Thời sự văn học nghệ thuật

22/2
9:44 AM 2019

BA ẤN PHẨM DÀNH CHO NGÀY HỘI LỚN

Vũ Quang-Sông núi trên vai tập hợp các tác phẩm của 44 nhà thơ Việt Nam hiện đại, đây là một cuộc “duyệt binh” khá tiêu biểu đội ngũ những nhà thơ xuất sắc nhất của thời đại Hồ Chí Minh, thành tựu của nền văn học cách mạng. Đây là những gương mặt đã khá quen thuộc với bạn đọc yêu thơ Việt Nam, họ đã xuất hiện trong rất nhiều tập tuyển chọn khác nhau

 Để chuẩn bị cho sự kiện văn chương lớn (3 trong 1): Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ 4, Liên hoan thơ Quốc tế lần thứ 3 và Ngày thơ Việt Nam lần thứ 17 diễn ra vào dịp đầu Xuân Kỷ Hợi (2019), ngay từ giữa năm 2018 Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã giao cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Trung tâm dịch thật văn học Việt Nam cùng các Hội đồng chuyên môn, các dịch giả, các cơ quan báo chí của Hội xúc tiến việc chuẩn bị để cho ra đời một số ấn phẩm đặc biệt để phát hành, phục vụ bạn đọc và khách mời Quốc tế tới tham dự Ngày hội văn chương và thi ca lớn nhất trong năm.

Trong số các ấn phẩm được xuất bản và phát hành trong dịp này đặc biệt có ba ấn phẩm song ngữ (Việt-Anh) được chuẩn bị rất công phu.

- Tập khảo lược Mười thế kỷ văn học Việt Nam (10 centuries of Vietnamese Litterature)

- Tập tuyển chọn truyện ngắn Việt Nam hiện đại Một loài chim trên sóng ( Birds Over Vaves)

- Tập tuyển chọn thơ Việt Nam hiện đại Sông núi trên vai (Carrying the Muontian and River on our Shoulders)

Ba ấn phẩm trên được coi như một kênh chủ động, mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho việc giới thiệu văn học Việt Nam ra với thế giới.

  •  

Tập khảo lược Mười thế kỷ văn học Việt Nam do Giáo sư Phong Lê biên soạn, được coi như một cuốn cẩm nang gọn nhẹ dành cho bạn đọc và giới nghiên cứu dịch thuật khắp thế giới muốn tìm hiểu, khám phá về văn hóa và văn chương Việt Nam trong mười thế kỷ gần đây. Trong mấy lời mở đầu tác giả khiêm nhường viết “không là chuyên gia triết học, hoặc văn hóa học, chỉ là người nghiên cứu văn học, tôi có thể làm được gì với câu chuyên này (Mười thế kỷ văn học Việt Namnếu trước hết không biết tìm đến những tác phẩm lớn có sự sống trường cửu trong đời sống tinh thần dân tộc Việt…)

Trong cõi mông lung đời sống văn hóa tinh thần của mười thế kỷ dựng nước, giữ nước, tác giả đã chọn ra cách “đánh dấu, nhận đường” bằng những cột mốc đặc biệt, đó là những tác phẩm văn chương có sức sống trường cửu và có tác động sâu sắc trong việc hình thành nên lịch sử dựng nước và giữ nước. Đó là những cột mốc thiêng khi Lý Thường Kiệt viết bài thơ Thần trên phòng tuyến song Như Nguyệt, khi Trần Hưng Đạo viết Hịch  tướng sỹ văn, khi Nguyễn Trãi thảo Bình Ngô đại cáo… đến khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập… Chen vào giữa những bản hùng văn kêu gọi đánh giặc ngoại xâm chiến đấu giữ nước là những tác phẩm văn chương nhân ái, ưu thời mẫn thế hay giàu cảm xúc, thấm đẫm tính nhân văn và triết lý Phật giáo của những nhà thơ, những chí sỹ, những nhà tu hành của những thời thịnh trị… Đặc biệt, theo tác giả vào các thế kỷ 13 và thế kỷ 18, 19 văn chương Việt Nam có những bước phát triển đột xuất với sự xuất hiện của những thi hào lớn như Nguyễn Du với Truyện Kiều, Hải thượng lãn ông Lê Hữu Trác với Thượng kinh ký sự, Nhóm tác giả Ngô Gia Văn Phái với bộ tiểu thuyết Hoàng Lê Nhất thống chí, tiếp theo đó là sự xuất hiện của Phạm Đình Hổ (Chiêu Hổ) với 2 tác phẩm văn xuôi xuất sắc Vũ trung tùy bút  Tang thương ngẫu lục…

Tác giả thiên khảo lược cũng dành một không gian đáng kể để nhận diện văn chương Việt Nam giai đoạn cận đại với ba phong trào cách tân lớn cả về tư tưởng, văn hóa và văn chương nghệ thuật, đó là các phong trào Duy Tân, Đông Du và Đông Kinh nghĩa thục. Đó là những trào lưu canh tân tạo nền tảng cho việc tiếp nhận, giao hòa với các trào lưu tư tưởng và văn hóa Phương Tây sau này. Từ đó có sự ra đời và phát triển của chữ quốc ngữ, của báo chí nhân văn rồi đến sự ra đời của Tự lực văn đoàn và phong trào Thơ mới, tiểu thuyết mới… Tác giả cũng dành tâm huyết cho việc khảo sát và giới thiệu trang trọng quá trình ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam với tư tưởng cách mạng của thời đại do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, qua đó khẳng định văn hóa phải đi trước, “soi đường cho quốc dân đi”.Phải  hóa thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cách mạng xã hội

Tiếp theo tác giả đã lược thuật sự hình thành đội ngũ và thành tựu của một nền văn hóa mới ra đời và đang phát triển rực rỡ, làm nền tảng tinh thần cho công cuộc đánh đuổi thực dân, đế quốc, giải phóng dân nghèo, kháng chiến kiến quốc…

Khái quát về mười thế kỷ văn hóa và văn chương Việt, tác giả khảo lược đã khảng định: Chủ nghĩa yêu nước là tinh thần xuyên suốt, là động lực và sức mạnh để sáng tạo nên văn hóa và văn chương của người Việt Nam trong mười thế kỷ qua. Tinh thần ấy ngày càng sáng tỏ, sâu đậm và đến hôm nay vẫn tiếp tục là cảm hứng lớn, động lực lớn để giới văn nghệ Việt Nam tiếp tục con đường khám phá, sáng tạo, làm phong phú thêm diện mạo tinh thần của dân tộc mình.

  •  

Tập thơ Sông núi trên vai lấy từ tựa đề của bản trường ca viết về những người nữ chiến sĩ vận tải trên đường Trường Sơn của nhà thơ Anh Ngọc. Tựa đề này cũng được chọn làm tiêu đề lớn cho sân thơ chính tại Ngày hội thơ Nguyên tiêu năm 2019 tại Văn Miếu - Quốc tử giám. Chọn chủ đề này một lần nữa Hội Nhà văn khẳng định trách nhiệm xã hội của mỗi nhà thơ Việt Nam. Nhà thơ Việt Nam thời nào cũng không chỉ mang trong mình trái tim nhân ái mà còn phải sẵn sàng chấp nhận những trách nhiệm lớn lao mà Tổ quốc và nhân dân trao gửi.

Sông núi trên vai tập hợp các tác phẩm của 44 nhà thơ Việt Nam hiện đại, đây là một cuộc “duyệt binh” khá tiêu biểu đội ngũ những nhà thơ xuất sắc nhất của thời đại Hồ Chí Minh, thành tựu của nền văn học cách mạng. Đây là những gương mặt đã khá quen thuộc với bạn đọc yêu thơ Việt Nam, họ đã xuất hiện trong rất nhiều tập tuyển chọn khác nhau. Nhưng điều đặc biệt ở đây chính là đội ngũ các dịch giả đã làm rất tốt công việc của mình để tạo ra một bản dịch bằng tiếng Anh tương đối hoàn hảo. Khi tuyển tập xuất hiện tại Hội nghị quảng bá Văn học Việt Nam năm nay, nhiều nhà văn, nhà thơ, dịch giả quốc tế đã phải thừa nhận đây là một bộ tuyển chọn tốt với những bản dịch tốt nhất có thể. Dịch văn học nói chung đã là chuyện khó, dịch thơ lại càng khó khăn hơn gấp bội. Điều đáng nói là, nếu như chúng ta tập hợp được một đội ngũ dịch thuật tốt, có được những ấn phẩm dịch văn thơ Việt Nam ra những  ngôn ngữ phổ biến trên thế giới sớm hơn, hẳn bạn đọc trên khắp thế giới sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp nhận những giá trị sáng tạo của văn chương Việt Nam nhiều hơn nữa.

  •  

Một loài chim trên sóng là tập truyển chọn truyện ngắn được lấy tên từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Đỗ Chu, một trong những nhà văn nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam từ những năm đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ. Là một trong những tác giả khá tiêu biểu cho lớp những nhà văn “xếp bút nghiên lên đường chiến đấu”  theo lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để làm tập tuyển chọn này, Ban biên tập đã gặp rất nhiều khó khăn, mà một trong những khó khăn nhất, như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thừa nhận, đó là: văn xuối Việt Nam là một khu rừng nhiệt đới rộng lớn, để tiếp cận với bóng mát của khu rừng ấy cần phải có một dự án dài hạn với tầm bao quát tương xứng… Trong khuôn khổ một tuyển tập nhỏ, lại phải làm nhanh để phục vụ Hội nghị Quảng bá Văn học Việt Nam và Liên hoan Thơ Quốc tế đang đến gần, nên ban tuyển chọn đành phải theo phương thức chọn lựa đơn giản nhất, đó là chọn những đại diện tiêu biểu nhất, theo câu châm ngôn “so bó đũa chọn cột cờ”. Hai mươi hai tác giả được lựa chọn để đưa tác phẩm vào giới thiệu trong tuyển tập này quả là hai mươi hai nhà văn tiêu biểu, xứng đáng là những “cột cờ” ở mỗi vùng miền, mỗi phong cách, mỗi loại đề tài… Bên cạnh những tác giả gạo cội như Nguyễn Khải, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng… chúng ta sẽ gặp trong tuyển tập này những cây bút trẻ hoặc những cây bút đã có những cú bứt phá ngoạn mục về tư duy thể loại hay về những cách tiếp cận hiện thực rất sáng tạo, táo bạo. Đó là những Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Phan Thị Vàng Anh, Sương Nguyệt Minh, Tạ Duy Anh…

Việc dịch thuật tuyển tập truyện ngắn này, theo tâm sự của các dịch giả, cũng không hề đơn giản. Bởi vì phải làm sao bản dịch không chỉ sát nghĩa, sát cốt truyện, sát ngôn ngữ mà còn phải giữ được những nét riêng trong phong cách kể truyện của mỗi tác giả…

Tất cả những tác phẩm được chọn vào tuyển tập này đều là những tác phẩm rất quen thuộc với bạn đọc Việt Nam, họ đã từng mừng vui, khen chê khi tác phẩm lần đầu tiên được công bố… Nhưng với một phiên bản tiếng Anh thì chưa ai dám ngay lập tức có những ý kiến xác quyết. Điều đáng ghi nhận là nỗ lực của tập thể những người biên soạn, tuyển chọn và dịch thuật. Trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì một tập sáng tác song ngữ như thế này không chỉ có ích với bạn đọc người nước ngoài, mà nó còn giúp ích rất nhiều cho con em chúng ta khi đang theo học các chương trinh ngoại ngữ trong các nhà trường

Ba ấn phẩm rất có ý nghĩa đã được ra đời trong những ngày hội lớn của giới văn chương nước ta và bạn bè văn chương đến từ năm châu, bốn biển. Một món quà tặng, có lẽ không còn gì quý giá và có ý nghĩa hơn thế.


Nguồn Văn nghệ số 8/2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *