Văn học với đời sống

6/7
10:26 PM 2016

CẢM THỨC VỀ SỰ HI SINH

Thơ Việt viết về sự hi sinh cho Tổ quốc đã trở thành một dòng chảy trong lịch sử dân tộc.Trong khi nhiều cây bút thơ đương đại đang trên đường đua vào các miền riêng của cõi tâm tư để tạo nên những bức chân dung của riêng mình thì lại có nhà thơ trải lòng mình trước những hi sinh vì Tổ quốc thiêng liêng, mang cảm thức chân thành bằng nhiều hình tượng thơ sống động. Biển Đông chưa bao giờ lặng sóng, đất liền chưa khi nào thật bình yên, nên mỗi hồn thơ thao thức khôn nguôi trước những hi sinh lớn lao vì Tổ quốc mới trân trọng làm sao.Dường như mỗi nhà thơ có một mảnh đất riêng để gieo trồng cảm xúc. Là một cây bút sinh ở Thái Bình, nhưng sống, gắn bó với vùng đất và vùng biển biên cương phía Đông Bắc của Tổ Quốc rồi trở thành một nhà thơ trong thời kì đổi mới, quê hương thơ của anh là biển đảo, sông suối, hầm mỏ, núi rừng. Anh mang trong mình cảm thức về con người và miền đất đó.

Nhà thơ Trịnh Công Lộc (thường phục) trong một chuyến đi thực tế biên giới phía Bắc

Với 3 tập thơ “Cánh buồm nâu” (2011), “Mộ gió” (2012), “Mặt trời đêm” (2014) của Trịnh Công Lộc, cho thấy chân dung một nhà thơ khá rõ nét. Mỗi bài thơ như một mảng khối về quê hương đất nước, lịch sử, chiến tranh hòa bình, thế sự, tình yêu, tình bạn và truyền thống dân tộc, những đổi thay của cuộc sống... Trong đó, những xúc cảm hằn sâu trong bạn đọc là những bài thơ viết về sự hi cho Tổ quốc, qua các bài thơ tiêu biểu trong tập “Mộ gió” (2012) như: “Trầm hương nơi tháp tổ”, “Lời của sóng”, “Từ biển mà đi”, “Mộ gió” và các bài thơ trong tập “Mặt trời đêm” (2014) như “Đỉnh núi”, “Hai bên”, “Cậu về nhà”, “Khát với hoàng sa”, “Vòng hoa quanh đảo Gạc Ma”, “Mở cõi biển Đông”, “Rừng đảo”, “Nếu”, “Mười hai ngày đêm nỗi mong đất nước”, “Còn đấy hoàng xa”, “Đảo rừng Trâm” v.v... Trong đó nhiều bài thơ đã trở thành bài hát.

Với một tâm hồn đa cảm, từng trải nghiệm cuộc sống từ chiến tranh đến hòa bình, nhà thơ Trịnh Công Lộc quan niệm rất rõ về cái chết và sự sống, sự hi sinh và hạnh phúc đời người qua từng trang viết . Trong bài “Mười hai ngày đêm nỗi mong đất nước”, nhận thức rõ cái chết và tai họa của chiến tranh, tác giả đã nói lên khát vọng về hòa bình : Hà Nội, như nỗi mong đất nước / Chiến thắng không cần chiến tranh!

Mộ gió”là bài thơ trong tập thơ cùng tên ra đời vào ngày 22/8/2011, vào thời điểm Biển Đông đang có những đợt “sóng ngầm” đã đem đến cho bạn đọc một hiện thực hi sinh vì Tổ quốc của cha ông trên biển đảo trong quá khứ đang vọng về hiện tại. Từ một tập quán trong đời sống tâm linh của người dân vùng biển, để tưởng niệm những người đã mất trên biển cả không tìm thấy di hài, người ta đắp ngôi mộ trên đảo hoặc đất liền không chứa hài cốt làm tương trưng, lấy đó làm nơi chiêu hồn, tưởng niệm người đã khuất, trở thành một biểu tượng văn hóa tín ngưỡng của người xưa. Đến thời Nguyễn, mộ gió trở thành nơi chiêu hồn các chiến binh đi canh giữ biển đảo hi sinh. Qua một hiện thực xưa đến giai đoạn sau này vùng biển nước ta lại đang chứa nhiều mối hiểm nguy “cướp biển”từ bên ngoài. “Mộ gió”trong cái nhìn của một hồn thơ, bỗng trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo gây cảm thức và âm vang sâu thẳm lòng người về sự hi sinh của những chiên sĩ hành trình trên biển đảo:

Mộ gió đây/mỗi phút giây biển lặng/ Gió là tay ôm ấp bên bờ xa/

Chạm vào gió như chạm vào da thịt/ Chạm vào/ nhói buốt /Hoàng Sa.

Trở lại trong tâm thức những trận chiến trên đảo quần Hoàng Sa, Trường Sa và những con tàu không số, rồi những cuộc đấu tranh với lũ “giặc biển”xâm phạm thềm lục địa nước nhà mới thấy được cái giá lớn lao của nền độc lập tự do và sự hi sinh cao cả của những người lính nơi đại dương mênh mông vời vợi :

Mộ gió đấy, cứ từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển đảo xa khơi/

Là mộ gió, gió thổi hoài thổi mãi/ Thổi bùng lên, những ngọn sóng ngang trời.

Mộ gió trở thành biểu tượng của đức hi sinh, lòng nhân ái và sức mạnh linh thiêng hóa vào thiên nhiên để bảo toàn vận nước. Chiến tranh là bi kịch của nhân loại, nhưng bao giờ hết chiến tranh? Ai là kẻ khát chiến tranh? Qua cảm nhận của nhà thơ trong bài “Hai bên”: Bầu trời, nước mắt mây mưa/ Cây ngã xuống/ rừng loang máu đỏ/ Biên giới là hai bên/ Bên ta và bên họ/ Mọi thứ chẳng khác nhau là mấy/ Chỉ lòng người khác biệt nhiều thôi. Nối tiếp cái nhìn trên, đến bài thơ “Trái đất - quả cầu vàng” càng cho thấy tai họa của chiến tranh hủy diệt sự sống: Trái đất như quả cầu vàng/ Như trái ngọt/ Khi lòng tham chưa nguôi cơn khát/ Bàn tay/ còn khát máu chiến tranh.

Sự thực, chỉ có lòng tham và tội ác của kẻ thù mới dẫn tới chiến tranh, muốn có hòa bình tự do, chúng ta phải hi sinh xương máu. Đi xa hơn, trong bài thơ “Nếu...”, nhà thơ gỉa định những điều bất hạnh xảy ra với con người thật tinh tế: Nếu chiến tranh lần nữa/ kẻ hai mặt nhiều hơn/ Nhà tù xiềng xích nhiều hơn/Hủy diệt nhiều hơn/ Tưởng như không còn mặt đất/ Nếu chiến tranh lần này có thật? Tôi nghe, tôi hát/ Trái đất nhỏ đi trước vận mệnh con người. Và như vậy chiến tranh là nơi sinh ra cái ác và cái xấu làm mất đi những giá trị sống và biến dạng cõi người.

Là cây bút hay suy ngẫm về lịch sử, nhà thơ đã dành nhiều xúc cảm về những con người đã quên mình cho Tổ quốc. Trong bài “ Đỉnh núi” có những câu thơ thấm nỗi đau mất mát và tinh thần bất diệt của dân tộc: Mỗi tấc đất, đã bao nhiêu máu/Thắm lên từng vách núi ngọn cây / Mỗi đỉnh núi, một bàn thờ Tổ quốc/Ngát linh hương nghi ngút trời mây!

Kí ức về hình ảnh những người chiến sĩ hi sinh còn được khắc họa sống động. Khi đọc “Vòng hoa quanh đảo Gạc Ma”, cảm nhận như linh hồn người chiến sĩ vẫn đâu đây. Vòng hoa linh thiêng như vòng tay ôm ấp lấy con người và đất nước: Những vòng hoa không muốn trôi đi/Hay có phải, sáu mươi tư hồn cốt/ Còn quanh đây... sóng buốt thân tàu.../Những người kia khuất mặt đi đâu?/ Sao giấu nổi tội trời tội đất/ Những vòng hoa cứ vòng quanh bờ nước/ Như vòng tay xiết lại những vòng tay. Trong những nỗi đau chung, nhà thơ cũng có nỗi buồn riêng qua bài thơ “Cậu về nhà” viết về sự hi sinh của anh bộ đội và cũng là người thân bằng cảm thức mang màu sắc tâm linh: Cậu đã đi, năm đôi lượt về nhà... Đồng đội đến hương hoa gặp cậu/ Vẫn tươi màu áo lính cậu ơi!? Cậu đã xa ngần ấy năm rồi/ Ngần ấy về chơi vơi hương khói/ Cậu đâu biết, mẹ hằng mong đợi/ Cậu ở nhà/ hương khói bay đi... Mất mát và chia ly là những vết thương khó liền của đời người qua cuộc chiến được khắc sâu, thức tỉnh lòng người hôm nay và mai sau bằng cảm thức tâm linh. Chỉ có cảm thức đó mới nói hết nỗi lòng người đang sống.

Hiện thực trong thơ Trịnh Công Lộc, thường được khơi nguồn từ chiều sâu lich sử. Cùng với bài thơ “ Mộ gió” bài thơ “Từ biển mà đi” (sáng tác 2011) là dấu ấn đầu tiên ,rõ rệt nhất sự trở lại chất sử thi, chất anh hùng ca mới bằng nhiều hình tượng sống động của thơ ca đương đại sau thời gian dài trầm lắng .

Bao lớp người đi giữ đảo, không về.../ Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm/ Ru lời ru vô tận dưới lòng sâu/ Mỗi đảo nhỏ, đã hóa thành ngọn nến/ Thắp linh thiêng rừng rực sao trời.

Tiếp nối dòng cảm hứng trên, đến bài thơ “Mở cõi biển đông” :

Tàu không số hóa thân giông bão/ Sóng vút cao cuộn trắng thân tàu.../Mới sinh ra đã thành ngư lính/ Chống giặc nước, giặc trời, giặc dã biển Đông/ Tiếng sóng gió trùng trùng lay thức/ Còn vang xa rừng rực bây giờ...

Bài thơ “Rừng đảo” gợi lên thế trận thiên nhiên hùng vĩ của đất nước và máu hi sinh hòa trong biển cả trào dâng trong cảm xúc của nhà thơ:

Người yêu đảo, mặn mòi với đảo/ Đảo yêu người hạt muối cắn đôi/

Máu thấm đất hồng tươi mặt đất/ Máu biển loang sóng đỏ chân trời...

Đến bài thơ “Còn đấy Hoàng xa” lại nối thêm cảm thức về Tổ quốc:

Thăm thẳm xót chập chùng xương máu/ Thủa ngàn xưa mở cõi biển đông. Những câu thơ như trở về với lời nguyền của cha ông xưa . “Trầm hương nơi tháp tổ” là một bài thơ chiêm nghiệm về đạo lý làm người trong lịch sử qua một vị vua anh minh triều đại nhà Trần khi người giác ngộ sâu sắc về lẽ sống đã từ giã ngai vàng về cõi Phật để hòa với nhân gian, nhà thơ viết:

Ai hiểu nổi Đức Vua hóa Phật/ Phật độ chúng sinh – Vua độ chúng sinh/

Khi thanh vắng đã có tùng có trúc/ Hóa trầm hương, lặng lẽ, bên người!

Thơ Trịnh Công Lộc có nhiều hình ảnh, hình tượng cảm xúc mạnh đã trỏ thành biểu tượng, hài hòa giữa cảm hứng sử thi và thế sự tạo nên những bài ca bi tráng về con người và Tổ Quốc, gây xúc động lòng người. Các bài thơ “Mộ gió”, “Từ biển mà đi”, “Vòng hoa quanh đảo Gạc Ma” “Đỉnh núi”... xứng đáng là những bài học trong nhà trường về tình yêu đất nước và hi sinh vì Tổ quốc trên biển đảo và biên cương .

PGS.TS TRẦN MẠNH TIẾN

(Nguồn: Tạp chí nhà văn và tác phẩm số16 / 2016 )

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *