Từ đời vào văn

25/9
2:57 PM 2017

NHỚ TRẦN HÒA BÌNH

Văn Giá: Sinh thời, Trần Hòa Bình được xem là một thi sĩ tài hoa hết mực. Anh nổi tiếng sớm từ những năm 80 của thế kỷ XX với những bài "Thêm một", "Sơn Tây một phía", "Mùa thu ở ngoại thành"...Tuy in rải rác đây đó, tên tuổi cũng đã quen thuộc trong làng thơ khó tính lúc bấy giờ, nhưng anh chưa kịp in tập thơ riêng nào.

                                                             Nhà thơ Trần Hòa Bình

Thế rồi, tai họa ập đến. Anh bị mất đột ngột vào mùa thu năm 2008 khi mới vào tuổi 53, tuổi mà tài năng đang vào độ chín. Anh đã kịp để lại cho đời những bài thơ thuộc vào hàng thơ hay của nền thơ Việt Nam hiện đại.

CHÀNG THI SĨ CỦA NHỮNG KHÚC RU TÌNH

Nếu được hỏi trong cuộc đời, Trần Hoà Bình sợ nhất điều gì, chắc chắn anh sẽ trả lời rằng sợ nhất sự già, già ở đây trước hết được hiểu theo nghĩa đen, tức là tuổi tác, nhưng chủ yếu là nghĩa ẩn dụ: cái cằn cỗi, xơ cứng của tâm hồn. Trong đám đông, anh hay tưng tửng: “Trần Hoà Bình vẫn đang ở tuổi yêu!”. Ngẫm ra, cái câu đùa đùa ấy, lại rất đúng với thơ Trần Hoà Bình. Từ những bài thơ đầu tiên cho đến bài thơ cuối cùng, thơ Trần Hoà Bình hiện thân của một tâm hồn lúc nào cũng trẻ, lúc nào cũng yêu. Nhà thơ Trần Hoà Bình mãi mãi đang ở tuổi yêu. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo rằng thơ Bình mãi thuộc về tuổi trẻ.

Cho tới nay, nhà thơ Trần Hoà Bình chưa cho ra đời một tập thơ nào (trừ mấy tập truyện thơ thiếu nhi in chung). Thơ anh chỉ thi thoảng đăng trên các báo. Mà đăng ở báo, anh cũng không kén chọn gì, từ Văn nghệ, Người Hà Nội, cho đến Tiền Phong, đến cả tạp chí Gia đình và hạnh phúc lứa đôi... Đăng báo xong, rồi thì sẵn đấy, có một số bài được các nhà làm tuyển chọn đưa vào. Tuy chưa có một tập thơ nào, ấy thế mà Trần Hoà Bình mặc nhiên được người trong giới bao giờ cũng coi anh là nhà thơ chính hiệu. Cái danh xưng nhà thơ thực sự không phải ở chỗ cứ phải có tập thơ này nọ, mà có tập vị tất đã thành nhà thơ, cái quyết định là ở chất lượng thế nào.

Trần Hoà Bình có thiên tư nghệ sĩ từ rất sớm. Năm 1973 anh đã có thơ đăng trên một số báo trung ương, và được Đài tiếng nói Việt Nam ngâm ngợi nhiều lần. Năm 1974 anh vào khoa văn Đại học sư phạm. Bắt đầu từ đây, thiên tư nghệ sĩ được gặp mảnh đất tươi lành, hồn thơ bắt đầu bừng phát. Lúc ấy, nói đến đời sống văn nghệ thủ đô, ngoài các trung tâm lớn như Hội nhà văn TƯ và Hà Nội, báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội ra, không thể không tính đến hai trung tâm văn chương trẻ trung và rất trí thức, đó là khoa văn của hai trường Sư phạm và Tổng hợp - nơi đóng góp nhiều gương mặt tài danh cho đất nước. Trần Hoà Bình có một khởi đầu ở nơi môi trường sinh viên đẹp đẽ như thế.
Đời thơ Trần Hoà Bình có thể hình dung qua hai quãng: thứ nhất, từ những năm 70 đến năm 86 của thế kỷ XX, và thứ hai: từ đó cho đến lúc qua đời. Trong suốt chặng đường ba mươi năm lẻ ấy, thơ Bình lúc nào cũng mang “phong vận” của một người trẻ tuổi hào hoa.

MỘT HỒN THƠ "THANH KHIẾT TRẺ TRUNG"

Phải nói ngay rằng toàn bộ thi phẩm của Trần Hoà Bình ra đời vào quãng 1973- 1986 là hoa trái của một hồn thơ thanh khiết trẻ trung. Chữ “thanh khiết, trẻ trung” tôi mượn ngay chính cách nói trong câu thơ của Trần Hoà Bình: “Thanh khiết, trẻ trung như lời ngỏ ban đầu”. Một chàng trai xứ Đoài căng tràn nhựa sống, vừa được ném từ vùng quê trung du Ba Vì ra đất Hà thành, lọt thỏm trong môi trường sinh viên hào hoa, trí thức. Lại sống trong một nền nếp giáo dục mà người ta rất khéo để cho mỗi sinh viên không bao giờ cảm thấy buồn chán, lo âu, mà ngược lại, lúc nào cũng cứ được đắm vào cái cảm hứng lạc quan, hướng về tập thể, cái chung, hướng rộng ra đất nước. Vào thời ấy, ai cũng thế, nhất là giới sinh viên. Trần Hoà Bình cũng đem lòng dan díu với muôn lòng, với quê hương xứ sở. Cảm hứng có tính chất đồng ca ấy cũng đã thôi thúc Bình cho ra đời hàng loạt các bài thơ công dân, nghĩa là hoà lẫn tình riêng vào tình chung rộng lớn. Vào ngày đó, toàn là những xúc cảm chân thành, không hề có chút gì giả tạo. Anh viết về quê anh với những vần thơ ngợi ca cuộc sống, con người, khung cảnh nông trường đang tươi da thắm thịt qua những bài như: Bài thơ dứa ở trung du mới, Ở Ba Vì, Đàn trâu qua trung du, Một thoáng trung du, Ghi chép ở đồi, Anh kỹ sư và những vùng đồi…Đại loại thế.

Phải thành thật nói rằng, bây giờ nhìn lại, thơ Bình lúc khởi đầu vẫn còn nhiều dễ dãi. Tuy thế, phẩm chất thi sĩ tài hoa ở anh đã bắt đầu phát lộ. Các nhà thơ trong giới và bạn đọc lúc bấy giờ phải thừa nhận và hy vọng nhiều vào cây bút đầy hứa hẹn này. Đây là điều cực kỳ quan trọng. Nó hé mở cho thấy chỗ đến cuối cùng của Trần Hoà Bình như sau này là đã trở thành một nhà thơ đích thực. Phẩm chất thi sĩ lúc này tìm thấy ở đâu? Xin thưa: ở những bài thơ lập tứ thông minh, ở những thi ảnh tươi tràn bén nhạy về sự sống, và cuối cùng là ở những câu thơ hay, rất mực tài hoa.

Người trai trẻ Trần Hoà Bình nhìn trẻ con chơi bóng bay, được bé hỏi tại sao người lớn không chơi bóng bay, và câu trả lời: Họ chơi với bao quả bóng khác vô hình/ bay đầy trên trái đất (Trẻ con chơi bóng bay). Bài Khi mùa mưa đến là bài thơ thuộc vào loại khá (đã tuyển vào Thơ Việt nam 1980-1985, NXB Tác phẩm mới) được triển khai trên một cái tứ khá đẹp: “Khi mùa mưa đến em ra bãi/ Ngô mía đôi bờ xanh vút theo”. Một bức tranh thiên nhiên đồng bãi nồng nã sự sống thanh xuân, tươi trẻ, tình tứ, hoà quyện giữa ngoại vật với con người. Thời đó và cả sau này, không ít bài thơ của Trần Hoà Bình cũng sáng lên cái thông minh, đột xuất ở tứ như vậy: Với dòng sông ấy, Thêm một, Chiếc kẹo…

Nói là ở thơ Trần Hoà Bình giàu thi ảnh bén nhạy về sự sống, thì đó cũng là lý do chủ yếu để làm nên một số câu thơ giàu phẩm tính thi ca, hay nói cách khác, những câu thật tài hoa của anh. Có thể kiểm chứng điều này qua một liệt kê ngẫu hứng dưới đây:
- Sửng sốt gặp màu hoa gạo
trên trời Phúc yên
(…)
Ôi cái bông hoa sáo mòn bởi nhạc và thơ
trước mắt nhìn bỗng ngây thơ vỗ cánh
như một con chim lửa
(Nhật ký)
- Thở mãi không cùng hương đất bãi
Mưa như gót trẻ kéo nhau về 
(Khi mùa mưa đến)
- Con sông nhỏ, sóng vỗ bờ chẳng có
Áo vắt vai đi dọc mãi không ngồi
(Với dòng sông ấy)
- Lơ đễnh ven đường hoa sấu rụng
Giếng đá gầu va nghe rất xa
(Phố mía)
- người ra sông vắng tìm cát trắng
sóng nước tung đầy hai bắp tay 
(Mùa thu ở ngoại thành)

Thơ Bình quãng tuổi trẻ trung lúc này có vô số những câu thơ mát lành, tế vi như thế. Những xúc cảm của Bình thật tinh nhạy, lắng nghe và nắm bắt được cả những tiếng động cựa rất mơ hồ của sự sống. Toàn là những câu thơ vô cùng thanh khiết, trong vắt, hướng về sự sống thân thiết quanh mình. Tâm hồn chàng thi sĩ đôi mươi lúc ấy đang còn nhung tuyết lắm.

Nếu chọn một cách thật nghiêm ngặt thơ Trần Hoà Bình trong chặng đầu này, theo tôi nghĩ, có hai bài xứng đáng được lưu giữ trong ký ức thi ca của người đọc hôm nay: Khi mùa mưa đến và Với dòng sông ấy.

Bảo là quãng thời gian này thơ Bình chủ yếu là hướng ngoại thì cũng đúng. Nhớ lại cái mốc tháng 2 - 79, khi có lệnh tổng động viên, đêm đêm những đoàn quân ngược bắc lên biên giới, đám sinh viên các trường đại học cũng được đi lên đào phòng tuyến sông Cầu. Cả Hà Nội rùng rùng chuyển động. Đất nước lâm nguy. Vào lúc này, Bình làm thơ rất nhiều. Anh làm thơ lên đường. Anh hoá thân trong vai người lính. Anh viết về ba lô và cây súng: “Câu hát vẫn thuỷ chung ngày đánh giặc/ chiếc ba lô/ cây đàn cũ/ xanh chiều trung du, tím chiều Việt Bắc/các anh đi năm tháng ấy trường kỳ” (Nhật ký). Một loạt các bài khác đăng trên báo lúc bấy giờ khiến tên tuổi Trần Hoà Bình rất được chú ý: Mùa xuân đưa tiễn, Người chơi đàn bên đôi nạng gỗ, Gửi Tuấn ở Lạng Sơn, Cho một người nghe hát tình ca…Làm sao thơ không hướng ngoại cho được khi tất cả tuổi trẻ hồi hộp trong từng phút giây trước sinh mệnh Tổ Quốc bị đe doạ. Thế nên, không thể không ghi nhận ở Bình một điểm này: ngay từ lúc ban đầu, thơ anh đã một niềm gắn bó thân thiết với con người, rộng ra là nhân dân, đất nước. Về sau, tuy không nhiều lần trực tiếp, nhưng cảm thức của nhà thơ vẫn thường đập vỗ với mạch chảy đầy âu lo và biến động của cuộc đời.
Thơ của Bình lúc này là tiếng lòng của một gã si tình đắm say cuộc sống.

NHỮNG KHÚC RU TÌNH "DỊU DÀNG CAY ĐẮNG"

Bây giờ xin lý giải tại sao lại lấy mốc 1986 để chia hai quãng trước và sau của đời thơ Trần Hoà Bình. Năm ấy là năm “giời cho”Bình có được bài Thêm một. Nhờ bài Thêm một, lập tức Trần Hoà Bình được biết đến như một thi sĩ tài hoa, và cả…đào hoa nữa. Bài thơ nổi tiếng đến nỗi khi nhắc đến Trần Hoà Bình, người ta biết ngay là tác giả của bài Thêm một. Và cũng chỉ với bài Thêm một. Nghĩa là bài Thêm một đánh bạt những thi phẩm khác của chính Trần Hoà Bình. Cái đứa em “sinh sau đẻ muộn” này bỗng nhiên được trao ngôi chúa. Bài thơ được khởi sự từ một câu thơ cổ: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu”. Nhưng ý thơ từ câu thơ đó chỉ là một cái cớ, một bệ phóng cho Bình triển khai các câu thơ theo cách trẻ trung, phóng túng, rất đời, nhưng cũng lại chạm được vào những trạng thái phổ quát của chuyện tình muôn thuở: “Thêm một lời dại dột/ tức thì em bỏ đi/ nhưng thêm chút lầm lì/ Thể nào em cũng khóc… Nhận thêm một thiếp cưới/ Thấy mình lẻ loi hơn…” Cứ thế, chàng thi sĩ của chúng ta đã làm được cái điều không phải thi sĩ nào cũng làm được: biến thơ ca thành những lời khải thị cho đám chúng sinh trẻ tuổi đang mê mệt vì yêu.

Thế rồi, kể từ Thêm một trở đi, thơ Trần Hoà Bình có nhiều đổi khác…
Trần Hoà Bình rất ít khi nói chuyện thế sự. Anh rút hẳn vào trong bản ngã. Hay nói một cách đúng với Trần Hoà Bình hơn: anh để tâm đến thế sự theo một cách khác, sâu hơn, ưu tư hơn, lặng lẽ hơn. Một thời tuổi trẻ với “những nỗi say mê tuyệt vời và khờ khạo làm sao” như ai đó nói đã dần qua. Như phù sa đã thành đất nâu bờ bãi. Thơ Trần Hoà bình không thấy vui nữa, chỉ thấy toàn một điệu buồn. Ngay sau Thêm một, bạn đọc lại được biết đến Sơn Tây một phía. Nếu như Thêm một đi ra từ sự thông minh cộng với tài hoa thì ở Sơn Tây một phía, không chỉ có tài hoa (“Thành hào cũ phong bao một bài thơ cổ/ Chẳng biết dành tặng ai, yên tĩnh quá chừng”), mà còn có cả nỗi xúc động chân thành: “Mẹ ơi mẹ con lại về bẻ củi/ Bữa cơm chiều cuối năm nghe lửa réo quanh nồi”. Câu thơ chạm vào nơi rất sâu trong tâm hồn của những kẻ tha hương.

Giờ đây trong thơ, anh đã trải những ưu tư về nghề nghiệp mà anh đang đang đeo đuổi: viết văn, làm báo. Phải nói thêm rằng, ngoài đời, Trần Hoà Bình là một nhà báo giỏi, sinh sống bình ổn và có lúc cũng phong lưu bằng nghề, lại là giáo viên dạy ngành báo chí. Cộng với sự va đập của một người viết báo chuyên nghiệp, có lúc từng đảm trách sinh mệnh của một, hai tờ báo, Trần Hoà Bình thấy hết được nỗi vinh nhục của nghề này. Điều mà anh nặng lòng nhất là sự trung thực, hay nói cách khác bản lĩnh dám sống là mình của mỗi người cầm bút. Nó đã trở thành nỗi dằn vặt trong thơ anh. Trong bài Một ý nghĩ về nghề, nhân thông tin: năm 1989, khoảng 600 nhà báo trên thế giới bị giết và hàng trăm nhà báo khác bị bắt, nhà thơ Trần Hoà Bình nghĩ: “Kẻ bắn các anh chưa thèm hổ thẹn/ Nhưng người đọc các anh đã lặng lẽ cúi đầu/ Và một ý nghĩ chợt làm tôi tắc nghẹn: / còn bao nhiêu đồng nghiệp của chúng ta/ đã tự bắn vào mình/ bằng trái tim quả lắc”. Những suy tư tương tự như thế lại một lần nữa được thể hiện trong bài Trước một tấm ảnh các nhà văn trong kháng chiến: “Các anh đang nhìn thẳng/ cái nhìn chưa bị tổn thương pha một chút hồn nhiên thơ trẻ/ khao khát và cả tin/ Các anh đã từng muốn nhìn thẳng!”…

Hồn thơ này cũng hay xúc động trước những nỗi khổ đau, hoặc cảm kích trước những Cái Đẹp siêu việt. Những bài như Một lần chạm cốc, Y Moan với chiếc micro điện tử, Mây trắng bay thuộc loại này. Ở đây, thỉnh thoảng bắt gặp những câu thơ thật xuất thần: “Hình như có tiếng ai vừa kẹt cửa?/ à không, ký ức ta đến đòi” (Một lần chạm cốc); hoặc: “Chiếc micro điện tử trong tay/ Như một chuôi kiếm bạc/ Sân khấu nổ tung/ Bay lên tấm áo choàng nhức mắt/ Như vó ngựa hoang/ Quăng vô định trên đồng cỏ vắng/ Thật khủng khiếp/ Khi người ta hát bằng nước mắt/ Y Moan/ Anh hát bằng nước mắt Ê đê!(Y Moan với chiếc micro điện tử)…

Nhưng tôi muốn nói điều này hơn cả: kể từ thời điểm Thêm một (1986) trở đi, đây là chặng thơ hay nhất của Trần Hoà Bình, và những bài thơ hay nhất lúc này lại thuộc về thơ tình hết thảy.
Trong đời thực, Trần Hoà Bình là kẻ đào hoa. Kẻ đào hoa có cái hay nhưng cũng không ít phiền toái. Giời chẳng cho không ai một cái gì. Những bóng hồng đến rồi lại đi. Có khi chỉ là cuộc tình thoáng qua. Có khi để lại vết xước lòng rỉ máu. Có khi bỏ người ta. Cũng lại có khi người ta bỏ…Anh không bao giờ cảm thấy yên lòng, không bao giờ chịu dừng chân một bến, vẫn cứ thèm khát một mẫu hình hoàn hảo theo cách hình dung của riêng mình. Đi. Cứ đi. Và chỉ gặp niềm “đơn lẻ”. Thơ Trần Hoà Bình là điệu hồn bơ vơ của kẻ khát tình. Hàng loạt những bài thơ tình ra đời sau 1986 trong cái tâm thế ấy.

Anh trong vai người mong nhớ: “Anh vẫn đợi từ chân trời xa kia/ tiếng em reo như mưa/ qua sa mạc nhớ/ trái tim gõ nhịp chuông điện thoại” (Trái tim telephone); Ta không nhớ tuổi nhưng ta nhớ em/ Chính vì nhớ em mà ta không nhớ tuổi/ Em đâu rồi/ Ôi, sương khói mùa đông! (Miền cỏ phơi)…
Anh trong vai người thất tình: “Ta thương em mà không sao thưa được/ ta yêu em mà không sao nói được/ sen ngủ trong bình, em thức trong ta” (Bài hát ru hoa sen).
Anh trong vai người suy nghiệm về tình yêu: “Dĩ nhiên là tôi biết/ Thêm một lắm điều hay/ nhưng mà tôi cũng biết/ thêm một phiền toái thay” (Thêm một); “Quì trước núi mà tin thôi em ạ/ ai trong đời chẳng có một Khau Vai” (Khau Vai).

Nhưng chung qui, tất cả đều châu tuần vào một vai chính quan trọng nhất, sắc nét nhất: người chuyên tâm những khúc ru tình. Anh hát ru người tình đang trong xa cách. Anh hát ru người tình vừa mới bỏ nhau. Anh hát ru người đàn bà không yêu chồng. Anh hát ru cho người tình cũ đi lấy chồng… Và cũng là lời hát tự ru mình, tự an ủi niềm đơn lẻ của chính mình. Vì thế, âm hưởng chính ở những bài thơ này là sự hoà điệu của “dịu dàng cay đắng” - vừa có cái chất ru vỗ dịu dàng, vừa là nỗi tự cảm đắng cay. Với mạch chảy tâm tình ấy, Trần Hoà Bình có một số bài thơ hay đột xuất: Bài hát ru hoa sen, Bắt chước dân ca Mông, Mai em về nhà chồng, Khau Vai. Danh sách này có thể còn nối dài thêm được nữa.

Quãng năm 90 của thế kỷ trước, Trần Hoà Bình vừa trải qua chuyện đổ vỡ gia đình, giành quyền ôm con tìm nơi ở khác. Rất may, anh không rơi vào chán chường, buông thả, mà ngược lại, anh sống rất khoẻ, chan hoà, thêm rất nhiều bạn bè là các đàn em, cả trai lẫn gái. Có lẽ đứa con gái bé bỏng của anh đã làm nơi nương tựa của tâm hồn anh khi ấy. Nhiều năm sau, một hôm ngồi khan với nhau, rất buồn, tôi hỏi: “Sao anh không lấy vợ đi?”, anh rầu rầu nói: “Mình sợ nhất là lấy người đàn bà nào về mà lại không yêu được con mình”. Nghe xong, cả tôi và anh im lặng mãi. Tôi biết lòng anh đang tê tái.

Hình như anh chủ trương không đi bước nữa. Nên anh tự cho phép mình bước vào các cuộc tình một cách dễ dàng, thậm chí có cả những lần dễ dãi. Mà khổ nỗi, có những em gái trẻ xinh cũng mê Trần Hoà Bình với nhiều động cơ khác nhau: người mê danh tiếng nhà thơ, kẻ mê nơi chốn cửa nhà, người chỉ vui chơi tặc lưỡi, cũng lại có kẻ yêu mê mệt chẳng vì cái gì cả, đơn giản chỉ yêu thôi, như bị bỏ bùa…Không có cuộc tình nào đọng được lâu. Gã khát tình Trần Hoà Bình nhiều lúc như một đế vương, lắm lúc lại khánh kiệt như một gã ăn mày. Nhưng dù là đế vương hay ăn mày, thơ anh vẫn ngợi ca tình yêu bất tuyệt, vẫn trân trọng những vẻ đẹp u buồn và sống động của gương mặt người tình. Bài hát ru hoa sen là khúc ru tình đơn phương, dè dặt, vời vợi của thi nhân dành cho một người trong xa cách và cơ chừng vô vọng. Ru hoa sen cũng là cách tự ru vỗ, an ủi lòng mình. “Và em nữa đã bao giờ em khóc/ Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền/ Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền”. Bài thơ đẹp từ đầu đến cuối, đẹp trong thi tứ, thi ảnh, thi điệu, dư ba. Bài hát ru hoa sen cắm một dấu vàng trong hành trình thơ của thi sĩ.

Không day dứt bằng Bài hát ru hoa sen, nhưng bài Không đề của Trần Hoà Bình lại có cái giọng tiêu biểu cho một khúc ru tình với những lời thơ dìu dặt:
Một con đường khác một chân trời khác
em hãy đi đi …
Một vòng tay khác một lời ru khác
Em hãy ngủ đi…
Mây bay đầu núi sương giăng cuối ghềnh
còn đây thơ Trần còn kia nhạc Trịnh
xa vời ngàn giấc mơ yêu…
Và đây là một lời ru khác nữa: “Nếu em yêu chồng thì thôi/ nếu không yêu chồng/ đêm quay nhìn song cửa/ vía chúng ta tìm nhau trong ngôi sao lẻ/ giọt nước mắt gieo ngân ngấn cuối trời”(Bắt chước dân ca Mông). Những câu thơ có cái uy lực đi được cả vào buồng ngủ vợ chồng người ta để mà…quyến rũ! Thơ ca như thế rất cần để đánh thức quyền được sống được yêu và được không yêu của tất thảy phụ nữ trên trái đất này. Thơ Bình cứ có cái sức hút ma mị chết người như thế đấy.

Tôi muốn nói tới một khúc ru cuối cùng của thi sĩ Trần Hoà Bình để lại: bài thơ Khau Vai. Anh đã khởi bút từ năm 2007. Khi đang còn là bản thảo, tôi đã được nghe anh đọc một lần. Lúc ấy đã thấy hay. Nay tìm trong di cảo của anh thấy bài thơ được hoàn thành với cái mốc ghi ở cuối bài: “Khau Vai 2007 - Lục Nam 2008”, nghĩa là vừa mới ráo mực cách đây ít lâu. Chẳng biết so với lúc tôi được nghe có khác nhiều không, nhưng đến văn bản hiện có này, đích thực là một bài thơ tình đặc sắc. Hãy nghe những lời thơ như cắt cứa: “Nếu một mai mình không lấy được nhau/ em có đi tìm anh/ qua điệp trùng đá sắc/ những Khau Vai bầm dập dấu chân người?/ Trời ơi Khau Vai/ Khau Vai nhìn qua nước mắt/ bao bong bóng về trời thương buồn gửi lại”. Những lời thơ như ru vỗ, nhủ lòng: “Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió/ em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình”. Với Khau Vai, Trần Hoà Bình đã chạm vào một điều rất sâu: sự bất toàn trong tình yêu của mỗi kiếp người.

Thơ của Bình không chỉ có thơ tình. Nhưng với những bài: Thêm một, Bài hát ru hoa sen, Bắt chước dân ca Mông, Mai em về nhà chồng, Khau Vai, cả năm bài thơ hợp lại làm nên một chứng chỉ: Trần Hoà Bình là thi sĩ của tình yêu tuổi trẻ chuyên tâm những khúc ru tình. Như chính câu thơ anh viết: “Lời anh sẽ về bên gối lạnh/ bao dịu dàng cay đắng đêm nay” (Bắt chước dân ca Mông).

THƠ TRẦN Ở LẠI...

Trần Hoà Bình rất hay tìm đến những hình ảnh thuộc về không gian rộng rãi, khoáng đạt. Nào những con sông chảy trước nhà, những bầu trời Phúc Yên hoa gạo đỏ, những biển Nha Trang, những Hải Phòng hoa phượng, thảo nguyên đồng cỏ, bờ bãi bên sông, những cơn mưa đầu hạ…Ấy là nói trước kia. Sau này, anh cũng lại hay tìm đến: ngàn trùng dâu bể, sa mạc nhớ; những đêm phương Nam, những Từ Sơn vời vợi, núi non Khau Vai “điệp trùng sắc đá”, đêm mưa xứ đồi, những mùa đông dài cô độc… Trước kia chỉ thấy nỗi vui. Bây giờ toàn những nỗi buồn. Trần Hoà Bình là kẻ “phiêu du” từ trong cốt tuỷ. Vui cũng đi. Buồn lại càng đi. Hễ hở ra tí thời giờ nào là đi. Đời sống của anh là những chuyến đi không biết mỏi. Dĩ nhiên, do công việc của một giáo chức ăn lương, lại một mình nuôi con nhỏ, nên anh không dám có những chuyến đi dài. Đi ngắn, về nhanh, cốt là được đi, được xa cái không gian quá tải công việc, quá tải gặp gỡ, nhất là ký ức, vâng, quá tải ký ức. Những kẻ có một đời sống phong phú, lãng tử như Bình, lại ăn ở với Hà Nội quá lâu như Bình làm sao có thể chịu đựng nổi ký ức. Thân phận Bình giống y như người tình nhân bé bỏng của Bình: “Em gầy thế làm sao em chịu được/ những đêm phương Nam ký ức ngập tràn”. Cho nên, đi là cách vượt thoát chính mình, là cách biết thương xót chính mình, là cách làm cho lòng mình tránh khỏi nguy cơ tê liệt. “Chúng con như chiếc lá bàng phiêu du trong gió”; “Tóc thề ảo ảnh chân trời vắng/ có lẽ phiêu du đến chót đời”; “Em sông Thương tóc không còn dài nữa/ Tôi ôm mộng phiêu du như nước chảy chân cầu”; “Anh lại bay dưới bầu trời đơn lẻ/ Với đôi cánh ba mươi đã bị trúng thương”… Thơ của Trần Hoà Bình như những bông hoa hái được trên đường phiêu du qua nhiều năm tháng, với nhiều nơi chốn khác nhau. Mà suy cho cùng, chuyện tình yêu tình tang của anh với những gương mặt khác nhau cũng mang hình hài của những cuộc phiêu du: “Tím mê mệt những bông hoa mua/ Nốt nhấn một tình yêu phiêu lãng” (Thơ chiều);“Tờ lịch rụng một tháng ngày đơn lẻ/ Đã hết một tình yêu, qua một bến bờ” (Khúc giã biệt).

Thì ra, không phải ngẫu nhiên, thơ Bình nói rất nhiều đến cơn mưa. Trong những khung trời phiêu du mê mải ấy, hình ảnh cơn mưa được Trần Hoà Bình để tâm và gửi gắm nhiều nhất. Ngay từ những bài thơ đầu tiên, Bình đã có những câu thơ viết về mưa khá ấn tượng: “Những giọt mưa từ đâu/Dưới trời đêm gõ hoài trên mái lá/Như ý nghĩ những đêm xa nhớ/Chẳng biết đến từ đâu, chẳng biết nói những gì…”; Cơn mưa sớm tan nhanh/ Trời xanh đáng yêu như trẻ nhỏ”; “Mưa như gót trẻ kéo nhau về”…. Sau này Bình viết: “ tiếng em reo như mưa/ qua sa mạc nhớ”; “Nào mưa đi cỏ thần tiên sẽ biếc/ có một con chim vàng gõ cửa hồn nhiên(…)/ Sao luyến tiếc một nơi chưa hề đến/ này Lai Châu mưa ướt hết thơ rồi!”; “Mai em về nhà chồng/ mưa theo em ròng ròng thương nhớ/ mai em về nhà chồng/ nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa”… Ngày chúng tôi đang thời cao học ở Đại học sư phạm vẫn cùng nhau ngâm nga ca khúc phổ bài thơ Mưa nhớ của Trần Hoà Bình do một người trong nhóm bạn chúng tôi sáng tác. Bài thơ ấy hiện chưa sưu tầm được, chỉ còn nhớ giai điệu bài hát thật trong sáng, tha thiết với những ca từ rất đẹp: “Mưa xa rồi/ chỉ còn anh với màu mây thôi/ giọng chim nào chợt hót/ cọng rơm vàng mặt trời/ mưa trong anh và anh trong mưa…”. Tất cả những thi liệu trên cho thấy, hình ảnh cơn mưa với nhiều dáng điệu khác nhau trong hồn thi sĩ này chính là biểu tượng cho những gì trong lành, trẻ trung, hồn nhiên hết mực. Đó là tiếng của thiên nhiên, của bản tính nguyên sơ thánh thiện nhất mà con người hằng hướng vọng. Với Trần Hoà Bình, trong những chân trời phiêu du “dịu dàng cay đắng” của anh, tiếng mưa hài đồng thanh khiết trẻ trung ấy luôn như tiếng chuông nhỏ mơ hồ thầm thì vẫy gọi anh, gìn giữ anh, gột rửa anh những lúc đơn lẻ u buồn.

Ai cũng thấy, Trần Hoà Bình là một gã ham chơi có hạng. Trên là nói chuyện đi nói chung. Ngay cả trong những dịp sinh hoạt văn hoá có tính phong tục ở mọi miền đất nước, nếu không vướng víu gì lắm, thể nào Bình cũng tìm cách có mặt cho bằng được. Tôi là một thường nhân, không có được cái tư thế thi nhân, nên khá nhiều cuộc được Bình rủ rín, tôi đành thở dài thoái thác. Trần Hoà Bình thích thú với những vùng đất lạ, yêu cái ăn cái uống thổ ngơi, yêu câu ca điệu hò điệu lý, nhất là điệu quan họ và điệu chầu văn…Đi để nhìn ngắm và thụ hưởng. Những chuyến đi như thế làm cho tâm hồn thi sĩ được thôi thúc, được nảy nở. Nhà nghiên cứu văn hoá người Mỹ gốc Trung Quốc Lâm Ngữ Đường nói một câu chí lý: “Văn hoá là hoa trái của sự nhàn hạ”, ý ông muốn đề cao sự nhàn hạ của tâm hồn, không bị vướng vào vòng tiền tài danh vọng. Đó chính là điều kiện cho sự sáng tạo. Hoa trái thi ca, nghệ thuật, Cái Đẹp sinh ra từ đấy. Các nhà nho tài tử thị tài và đa tình của văn hoá phương Đông và Việt Nam là như thế. Các ông đều ngông, khí khái, ham chơi, đều thích lang thang cả. Cái máu tài tử ấy vẫn còn chảy mạnh mẽ trong văn hoá Việt. Nói riêng về xứ Đoài, chỉ tính từ Tản Đà thôi, sau đó phải kể đến Quang Dũng, các ông thuộc loại “đệ nhất lang thang”. Và sau này, môn đệ chân truyền của các ông mới chỉ tính được có hai người: Nguyễn Lương Ngọc và Trần Hoà Bình. Nguyễn Lương Ngọc giang hồ quyết liệt hơn. Ý thức làm mới thơ ca cũng quyết liệt hơn. Nên Ngọc dễ lâm vào sự gây hấn. Trần Hoà Bình thuộc tính thuỷ, ôn hoà hơn, chỉ phiêu du thôi chứ không dám giang hồ, nên cũng lặng lẽ hơn, siêu thoát hơn. Người giang hồ phải ít nhiều có cái khí chất trượng phu, thích tỏ mình, thích trở thành cá nhân vượt trội giữa đám đông. Trong văn hoá Việt, không có cá nhân giang hồ nào đáng mặt. Quá lắm cũng chỉ là: “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt/ Một tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”. Và nếu có một vài cá nhân đã từng nuôi mộng giang hồ, cũng chỉ dừng lại ở sự tỏ chí là chính, chứ chưa trở thành một hình ảnh thực tiễn. Cho nên, bằng một cách diễn đạt khiêm nhường hơn, Trần Hoà Bình hay nói nhiều đến chữ “phiêu du”. Người phiêu du không mang chí hướng gì to tát cả, mà đi cốt để hưởng đời, vui thú với đời thôi. Người phiêu du lấy cái sự chơi, được chơi làm chính. Điều đó chi phối vào ngay ý thức sáng tạo cá nhân, họ ít cái quyết liệt cách tân, mà nghiêng về phía lấy cái tài để chơi với thiên hạ. Dù cách nào đi nữa, chỗ đến cuối cùng vẫn phải kết tinh bằng tác phẩm, có tác phẩm hay mới được coi là người về tới đích. Ngọc chết quá trẻ. May mà giời xuống chiếu bắt Trần Hoà Bình đi sau Ngọc nên anh đã kịp về đích. Bài hát ru hoa sen, Khau Vai ai bảo là không hiện đại? Hiện đại đấy mà lại rất đỗi thân thuộc với cảm thức của người Việt.

Nhắc đến Nguyễn Lương Ngọc không chỉ như một cây bút cùng thuộc xứ Đoài với Trần Hoà Bình, mà cũng là muốn nhắc đến thế hệ của họ với những Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Giáng Vân, Mai Văn Phấn, Dương Thuấn, Trần Quang Quý, Nguyễn Hữu Quý, Hà Văn Thể, Hồng Thanh Quang, Inrasara và một số gương mặt khác… Phổ của thế hệ này khá rộng, mỗi người một vẻ. Họ vẫn đang đi tiếp với những nỗ lực làm mới chính mình. Nhìn Trần Hoà Bình trong số này, khởi đầu thì có vẻ nổi đình nổi đám, nhưng về sau, nhất là khoảng mười lăm năm trở lại đây, thơ Bình lắng xuống. Cũng là do anh không có tập. Đã thế lại in không đều trên báo chí. Đi đâu, giới thiệu anh đọc thơ, anh cứ lại vuỗi đi. Bây giờ cầm một sưu tập khá đầy đặn trong tay, mới biết anh vẫn lao tâm khổ tứ đều đều. Trên kia tôi nói đến cái đích tới của mỗi nhà thơ. Tôi quan niệm rằng, hễ cứ nhà thơ nào có được khoảng 5 bài thơ hay, được bạn đọc nhiều thế hệ cùng công nhận thì người đó tới đích. Thế thì, để xếp vào loại thơ hay, thơ Trần chắc chắn vượt hơn con số ấy. Nếu nói riêng về chất thơ mang vẻ đẹp tài hoa, so cùng trang lứa, Trần Hoà Bình không dễ nhường giải nhất cho ai!

Trần Hoà Bình đã bước vào một cuộc phiêu du lớn, mãi mãi khi đang ở tuổi yêu. Giờ thì anh linh Trần đang hiu hiu ở miền miên viễn. Sen vẫn thức. Cúc vẫn vàng. Những khúc ru tình vẫn đang dìu dặt…

(Nguồn: Viết cùng bạn viết- Văn Giá-NXB Hội Nhà văn)

 

Nhân ngày giỗ lần thứ 9 nhà thơ Trần Hòa Bình, xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ tiêu biểu của nhà thơ (Nguồn: Thơ Hiện thời PLUS)

***

SƠN TÂY MỘT PHÍA

Mưa nhè nhẹ rất thương choàng lên phố nhỏ
Những chiếc lá bàng trong ngõ vắng lang thang 
Thành hào cũ phong bao một bài thơ cổ
Chẳng biết dành tặng ai, yên tĩnh quá chừng!
Bỏ lại sau lưng những dặm dài cát bụi
Những ưu phiền, thành bại tuổi ba mươi
Mẹ ơi mẹ con lại về bẻ củi
Bữa cơm chiều cuối năm nghe lửa réo quanh nồi.
Chúng con như những chiếc lá bàng phiêu du trong gió
Vẫn khát nửa hồn mình được yên tĩnh tựa chiều nay
Em hiền dịu rất thương lấy chồng nơi chân núi
Biết xuân này có trở lại Sơn Tây?

BAI HAT RU HOA SEN

Ngủ đi những đoá sen 
Sen mọc bên nhà em 
Ta hái về thành phố
Đêm nay Từ Sơn ta nhớ 
Đêm nay Từ Sơn còn nhớ ta?
Ngủ đi những đoá hoa 
Giấc mơ yêu nồng thắm của ta 
Hết khổ đau lại chập chờn hy vọng 
Hạnh phúc là gì, hạnh phúc có thật không? 
Ôi những đoá sen dè dặt cánh hồng...
Ngủ đi những đoá hoa vợ chồng 
Ta ru hoa một đêm dài đơn độc 
Và em nữa, đã bao giờ em khóc 
Trước hồn sen trong vắt một ước nguyền 
Trước những cánh sen quay trong gió như thuyền?
Ngủ đi - nhưng đừng vào lãng quên 
Những bông hoa ta hái về chậm trễ 
Ta thương em mà không sao thưa được 
Ta yêu em mà không sao nói được
Sen ngủ trong bình, em thức trong ta...
Ngủ đi những đoá hoa lạ nhà 
Hãy mơ giùm ta một mùa đôi lứa 
Đêm nay hồn ta hé nở 
Nhớ một đầm sen 
Thổi gió dài tóc em...

MAI EM VỀ NHÀ CHỒNG 
Tặng N.A.T sau một đêm mưa Xuân Hoà

Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
cớ sao cơn mưa xứ đồi lại đến cùng anh
đêm thương buồn giữa hạ?
Chỉ còn đêm mưa này
ngày mai em về nhà chồng
mưa giăng trắng cánh đồng
phố xá sau lưng, bạn bè trăm ngả
anh nhìn em qua mưa hun hút dường dài...
Mọi sự đều không đúng lúc
đã quá muộn để nói lời yêu thương
lại quá sớm khi nói lời giã biệt!
mai em về nhà chồng
hết rồi những cơn mưa ướt mái đầu con gái
một đêm nào chúng ta chia tay
bong bóng nước dưới chân dập dờn nghìn hoa trắng...
mai em về nhà chồng
mưa theo em ròng ròng thương nhớ
mai em về nhà chồng
nước mắt gửi vào mưa âm thầm khung cửa...
Anh thức qua đêm nhìn mưa
anh thức qua năm tháng nhìn em
anh thức qua cuộc đời nhìn tình yêu
bong bóng nước trôi xuôi vỡ nghìn hoa cánh trắng
đâu rồi dấu chân em
in mòn thời thiếu nữ?
Cớ sao mắt em buồn như đêm mưa xứ đồi
chỉ mình anh nhận thấy?
sớm mai ra là góc bể chân trời
chúng mình xa nhau mãi mãi
đưa tiễn một thời con gái
mưa bây giờ lùa ướt tóc anh...

3 giờ sáng 19.6.1990

KHÔNG ĐỀ

Một con đường khác một chân trời khác
em hãy đi đi…
Một vòng tay khác một lời ru khác
Em hãy ngủ đi…
Mây bay đầu núi sương giăng cuối ghềnh
còn đây thơ Trần còn kia nhạc Trịnh
xa vời ngàn giấc mơ yêu.
Những vui buồn như giấy thếp sang trang
khóc cũng thế mà hát thì cũng thế
anh đang nhìn em đây!
Anh ở lại cùng mùa đông lỗi nhịp
như chú sẻ buồn nép mái hiên xưa
những cọng rơm vàng xao xác trong mơ
Một con đường khác một chân trời khác
em hãy đi đi…

KHAU VAI
Có những con đường không thể tới thành Rome, nhưng Khau Vai thì tới…

Một người đi tìm một người
bao nhiêu người đi tìm bao nhiêu người?
Khau Vai buồn như đá
nước mắt người già mài trên má
đâu rồi thời rung reng vòng bạc lắc đồng?
Em kìa, những cây sa mộc lặng lẽ trong thung
chúng đang nghĩ gì?
em đang nghĩ gì?
Nếu một mai mình không lấy được nhau
em có đi tìm anh
qua điệp trùng đá sắc
những Khau Vai bầm dập dấu chân người?
Trời ơi Khau Vai
Khau Vai nhìn qua nước mắt
bao bong bóng về trời
thương buồn gửi lại…
Những cuộc tình vụng dại
những cuộc tình khôn ngoan
đã sống và đã chết ở nơi này
không khôn ngoan không vụng dại
chỉ lặng chìm như đá
chỉ bời bời như mây
Chúng ta sa mộc chiều nay
em hai mươi thoắt thành ngàn tuổi
em có anh xa xót thế này sao?
Quỳ trước núi mà tin thôi em ạ
ai trong đời chẳng có một Khau Vai
nhọn sắc đá tai mèo
cứa vào thương nhớ
Hãy nhìn nhau nhìn nhau trước gió
em sẽ thấy một Khau Vai trong số phận chúng mình.

Khau Vai 2007- Lục Nam 2008

BẮT CHƯỚC DÂN CA H’MÔNG
(Xin lỗi những người đàn bà yêu chồng)
“Không bằng lòng thì thôi
Nếu em bằng lòng
thì ta về ở với nhau một đêm”
(Lời bài hát H’Mông)

Nếu em yêu chồng thì thôi
nếu không yêu chồng
thì ta về ở với nhau 
một đêm hay một đời
khi ấy em sẽ nói
Nếu em yêu chồng thì thôi
nếu không yêu chồng
đêm quay nhìn song cửa
vía chúng ta tìm nhau trong ngôi sao lẻ
giọt nước mắt gieo ngân ngấn cuối trời
Nếu em yêu chồng thì thôi
nếu không yêu chồng
hãy mơ về Sapa một mùa sương gió
dấu chân chúng mình còn ở đó
những dấu chân hoá thạch giữa rừng già
Nếu em yêu chồng thì thôi
nếu không yêu chồng
em cứ gọi tên anh trong gió
núi sẽ chìm và mây sẽ nổi
anh sẽ về bên em
như tia nắng cuối cùng
Nếu em yêu chồng thì thôi
nếu không yêu chồng
em hãy giấu đi dòng nước mắt
bao khế chua ổi chát
rồi hoá bạc vàng ngày ta gặp nhau
Nếu em yêu chòng thì thôi
nếu không yêu chồng
thì đừng sợ mắt mờ tóc bạc
em vẫn còn anh
đứng đợi kia dù vô vọng một đời
Nếu em yêu chồng thì thôi
nếu không yêu chồng
lời anh sẽ về bên gối lạnh
bao dịu dàng cay đắng đêm nay…

(Văn Giá chọn và giới thiệu)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *