Thời sự văn học nghệ thuật

28/7
7:10 AM 2017

HOA XƯƠNG RỒNG TRÊN CAO NGUYÊN SÍN CHẢI

Nguyễn Đức Lợi-Tủa Chùa - “Tả Chải” - “cái bản to”, hay vùng đất mà con người luôn bị đá dồn đuổi, đá “đấu chọi”, đá “đối kháng” từ rừng vào nương, từ nương vào nhà, và từ nhà vào những giấc mơ mộng mị cơm áo!

Đứng từ trên đỉnh Đồi Gió nhìn về phía Nam, thị trấn Tủa Chùa như một bộ trang điểm son môi hai tư màu, ngẫu sắp thành hình một con công trống xòe đuôi, tung cánh bay theo hướng tỉnh lộ 129 ra quốc lộ 6, về phương Nam - phương mà bất kể khi nào người “miền núi” đều đặt trọn niềm tin mong mỏi, và nỗ lực không ngừng phấn đấu để “tiến cho kịp”. Vào mỗi buổi sớm mai, khi mà sương mù hòa tan những sợi khói đồ xôi, phủ một màu trắng chín lay động lên vạn vật sơn cư, cũng là lúc cả thung lũng bỗng hóa thành một bầu trời ngược. Những màu son môi, những hoa văn trên manh “kim bào” của con công trống ấy giống như những vì sao đỏ, sao xanh ẩn hiện giữa dòng sông mây chảy bồng bềnh trên “cánh đồng trời” Mường Báng.

 

 

Cũng đứng từ đây, nhưng nhìn về phương Bắc, “cổng trời” Tà Phìn hiện ra sừng sững như một “ải cấm quan” chặn ngang lối lên cao nguyên đá Sín Chải (Sín Chải là cao nguyên nhỏ, trải rộng gần như toàn bộ huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên; có diện tích khoảng 1.500 Dinh). Đồi Gió, phảng phất mùi thơm như bỏ bùa bỏ ngải của thứ rượu quà, rượu lễ Mông pê, mà dân sành ẩm coi như một loại rượu duy nhất, uống vào chỉ khỏe không say (không ngộ độc methanol và ethanol). Rượu Mông pê trước hết là rượu ngô của người Mông (và chỉ được nấu bởi người Mông ở Tủa Chùa). Mông pê có nghĩa là rượu ngô của người Mông nấu và chôn dưới đất ba năm. Có sách, báo, và một số tờ rơi quảng bá loại sản phẩm này cho mục đích kinh doanh dưới vùng thấp ghi chú: Rượu Mông pê có nghĩa là rượu “Mông ta” (chắc để phân biệt với Mông Lào, Mông Trung Quốc…) là không có căn cứ thuyết phục. Không như người Thái, người Kháng, người Khơ Mú… rượu có thể được nấu ra từ gạo, ngô, sắn, thậm chí là từ cám trấu, từ vỏ sắn, từ ruột cây, thịt quả rừng… người Mông ở Tủa Chùa chỉ nấu rượu từ ngô. Còn “pê” là gì? “Pê” chính là số ba - số đếm của người Mông: Y, o, pê… tương ứng với: Một, hai, ba… Và, trong trường hợp này, có nghĩa là rượu ngô chôn ba năm của người Mông ở Tủa Chùa. Một thứ rượu có mùi thơm ngọt như chế đường vào đầu lưỡi, mát như gió núi thổi trong cổ họng và, có màu vàng sóng sánh như mật ong non.

Quy trình làm rượu Mông pê của người Mông Tủa Chùa rất phức tạp. Nguyên liệu phải là ngô nếp đầu mùa - loại ngô nếp Mông màu trắng ngà thuần chủng, dẻo, thơm và ngọt đượm. Hạt ngô vừa cứng sữa, thu về, tẽ từng hạt bằng tay, rửa nước mạch đá, rồi đem hấp cách thủy cả chục giờ liền. Sau đó, đổ ngô đồ xuống một cái hố đã lót lá chuối, được đào ở một nơi không cao không thấp. Đợi cho ngô đồ nguội, rắc vào một loại men gia truyền được làm từ thảo dược quý của núi rừng có tác dụng chống lạnh, trừ cảm, lưu thông khí huyết, giảm đau xương khớp… vì thế mà uống vào không bị đau đầu như nhiều loại rượu khác (cây và cách làm men chỉ được truyền cho con gái. Một thời, con gái Mông Tủa Chùa không biết làm men thuốc thì không lấy được chồng). Công đoạn cuối của ủ rượu là phủ lá chuối và lấp đất. Một trăm ngày sau, thứ nguyên liệu dùng để nấu rượu Mông pê cựa mình, mặt hố nhúc nhích, mùi rượu ngô quyến rũ ngay từ khi lách đất chui lên. Đấy chính là thời điểm cái rượu chín nục. Người Mông chủ ý đổ vào nồi nấu cả thứ nước đất, đá và cả nắng, gió của trời lưu lạc vào hố ủ rượu. Khay hứng rượu bằng gỗ, chõ bằng gỗ, mà cũng chỉ là loại gỗ “mạy xọk” sẵn chứa trong thớ sinh khí linh thiêng của đất trời. Rượu Mông pê phải được cất đi cất lại ba lần (số đếm “pê” có cả nghĩa này), sau đó rượu được cho vào vại sành già, chọn chỗ đất cao, nhiều nắng gió mà chôn cho đủ ba năm mới đào lên, dùng chủ yếu làm đồ cúng, đồ biếu, quà cưới hỏi… Với người tiêu dùng thông thường, rượu Mông pê mới chưng cất ra đã là hảo hạng.

Về Tủa Chùa vào bất kỳ mùa nào, giờ nào đều không lo thiếu rượu Mông pê, càng không lo nơi ăn chốn ngủ. Cứ chơi thỏa thích đi, nhưng khi nào thấy “hòn trời” đỏ ửng rơi chênh chếch vạt cây, rừng đá, thì tìm cho mình một con ngựa đang lóc cóc thồ những giấc mơ con con của người Mông về bản. Không có ngựa thì tìm trâu, bò, dê, chó… cũng được, túm đuôi chúng, “túm” lốt chân chúng để chúng dẫn ta về nhà. Chủ nhà sau một lát thầm thì với “con vật gia tài” lại cũng là “sứ giả thông minh”, sẽ lập tức niềm nở dắt tay bạn vào. Nếu gặp phải người kỹ tính (người Mông bây giờ, đôi khi bị lòng tin phản bội, cũng đã bắt đầu biết đa nghi - một cách học thông minh thứ “đặc sản” của người dưới xuôi), ông ta có trợn đôi mắt đỏ sọc máu, nhìn bạn từ đầu xuống chân, từ trước ra sau thì cũng cứ yên tâm. Bằng giác quan thứ sáu, người Mông đủ tỉnh táo để nhận ra bạn là một lữ hành khốn khổ, đang rất cần một sự giúp đỡ ân cần và chu đáo.

Trong màn tối lờ nhờ của ngôi nhà Mông, vốn được làm thấp truyền đời vì lý do núi chênh gió dẩy, mọi thiết kế, sắp đặt đều phục vụ ý thức tự tồn, tiện dụng và tối giản tiết kiệm. Cũng trong màn tối nhìn mặt nhau còn khó ấy, khách vẫn hiện lên như một vị thượng giả, trước những người nhà mộc mạc đến khiêm nhường. Một bữa cơm mèn mén ăn với rau cải Mông, gà xương đen và nhâm nhi bát rượu Mông pê… đủ để ta trở thành người anh em mọi thời đại của họ. Trong bóng đêm cô tịch của núi rừng và trong tiếng kèn lá réo rắt ai phiêu, vị rượu càng thêm ngấm, tình rượu càng thêm say, và tình người càng thêm chặt. Có thể đêm ấy, vì rượu cũng được, vì tình cũng được, và vì người Mông không đóng giường thừa cũng được… ta phải thức trắng bên bếp lửa, nhấm nháp chén trà xanh được nấu từ lá của một loại “cây gỗ” mọc ở chái nhà, mới uống thì đắng, nhưng càng nuốt khan càng thơm, càng ngọt. Vị ngọt của thứ lá cây gỗ ấy cứ rúc mãi lên não, khích động vào những nơ-ron thần kinh sáng tạo, đột hóa ta thành những thi sĩ thiên tài. Cũng có thể đêm ấy ta phải vắt vẻo trên xà nhà - nơi được kê vài ba tấm ván - ngồi co ro trong chiếc váy vợ chủ nhà mà ngắm trăng sao mây gió, mà chiêm ngưỡng những bông hoa xương rồng khoe sắc trên cao nguyên đá Sín Chải. Bông hoa xương rồng ấy chính là những người dân tộc thiểu số - biểu tượng cho sức sống mãnh liệt ngàn đời khuất phục thiên nhiên vốn lung linh đấy, nhưng vô cùng khắc nghiệt. Sớm mai thức dậy, cảm giác say được thay bằng sự sảng khoái do các vị thuốc có trong men rượu Mông pê, trong xương thịt gà đen và thứ cải phu thê chứa một loại nhựa vừa là kháng sinh vừa bổ dưỡng. Có điều, trước khi từ biệt gia chủ, bạn nên để lại một chút thành ý, không nhiều thì cũng cần thiết bằng lấy một phần mười cái bữa tiệc vừa độc hại vừa phung phí nơi phố thị (người Mông không bao giờ yêu cầu, nhưng theo tôi, đời sống của họ vất vả lắm, hiếu khách mà thiệt thân!). Chỉ có những “đại gia” chè shan tuyết trên cao nguyên Sín Chải mới xông xênh được, bữa cơm mọn đãi khách thôi cũng là cả một con dê núi đá. Dê ở đây không giống dê các vùng khác mà nhỏ mình, chân cao, lông dài, leo trèo như sơn dương. Có lẽ đặc biệt hơn cả chính là sức sống mãnh liệt của nó, bởi ở cao nguyên đá, cây cỏ hạn chế, rét giá dư thừa. Mùa mưa thì mưa như đá lở, nhưng mùa khô, có khi vài cây số cũng không tìm ra nước uống. Vì thế mà thịt dê Tủa Chùa có vị của mồ hôi đá, vị của nhựa cây cổ thụ, vừa “gây nghiện” người ăn, vừa là thuốc chữa suy nhược. Ai đã từng ăn một miếng dê tái chanh (phải là chanh Mông, to như trái cam, vắt ra cả tép) thì không còn muốn ăn thịt dê xứ khác. 

*

“Đại gia” xứ núi Hạng A Chư (bản Hấu Chua, xã Sính Phình) dắt chúng tôi đi lang thang trên con đường khúc khuỷu như những cành cây, trong “đại bản doanh” chè shan tuyết của anh, để mà thỏa thê ngắm cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi, có chu vi gốc lớn ba người ôm không xuể. Người đàn ông có con mắt lạnh như mắt đá, hẳn phải quyết đoán và kiên định như thạch an sơn. Đi len lỏi trong đá và các gốc chè, nghe Chư kể về sức sống mãnh liệt của vạn vật ở đây. Từ đó, tôi hiểu rằng, chính yếu tố ấy đã hình thành nên sức sống của anh cũng như những người dân ở Tủa Chùa nói chung, và người dân trên cao nguyên Sín Chải.

Ngày xưa cao nguyên đá Sín Chải là một rừng chè shan tuyết mênh mông bát ngát. Tại sao có chè cổ thụ ở đây, mà lại có nhiều đến thế, không ai biết. Do trồng thì chắc chắn không phải, vì khi người Mông đến, chẳng có dấu hiệu nào cho thấy sự hiện hữu của con người. Cây ở đây cũng chủ yếu là chè. Có lẽ vì chè có sức sống vô biên, mỗi mùa chỉ cần vài giọt dưỡng chất trời ban cũng đủ cho cành lá sum suê. Người Mông đến với cao nguyên đá Sín Chải cũng là ngẫu nhiên. Cứ nơi nào cao thì đến. Nơi nào chưa có người ở thì đến. Nơi nào có đất canh tác, có cây ăn được thì đến. Và kể cả là thế thì cũng không phải người Mông đến vì ở đây có cây chè shan tuyết. Lá chè uống vào khỏe ra, thọ lên, nhưng vốn dĩ người Mông đã khỏe và thọ chẳng khác gì cổ thụ. Người Mông chỉ cần bình yên và no ấm, còn cây chè thì suốt một chặng đường dài không đem lại sự no ấm cho ai. Người ta chặt chè đi để lấy chỗ làm nhà, chặt chè để lấy đất làm nương, lấy lối đi lại, thậm chí là chặt làm củi, chặt để chơi, để luyện tay đốn tay đẽo, như con hổ phải cào vào cây để mài vuốt, vậy thôi. Nghe nói ở dưới xuôi, chè shan tuyết là đặc sản, có khi cả triệu đồng một cân khô, vậy mà tại cao nguyên Sín Chải, chưa bao giờ chè shan tuyết là thứ cứu được đói. Vì thế mà sự hiện diện của chè, hàng trăm năm rồi, chẳng khác gì một thứ cây rừng, đem lại duy nhất một niềm khả dĩ, đó là làm bóng mát mỗi buổi cày buổi gặt.

Chỉ có dê thôi. Ai đã từng đi bộ dọc trên con đường liên xã dài hơn 50 cây số từ trung tâm huyện lị Tủa Chùa vào đến Sín Chải chênh vênh đá và nắng vào mùa khô khát một thời, thì thấy lẫn trong màu đá xám lạnh xương sống là màu xám, đen, trắng của dê. Dê nhiều như đá. Đi đến đâu cũng thấy dê. Tiếng dê be ù đặc cả không gian vốn hiếm ô xy và áp suất, nhưng thừa gió, thừa nắng, thừa hạn và lạnh. Vì lẽ đó mà chỉ có dê mới tồn tại ở cái nơi luôn phải bòn mót từng cọng cỏ, bòn mót từng giọt sương này. Và một ngày, người ta phát hiện ra chè shan tuyết chính là thứ thức ăn dê núi đá Tủa Chùa ưa thích, vậy là dê càng thêm quý, và đương nhiên là càng được gây nuôi nhiều hơn. Phải nói là nhiều đến mức đi vấp vào dê. Sản phẩm dê Tủa Chùa có mặt trên khắp những quán nhậu đặc sản các tỉnh miền núi phía Bắc. Chỉ có điều, ở đâu đó thì là đặc sản, chứ ở Tủa Chùa, dê rẻ đến nỗi cho không nhau. Có lẽ do xa xôi cách trở, hoặc do dê quá nhiều; hay do người Mông vốn xuề xòa, dễ tin dễ bán.

Cũng chung số phận với dê là gà xương thịt đen (gà thuốc) Tủa Chùa. Gà chỉ xương đen thôi, không phải mỗi Tủa Chùa mới có. Thế nhưng, lại chỉ ở Tủa Chùa mới thấy giống “gà lông xước” - toàn thân con gà phủ một lớp lông tơ (lông mao) mềm như lông thú, mà không có đuôi, không có cánh. Mặc dù thịt đen, xương đen nhưng lông đủ màu: đen, trắng, xám, vàng, mơ… Con gà Tủa Chùa có lẽ khác gà nơi khác cũng bởi sự sinh tồn mãnh liệt của nó. Ngủ cành cây, uống sương muối, ăn ngô răng ngựa và thóc lông đuôi (Loại thóc tẻ trồng 6 tháng mới được thu, gạo đỏ, năng suất thấp, nhưng lại là loại thóc số một về độ thơm, ngon và dẻo của người Mông. Mỗi hạt có một cái lông dài vài cm, cứng và nhọn tựa gai bồ kết, sơ sơ thế đủ thấy, mặc dù rất nhiều đặc sản, nhưng gần 5 vạn người dân, gồm các dân tộc Mông, Thái, Khơ Mú, Dao, Hoa, Phù Lá… (dân tộc Mông chiếm 73%) ở Tủa Chùa vẫn chìm trong muôn nỗi nhọc nhằn. Ngoài các cây, con kể trên, Tủa Chùa còn có ngô, lúa, đậu tương, cánh kiến… phân bố canh tác trên diện tích ngót 18 ngàn héc ta, nhưng rồi thì, rốt cuộc Tủa Chùa vẫn không thể tách ra khỏi danh sách 62 huyện nghèo nhất nước và đương nhiên vẫn là huyện nghèo nhất tỉnh Điện Biên. Nhưng dù sao con dê, con gà xương đen trong một thời khắc đột lóe, vẫn là món tiền, dù nhỏ nhoi nhưng thật cần thiết. Vậy mà một ngày, cả 4 xã vùng dự án trồng chè shan tuyết đưa ra một nghị quyết chung, rằng, giảm tối đa số lượng đàn dê (dê vốn cũng nằm trong một dự án phát triển chăn nuôi trước đó)! Giảm dê để tăng chè. Giảm thứ dễ bán để tăng thứ khó bán. Cũng vì người Mông luôn có niềm tin nên thế. Chỉ sau vài năm, tìm mua dê trên vùng dự án chè Sín Chải đã bắt đầu khó như tìm dưới thành phố. Dê được “chuyển nhượng” cho các xã vùng ngoài dự án trồng chè shan tuyết như: Huổi Só, Tủa Thàng, Mường Báng, Mường Đun, Xá Nhè, Trung Thu.

Chè shan tuyết Tủa Chùa mang danh đặc sản, nhưng vốn dĩ người Mông ở đây không mấy mặn mà. Thu hái vất vả, sản lượng bấp bênh, giá đã rẻ (5 ngàn đồng/cân tươi) lại khó bán. Vậy mà các cấp lãnh đạo huyện Tủa Chùa và tỉnh Điện Biên vẫn cương quyết chi cho dự án hơn 80 tỉ đồng để bảo tồn, mở rộng thêm trên dưới 500 héc ta (tính đến tháng 6.2013) cho 4 xã vùng cao: Sín Chải, Sính Phình, Tả Phìn, Tả Sìn Thàng. Tủa Chùa sẵn có gần 10 ngàn cây chè cổ thụ - nơi được Viện Nghiên cứu Chè ghi nhận có mật độ cây chè cổ thụ tập trung lớn nhất cả nước. Người Mông trên cao nguyên Sín Chải có thể biết điều này. Họ đã từng thấy vui, nhưng niềm vui đơn giản chỉ là “địa phương số 1 về mật độ chè”. Họ sẽ thực sự vui hơn nếu như biết được, đã hàng chục năm qua, các đại gia miền xuôi lần mò lên tận các vùng chè cổ thụ ở các tỉnh miền núi phía Bắc, bỏ ra cả tỉ bạc để mua một cây chè cổ thụ “to như quả đồi con”, rồi thuê máy xúc, múc cả rễ cả đất, đưa lên xe siêu trường siêu trọng chuyển về xuôi. Thật rùng mình! Cảm ơn “cái sự không biết” của cả hai phía: Người Sín Chải và những gã “chơi ngông nhiều tiền lắm của” dưới xuôi. Vì nếu biết ở Tủa Chùa có chè khổng lồ, có thể bây giờ, cao nguyên đá Sín Chải chỉ còn trơ ra những rừng cây… đá. Bóng dáng loại cây biểu tượng của người Mông này chỉ còn trong chuyện kể. Còn bây giờ, người Mông vốn đặt niềm tin trọn vẹn vào Đảng và Chính phủ, cho nên, dù cây chè giá rẻ, khó bán vẫn trồng. Dù trồng chè, chè chết yểu vẫn trồng. Họ tin, nhất định cán bộ sẽ có cách!

Nói đến đời sống người nông dân thuần phác, không cơ quan nào sâu sát, thấu hiểu hơn Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Họ được giao nhiệm vụ phải hiểu và chia sẻ những khó khăn của bà con, vì thế, họ đặt tất cả niềm tin vào cây chè shan tuyết. Phải nói rằng, họ tin cây chè như tin chính người Mông vậy. Người Mông thì tin vào cán bộ, chỉ còn biết nỗ lực trồng chè vào tất cả chỗ trống mà con dê bỏ lại. Không có dê ăn lá, ăn vỏ cây chè, lại được cán bộ dự án nhanh chóng rút kinh nghiệm, thay đổi thời điểm trồng và cách thức chăm sóc, núi đá dần xanh lại một sắc chè mơn mởn. Chè tốt lại được dự án trợ giá. Đầu ra không còn phải vượt hàng mấy chục cây số nữa, vì ngay trên cao nguyên đá đã xuất hiện những điểm thu mua, những xưởng chế biến chè khiến người dân nguôi ngoai dần “cơn ác mộng giảm dê”. Trên vùng đất đá khô khát một thời, thứ cây “vô dụng” đã tạo nên những đại gia chè, thu nhập 500 - 600 trăm triệu đồng một năm. Để hôm nay - khi mà sắc xuân đang tìm đến gõ cửa từng nhà - chúng tôi không vấp phải dê như trước đây, nhưng thỉnh thoảng vấp mắt phải những ngôi nhà được sơn son thếp vàng, tiện nghi hiện đại chẳng khác gì những ngôi nhà sang trọng ngoài phố xá.

*

Đi dọc theo tỉnh lộ 129, có điểm xuất phát từ ngã ba Huổi Loóng (xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo), qua thị trấn Tủa Chùa, đến Sín Chải là đã tiếp cận được rất nhiều nét văn hóa sinh hoạt độc đáo của các dân tộc thiểu số Tủa Chùa, nhưng chưa phải tất cả. Ngoài phiên chợ tuần họp một lần vào ngày chủ nhật tại thị trấn Tủa Chùa, dân “phượt” còn nhắc đến hai điểm chợ nữa là chợ phiên Xá Nhè và chợ phiên Tả Sìn Thàng. Hẹn dịp khác, chúng tôi sẽ nói về những câu chuyện tình như chỉ có trong cổ tích của ông lão họ Giàng ở chợ phiên Xá Nhè và, chuyện “cặp đũa lệch” diệu kỳ của bà lão họ Mùa ở chợ phiên Tả Sìn Thàng. Còn bây giờ, khi mà trên đầu mây đã nặng, dưới chân tuyết đã điểm, đó là dấu hiệu cho biết, chúng tôi phải tiếp tục theo con đường liên xã, bắt đầu từ đoạn cuối tỉnh lộ 129, đi đến với chợ phiên cụm xã Huổi Só, hay còn gọi là chợ sông Huổi Lóng. 

Ở đây, tôi có anh bạn Phàn A Thi người dân tộc Dao, ở thôn Huổi Lóng, xã Huổi Só vốn tình cờ quen được ở chợ phiên Tả Sìn Thàng gần chục năm về trước, khi mà cả hai chúng tôi có chung điểm hẹn “thỉnh thoảng đi ăn thắng cố dê và uống rượu Mông pê”. Ngồi nhâm nhi chén rượu thóc men lá - loại rượu được suy tôn là “mỹ tửu” truyền thống của người Dao - anh Thi tự cất, cùng món cá lăng nướng chấm với chẩm chéo ớt xanh, nhìn ra khoảng tối mịt mùng, hình dung lại đoạn sông Đà mà tôi đã đến năm 2006. Nói đúng hơn, lúc đó, sông Đà đoạn Huổi Lóng, Huổi Ca, Pê Răng Ky của xã Huổi Só cũng như đoạn sông Đà Huổi Trẳng, xã Tủa Thàng… nhỏ như một con suối để đồng bào lấy nước tưới tiêu. Về mùa lũ, nước sông đỏ ngầu màu mắt bò tót, thế nhưng hầu hết bà con vẫn phải “lội” sang bên kia sông - nơi giáp ranh với Sìn Hồ (Lai Châu) để làm nương rẫy. Nhìn trên bản đồ vệ tinh, gần như trọn vẹn phía Bắc của cao nguyên đá Sín Chải giáp tuyến với cao nguyên Tà Phìn (Sìn Hồ), với giới hạn là sông Đà. Phía Đông cũng là sông Đà, nhưng xa hơn, Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai) như một “bức vách thưng trời” lừng lững che chắn mọi thiên tai địch họa, để cao nguyên đá Sín Chải mãi được bình yên.

Trong ánh đèn măng sông đêm le lói, một cảm giác mênh mông xâm nhập vào lòng. Những ngọn đèn câu lập lòe đom đóm, bỗng trở nên nhấp nhóa, lung linh theo từng nhịp khỏa nước. Các đốm sáng rải rác khắp một vùng rộng bao la, cho phép cảm quan về một “tiểu Hạ Long” trên đỉnh núi. Và đúng vậy, khi bức bình minh mở ra, tầm nhìn thốt nhiên trải rộng, chính là lúc sự ngỡ ngàng về một “bến cảng” trở thành hiện thực. Chưa kể thuyền bè trên thị xã Mường Lay (Điện Biên) xuống, dưới Quỳnh Nhai (Sơn La) lên. Chưa kể thuyền của Lao Xả Phình, của Tủa Thàng, mà chỉ tính riêng Thôn 1 và Thôn 2 (Huổi Só) cũng đã có hơn 70 xuồng sắt và gần 100 thuyền gỗ đánh bắt cá đêm đổ về chợ bờ sông Huổi Lóng. Thôi thì đủ loại, đủ màu sắc cá, tôm sông. Người mua kẻ bán tấp nập chẳng khác nào một chợ cảng vùng sông lớn, biển rộng dưới xuôi. Thật chú ý sẽ thấy, không chỉ thuyền đánh bắt cá, mà có các nhóm thuyền “săn” (mua) cá lăng, cá chiên, cá dầm xanh… sông Đà. Thật chẳng nào sướng bằng ngồi nhâm nhi chén “mỹ tửu”, ngắm cảnh người ta săn “trâu mộng” dưới lòng sông (loài cá chiên khổng lồ có giá trị vài chục triệu, tương đương một con trâu mộng), rồi người ta kỳ kèo ngã giá, thậm chí là mua giật mua cướp…

Thế thôi đấy, Tủa Chùa quê ta vốn sẵn của trời ban đất tặng. Nhớ câu nói của Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa Đỗ Xuân Huấn ngày nào: “Tủa Chùa quê tôi vốn sẵn những điều tự có. Chúng tôi chỉ mang đến cho người dân sức bật, vậy thôi!”. Câu nói thật khiêm nhường. Ai thực sự lăn lộn với người dân Tủa Chùa sẽ thấy khó khăn và sự nỗ lực chồng chất. Nó thể hiện ở một tâm sự khác đầy trăn trở của anh, cho thấy Tủa Chùa đang sống hết mình vì mình: “Nuôi con này không thành, phải nuôi bằng được con khác. Không trồng được hoa màu thì trồng chè; không trồng được chè thì trồng cây dược liệu; không trồng được cây dược liệu thì trồng cây cánh kiến; không trồng được cây cánh kiến thì trồng rừng, trồng cỏ…”. Câu nói này thì phải đi mới thấy. Chè trên cao nguyên Sín Chải; thông, khiết (cây chủ cánh kiến)… ở Trung Thu; tông dù Lao Xả Phình; trẩu Mường Báng… Còn trâu, bò, dê, ngựa, chó, lợn, gà xương đen và cỏ trồng, cây ăn quả, cây dược liệu… thì đâu cũng có.

Càng ước ao, càng thấy Tủa Chùa như một phần máu thịt. Rời những rượu Mông pê, những chén trà thơm mùi “cây gỗ”, và cả những cái chạm chén giao bôi trong niềm lưu luyến bâng khuâng. Cảm giác khi ấy là cảm giác của một người mang nặng lòng món nợ niềm nỗi. Trên con đường từ Huổi Lóng đi Tủa Thàng, tôi dừng chân trên đèo Tà Huổi Tráng, lấy hơi hú một tiếng dài như sợi dây, nối cao nguyên Sín Chải với cao nguyên Tà Phình của Sìn Hồ. Ở bên ấy, biết đâu đấy, những trí tưởng tượng phong phú sẽ hồ nghi về một tiếng hổ gầm uy phong bạt vũ. Không thì, cùng lắm cũng liên tưởng đến một tiếng chít của một chú thỏ rừng hiền lành như cọng cỏ.

Nguồn báo Văn nghệ số 27/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *