Văn học với đời sống

23/8
1:25 PM 2018

LỄ TƯỞNG NIỆM VÀ HỘI THẢO THƠ LƯU QUANG VŨ-XUÂN QUỲNH

Ngày 23.8, tại Hà Nội, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn VN và nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch HNV đã chủ trì “Lễ tưởng niệm 30 năm ngày mất và Hội thảo Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh với thơ ca đương đại Việt Nam” với sự tham gia của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học cùng thân nhân của hai nhà thơ và đông đảo độc giả. Dưới đây là bài tham luận của nhà thơ Anh Ngọc.

                                               Các nhà văn thắp hương tưởng niệm hai nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh

HAI THI SĨ HÀNG ĐẦU CỦA THẾ HỆ THƠ CHỐNG MỸ, THẾ KỶ HAI MƯƠI

ANH NGỌC                        

Thấm thoắt mà ngày Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh và cháu Quỳnh Thơ lâm nạn giã biệt chúng ta đã lùi xa 30 năm. Với tôi, và tin chắc với không ít bạn bè đồng nghiệp và người yêu thơ cả nước, Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh là hai thi sĩ hàng đầu của thế hệ nhà thơ thời chống Mỹ rất đông đảo và tài hoa. Sau 30 năm hai anh chị không còn tại thế, sự thực ấy lại càng được thời gian và công chúng khẳng định.

Nói về thành tựu sáng tác văn học, nghệ thuật của hai nhà thơ tài cao mà mệnh bạc này phải tốn rất nhiều giấy mực, trong phạm vi nhỏ của một bài báo, tôi chỉ xin điểm qua vài nét thưa thoáng mà thôi. Những nhận xét này có thể không có gì mới nhưng theo tôi, cũng không bao giờ cũ.

 

  1. LƯU QUANG VŨ - MỘT HỒN THƠ DÀO DẠT

 

Xuất hiện vào những năm đầu của cuộc chống Mỹ cứu nước, thơ Lưu Quang Vũ đã tạo ngay được ấn tượng mạnh trong bạn đọc. Việc nhà phê bình Hoài Thanh, người thẩm thơ và bình thơ có lẽ là xuất sắc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại, giới thiệu Vũ với những lời biểu dương nhiệt liệt là một bằng cớ rất đáng tin cậy. Bây giờ đọc lại ta vẫn thấy những phân tích của ông thật chính xác và tinh tế.

Đọc thơ cũng như gặp một con người, ấn tượng đầu tiên mà thơ Vũ gây cho ta là một dòng cảm xúc dào dạt, tuôn trào dường như không bờ bến, bất chấp mọi khuôn khổ của thơ ca thường tình. Hình như Vũ đã vượt qua những phép tắc kỹ thuật, chẳng mấy quan tâm đến những cấu tứ, bố cục, những ý tại ngôn ngoại v.v. . . và v.v. . . và để mặc cho trái tim mình tự do ca hát như một dòng sông tự tìm lấy con đường đi ra tới biển mà không chịu chảy theo một bờ đê, con đập nào định sẵn. Thoạt đọc, thơ Vũ cứ như là lời nói tự nhiên - hồn nhiên, có cái gì bản năng và tuỳ hứng.

Nhưng vì đó là cái bản năng của một tâm hồn đam mê và say đắm, ngọt ngào mà tinh tế, nên nó có sức cuốn hút vô cùng, sức lay động đến không thể lý giải. Có khi, đó là gợi lên từ một chi tiết bình dị trong cuộc sống, một cái tên sông chẳng hạn:

Sao tên sông lại là Thương

Để cho lòng anh nhớ

Người xưa bảo đây đôi dòng lệ nhỏ

Những suối buồn gửi đến mênh mang

Và tiếp theo là những cái tên đất:

 Đò về Nhã Nam

Đò qua Phủ Lạng

Mưa chiều nắng rạng

Đã bao năm ?

Nhưng nhiều nhất là những cảnh sắc thiên nhiên hoa lá, cỏ cây, nắng mưa, chim bướm:

Giờ đang chiều tháng tư

Trong vườn chùm nhót đỏ

Dãy bàng lên búp nhỏ

Xanh như là thương nhau…

Em biết chăng ngọn cỏ thơm kia

Con nghé ăn  vào bỗng nhiên nhớ mẹ

Quẫy sóng trên sông là con cá mè

Hay đậu theo bầy là con chim dẽ

Con tép nhỏ thường kho với khế

Con bồ nông trên cát ướt lao xao. . .

Cứ thế thiên nhiên ùa vào trong thơ Vũ. Ít có nhà thơ nào say đắm thiên nhiên đến như anh. Đặc biệt, Vũ nói nhiều đến mùa hạ, là người nhấn rất hiệu quả cái âm hưởng hết sức đằm thắm mà khó lý giải của hai tiếng mùa hạ. Hình như đó là dấu ấn riêng của một  tâm  hồn nồng nàn với một lối nói gây ấn tượng khác thường, mặc dù hai tiếng đó đã có sẵn từ bao đời trong ngôn ngữ Việt. Tôi không sao giải thích được điều này nhưng ấn tượng đó là có thật.

Từ nhận xét này có thể nói ngay rằng bút pháp thơ Vũ là bút pháp ấn tượng. Cũng tương tự như trong hội hoạ ấn tượng, thơ của Vũ đưa ta vào một thế giới đã được hư ảo hoá bằng những mảng, những khối ào ạt, xô bồ, đã được cách điệu, cường điệu và tinh lọc. Ngay câu thơ đầu tiên của tập thơ đầu tiên đã đập vào mắt ta một ấn tượng đột biến:

Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng

Đúng là cái nhìn của một đứa bé, hơn nữa, một đứa bé thi sĩ. Chúng ta bắt đầu lạc vào cái mê cung đầy màu sắc, hương thơm, mùi vị . . . . vừa xa lạ, vừa gần gũi. được  đưa đi bằng một thứ nhạc điệu du dương (tuy có lúc đơn điệu) của những câu thơ vần đôi đều đều, bất tận. Vẻ đẹp của các hình ảnh, sự bất ngờ của những liên tưởng và cách dùng từ ngữ táo bạo... đóng vai trò đặc biệt trong thơ Vũ. Chỉ một câu:

Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ

Với từ “nâu” thôi vào thời điểm ấy, là cả một phát hiện, vừa hồn nhiên vừa bao hàm được biết bao nhiêu ý tứ. Ở đây, thơ đã đạt được đến cái gọi là tính linh  như cách gọi của Viên Mai trong Tùy viên thi thoại. Tuy nhiên, phải có một tâm hồn rất trẻ, rất nồng nàn mới cảm thụ được điều này. Cũng như vậy, với vần thơ như bất ngờ thốt ra từ cửa miệng:

Rối rít trong lòng một nỗi em em  

Ta ngỡ được tiếp xúc thẳng với một chất sống đậm đặc được cô đọng trong mấy từ ngữ ngắn ngủi như lời thoại trong kịch. Cường độ tình cảm mạnh mẽ dẫn đến một khả năng nhạy cảm rất cao, nhà thơ có thể nhìn thấy và nghe ra những màu sắc, âm thanh kín đáo và bé nhỏ của cuộc sống mà những giác quan bình thường không phát hiện ra được. Nó cũng tựa như một cái kính viễn vọng nhờ có sức phóng đại lớn mà giúp ta nhận ra một bầu trời cao, sâu và phong phú hơn rất nhiều so với nhìn bằng mắt  thường. Nhà phê bình Hoài Thanh khen ngợi cái giác quan của người làm thơ đã nhận biết một mùi hương lá bưởi, lá chanh trong những cành nguỵ trang trên trận địa, hay đã nghe ra cái tiếng bắp cải nặng vai tròn kĩu kịt khi đứng gác trên cầu Long Biên là cùng một ý như vậy.

Cũng như với đề tài thiên nhiên, trong  thơ tình yêu của Lưu Quang Vũ tràn ngập cảm giác và ấn tượng (Vũ không quan tâm đến những khám phá tư tưởng, những tìm tòi ý tứ, kể cả trong những bài thơ nói về lẽ đời sống chết mà anh, như một thứ linh cảm, vẫn thường nhắc đến, trừ những bài viết về sau này). Nhờ chất nghệ sĩ rất mạnh, nhờ tính cách phóng khoáng và hồn nhiên, thơ Vũ tuy vẫn bám sát những nhu cầu chính trị thời sự như tất cả nền thơ ca lúc ấy, nhưng đã mang được rất nhiều (có thể là nhiều nhất) những cảm xúc và suy tư rất riêng, cái mà Vũ gọi là “cái mình” - càng đưa được nhiều “cái mình” vào thơ thì thơ lại càng “tâm đắc” , đã có lần anh tâm sự với chúng tôi như vậy. Anh còn nói “thơ là sự ngạc nhiên trước cuộc sống”. Cả hai câu nói trên, mỗi câu nghiêng về một phía, nhưng đều rất chính xác và sâu sắc. Văn học đích thực không thể thoát  ly cảm quan cá nhân của người viết, vì thế ta càng thấy sự nhạy cảm ở một người viết trẻ như Vũ thật là đáng quý.

Chính vì vậy nhiều bài thơ của anh đã thoát được ra ngoài thứ thơ vụ việc thương vay khóc mướn véo von, để gửi gắm tâm trạng thực của chính mình riêng mình và nhờ thế mà có được sức sống lâu dài đến hôm nay và chắc là cả mai sau.

Đấy là những Gửi tới các anh, Phố huyện, Chiều, Đất nước đàn bầu, Bài hát ấy vẫn còn là dang dở. . . và nhất là Vườn trong phố, một bài thơ tràn đầy màu sắc, âm thanh, hương vị đến ngọt lịm, rất tiêu biểu cho thế giới thơ say đắm và huyền ảo của Lưu Quang Vũ, khiến cho bao bạn đọc chúng ta mỗi bận lạc bước vào đấy cũng tựa như chú ong kia:  Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra!

Lưu Quang Vũ làm rất nhiều thơ. Kể cả những năm sau này bận bịu bù đầu với kịch - phải gánh trên vai mình kịch mục của hàng chục đoàn nghệ thuật,  như một nhà phê bình sân khấu đã nói, nhưng Vũ vẫn không dứt ra được khỏi thơ. Sau này, khi những bài thơ mà sinh thời Lưu Quang Vũ chưa kịp in được gia đình sưu tập và xuất bản thì ta mới thấy khối lượng thơ của Lưu Quang Vũ đồ sộ đến như thế nào, và đặc biệt thơ Vũ không còn chỉ là những vần tươi xanh, vui vẻ như cái thời còn trẻ, mà thơ anh đã động đến bao nhiêu tình cảm lớn lao và sâu sắc đang chi phối đời sống tinh thần của người Việt trong những năm tháng ác liệt của giai đoạn cuối cuộc chiến tranh chống Mỹ khốc liệt và cả những năm hậu chiến vô cùng cam go. Những cảm xúc và suy nghĩ ấy được Lưu Quang Vũ đưa vào trong thế giới kịch của anh ào ạt, khiến anh chiếm lĩnh kịch trường suốt bao năm, và sự thật, bên cạnh tay nghề vững vàng của người viết kịch, chính thơ là nguồn sức mạnh và tạo nên dấu ấn của Lưu Quang Vũ trên kịch trường. Nhưng dù sao, mọi người đều thấy một cách rất rõ ràng rằng mặc dù thành công như vậy trên sân khấu kịch, Lưu Quang Vũ vẫn khát khao như thế nào để được đến với thơ, để viết được,  dù chỉ là một câu thơ hay. Sự “cay cú”  đó đáng trọng và đáng yêu làm sao. Và nó giúp ta khẳng định một lần nữa: Lưu Quang Vũ trước hết là một nhà thơ và sẽ tồn tại với mai sau như một nhà thơ.

 

*

 

  1. XUÂN QUỲNH – MỘT TÀI THƠ ĐỘC ĐÁO.

 

Nhà thơ Xuân Quỳnh chỉ sống có 48 năm trên cõi đời này, nhưng đã có gần 30 năm làm thơ, đủ kịp để lại cho đời một gia tài thơ rất lớn, không chỉ về số lượng mà đặc biệt là về chất lượng, với nhiều bài thơ đầy sức ám ảnh, được đông đảo bạn đọc yêu thích và còn lưu giữ mãi trong tâm trí.

Chị là một tài năng thơ quý giá, bởi một hồn thơ hết sức đa cảm và nhạy cảm, hết sức tinh tế và dịu dàng. Những bài thơ của chị luôn có cái đắm đuối và những nét tinh tế rất giàu nữ tình, từ thơ về tình yêu, về trẻ em, về mẹ… cho đến những thứ tình cảm công dân rộng lớn của một thời cả nước đánh giặc.

Đó là những bài thơ viết trong “Gió Lào cát trắng”, dưới  “Chiến hào”, khi trên đường hành quân, người chiến sĩ trong thơ chị chợt nghe vang lên một “Tiếng gà trưa”:

“Cháu chiến đấu hôm nay

Vì lòng yêu Tổ Quốc

Vì xóm làng thân thuộc

Bà ơi, cũng vì bà

Vì tiếng gà cục tác

Ổ trứng hồng tuổi thơ”…

Ý thơ giản dị này đã cắt nghĩa một điều lớn lao tức là lý do làm nên sức mạnh để chúng ta luôn chiến đấu và chiến thắng trong mọi cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, một “mô – típ” thơ rất quen thuộc của thời chống Mỹ.

Tôi sẽ không quên có lần nhà thơ đàn anh Vũ Cao, tác giả của bài thơ “Núi Đôi” bất hủ, đã tấm tắc nói với chúng tôi: “Xuân Quỳnh nó viết bài “Chuyện cổ tích về loài người” thật bợm quá!”, vâng từ “bợm” là nguyên văn lời khen của nhà thơ Vũ Cao. Không “bợm” sao được, khi trong bài thơ này, với tình yêu trẻ em bát ngát của một người mẹ, Xuân Quỳnh đã lập một cái tứ kỳ thú và rất “trẻ con” ấy là:

“Trời sinh ra trước nhất

Chỉ toàn là trẻ con

Khi trẻ con tập đi

Đường có từ ngày đó

Nhưng còn cần cho trẻ

Tình yêu và lời ru

Từ đó mẹ sinh ra…”

Cả bài thơ là cách nói “ngược về thực tế của đời sống” nhưng lại “thuận trong tâm thế của con người”. Đúng là “bợm”, là kỳ tài!

Những bài thơ viết về tình mẹ con của chị như “Lời ru trên mặt đất”, “Lời ru của mẹ”, “Mẹ của anh” viết về một thứ tình cảm đã quá quen thuộc ngỡ như khó mà có thêm điều gì mới vào đấy nữa, mà rồi ra khi vào tay Xuân Quỳnh, thơ vẫn mang đầy nét mới, đôi khi chỉ với một lối ví von kỳ lạ: “cái hoa bận đỏ, cái hồ bận xanh”, một câu thơ hiếm gặp trong thơ Việt xưa nay. Hoặc nữa, một câu thơ của nàng dâu Xuân Quỳnh viết về mẹ chồng đã đủ đánh đổ cái lề thói bất hòa giữa mẹ chồng nàng dâu muôn thuở, ấy là:

   “Chắt chiu từ những ngày xưa

   Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”

Nói yêu mẹ chồng mà không gượng gạo, vì được bảo lãnh bởi tình yêu chồng thắm thiết.

Ngay trong tập thơ đầu  tay “Chồi biếc”, xuất bản từ năm 1963, khi mới 21 tuổi, Xuân Quỳnh đã có bài thơ có thể gọi là “kiệt tác” có thể tiêu biểu cho cả đời thơ của chị, ấy là bài “Thuyền và biển”, một câu chuyện ngụ ngôn thấm thía về tình yêu, nhất là từ khi được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành công, nó càng được đông đảo công chúng yêu thích.

Để thay việc phẩm bình toàn bộ thơ Xuân Quỳnh, tôi nghĩ chỉ cần chúng ta tìm hiểu giá trị nội dung và nghệ thuật của một bài thơ này là đủ…

Tôi thuộc số người, có thể là do gàn quải, cứ thích gán cho văn học, kể cả cho thơ cái nhiệm vụ to tát là khám phá tư tưởng, phát hiện những điều mới lạ, tinh vi trong tâm thức con người… Thơ quả nhiên cũng cần phải làm việc ấy thực, nhưng... cái ý thức ngoan cố bẩm sính của tôi đã nhiều phen phải rút lui từng bước để dần dà thúc thủ trước một sự thật: Nhiệm vụ hàng đầu của thơ không phải là khám phá tư tưởng mà là chuyển tải cảm xúc, chẳng hạn với một bài thơ như Thuyền và biển, một bài thơ khá hiếm hoi mà trong đó sự can thiệp của lý trí, của ý thức cũng khá rõ ràng, nhưng bất chấp được xây dựng trên cái nền của những phân tích nội tâm con người chỉ có thể gọi là chính xác thôi, chứ chưa có gì làm khám phá sâu sắc cho lắm ấy, bài thơ vẫn cứ lôi cuốn ta vô cùng, cứ làm ta say mê đến độ thuộc lòng và ngâm ngợi suốt mọi thời gian như là trường hợp của chính tôi. Đã đành là có sự đóng góp của những mệnh đề mang màu sắc triết lý - chẳng hạn : “Vì tình yêu muôn thuở/ có bao giờ đứng yên” hay “nếu phải cách xa anh/em chỉ còn bão tố”… -  nhưng phần cơ bản làm nên sức hấp dẫn  của bài thơ nhất định phải tìm ở chỗ khác. Chỗ khác đó, ở đây theo tôi phải tìm trong cái tài của nghệ thuật cấu tứ, cái sức mạnh rất khó nói nên lời là cường độ của tình cảm, cái năng lực điều khiển từ ngữ, hình ảnh, cái duyên dáng giàu nữ tính của lối nối, và sau hết, cái chặt chẽ, hợp lý của thể thơ và nhạc điệu.

Trước hết về mặt cấu tứ: để diễn đạt những trạng thái của con người trong tình yêu, một thế giới tinh thần trừu tượng không dễ bày tỏ và nắm bắt, nhà thơ Xuân Quỳnh đã tạo ra một cốt truyện cụ thể lấy con thuyền và biển cả làm nhân vật. Đây là một thứ cấu tứ toàn bài, xuyên suốt từ đầu đến cuối, theo kiểu truyện ngu ngôn như “Truyện cổ tích về loài người”. Dễ dàng thấy cách làm này, cũng như loại thơ có tứ nói chung, giúp người làm thơ cụ thể hoá những ý tưởng và cảm xúc thành một hệ thống hình ảnh hoặc câu chuyện để tạo ấn tượng mạnh mẽ, rõ ràng, khiến người đọc dễ tiếp nhận. Cũng như các thủ pháp khác, thủ pháp này không có gì mới. Mà nói chung, các thủ pháp dẫu phong phú đến mấy vẫn chỉ là những cái khuôn, là một mớ lý luận khô cứng, điều then chốt là chúng được sử dụng ra sao và đó mới là thước đo tài năng, điều quyết định thành bại của tác phẩm, là cánh cửa mở đến vô cùng. Ta thấy, trong “Thuyền và biển” tác giả đã làm chủ thủ pháp hoàn toàn. Hình tượng thuyền - biển và mối quan hệ giữa chúng được triển khai một cách chặt chẽ, hợp lý, vừa đủ để chuyển tải ý tưởng và cảm xúc cần thiết, sự cuốn hút và bí ẩn của tình yêu, sự phong phú của thế giới tình cảm, từ dịu êm đến dữ dội, sự thấu hiểu và cảm thông, sự ràng buộc và tự nguyện, những khát vọng to lớn và bất tận, những hạnh phúc và đau khổ tột cùng... Những cung bậc tình cảm ấy lại càng không có gì mới. Nhưng ở đây, sự thuyết phục hiển nhiên của hệ thống hình tượng chính là ở sự bảo lãnh của một cường độ cảm xúc dào dạt ẩn sau từng con chữ, nó khiến cho hai trục chính - một cụ thể, một trừu tượng - phát triển song hành với nhau một cách ăn ý lạ thường, chẳng hạn, đang nói chuyện thuyền và biển:

“Cũng có khi vô cớ

Biển ào ạt xô thuyền”

đột nhiên chuyển ngay được sang chuyện tình yêu:

“Vì tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên ?”  

Xin lưu ý : Khi đọc bằng mắt, ta thấy hai câu thơ này nằm trong ngoặc đơn như là một thứ chú thích, nhưng thơ đâu phải chỉ để mà xem, thơ luôn được tiếp nhận bằng cách ngân lên trong đầu ta bằng âm thanh, dù ta đọc bằng mắt hay nghe bằng tai đều như vậy, và như thế một ký hiệu như ngoặc đơn chẳng nói lên điều gì.

Cũng như vậy, đang:

“Nếu từ giã thuyền  rồi

Biển chỉ còn sóng gió”

đã lại :

“Nếu phải cách xa anh

Em chỉ còn bão tố.”

Cái lối chơi bài ngửa, nửa úp nửa mở một cách công khai ấy là một trong những thủ pháp đặc thù của ngòi bút Xuân Quỳnh và cũng là cái duyên của chị.

Như thế là, khách quan mà lùi xa một chút, ta sẽ thấy cả bài thơ dù không có phát hiện gì thật mới về ý tưởng, không sáng tạo ra thủ pháp gì thật độc đáo về nghệ thuật diễn đạt, nhưng với một đề tài muôn thuở thiên hạ đã cày xới cả lên, lại bằng một chất liệu cũng quen thuộc, bài thơ vẫn hiện ra với tất cả dáng vẻ cổ điển, tề chỉnh và trang trọng như một khúc Kinh cầu nguyện của tình yêu muôn thuở.

Ngoài ra, bài thơ còn in đậm dấu ấn của thời đại, ấy là: Khác với nhiều giọng thơ nữ trước đây thường chỉ biết thở than tuyệt vọng trước những bất công, ngang trái, với tâm trạng thụ động, yếm thế và cam chịu vốn là than phận của người phụ nữ trong xã hội cũ, thơ Xuân Quỳnh nói chung và bài thơ này nói riêng thể hiện rõ rệt một tâm thế chủ động, tự tin, đĩnh đạc của những con người đang nắm trong tay số phận của mình, có buồn, có vui, có sướng, có khổ… nhưng không bao giờ bi quan. Nói rộng ra, đó cũng là nét mới trong thơ của những cây bút nữ sau cách mạng. 

Với một vài nhận xét còn rất thưa thoáng như trên, tôi nghĩ, chúng ta đã có thể khẳng định nhà thơ Xuân Quỳnh đích thực là một nữ thi sĩ hàng đầu không chỉ của thế hệ chống Mỹ và rộng ra là của cả thế kỷ hai mươi, xứng đáng kế tục những nhà thơ nữ vang danh trong lịch sử thơ ca nước nhà từ xưa đến nay.

 

16.7.2018

A.N.

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *