Thời sự văn học nghệ thuật

22/4
8:50 AM 2018

TIẾP NHẬN KAFKA NHƯ THẾ NÀO?

Nguyễn Văn Dân- Ở Việt Nam, người đọc Kafka hầu như chỉ giới hạn trong giới đại học và giới nhà văn. Nhiều nhà văn đã tiếp nhận Kafka một cách có ý thức, nổi bật là Phạm Thị Hoài. Còn trong giới nghiên cứu, sự tiếp nhận Kafka được thực hiện trên hai lĩnh vực: dịch thuật và nghiên cứu. Và trong cả hai lĩnh vực này đều có một số vấn đề cần trao đổi.

Trong lĩnh vực dịch thuật:

Từ những năm 1960-1970, ở miền Nam, song song với việc nghiên cứu Kafka, một số tác phẩm của Kafka đã được dịch qua bản tiếng Anh và tiếng Pháp. Trong thời gian này, ở miền Bắc, các nhà nghiên cứu cũng đã tìm hiểu và tiếp nhận Kafka qua tiếng Pháp để phê phán là chủ yếu chứ chưa dịch. Chỉ đến sau ngày Đổi Mới thì trên lãnh thổ Việt Nam thống nhất, Kafka mới được tiếp tục dịch và dịch lại một cách có hệ thống. Ít lâu sau ngày Đổi Mới, tôi đã dịch truyện ngắn Trước cửa pháp luật qua tiếng Rumani, đăng trên báo Thể thao và Văn hoá (34, 22-8-1987). Theo tìm hiểu của tôi, đây là bản dịch Kafka sang tiếng Việt đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam thống nhất. Trước đó ở miền Bắc có thể có người đã dịch Kafka nhưng chỉ lưu hành nội bộ. Còn đây là lần đầu tiên sau thống nhất đất nước, Kafka được dịch và công bố trên một tờ báo có lượng phát hành thuộc loại lớn nhất trên cả nước. Đến năm 1989 tiểu thuyết Vụ án do Phùng Văn Tửu dịch qua tiếng Pháp và truyện vừa Hoá thân do Đức Tài dịch qua tiếng Anh đã được Nxb Văn học ấn hành; năm 1998, tiểu thuyết Lâu đài được Trương Đăng Dung dịch qua tiếng Hungary; tiếp đó hầu hết truyện ngắn và Nhật ký của Kafka đã được dịch; và gần đây nhất, năm 2016, cuốn tiểu thuyết chưa hoàn thành Nước Mỹ được Lê Chu Cầu dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Lê Chu Cầu cũng đã dịch lại từ tiếng Đức tiểu thuyết Vụ án, xuất bản năm 2015, và Lâu đài, xuất bản năm 2016.

Kafka là nhà văn Do Thái viết tiếng Đức. Ở Việt Nam, người biết tiếng Anh và Pháp phổ biến hơn người biết tiếng Đức, cho nên người ta thường đọc và dịch Kafka thông qua tiếng Anh và Pháp. Trong tinh thần đó, những bản dịch từ nguyên bản tiếng Đức của Lê Chu Cầu là rất đáng hoan nghênh.

Đối với độc giả phổ thông, thậm chí cả sinh viên đại học, các bản dịch qua nhiều thứ tiếng đôi khi gây khó hiểu và dẫn đến khó tiếp nhận, đặc biệt là việc dịch tên tác phẩm. Ví dụ có người dịch đầu đề một truyện ngắn của Kafka là “Bức trường thành Trung Hoa”. Nguyên văn tiếng Đức của truyện này là “Beim Bau der Chinesischen Mauer”, nghĩa là: “Khi xây Vạn lý trường thành”. Bản tiếng Anh dịch là “The Great Wall of China”; bản tiếng Pháp: “La Muraille de Chine”. Về cách gọi “Vạn lý trường thành” này, người Pháp còn có tên: “La Grande Muraille de Chine”, hay ngắn gọn là “La Grande Muraille”. Người Việt Nam cũng thường gọi ngắn gọn là “Vạn lý trường thành”, không cần nói “Vạn lý trường thành Trung Hoa”. Cho nên tên truyện này phải được dịch là “Vạn lý trường thành”. Còn nếu dịch đúng từng chữ là “Bức trường thành Trung Hoa” thì sẽ gây khó hiểu đối với bạn đọc phổ thông.

Hay như về truyện ngắn “Vor dem Gesetz” trong nguyên văn tiếng Đức, người Anh dịch là “Before the Law”, người Pháp: “Devant la loi”; ở Việt Nam có người dịch là “Trước pháp luật”, có người dịch “Đứng trước pháp luật”, có người, trong đó có tôi, dịch là “Trước cửa pháp luật”. Theo tôi, cách dịch “Trước pháp luật” không sai, nhưng nó là kiểu dịch đúng từng chữ chứ không phải là diễn đạt theo cách nói của người Việt Nam. Người Việt Nam quen nói: “ra trước cửa công” / “ra trước cửa công đường”, “đến cửa công” / “đến trước cửa công đường”, “ra trước cửa quan”... Truyện ngắn này mô tả một người nông dân đến trước cửa công đường để xin gặp pháp luật và cả đời chờ đợi mà không được gặp.Tức là anh ta chỉ được đứng trước cửa pháp luật nhìn vào chứ chưa được đứng trước chính bản thân pháp luật. Vì thế dịch là “Trước cửa pháp luật” sẽ chính xác hơn.

Liên quan đến nghệ thuật viết văn của Kafka, có một số nhà nghiên cứu nói đến cái chất “uy mua đen” trong sáng tác của ông. Đây là khái niệm được dịch nửa vời từ khái niệm tiếng Pháp “humour noir”; người Anh nói “black humour”. “Humour” nghĩa là “hài hước”. Giới chuyên môn Việt Nam nhiều khi không dịch mà chỉ phiên âm theo tiếng Pháp là “uy mua”. Nhưng nếu nói “uy mua” thì chỉ giới chuyên môn, thậm chí chỉ những người có ngoại ngữ phương Tây mới hiểu. Và khi nói “uy mua đen” thì lại là cách nói nửa phiên âm nửa dịch đúng từng chữ, và cũng chỉ có những người biết tiếng Pháp mới hiểu. Muốn cho người đọc rộng rãi hiểu được Kafka mà dịch và phiên như thế thì sẽ rất khó. Thực tế, “humour” là “hài hước”; và “humour noir” là “cười ra nước mắt”. Trong thuật ngữ chuyên môn, ta có thể gọi nó là “hài hước cay đắng”.

Trong bộ hợp tuyển về “nghệ thuật hài hước cay đắng” của mình in lần đầu vào năm 1940 (t. Pháp: “Anthologie de l’humour noir”), nhà văn Pháp André Breton đã dành một chương cho nghệ thuật hài hước của Kafka. Đến lần xuất bản hoàn chỉnh năm 1966, công trình của Breton đã tập hợp 45 tác giả là các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, có cả một số họa sĩ như Picasso, Dali... và đặc biệt là có nhà triết học và là nhà thơ Friedrich Nietzsche... Trong cuốn hợp tuyển này có nhà văn Jonathan Swift (1667-1745) là nhà văn lãng mạn Anh có tuổi lâu đời nhất trong số 45 văn nghệ sĩ của hợp tuyển (từ cuối thế kỷ XVII). Như vậy cái “hài hước cay đắng” này có phạm vi chỉ định khá rộng chứ không chỉ liên quan đến văn học phi lý hiện đại.

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu:

 

Trước năm 1975, cụ thể là từ những năm 1960 đến nửa đầu những năm 1970, Kafka đã được giới nghiên cứu ở miền Nam tiếp nhận với những đánh giá theo góc nhìn tôn giáo và tâm phân học... Trong khi đó ở miền Bắc cho đến 1986, Kafka vẫn bị phê phán một cách khắt khe. Chỉ sau ngày Đổi Mới, Kafka mới được giới nghiên cứu cả nước đánh giá một cách thoả đáng. Song, về những nhận định cụ thể, chúng tôi thấy vẫn có những đánh giá khác nhau cần trao đổi về nhà văn độc đáo này.

Có ý kiến cho rằng “lý do khiến cho Kafka trở thành một biểu tượng của văn học châu Âu là ông đã miêu tả một thế giới chưa từng có trước đó. Đó là thế giới chìm, thế giới của vô thức”. Song theo tôi, Kafka không phải là nhà văn viết về cái vô thức; mà cái “chưa từng có” của ông trong văn học chính là cái thế giới phi lý khách quan, và nhà văn rất có ý thức về cái phi lý đó và về sự cần thiết phải đấu tranh chống lại cái thế giới phi lý chứ không phải là ở ông có cái phi lý vô thức. Ông đã tự giác tuyên bố: Viết văn “là cuộc đấu tranh cho sự sống còn của tôi”.

Đặc biệt khi bàn về tư tưởng chính trị của nhà văn, có người đã nói: “Kafka không phải nhà văn chính trị, nhưng ông nói được bầu khí quyển quyền lực, những con người như rơi vào màng nhện, bị thứ quyền lực bủa vây khiến con người ngạt thở mà chết”. Về vấn đề này, cũng có ý kiến cho rằng “Việc Kafka có phải là một nhà văn chính trị hay không vẫn còn là một vấn đề tranh cãi”. Nhưng thế nào là nhà văn chính trị? Có lẽ những người đưa ra ý kiến này cho rằng “nhà văn chính trị là một nhà văn theo đảng phái”. Đó là hiểu chính trị theo nghĩa đặc thù, là đồng nhất chính trị với chính đảng. Tuy nhiên theo tôi, một nhà văn chính trị theo nghĩa chung nhất là nhà văn bàn về chính trị và đấu tranh cho những quyền lợi chính trị nhất định. Theo tinh thần này, tôi cho rằng Kafka là nhà văn chính trị thuộc loại điển hình nhất của mọi thời đại. Nói đến quyền lực tức là nói đến chính trị. Ở Kafka, quyền lực trở thành một nhân vật trung tâm trong hầu hết các sáng tác của ông. Vì thế, ông chính là một nhà văn chính trị thực sự.

Về phương tiện nghệ thuật của Kafka cũng có những ý kiến đánh giá phong phú và cần trao đổi. Ví dụ có ý kiến cho rằng “nhìn bề ngoài khó có thể nói Kafka là người cách tân về kỹ thuật. Ông phá vỡ những ý niệm về hiện thực, là người đầu tiên cho ta thấy tính bất định của hiện thực”. Tuy nhiên, có một số ý kiến, trong đó có tôi, nhấn mạnh nghệ thuật mô tả nhân vật vắng mặt hay là thủ pháp diễn đạt cái không thể diễn đạt. Trong thư gửi người bạn gái Milena, Kafka đã viết: “Anh luôn cố gắng tìm cách thông báo cái không thể thông báo, lý giải cái không thể lý giải”. Có thể nói Kafka là người đầu tiên có ý tưởng về công việc này. Đây là thủ pháp đặc trưng của Kafka và là một cách tân nghệ thuật rõ rệt của ông.

Về nghệ thuật truyện ngắn, cũng có những ý kiến xuất phát từ định kiến chủ quan để áp đặt cho Kafka. Chúng ta nên chú ý rằng phần lớn các văn bản tác phẩm của Kafka đều được bạn ông là Max Brod cho xuất bản sau khi ông mất. Trong số đó có những văn bản có thể chỉ là những bản ghi chép, những đoạn văn có tính chất như là một bản đề cương cho một cuốn tiểu thuyết hay một truyện vừa hoặc truyện ngắn nào đó mà nếu còn sống, chưa chắc ông đã cho xuất bản những đoạn văn có tính chất đề cương đó. Ví dụ như văn bản Trước cửa pháp luật, Làng gần nhất, Mười một người con trai,... Những văn bản được coi là đề cương đó có cái đã được phát triển thành tiểu thuyết, có cái chưa kịp viết. Ta có thể thấy rất rõ rằng Trước cửa pháp luật là một truyện ngắn mang tính đề cương cho cuốn tiểu thuyết Vụ án (khi viết Vụ án ông đã đưa văn bản này vào chương IX “Ở nhà thờ lớn”). Làng gần nhất (nguyên văn tiếng Đức: “Das Nachste Dorf”, dịch chính xác là “Làng kế bên”), một văn bản dài chưa đến 100 chữ,chính là đề cương, hay thậm chí chỉ là một ý tưởng chủ đề, cho cuốn tiểu thuyết Lâu đài. (Ý tưởng chủ đề của văn bản này là: Con người có dành cả đời mình cũng không đi được tới đích của mình, dù cái đích đó chỉ là một ngôi làng kế bên). Trong tinh thần này, nếu còn sống khi xuất bản Lâu đài, có thể nhà văn đã in Làng gần nhất hay trích một câu trong đó thành câu đề từ cho cuốn tiểu thuyết chứ không coi nó là một truyện ngắn. Cho nên nếu chúng ta cứ có định kiến coi đó là truyện ngắn để cố công đi tìm sự độc đáo và sự cách tân truyện ngắn của Kafka qua văn bản này thì sẽ có nguy cơ sa vào tư biện chủ quan, thậm chí sa vào cái mà nhà phê bình Trương Tửu đã từng gọi là lối “phê bình phù phiếm”, còn nhà nghiên cứu Thanh Lãng thì gọi là “phê bình tán dóc”!

*

Tóm lại, theo tôi ở Kafka có hai vấn đề chính: Tư tưởng phi lý và nghệ thuật mô tả cái phi lý như là một nhân vật vắng mặt. Từ tư tưởng phi lý đó mà cũng có ý kiến cho rằng Kafka là nhà văn hiện sinh chủ nghĩa.Trên thực tế, chủ nghĩa hiện sinh mang trong mình cái phi lý chủ quan trong mối quan hệ với phi lý khách quan, còn cái phi lý của Kafka là cái phi lý khách quan của thế giới thực tại. Cái phi lý của Kafka là đối tượng nhận thức, còn cái phi lý của chủ nghĩa hiện sinh là đối tượng hành động. Mặc dù Kafka có tuyên bố rằng viết văn là cuộc đấu tranh sinh tồn của ông, nhưng cuộc đấu tranh với cái phi lý ở ông vẫn chỉ giới hạn ở bình diện nhận thức phê phán chứ chưa được thể hiện ở bình diện hành động như ở chủ nghĩa hiện sinh. Nhân vật của Kafka suốt đời chỉ làm công việc nhận thức cái phi lý, trong khi các nhân vật của Camus là những kẻ nổi loạn, dấn thân thực sự, thậm chí là các chiến sĩ trên mặt trận chống lại cái phi lý như các nhân vật trong Dịch hạch chẳng hạn. Cho nên Kafka chỉ là người ảnh hưởng đến chủ nghĩa hiện sinh (trong) văn học chứ ông không đại diện cho chủ nghĩa hiện sinh.

Nói thực ra chính nghệ thuật độc đáo của Kafka đã làm cho người ta rất khó xếp ông vào một chủ nghĩa nào. Vì thế ở phương Tây đã xuất hiện một khái niệm trong tiếng Pháp và tiếng Anh là “kafkaesque”, nghĩa là “kiểu Kafka”. Cũng có ý kiến nói đến một chủ nghĩa hiện thực của Kafka. Ví dụ như trước đây Roger Garaudy đã xếp Kafka vào “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến”. Theo tôi, nếu gọi Kafka là nhà văn hiện thực chủ nghĩa thì, với cuộc đời dấn thân vào công cuộc nhận thức cái phi lý, với thủ pháp “hài hước cay đắng” của ông, ta có thể gọi chủ nghĩa hiện thực của Kafka là một “chủ nghĩa hiện thực nghiệt ngã”.

Nguồn Văn nghệ số 16/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *