Tác phẩm và dư luận

1/2
5:43 PM 2019

TIỂU THUYẾT “TRÍ NHỚ SUY TÀN” CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN BÌNH PHƯƠNG ĐƯỢC DỊCH SANG TIẾNG PHÁP

Đầu năm 2019, nhà xuất bản Riveneuve của Pháp đã cho ra mắt tiểu thuyết Trí nhớ suy tàn của nhà văn Nguyễn Bình Phương, bản dịch do Emmanuel Poisson, một nhà nguyên cứu, đồng thời cũng là dịch giả có tiếng người Pháp thực hiện. Đây là tiểu thuyết thứ hai của Nguyễn Bình Phương được dịch và in tại Pháp.

Tác phẩm thứ nhất là Thoạt kỳ thủy, dịch và in năm 2014, qua bản dịch của dịch giả Đỗ Danh Thành.  Trí nhớ suy tàn viết và in năm 2000, là tiểu thuyết ngắn nhất của Nguyễn Bình Phương, đồng thời cũng là tiểu thuyết nhẹ nhàng, đậm chất thơ nhất của nhà văn này.

Đánh giá về Trí nhớ suy tàn, nhà phê bình Đoàn Ánh Dương nhận định: “Trí nhớ suy tàn là một thể nghiệm đổi mới tiểu thuyết thành công của Nguyễn Bình Phương. Tác phẩm có hình thức của một tiểu thuyết - nhật ký. Ở đó, tác giả dường như đã lui vào hậu trường để nhân vật của mình độc diễn trên sân khấu. Những suy tư nửa thanh minh, nửa biện hộ, nửa khước từ, nửa níu giữ giữa hai người tình của cô gái được trải ra trên trang giấy như một nhu cầu tự vấn, một khao khát sẻ chia. Ở một trạng thái hiện sinh, một nhu yếu đối thoại như vậy tạo nên sự luân chuyển điểm nhìn giữa người kể và người nghe, tức giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, làm nên tính năng sản ngữ nghĩa của văn bản. Đưa ra một giả định là sự suy tàn của trí nhớ, lại lựa chọn chủ thể của phát ngôn là cô gái đa cảm, đang phân vân, chao đảo giữa hai người tình, hẳn nhiên diễn ngôn sẽ có sự mở rộng biên độ của trí tưởng tượng. Cùng với những câu văn thiếu chủ từ, tính không xác định của nhân vật, những biểu tượng ám ảnh,… Trí nhớ suy tàn mang phẩm tính của một tác phẩm thơ, cho thấy căn cốt nhà thơ của Nguyễn Bình Phương khi bước sang địa hạt của tiểu thuyết”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Ngọc Hân thì cho rằng: “trong trí nhớ suy tàn, tác giả lại xây dựng cho mỗi nhân vật một mảng hiện thực riêng biệt. Mỗi nhân vật đóng khung trong thế giới của mình. Có tới trên 20 nhân vật được khắc họa trong tác phẩm nhưng hình như họ không có liên hệ với nhau. Ta như bước vào thế giới không hình người (mặc dù có đám đông), bước vào những trang văn không nhân vật (mặc dù có trên 20 cái tên được nhắc đến). Tác giả tái hiện thực tại thông qua cái nhìn của Em. Nhưng cái nhìn của cô mờ nhạt, xa xôi, nhòe nhoẹt, vì cô đã dánh mất mọi ý niệm về đời sống, thời gian, không gian, tình yêu, tình dục. Cuối cùng cô đã tự mình cởi trói, thoát khỏi sự ràng buộc, chỉ có một ám ảnh vẫn theo đuổi “trí nhớ đang suy tàn ghê gớm”.

Còn Thụy Khuê nhận định về Trí nhớ suy tàn như sau: “không lôgic, không biện luận, không mô tả theo nghĩa thông thường. Người viết truyện chỉ là thư ký, ghi lại những gì trí nhớ cô gái xướng lên trong trạng thái nguyên thủy, mỗi liên tưởng có thể gần gũi mà cũng có thể nhảy cóc từ vấn đề này sang vấn đề khác. Trong thể loại cổ điển người ta gọi đó là tùy bút. Nhưng ở đây có cái gì rất khác, rất xa tùy bút, đó là sự vắng mặt của cái tôi xác định”.

Năm 2012, trong bài viết có tên “Kỹ thuật độc đáo của Nguyễn Bình Phương trong Trí nhớ suy tàn” in trên tạp chí văn học, Giáo sư Phùng Văn Tửu đã hạ câu kết: “Trí nhớ suy tàn là một thách đố với những ai muốn dịch tác phẩm này ra tiếng nước ngoài”. Như vậy có thể hiểu, dịch giả Emmanuel Poisson là người đã dũng cảm chấp nhận đối diện sự “thách đố” mà giáo sư Phùng Văn Tửu đã chỉ ra.

Và với sự ra mắt của bản dịch cuốn Trí nhớ suy tàn (trong bản tiếng Pháp mang tên là Bầu trời khác), thêm một tác văn học Việt Nam đương đại được bước ra thế giới.

PV

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *