Tìm tòi thể nghiệm

26/9
7:31 PM 2017

CỔ PHẦN HÓA HÃNG PHIM TRUYỆN VIỆT NAM: LỜI GIẢI NÀO CHO BÀI TOÁN NÓNG VỘI

Thảo Trần - Chủ trương cổ phần hóa các DN Nhà nước làm ăn thua lỗ là chủ trương nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội. Nhưng đường đi nước bước của cổ phần hóa trên thực tế chưa phải đã đạt được những kết quả mong đợi, thậm chí càng tới giai đoạn cuối càng phức tạp. Câu chuyện về cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vừa qua là một ví dụ cho sự nóng vội không có lợi trong cổ phần hóa.

                                                    Cảnh trong phim "Bao giờ cho đến tháng Mười". Ảnh Internet

 Và nếu làm không khéo, vô hình chung cổ phần hóa sẽ làm thất thoát tài sản Nhà nước, làm biến dạng một chủ trương tốt, một chính sách tốt phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Nhà nước ta hiện nay.

 

 
 
 

Cổ phần hóa tạo động lực cho hoạt động nghệ thuật

Câu chuyện cổ phần hóa hàng phim vốn được coi là anh cả đỏ trong làng nghệ thuật đã làm nóng dư luận xã hội trong suốt một thời gian dài với những tranh cãi nảy lửa xung quanh doanh nghiệp đứng ra mua cổ phần của VFS. Dư luận và ngay cả những người trong cuộc đều cho rằng đơn vị nắm giữ phần vốn ( cổ đông chiến lược) là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không có chút gì liên quan đến nghệ thuật, song vẫn trở thành cổ đông chiến lược sẽ rất khó cho hoạt động nghệ thuật sau này của hàng phim.

Tuy nhiên, ván đã đóng thuyền, và câu chuyện ngồi lại với nhau để định giá hãng phim đã đến hồi ngã ngũ. Phía các nghệ sĩ cho biết họ ủng hộ chủ trương cổ phần hóa. Nhưng họ bất bình vì quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Cụ thể qua 2 tháng quan sát thấy quá trình cổ phần hóa cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh, mà chỉ quan tâm tới giá trị đất đai của hãng, khiến nhiều nghệ sĩ trong hãng cũng như giới hoạt động nghệ thuật bất bình và việc Bộ VHTTDL không đưa thương hiệu VFS cho tư vấn của Công ty TNHH kiểm toán quốc gia VIA và Công ty chứng khoán Châu Á -  Thái Bình Dương tính toán giá trị tài sản trước cổ phần hóa là không đúng, thậm chí sẽ làm thất thoát một phần vốn không nhỏ của Nhà nước.

Hãng phim truyện Việt Nam ra đời cách đây 60 năm, từng làm 400 bộ phim truyện, giành 30 giải thưởng trong nước và quốc tế. Hãng phim là cái nôi của điện ảnh Việt, là thương hiệu lớn nhất và duy nhất của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Cách đây 5 năm, hàng phim đã thực hiện thủ tục để cổ phần hóa, xong không tìm được nhà đầu tư đúng nghĩa mà chỉ nhận được sự quan tâm đơn thuần về 5.000m2 đất nơi cơ quan đang đóng để làm rạp chiếu phim, chung cư, công viên điện ảnh.

Trên thực tế, giá trị thương hiệu VFS đã được Thủ tướng Chính phủ đề cập đến khi tiến hành cổ phần hóa. Cụ thể: Ngày 28/12/2016, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 441/TB-VPCP. Nội dung thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 14/12/2016 về công tác cổ phần hóa VFS và quản lý đất đai trong cổ phần hóa doanh nghiệp. Theo đó: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ VHTTDL: “Rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa để quyết định việc hoàn thành công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam theo thẩm quyền, đúng quy định, và chịu trách nhiệm trước pháp luật; yêu cầu cổ đông chiến lược thực hiện đúng cam kết đã ký kết. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Khoa học và công nghệ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam để điều chỉnh tăng giá trị phần vốn nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định”.

Thế nhưng, thay vì triển khai, phối hợp với các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn để xác định giá trị thương hiệu VFS, Bộ VHTTDL lại “chớp nhoáng” cổ phần hóa.

 

Sở hữu thương hiệu hay thâu tóm tài sản

 

Nắm giữ vai trò là cổ đông lớn nhất Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, lãnh đạo công ty  đã có việc làm đầu tiên là "giải tán 3 phòng đạo diễn, biên kịch, quay phim” và đồn vào thành một phòng nhất quán. Chưa tính đến việc khó khăn sẽ gặp phải về không gian hoạt động sáng tạo mà chỉ cần nhìn vào việc thu hồi những diện tích phòng trống đưa vào sử dụng với mục đích khác đã khiến người lao động thấy bất bình. Đạo diễn Hồng Ngát chia sẻ "Đi cày mà giết trâu, quẳng cày thì sản xuất phim thế nào?".

Trên thực tế, theo ghi nhận từ nghệ sĩ phản ảnh việc sửa chữa lại cơ sở vật chất hãng phim hiện nay không phục vụ cho việc sản xuất phim. Họ cho biết một số địa điểm đã được cho thuê bán phở và chân gà nướng.

Rất nhiều nghệ sĩ cho rằng việc "xóa sổ" Hãng phim truyện Việt Nam bằng cách thức cổ phần hóa sai sẽ để lại hệ lụy rất lớn về mặt văn hóa. Đồng thời kiến nghị Hội Điện ảnh "yêu cầu Chính phủ và các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát chặt chẽ và có những giải pháp thay đổi căn bản về tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam sao cho tài sản của nhà nước không bị thất thoát. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, NSND Nguyễn Thanh Vân cho biết: đến nay, Bộ VHTTDL chưa đưa ra được số tiền xác định giá trị thương hiệu VFS cụ thể là bao nhiêu.

Một con số cụ thể cho thương hiệu VFS là cần thiết, nó không chỉ đơn thuần là số tiền bao nhiêu mà sâu xa hơn nó còn cho thấy giá trị vĩnh cửu về văn hóa nghệ thuật trong lòng công chúng hiện nay. Một hãng phim tên tuổi không chỉ đơn thuần là đại diện cho một nền điện ảnh mà còn ghi dấu  sự trưởng thành của một nền văn hóa đã và đang đồng hành cùng cuộc sống. Đất nước hội nhập, giá trị truyền thống không vì thế mà mất đi, ngược lại nó cần phải được lưu giữ như một báu vật trong dòng công đồng. Nghệ thuật chân chính không thể đong đếm càng không thể chỉ có giá trị 0 đồng.

Trên lý thuyết, trong vòng 5 năm kể từ ngày chính thức chuyển sang công ty cổ phần Bộ VHTTDL sẽ thực hiện giám sát việc thực hiện hoạt động của Công ty cổ phần theo Phương án cổ phần hóa đã được Bộ VHTTDL phê duyệt theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 49 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Kèm theo đó là những yêu cầu bắt buộc nhà đầu tư phải tuân thủ để hoạt động nghệ thuật diễn ra bình thường.  Song. việc Bộ VHTTDL nhanh chóng cổ phần hóa trước khi xác định được giá trị thương hiệu VFS càng khiến cho dự luận lo ngại về việc có hay không những khuất tất trong quá trình cổ phần hóa. Và vì sao chỉ có một công ty Vận tải thủy Vivaso đứng ra đấu thầu.  Và để “bảo đảm” Công ty vận tải thủy vẫn chiếm giữ 65% cổ phần hàng phim, thì liệu sẽ còn có những kịch bản nào được đặt ra để định đoạt một hãng phim có tuổi đời hơn 60 năm hiện nay.   

Thông tin mới nhất đã được truyền thông đăng tải chính là việc Chính phủ đã ra quyết định thanh trả toàn bộ quá trình cổ phần hóa hãng phim. Hy vọng rằng sau quá trình thanh tra những “ nóng vội” của cổ phần hóa sẽ được đưa ra ánh sáng và những giá trị đích thực sẽ được trở về  nguyên giá trị của nó.

--------------

Ngày 18/9, Ông Đặng Xuân Hải( Hội Điện ảnh Việt Nam) cho biết Hội đã nhận được đơn của các nghệ sĩ của Hãng phim. Nên Hội có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của các hội viên. Theo tìm hiểu của ông Hải, và đơn của các nghệ sĩ, trên thực tế từ tháng 7 đến nay nhà đầu tư chiến lược làm chưa đúng cam kết. Tháng 7/2017 có trả lương nhưng còn tùy mức độ. Tháng 8 họ lại chỉ trả một số và đề tạm ứng, đa số chưa trả. Tháng 9 thì chưa chi trả.

Hiện,  có ba vấn đề, thứ nhất chúng tôi nhận định, thời gian đăng tải thông tin công khai cổ phần hóa quá ngắn, hơn 10 ngày, lại sát vào dịp Tết. Nên nhiều đơn vị khác có muốn tham gia đấu thầu cũng không kịp đến lấy và lập hồ sơ.

Thứ 2, thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam đã có từ 60 năm nay, nên hồ sơ đấu thầu chỉ xét trong 5 năm gần đây là không đúng. Trong khi những năm trước, Hãng có rất nhiều phim kinh điển, đạt giải cao ở các liên hoan phim quốc tế.

Vấn đề thứ 3: “Hãng phim truyện Việt Nam được Nhà nước giao đất đứng chân trên bốn địa điểm, quản lý. Mức độ quản lý, nộp thuế đất có từ 1959 - 1960 mấy chục năm trước vẫn nộp, những năm gần đây do hoàn cảnh khó khăn họ đang nợ thuế nhưng như thế đã xác định quyền sử dụng. Nếu căn cứ vào luật đất đai 1993 trở lại đây không có tranh chấp thì vẫn coi như đất của họ đang quản lý. Ví dụ địa điểm số 4 Thuỵ Khuê chưa được 100m2 nhưng có sổ đỏ rồi, hoặc hơn 900m2 Hoàng Hoa Thám nộp thuế đất nhiều năm, 6.000m2 ở Cổ Loa đã được Bộ VHTT&DL giao cho Hãng. Thế mà bây giờ tính không có ưu thế về mặt đất đai, mặt bằng, địa điểm. Theo Nghị định 59 được tính ưu thế đất đai nhưng không đưa vào, tôi thấy cũng là sai”, ông Hải nhấn mạnh.

Trong ngày hôm nay (19/9), Hội sẽ gửi văn bản tới các cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể Hội điện ảnh VN sẽ gửi tới Bộ VHTTDL; Ban Tuyên giáo T.Ư; Ban Bí thư, Ban thanh tra, kiểm tra Chính phủ, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ đề nghị làm rõ quá trình cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam đã hợp lệ chưa, đã công bằng chưa. Đồng thời bảo vệ quyền lợi của người lao động, văn nghệ sĩ. Bảo vệ thương hiệu điện ảnh đã có bề dày lịch sử, giá trị hơn 60 năm”

Nguồn: Văn Nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *