Từ đời vào văn

25/4
8:24 PM 2019

NHÂN TÁI BẢN TRUYỆN THƠ TUM TIÊU CỦA CAMPUCHIA DO DỊCH GIẢ PHÙNG HUY THỊNH CHUYỂN NGỮ

Campuchia là nước láng giềng phía Tây Nam của Tổ quốc ta. Tuy không phải là một quốc gia lớn về cương vực lãnh thổ, nhưng lại là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa rực rỡ được thế giới biết đến như một kỳ quan.

Đó là những đền đài uy nghi, tráng lệ, biểu tượng của một tinh thần tôn giáo bất diệt, đầy quyền uy và quyền năng đối với đời sống tâm linh của người dân nước này. Những gì được biết đến ở đây không chỉ là kỳ tích của bàn tay lao động sáng tạo mà còn là chứng tích về cội nguồn tư tưởng - văn hóa - thẩm mỹ mang màu sắc tôn giáo đặc trưng của người Campuchia từ thời tiền sử đến hiện đại. Nó chi phối cả tiến trình lịch sử, tạo ra hệ thống chuẩn mực giá trị văn hóa vật thể và phi thể phong phú được nhân dân Campuchia đề cao như một ý tưởng. Và có lẽ, đó cũng là một cội nguồn của những rung cảm thẩm mỹ tạo nên các tác phẩm văn học đặc sắc như truyện thơ Tum Tiêu mà ta được biết đến qua bản dịch này.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia Đông Nam Á học, truyện thơ Tum Tiêu không chỉ là một tác phẩm văn học lớn của riêng đất nước Campuchia mà còn thuộc số những tác phẩm lớn của văn học khu vực Đông Nam Châu Á. Cũng như nhiều truyện thơ Nôm của Việt Nam, truyện thơ Tum Tiêu thể hiện những ước mơ thuần khiết, những khát vọng mãnh liệt về tình yêu, về công lý và về lẽ công bằng của nhân dân lao động. Tuy câu chuyện nhuốm màu sắc tôn giáo ở kết cấu của nó, ở những giáo lý mà người kể chuyện luôn rao giảng, nhưng toàn bộ nội dung lại được xây dựng trên cơ sở hiện thực của xã hội phong kiến Campuchia. Cốt lõi tư tưởng của Tum Tiêu dựa trên đạo lý truyền thống khuyến thiện, trừng ác; dựa trên lý tưởng hướng tới một xã hội mà ở đó có minh quân, minh chủ, có lẽ công bằng, có sự hiển linh của Phật pháp - quyền uy tối thượng thiêng liêng.

Ở Tum Tiêu, giá trị văn học tuy chỉ là một trong số rất nhiều giá trị được ghi nhận, nhưng lại là một giá trị lớn chọn lọc và khá tiêu biểu. Nếu như ở các lĩnh vực nghệ thuật khác của Campuchia như: Kiến trúc, tạo hình, âm nhạc và vũ đạo v.v..., ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ có thể xem là cội nguồn trực tiếp, là phát nguyên của mọi cảm hứng sáng tạo; thì ở Tum Tiêu, như trên vừa nói, yếu tố tôn giáo tuy có hiện diện chi phối ít nhiều đến kết cấu tác phẩm, song đó chỉ là những chi phối gián tiếp. Ở đây, có thể nhận thấy những chứng tích văn hóa nội sinh, những phong tục dân gian cổ truyền, những thiết chế quân chủ của một nước phong kiến nông nghiệp đặc thù, những sinh hoạt kinh tế bản địa và những nếp cảm, nếp nghĩ, những đạo lý riêng biệt của người Campuchia.

Có nhà nghiên cứu đã so sánh Tum Tiêu của Campuchia với Truyện Kiều của Việt Nam. Điều đó không phải là vô căn cứ. Tum Tiêu không chỉ được thuộc lòng, được truyền tụng từ thế hệ nọ sang thế hệ kia mà còn được nhập tâm, nhập cảm, được sống và tái tạo luôn trong ý thức và tiềm thức của người dân Campuchia. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, muốn tìm hiểu, thâm nhập vào đời sống tâm linh, đời sống lịch sử văn hóa mỗi nước thì không gì hữu hiệu bằng việc tìm hiểu các tác phẩm văn học cổ điển của nước đó. Người ta xem đây là cách tiếp cận khôn ngoan nhất, là con đường ngắn nhất để chiếm lĩnh mỗi nền văn hóa.

Giới thiệu tác phẩm Tum Tiêu ở Việt Nam, không chỉ nhằm giúp cho người đọc thấy được những đặc sắc văn học, những dị biệt văn hóa Campuchia tiềm tàng trong tác phẩm mà còn nhằm giúp cho chúng ta nhận thức những quy luật chung chi phối tiến trình hình thành các giá trị văn học, nhận thức những tương đồng loại hình lịch sử văn học giữa hai nước được tạo nên do cùng chịu những tác động của hoàn cảnh lịch sử - văn hóa - thẩm mỹ và quá trình ảnh hưởng, xâm thực lẫn nhau giữa các nền văn hóa trong khu vực.

Ngay từ khi Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản lần đầu truyện thơ này (1987), tôi đã đọc với một sự hứng thú đặc biệt, trước hết là có cơ hội được biết đến một tác phẩm văn học đặc sắc, tiêu biểu của Campuchia; sau đó, quan trọng hơn, là vì khâm phục tài năng và tâm huyết của dịch giả. Cái khó của một bản dịch thơ có lẽ ai cũng hiểu và thông cảm. Khác với dịch thuật khoa học, dịch thơ không chỉ là thao tác chuyển dịch ngữ nghĩa sao cho đúng, cho sát với nguyên tác mà thực sự còn là quá trình sáng tạo lại bằng một ngôn ngữ khác sao cho lột tả được những sắc thái tâm hồn, tình cảm, những cung bậc tâm lý, những nét độc đáo dân tộc ẩn sau câu chữ, sau hình ảnh, hình tượng. Ấy là chưa kể đến những câu thức về vần điệu, về quy luật tổ chức âm thanh do thể thơ nói riêng không chỉ thể hiện trình độ tiếng mà còn thể hiện trình độ học vấn, trình độ văn hóa, trình độ tư duy sáng tạo ngôn từ và khả năng cảm thụ văn chương tinh tế.

Nếu dịch giả không phải là người có nhiều năm công tác trên nước bạn Campuchia; am tường phong tục, tập quán và lịch sử văn hóa chung của đất nước này; hứng thú và đồng cảm khi tiếp cận với những tư tưởng nhân đạo sâu sắc thể hiện qua sáng tạo văn học thì dù có giỏi tiếng chưa chắc đã có được một bản dịch thơ chau chuốt, khoáng đạt và giàu sức truyền cảm như bản dịch này. Vốn là một cử nhân văn chương, lại có nhiều năm lăn lộn với nghề làm báo, Phùng Huy Thịnh tỏ ra mẫn cảm trong việc nhận biết các giá trị văn học, giá trị dân tộc học và giá trị văn hóa học tiềm tàng trong tác phẩm Tum Tiêu. Nhưng cũng như nhiều kiệt tác văn chương khác, giá trị càng lớn, càng nhiều, càng độc đáo bao nhiêu thì hàng rào ngôn ngữ càng trở nên khó vượt qua bấy nhiêu. Bằng cảm nhận thông qua diễn biến nội dung cốt truyện, thông qua các chi tiết, những tên người, tên đất, những điển tích được diễn đạt..., tôi tin là bản dịch đã đạt được thần thái của nguyên tác.

Điểm mạnh dễ nhận thấy ở bản dịch này là dịch giả không chỉ thành thạo tiếng Campuchia mà còn thông thạo cả tiếng Việt thể hiện ở vốn từ phong phú, ở khả năng tu từ, khả năng tổ chức ngôn ngữ âm thanh vừa giàu hình ảnh, vừa giàu sức truyền cảm. Những khổ thơ dịch một cách khoái hoạt, chau chuốt như khổ thơ sau đây chiếm tỷ lệ khá nhiều trong bản dịch:

Lễ an cư lần lần lại đến

Ngày Vu Lan du khách viếng chùa

Tum tương tư ngày thêm buồn khổ Vườn rơi hoa trái, nắng lưa thưa...

 

Nhiều câu thơ gợi hình ảnh, cảm xúc, phảng phất phong vị một câu Kiều nhưng lại rất Campuchia bởi những địa danh xác định của nó:

Đây Tà éc, Préc cô cồn cát

Kia Rồ ca dân chúng an cư Nọ nẻo Chrúccoong nhà san sát Ngọn khói chiều lam vẽ nét thu.

 

Với thể thơ bảy chữ được tác giả sử dụng một cách điêu luyện, nhiều khi ta có cảm giác như đang tiếp xúc với một bản truyện gốc thơ chứ không phải là bản dịch. Có lẽ đó cũng là lý do tạo nên hứng thú cho người đọc khi tiếp xúc với bản dịch này.

Bằng việc dịch và giới thiệu Tum Tiêu ở Việt Nam, dịch giả Phùng Huy Thịnh đã bắc thêm một nhịp cầu văn hóa không ngoài mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, củng cố quan hệ hợp tác, thân thiện vốn có giữa hai dân tộc.

Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm những tác phẩm văn học Campuchia được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như tác phẩm này.

Hà Nội tháng 5 - 1999

PGS.TS. PHAN TRỌNG THƯỞNG

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *