Tác phẩm và dư luận

15/3
11:18 AM 2019

“HẠC HỒNG” VÀ NHỮNG THÔNG ĐIỆP CẢNH TỈNH

NGUYỄN THANH HUYỀN - Bối cảnh tiểu thuyết HẠC HỒNG của Lê Hoài Nam (NXB Hội Nhà văn; 1-2019) là một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nơi có ngôi làng Ngò vốn dĩ đẹp xinh, êm đềm, có dòng sông Vạm êm đềm trôi trước cửa làng, có cánh đồng thơm ngát hương lúa nếp thầu dầu và lúa tám xoan, có ngôi trường trung học phổ thông ngự bên ngôi đền thánh Thiên Chúa giáo, có phòng khám Hoa Huệ giống như một bệnh viện thu nhỏ...

Nhân vật chính của tiểu thuyết là Phó Giám đốc sở Lương Hải Hựu; ông xuất hiện trong tiểu thuyết bắt đầu từ lúc cầm quyết định về hưu khi ông năm mươi bảy tuổi, về hưu trước tuổi bởi mệt mỏi nhàm chán với những trò mua quan bán tước, lợi ích nhóm, giá băng trong các mối quan hệ. Về hưu là lúc Hựu “lắng nghe cơ thể mình lên tiếng”. Ông được con gái đưa vào phòng khám Hoa Huệ do cha xứ Dương Khắc Thiệu đỡ đầu, tại đây các bác sĩ, ý tá (đồng thời cũng là những nữ tu) đã phát hiện ông bị tiểu đường, họ tận tình chữa bệnh cho ông  theo tinh thần nhân đạo, theo lời răn của Chúa. Trong thời gian tĩnh tâm chữa bệnh ở phòng khám, luôn xúc động về những ân tình, nhân ái của những thầy thuốc, Lương Hải Hựu có những cái cớ để ngẫm nghĩ, nhớ lại quá khứ của đời mình với những việc đã làm, về cơ bản ông thấy hài lòng với sự cống hiến của mình nhưng ông lại cũng nhận ra những năm tháng vận hành trong cái guồng máy quyền lực, những giá trị nhân bản trong ông cũng vơi cạn ít nhiều, đúng như một triết gia đã nói “Quyền lực ăn mòn nhân bản”. Và những người đánh thức, khơi dậy những giá trị nhân bản trong ông lại là những con người sống rất gần ông mà trong thời gian còn đương chức ông chẳng mấy khi để ý đến họ, như linh mục Dương Khắc Thiệu, xơ Hòa, xơ Lệ, Lương, cán bộ hội phụ nữ xã và ngay cả Lương Hải An, cô phó hiệu trưởng trường THPT, con gái ông. Họ chính là những nhân tố làm tươi mới cuộc đời Hựu, để từ đó ông như bước sang một trang đời khác.

Tác giả cũng xây dựng rất thành công những nhân vật đối lập. Hoàng Ngọc Tốt – một vị chức sắc tham lam, đa mưu túc kế, miệng nói một đằng hành động một nẻo, nham hiểm, những việc hắn làm trái với luân thường đạo lý, trái với thuần phong mĩ tục. Khi biết mình sắp được đề bạt lên một chức vụ cao hơn, y kéo bè kết cánh, tạo thế lực để đưa người em trai dốt nát từ huyện lên ngồi vào ghế Giám đốc Sở thế chỗ của y, “đưa hàng tá con cháu ngồi vào những chiếc ghế béo bở trong ngành”. Hoàng Ngọc Tốt bỏ tiền “đầu tư” cho Phương Điền một cỗ mấy xử lý rác thải nhưng thực chất là y cho vay với lãi suất cao, không những thế y còn thể hiện sự ban ơn bằng cách bỏ tiền xây cho làng Ngò xã Phương Điền một ngôi miếu Thành Hoàng. Y vừa khéo léo vừa trắng trợn vận động lãnh đạo xã cắt nửa mẫu đất bờ xôi ruộng mật làm nền xây ngôi miếu ấy; thực chất là y xây để thờ sống y. Nghía là y trở thành Thành Hoàng của làng một cách êm ru. Loại người có tư tưởng “ngồi xổm” lên đầu nhân dân này ngày nay không hiếm. Hay như bà Đoàn Thị Nhân Ái, một doanh nhân thành đạt nhờ “kết thân” với những nhân vật có uy quyền, trở thành nhân vật làm từ thiện dang tiếng, nhưng đấy chỉ là những trò diễn để được ngời khen chứ tâm địa bà ta không hướng thiện, nói một đằng làm một nẻo. Tình tiết bà ta tiếp thu sự “chỉ đạo” của Hoàng Ngọc Tốt, toan tính lôi kéo Hựu ký đơn khởi kiện linh mục Dương Khắc Thiệu (kẻ gian kiện người ngay) là một hành động ghê tởm.

Tiểu thuyết có những chương dữ dội, gay gắt, nhưng bao trùm lên hầu hết các chương trong  tác phẩm là những tâm hồn hướng thiện. Lương Hải Hựu và Dương Khắc Thiệu, hai người lính ở hai thời kỳ khác nhau (Hựu chiến đầu ở Quảng Trị thời chống Mỹ, Thiệu chiến đấu ở Cămpuchia thời Pôn-pốt Iêngxari)  đều đã từng đối mặt với cái chết, khi hòa bình, cho dù mỗi người đi theo một lĩnh vực khác nhau, một người theo chủ nghĩa duy vật biện chứng vô thần, một người được đào tạo trong chủng viện trở thành linh mục theo chủ nghĩa hữu thần, đối nghịch nhau như nước với lửa, nhưng cả hai đều coi trọng những giá trị nhân văn cao cả nên họ đã gặp nhau, tâm hồn của họ như nguồn nước trong lành lan tỏa trong cộng đồng. Bên cạnh Hựu và Thiệu là xơ Hòa (bác sĩ Hòa) mà thời chiến tranh từng làm y sĩ trong chiến trường Quảng Trị, người đã chứng kiến và trải qua những nỗi đau lớn về thể xác lẫn, sự sang chấn lớn về tinh thần nên càng thấu hiểu và trân trọng giá trị từng phút từng giây của cuộc sống, thâm thía giá trị thời gian một đi không trở lại của kiếp nhân sinh. Một lương y như Hòa thật đáng ngưỡng mộ. Một nhân vật không thể không nhắc đến là xơ Lệ - một bông hoa đẹp trong tiểu thuyết “Hạc hồng”, nàng có tâm hồn trong sáng, thánh thiện và một tuổi trẻ nhiệt huyết với đời, trong cái nhìn từng trải của nhân vật Hựu thì “Cô bé rất thông minh, hiểu biết mà không ranh ma, tài năng mà không kiêu ngạo”. Còn nữa: nhân vật Lương - Chủ tịch hội phụ nữ xã Phương Điền nghỉ hưu rồi nhưng vẫn “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” khi mang vợt, bao tải đi vớt rác ở sông ngòi cho xóm làng, đồng áng đỡ bị ô nhiễm. Rồi cô giáo, Phó hiệu trưởng THPT Lương Hải An trung tín, chính trực, sâu sắc, yêu nghề, vững về kiến văn, có quan niệm sống rõ ràng, bởi thế cô có khả năng truyền nhiệt huyết, ngọn lửa tình yêu văn chương tới đông đảo học trò...

Tôi đặc biệt ấn tượng ở nhân vật cha xứ cai quản đền thánh - linh mục Tadeo Dương Khắc Thiệu. Cứ ngỡ ngài đại diện cho những ảo diệu, hư mộng, chỉ truyền đạt tới bầy chiên những gì thuộc về tín ngưỡng, nhưng không, ngài là một linh mục tân tiến, có phông văn hóa rất cao, cả văn hóa đạo và văn hóa đời. Ngài tôn sùng giáo lý, nhưng ngài lại cũng sẵn sàng “điều chỉnh” giáo lý cho thích hợp với cuộc sống đương đại. Chẳng hạn ngài cho phép các xơ trong dòng tu Mến Thánh Giá ra đồng trồng cấy để có lương thực, thực phẩm nuôi sống đến thánh, nuôi sống nhà tế bần; ngài cho phép xơ Lệ được cởi bỏ nghiệp tu trở về đời thường với ước nguyện nàng tìm được hạnh phúc vì nàng xứng đáng được hưởng hạnh phúc lứa đôi; ngài rửa tội cho kẻ ngoại đạo Phạm Văn Lũng từng phạm tội với đồng loại bởi trong cơm hấp hối người này đã biết ăn năn xám hối, không những thế  khi ông này mất ngài còn cho chôn cất ở nghĩa trang Thiên Thần theo nguyện vọng của ông ta. Ngài đỡ đầu cho phòng khám Hoa Huệ, tiếp nhận bác sĩ giỏi như xơ Hòa về làm bác sĩ trưởng, gửi các xơ khác đi học các khóa chuyên môn để  họ trở về phòng khám chữa bệnh cho dân chúng mà không đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên như nhiều phòng khám tư hiện nay. Cho các xơ đi học đại học ngoại ngữ, văn chương, âm nhạc để trở về phục vụ cho giáo xứ, nâng cao dân trí cho giáo dân nói riêng và cộng đồng dân cư nói chung. Khí biết có nhiều người nạo phá thai, bỏ thai nhi vào túi ni-lông ném xuống sông, trôi ra cửa bể, cha Thiệu lập hẳn một nhóm trùm kẻ liệt chuyện nhặt vớt nhừng hài nhi xấu số, lập một nghĩa trang có tên là Thiên Thần chôn cất. Những lời ngài giảng trong đền thánh, vẫn là Kinh Thánh đấy, nhưng ngài đã thổi cái hồn văn học vào đấy khiến các nhân vật trở nên ấn tượng và “lấp lánh” hơn. Lời giảng của ngài có khi giản di nhưng có sức thuyết phục rất cao: “Nếu anh chị em giáo dân không biết thì không nói làm gì, nhưng khi biết mà cứ để cho những thân xác  các cháu trôi ra biển làm mồi cho cá là mắc tội gián tiếp giết người, phạm điều răn thứ năm của Chúa Giê-su”. Trong xã hội nếu có chuyện xẩy ra làm phương hại tới đạo đức con người, ngài đều dùng Kinh Thánh để liên hệ và răn dậy. Ngài dẫn chững những câu nói của Chúa Giê-su mà ai nghe cũng khó quên:  “Chế ngự bản thân khi có ai đó định hạ nhục mình không có nghĩa là anh em hãy xử sự như một con người không muốn giống những kẻ hàng ngàn năm hạ nhục đồng loại. Ta đến để gieo tình yêu thương như gieo những hạt giống các mối quan hệ của con người và vì vậy sự giận dữ và hận thù là những hiểm họa lớn nhất có thể phá hoại mùa gieo của ta…”. Chính vì thế, bản thân linh mục và ngôi đền thánh Hải Hà đã khắc phục được rất nhiều việc mà cuộc sống cộng đồng vùng quê này chưa thể hoặc không thể giải quyết được. Hay nói cách khác, những gì là khó khăn bế tắc trong việc đời thì linh mục sẵn sàng đứng ra chia sẻ, gánh đỡ. Điều này nhà văn ngụ ý nhắn nhủ tới độc giả rằng: việc đạo và việc đời nếu biết nương tựa vào nhau thì chỉ có thể làm cho cuộc sống trở nên thiên lương, nhân đạo hơn, con người sẽ trở nê NGƯỜI hơn mà thôi!

Một vấn nạn nổi cộm trong tiểu thuyết “Hạc hồng” đo là ô nhiễm môi trường. Con sông Vạm xưa thơ mộng lắm, là một vựa cá tôm, cua rươi nuôi sống cả làng Ngò, giờ đây đã trở thành một cái rãnh nước thải khổng lồ tràn ngập rác rến, bốc lên mùi tanh lợm, hôi thối; cánh đồng làng xưa màu mỡ, trồng đủ loại lúa quý, giờ đây linh mục Thiệu phải cho xây cái bể khổng lồ hứng nước mưa từ mái ngói đền thánh rồi thiết kế đường ống dẫn nước ra tưới cho mấy mẫu lúa nếp thầu dầu, lúa tám xoan để lúa giữ được mùi hương nguyên bản. Cái câu ngạn ngữ được sinh ra từ vùng quê này “tháng chín bão rươi, tháng mười bão ra” chỉ còn trong quá khứ, hoài niệm. Thương tâm, đau lòng, ám ảnh nhức nhối nhất là hình ảnh những hài nhi bị quăng vứt trôi sông, dạt vào bãi bồi ven cửa sông Vạm. Những hài nhi bị chính người thân hoặc những người liên đới vô trách nhiệm thẳng tay vứt bỏ. Đây là một thực trạng báo động về cuộc sống buông thả, băng hoại đạo đức, dẫn đến nạn hút phá thai vừa lén lút vừa công khai hiện nay. Nếu chúng ta biết về Kinh Thánh cũng như Kinh Phật, thấm nhuần luật “nhân – quả” hẳn chúng ta có thể biết trước điều gì sẽ xẩy ra trong mai hậu?

Nhà văn Lê Hoài Nam đã sử dụng kỹ thuật điện ảnh vào tiểu thuyết “Hạc hồng” một cách điêu luyện, tài hoa. Đó là sự lồng ghép phân cảnh đan xen giữa quá khứ và hiện tại, giữa chuyện đời và chuyện đạo, giữa những điều ngỡ là hư ảo, để “phủ định của phủ định” thành điều “khẳng định”, hiển nhiên hợp lý, làm cho tiểu thuyết hấp dẫn lôi cuốn độc giả. Nói chuyện xưa mà người ngày nay không thể không chạnh lòng; nói chuyện nay mà khiến người ta liên tưởng đến những điều đã được Kinh Thánh cảnh báo.  Tấm gương Chúa Giê-su và con đường chịu khổ nạn của Người để nói với người hôm nay rằng những con đường mới mẻ để dẫn tới thành công không chỉ rải toàn hoa hồng mà còn có cả chông gai, chướng ngại, khiến ta đau đớn, có khi mất cả mạng sống nhưng vẫn hãy là chính mình và biết dung cảm vượt qua thách thức đó thì sẽ tới đích.

Lối dẫn chuyện của nhà văn Lê Hoài Nam mang phong thái “đủng đỉnh”, chậm mà chắc, nhỏ nhẹ mà thấm dần, thấm sâu như mưa bụi mùa xuân mà làm tươi tốt cây cối cỏ hoa. Ẩn tàng dưới những câu văn nhẹ nhàng ấy là những tầng ý nghĩa. Mỗi tình tiết, chi tiết đều chứa đựng những thông điệp nhân văn để nói với bạn đọc. Ta đọc thấy trong mỗi trang văn có nỗi niềm trăn trở, những khát vọng nâng đỡ con người tự vượt lên những hạn chế để sống với những giá trị đích thực của kiếp người. Ngay cả cách đặt tên cho nhân vật có sự tương phản tác giả cũng mang dụng ý: linh mục Thiệu trùng tên với kẻ bán nước Nguyễn Văn Thiệu, nhưng vị linh mục ở đây lại rất yêu nước, yêu con người, yêu quê hương xứ xở. Ông giám độc sở tên Tốt nhưng lại có nhiều thói xấu. Bà Nhân Ái tiếng là đi làm từ thiện nhưng  lại có lối ứng xử vô nhân đạo. Thì ra trong cuộc sống bộn bề, phức tạp hôm nay, cái sự phô diễn bề ngoài có khi chỉ để che đậy cái bản chất thực khác hẳn bên trong, nhiều khi “ngỡ là đúng mà lại không thật, mong là thế mà kết quả không là vậy”. Cho nên việc xấu, người xấu, người tốt, việc tốt phải được nhìn nhận, đánh giá ở nhiều khía cạnh, chứ không phải ở cái vỏ bọc hào nhoáng hay những lời nói đãi bôi bên ngoài.

Phần cuối tiểu thuyết có tin vui kép: Ngôi trường THPT Hải Hà mà Lương Hải An làm Phó hiệu trưởng được giải nhất cuộc thi đọc tác phẩm văn học, kết quả này không thể không tính công cho cô giáo Lương Hải An và linh mục Dương Khắc Thiệu. Trái khoáy thay, những học sinh được giải cao lại chọn những tác phẩm mà hầu như toàn bộ hệ thống sách giáo khoa trong nhà trường chưa bao giờ nhắc đến, thậm chí nó chưa từng xuất hiện trong vốn kiến văn của các thầy cô giáo. Đây là một thông điệp khuyến cáo cần phải có một công cuộc chấn hưng văn học trong nhà trường, cần phải đưa vào chương trình những tác phẩm mang giá tri văn chương thực sư thì mới có cơ may thắp lên ngọn lửa nhiệt huyết của cả thầy và trò. Tin vui thứ hai: hình ảnh cỗ máy xử lý rác thải ở Phương Điền  đã vận hành xuôi xẻ. Thành quả này không phải do Hoàng Ngọ Tốt đầu tư, (người dân Phương Điền đã không chấp nhận thủ đoạn của ông quan tham này), mà là công của linh mục Thiệu, của Hựu, của ông giám đốc ngân hàng cổ phần từng là bạn chiến đấu của cha Thiệu. Dòng sông Vạm và những thửa ruộng ô nhiễm đang được thanh tẩy và hình ảnh đôi chim Hạc Hồng “thanh mảnh duyên dáng” đáp xuống những thửa ruộng lúa nếp thầu dầu và lúa tám xoan vừa gặt xong thật đáng chiêm ngưỡng. Hạc Hồng là một loài chim thiêng, theo dân gian thì chúng bây đến đâu là mang điềm may mắn, an lành đến đó. Một cái kết hoàn toàn hợp lý, tuy những việc làm xấu xa của kẻ xấu chưa hoàn toàn được phanh phui trước ánh sáng, nhưng bạn đọc có thể tin những tín hiệu vui đã đến với vùng đất này.

Trong ba năm, nhà văn Lê Hoài Nam cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết; cả hai tác phẩm đều có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, và đáng chú ý là mỗi tác phẩm đều mang dấu ấn nghệ thuật riêng: “Mỹ nhân nơi đồng cỏ” là tiểu thuyết lịch sử, nhà văn chọn một trong những thời ký bi tráng nhất, có những chuyện cam go nhưng còn nhiều khuất lấp nhất trong lịch sử dân tộc mà khai thác. Tiểu thuyết này có mang hơi hướng tôn giáo, nhưng là đạo Phật. Còn tôn giáo trong tiểu thuyết “Hạc hồng”, là Thiên Chúa giáo. Vốn về Thiên Chúa giáo của nhà văn không chỉ  dựa vào Kinh Thánh mà cả tuổi thơ của ông đã tắm táp trong bầu khí quyển ấy. Ngôi trường phổ thông mà ông học thời sơ tán chính là những ngôi nhà nguyện trong khuôn viên ngôi đền thánh thị trấn Liễu Đề ở quê ông. Hàng ngày ông chỉ nghe những xơ trong nhà dòng tụng kinh mà ông thuộc khá nhiều kinh. Những đoạn trích kinh Tân Ước, ông không “bê” nguyên xi lời kinh nguyên bản vào tác phẩm mà nó đã được soi rọi bằng cái nhìn giầu trí tưởng tượng và sáng tạo, chính vì thế mà nó giúp bạn đọc của ngày hôm nay dễ đồng cảm và thích thú hơn trong quá trình cảm thụ tác phẩm./.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *