Tác phẩm và dư luận

14/7
8:41 AM 2018

MẤY Ý KIẾN VỀ CHƯƠNG TRÌNH LÝ LUẬN VĂN HỌC Ở ĐẠI HỌC VÀ PHỔ THÔNG

TS. Phạm Ngọc Hiền-Lý luận văn học là một bộ môn quan trọng trong ngành Văn học. Ở bậc đại học, sinh viên được học môn này suốt từ đầu đến cuối khóa học. Nhưng trong chương trình phổ thông trước đây, kiến thức Lý luận văn học chưa được chú trọng đúng mức.

 Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn. Đây là dịp để chúng xem xét sự kết nối giữa chương trình Lý luận văn học ở đại học và trung học. Từ đó, đề xuất phương hướng dạy bộ môn này ở bậc đại học.

1. Vài nét về kiến thức Lý luận văn học trong sách giáo khoa (SGK) trung học

Trước đây, môn Lý luận văn học chỉ dành để dạy cho sinh viên Ngữ văn. Tức là, kiến thức lý luận chỉ dành để trang bị cho người thầy. Thời bao cấp, SGK trung học không có những bài lý luận văn học dành cho học sinh. Đến chương trình giáo dục cải cách và chỉnh lý hợp nhất, có một số bài Lý luận văn học nằm ở cuối sách tập 2 (chung với phần Văn học nước ngoài). Nhưng thông thường, giáo viên không dạy các bài này, hoặc chỉ dạy đối phó. Các đề thi học kỳ, tốt nghiệp, tuyển sinh cũng không có phần Lý luận văn học. Vì thế nội dung Lý luận văn học chưa được chú trọng đúng mức.

Từ năm học 2006 – 2007, SGK Ngữ văn phân ban bắt đầu được sử dụng đại trà trên toàn quốc. Điều đáng chú ý là trong bộ sách này, kiến thức Lý luận văn học được coi trọng hơn trước. Trong bộ SGK nâng cao, ngoài một số bài dạy riêng, còn có nhiều nội dung Lý luận văn học được lồng ghép vào trong các bài giảng văn. Ví dụ như cách trình bày của sách Ngữ văn 12, nâng cao: Trong bài Việt Bắc, ở mục Tri thức đọc hiểu, có phần giới thuyết “Thơ lục bát”, “Tính dân tộc của văn học”. Trong bài Rừng xà nu, có phần “Thời gian được trần thuật và thời gian trần thuật”…

Trong bộ SGK hiện hành và cũng như trước đây, chương trình môn Ngữ văn được sắp xếp theo tiến trình Văn học sử. Nghĩa là học sinh được học theo thứ tự từng giai đoạn văn học và phân tích lần lượt từng tác phẩm theo thời gian sáng tác. Còn trong Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn (2018), SGK được trình bày theo trục Ngôn ngữ tiếng Việt. Tác phẩm văn học chỉ được xem như ngữ liệu. Chẳng hạn, trong dự kiến chương trình lớp 11 (L.11), học sinh phải học các nội dung mang tính lý luận như: chủ thể sáng tạo, cách lựa chọn đề tài, đặc điểm của tiểu thuyết, ký trữ tình, bi kịch v.v… Giáo viên và học sinh sẽ dựa vào các tác phẩm gợi ý để tìm dẫn chứng minh họa cho các chủ điểm Lý luận văn học. Cùng dạy chủ điểm “Đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại”, có thể giáo viên và học sinh lớp này chọn phân tích Số đỏ, giáo viên và học sinh lớp kia chọn phân tích Mùa lá rụng trong vườn. Như vậy, mục tiêu chính là rèn luyện kỹ năng phân tích tác phẩm nói chung chứ không nhằm học thuộc lòng cách phân tích một tác phẩm cụ thể nào. Để nắm được các kỹ năng này, học sinh phải am hiểu các kiến thức Lý luận văn học.

 Theo bản Dự thảo, có 6 tác phẩm bắt buộc phải dạy, những tác phẩm còn lại (trong phần Phụ lục) chỉ là gợi ý tự chọn. Trong mục “Giải thích và hướng dẫn thực hiện chương trình”, bản Dự thảo có ghi: “Chương trình Ngữ văn mới không quy định cụ thể các văn bản được dạy trong từng lớp. Tuy vậy, một số tác phẩm có vị trí đặc biệt, bắt buộc dạy học trong nhà trường như: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu, Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh. Tất cả các văn bản còn lại, chương trình chỉ nêu gợi ý, khuyến nghị để tác giả sách giáo khoa và giáo viên tham khảo, hình dung được độ khó, độ dài và sự thích hợp về thể loại, đề tài của văn bản đối với từng lớp học (Phụ lục)” [1, tr.101-102]. Chương trình SGK mới nhằm hướng tới rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và lý luận chung về văn học chứ không hướng vào phân tích từng tác phẩm cụ thể theo trình tự bắt buộc như trước đây.

 

2. Đối chiếu nội dung giảng dạy Lý luận văn học ở đại học và trung học (theo Dự thảo chương trình SGK mới 2018)

Mục tiêu giảng dạy bộ môn Lý luận văn học ở trường sư phạm là cung cấp những kiến thức lý luận cho những thầy cô giáo dạy Ngữ văn trong tương lai. Hiện nay, các trường sư phạm sử dụng nhiều giáo trình Lý luận văn học khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là các bộ sách có cùng tên gọi Lý luận văn học của các chủ biên như: Phương Lựu, Hà Minh Đức, Trần Đình Sử… Trong các giáo trình này, có nhiều nội dung tương thích với Dự thảo chương trình SGK Ngữ văn mới. Nhưng cũng có một số nội dung không tương thích. Sau đây, chúng tôi liệt kê các nội dung Lý luận văn học ở bậc trung học (dựa theo bản Dự thảo năm 2018):

Văn học và hiện thực: Tác dụng của văn học hay mối quan hệ giữa văn học với đờisống (L.6), Bối cảnh lịch sử / bối cảnh văn hoá, xã hội và tácphẩm (L.10)

Nhà văn, chủ thể sáng tạo: Quan điểm thẩm mĩ của tác giả và cách giải quyết trong vănbản (L.7), Chủ thể sáng tạo, cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của tácphẩm (L.11), Quan điểm của người viết và quan điểm của ngườiđọc (L.11), Chủ thể sáng tạo vănhọc (L.12), Ảnh hưởng, tác động của thiết chế văn hoá trong sáng tạo, tiếpnhận (L.12)

Bạn đọc và tiếp nhận văn học: Những trải nghiệm cuộc sống và việc hiểu vănhọc (L.7), Tiếp nhận văn bản văn học theo những cách khác nhau - vai trò của ngườiđọc (L.8), Quan điểm của tác giả trong tác phẩm và quan điểm người đọc (L.8), Bối cảnh xã hội và việc hiểu vănbản (L.9), Văn hoá và sự trải nghiệm của bảnthân với việc đọc hiểu văn bản (L.9), Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của lịch sử văn học trong đọc hiểu văn bản (L.9), Tác phẩm văn học và ngườiđọc (L.10), Các nhân tố làm cho một tác phẩm văn học hay một cuốn sách trở nên nổitiếng (L.11), Quan điểm của người viết và quan điểm của ngườiđọc (L.11), Vai trò người đọc trong đánh giá, phê bình vănbản (L.11), Sơ giản về lịch sử văn học và vai trò của kiến thức nền về lịch sử văn học trong đọc hiểu vănbản (L.12)

Tính dân tộc, tính nhân loại: Sự gần gũi về nội dung giữa những tác phẩm văn học thuộc các nền văn hoá khác nhau (L.10), Các chủ đề mang đặc trưng văn hoá dân tộc (tính dân tộc) và các chủ đề mang tính phổ biến trên thế giới (tính nhân loại) (L.11)

Đề tài, chủ đề, tư tưởng: Chủ đề văn bản và thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện qua vănbản (L.6), Đề tài và chủ đề của văn bản; mối liên hệ giữa chi tiết với chủ đề, cách xác định chủ đề văn bản; thái độ, tình cảm của tác giả thể hiện qua vănbản (L.7), Điểm giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm viết về cùng một đềtài (L.7), Đề tài và chủ đề, cách xác định chủ đề (L.8), Tư tưởng của tácphẩm (L.9), Mối quan hệ giữa đề tài, chủ đề, tư tưởng (L.9), Cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của tácphẩm (L.10), Mối quan hệ giữa nội dung và nhan đề; chủ đề và tư tưởng trong tácphẩm (L.10), Chủ thể sáng tạo, cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của tácphẩm (L.11), Cách lựa chọn đề tài và nhan đề của tác phẩm (L.11), Cảm hứng chủ đạo và tư tưởng của tác phẩm văn học (L.12)

Hình tượng, nhân vật: Ảnh hưởng của tính cách nhân vật đến sự phát triển của cốt truyện (L.10), Tính biểu tượng của hình tượng nghệ thuật (L.11), Hình ảnh, biểu tượng trong thơ trữ tình; biểu tượng văn học / văn hoá và biểu tượng thơ ca (L.12), Diễn biến tâm lí của nhân vật và cách thức thể hiện tâm lí nhân vật của nhàvăn (L.12) [theo chúng tôi, nên mở rộng hơn: “nghệ thuật xây dựng nhân vật” và có thể dạy từ lớp 9]

Cốt truyện: Cách xây dựng bối cảnh, cốt truyện, kết cấu và nhân vật; cốt truyện tuyến tính và cốt truyện phi tuyếntính (L.8), Xung đột, mâu thuẫn bên trong và xung đột mâu thuẫn bên ngoài (L.9), Vai trò của yếu tố kì ảo trong truyện cổ dân gian (L.10), Mối quan hệ giữa nhân vật và cốttruyện (L.10), Cốt truyện truyền thống, cốt truyện hiện đại và sự phát triển của cốt truyện theo các hình thức phi tuyến tính (L.11), Vai trò của chi tiết trong việc thể hiện chủ đề, cảm hứng, tư tưởng của tác phẩm (L.12)

Kết cấu: Cấu trúc một bài thơ: tiêu đề, dòng thơ, khổ thơ, vần, nhịp, hình ảnh, biện pháp tu từ; tác dụng của các yếu tố (L.6), kết cấu (cách tổ chức bề mặt lẫn bề sâu của văn bản văn học) (L.8), Mối quan hệ của ngôi kể, điểm nhìn với cốt truyện và việc thể hiện chủ đề của văn bản (L.12)

Ngôn từ: Chi tiết, nội dung tường minh, hàm ẩn và mối liên hệ giữa các chi tiết trong văn bản văn học (L.6), Nhan đề và cách đặt nhan đề vănbản (L.8), Phương ngữ trong ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật (trong đối thoại) (L.8), Ngôn ngữ kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật; ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại, độc thoại nội tâm (L.9), Nội dung tường minh và hàm ẩn (L.10)

Thể loại: Có thể nói, Dự thảo chương trình SGK mới dành khá nhiều thời lượng để dạy thể loại văn học. Tuy nhiên, nhiều thể loại được dạy đi dạy lại nhiều lần giữa các lớp, gây nhàm chán. Trong bản Dự thảo, có hai bài lý luận chung về thể loại: Cách so sánh hai thể loại vănhọc (L.11), Mối quan hệ giữa thể loại với chủ đề hay đề tài của văn bản (L.12). Phần lớn chương trình là những bài nghiên cứu từng thể loại cụ thể. Sau đây là những thể loại trong chương trình Dự thảo được sắp theo từng bộ phận văn học:

Các thể loại văn học dân gian: Một số đặc điểm của truyện truyền thuyết và cổ tích: cốt truyện tuyến tính, yếu tố kì ảo, các loại nhân vật, lời kể và lờithoại (L.6), Đặc điểm của thơ lụcbát (L.6), Một số đặc điểm cơ bản của tục ngữ, truyện ngụ ngôn, truyện cười: mục đích, cốt truyện, nhân vật, ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật (L.7), Sự khác biệt giữa truyện cổ dân gian với truyện trong văn học viết (qua cốt truyện, nhân vật; xung đột; người kể chuyện, điểm nhìn, ngôn ngữ  diễn ngôn trần thuật) (L.7), Đặc điểm của sử thi: bối cảnh, sự kiện, nhân vật; ngôn ngữ, giọng điệu; vai trò của người kể/ diễn xướng (L.10).

Các thể loại trong văn học viết:

Các thể loại thơ: Yếu tố tự sự, miêu tả trong thơ (L.6), Đặc điểm thơ tự do: hình ảnh, vần, nhịp và biện pháp tu từ (L.7), Đặc điểm nghệ thuật thơ trào phúng: mục đích, đối tượng và các thủ pháp nghệ thuật (L.8), Đặc điểm nghệ thuật thơ song thất lục bát: cấu trúc hình thức và các thủ pháp nghệ thuật (L.8), Các yếu tố hình thức của một bài thơ: hình ảnh, vần, nhịp, từ ngữ (L.8), Tính độc đáo của bài thơ thể hiện qua luật thơ, hình ảnh, từ ngữ, cách cấu tạo hình thức thểhiện (L.9), Đặc điểm của thơ tự sự và truyện thơ Nôm Việt Nam: nhân vật, cốt truyện, cách kể chuyện, ngôn ngữ và các biện pháp nghệ thuật (L.9), Đặc điểm của thơ Đường luật (thơ thất ngôn bát cú, tứ tuyệt) và thơ tự do: cấu trúc hình thức và các biện pháp nghệt huật (L.9), Giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố hình thức trong thơ (L.10), Đặc điểm thơ Haiku (L.10), Ý nghĩa, tác dụng của yếu tố tự sự trong thơ; đặc điểm, giá trị độc đáo của truyện thơ Việt Nam (L.11), Giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố hình thức trong thơ: cấu tứ, hình ảnh nghệ thuật, vần, nhịp, từ ngữ, biện pháp tu từ, số chữ, dòng thơ, khổ thơ, cách cấu tạo hình thức bài thơ thể hiện trên văn bản (L.11), Thơ trữ tình, giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố trong thơ (L.12)

Các thể loại văn xuôi: Truyện ngắn (hiện đại): đặc điểm nhân vật, bối cảnh, cốt truyện; quan hệ giữa bối cảnh với nhân vật và cốt truyện; các kiểu người kể (L.6), Đặc điểm chung của kí tự sự (nhật kí, hồi kí, du kí, kí sự, phóng sự) (L.6), Một số đặc điểm cơ bản của truyện lịch sử: sự kiện, nhân vật, bối cảnh, xung đột (L.7), Đặc điểm kí trữ tình: sự kiện, cái tôi trữ tình, ngôn ngữ (L.7), Một số đặc điểm cơ bản của truyện trinh thám (L.8), Đặc điểm cơ bản của truyện khoa học viễn tưởng (L.9), Những phương tiện, thủ pháp nghệ thuật được sử dụng để tăng tính hấp dẫn/ tính thuyết phục của văn bản văn học phi hư cấu (L.9), Đặc điểm của tiểu thuyết hiện đại và tiểu thuyết chương hồi: bối cảnh, cốt truyện, sự kiện, nhân vật, diễn ngôn trần thuật; cách tổ chức trần thuật (L.11), Ký trữ tình (tuỳ bút, bút kí, tản văn) và một số thủ pháp nghệ thuật thường dùng trong kí trữ tình (L.11), Một số đặc điểm của tiểu thuyết và truyện kì ảo hiện đại (L.12), Một số thể loại kí tự sự, Đặc điểm của kí tự sự (L.12)

Các thể loại kịch: Đặc điểm của hài kịch: bối cảnh, cốt truyện, nhân vật, xung đột, tình huống, vai diễn, lời thoại (L.8), Đặc điểm của bi kịch: cốt truyện, nhân vật (khát vọng và hành động), bối cảnh, xung đột, lời thoại trong bi kịch (L.9), Một số biện pháp nghệ thuật thường dùng trong kịch bản chèo (sân khấu dân gian) (L.10), Bi kịch: nhân vật, hành động, mâu thuẫn (xung đột) và một số thủ pháp nghệ thuật thường dùng trong bi kịch (L.11).

Có một số nội dung được đề cập trong chương trình Dự thảo ở trung học nhưng chưa được chú ý đúng mức chương trình Lý luận văn học ở đại học. Chẳng hạn như văn học so sánh và so sánh trong văn học: So sánh và kết nối văn học (L.6), Sự khác biệt giữa truyện cổ dân gian với truyện trong văn học viết (qua cốt truyện, nhân vật; xung đột; người kể chuyện, điểm nhìn, ngôn ngữ/ diễn ngôn trần thuật) (L.7), Điểm giống nhau và khác nhau giữa hai tác phẩm viết về cùng một đề tài (L.7), Sự gần gũi về nội dung giữa những tác phẩm văn học thuộc các nền văn hoá khác nhau (L.10), Cách so sánh hai thể loại văn học (L.11).

Ở bậc đại học, sinh viên thường học tách rời các thành tố văn học. Nhưng trong Dự thảo chương trình mới ở trung học, có nhiều nội dung yêu cầu học sinh tìm hiểu mối quan hệ chi phối lẫn nhau giữa các thành tố trong chỉnh thể tác phẩm. Ví dụ: Mối liên hệ giữa chi tiết với chủ đề (L.7), Ảnh hưởng của tính cách nhân vật đến sự phát triển của cốt truyện (L.10), Mối quan hệ giữa nhân vật và cốt truyện (L.10), Mối quan hệ giữa nội dung và nhan đề; chủ đề và tư tưởng trong tác phẩm (L.10), Mối quan hệ của ngôi kể, điểm nhìn với cốt truyện và việc thể hiện chủ đề của văn bản (L.12), Mối quan hệ giữa thể loại với chủ đề hay đề tài của văn bản (L.12)…

         Có một số thể loại, Dự thảo chương trình mới ở trung học có đề cập nhưng chưa được cập nhập trong các giáo trình Lý luận văn học ở đại học. Chẳng hạn như: Một số đặc điểm cơ bản của truyện trinh thám (L.8), Đặc điểm cơ bản của truyện khoa học viễn tưởng (L.9), Đặc điểm thơ Haiku (L.10), Truyện tranh, phim hoạt hình/ phim truyện (Chuyên đề 1: Đọc hiểu văn bản đa phương thức, L.10)… Như vậy, trong tương lai, các giáo trình Lý luận văn học cần cập nhật những nội dung đã được triển khai trong chương trình phổ thông.

Tuy nhiên, cũng cần nói thêm là Dự thảo chương trình phổ thông vẫn còn thiếu một số nội dung của Lý luận văn học. Có một số nội dung đã được các SGK trước đây đề cập nhưng không được chú ý đúng mức trong chương trình mới. Ví dụ như chức năng, đặc trưng của văn học, không gian, thời gian nghệ thuật, hình tượng tác giả, phong cách văn học… Đặc biệt, Dự thảo chương trình mới chưa chú ý đến tiến trình văn học. Trong khi đây là một phần quan trọng trong chương trình Lý luận văn học ở đại học và cũng đã từng được đưa vào SGK Văn học 12 (sách chỉnh lý hợp nhất năm 2000). Lẽ ra cần trang bị cho học sinh cách nhận biết một tác phẩm văn học thuộc chủ nghĩa nào: cổ điển, lãng mạn, hiện thực, tượng trưng, hiện sinh, hậu hiện đại… Cũng giống như xem một bức tranh, cần phải biết bức tranh ấy theo trường phái nào. Có được trang bị kiến thức về các chủ nghĩa, trường phái, kiểu sáng tác, học sinh mới cảm nhận hết vẻ đẹp của nghệ thuật.

 

3. Vai trò của bộ môn Lý luận văn học ở đại học trong tương lai

Chương trình ngành Văn học ở đại học gồm hai bộ môn: Văn học sử và Lý luận văn học. Trước đây, bộ môn Văn học sử chiếm một dung lượng rất đồ sộ, bao gồm văn học dân gian, văn học trung đại và hiện đại Việt Nam, văn học nước ngoài. Còn Lý luận văn học chỉ có ba phần là Nguyên lý văn học/ Dẫn luận văn học, Tác phẩm và thể loại văn học, Tiến trình văn học. Thời lượng của môn Lý luận văn học chỉ bằng khoảng 1/3 thời lượng của Văn học sử. Với sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông trong tương lai, cần cân đối lại thời lượng giữa hai môn.

Trước đây, SGK được cấu trúc theo tiến trình Văn học sử. Học sinh phải học thuộc lòng tiểu sử và sự nghiệp của nhà văn, học thuộc lòng những bài thơ… Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, những công việc đọc chép và thuộc lòng như thế không còn cần thiết nữa. Mọi người đều có các phương tiện kết nối internet, chỉ cần tra cứu trực tuyến là có tất cả những thông tin cần thiết. Bởi vậy, chương trình Văn học sử chỉ nên cung cấp cho người học bộ khung của lịch sử văn học và phương pháp nghiên cứu tác giả, giai đoạn văn học. Trong tương lai, SGK mới không còn dạy theo tiến trình từng tác phẩm như trước đây. Bởi vậy, bộ môn Văn học sử cần giảm bớt thời lượng để đầu tư cho các môn khác, nhất là Lý luận văn học.

Lý luận văn học không chỉ là môn lý luận suông mà còn phải có tính thực hành ứng dụng. Nó trang bị cho người học những thao tác để tiếp cận, đánh giá tác phẩm. Người học sử dụng những thao tác đó để phân tích tất cả các tác phẩm văn học trong và ngoài nhà trường, kể cả các loại hình nghệ thuật khác. Trước đây, việc dạy Lý luận văn học ở trường đại học thường tách rời việc phân tích một tác phẩm cụ thể. Những lý thuyết cao siêu trừu tượng của nó làm cho người học khó hiểu, cảm thấy không hứng thú và không thiết thực. Có một phân môn của Lý luận văn học là Thi pháp học. Môn này kết nối giữa lý thuyết và thực hành phân tích tác phẩm. Tuy nhiên, có trường dạy, có trường không dạy. Việc dạy phương pháp phân tích tác phẩm được giao cho môn Phương pháp giảng dạy Văn học. Trong tương lai, SGK được cấu trúc theo trục Ngôn ngữ. Phần kiến thức văn học chỉ tập trung vào các chủ điểm Lý luận văn học. Bởi vậy, môn Phương pháp giảng dạy Văn học cũng cần sửa đổi, chú trọng nhiều hơn đến kiến thức Lý luận văn học. Nếu cần thiết, có thể thêm môn Phương pháp dạy học Lý luận văn học ở trường phổ thông.

Nói tóm lại, Dự thảo chương trình Ngữ văn mới năm 2018 đã cho thấy nhiều ưu điểm nổi bật của SGK mới. Chương trình này bắt nhịp với việc dạy và học Ngữ văn của các nước tiên tiến trên thế giới. Một khi chương trình Ngữ văn ở phổ thông thay đổi thì chương trình Ngữ văn ở các trường sư phạm cũng cần thay đổi. Ở những trường có điều kiện, sự thay đổi ấy cần tiến hành trước khi áp dụng SGK mới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2018), Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn (Dự thảo ngày 19 tháng 01 năm 2018)

2. Hà Minh Đức (chủ biên) (1999), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, H.

3. Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lí luận văn học, NXB Giáo dục, H.

4. Trần Đình Sử (chủ biên) (2011), Lí luận văn học, tập 2, NXB ĐHSP, H.

Nguồn Văn nghệ số 28/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *