Thời sự văn học nghệ thuật

19/5
10:32 AM 2016

Kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890/2016)

VỀ SÁU BÀI THƠ MỚI ĐƯỢC PHÁT HIỆN CỦA BÁC HỒ

I / Ba bài thơ viết trên vách đá hang động

Ngày 19-5-2014, nhân kỷ niệm 124 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau buổi thuyết trình “Chủ tịch Hồ Chí Minh và văn hóa Việt Nam - văn hóa nhân văn, văn hóa hòa bình”, tôi có buổi chuyện trò, trao đổi với Giáo sư (GS) Hoàng Tranh, Viện Khoa học xã hội Quảng Tây, người có nhiều công trình nghiên cứu về Hồ Chí Minh và được GS cho biết, theo ông Hoàng Nghị, phụ trách Phòng trưng bày Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang, Quảng Tây, thì tại động Long Lâm, huyện Tĩnh Tây, có hai bài thơ của Nguyễn Ái Quốc -Hồ Chí Minh viết trên vách đá. Hôm sau, GS Phạm Hồng Quý, người khá am hiểu về văn học Việt Nam, đưa tôi đến gặp cô giáo Trần Lệ Hoan, phu nhân của cố GS Lâm Đại Phàm. Cô giáo cho biết, theo lời kể của GS Phàm, ở động Long Lâm có thơ Bác Hồ. Theo chân một cán bộ Bảo tàng Tĩnh Tây, tôi đến được động Long Lâm, cách thị trấn cùng tên chừng 3km. Dân trong vùng gọi động này là động Đức Môn. Động ở lưng chừng núi, cây cối rậm rạp, hiểm trở, nay được mở lối mòn, tu bổ, bảo tồn thành một di tích lịch sử - văn hóa.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc và người cao tuổi địa phương, khoảng những năm đầu thập niên 1930, người tìm ra động này là ông Trương Đình Duy. Ông đã dọn động làm chỗ ẩn nấp cho gia đình mỗi khi có biến. Đầu tháng 12-1940, Bác Hồ rời văn phòng Bát Lộ quân ở Quế Lâm về Tĩnh Tây, tìm cách bắt liên lạc với các đồng chí từ trong nước sang, cùng chuẩn bị kế hoạch về nước. Thời gian này, Bác ở nhà hai ông Trương Đình Duy và Lâm Bích Phong. Tại đây, Bác kết nghĩa anh em với một số người ở địa phương. Ông Trương Đình Duy nhiều tuổi nhất được tôn là Anh Cả, Bác Hồ là Anh Hai, Lâm Bích Phong (thân phụ của cố GS Lâm Đại Phàm) là Anh Ba… Lê Quảng là người thứ 12.

Lúc bấy giờ tình hình vùng này không được yên ổn. Những người anh em kết nghĩa đã đưa Anh Hai vào ở động Long Lâm. Hằng ngày, những người anh em này thay nhau đem cơm và tin tức vào cho Anh Hai. Trương Thuật Phong, cháu nội ông Trương Đình Duy, thường được phân công vào động cùng ở và giúp đỡ Ông Hai những việc cần thiết. Trương Thuật Phong cho hay, những lúc cao hứng, Bác thường đọc thơ. Thấy thơ hay và đúng cảnh, Trương Thuật Phong đã dùng than củi viết lên vách đá trong động hai bài thơ của Bác Hồ:

LONG LÂM ĐỘNG - I

(âm Hán - Việt)

 Tam Thai đối diện điểu thanh điềm

 Lưu thủy sàn sàn bạn ngã miên

 Tẩu biến thiên nhai thiên lý lộ

 Tàng thân thử động tối an toàn.

(Trên núi Tam Thai, đối diện với cửa động, tiếng chim hót ngọt ngào/ Nước chảy rì rầm cùng tôi vào giấc ngủ/ Đi khắp chân trời, trên đường ngàn dặm/ Ẩn thân nơi này là nơi an toàn nhất).

Dịch thơ theo nguyên thể là:

ĐỘNG LONG LÂM - I

Chim núi Tam Thai gù trước động

Nước ru ta ngủ những canh chầy

Bôn tẩu chân trời ngàn dặm thẳm

Ẩn mình, đâu sánh được nơi đây?

 (ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Dịch thành lục bát là:

ĐỘNG LONG LÂM - I

Chim gù động núi Tam Thai,

Rì rầm nước chảy canh dài ru ta.

Chân trời, ngàn dặm bôn ba,

Ẩn mình, đâu tốt hơn là nơi đây!

 (ĐỖ TRUNG LAI dịch)

LONG LÂM ĐỘNG - II

(âm Hán - Việt)

Thử động chân chính hảo

Thắng tỷ Thất Tinh nham

Việt nhân đáo thử xứ

Mạc bất tâm khai nhan

(Hang này thật sự là rất tốt/ Tốt hơn vách núi Thất Tinh (trước đây tôi đã từng ở, tại Quế Lâm)/ Người khách Việt nay đến nơi này /Không thể không tươi cười, hài lòng được).

Dịch thơ theo nguyên thể là:

ĐỘNG LONG LÂM - II

Động này tốt hơn hẳn

Núi Thất Tinh ngày nào

Khách Việt về đây ẩn

Không cười mà được sao.

 (ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Dịch thành lục bát là:

ĐỘNG LONG LÂM - II

Động này tốt nhất từ xưa,

Thất Tinh Sơn cũng còn thua động này.

Có người khách Việt về đây,

Miệng cười, lòng cũng dâng đầy niềm vui.

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Theo GS Hoàng Tranh, vào thập kỷ 1980, có người đốt lửa trong động Long Lâm, làm hỏng bài thơ này. Một người trong số 12 người kết nghĩa trước đây, nhớ bài thơ đó và đã viết lại trên một vách đá khác.

Về bài thơ viết trong động Ba Mông thì trong chuyến đi điền dã theo những địa danh mà Bác Hồ bị giam, bị giải qua 30 nhà tù từ Tĩnh Tây đến Nam Ninh, tôi được cháu nội của cụ Từ Vĩ Tam đưa đến những nơi Bác đã thường qua lại. Trong thời gian ấy, Bác chủ yếu ở nhà hai ông Từ Vĩ Tam và Vương Tích Cơ. Vương Tích Cơ, Từ Vĩ Tam, Hoàng Đức Quyền, Hoàng Đại Hán cùng Bác kết nghĩa anh em, một lòng một dạ với  nhau. Dạo ấy, bọn hương cảnh Quốc Dân Đảng hay đến thôn lục soát, bắt bớ. Để bảo đảm an toàn cho Bác, thấy cách thôn Ba Mông khoảng hơn 1km có núi Phong Nham, trong núi có một ngôi động không rộng, không sâu lắm, rất ít người biết, Từ Vĩ Tam và Vương Tích Cơ đưa Bác vào động này và cử Hoàng Tài Phán vào cùng ở, vừa chăm sóc Bác, vừa giữ mối liên lạc với bên ngoài. Theo lời kể của ông Hoàng Tài Phán, Bác đã dùng nước vôi viết trên vách đá những câu chữ Hán như Kết nghĩa đệ huynh, đại gia nhất điều tâm (Kết nghĩa anh em, mọi người đồng lòng), Thực hành tân sinh hoạt, hoàn ngã cựu sơn hà (Thực hành đời sống mới, trả lại non sông cũ cho ta), đặc biệt có bốn câu thơ viết bằng than củi (âm Hán - Việt):

Nhật xuất Đông phương nhất điểm hồng

Nga mi phượng nhãn tự loan cung

Mãn thiên tinh đẩu linh định điếu

Ô vân cái nguyệt ám mông lung.

 (Mặt trời mọc, phương Đông hiện lên một điểm hồng/ Như mắt chim phượng dưới nét ngài cong/ Đầy trời, sao (đêm qua) chỉ còn le lói sáng/ Mây đen cũng đã che mờ mịt cả trăng rồi).

Dịch theo nguyên thể là:

Phương Đông hiện một mặt trời hồng

Tròn xoe mắt phượng dưới mày cong

Khắp trời, sao chỉ còn le lói

Mây phủ, trăng kia tối mịt mùng.

 (ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Dịch thành lục bát là:

Trời đông nhô một chấm hồng,

Tròn xoe mắt phượng cong cong nét ngài.

Sao mờ trong ánh ban mai,

Đêm tàn, trăng nấp sau mây ngược rừng.

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

II / Ba bài thơ tặng ông La Quý Ba

Ba bài thơ Bác Hồ tặng ông La Quý Ba là do GS Văn Trang lưu giữ và cung cấp. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, GS Văn Trang làm phiên dịch cho đoàn cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam mà ông La Quý Ba làm trưởng đoàn. Sau này, GS tiếp tục làm phiên dịch của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, với ông La Quý Ba là Đại sứ.

Theo GS Văn Trang, ngày 27 tháng Chạp năm Tân Mão (tức ngày 23-1-1952), Bác cử người mang tặng Trưởng đoàn La Quý Ba rượu và bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sau đây (âm Hán - Việt):

Nghênh xuân vô biệt soạn

Vi hữu tửu sổ tôn

Thỉnh nhĩ môn nhất túy

Cộng độ thắng lợi xuân.

(Đón xuân, không sắm sửa được món gì đặc biệt/ Chỉ có mấy chén rượu (này thôi)/ Xin các anh hãy say một cuộc/ Cùng mừng xuân thắng lợi (với tôi)!)

Dịch theo nguyên thể là:

Tết này đành đạm bạc

Dăm chén rượu làm vui

Say đi nào các bạn

Mừng thắng lợi cùng tôi!

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Dịch thành lục bát là:

Tết này chưa thịnh soạn đâu,

Thì ta thơ túi rượu bầu làm vui.

Say đi nào các bạn ơi,

Mừng xuân thắng lợi cùng tôi một tuần.

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Ngày mồng 7 Tết Nhâm Thìn, tức ngày 2-2-1952, Bác lại cử người đem tặng Trưởng đoàn La Quý Ba hải sản và bài thơ lục ngôn tứ tuyệt sau đây (âm Hán - Việt):

Đào phù vạn hộ nghênh tân

Bộc trúc nhất thanh trừ cựu

Phụng tống hải vị sổ điều

Liêu cúng thưởng xuân hạ tửu.

(Đào giúp cho vạn nhà đón năm mới đến/ Pháo kêu một tiếng tiễn năm cũ đi/ Gửi tặng (anh) mấy món hải sản này/ (Để anh) cùng đồng liêu nâng chén thưởng xuân!)

Dịch theo nguyên thể là:

Đào nở, nhà nhà đón Tết

Pháo nổ, đất trời qua đông

Gửi anh một ít hải sản

Cùng nhau nâng chén xuân nồng!

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Dịch thành lục bát là:

Pháo kêu một tiếng - đông qua,

Đào cho hoa thắm - nhà nhà mừng xuân.

Gửi anh hải sản dăm phần,

Nâng ly tống cựu nghênh tân gọi là

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Xuân 1955, lúc đó ông La Quý Ba đã là Đại sứ Trung Quốc đầu tiên tại Việt Nam, nhân Tết Ất Mùi sắp đến, Bác gửi tặng ông quà Tết là 3kg đậu phụ trắng do thanh niên Việt Nam tăng gia được và bài ngũ ngôn tứ tuyệt sau (âm Hán - Việt):

Bạch đậu tam cân trọng

Chất cam nhi vị hương

Thanh niên tăng sản đắc

Thỉnh nhĩ thường nhất thường

(Có ba cân đậu trắng/ Chất ngọt, vị lại thơm/ Thanh niên (chỗ tôi) tăng gia được/ Mời anh thưởng thức xem thế nào!)

Dịch theo nguyên thể là:

Có ba cân đậu trắng

Chất ngọt và vị thơm

Thanh niên tăng gia được

Mời anh nếm thử xem!

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Dịch thành lục bát là:

Ba cân đậu trắng loại ngon,

Tôi dùng thấy ngọt lại còn thấy thơm

Thanh niên vừa mới làm thêm,

Đưa mời anh nếm thử xem thế nào!

(ĐỖ TRUNG LAI dịch)

Ba bài thơ Bác tặng ông La Quý Ba thể hiện tình cảm chân thành, thắm thiết của Bác đối với ông và đoàn cố vấn Trung Quốc, với Đại sứ quán Trung Quốc, thể hiện tình hữu nghị sâu sắc Việt - Trung.

Bác Hồ từng tặng cho một số nho sĩ yêu nước, những người bạn, những đồng chí… mỗi người một bài thơ. Riêng có hai người được Bác tặng hai bài, đó là cụ Bùi Bằng Đoàn và tướng Trần Canh; khi ở trong tù, Bác có viết hai bài thơ tặng Hầu Chí Minh. Việc Bác Hồ tặng ông La Quý Ba ba bài thơ là một hiện tượng đặc biệt, có một không hai.

LÊ XUÂN ĐỨC


(Theo qdnd.vn)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *