Tin tức

28/4
11:43 AM 2016

Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975”

Vanvn.net - Hội thảo khoa học quốc gia “Thế hệ nhà văn sau 1975” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao &Du lịch và Trường đại học Văn hóa Hà Nội tổ chức sáng 28/4/2016 tại Trường đại học Văn Hóa Hà Nội.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UV BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học; PGS.TS, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng trường đại học. Các vị đại biểu, lãnh đạo, đại diện các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà văn, nhà thơ và đông đảo các vị khách quý.

Hội thảo “Thế hệ nhà văn sau 1975” hướng đến việc nhìn nhận, đánh giá kĩ càng hơn các lớp sóng văn chương trong giai đoạn đất nước tiến hành đổi mới toàn diện từ 1986 đến nay. Mặc dù công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi nhiều nhà văn thuộc cả thế hệ trước và sau 1975, nhưng theo quan điểm của Hội thảo, lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại chủ yếu thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975. Sẽ không thể khách quan, hệ thống như lẽ ra cần thiết phải vậy nếu không để tâm nhìn lại diện mạo, tiếng nói của thế hệ nhà văn sau 1975, dù đây đó, trong khi bàn về văn học Đổi mới, những nét sơ lược chân dung của họ cũng đã được phác thảo.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Thiện, UV BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL nhận định: Thế hệ này cần được đánh giá khách quan và khoa học.

PGS. TS Nguyễn Văn Cương: “Mặc dù công cuộc đổi mới văn học được làm nên bởi nhiều nhà văn thuộc cả thế hệ trước và sau 1975, nhưng lực lượng chính, đông đảo nhất và trực tiếp kiến tạo những giá trị mới, đặc biệt là hệ mỹ học mới, lại thuộc về những người xuất hiện, khẳng định tên tuổi sau 1975. Nếu xét về độ tuổi, phần lớn họ sinh vào những năm 1950, 1960. Nếu xét về thời điểm đăng đàn, họ có mặt ngay từ lúc tinh thần Đổi mới đang khởi dựng cho đến khi thành cao trào.”

Tiến sĩ Chu Văn Sơn, trong tham luận “Thế hệ nhà văn sau 1975 – Họ là ai?” đã nêu rõ: “Trên nét lớn, thế hệ nhà văn sau 1975, họ là ai? Họ là chủ thể cốt lõi của hệ thẩm mỹ hậu chiến. Với sự xuất hiện của họ, mẫu nhà văn chiến sĩ/cán bộ thời chiến đã nhường chỗ hoàn toàn cho mẫu nhà văn kẻ sĩ/trí giả hiện đại thời bình. Với sự xuất hiện của họ, một cách ứng xử mới với hiện thực lên ngôi: Tinh thần ca ngợi hiện thực lu mờ bởi tinh thần tra vấn hiện thực, một cách ứng xử mới với ngòi bút được nhấn mạnh: ngòi bút không phải vũ khí cổ vũ tuyên truyền của cán bộ mà là công cụ đối thoại, thức tỉnh của trí giả, một quan hệ mới với người đọc được xác lập: không tuyên giáo, ru vỗ mà tương tác, tri nhận. Với sự xuất hiện của họ, một tư duy thẩm mỹ khác thắng thế: tìm cái bất thường trong cái bình thường, một nhãn quan nhân sinh mới trỗi dậy: chủ nghĩa nhân bản, một chiều sâu mới của thực tại nhân sinh được đào bới: con người bản thể, một điệu cảm xúc mới được khơi nguồn : nỗi bất an thời bình, và một xu thế mở trong lối viết: tự do hóa thi pháp. Họ mới thực là chính chủ của chặng đường văn học sau 1975. Bằng những tên tuổi nổi bật nhất, họ đã góp vào sơn hệ văn học nước nhà không ít những đỉnh cao. Dù rằng, vẫn còn những ngọn mà hôm nay chưa dễ nhìn ra đỉnh. Bó đuốc trên tay họ đến nay vẫn không ngừng tỏa sáng. Dù rằng, trên đường chạy trường kì của lịch sử văn học nước nhà đã rậm rịch bước chân của lớp người sau. 

Hội thảo đã nhận được 85 tham luận đến từ các trường đại học, cơ quan, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Trong buổi chiều cùng ngày, các tiểu ban (văn xuôi, thơ) sẽ tiếp tục làm việc tại các phòng riêng. Vanvn.net sẽ tiếp tục thông tin đầy đủ về cuộc hội thảo.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *