Tác phẩm và dư luận

23/8
1:43 PM 2018

XUÂN QUỲNH-LƯU QUANG VŨ, NHỮNG NGƯỜI BẠN TỪ THỜI TRẺ VĨNH VIỄN KHÔNG GIÀ

BẰNG VIỆT-Tôi đưa một câu nói giống như khẩu hiệu này làm tựa đề cho cả bài phát biểu hôm nay về Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh, không phải vì muốn thi vị hóa hai người, cũng không phải đã đến tuổi này rồi thì cứ thích quay trở lại cái tuổi “cưa sừng làm nghé” để lạm phát những từ ngữ hoa mỹ sáo rỗng vô bổ.

                                         Người thân của gia đình các nhà thơ Lưu Quang Vũ- Xuân Quỳnh tại hội thảo

Thực chất, khi bình tâm nghĩ lại sự nghiệp làm thơ và viết kịch của Quỳnh và Vũ sau khi các bạn ấy đã từ biệt chúng ta 30 năm, thì chúng ta mới cảm nhận được tận đáy lòng sự trẻ trung không có tuổi của họ, tính năng động không hạn hẹp với thời gian của họ, hai gương mặt chưa bao giờ cũ của họ trong con mắt xét nét của tất thảy chúng ta, những người đồng nghiệp và đồng tuế, đồng niên luôn luôn có thể xét nét nhau tới từng chân tơ kẽ tóc. Nói như vậy để cũng có thể gần như khẳng định, là họ chắc chắn sẽ đi vào cõi bất tử, mặc dù trong bạn bè cùng lứa chúng ta, ai mặc nhiên công nhận ai trở thành bất tử trong sự nghiệp sáng tạo thực sự là vô cùng hiếm và không hề dễ dàng gì, nếu động chạm vào lòng tự ái hoặc sự đố kỵ nào đó.

      Tuy nhiên hôm nay, nhân 30 năm ngày chúng ta mất đi hai người bạn thân thiết trong hàng ngũ sáng tác cùng lứa khởi đầu từ thời chống Mỹ, chúng ta đã có đủ độ lùi cần thiết để có thể khẳng định lại giá trị không hề bị thời gian bào mòn, không thể bị làm phai tàn đi những gì cốt lõi trong sức sống trẻ trung, năng động, trong những đột phá sáng tạo không ngưng nghỉ, từ hai người bạn vĩnh viễn không già trong tâm tưởng chúng ta, là Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh.

       Từ thời mới bước chân vào sáng tác, cả hai người đều không hề bằng lòng với một cách viết vuông tròn, kiểu mọi thứ đều có đủ, tròn trịa, để không ai chê trách. Họ luôn chia sẻ rằng nếu hai hòn bi tròn vo thì không có cách gì gắn thật chặt vào nhau. Bí quyết để hai viên bi có thể gắn hay dán chặt vào nhau, là mỗi viên phải có ít nhất một hai vết sứt sẹo, phải có kẽ hở để có thể đưa keo vào làm chỗ gắn. Vì thế, chúng ta đừng đánh giá viên bi hoàn hảo là viên bi tròn trặn từ nguyên bản, mà nó phải là những viên bi đã lăn lóc mãi qua thử thách, chịu va đập cho đến khi sứt sẹo thì mới thành “ chính quả”. Đó cũng là một triết lý thú vị về cách sống và mối quan hệ kết nối trong tình cảm và sáng tác của hai người. Vì thế, nếu có ai nghĩ đơn giản rằng, trong sáng tác, Xuân Quỳnh chỉ tâm đắc nhất chất tơ non của “ Chồi biếc”, hay Lưu Quang Vũ chỉ thích nhất chất mát mẻ khiêm nhường của “ Vườn trong phố”, thì quả là đã nhầm to!

      Những bài thơ tình yêu đầy bão tố và đắng đót của Xuân Quỳnh ở giai đoạn sau, những bài thơ mang tính thế sự, đau đời và đầy chua chát, chua chát đến bi thảm và khinh bạc của Lưu Quang Vũ những năm bị “thất sủng” khoảng 1970 – 1971 đã cho chúng ta thấy rõ hơn phía “sứt sẹo” của những viên bi khi lăn lóc và thể nghiệm trong đời đã bị tổn thương đến đâu, và cùng với nó là con người đã chín tới và từng trải đến đâu. Cả hai người bạn trẻ của tôi, hồi đó, có lúc đã trở thành những chứng nhân lão luyện của mọi biến động xã hội, có lúc cũng đã trở thành những triết nhân bất đắc dĩ trước thời cuộc, và cũng không thể nói là đã có lúc họ chịu đóng vai những triết nhân già trước tuổi, già rất xa so với những người cùng lứa! Trong những ánh lóe đột biến của tài năng đó, có lúc họ đã chớp được đôi ánh lóe của thiên tài, và khoảnh khắc vụt sáng ấy của thiên tài, may mắn sao, đã kịp ghi dấu ấn lại rõ nét trong đời sáng tác của họ. Nhưng rồi sau tất cả, chúng ta vẫn thấy họ là những con người bình thường, đầy vật vã khổ đau, khó nhọc vì con cái, vì cả miếng cơm manh áo, vì một căn hộ chật cứng trên tầng cao, vì những hạn hẹp của đời sống cán bộ trong thời chiến và thời kinh tế bao cấp. Tuy nhiên, hai người có ý thức không hề để những điều ấy làm mờ tối đi những câu thơ, hoặc làm tầm thường hóa đi những sáng tạo của mình. Nỗi đau đời được nâng tầm lên trong những bài thơ, dù là tả về một căn nhà chật, một đêm mất ngủ, một buổi đi xếp hàng mua thức ăn, cho đến một trận bão lũ, một mùa hạn hán … Hoặc thậm chí còn rất nhiều trục trặc, nghịch lý và lố bịch trong đời sống, đã được đúc kết lên ở tầm cao triết học trong các vở kịch luận đề của Lưu Quang Vũ, những vở kịch đã làm hàng triệu khán giả cả nước đứng ngồi không yên trong hơn một thập kỷ mới từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, mới từ thời bao cấp chuyển sang nhúc nhắc một chút cởi mở, có kinh tế tư nhân, để dọn đường cho thời Đổi Mới. Bây giờ nhìn lại, chúng ta kinh ngạc vì mức độ nắm bắt những vấn đề nhạy cảm của đời sống đã được Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đưa vào tinh tế và chi tiết đến thế nào trong rất nhiều vở kịch và bài thơ còn đọng lại mãi trong trái tim mọi người.

       Nhưng sau tất cả, tôi bao giờ cũng chảy nước mắt khi nghe bài hát được phổ thơ của Xuân Quỳnh “Thơ tình cuối mùa thu”. Thơ đã hay mà phổ nhạc cũng rất hay, nó đúng với tâm sự của nhiều người, mà cũng thật sự là tâm sự của đôi người yêu nhau Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ thời ấy: “Tình ta như hàng cây, Đã qua mùa bão gió, Tình ta như dòng sông, Đã yên mùa thác lũ. Thời gian như ngọn gió, Mùa đi cùng tháng năm, Tuổi theo mùa đi mãi, Chỉ còn anh và em... Kìa bao người yêu mới, Đi qua vùng heo may, Chỉ còn anh và em, Cùng tình yêu ở lại…”.

      Cái điệp khúc “ Chỉ còn anh và em , Cùng tình yêu ở lại…” ấy có thể cũng coi như một lời khẳng định và là niềm tiên cảm cho sức sống và tình yêu của họ với mai sau và tình yêu của mai sau đối với cặp đôi tài sắc và bạc mệnh này. Một tình yêu nồng nhiệt trẻ trung vẫn như thuở đầu tiên, một tình yêu vĩnh viễn không già!.

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *