chờ... “chế độ”, anh sống trong tâm thế trống rỗng, hụt hẫng. Quan hệ vợ chồng anh chỉ còn đứa con là sợi dây vấn vít. Hầu như chẳng ràng buộc gì. Điều băn khoăn duy nhất là lá đơn cô ta đòi ly dị, nhưng anh chưa ký. Cũng chẳng sao. Toà sẽ xử vắng mặt nếu anh “mất tích”.

Ngồi lặng một lát, Tư Hà hỏi Ba Thu:

- Còn ông bây giờ làm gì?

- Mấy năm rồi trồng cây gây… đất.

- Sao lại “gây đất”?

- Nhận thầu một bãi cát, trồng tràm ven biển. Tràm giữ cát, cải tạo đất phèn rồi mai mốt có đất trồng trọt, nuôi thuỷ sản. Dự án của mình là làm giàu đất đai. Phải nói là làm giàu cho mình trước đã. Mai mốt mình có một vùng nuôi tôm sú, cấy lúa, trồng cây ăn trái… Cậu đến chỗ mình, nhìn tận mắt mà coi. Tương lai lắm. Thiệt đấy chớ không phải nói róc như báo cáo của mấy ổng đâu. 

Sau bữa nhậu tái ngộ, Ba Thu đưa bạn đến thăm thú cơ ngơi làm ăn ở ven biển. Ba Thu tỏ vẻ hào hứng, phấn chấn trước kết quả đã làm: “Ngoài kia là biển. Biển ở đâu cũng mênh mông thế đấy. Biển xoá đi những ưu tư nhỏ nhặt, làm nên sự phóng khoáng. Sự phóng khoáng ấy làm nên bãi cát, tạo dựng đất đai trù phú. Cây cối như bàn tay, bàn chân con người níu giữ lấy từng hạt cát, hạt phù sa bãi bồi. Đầu tiên là cây mắm, cây đước được biển giao cho việc giữ phù sa. Rồi sự bền bỉ giữ gìn của mắm, của đước làm nên bãi cát. Bãi đất cát ấy giao nhiệm vụ cho cây tràm bám giữ. Đất đai mình được gìn giữ chắt chiu thế đó. Với thế trận “mắm trước/ đước sau/ tràm mau giữ đất”. Và có đất mới có tôm, có lúa… Các thế hệ cây cối luân phiên nhau làm nhiệm vụ tạo dựng cơ nghiệp. Cũng như thế hệ mình từng đánh giặc, rồi xây dựng. Nhưng sắp hết thời rồi. Chuẩn bị bàn giao là vừa. Con mình sắp tốt nghiệp đại học nông nghiệp. Nó nói, sẽ về đây làm giàu từ đất này…”

Ba Thu như muốn truyền cái say mê công việc sang Tư Hà: Làm cái việc “trồng cây đắp nấm” này phải nâng niu từng mầm non, chồi nhỏ. Cũng như tình yêu của con người, cần phải vun đắp nâng niu mới bền chặt được…

Những ngày sau đó, Ba Thu đi hợp đồng mua bán tràm. Tư Hà ra ngoài bãi với tổ trồng và bảo vệ cây cối. Ngôi lều của họ dựng giữa rừng tràm trên bãi cát. Tràm xúm lại che chắn cho họ. Vắng vẻ. Nhưng sinh khí ở đây vẫn nhộn nhịp.

Buổi tối. Một thanh niên trong tổ loay hoay thu xếp chỗ nằm cho anh. Xong việc, cậu ta nói:

- Chú Ba Thu bảo phải trông coi chú thiệt chu đáo.

- Tao làm gì mà phải canh giữ vậy?

- Anh đùa vui.

- Xin lỗi chú! Là phải chăm sóc chú từ bữa ăn đến chỗ ở. Ổng phân công: Anh Năm Lợi đây làm “vệ sĩ” cho chú. Còn cháu lo chỗ ăn, ở. Chú không ở trong phòng chú Ba. Ra đây, chú phải nằm chỗ này kín kín một chút. Gió biển đêm lộng lắm.

Mấy người trong tổ cũng xắn vén lo chỗ nghỉ cho Tư Hà. Anh không muốn làm phiền họ. Họ bảo sao nghe vậy.

Trăng lên. Gió biển lồng lộng.

Nồi cháo sò huyết vừa chín bốc mùi thơm ngọt. Bên cạnh có chai rượu đế trong veo.

Năm Lợi rót ly rượu có ánh trăng sóng sánh mời.

Vợ Năm Lợi múc chén cháo sò huyết, đưa cho Tư Hà: “Mời anh!”

Câu chuyện của họ có ánh trăng sáng, gió biển góp vào. Bãi biển bao la, khoáng đãng mà yên ả.

Cậu thanh niên cầm cây guitar. Tiếng đàn bập bùng của cậu ta hoà vào tiếng sóng biển. Cành lá tràm đung đưa dưới trăng làm nhịp. Vợ chồng Năm Lợi cùng vỗ tay hát theo. Chị múc tiếp cháo cho mỗi người. Chén cuối cùng chị múc cho chồng. Năm Lợi đỡ chén cháo từ tay vợ, cười:

- “Râu tôm nấu với ruột bầu...”. Huống chi cháo này thì hổng biết ngon tới đâu?

- Ngon hết sảy!

- Ngon mút chỉ!

Mọi người vỗ tay cười vang, át cả tiếng sóng biển. Cái ly lại xoay vòng.

Tư Hà cũng say nghiêng ngả. Bò vào chỗ nằm.

Trăng cũng thức canh cùng họ suốt đêm.

Khi ông trăng chênh chếch ở ngọn tràm phía Tây, Tư Hà chợt tỉnh. Nhìn sang ngăn lán bên cạnh. Vợ chồng Năm Lợi đang nằm bên nhau. Chị vợ gối đầu lên tay chồng. Anh chồng choàng tay ngang người vợ. Họ ngủ ngon lành. Nhịp thở phập phồng. Giữa nơi trống trải mà ấm áp, hạnh phúc hơn biết bao chăn ấm nệm êm. Tư Hà nghe trong ngực thổn thức, có gì nôn nao trong dạ. Hình như lại có sự so sánh hay ghen tỵ gì đó…

Ông trăng vẫn thóc mách nhìn.

“Người đầu tiên nhìn thấy trăng là ai? Trăng nhìn thấy người đầu tiên là ai?”. Đầu óc đang trống rỗng, tự nhiên anh thấy xốn xang với câu thơ Lý Bạch. Rưng rưng muốn khóc. Tư Hà lặng lẽ nhìn vợ chồng Năm Lợi. Cảm thấy thân thể mình rã rượi, trằn trọc mãi không sao chợp mắt được. Ngước nhìn ra ngoài mép sóng. Biển vẫn êm đềm hôn bãi cát vàng. Vùng trở dậy, anh đi ra bãi cát. Bóng anh sóng đôi với từng bóng cây tràm. Bước chân lún trên cát. Thoảng trong gió có mùi biển mặn. Ánh trăng đổ tràn trên mặt nước. Ánh đèn đi biển nhấp nháy như những con mắt sáng. Những “con mắt biển” làm anh tỉnh táo hơn. Anh chợt nhớ điều Ba Thu đã nói, nếu cây mắm, cây vẹt kia không bám vào phù sa mà giữ thì nước biển cuốn hết, bãi cát sẽ biến mất. Và những cây tràm không giữ bãi cát thì bãi này có còn đâu. Cuộc đời mỗi người đều phải bám vào mặt đất này mà sinh sống, yêu thương nếu không muốn sống vật vờ, vô vị…

*

Một buổi tối. Trong căn nhà vắng vẻ. Tiện nghi sinh hoạt khá đầy đủ sao vẫn thấy xộc xệch, trống chếnh.

Bé Nam đứng ngồi nhấp nhổm, hết chuyển kênh truyền hình này sang kênh khác.

Mẹ Nam ngồi bên chiếc bàn ở góc phòng, hí húi viết… xoá… viết… xoá.

Vào giờ này, ngày nọ, chỗ kia Nam ngồi học bài. Chỗ bàn nước kia chị ngồi coi tivi. Trên chiếc ghế xích đu, anh ngồi đọc báo. Ba vị trí ấy hầu như cố định, như chiếc kiềng ba chân, tạo thành một tổ ấm gia đình. Từ khi chồng chị thay đổi vị trí ấy, nghĩa là bỏ lại cái ghế xích đu không ngồi nữa thì “cái kiềng ba chân” bị “bổ chửng” - Cái bếp lửa ấy nguội ngắt…

Tất cả là do hơi lạnh của cuộc sống bên ngoài ùa vào thổi tắt ngọn lửa ấm gia đình? Hay chính thành viên trong gia đình ấy đã xô lệch sự vững chãi đi?

Chồng chị đã bỏ nhà đi mấy tháng nay. Chị đã đưa đơn ly dị. Anh chưa ký. Và nhiều ngày nay, chị ngồi hí húi viết “Thông báo tìm người mất tích”. Thực ra chị đã đánh mất anh từ lâu rồi. Thông báo cũng chỉ để làm cớ cho toà xử vắng mặt mà thôi. Nội dung thông báo có vài dòng mà chị viết rồi xoá, xoá rồi viết mãi chưa vừa ý. Việc này chị đã quyết định từ lâu, sao vẫn thấy khó. Cứ như cầm dao tự cắt vào da thịt mình! Nhưng việc chẳng đừng.

Chị lại nghĩ, cái gì đến thì phải đến. Khi người ta không được yêu thương nữa thì còn gì nữa đâu. Khi cảm thấy không cần có nhau thì tất cả sẽ biến mất…

Ngước đôi mắt ủ dột lên, rồi chị gục mặt xuống bàn có tờ giấy đang viết.

Bỗng thằng con chị reo lên:

- Ba kìa!

Chị giật mình quay ra cửa. Cửa vẫn đóng kín. Chị nhìn thằng con, thấy nó đứng sát bên tivi:

- Đúng ba rồi! Ba ơi!

Chị nhìn theo. Trên màn hình tivi đang chiếu cảnh lũ lụt. Tư Hà cùng một số người đang đứng trên một cái thuyền chở đầy cây tràm. Anh cùng họ chuyển từng cây tràm cho những người đang trần mình lội trong nước, chắn những bao cát, cắm cọc tràm giữ cho nước đang mấp mé tràn bờ. Công việc thật gấp gáp, căng thẳng. Góc quay cận cảnh. Gương mặt Tư Hà rắn đanh, tay chân dẻo dai, đi lại tất bật trên thuyền giữa đống cây tràm. Mọi người đều tỏ ra cố gắng đem sức mình chống chọi với sóng nước. Nước cứ cuộn chảy ào ào như muốn nhấn chìm tất cả.

Thằng Nam kéo tay mẹ:

- Chính xác ba rồi, ha má! - Rồi nó la lớn - Nhà mình đây nè, ba ơi!

Không có tiếng trả lời. Có bao giờ nó gọi mà ba không trả lời đâu. Nó bỗng khóc rống lên. Tiếng khóc hờn dỗi, ấm ức.

Màn hình chuyển cảnh, tiếng khóc vẫn rấm rứt. Chị ngồi ngây ra. Tay run run gấp vội tờ giấy “Thông báo tìm người mất tích”. Chị không muốn cho con biết tờ giấy viết gì.

*

Sau đợt lũ lụt. Nước sông trở lại hiền hoà. Đồng ruộng được “tổng vệ sinh”. Cây cối đón nhận một lớp phù sa mới. Sinh khí cánh đồng trở nên tươi non.

Những ngày này, hội cựu chiến binh địa phương tổ chức chuyến “về nguồn”. Ba Thu náo nức chuẩn bị cho chuyến đi. “Mấy khi chúng mình lại được cùng nhau trở lại căn cứ xưa”. Ba Thu động viên, khuyến khích, kiếm cho Tư Hà bộ đồ lính. “Mặc vô. Đẹp quá ta! Trẻ ra đến mấy chục tuổi”. Ba Thu ngắm Tư Hà, cười nói rổn rảng.

Đoàn người lên đường từ mờ sáng. Những chiếc xuồng nối nhau đi như mở hội. Cũng lại giống một đám cưới vùng sông nước. Chuyện trò râm ran kéo dài theo những con sông, rạch…

Ba Thu đi ở tốp “hậu cần”. Tư Hà đi cùng tốp “xung kích”, anh ngồi trên con xuồng đi giữa rừng tràm y như người lính năm xưa. Anh đã đi một mạch 30 năm nay mới trở lại nơi này.

Lần theo con lạch nhỏ, vừa đủ cho xuồng len, trườn trong nó. Mái chèo của người hướng đạo lúc bơi trong nước, lúc chống vào bờ. Cành lá, rễ cây hai bên loà xoà, vấn vít. Nhiều nhất vẫn là tràm. Tràm dẻo dai, kiên cường khi xưa, hôm nay vẫn bám trụ nơi này. Tư Hà nói với người chèo xuồng cho mình lên bờ đi bộ. Vừa nói, anh đã nhảy phắt lên bờ.

Kìa, cây cầu bắc qua con mương. Quen quá!

Tâm trí anh đang lạc vào một vùng ký ức xa mờ.

Anh chợt nhớ ra điều gì. Vừa mơ hồ, vừa rõ ràng. Như mới đây. Cũng ngã ba này. Cây cầu kia…

Kỷ niệm xưa thoáng hiện trong khoảnh khắc.

Anh bước lên cây cầu nhỏ. Ngả người chống tay vào thành cầu cho đỡ mỏi lưng. Giống như người chơi xà đơn, anh với cành tràm trước mặt, ngắt mấy bông tràm cầm trên tay. Có tiếng con chim gì hót rất lạ trên ngọn cây. Anh bước khỏi cầu, vào ngôi lán kế bên. Trong lán, bàn ghế thẳng hàng ngay ngắn. Anh chợt nhớ, đây là phòng họp của căn cứ xưa. Ngồi xuống ghế ở góc phòng. Thấy như mình đang trở về ngày xưa vẫn ra vào nơi này. Ngả đầu vào thành ghế sát vách lán. Cảm giác khoan khoái dễ chịu. Anh chìm trong suy tư. Ngôi lán này có từ hôm qua, hôm kia hay từ ba mươi năm trước? Hình như có mùi bồ kết hay hương xả tỏa ra vấn vít. Lại nghe như có tiếng cười khúc khích… Những xúc cảm đã ngủ yên trong ký ức, nay thức dậy. Anh nhắm mắt, lắng nghe. Có tiếng ong bay nhè nhẹ. Tiếng gió tràm rì rào. Anh nghĩ, hình như hệ thính giác của mình “có vấn đề”, hay nó “siêu nhạy” nên nghe được âm thanh từ xa thẳm. Thị giác cũng bừng sáng trước một không gian là lạ, quen quen…

Kìa, ở ngoài cửa phòng có một cô gái, cổ quàng khăn rằn, mặc bộ bà ba đen. Những đường nét trên thân hình mảnh mai, trẻ trung. Bờ vai thon thả. Gương mặt quen quen. Cô đi lại phía anh. Miệng cười chúm chím. Cô truyền cho căn phòng một sức sống - một làn sóng kỳ diệu của tình cảm. Thời gian dường như đang ngưng lại. Hai người đứng gần nhau như trong một cõi vô hình… hẳn không ai biết, chỉ hai người cảm nhận được. Anh nhìn rõ ánh nhìn âu yếm của cô. Anh thầm nghĩ, cô ta từ đâu tới? Rồi nói bâng quơ: “Cô làm việc gì ở đây?”

- “Anh lạ lắm à? Tôi là chủ nhà này. Nhà phải có chủ chớ… Tôi tồn tại quanh đây, trong cây cối, sông rạch, đất đai, tồn tại trong thiên nhiên”. Vừa nói, cô vừa tiến lại gần anh. Đang đi uyển chuyển, cô bỗng sững lại: “Ồ, xin lỗi anh! Thoạt nhìn thấy dáng người và cử chỉ của anh lúc bước trên cầu. Rồi anh xoài người chống tay vào thành cầu như người chơi xà đơn. Tay với bẻ mấy bông tràm trước mặt. Tôi thấy giống người tôi chờ mong bấy lâu nay quá…” Cô nhìn anh ngỡ ngàng bằng đôi mắt đen, sâu thẳm. Hàm răng trắng bóng đều đặn.

Gương mặt cô toát ra một nét tươi tắn, tràn trề hạnh phúc. Rồi bỗng ngưng ngay lại, đổi sắc hẳn. Anh ngập ngừng nói: “Cô làm ở đây lâu chưa?” -  “Tôi ở đây hơn 20 năm rồi”-  “Cô bao nhiêu tuổi?” -  “Lúc ấy tôi 20 tuổi” - “Cô nói sao? Nếu vậy cô đã hơn 40 tuổi. Nhưng trông cô chỉ chừng tuổi 20” - “Đúng, tôi 20 tuổi. Tuổi ấy đã hơn 20 năm. Chỉ từ lúc anh xoài người chống tay lên thành cầu rồi đưa tay bẻ mấy bông tràm, tự nhiên tôi thấy con người trong tiềm thức vụt hiện, tôi mới bật lên được tiếng nói thế này và anh mới nghe được đó. Từ trước tới nay biết bao người vô đây có ai nhìn thấy tôi đâu. Chả ai nghe được tôi nói như anh đã nghe thấy. Tôi cảm thấy như có một sức sống truyền sang mình. Ánh hào quang của một thời quá vãng tự bừng lên. Một dòng chảy khát khao đang chảy từ trong quá khứ sang tôi. Và tôi thấy mình khác lạ. Như được sống lại cái thời ấy...”

“Vì sao vậy?”

“Không biết nữa. Có lẽ hình ảnh trên cầu ngày xưa đã in sâu vào ký ức tôi. Khi nhìn thấy anh, nó tái hiện lại. Một “sung lực tình yêu” làm tôi bật nói nên lời để anh nghe được. Và anh cũng nhìn thấy tôi nữa… Anh có tin vào kiếp sau không?”

“Chả lẽ một linh hồn có thể sống lại được?”

“Chỉ một số ít thôi. Linh hồn sẽ tan rã, nếu năng lượng sống không còn. Linh hồn khiến tôi tồn tại. Nhiều người nghĩ rằng, mắt thường không nhìn thấy là không tồn tại. Nhưng ký ức sẽ lưu giữ hình ảnh của những người thân yêu. Tình yêu chân chính… có thể khiến cho linh hồn có được sức sống mãnh liệt. Nguồn gốc năng lượng là tình cảm, là tình yêu chân thành. Sức mạnh vật lý giới hạn bởi thân xác, nhưng linh hồn có thể vượt qua được…”

Lâu rồi anh không còn bị hút vào những câu chuyện như vậy. Càng nghe, càng bối rối. Cô nói như với riêng mình:

“Những người vô đây xem ra chả ai hiểu chúng tôi. Những ngày ấy thật đáng sống, thật hạnh phúc! Bữa đó ảnh vừa đi đánh trận Cầu Ngang về. Ảnh bị thương. Tôi rửa vết thương cho ảnh. Ngay trong lán này. Ít ngày sau ảnh đi được. Tôi với ảnh ra đứng trên cầu kia. Ảnh xoài người trên thành cầu như anh vừa làm lúc nãy đó. Ảnh với tay hái bông tràm cài lên mái tóc tôi. Rồi ảnh ôm hôn tôi… Cái hôn đầu tiên và duy nhất trong đời tôi”.

Anh nghe với cảm xúc rất lạ, khi chợt nhớ lại thì nó nồng nàn và nhận thấy đó mới là tiếng nói của tình yêu. Cuộc sống, công việc, danh vọng đã làm nhạt nhoà đi bao lâu nay. Bây giờ nó hiện ra… Tưởng là mất, nhưng sự thực nó vẫn hiện diện trong góc sâu thẳm của tình yêu.

Anh bỗng run bắn người lên, căng mắt ra nhìn: “Anh nhận ra em rồi, Trâm ơi! Anh là Vũ Sơn Hà đây. Tư Hà của em đây, Trâm ơi !”- Giọng nói của anh tha thiết, cầu khẩn.

Cô khẽ lắc đầu: “Không phải! Anh Tư Hà nói suốt đời không quên được tôi. Lẽ nào bây giờ anh mới trở lại? Mà anh Tư Hà đâu có bệ vệ thế này. Anh bỏ cái nón tai bèo ra, trông lạ lắm. Đôi mắt Tư Hà luôn nhìn tôi cháy bỏng, tha thiết yêu thương chớ sao lạnh lùng, thờ ơ vậy? Xin anh cẩn thận thêm một chút… Đừng nói nữa không tôi lại tan biến đi như với mọi người vô đây. Chỉ từ khi nhìn thấy anh đứng trên cầu thì mãnh lực tình yêu mới trở lại với tôi…”

Tiếng cô nhỏ dần, thoảng trong gió. Hình ảnh cô cũng mờ dần. Rồi trôi đi, mất hút vào rừng tràm như ảo ảnh.

Anh ôm đầu. Ngồi lặng đi, thấy mình đang ở dạng thức sống trong tâm trí người khác. Chợt nghĩ, tình yêu mà Trâm dành cho mình là mãi mãi. Tình yêu ấy gắn bó với mình bằng một liên hệ kỳ lạ. Dấu ấn của Trâm đã lấp đầy khoảng trống vắng trong mình- Lấp đầy khoảng thời gian tưởng như đã mất biệt tăm tích. Tại sao những ảo hình này chỉ mình  nghe được và nhìn thấy được?

Mình nhớ có lần Ba Thu đã kể về cái chết của Trâm trên đường giao liên. Chuyện ấy rồi quên bẵng đi. Những trang đời đã xếp vào góc sâu tận cùng của ký ức giữa bộn bề công việc, mờ dần, mất hẳn.

Hôm nay chính mình đã làm sống lại một con người. Cũng chính mình lại làm chết đi một con người. Phải chăng, nếu được yêu thương thì dù chết đi vẫn sống lại được trong đời sống tinh thần của nhau? Hay ở kiếp sau sẽ được cùng nhau đoàn tụ?  Mình nghĩ, chả lẽ mình đang sống đây mà lại nằm dưới mồ của sự quên lãng… Ai đó đã nói: “Chúng ta sinh sôi nảy nở ở địa ngục và thiên đường của những người khác…”. Ý nghĩ ấy choán hết thân tâm mình. Mình đang ở trong một không gian mới, hay cũ? Không gian mở ra những không gian. Bên tai mình vẳng nghe giọng nói trong trẻo, ríu rít của Trâm. Hình bóng Trâm và phần bí ẩn trong con người em cứ hiển hiện trước mắt, mặc định là cô gái 20 tuổi. Mình không còn là mình nữa. Một cảm giác mới lạ. Trải nghiệm cảm xúc này ở đâu…?

Bỗng nghe tiếng gọi:

- Tư Hà ơi! Tư Hà à…!

Tiếng gọi vang cả rừng tràm. Tiếng cười nói, tiếng mái chèo khua nước làm anh tỉnh táo lại. Anh loạng choạng đứng lên bước ra khỏi lán.

Con xuồng ghé bờ. Ba Thu mừng rỡ cười nói oang oang, đùa vui:

- Tưởng cậu lạc đường. Đang định thông báo tìm người “mất tích” - Ba Thu nhìn vẻ mặt thất thần của bạn, ngạc nhiên hỏi: “Cậu có sao không?”

 Ba Thu giơ tay ra đỡ dìu Tư Hà xuống đò. Con đò chao nghiêng. Ba Thu lấy lại thăng bằng, nói nhỏ vào tai bạn: “Cậu lạ quá, cứ như người mất hồn”.

Mọi người ngồi trên xuồng cười nói râm ran. Con xuồng đưa họ về nơi xuất phát. Trong hành trình của mình, chắc hẳn nó nhớ rõ từng bến bờ đã qua.

Tư Hà ngồi lặng lẽ. Nghe như tiếng của Trâm vẫn trầm ấm bên tai: “Tất cả những gì không được yêu thương sẽ biến mất. Chúng ta chỉ tồn tại nhờ vào tình yêu thương của người khác…”

“Trăng nhìn thấy người đầu tiên là ai?”. Mái chèo khua nước...

Nguồn Văn nghệ số 47/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *