Văn học với đời sống

21/3
6:19 PM 2017

KỶ NIỆM 60 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM: NHÀ THƠ VŨ CAO VỚI NHỮNG KỶ NIỆM CÙNG CÁC NHÀ VĂN QUÂN ĐỘI

Vũ Cao- Nói về sự hình thành và phát triển của tạp chí Văn nghệ quân đội, tôi không thể không nghĩ tới những ngày tháng của thập niên 40. Tháng 4-1949, Hội nghị văn nghệ toàn quân lần thứ nhất. Hội nghị phát động phong trào văn nghệ phục vụ kháng chiến, đề ra phương châm và nhiệm vụ công tác văn nghệ trong quân đội. Một tình hình mới, một thời cơ mới được xác định.

                                                                           Nhà thơ Vũ Cao

Ngày đó, chúng ta chưa có một tờ báo Văn nghệ riêng mà chỉ có tờ Vệ quốc quân nội dung đề cập nhiều mặt: chính trị, quân sự, xã hội, văn hóa. Tờ Vệ quốc quân do anh Trần Độ làm chủ nhiệm, anh Thâm Tâm làm thư ký tòa soạn. Ban biên tập có các anh: Từ Bích Hoàng, Dương Bích Liên, Trần Đăng, Thôi Hữu, Mai Văn Hiến, Hoàng Lộc. Cuối năm 49, anh Trần Đăng hy sinh. Sau đó, chúng tôi mất tiếp anh Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Thôi Hữu… Tháng 10-1950, tờ Vệ quốc quânnhường chỗ cho tờ Quân đội nhân dân do anh Lưu Văn Lợi phụ trách. Phần Văn nghệ của tờVệ quốc quân chuyển thành một tập san nhỏ lấy tên là Sinh hoạt Văn nghệ. Tờ tập san này lớn dần lên và đến năm 57 thì trở thành tạp chí Văn nghệ quân đội.

Có nhiều bài học, nhiều kỷ niệm cần nhắc đến nhưng điều đầu tiên muốn nói là sự tập hợp các nhà văn trong toàn quân về với tòa soạn: Nguyễn Khải, Vũ Tú Nam, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trọng Oánh, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Trúc Hà, Mai Ngữ, Hải Hồ, Lưu Trùng Dương, Xuân Sách, Xuân Thiêm, Phùng Quán, Tạ Hữu Thiện, Vũ Sắc, Minh Giang, Phác Văn… Mấy số đầu tạp chí đã được bạn đọc trong và ngoài quân đội hoan nghênh. Chúng tôi nhận ra một điều quan trọng: Muốn cho tờ tạp chí có chất lượng thì trong tay phải có một lực lượng sáng tác có tài năng chứ không chỉ trông mong bài vở gửi đến từ phong trào. Và chỉ khi tạp chí có chỗ đứng thì nó mới có khả năng thực tế cổ vũ phong trào sáng tác ở các đơn vị và địa phương. Tôi nhớ chính Nguyễn Minh Châu đã có lần nói rằng anh rất thích truyện ngắn của Nguyễn Khải, Nguyễn Ngọc Tấn, Nguyên Ngọc hồi đó và chính những sáng tác ấy đã động viên anh cầm bút. Tạp chí ngày càng có thêm cộng tác viên mới: Ma Văn Kháng, Bùi Minh Quốc, Thu Bồn, Đỗ Chu, Phạm Tiến Duật, Lê Khánh, Nguyễn Thị Như Trang, Lê Minh Khuê, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Hoa, Trần Nhương… Quan hệ tốt với cộng tác viên trở nên một khâu công tác đặc biệt thu hút các ngòi bút từ nhiều nơi làm nguồn tác phẩm lâu dài cho tạp chí. Tất nhiên chúng tôi không thể không có khuyết điểm về mặt này nhưng có thể khẳng định rằng chúng tôi không để sót một cây bút giá trị. Với các đơn vị, chúng tôi cũng thường xuyên có sự trao đổi ý kiến để tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Tôi còn nhớ có một lần một đồng chí phụ trách đơn vị đến gặp chúng tôi ở số 4 Lý Nam Đế. Đồng chí tỏ ra rất quý anh Đỗ Chu nhưng cũng phàn nàn rằng anh ấy ít viết về đơn vị của mình mà chỉ hay sáng tác về đề tài phố huyện hoặc vùng quê nào đó.

Tôi rất hiểu sự chân thành và ý thức trách nhiệm của đồng chí ấy, nên đã trình bầy như sau: ở tòa soạn Văn nghệ quân đội, có lẽ chỉ có anh Hữu Mai và anh Hồ Phương chuyên viết về bộ đội, còn các anh khác cũng chẳng khác gì anh Đỗ Chu: anh Nguyễn Khải viết nhiều về nông thôn, anh Hải Hồ viết về thiếu nhi, anh Nguyễn Ngọc Tấn viết về thống nhất đất nước, anh Nguyên Ngọc viết về miền núi, có phải ai cũng chỉ viết về bộ đội đâu!

Về mặt chuyên môn, anh em trong tòa soạn có một thời kỳ dài ăn ở tập thể nên có điều kiện trao đổi thường xuyên với nhau những suy nghĩ về văn chương nghệ thuật. Tôi nhớ anh Nguyên Ngọc nhiều lần cố gắng lý giải thế nào là tính tư tưởng của một tác phẩm, rồi ngôn ngữ có phải là là hình thức hay cũng chính là nội dung? Không ít lần anh Nguyễn Ngọc Tấn cùng tôi ngồi ăn khoai luộc, uống nước chè xanh ở gầm cầu Long Biên, anh luôn nhắc về công việc biên tập, không nên khuyến khích những bản thảo viết quá dễ dãi. Anh Nguyễn Ngọc Tấn ít nói, ít đùa, ý kiến của anh bao giờ cũng nghiêm khắc. Cứ nhìn vào những trang viết tay của anh thì đủ biết, gạch xóa rất nhiều, cân nhắc từng chữ.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn cho rằng cuộc sống trong căn nhà số 4 Lý Nam Đế thời kỳ ấy thật là thú vị. Anh Doãn Trung, bác Mạn thật hết lòng lo đời sống vật chất cho anh chị em. Các bạn bè ở xa cũng luôn luôn có mặt: Phạm Tiến Duật, Lưu Quang Vũ thường ghé qua trò chuyện với anh Nhị Ca, Văn Thảo Nguyên, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Thảo, Vương Trí Nhàn… Nhà thơ Ngô Văn Phú tình nguyện về làm việc cùng tòa soạn, phụ trách thanh niên. Chị Xuân Quỳnh cũng mấy lần xin “tòng quân” vào Văn nghệ quân đội. Dù rất quý Xuân Quỳnh, tôi vẫn phải trả lời rằng: sinh hoạt trong bộ đội có nhiều điều không phù hợp với phụ nữ, Xuân Quỳnh nên ở ngoài bộ đội thì hơn. Sau này nhiều lúc tôi vẫn cứ phân vân không rõ câu trả lời ấy của tôi là sai hay đúng?

Còn nam giới thì những năm chống Mỹ đã tăng cường cho tạp chí một lực lượng mới: Vương Trọng, Nguyễn Đức Mậu, Duy Khán, từ mặt trận cũng xuất hiện những cộng tác viên mới: Nguyễn Duy, Văn Lê, Hữu Thỉnh, Thái Bá Lợi, Thanh Thảo, Tô Đức Chiêu, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo, Thanh Giang, Võ Trần Nhã, Liên Nam, Nguyễn Chí Trung, Thanh Quế, Tô Hoàng với những sáng tác mới về chiến trường. Không ai có thể quên những năm chống Mỹ đã trở thành những năm thử thách lớn đối với tòa soạn. Tạp chí phải mấy lần đổi khổ cho phù hợp với việc vận chuyển vào chiến trường xa. Nhiều anh em đã đi B, đương đầu với gian khổ và bom đạn. Đi lâu nhất là các anh Nguyên Ngọc, Nguyễn Ngọc Tấn, Trúc Hà, Nguyễn Trọng Oánh, Hà Mậu Nhai.

  Một số khác đi ngắn ngày, gọi là đi B ngắn. Nói là ngắn nhưng cũng từ sáu tháng đến một năm. Đấy là các anh Xuân Thiều, Hữu Mai, Hồ Phương, Xuân Sách, Hải Hồ, Ngô Văn Phú, v.v… Từ đấy trên tạp chí xuất hiện một số tác phẩm từ miền Nam gửi ra với những cái tên: Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Thi, Nam Hà, Nguyễn Thành Vân, Nguyễn Thiều Nam, Trần Mai Nam, Lê Hoài Đăng, Ngô Bằng Vũ, v.v… Trong phạm vi một bài báo nhỏ, tôi không thể nêu lên mọi thành tựu cũng như mọi bước đường đấu tranh của tạp chí từng thời kỳ. Nhiều đồng chí khác sẽ nhớ và sẽ nói. Được làm công việc biên tập cùng anh em trong một số năm trước, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày tạp chí ra số 1, tôi không quên nhắc đến anh Văn Phác, Thanh Tịnh, những đồng chí phụ trách đầu tiên.

  Nhờ sự quan tâm nhất quán của Tổng cục Chính trị, lực lượng văn học chúng ta ngày càng đông, càng mạnh. Ban lãnh đạo tạp chí và các đồng chí biên tập hiện nay còn trẻ và mới mẻ hơn trước Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Lê Thành Nghị, Khuất Quang Thụy, Ngô Vĩnh Bình, Trung Trung Đỉnh, Trần Đăng Khoa, Vương Trọng, Hồng Diệu, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Quách Đại Hải. Chúng ta càng vững tin những năm tháng tới của tạp chí sẽ ngày càng tốt hơn, đẹp hơn. Cầm trong tay tờ tạp chí dày dặn trang nhã và chỉ cần nhìn vào tác phẩm của vài người như Chu Lai, Lê Lựu, Xuân Thiều, Nam Hà, cũng đủ để nhìn nhau mà vui vẻ rồi.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *