Thời sự văn học nghệ thuật

10/4
8:39 AM 2018

TỌA ĐÀM “NHÌN LẠI SÁNG TÁC ĐIỆN ẢNH, PHIM TRUYỀN HÌNH 2017”

Trong khuôn khổ giải Cánh diều 2017, sáng 9-4 tại Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam đã tổ chức cuộc tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2017”. Đây là dịp để những người làm điện ảnh nhìn lại xem mặt bằng điện ảnh của Việt Nam đang ở đâu, chất lượng phim ra sao, qua đó đưa ra một nhận xét nhất định để các cơ sở làm phim tham khảo trong thời gian tới.

Vắng bóng các cơ sở làm phim truyền thống

Theo đánh giá của ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, giải Cánh diều năm nay có sự tham dự đầy đủ của các hạng mục phim. Theo đánh giá chung của ban giám khảo thì năm nay số lượng phim gửi tham dự đa dạng về thể loại, đề tài. Tuy nhiên, nhìn lại mùa giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam trong vài năm trở lại đây thì các cơ sở làm phim truyền thống, nơi mà góp phần tạo ra diện mạo cho nền điện ảnh lại vắng bóng.

NSND, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, từ năm 2015 đến nay, điện ảnh Việt Nam vắng bóng những phim do nhà nước thực hiện. Đây là một câu hỏi và là một vấn đề mà những đơn vị tổ chức phải suy nghĩ. Đặc biệt là vai trò, định hướng của nhà nước trong sản xuất phim phục vụ mục đích chính trị, điều này là rất cần thiết để trên cơ sở đó có thể khẳng định điện ảnh Việt Nam tồn tại hay không tồn tại.

Vẫn biết rằng, đã làm phim thì đạo diễn, nhà sản xuất nào cũng muốn đạt doanh thu cao nhưng những phim mang tính lịch sử, chính trị do nhà nước thực hiện mặc dù doanh thu không thể bằng những phim làm theo thị hiếu của số đông khán giả nhưng những tác phẩm điện ảnh đó phục vụ cho mục đích tuyên truyền là chính. Vì vậy, điện ảnh Việt Nam cần thiết phải có những tác phẩm do nhà nước hoặc các cơ sở làm phim truyền thống thực hiện.

Trong khi những phim do nhà nước thực hiện vắng bóng thì nhìn lại năm 2017, điện ảnh Việt Nam phải lao vào cuộc cạnh tranh khốc liệt với những phim bom tấn của nước ngoài. Điều đáng mừng là ở hầu hết các rạp, khán giả đến xem phim Việt Nam nhiều hơn, một số phim thu hút số lượng lớn người xem như: Em chưa 18; Cô Ba Sài Gòn; Cô gái đến từ hôm qua…

Theo đạo diễn Đào Bá Sơn, điện ảnh Việt Nam đang bước sang trang mới và ông xem đây là cuộc cách mạng thầm lặng của điện ảnh nước nhà. Điều đáng mừng dòng phim thị trường ngày càng hay hơn, chất lượng tốt hơn, tính chuyên nghiệp cũng được nâng lên. Những phim ăn khách đang dần nâng cao chất lượng bởi những nhà làm phim đã vượt qua yếu tố thương mại để hướng tới vẻ đẹp nhân văn như phim: Cô Ba Sài Gòn; Em chưa 18; Dạ cổ Hoài Lang; Sắc đẹp ngàn cân; Cô gái đến từ hôm qua... Vẻ đẹp của những bộ phim này rất nhân văn, đi sâu vào trong tâm hồn của con người, các nhân vật rất trong trẻo, trung thực. Đảo của dân ngụ cư  hoặc Mẹ chồng là dòng phim lấy đề tài quá khứ để khắc họa văn hóa xưa của dân tộc. Hai bộ phim này có cách kể chuyện mang dáng dấp phương Đông nhưng rất Việt Nam, tạo ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc với người xem, đặc biệt là về phương diện nghệ thuật.

Không nên chấm phim Việt hóa sao y bản gốc

Trong số 11 phim dài tập dự giải Cánh diều 2017 có thể thấy một hiện tượng đặc biệt, đó là bên cạnh các phim được làm từ kịch bản trong nước thì các phim Việt hóa cũng xuất hiện với sức hút không hề nhỏ. Trong 5 phim do Trung tâm sản xuất phim truyền hình thuộc Đài THVN thực hiện thì có đến 2 phim được Việt hóa là Sống chung với mẹ chồng và Người phán xử. Ở thời điểm 2 phim này lên sóng, sức hút của số đông khán giả là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, cũng chính 2 phim này đã để lại nuối tiếc cho người xem bởi cả 2 phim đều có những cái kết thiếu nhân văn. Mặc dù kịch bản đầy ắp những tình tiết gay cấn nhưng cái mong muốn của khán giả là nhìn thấy sự tha thứ hay một lối thoát nhân văn của nhân vật, đó là điều khán giả Việt mong được thấy. Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng, quá trình Việt hóa của 2 bộ phim này chưa thật sự thành công như mong đợi.

Cũng nói về vấn đề phim Việt hóa, đạo diễn Đào Bá Sơn nhấn mạnh: Phim kịch bản nước ngoài ăn khách bởi trong đó có nhiều yếu tố mới lạ, cần thiết cho khán giả và nhà sản xuất mua kịch bản gốc rất nhiều, việc này thế giới đã làm từ lâu. Bộ phim “Người phán xử” là phim rất hay của Israel, đã có 6 tỉ lượt người trên thế giới xem. Là một thành viên ban giám khảo giải Cánh diều 2017, đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, phim lấy nguyên gốc thì không nên chấm bởi vì phim nguyên bản sao y nguyên, nếu chấm thì sự sáng tạo chắc chắn sẽ không có bởi góc quay, các nhân vật đều nguyên gốc.

Chúng ta khuyến khích những phim Việt hóa bởi mang lại lợi ích cho người xem và khán giả có nhiều sự lựa chọn. Điều này càng làm phong phú thêm dòng phim ảnh nước nhà. Tuy nhiên, về mặt nghề nghiệp, học thuật thì không nên chấm những dòng phim sao y bản gốc bởi nó giống như bản phô tô, sự sáng tạo rất ít. 

Còn một vấn đề nữa là kịch bản gốc, có nhiều hãng phim chỉ mua kịch bản thôi nhưng sau đó phải biên tập, sửa chữa, Việt hóa lại cho phù hợp với thuần phong, mỹ tục của Việt Nam. Giải Cánh diều nên xem xét có chấm các phim phiên bản hay không chấm thì cần bàn bạc để đỡ thiệt thòi cho người sáng tác nhưng cũng không thể chấm những phim không có sự sáng tạo trong đó. Cuối cùng khán giả là những người được lợi bởi khán giả coi phim ấy, Việt hóa ấy mang lại sự phong phú cho điện ảnh Việt.

(Theo: qdnd.vn)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *