Văn học nước ngoài

21/7
11:48 AM 2015

Những khung hình văn chương

* Indra Wussow là nữ nhà văn Nam Phi, sống và làm việc luân phiên tại hai nơi: Johannesburg (Nam Phi) và đảo Sylt (Đức).

 Bà cộng tác với rất nhiều thực thể báo chí và văn chương quốc tế. Từ năm 2002, bà là Giám đốc nghệ thuật của Quỹ Sylt, chuyên cung ứng nơi ăn nghỉ cho các văn nghệ sĩ khắp thế giới có nhu cầu du khảo. Từ năm 2010, bà làm công việc biên tập cho một loạt các nhà xuất bản Nam Phi chuyên tiếng Đức. 

Đầu năm 2015, theo lời mời của Hội Nhà văn Việt Nam, bà đã sang Hà Nội tham dự Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 3 và Liên hoan Thơ châu á - Thái Bình Dương lần thứ 2. Bài viết này bà thực hiện theo đơn đặt hàng của Quỹ Sylt đầu tháng 5-2015.

 

 

Nhà văn Nam Phi, Indra Wussow

Đó là một ngày trời lạnh của tháng 3 - Hà Nội, năm 2015. Thật nhiều những tấm biển, biểu ngữ, áp phích, panô, những hiển thị đặc trưng của chủ nghĩa xã hội xuất hiện suốt dọc con đường từ sân bay về đến trung tâm thành phố, nơi tọa lạc Nhà khách Quốc phòng, một khách sạn hiện đại xây dựng trong khu vực quân sự và được điều hành bởi Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Đất nước này là một xứ sở từng có 4000 năm lịch sử, mà Hà Nội là thủ đô của nó đã từng được thừa nhận từ quá khứ đã quá 1000 năm. Hành trình xuyên qua Hà Nội ư? Một trải nghiệm đầy mâu thuẫn với những biểu hiện thật dễ dàng kiểm đếm: Một thành phố bảo tồn nguyên vẹn hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, với thi hài của Cụ trong Lăng, một tòa kiến trúc bề thế giống như Lịch sử phán truyền lại bảo phải là như vậy, với những gì đang diễn ra hàng ngày, tươi ròng và xán lạn.

Việt Nam có một ý thức tuyệt vời để bảo tồn cái tinh thần Á Đông không lẫn vào đâu, khác với tất cả những dân tộc châu Á xung quanh. Nghĩa là, cái cũ không che lấp cái mới, nhưng cái mới cũng không cậy đông đảo mà vùi phủ cái cũ. Ở Hà Nội, tinh thần này hiển thị rành mạch, cũng khá kỳ lạ, nhờ sự ngập ngừng dài kỳ, quy mô toàn xã hội, cho nên tất cả như thể còn lưu dung trong một quả cầu pha lê trong suốt. Cái hình ảnh xã hội ngập ngừng này hiển thị khắp nơi nơi, trên toàn Thủ đô của Việt Nam, và như thể lập tức ôm trọn lấy cái di sản vô cùng to lớn của chủ nghĩa thực dân đầu thế kỷ 20, rồi sau đó là chủ nghĩa tư bản mới thân ái, tạo nên một kiểu thích ứng mới với thời đại nhiều sóng gió, mà rất Việt Nam.

Hà Nội dường như là thủ phủ của một cộng đồng lưỡng lự trước sự trì níu của một thời đại phù du. Người ta không hề tranh cãi về việc có nên chăng bảo quản thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chẳng quan tâm nhiều đến việc sớm hay muộn những di sản kiến trúc Pháp, với vẻ đẹp rực rỡ xuyên thế kỷ, rồi cũng sẽ tàn tạ. Cho nên, dù chính quyền thành phố không thể chặn đứng sự xuống cấp của quá khứ, thì ít nhất họ cũng đã thành công trong việc cứ treo vấn đề lên đó đã.

Một thành phố mà sự hòa hợp đích thị đã diễn ra, vừa hỗ trợ, thúc đẩy, vừa cân nhắc, ưu tư, thì sự ác liệt, dữ dội của các cuộc chiến tranh đã đi qua, và những âu yếm, hấp dẫn của cuộc sống mới luôn có chỗ đứng gần nhau mà không hề xung đột. Những đợt sóng lịch sử và kiến trúc kiểu này luôn là một phần lớn của tiến trình văn chương, nghệ thuật Việt Nam, và chúng giải thích vì sao dù khác nhau biết mấy, nhưng các nhà thơ và các nhà văn đất này vẫn đồng điệu và đồng cảm trong những giai đoạn có tính bước ngoặt của vận mạng đất nước.

Hội Nhà văn Việt Nam, tổ chức chính thống thích đáng duy nhất của các cây bút trên dải đất mảnh dẻ ấy, đã mời hơn 250 nhà văn, nhà thơ, dịch giả, xuất bản gia, biên tập gia, và các nhà hoạt động xã hội có uy tín từ khắp nơi trên thế giới về dự một sự kiện có tính mẫu mực của văn học, để đề cao những giá trị, những đường bao, và những chủ đề nóng hổi của nó, ít nhất là trên phạm vi tiếng Việt thực hành.

Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 ư? Chẳng quan trọng, nếu nghĩ đến văn chương theo kiểu một hình thái ý thức sang trọng có từ thời Liên bang Xôviết cũ, khi văn chương là vũ khí đấu tranh để giải phóng những người đau khổ, cứu chuộc những kiếp người ly tán, xô dạt trong những cuộc tranh giành quyền bính.

Hiện thực xã hội chủ nghĩa ở đâu? Ngược chiều hay xuôi cùng lý tưởng của các nhà thơ, nhà văn hiểu rất rõ vai trò của văn chương trên mảnh đất này, thì cũng không làm giảm đi sự tham dự vô cùng tích cực của họ vào cuộc Liên hoan.

Kevin Bowen, một người lính cũ, từ một cuộc chiến tranh cũ giữa Mỹ với Việt Nam, lại cũng là một nhà thơ dám và biết cách ghi chép, giờ đây đã trở thành người sáng lập ra cái tập thể rất đáng ngưỡng mộ: Nhóm các nhà thơ Việt Nam và Mỹ muốn hàn gắn vết thương chiến tranh. Ông ấy đã hỗ trợ cho việc đi lại, sống, và giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ Mỹ và Việt Nam trên đất nước của nhau, thúc đẩy những cuộc đối thoại rất, rất quan trọng giữa những kẻ thù khi xưa, rồi đẩy lùi những trở ngại khi mà nhà văn phía này muốn xuất bản những sáng tác viết về phía kia trên mảnh đất còn nhiều nghi ngại của cả hai phía.

Một sự khởi đầu khó khăn khi cả hai chính phủ còn đang hồ nghi, trong khi có rất nhiều các nhà văn cựu chiến binh dấn tới. Rồi sự thật đằng sau nghi án Việt Nam tàn sát bè lũ Kh’me đỏ nữa. Trong một đất nước, nơi sách vở, các tác phẩm nghệ thuật còn phải lưu tâm đến các khía cạnh của hiệu ứng cộng đồng, thì quả thực ý tưởng và việc làm kiểu như vậy của các nhà văn là không đơn giản. Nhưng những người trẻ tuổi, các nhà văn, nhà thơ giàu chất lãng mạn và niềm tin yêu con người thì vẫn luôn tìm được cách thuyết phục chính thể, đẩy tới những dự án thoạt nhìn như thể thuộc về phạm trù bất đồng chính kiến.

Trong khi chính thể và bộ máy hành chính Việt Nam đang dồn sức kỷ niệm những di sản yêu nước thương đời của nhà thơ nổi tiếng trong quá khứ Cao Bá Quát, thì những bạn bè văn chương quốc tế cũng được đối tác chủ nhà mời đến thăm quan quê hương mà từ thế kỷ 19, nhà thơ họ Cao đã ra đời rồi lớn lên, trưởng thành, kiến tạo nên những đường biên giới mới của chủ nghĩa anh hùng và nhân văn Việt Nam.

Thế giới đã hiển ngôn và sự nghiệp thi ca phóng khoáng giàu chất Hip Hop của Cao Bá Quát, cũng như các nhà văn nhà thơ thế hệ sau ông, đã theo đường tự xuất bản (samisdat) đến với quảng đại công chúng Việt Nam nhiều thế hệ, đặc biệt là những nhân sĩ trẻ tuổi, có tri thức, giàu ước mơ hoài bão, tạo thành một cốt nền linh động, mỗi ngày một thân thiết với đa phần người dân xứ sở này.

Ngày nay, văn chương cứu đời, dù đã được diễn đạt dưới những khái niệm mới, vẫn luôn là thứ phương tiện quan trọng nhất của cái xã hội trong đó 70% là những người trẻ tuổi dưới 30 tuổi. Họ là thế hệ đầu tiên không bị chiến tranh trùm rợp, không bị khủng hoảng kinh tế làm rối loạn trí tưởng tượng. Thơ ca và văn xuôi tự sự, dù được phổ cập từ các thế hệ máy tính hay điện thoại thông minh mới nhất, cũng không làm mất đi được ý nghĩa của các áng văn chương day diết, đau đáu của các tác giả nghiêm túc. Tất nhiên có những đề tài cần phải có sự điều đình giữa các thế hệ cầm bút, nhưng những thực thể văn chương ngay lập tức (kiểu mỳ ăn liền) như tình dục, bạo lực, dung tục... thì chưa bao giờ chiếm được chỗ đứng đằng thẳng trong xã hội Việt Nam.

Tuy vậy, trong lúc Bảo tàng Văn học Việt Nam vẫn luôn chào đón các nhà văn cựu binh Việt Nam, và thế giới, như những người anh hùng thì các cây bút hiện đại cũng đã từng bước tạo dựng dần hình ảnh của họ, khiến văn chương xứ sở này giống như một thứ hỗn hống giàu sức liên tưởng và tái sinh, hệt như hình ảnh thủ đô Hà Nội vừa cổ kính vừa hiện đại bên dòng Hồng Hà muôn đời thắm đượm.

Tôi cứ day dứt mãi, không hiểu Cụ Hồ có lúc nào giận cháu con đã không cho Cụ về với đất mẹ như ý nguyện của Cụ từng đề cập. Nhưng rồi tôi nghĩ, khi mà cả nước cùng ý nguyện muốn tạo dựng những giá trị tinh thần bất diệt, kiểu như thơ văn làm gương cho cả cuộc đời, thì Cụ cũng chẳng hẹp hòi gì mà không đồng ý với lớp hậu thế mà chính Cụ vẫn gọi âu yếm bằng hai chữ: Đồng bào.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *